Khi nữ sinh Shirley Ardman phỏng vấn Salinger năm ông 21 tuổi, nhà văn chưa thành danh. Phải đến 10 năm sau, “Bắt trẻ đồng xanh” mới ra đời. Nhưng lúc đó, Salinger đã rất… “Salinger”.

Trong 60 năm sự nghiệp, tác giả ‘Bắt trẻ đồng xanh’ rất ít trả lời phỏng vấn, số lượng đếm trên đầu ngón tay và thậm chí còn chưa được tiết lộ hết.

Trong đó, có một cuộc phỏng vấn vào những năm 1950, gần đây mới công bố. Người viết là một nữ sinh trung học tên là Shirley Ardman, 18 tuổi. Bài viết dài khoảng 1.200 từ. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong quán bar của một khách sạn ở New York. Salinger năm đó 21 tuổi, vừa ra mắt truyện ngắn đầu tay.

Shirley mở đầu bài phỏng vấn: “‘Mọi người đều ngu ngốc’, Salinger nói, liếc nhìn những người khách khác trong quán bar. ‘Tất nhiên là họ ngu ngốc’, anh lặp lại. ‘Nếu không họ đã không đọc ngấu nghiến các tạp chí giật gân và hời hợt. Tại sao chứ, những kẻ viết thuê, tác giả các bài viết đó cũng chẳng hề khá hơn những người đọc họ’”.


Ảnh: Nhà văn J.D. Salinger. Ảnh: The Drum.

Cô học sinh 18 tuổi thực hiện cuộc phỏng vấn này do yêu cầu của người thầy ở Đại học Columbia, với đề bài “Phỏng vấn một tác giả có tác phẩm đã xuất bản” để đăng trên tạp chí của trường. Một người bạn của Shirley là Lamont Buchanan, quen biết Salinger, đã giới thiệu nhà văn trẻ chưa thành danh này với cô. Sau này, Shirley đoán rằng Lamont là một trong những nguyên mẫu của nhân vật Holden Caulfield trong Bắt trẻ đồng xanh.

Mới đây, trang The Drum công bố một phần bài phỏng vấn, bài viết đã thể hiện cách nhìn cuộc đời và văn chương của một Salinger trẻ tuổi, với những suy nghĩ chín chắn trước tuổi. Một danh sách ngắn “Các quy tắc viết văn của J.D. Salinger” cũng được lập ra dựa trên những câu trả lời của ông. Các quy tắc vẫn thể hiện tính thời sự khi đăng tải vào thời điểm hiện nay, 72 năm sau khi cuộc phỏng vấn được thực hiện.

Đừng viết lan man

Salinger không thích những tác phẩm dễ đọc nhưng không sâu sắc và không thích các tác phẩm phân chia cảm xúc của con người thành hai màu trắng – đen. Ông cho rằng, nhà văn nên để độc giả tự nghĩ và cảm nhận theo cách của họ.

“Ít nhất tôi cũng để dành lại một chút gì đó để độc giả tưởng tượng. Tôi phân tích mỗi cảm xúc một cách kỹ lưỡng, sau đó diễn tả chúng một cách ngắn gọn nhất có thể. Tôi sẽ cho độc giả một sự chỉ dẫn, sau đó đến lượt họ cảm nhận phần còn lại”.

“Không vào Twitter khi viết”

Tiêu đề nhỏ này do người biên tập bài phỏng vấn của The Drum đặt ra. Trên thực tế, Salinger nói với Shirley Ardman rằng khi viết, ông tuyệt đối không tiếp cận với những gì có thể làm sao lãng bản thân. “Không nhất thiết là phải yên lặng tuyệt đối, thực tế tôi cũng thường bật radio khi viết, nhưng nhất thiết tôi phải ngồi một mình. Không thể có ai đó bên cạnh được, ngay cả trong phòng bên cạnh cũng không được”.

Ý tưởng chỉ là khởi đầu

Nhà văn nói rằng, một tác phẩm được tạo nên không chỉ bởi cảm hứng ban đầu. “Đó là công việc viết lách, cũng như mọi nghề nghiệp khác. Nó không thể được hoàn thành nhờ một ý tưởng kỳ diệu nảy sinh trong đầu bạn, rồi bạn vồ lấy một cây bút hoặc một cái máy chữ và viết hoặc gõ nhanh nhất có thể. Ý tưởng sẽ tới, tất nhiên, nhưng…

… Hiểu rõ tác phẩm của mình từ trong ra ngoài

Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng Salinger nhắc đi nhắc lại về mức độ quan trọng của việc xây dựng nhân vật trước khi bắt đầu câu chuyện. “Tôi phải hiểu thấu nhân vật trước khi đặt bút viết, và biết rằng anh ta sẽ hành động như thế nào trong mọi hoàn cảnh. Khi tôi viết về trận đấu golf của ông Tidwinkle, tôi phải biết ông ta sẽ cư xử ra sao khi say rượu, hay khi dự bữa tiệc độc thân, khi trong bồn tắm hay trên giường. Cách hành xử đó phải rất chân thật và thông thường”.

Làm những gì bạn muốn

“Tôi viết vì tôi muốn, và viết theo cách tôi muốn bởi tôi thích thế”. Nếu bạn không thích việc bạn đang làm, vậy tại sao bạn lại làm?

Hạ Huyền

Nguồn: eVan.