Hà Thủy Nguyên thì viết rất nhiều từ những giấc mơ. Trong khi Ruben và Sally thì “thiết quân luật” với bản thân. Evie thì viết ra những tờ giấy và tự đối thoại thành tiếng một mình, còn Võ Thị Hảo lại rất ưa không gian trong những quán cà phê với âm nhạc mạnh. Họ đã cùng chia sẻ những trải nghiệm của công việc sáng tạo trong một tọa đàm bàn tròn được tổ chức tại Viện Goethe.
Trong khuôn khổ “Những ngày văn học Châu Âu tại Việt Nam”, chiều 18/5, tại Viện Goethe đã diễn ra Bàn tròn văn học chủ đề “Viết truyện giả tưởng hiện nay” với sự tham gia của các nhà văn Evie Wyld đến từ Anh, Ruben Abella đến từ Tây Ban Nha, Tove Lange và Sally Altschuler đến từ Đan Mạch; nhà văn Võ Thị Hảo và nhà văn Hà Thủy Nguyên đến từ Việt Nam. Chủ trì buổi tọa đàm là nhà báo Uyên Ly – Cán bộ quan hệ công chúng của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.


Các nhà văn tham dự tọa đàm.
Một số vấn đề xung quanh công việc sáng tạo của nhà văn đã được các diễn giả chia sẻ với độc giả quan tâm.
Trước câu hỏi về tư liệu đầu vào cho việc viết, bởi sẽ có tình trạng có quá nhiều thông tin, quá nhiều thứ để có thể viết nhưng rồi lại không biết lựa chọn thứ gì, nhà văn Ruben Abella nói cần phải kiếm tra thực tế xem cần những gì, thử đặt câu hỏi xem nếu bỏ bớt thông tin này đi nó có ảnh hưởng đến tác phẩm hay không cũng là một cách mà Ruben kiến giải. “Trong biển thông tin cần xác định trọng tâm trọng điểm và bắt đầu với những ý tưởng thú vị nhất”, Ruben chia sẻ. Khi viết phải tìm ra sự hợp lý khi đưa vào câu chuyện. Dù là mơ hồ hay diễn giải, ý nghĩa sẽ thay đổi khi ý tưởng thay đổi. Khi những gì mình suy nghĩ và những gì mình viết ra không giống nhau, Ruben cho rằng cần có một cầu nối cho những suy nghĩ và những gì được viết ra. Đó là cách để rút ngắn khoảng cách giữa nghĩ và viết, tuy rằng không phải lúc nào cũng hoàn hảo 100%.
Trước vấn đề Công thức khi viết và sự chân thành, Sally nói rằng nó như khi ta nghe nhạc vậy, sẽ có người phát hiện ra những nốt nhạc không thật. Roben bổ sung, “cái này xuất phát từ nội tâm, giống như chị không biết khi nào thì chị yêu vậy. Cảm hứng đến như là yêu”. Nhưng Sally có cách xử lý khá quyết liệt: Đôi khi ta phải giết đi người ta yêu. Ta rất yêu một ý tưởng, thậm chí có thể nghĩ rằng nó sẽ đoạt giải Nobel chăng nữa, nhưng nếu không phù hợp vẫn phải bỏ. “Phải trăn trở, day dứt và phải mạnh tay, cứng rắn với chính mình”. Võ Thị Hảo không có một công thức cho việc sáng tạo, chị cũng không viết chỉ để chiều lòng độc giả. Tác giả “Giàn thiêu” cho rằng, có lý trí nhưng phải biết dự cảm, biết nổi gai ốc trước những điều không thực. Trong khi đó, Evie và Hà Thủy Nguyên lại chọn liệu pháp thời gian. Evie nói, đừng vội vàng, cần thời gian để loại ra, thời gian sẽ phân loại tác phẩm, khi dự cảm về điều gì đó cũng vậy, hãy chờ đợi một thời gian. Hà Thủy Nguyên chia sẻ, khi có ý tưởng cô chưa vội triển khai ngay, nếu như một tháng sau, nhiều tháng sau nó vẫn ám ảnh cô thì cô biết rằng mình phải viết về nó. Nữ họa sĩ – nhà văn Tove Lange nói về ý nghĩa những bức tranh cô vẽ minh họa cho truyện tranh và việc rời bỏ những ý tưởng giả tạo, “nó như thể bị phun một làn sương lên vậy”, cô nói.
Về cảm hứng viết, Hà Thủy Nguyên nói, “khi viết là tôi biểu diễn trong thế giới mà tôi cảm thấy”. Võ Thị Hảo thì bật mí, “khi tôi viết, thứ mà tôi viết nó sẽ hiện ra bên cạnh, tôi viết về thiên đường, thiên đường sẽ hiện ra, tôi viết về địa ngục, địa ngục cũng sẽ hiện ra. Nếu tôi nhận thấy mình viết không hay tôi sẽ bỏ, đó là một cách tôn trọng độc giả”. Sally cho rằng mười phần chỉ có một phần cảm hứng, còn lại nhà văn lao động bằng ý chí. “Có những ngày ngồi cả ngày trước bàn làm việc cũng chỉ là một đống rác rưởi, ta nghĩ rằng không nên ngồi vật vã bên bàn như thế mà hãy đi ra ngoài. Thế nhưng những thứ rác rưởi đó không phải là không có tác dụng, nó giúp ta nghĩ lại để biết nó là rác rưởi. “Nhà văn cũng phải có kỷ luật với những ý tưởng của mình”, Sally bổ sung, “nhà văn phải biết ngồi xuống với những ý tưởng để sàng lọc”. Ruben còn “kỷ luật thép” với mình hơn thế. Ruben cho rằng viết văn là sự kết hợp giữa logic và trực giác. Dù anh cho rằng, “hỏi nhà văn tại sao viết giống như hỏi cây táo tại sao lại ra quả vậy” nhưng anh cũng quả quyết công việc của nhà văn “chỉ có 1% cảm hứng, còn 99% còn lại là kỷ luật”.

Evie Wyld quan tâm đến lịch sử, chiến tranh và đương đại.
Về việc khi viết có nghĩ đến độc giả? Evie nói rằng, khi viết chị thường gạch ra những đầu dòng và tự hỏi những gì tôi viết có truyền tải hết những gì tôi nghĩ không? Trong khi Võ Thị Hảo sẽ cân bằng quyền lợi của mình với quyền lợi của độc giả. “Nhiệm vụ của nhà văn là khai sáng, đánh thức lương tri con người, nhà văn không phải là là ca sĩ để chiều lòng độc giả”, Võ Thị Hảo nói. Ruben cho rằng, viết đòi hỏi một sự cô đơn, vì thế hãy chuẩn bị điều đó nếu như bạn muốn làm nhà văn. “Tôi phải là người đọc đầu tiên, là nhà phê bình đầu tiên với tác phẩm của tôi”, anh nói. Anh cũng nói về sự khác biệt giữa công việc sáng tác và xuất bản. Sally cũng đồng tình với điều đó. “Khi viết tôi là một người kể chuyện nhiều hơn, kể cho một ai đó không phải tôi. Nhà văn cần viết một câu chuyện hấp dẫn nào đó, để cho các em bé đi khám nha sĩ mà không cảm thấy đau chẳng hạn”, anh hài hước.
Điều gì khiến anh/chị trở thành nhà văn? Có hai nhà văn cho rằng họ viết văn là bởi trước hết họ là một độc giả. Ruben nói rằng, năm 17 tuổi anh đọc một cuốn sách và không hiểu cuốn sách ấy nói gì nhưng vẫn bị hấp dẫn bởi câu chuyện và lối hành xử của các nhân vật. Điều đó khiến anh băn khoăn tìm hiểu và từng bước dấn thân vào văn học. Ruben dù viết truyện ngắn đầu tiên từ năm mười sau, mười bảy tuổi nhưng phải đến khi trên ba mươi anh mới sáng tác một cách nghiêm túc khi in tiểu thuyết đầu tiên. Evie chia sẻ, từ việc ham mê đọc, chị luôn tìm hiểu mọi người đang làm gì, tại sao lại làm như vậy. Tính nhút nhát nên chị không đặt câu hỏi trực tiếp mà viết những suy nghĩ ra giấy, đó là con đường chị đến với chữ nghĩa.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Một số sở thích, công việc bếp núc của nhà văn cũng được chia sẻ tại tọa đàm. Sally có ngôi nhà ở trong rừng ở Thụy Điển, anh thường viết ở đó, ngoài ra miền Nam Ấn Độ cũng là nơi nhà văn lựa chọn để rời xa mọi nhiệm vụ hàng ngày, rời xa mọi cuộc điện thoại. Viết bằng bút mực và nói chuyện với ai đủ kiên nhẫn lắng nghe cũng là sở thích của anh. Ngoài bộ màu nước dành cho công việc họa sĩ, nữ họa sĩ – nhà văn Đan Mạch Tove Lange lại luôn mang theo bên mình những mảnh giấy nhỏ để ghi lại những ý tưởng bất chợt đến, đó có thể là khởi nguồn cho những câu chuyện. Võ Thị Hảo có những trải nghiệm lao động sáng tạo rất… Việt Nam. Chị đã từng phải vừa ôm con vừa viết, rồi đến giai đoạn viết trên máy chữ sau đó mới sang giai đoạn viết trên máy tính. Tác giả “Giàn thiêu” có cảm hứng đặc biệt khi ngồi trong những quán cà phê âm nhạc mạnh. Giống như Tove và Evie, trong túi chị cũng có những tờ giấy ghi lại những ý tưởng bất chợt. Roben làm việc kỷ luật hơn, anh thường đi theo trình tự từ đầu đến cuối. “99,9% công việc được tôi hoàn thành ở nhà”. Anh thường dùng bút máy phác thảo tác phẩm ra những bản nháp trên giấy, sau đó mới phát triển và hoàn thiện trên máy tính. “Năm tiếng đạt được một trang theo tôi đã là thành công rồi”, anh nói. Hà Thủy Nguyên là tín đồ của điện ảnh, cô thường mường tượng ra một không gian sáng tạo trong đầu khi viết cùng với việc nghe những loại nhạc tương ứng với thể loại sáng tác. Evie cũng thường mang theo một cuốn sổ nhỏ bên mình ghi những thứ cần thiết. Khi cần sự khuyến khích chị thường nói to lên những đoạn đối thoại với chính mình. Chị cho biết, khi ở quán cà phê, trước những người không quen biết chị sẽ làm việc hiệu quả và có nhiều ý tưởng hơn là ngồi trong nhà với xung quanh là những người quen thuộc.

Khi Uyên Ly nói chị tò mò về chữ viết của Ruben trong những bản thảo viết tay, Ruben đã cho chị xem mảnh giấy mà anh đang viết.
Dự cảm về sự thành công của tác phẩm? Có bao giờ trực cảm sai? Hà Thủy Nguyên cho rằng, trực cảm không sai, mà thường những thứ mà ta ngộ nhận là trực cảm mới sai. Ruben cho rằng, có thể đi đến nửa đường mới biết là mình sai, “hoàn toàn không có gì sai khi chúng ta sai, nhưng vấn đề là chúng ta phải nhận thức được rằng mình đã sai, để khắc phục và đi tiếp”, nhà văn đến từ Tây Ban Nha nói. Võ Thị Hảo nói rằng, chị có thể dự cảm được vùng độc giả cho tác phẩm của mình. “Đôi khi độc giả không cần hiểu hết những câu chữ tôi viết, chỉ cần họ cảm nhận được những điều quan trọng nhất trong cuốn sách, thế là được rồi”, chị nói. Ví dụ cuốn “Giàn thiêu” là một cuốn không dễ đọc, nhưng khi viết chị tin độc giả sẽ quan tâm đến nó, và dự cảm ấy đã đúng, sách của chị (ngoài việc đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn VN) ngày càng có nhiều người đọc. Ruben cho biết, thị trường là thứ phức tạp, anh không biết điều gì sẽ xảy ra với tác phẩm của mình. “Sau khi bản thảo rời khỏi máy tính là tôi không còn quyền kiểm soát nữa”, anh nói. Sally hài hước nói rằng, anh luôn bị sai bởi trực cảm, anh viết cuốn nào cũng nghĩ rằng nó sẽ lọt vào danh sách Best seller và có thể đoạt giải Nobel, nhưng rồi sự thực không phải vậy. “Và lần nào tôi cũng tự nhủ, ồ, lần này mình lại sai rồi”.

Nguồn: Vannghequandoi