Mở đầu danh sách, lần thứ ba liên tiếp, là James Patterson. Những cuốn sách của tác giả người Mỹ này, trong đó có cuốn Trong chiếc mạng nhện xuất bản năm 1993 (được dựng thành phim), mang lại danh tiếng lớn cho tác giả, từ nhiều năm nay liên tục xuất hiện trong danh sách bestseller trên khắp thế giới. Năm ngoái ông Patterson đứng tên xuất bản tận 14 cuốn tiểu thuyết, nhưng ông chỉ thật sự là tác giả của mấy chục trang phác thảo ở mỗi cuốn sách ấy. Làm thuê bất hợp pháp cho ông có hẳn một đội ngũ các chuyên gia. Chiến lược của ông – như mọi người thấy – là rất hiệu quả. 12 tháng qua đã mang lại cho ông khoản tiền không nhỏ – 94 triệu đô la lợi nhuận.
Đứng ở vị trí thứ hai là Stephen King, người chủ yếu nhờ việc xuất bản vào tháng 11 cuốn tiểu thuyết Dallas 63 – trong năm 2011 đã kiếm được 39 triệu đô la. Đáng ngạc nhiên là trường hợp Janet Evanovich bất ngờ vươn lên vị trí thứ ba với 33 triệu đô la. Cần lưu ý rằng trong danh sách này cũng có mặt một nhà văn vừa mới trình làng năm ngoái là George R. R. Martin và loạt bài nhan đề “Bài ca về Tảng băng và Ngọn lửa” đang nêu những kỷ lục về sự nổi tiếng nhờ bộ phim nhiều tập Cuộc chơi giành ngai vàng. Khoản thu nhập 15 triệu đô la đặt nhà văn này vào vị trí thứ 12 trong danh sách các nhà văn có thu nhập cao năm 2011. J.K. Rowling lần này đứng ở vị trí 11 với tổng thu nhập 17 triệu đô la, trong đó có tới 8 triệu là tiền tạm ứng để viết cuốn sách đầu tiên dành cho người lớn trong sự nghiệp văn chương của bà, cuốn sách dự kiến xuất bản vào mùa thu năm 2012 dưới nhan đề The Casual Vacancy. Thu nhập từ cuốn sách này sẽ góp phần cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của tác giả Hary Porter vào năm sau. Nhưng có vẻ như nữ hoàng văn học năm 2012 sẽ là E.L. James, nữ tác giả cuốn sách gây nhiều tranh cãi 50 khuôn mặt của Grey, người mà theo những bảng xếp hạng mới nhất đang có thu nhập mỗi tuần 1,3 triệu đô la và tại Anh thậm chí bà không thua kém gì kết quả tốt nhất của Dana Browna.



Các nhà văn James Patterson, Stephen King, Roberto Bolano

Những người làm công việc xếp hạng cũng lưu ý mọi người rằng năm nay có thể là năm đem lại sự giàu có cho Suzanne Collins, tác giả bộ ba tiểu thuyết dành cho thanh niên, mở đầu là cuốn Thế vận hội của Thần chết, tác phẩm đang bắt đầu thu hút đông đảo độc giả nhờ được chuyển thể thành phim. Tất cả đang cho thấy năm 2012 sẽ là năm thành công của các tác giả nữ.
Nhà văn Ba Lan, Jerzy Pilch, cho rằng quan niệm của một số nhà văn Ba Lan thể hiện trong câu nói “một nhà văn chân chính nhất định phải trải qua thời kỳ đói kém”, chứa đựng ít nhiều sự thật. Bởi khi họ phải kiếm tiền thêm ở nơi này nơi khác ngoài ngòi bút của mình, cảm hứng sáng tạo cũng từ đó sinh ra. Mức chi trả nhuận bút cho một cuốn sách xuất bản tại Ba Lan, như lời nhà văn Janusz Rudnicki, là đủ sống một tháng. Vậy các nhà văn Ba Lan sống bằng gì? Từ 20 năm nay, thị trường tự do ở Ba Lan quyết định chuyện nhà văn nào có thể cho phép mình sống “xông xênh” bằng ngòi bút. Tất nhiên xoay xở tốt nhất là các tác giả chuyên viết chuyện tình yêu hay chuyện phiêu lưu, đặc biệt là những cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập. Nữ nhà văn Małgorzata Kalicińska là một ví dụ. Các tác giả của loại văn học cao sang rất khó sống, cho dù sách của họ được xuất bản với số lượng không đến nỗi nào. Viết lách kiểu này chứa đựng những rủi ro nhất định. Không hiếm các nhà văn có tiếng ở Ba Lan buộc phải chấp nhận phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nghĩa là viết bài cho các báo và tạp chí để có tiền sống hàng ngày và viết tiểu thuyết. Họ viết báo vì an sinh, còn viết tiểu thuyết vì nghệ thuật. Nhà văn Jerzy Pilch cho rằng đối với ông, cả hai hình thức nêu trên đều quan trọng như nhau. Nhưng ông cho biết, không phải mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Một thời ông đã làm đủ mọi việc để kiếm sống. – Tôi đã là nhà khoa học ở trường Đại học tổng hợp, là người bán tranh ở một cửa hàng tranh và làm bảo vệ ở một thư viện trong nhà thờ tại cố đô Krakow. Muốn làm nhà văn thì nhuận bút phải là cái bạn nghĩ đến sau cùng – ông kết luận.
Ở Ba Lan, một nhà văn mới chập chững vào nghề nói chung khó có thể sống nếu chỉ trông chờ vào ngòi bút. Tất nhiên có những ngoại lệ. Nữ nhà văn Agnieszka Drotkiewicz nói: – Sống được hay không còn tùy thuộc vào việc nhà văn có nhà của ông bà để lại hay đi vay vốn ngân hàng mua nhà. Cũng tùy thuộc vào chuyện anh ta sống tiết kiệm hay vung vãi, sống một mình hay phải nuôi thêm ai. Nhưng tôi nghĩ phần lớn các nhà văn, trừ các tác giả bestseller ra, nhận tiền tạm ứng viết sách tương đương một vài ngàn đô la Mỹ và mọi chuyện thường kết thúc ở việc nhận tiền tạm ứng. Khoản tiền này cũng chỉ đủ sống trong vài ba tháng. Nhà văn Janusz Rudnicki, tác giả cuốn sách được đề cử nhận giải thưởng Nike nhan đề Cái chết của con chó Séc, đang định cư ở nước ngoài. Khoản nhuận bút nhà văn nhận được do in sách chỉ đủ sống một tháng. – Nguồn sống chính của tôi là tiền dịch các tài liệu kỹ thuật cho một văn phòng của Đức. Tôi dịch rất nhiều tài liệu về ắc quy và các bản hướng dẫn sử dụng thuốc, gần đây thậm chí tôi dịch cả tờ rơi về cà phê Tchibo. Và tôi sống nhờ những cái đó – nhà văn Janusz Rudnicki bộc bạch.
Đa số các nhà văn Ba Lan coi sự không bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề lớn mà mình đang gặp phải.
Ông Rudnicki đóng bảo hiểm ở Đức, ông được hưởng lợi từ Quỹ xã hội dành cho Nghệ sĩ. Song gia nhập quỹ này không dễ. Trước hết cần xác định rõ chức danh, sau đó phải chứng minh được rằng mình thật sự sống bằng hoạt động nghệ thuật. Mức nộp cho Quỹ phụ thuộc vào mức thu nhập, song tỷ lệ này dù sao vẫn thấp hơn mức nộp bảo hiểm xã hội ở nhiều nước.
Tại Đức, văn hóa không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà trước hết nó là một sự đầu tư. Các nhà văn có thể trông chờ vào hệ thống học bổng đã được xây dựng lại và ứng dụng rộng rãi. Người cấp học bổng là các bang, các nhà sáng tác văn học, các quỹ thuộc bang hoặc quỹ liên bang. Thêm vào đó là các loại giải thưởng – trong thực tế mỗi thành phố ở Đức đều có giải thưởng văn học của mình.
Quỹ Nhà văn Thụy Điển (Sveriges Författarfond) đã tồn tại, xét và cấp học bổng cho các nhà văn và dịch giả mỗi năm hai lần. Tổng số tiền dành cho việc này là khoảng 40 triệu coron một năm. Số tiền này lấy ở đâu ra?
– Chúng tôi có một loại hợp đồng ký giữa Nhà nước và các tổ chức đại diện tác giả – ông Anders Bodegard, người đã dịch tác phẩm của các nhà văn Ba Lan như Szymborska, Kapuściński i Gombrowicz ra tiếng Thụy Điển nói. – Cứ mỗi cuốn sách của tác giả hay dịch giả Thụy Điển ở thư viện công cộng được độc giả mượn đọc, Nhà nước chuyển cho quỹ khoảng 1,2 coron (tương đương khoảng 5 000 đồng Việt Nam), tính ra mỗi năm số tiền này khoảng 126 triệu coron. 70 phần trăm tổng số này trở về với tác giả của các cuốn sách, còn 30 phần trăm trở thành học bổng. Mỗi tác giả, khi một cuốn sách viết hoặc dịch ra được đưa vào thư viện để cho mượn, có thể làm thủ tục xin học bổng – mới đầu là học bổng một năm, sau đó 2 năm hoặc 5 năm, tiếp theo thậm chí có thể là học bổng kéo dài tới khi nghỉ hưu. Tôi thuộc nhóm tác giả cuối cùng này. Học bổng đủ cho tôi trang trải khoảng 30 phần trăm nhu cầu chi tiêu. Kể ra cũng tương đối lớn – ông Anders Bodegard cho biết.
Thiên đường thật sự của các nhà văn là đất nước Tây Ban Nha. Giống như tại Đức, ở Tây Ban Nha từ lâu tồn tại hệ thống học bổng được xây dựng rộng khắp và hoàn thiện, bên cạnh đó còn có hàng chục các loại giải thưởng văn học và các hình thức khuyến khích sáng tác.
Tây Ban Nha là đất nước luôn biết chiều chuộng các nhà văn. Thậm chí các thị trấn nhỏ cũng tổ chức những cuộc thi và trao giải thưởng văn học. Trước khi nhà văn Chile Roberto Bolano giành vị trí cao trên văn đàn thế giới, ông đã sống nhiều năm ở Tây Ban Nha nhờ các cuộc thi này. Các tờ báo ra hàng ngày cũng như tuần báo, bán nguyệt san in màu có nhiều phụ trương nói về sách bán. Chúng được nhiều người tìm đọc. Các nhà văn Tây Ban Nha nói chung làm việc tại trường đại học và cộng tác rất tích cực với các phương tiện thông tin đại chúng.
Tình hình làm ăn sinh sống của các nhà văn Mỹ – Latinh có vẻ tồi hơn. Nhà nước không làm được gì nhiều để giúp đỡ họ, mặc dù đó là các quốc gia đã và đang sản sinh ra những tài năng văn học lớn. Trước khi các nhà văn Mỹ – Latinh thành đạt trên thị trường sách Tây Ban Nha, họ là những nhà văn thực thụ, những người rất gắn bó với thực tế cuộc sống. Tây Ban Nha, với ý nghĩa sáng tạo, đã nhanh chóng tôi luyện họ và họ bắt đầu suy nghĩ theo hướng thương mại hóa những gì mình làm. Bởi lẽ tại các quốc gia có thị trường xuất bản lớn, ăn nên làm ra là nhóm nhà văn tập trung vào việc viết nhái các cuốn sách bán chạy. Bằng chứng là chỉ mấy tháng sau khi Mật mã Leonard của Dan Brown ra đời, các hiệu sách ở Tây Ban Nha đã tràn ngập các sách có cùng chủ đề của các nhà văn trong nước.
Chuyện tiền nong đối với nhà văn hình như không có quy luật chung áp dụng cho số đông. Có những nhà văn sau giải thưởng giá trị còn nhận được khoản tạm ứng cho cuốn sách tiếp theo. Song đó chỉ là sự an ủi. Bởi vì những vấn đề thật sự của một nhà văn đích thực nằm ở chỗ khác. Ai đó nói rằng có những nhà văn buổi tối vừa nhận giải thưởng nhà nước, thậm chí giải Nobel, song chỉ ngày hôm sau hay hôm sau nữa đã phải lao vào kiếm tiền. Bóng ma bệnh tật, bóng ma trì trệ sáng tạo luôn lởn vởn quanh họ. Chính vì thế mà các nhà văn Ba Lan nghiêm túc, để bảo đảm có thể tồn tại một cách không phụ thuộc, nhất thiết phải làm một việc gì khác ngoài viết lách. Những công việc tay trái này, ngoài tác dụng tăng thu nhập, có thể dạy cho các nhà văn tính năng động, tính sáng tạo, thậm chí tạo cảm hứng.
Tất nhiên trong lịch sử văn học thế giới không hiếm gặp những người trước khi viết văn đã là các nhà quý tộc giàu có, lại được thiên phú cho trí tuệ của một  thần đồng, như Lev Tolstoj hay Thomas Mann. Văn học đích thực cũng được viết ra bởi những nhà triệu phú, nếu họ biết lao động cực nhọc. Bên cạnh đó lại có một tỷ lệ phần trăm rất lớn các nhà văn sống một cách khó khăn, cũng có thể do lười biếng trong lao động nghề nghiệp. Vậy là trong lúc chờ đợi cảm hứng, họ phải chấp nhận làm một việc gì đó “trái nghề”.

N.C.T dịch

Nguồn tin: TCNV 01-2013