Quẫy đạp mạnh mẽ trong thế giới văn chương, vứt bỏ đi cái hình ảnh của những người chiến binh trên tuyến đầu. Giờ đây các nhà văn nữ Nhật Bản đang vun xới (trong các tác phẩm của họ) một sự lạ lùng độc đáo đáng lo ngại, họ lật lại những vấn đề thường được xem là hiển nhiên của sự khác biệt giới tính…

 

Rieko Matsuura

 

Giờ đây ở Nhật Bản, đã xa rồi cái thời kỳ khi mà trong các buổi gập mặt của giới văn chương, trong thành phần các ban giám khảo hay những bữa tiệc cocktail, người ta chỉ gập toàn những người đàn ông. Từ những năm 1990, những người phụ nữ đầu tiên đã đặt chân lên các bục vinh quang của thế giới văn chương. Càng ngày họ càng chiếm số lượng áp đảo trong số những người giành được các giải thưởng văn học, thành công của họ trong xuất bản không ngừng được khẳng định. Văn chương hiện đại dường như đang hướng về thế giới của những người phụ nữ. Trên bình diện thể loại, lịch sử văn học (nữ) của hai mươi năm gần đây sẽ phải được viết lại, phải được so sánh và đánh giá lại, chí ít cũng ngang tầm với những tác phẩm nữ giới đã từng đạt đến những đỉnh cao như trong triều đại Heian (1) trong quá khứ.

Hậu – Nữ quyền?

Nhóm hạt nhân, nằm ở trung tâm của cái vòng tròn đông đảo các nữ tiểu thuyết gia của văn học Nhật Bản đương đại là những người phụ nữ sinh ra trong khoảng những năm 1960: Rieko Matsuura (1958),Hỉomi Kawakami (1958), Eimi Ogawa (1959), Yôko Tawada (1960), Banana Yoshimoto (1964), Kaon Ekuni (1964), Mitsuyo Kakuta (1967), Miri Yu (1968).. Đó mới chỉ dừng lại ở những gương mặt quen thuộc nhất.Các tác giả này đa phần là những trí thức, với họ việc biểu đạt cá nhân cũng chẳng đặt ra nhiều vấn đề gì lớn lao hơn chuyện họ được xem là những người thừa kế của phong trào ”nữ quyền lịch sử” của những năm 1910-1920 rồi ”nữ quyền chính trị” 1960-1970. Người ta có thể gọi họ là những người ”Hậu – Nữ – Quyền” (”post- féministes”) , nhưng thực ra ở đây không có một trào lưu gì cả.Hành trình của mỗi người trong số họ thực sự là một hành trình cá nhân.Tuy vậy, những nhà văn nữ này vẫn có được một điểm chung: họ đã giành được sự tự do để không còn phải đóng vai trò của một chiến binh nữa: không còn phải chiến đấu (như các thế hệ trước đó) để đòi hỏi một vị thế khác đi của phụ nữ trong một xã hôi bị kìm kẹp bới các luật tục hà khắc của Khổng giáo, một xã hội mà người phụ nữ chỉ có con đường duy nhất là trở thành ”vợ và mẹ”. Ngày nay, những bài diễn thuyết của họ đầy tự tin, những lời họ nói ra được chăm chú lắng nghe trong tin tưởng.Đây không hề là một suy đoán vội vã thiếu căn cứ về hiện trạng của xã hội Nhật Bản đương đại.Dễ dàng nhận ra một chân dung mới của những nữ nhà văn này: thấm đãm văn chương, đầy mộng mơ và trí tưởng tượng thì bay bổng. Chúng ta như đang chứng kiến một vở diễn với sự tham dự của vô thức, của những chuyển động/ thăng hoa, của sự kiếm tìm một thỏa hiệp (nếu chúng ta nhớ tới Freud và những công trình phân tích các giấc mơ của ông). Đọc lại các tác phẩm của các nhà văn nữ ra đời trong những năm 1960, hầu hết chúng đều in đậm dấu ấn của bạo lực, những xung đột và đoạn tuyệt, những lời tố cáo/ kết tội đối với mọi thiết chế xã hội: gia đình,cuộc sống lứa đôi, con cái , thậm chí còn đi tới thái độ cực đoan khi khước từ tình mẫu tử.Ngày nay, những câu chuyện trở nên mền mại và êm ái hơn, những chủ đề cũ được đề cập trở lại: sự mất mát, tang tóc, sự nhẫn nại, những chuyện thần kỳ trong cuộc sống thường nhật, làn sóng văn hóa của giới trẻ, nhạc pop, những ảnh hưởng của manga… tuy nhiên bạn đọc đừng bao giờ nên tin vào những vẻ bề ngoài đó. Cái thế giới song hành đó đang che giấu một trò chơi bập bênh với một cái gì đó mang dáng dấp dị thường đáng lo ngại, đó là một trò chơi bập bênh bên rìa của sự điên loạn, điều đó giải thích vì sao thấp thoáng đâu đó chúng ta luôn bắt gập một cảm giác lo âu và bất an khi đọc những tác phẩm này.

Mỹ Học Của Sự Đứt Gẫy

Trò chơi bập bênh tại các ”đường biên” được thể hiện rõ nét ở những nhà văn nữ lớn nhất của văn học Nhật bản đương đại. Yôko Ogawa , ngay từ những tác phẩm đầu tiên như ”MangThai” (妊娠カレンダー, giải thưởng Akutagawa 1991), đã làm đảo lộn chủ nghĩa nữ quyền chính thống.Tác giả đã xây dựng tác phẩm theo một kết cấu đầy hiểm nguy.Các nhân vật, đa phần là bất lực hay là nạn nhân của những lời nguyền, những bùa yểm, đang trong hành trình đi tìm lại dấu vết của một ký ức đang dần bị xóa nhòa , đi tìm lại những mảnh vỡ của một thế giới đã biến mất hay đang dần biến mất. Tất cả được kể bằng một giọng điệu và một sự quan sát và phân tích tinh tế những chi tiết nhỏ nhất của người dẫn chuyện (thông thường là phụ nữ ), thấm đẫm những cảm xúc rất riêng tư.Những động cơ (có khi bắt nguồn từ một sự kiện rất xa xôi) cũng có thể dẫn đến sự lệch lạc, sự sụp đổ làm nhân vật lệch khỏi quỹ đạo chung (của xã hội), tất cả điều đó được kể bằng những ngôn từ giản dị, làm tăng thêm sức nặng của câu chuyện.Trong các tác phẩm của cô, chúng ta thường xuyên bắt gập nỗi ám ảnh về những gì đã xẩy ra/ được kể ra trong ”Hồi ký của Anne Frank”. Các bảng liệt kê mẫu vật địa chất, một album các loài cây cỏ, những phương trình toán học… những ”dàn cảnh khoa học” ấy góp phần tạo nên trong tác phẩm của cô một thứ thế giới lạnh lẽo trong đó các nhân vật luôn sống đan xen trong các trạnh thái ”đánh mất” mình và ”tìm lại mình”. Những mô tả ở đây cực kỳ tinh tế, một hạt bụi nhỏ nhất qua cách tả của nhà văn cũng trở thành một vũ trụ thu nhỏ.

Với Hiromi Kawakami, thế giới thường nhật diễn ra trơn trụi và buồn tẻ, nhưng nó sẵn sàng chuyển hóa tức khắc thành một thế giới khác, nơi mà con người trở thành những con vật, bị ám ảnh bởi sự gia tăng số lượng những kẻ đến sau, chúng ta có thể ví von đó như là một dạng âm bản của ”Alice ở xứ sở diệu kỳ ”. Sự huyễn tưởng được đẩy lên tối đa bằng tất cả những yếu tố của cuốn truyện, từ kết cấu cho tới phong cách, từ những phép ẩn dụ cho tới kỹ thuật sử dụng các ký tự. Tất cả đều được lựa chọn một cách tỷ mỷ và tinh tế.Giành được giải thưởng Akutagawa vào năm 1996 cho tiểu thuyết ”Dạo bước trên một con rắn” (Hebi wo fumu, 蛇を踏む. 1996), từ đó đến nay, Hiromi Kawakami theo đuổi công việc của một người thợ lành nghề, từ việc viết bài ( lén lút ) cho các tờ nhật báo đến việc đụng chạm tới các đề tài cấm kỵ như loạn luân trong tiểu thuyết ”Những tháng năm êm dịu” (センセイの鞄, Sensei no kaban ).

Những chuyện ngắn tinh tế của Kaori Ekuni, các vở bi kịch hiện thực của Mitsuyo Kakuta hay những truyện ”giả cổ tích” của Banana Yoshimoto, không nghi ngờ gì nữa, đều gắn bó với cái ”mỹ học của sự đứt gẫy” này, minh chứng cho cái phương cách chủ yếu của những câu chuyện hiện đại.

Những trận địa còn lại.

Nếu chúng ta lùi ra xa để có thể nhìn thấy được và nói được về bức tranh của nền văn học đương đại Nhật Bản trong cái toàn thể của nó, đó sẽ là một bức tranh ghép nhiều mảng với những mầu sắc khác nhau. Trên cái nền ấy, chúng ta sẽ nhận thấy vẫn còn nhiều cuộc tranh đấu đang tiếp diễn. Những xung đột giới tính vẫn luôn là một vùng chiến sự, có thể kể đến Rieko Matsuura với những thương tổn tính dục của những giới đồng tính nữ hay Eimi Yamada với cuốn tiểu thuyết viết về cuộc phiêu lưu tình ái cháy bỏng của cô gái trẻ Nhật Bản với một người lính Mỹ da đen.Những tác phẩm này, hiển nhiên được xem như một tuyên ngôn về tự do trong sáng tác, cũng như tuyên ngôn đòi hỏi được tự do hưởng thụ khoái lạc đối với một thân xác của phụ nữ.

Ở một trận tuyến khác, nguồn cảm hứng hiện thực, thái độ cam kết với những ”trách nhiệm xã hội” luôn có mặt thường trực trong thể loại văn chương chính trị. Ở Nhật Bản cũng như ở các nơi khác trên thế giới , đội ngũ các nhà văn viết theo thể loại này luôn chiếm một số lượng áp đảo.Trong số họ, Natsuo Kirino là người đã có một hành trình nhất quán trong việc mô tả lại những mặt trái của xã hội Nhật Bản, những khoảng tối của xã hội chưa được phơi bầy ra ánh sáng. Trong tác phẩm bậc thầy ”Mất tích”, dưới nguyên cớ của một vụ giết người, tác giả đã kể cho chúng ta nghe về cuộc sống bị bóc lột đến kiệt sức của những người công nhân tại một nhà máy sản xuất hộp đựng thức ăn,họ làm việc ngày đêm trên các dây chuyền sản xuất, cuộc sống của họ là sự pha trộn giữa lòng thù hận, sự tha hóa, tất cả bị giam cầm trong một môi trường tù túng đến ngột ngạt.

Thế giới của các nhà văn Nhật bản cũng được khắc họa bởi sự phân rã thành nhiều nhánh của những cây bút nữ , mỗi nhánh (các nhà văn nữ đó) lại làm giầu thêm cho cái thế giới văn chương này bằng những cách khác nhau. Chúng ta nhìn thấy ở đây những tồn tại song song hêt sức thú vị. Từ những nhà văn nữ gốc Triều Tiên hay Hàn Quốc thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba của dòng người nhập cư sáng tác bằng tiếng Nhật cho đến những tác giả đa-ngôn ngữ. Chúng ta có thể chỉ ra ở đây đường đi của Yôko Tawada, người đã dành được giải thưởng Akutagawa cho tiểu thuyết ”Người chồng là một con chó” (kakaka! ND) vào năm 1993 và giải thưởng Chamiso 1996 cho những tác phẩm viết bằng tiếng Đức.Những tác phẩm của Yôko Tawada được triển khai bằng cả hai thứ ngôn ngữ và được nhúng trong cả hai nền văn hóa, sự song hành này tạo ra một hiệu ứng tương tác, giúp tác giả xóa đi được cái biên giới ngăn cách nền văn học của các quốc gia, phá hủy luôn cái căn cước của nhà văn.Các nhân vật ở đây, dẫu cư trú ở những miền địa lý cách xa nhau, dường như cùng sống trong cùng một vũ trụ kỳ lạ, gần như là siêu thực.Họ bận bịu với việc dịch sách, quan sát thế giới và đi du lịch tới mọi ngõ ngách của trái đất. Những việc đó, nói cho cùng, về bản chất là như nhau.Nhân vật điển hình , đó là một cô gái trẻ gốc Việt Nam, một thuyền nhân tỵ nạn. Cô ta đã đi ngang dọc khắp Châu Âu để rồi gắn bó đời mình với mảnh đất Pháp chỉ vì yêu thích những bộ phim do Catherine Deneuve đóng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cái xu hướng ”nữ tính hóa” trong nền văn học Nhật Bản sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thế kỷ XXI này. Sự chuyển động này là không thể đảo ngược được. Và giờ đây một làn sóng mới đã tràn tới.Sinh ra trong những năm 80 của thế kỷ XX, một thế hệ các nhà văn mới trẻ trung đang bắt đầu tỏa sáng. Sống động hơn? Có thể, nhưng chắc chắn họ sẽ tự do hơn để lánh xa khỏi cái nền văn chương của thế kỷ XX. Những cô gái trẻ này, những nữ chủ nhân của giải thưởng văn chương danh giá Akutagawa những năm gần đây nhất, thực sự đã trở thành đối tượng cho một niềm hâm mộ, một sự say mê tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản, niềm mê đắm về sức thanh xuân của họ, vẻ đẹp của họ, sự sôi nổi của họ.Hitomi Kanehara (1983), Risa Wataya (1984) và gần đây nhất là Mieko Kawakami (1976) đã cho chúng ta thấy thế nào là hình ảnh một nữ nhà văn trẻ Nhật Bản, những cô gái đã biết cách giấu đi cái tôi đầy cá tính và tính cách sắc nhọn của mình dưới một vẻ bề ngoài rực rõ và lộng lẫy sắc mầu, một vẻ dịu dàng quyến rũ, những sắc đẹp choáng váng, tất cả sẽ lưu mãi trong những ký ức chúng ta…

Dương Thắng dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Chez les romancières, une subtile subversion”của Cécile Sakai trong Dossier: La Littérature Japonaise, đăng trên Le Magazine Littéraire, số tháng 5 năm 2012.

Nguồn: Vannghetre