Phim tài liệu gần đây của hãng PBS “Philip Roth: Unmasked” (“Philip Roth: Phơi bày chân tướng”) đã bỏ tôm bắt tép, như người đời hay nói – thật vậy, khi không đề cập chút nào đến mẩu thông tin thích hợp nhất cho chủ đề phim: Philip Roth đã nghỉ hưu không còn viết lách nữa. Một trong những nhà làm phim, Livia Manera, lúc trao đổi với trang blog Word and Film của nhà Random House đã giải thích quyết định loại bỏ lí do chính yếu kia ra:

Thật lòng mà nói… các vị có biết nhiều cựu văn sĩ không? Đó là một hạng mục có tồn tại chăng? Nếu các vị muốn tôi nói ý kiến mình, thì tôi cho là ông ấy đã từ bỏ điều gì đó. Ông ta từ bỏ bổn phận viết lách và điều này là một bổn phận, rất mãnh liệt, của tự bản thân ông, một bổn phận trước nhất. Và điều này đã làm thay đổi cuộc đời ông và làm ông trở nên thoải mái hơn cũng như làm ông thấy cuộc đời dễ chịu hơn… Nhưng để ngưng cái cảm giác về bổn phận viết lách là một chuyện và để không bao giờ viết lại thêm dòng nào nữa là một chuyện khác. Chỉ là tôi không tin chuyện ấy.

Manera đặt rất đúng câu hỏi: Liệu tiểu thuyết gia có thể nghỉ hưu không? Liệu có tồn tại những tiểu thuyết gia đã nghỉ hưu rồi không, giống như chuyện nghỉ hưu của mấy người kế toán vậy? Điều này có vẻ bất thường, một nhà văn nghỉ hưu không đụng tới từ ngữ thì trông lạ lùng y như người ta, theo như William H. Gass đã từng viết, “nghỉ hưu không màng tới tình yêu nữa”. (Trong khi đó, Gass cho ra cuốn tiểu thuyết mới. Ông tám mươi tám rồi.) Và mối hoài nghi của Manera dường như được chứng thực, mặc dù lời tuyên bố của Roth không phải là không có tiền lệ. Anne Tyle đã nói rằng cuốn tiểu thuyết thứ hai mươi trong đời của bà sẽ không xuất hiện – như gần đây bà nói với BBC, “Tôi nói rằng tôi muốn mình không phải hoàn tất một cuốn sách thêm lần nào nữa. Tôi bảy mươi mốt tuổi rồi, và trên lí thuyết thì tôi có thể cứ tiếp tục viết và viết, rồi khi tôi chết đi, nếu cuốn sách ổn thì nó có thể được xuất bản, còn nếu nó không ổn thì tôi sẽ chẳng bao giờ biết được.” Nhưng khi đó, nhận ra được những giới hạn trong mối lưu tâm của bà về chuyện gia đình vốn được bà dùng làm chủ đề sáng tác, Tyler lúc này thừa nhận là cuốn sách có thể sẽ được xuất bản khá sớm, hi vọng là vào lúc bà vẫn còn sống. Chuyện nghỉ hưu theo ý định của Tyler không phải việc ngưng viết, chính xác thì đó là chuyện ngưng xuất bản sách. Ngay cả J. D. Salinger, vốn nổi danh vì nghỉ hưu sớm, cũng được thiên hạ bảo là vẫn còn viết lách. Nhưng cách Tyler nói đến cuốn sách kế tiếp của bà trông có vẻ buồn rầu, do đó có lẽ nó sẽ là cuốn cuối cùng của bà: “Tôi bắt đầu thấy rằng rốt cuộc mình cũng sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết này. Tôi trù tính, khoảng vài ba năm nữa – tôi cứ cố kéo dài nó ra càng lâu càng tốt.”

Tyler mô tả chuyện viết, như một việc trì hoãn ngày quyết định xuất bản, có chút ám ảnh với cái ngày định đoạt kia, ngày chung quyết. Viết lách, nghỉ hưu, cái chết: chúng nối kết nhau, và gần như nhà văn chỉ thật sự nghỉ hưu vào cái ngày họ lâm chung. Trong bài thơ “Writers Writing Dying”, C. K. Williams, nay đã bảy mươi sáu, đã đưa ra điều có thể là tín ngưỡng mang tính châm biếm dành cho các tác giả đang về già: “Think, write, write, think: just keep running faster and you won’t even notice / you’re dead” (“Nghĩ, viết, viết, nghĩ: cứ hãy chạy nhanh hơn nữa và bạn thậm chí không chú ý đến / bạn đã chết”). Rồi sau đó, ông viết: “Such fun to wake up though! Such fun too if you don’t! Keep dying! Keep / writing it down!” (“Dù vậy đó là niềm vui khi thức giấc! Cũng là niềm vui nếu không thức! Hãy cứ chết! Hãy cứ / viết ra điều đó!”)

Năm ngoái, người em trai của Gabriel García Márquez thông báo rằng tác giả người Colombia, lúc này hơn tám mươi, đã mắc phải chứng mất trí suy nhược, và không bao giờ viết lách trở lại được. Đây là một trong những loại nghỉ hưu, nhưng khác rất nhiều so với những gì AARP đang rao bán – phát xuất từ bệnh tật, sự suy tàn và những tính lố bịch của thời gian. Stephen King, trẻ hơn, đã cố nghỉ hưu cách đây một thập niên. Hồi ấy dân tình xôn xao không rõ điều đó nghĩa là gì khi mà một nhà văn tiếng tăng lừng lẫy như vậy lại bỏ nghề ở tuổi trung niên. King có lẽ là tiểu thuyết gia đầu tiên nỗ lực nghỉ hưu trước công chúng thời hiện đại, nhưng chuyện đó không kéo dài lâu. Ông ấy dùng quãng thời gian nghỉ hưu để viết sách, hàng tá cuốn, và cũng là một thử nghiệm thất bại. Những mẫu hình xưa cũ hơn thì khó phát hiện ra. Shakespeare có lẽ đã nghỉ hưu. Một số sử gia lưu ý rằng không có công trình viết lách nào được gán cho ông ấy kể từ sau năm 1613, lúc ông chuyển tới Stratford. Người khác lập luận rằng ông ấy vẫn còn năng nổ lắm, và ý tưởng về chuyện nghỉ hưu hoàn toàn là chuyện lỗi thời và được áp dụng sai. Milton dường như là ứng viên sáng giá cho chuyện nghỉ hưu, mù loà và ngày càng bệnh tật. nhưng ông vẫn tiếp tục viết, và vẫn cứ miệt thị tính đúng đắn của Công giáo mãi cho đến hết đời. Dickens đã thực hiện một loạt “những buổi đọc sách tạ từ” (farewell readings) ở khắp vương quốc Anh trong hai năm cuối đời –đặt một loại như dấu chấm hết cho cái di sản sống của ông. Dickens là mô hình sơ kì cho toàn bộ những thể loại danh tiếng khắp quần chúng sau này, và thế là dường như chuyện đó khớp với việc ông tạo khởi đầu cho những chuyến lưu diễn chia tay của hết thảy các ngôi sao nhạc rock sau này làm theo. Tuy thế ông chưa thật sự nghỉ hưu, mà vẫn còn cố hoàn thành “Edwin Drood” trước lúc lâm chung.

Ở trang The Millions, Bill Morris chỉ ra những vụ nghỉ hưu của giới văn chương trên thực tế hoặc theo luật định: Rimbaud, Salinger, Harper Lee, nhà văn Hungary Kertész Imre. Ông lưu ý rằng Alice Munro đã tuyên bố nghỉ hưu hồi năm 2006, chỉ để tiếp tục viết lách. Và Morris dẫn ra trường hợp E. M. Forster, người viết cuốn tiểu thuyết cuối trong đời, cuốn “A Passage to India”, hồi năm 1924, và sau đó sống tiếp thêm bốn mươi sáu năm nữa. Việc Forster sớm sống lưu đày khỏi địa hạt hư cấu được tin là có liên hệ đến tình trạng đồng tính luyến ái bí mật của ông – và cuốn tiểu thuyết sau cùng của ông, cuốn “Maurice” được khởi sự viết năm 1913, nhưng không được xuất bản cho đến sau khi ông chết, và nó liên quan đến chuyện tình giữa hai người đàn ông.

Không có trường hợp nào trong số các ví dụ này tượng trưng cho chuyện nghỉ hưu vừa cụ thể vừa quen thuộc như trường hợp của Roth, có lẽ vì loại nghỉ hưu kiểu này hoàn toàn mang tính đương đại. Tuyên bố nghỉ hưu của một tiểu thuyết gia nối kết với mô hình danh tiếng hiện nay mà trong đó những người của công chúng – thậm chí có cả vài nhà văn – được người ta xem xét kĩ càng và được yêu cầu san sẻ những việc làm của họ với những người thưởng thức. Hẳn nhiên, vì chuyện nghỉ hưu của nhà văn được chú ý tới, nhà văn đó ắt phải rắt nổi tiếng. (Không ai chú ý khi Melville ngưng viết tiểu thuyết.) Những người hâm mộ hiện đại mong đợi được ở cùng hội cùng thuyền với các nghệ sĩ, các ngôi sao và những nhân vật công chúng khác, và người ta đã biết độc giả đang trở nên mất kiên nhẫn với các nhà văn được đánh giá là chậm chạp. Và không nhà văn nào, ngay cả những nhà văn lớn tuổi và đã thành danh, muốn người ta xem mình là hạng lười biếng, hoặc có lẽ tệ hơn, trong lúc lâm vào ngõ cụt về ý tưởng. Chuyện nghỉ hưu được sắp xếp sẵn sẽ làm cho mọi phỏng đoán kiểu vậy im hơi lặng tiếng hết. Salinger có lẽ đã học hỏi được điều này: không ai lần mò theo dõi nhà bạn nhằm tìm ra những manh mối cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của bạn nếu họ nghĩ lúc này bạn không viết cuốn gì hết.

Nếu toàn bộ điều này dường như trông hiện đại một cách đặc biệt, thì nó đáng ghi nhớ rằng cái định chế cho bản thân chuyện nghỉ hưu là một sự phát triển hiện đại. Mary-Lou Weisman đã thẳng thừng đặt vấn đề này trên tờ Times từ hồi năm 1999:

Hồi mới đầu, không có chuyện nghỉ hưu. Không có người già. Ỏ Thời Đồ đá, ai cũng có công ăn việc làm đầy đủ cho đến khi hai mươi tuổi, khi đó gần như mọi người đều chết, thường là bởi các nguyên do không thuộc tự nhiên.

Weisman tiếp tục: chuyện nghỉ hưu xuất hiện từ hệ thống tiền trợ cấp do Đức ban hành hồi cuối thế kỉ mười chín, và nó chưa mang hình thức hoàn chỉnh kiểu Mĩ cho đến những năm ba mươi, khi đất nước này cần tìm chỗ trống cho những công nhân trẻ tuổi hơn bằng cách khuyến khích những người già hơn nghỉ việc. Liệu có thể có tính hiệu dụng xã hội tương đồng vậy ở chuyện các nhà văn nghỉ hưu về mặt hình thức? Người già thích nghỉ hưu bởi vì họ sẽ ngưng làm việc và vẫn tận hưởng được sự bảo hộ tài chính ở chừng mực nào đó, bất kể từ chính quyền hay từ những đóng góp trước đó của chính họ. Người trẻ thích việc nghỉ hưu bởi nó sẽ làm cho người già không còn làm việc nữa, và tránh đường cho kẻ khác. Có lẽ có quá nhiều nhà văn – hay là không đủ độc giả xung quanh – nhưng việc nghỉ hưu bắt buộc sẽ không giúp ích gì nhiều cho những cây bút xoàng xĩnh. Rốt cuộc thì thiên hạ vẫn mua “Paradise Lost” mặc cho Milto đã chắc chắn nghỉ hưu từ lâu ở nhà thờ Thánh Giles, Cripplegate.

Việc thuyết phục các nhà văn lão thành treo bút có thể không cứu vãn được nền công nghiệp xuất bản, nhưng dù vậy chuyện nghỉ hưu của Roth có thể đánh dấu sự khởi đầu cho một khuynh hướng. Tương lai của việc nghỉ hưu trong giới văn chương có thể trông như thế nào? Có lẽ nhiều nhà văn sẽ nghỉ hưu trên Twitter – #goinggentleintothatgoodnight [1]. Những người tinh vi có thể chỉ đơn giản tuồn cái tin đó vào mục lời cảm ơn ở mấy quyển sách cuối cùng của mình. Hoặc có thể hình dung thế này: một tiểu thuyết gia nhận được ủng hộ từ người đại diện, biên tập viên, và cả người bạn đời của mình, họ sẽ ngồi trước micro, nói lời cảm ơn những người hâm mộ tận tuỵ đã ủng hộ mình bấy lâu. “Hồi ấy có lúc thật khó khăn, khi tôi viết cuốn tiểu thuyết về thây ma ấy, nhưng cảm ơn mọi người đã theo sát tôi.” Làm cho tâm can giằng xé một chút khi nói lời cảm ơn người giáo viên ngữ văn đầu tiên đã tin tưởng họ.

Đây hoàn toàn không phải là hình ảnh bông đùa: những trường hợp hiển nhiên nhất của việc nghỉ hưu công khai thuộc về những vận động viên chuyên nghiệp, những người mà tiềm năng kiếm tiền và hữu ích xã hội đã lên tới đỉnh đặc biệt từ giai đoạn đầu sự nghiệp, sau đó nhanh chóng và gần như trượt ngã vĩnh viễn ra khỏi vách đá cao ngất ấy. Không ai đặc biệt quan tâm, cũng chẳng ai sẵn lòng bỏ tiền ra tìm hiểu, xem cú ném bóng nhanh của một cầu thủ ném bóng năm mươi tuổi trông ra làm sao – bởi ta đã biết câu trả lời rồi: sẽ bay chậm hơn. Nhiều nghi thức khác nhau trên con đường từ những năm tháng mới chập chững vào nghề cho đến buổi họp báo cuối cùng, cho đến nay chúng đã hình thành nên một hướng đi rõ ràng. Và tuy vậy một số vận động viên còn xoay sở làm hỏng sự dàn dựng đó, thông báo việc họ nghỉ hưu, nhận được sự chú ý và lời chào mừng như thông lệ đối với tài năng của họ, nhưng rồi thay vì rảo bước thong dong ra ngoài đến sân golf hay bước vào hàng ngũ điều hành hay đến kho bạc ngân hàng để bơi trong đống tiền của mình, thì họ lại loanh quanh đâu đây, rán làm cú trở lại rồi làm những trò hề trước mặt công chúng và cả bản thân họ. Ngay khi những kẻ cáo bệnh này rốt cuộc cũng treo giày, thì công chúng đã trở nên chán ngán chuyện tán dương sự nghiệp của họ và chỉ đơn giản ước gì những kẻ già nua ấy đi khuất mắt cho rồi.

Nhà văn là một đám khác – vì đủ loại nguyên nhân rõ ràng. Họ có ít người hâm mộ hơn. Họ kiếm tiền ít hơn – cầu thủ bóng đá không phải là dạng người đánh vật để có được chức giáo sư trọn đời cho lĩnh vực văn học sáng tác (creative writing). Và điều quan trọng được nói đến nhiều nhất cho việc thảo luận này là giá trị của họ đối với công chúng không nhất định phai tàn theo tuổi tác; trong nhiều trường hợp thì thực tế nó còn được nâng lên, không chỉ đơn giản bởi vì đối với nhiều nhà văn, họ thực sự có được khả năng cải thiện năng lực của mình qua nhiều năm tháng thực hành, mà còn bởi vì độc giả muốn tương tác thật nhiều với ý thức văn chương của các nhà văn ở độ tuổi chín mươi giống như ta muốn làm với các nhà văn ở độ tuổi hai mươi. (James Salter, là người mới đây được Nick Paumgarten viết bài báo đề cập đến trên tạp chí New Yorker, đã ra cuốn tiểu thuyết mới – cuốn đầu tiên trong ba mươi năm. Nó rất tuyệt. Ông ấy sẽ bước sang tám mươi tám vào tháng Sáu.)

Ý kiến của giới phê bình không phải là nỗ lực dựa trên thống kê, và do thế ta không có đường cong đồ hoạ nhằm cho biết khi nào một nhà văn có thể tạo ra tác phẩm tốt nhất của họ. Một số nhà văn không bao giờ ra được tác phẩm khác tương xứng với cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình (Ralph Ellison, Joseph Helller). Một số khác vươn tới được đỉnh cao ở khoảng thời gian giữa sự nghiệp, lúc họ có được tiếng nói phát triển hoàn chỉnh và hãy còn sinh lực, sức khoẻ cũng như thời gian để thực hiện nhiệm vụ. (Roth dường như thích hợp ở hạng mục này, mặc dù người ta có thể tìm thấy những tác phẩm ưa thích ở giai đoạn đầu và cuối sự nghiệp của ông). Tuy thế có những ví dụ về những nhà văn lớn có thể viết lách tốt một cách tuyệt diệu cho đến lúc chung cuộc – và thậm chí những sản phẩm dần bớt giá trị của các nhà văn lão thành cũng là thứ quí giá, nếu chỉ vì nó quan trọng ở chỗ làm thế nào mà các nhà văn hấp thu, chấp nhận và khước từ được những nỗi đau cùng những thức nhận thuộc về tuổi tác. Roth đã đề cập đến chuyện ông không muốn thêm vào thư viện nhân loại những cuốn sách tầm thường – và có nhiều, rất nhiều ví dụ về những nhà văn lớn ngày càng ít phạm phải những tội ác như thế khi về già. Có vẻ như một cuốn tiểu thuyết của Hemingway, chẳng hạn vậy, được sáng tác ở độ tuổi bảy mươi sẽ nằm trong số những cuốn tệ nhất của ông, làm cho sản phẩm của ông có chiều hướng đi xuống. Nhưng ai lại không muốn đọc xem Hemingway có thể tạo nên những cõi sống gì khi bước vào ngưỡng thất tuần? Một câu trích được cho là của ông được viết thế này: “Nghỉ hưu là từ xấu xí nhất trong ngôn ngữ”. Có vẻ an toàn khi cho rằng việc chết là điều xấu xí hơn.

Trong khi đó, Roth sẽ nghỉ hưu theo cách mà người Mĩ ở độ tuổi nhất định được yêu cầu nghỉ hưu – độ khoảng hơn sáu mươi lăm, nhưng cùng một tinh thần như vậy. Năm ngoái, ông giải thích quyết định của mình với Charles McGrath, của tờ New York Times. Có hai lời giải thích: về mặt hiện sinh và cái kia đơn thuần là thiếu sức sáng tạo. Nguyên do hiện sinh dùng để chốt lại vấn đề được tóm tắt gói gọn trong tờ ghi chú Post-it mà Roth vẫn dán trên máy tính của ông: “Nỗ lực đi cùng với chuyện viết lách đã chấm dứt”. Đây là lí do kinh khủng và mạnh mẽ, nhưng lời giải thích về việc thiếu sức sáng tạo cũng thật xứng đáng. Roth nói với McGrath:

Căn nhà tôi mùa hè này đầy ắp người… Gần như cuối tuần nào tôi cũng có khách tới và thỉnh thoảng họ còn ở suốt tuần. Tôi giờ đã có đầu bếp nấu ăn cho tôi. Hồi xưa tôi không thể lúc nào cũng có người ở nhà mình. Khi họ tới chơi cuối tuần thì tôi không thể thoát ra để viết lách được.

Những độc giả ghen tị hoặc lãng mạn, khao khát nhiều hơn, có thể nhạo báng rằng: “Roth nghỉ hưu… để giải trí ư?” Nhưng tại sao ông ấy không nên như thế? Có điều gì về cái nghề của nhà văn khi nó chối từ những kẻ thực hành, không cho họ có được phần của mình trong cái giấc mơ Mĩ vĩ đại thế kỉ hai mươi? Có thể khó hình dung được những điều mà tác giả của tất thảy những cuốn sách tuyệt vời kia – một người, như David Remnick từng viết, mà đối với họ chuyện viết lách là một “thói quen cuồng tín” – sẽ làm với bản thân. Có vẻ như không thể là trò shuffleboard (đẩy dĩa trên sàn). Nhưng đó là chuyện của ông ấy – hẳn là ông sẽ hoàn tất phần việc của mình cho nhóm tập thể các độc giả Mĩ của chúng ta. Mùa xuân này ông đã bước sang tuổi tám mươi và có được chiếc đồng hồ bằng vàng [2]. Và thật dễ hiểu khi nhà biên niên thiết yếu như thế về những trải nghiệm của tầng lớp trung lưu Mĩ ở thế kỉ hai mươi sẽ là tiểu thuyết gia Mĩ đầu tiên được giải khuây bằng lớp vỏ ngoài, mà tự bản thân nó là chuyện phụ, của việc nghỉ hưu công khai ở Mĩ.

Một lần nữa, có lẽ nhà làm phim Livia Manera đã đúng, và Roth cứ tiếp tục viết lách, với nhiều tiểu thuyết xuất hiện hơn trong đời ông hoặc sau khi ông qua đời. Roth nói với McGrath rằng ông không muốn giống như Frank Sinatra, và tạo ra một vụ nghỉ hưu đình đám chỉ để thực hiện chuyện trở lại. Sinatra là một ví dụ có phẩm cách hơn, mặc dù Roth lẽ ra đề cập đến Brett Favre – hoặc tất cả những tâm hồn thể thao u sầu và lạc lõng kia, những kẻ không thể thoát ra khỏi hoàn toàn được. Chúng ta có lẽ không muốn Roth dừng lại, nhưng giờ thì ông đã dừng, vì lợi ích của tính gọn gàng thuộc về lịch sử và thuộc về lối trần thuật, chúng ta có thể hi vọng rằng ông sẽ giữ lời.

Đoàn Khương Duy chuyển ngữ

Chú thích của người dịch:

[1] #goinggentleintothatgoodnight: Trong Twitter dấu “#” có chức năng tag một từ nào đó. Cụm “going gentle into that good night” lấy từ câu thơ của thi sĩ xứ Wales Dylan Thomas:

Do not go gentle into that good night,
Old age should burn and rave at close of day;
Rage, rage against the dying of the light.

Though wise men at their end know dark is right,
Because their words had forked no lightning they
Do not go gentle into that good night.

Good men, the last wave by, crying how bright
Their frail deeds might have danced in a green bay,
Rage, rage against the dying of the light.

Wild men who caught and sang the sun in flight,
And learn, too late, they grieved it on its way,
Do not go gentle into that good night.

Grave men, near death, who see with blinding sight
Blind eyes could blaze like meteors and be gay,
Rage, rage against the dying of the light.

And you, my father, there on the sad height,
Curse, bless, me now with your fierce tears, I pray.
Do not go gentle into that good night.
Rage, rage against the dying of the light.

Câu thơ đầu “Do not go gentle into that good night” (“đừng dấn bước điềm nhiên vào màn đêm êm ả kia”) hàm ý không nên buông xuôi khuất phục khi màn đêm của cái chết ùa về, mà cần phải tranh đấu chống lại cái chết cận kề đó. Như vậy cụm “going gentle into that good night” ở bài viết này hàm ý ngược lại với câu thơ của Dylan Thomas, tức nhà văn sẽ đăng trên Twitter cái tag đó để nói với độc giả mình đã tới lúc buông hết mọi thứ, không viết lách nữa.

[2] Đồng hồ vàng ở đây là cách nói ẩn dụ về chuyện nghỉ hưu, dựa trên thông lệ xưa cũ rằng một người sau một thời gian nhất định làm cho một doanh nghiệp nào đó, khi nghỉ hưu thì họ sẽ nhận được một chiếc đồng hồ vàng..

Đoàn Khương Duy (dịch)

Nguồn: Crouch, Ian. “Do Writers Really Retire?” New Yorker, 4/2013:

Ian Crouch, hiện đang giữ vị trí web producer (nhà sản xuất trực tuyến, hay còn được gọi là biên tập trang web) cho tờ The New Yoker, lấy bằng cử nhân ngữ văn tại trường Duke University năm 2006, và thạc sĩ ngành báo chí tại New York University năm 2009.

Văn nghệ Trẻ

Exit mobile version