Đầu thế kỉ XXI, thành tựu về thể loại văn học ở nước ta đa dạng hơn, đặc biệt là tiểu thuyết – cỗ máy cái của văn học, thể loại “không đông cứng”, luôn thích nghi với những chuyển động phong phú của đời sống. Từ góc nhìn thể loại, ngày càng xuất hiện nhiều khuynh hướng tiểu thuyết, thể hiện sự cách tân triệt để trong xu thế hội nhập với văn học toàn cầu.
M.Kundera cho rằng: “Tất cả tiểu thuyết, ở mỗi thời đại, đều liên quan đến cái ẩn mật của bản ngã. Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu ngay câu hỏi: Bản ngã là gì? Làm sao thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết. Qua nhiều cách trả lời, nếu bạn muốn, bạn có thể phân định thành nhiều khuynh hướng khác nhau, và có lẽ nhiều thời kì khác nhau trong lịch sử tiểu thuyết”. Dựa vào đặc trưng mĩ học của chủ nghĩa hậu hiện đại, hướng đến trả lời câu hỏi trên, chúng tôi xếp tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI theo 4 khuynh hướng chính như sau (do đặc trưng thể loại, việc phân chia thành các khuynh hướng tiểu thuyết chỉ có tính chất tương đối, nhằm khái quát diện mạo tiểu thuyết, thể loại trụ cột của một nền văn học).
1. Tiểu thuyết tân lịch sử – sự phản tư lịch sử
Theo Lyotard, hoàn cảnh ra đời của hậu hiện đại là “sự hoài nghi đối với mọi đại tự sự”. Các khái niệm vốn từng có một sức nặng vững chắc trong truyền thống như lịch sử, nhà nước, con người, thượng đế, trí tuệ, ngôn ngữ… giờ đây gần như trở nên vô nghĩa khi mọi ý đồ nhằm thiết lập các mô hình thế giới đều bị chối bỏ. Hậu hiện đại chú ý tiểu tự sự, tìm kiếm những gì chưa thành khuôn mẫu thay vì đặt niềm tin vào những nguyên lí đã được định hình. Hậu hiện đại thể hiện ở thái độ mỉa mai đối với lịch sử, coi thường tính xác thực của sự kiện, hoài nghi các tượng đài của quá khứ. Chủ nghĩa “tân lịch sử” trở thành biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Gắn với cảm quan lịch sử và tư duy “nhận thức lại”, một bộ phận tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI hướng sự quan tâm đến những câu chuyện của thì quá khứ. Song khác với tiểu thuyết lịch sử truyền thống vốn coi tính chân xác, khách quan như những tiêu chuẩn sống còn, tiểu thuyết tân lịch sử tiếp cận quá khứ bằng quan điểm, thái độ chủ quan của người sáng tác. Nhìn lại lịch sử, luận giải lịch sử từ những góc nhìn “khác” được chú ý hơn so với việc tìm kiếm sự thật, khôi phục chân tướng lịch sử, như những quan niệm trước đây. Ở Việt Nam, thuộc vào khuynh hướng này có thể kể đến tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh), Bí mật hoàng cung (Bùi Anh Tấn)… Không nhằm kể lại lịch sử và giáo huấn, không tuân thủ mô hình của tiểu thuyết lịch sử truyền thống theo kiểu chương hồi khách quan, khuynh hướng tiểu thuyết tân lịch sử hướng đến luận giải quá khứ trên tinh thần đối thoại, giải thiêng cùng với những hoài nghi về những “đại tự sự” của lịch sử (các tư tưởng, học thuyết, các tôn giáo, tín ngưỡng, các huyền thoại, cổ mẫu…).
Một trong những cái khó của các cây bút tiểu thuyết lịch sử là luôn phải chịu áp lực trong quá trình đối thoại với quá khứ, hòng tránh những cạm bẫy được giăng lên từ mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu. Các nhà tiểu thuyết theo khuynh hướng tân lịch sử lại càng phải chịu nhiều áp lực hơn khi buộc phải luận giải, đánh giá lại lịch sử chứ không phải “kể chuyện” lịch sử bằng văn học. Cứ liệu lịch sử lúc này chỉ còn là cái cớ để bày biện các ý đồ sáng tạo, các quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Trong tiểu thuyết Giàn thiêu, bằng tư duy phản tư, Võ Thị Hảo đã di chuyển những tượng đài lịch sử (Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan) từ chốn uy nghiêm (được thờ vọng trong tâm thức dân tộc) đến chốn phàm trần (với nhiều toan tính, ân oán, thù hằn). Hoài nghi đại tự sự, đối thoại lại với các văn bản mang tính chất lập thuyết của quá khứ (các học thuyết, các tôn giáo, các tín ngưỡng, huyền thoại) cũng là đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa). Qua kiểu trần thuật đối thoại, trần thuật từ lời thoại với các hình thức lập luận – triết lí, biện giải – tự thuật, chất vất – hoài nghi… Nguyễn Xuân Khánh đã đối thoại về tư tưởng, quan niệm, đối thoại với lịch sử – văn hóa… để nhìn lại quá khứ từ góc nhìn của hiện tại, trăn trở về những vấn đề hôm nay. Có thể thấy, trong sự gia giảm giữa hư cấu và sự thực lịch sử, đa phần các nhà viết tiểu thuyết theo xu hướng này đều có ý thức đi tìm bản ngã. Ý thức đó khiến tiểu thuyết tân lịch sử thường có tính chất phản tư, lịch sử hiện ra qua diễn ngôn tự thuật của một cái tôi tự vấn. Cùng với những đặc điểm nảy sinh từ cảm quan hậu hiện đại như phản nghịch, vứt độ sâu… tiểu thuyết tân lịch sử đã xem “lịch sử như là một nhân vật”, nơi nhà văn thỏa sức tưởng tượng, hư cấu để nhận diện lại lịch sử hay thậm chí lật đổ, viết lại lịch sử.
2. Tiểu thuyết hiện sinh – sự phân rã những mảnh hiện tồn
Tinh thần hiện sinh trong văn học, về cơ bản là sự kiếm tìm bản thể, hướng đến trả lời câu hỏi “Con người, anh là ai?”. Ngay từ giữa thế kỉ XX, triết học hiện sinh và văn học hiện sinh đã được giới thiệu ở Việt Nam (chủ yếu ở miền Nam) cùng những tác phẩm gắn với những tên tuổi lớn như Soren Kierkegaard, Friedrich Nietzsche, Jean Paul Sartre, Simon de Bauvoir, Albert Camus… Tuy vậy, tinh thần hiện sinh, quan niệm hiện sinh chỉ thật sự bùng nổ trong văn học Việt Nam kể từ đầu thế kỉ XXI, cùng với sự phì đại của hiện thực, của kĩ nghệ, khiến con người bị “máy hóa” và ngày càng trở nên “vô danh” trước đời sống. Tiền đề “hiện sinh có trước bản chất” của chủ nghĩa hiện sinh và các quan niệm về tính chủ thể, về tự do, sự phi lí, về sự dấn thân, nổi loạn… tỏ ra phù hợp để lí giải và nhận diện con người hậu hiện đại. Trong một thế giới đa trị, hỗn độn, bất toàn với các chân giá trị bị đảo lộn, với quan niệm về “tính trò chơi” hay vai trò giải trí của văn chương, tư tưởng hiện sinh của chủ nghĩa hiện đại tiếp tục bén rễ và phát triển trong văn học hậu hiện đại như một điều tất yếu.
Tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI đặc biệt chú ý đến đời sống hiện sinh của con người – “con người không là gì khác ngoài cái mà bản thân anh ta tự làm nên” (J.P. Sartre). Sự xuất hiện của nhiều cây bút trẻ (Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Lê Anh Hoài, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư…) với các tiểu thuyết tập trung vào các trạng huống hiện hữu cá biệt của con người trong đời sống đã làm nên một khuynh hướng tiểu thuyết hiện sinh ở Việt Nam. Có thể phần nào cảm nhận được dấu vết hiện sinh qua nhan đề tác phẩm: T mất tích (Thuận), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Thoạt kì thủy (Nguyễn Bình Phương), Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Chuyện tình mùa tạp kỹ (Lê Anh Hoài), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy), Giữa dòng chảy lạc, Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam), Bờ xám (Vũ Đình Giang), Vắng mặt (Đỗ Phấn)… Tinh thần hiện sinh trong tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI được thể hiện đậm đặc ở cảm thức hư vô, ở những thân xác hiện tồn bị quăng quật ngẫu nhiên vào đời sống và chỉ tồn tại nhờ vào những ý muốn tồn tại của chính nó. Nổi loạn, dấn thân kiếm tìm tự do, chìm đắm trong nỗi cô đơn bản thể với những cái chết tượng trưng, những chấn thương tinh thần – thể xác… trở thành những phản ứng của con người trước một thực tại đơn điệu, trống rỗng, thiếu vắng những điểm tựa tinh thần. Với tiểu thuyết hiện sinh, các nhà văn gặp gỡ nhau ở ý thức mô tả một kiểu nhân vật lạc lõng, cô đơn giữa một thế giới phẳng. Con người khước từ, đánh mất sự hiện hữu để dấn thân vào hành trình truy tìm bản thể. Nhân vật của Đoàn Minh Phượng lang thang trên những toa tàu vô định để trả lời câu hỏi “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến?”, “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết” (Và khi tro bụi). Với nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, sống là hành vi lựa chọn và dấn thân. Lao mình vào những chuyến phượt, là một hành vi lựa chọn hiện tồn, đúng – sai cũng là một sự dấn thân, và cuối cùng là sự biến mất hoặc cái chết vô tăm tích (Sông). Để trả lời câu hỏi “Những con người làm nên cuộc sống và bộ mặt phố phường. Họ là ai thế nhỉ???”, nhân vật của Đỗ Phấn lùi dần, lùi dần, chối bỏ lối sống khuôn mẫu, bầy đàn để lựa chọn sự vắng mặt, và luôn ám ảnh về sự vắng mặt. Con người “ngày một thêm vắng mặt ở ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên”; “Niềm vui giả tạo thì đầy rẫy nhưng hoàn toàn thiếu vắng nỗi buồn…” (Vắng mặt).
3. Tiểu thuyết tính dục – sự phì đại của dòng văn chương thân xác
Nếu văn học hiện đại quan tâm nhiều đến tình yêu thì văn học hậu hiện đại lại quan tâm nhiều đến tình dục. Nhìn từ mĩ học hậu hiện đại, việc khai thác đề tài tính dục tự nó chưa đủ để làm nên một khuynh hướng sáng tác riêng biệt. Nhiều tiểu thuyết của các nhà văn nữ dựa vào ý thức bình đẳng tính dục giới để khẳng định tinh thần nữ quyền. Nhiều tiểu thuyết thuộc khuynh hướng hiện sinh quan tâm đến con người bản năng, con người tính dục nhằm nhận diện một trạng huống hiện sinh của con người trong đời sống. Cùng với sự trở lại của học thuyết Freud, sự phì đại của dòng văn chương thân xác đầu thế kỉ XXI dẫn đến sự xuất hiện một khuynh hướng tiểu thuyết lấy tính dục làm trung tâm cảm xúc, qua tính dục để lí giải, cắt nghĩa những vấn đề cuộc sống và con người.
Tiêu biểu cho khuynh hướng tiểu thuyết tính dục có thể kể đến Vũ Đình Giang (Song song, Bờ xám), Nguyễn Đình Tú (Nháp, Phiên bản, Kín), Nguyễn Đình Chính (Ngày hoàng đạo), Thuận (Vân Vi), Lê Anh Hoài (Chuyện tình mùa tạp kĩ), Đỗ Phấn (Chảy qua bóng tối), Đặng Thiều Quang (Bóng giai nhân)… Điểm nổi bật của các tác phẩm thuộc khuynh hướng tiểu thuyết tính dục là sự khai thác triệt để ngôn ngữ thân xác nhằm tô đậm những khía cạnh hiện sinh, những phương diện bản thể của con người. Tính dục đồng tính cũng được quan tâm (Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Quỳnh Trang…). Một số tác giả còn chú ý quá nhiều đến việc phô diễn những “thao tác giường chiếu”, song nhìn chung, thể hiện những trạng thái cảm xúc tính dục, qua đó, chạm đến những miền sâu kín của con người, mới là đích đến của tiểu thuyết thuộc khuynh hướng này. Đằng sau những trang viết đầy nhục cảm là những bất hạnh thể xác (Song song), những chấn thương tinh thần (Bờ xám), những ám ảnh vô thức hay những nỗi đau thân phận (Một thế giới không có đàn ông – Bùi Anh Tấn, Phiên bản – Nguyễn Đình Tú). Đằng sau những ngôn từ gợi hình, mê đắm có khi là những hoang hoải kiếp người (Bóng giai nhân – Đặng Thiều Quang, Vắng mặt – Đỗ Phấn, Chuyện lan man đầu thế kỷ – Vũ Phương Nghi)… Không thể phủ nhận rằng, ở một số tác phẩm (thuộc mọi khuynh hướng), sex có khi như một thứ gia vị được nêm quá tay để chiều thị trường. Song cũng không thể không thừa nhận, khi xem sex như một đề tài chủ yếu để dò tìm những phần khuất lấp của tâm hồn con người, các tác phẩm “nương nhờ thân xác” thuộc khuynh hướng tiểu thuyết tính dục đã góp thêm một cách tiếp cận con người đa bản thể.
4. Tiểu thuyết nữ quyền – phụ nữ không phải là “cái khác vắng mặt”
Theo một số công trình nghiên cứu về chủ nghĩa nữ quyền, “tiếng nói nữ quyền” được vang lên sớm nhất với những tranh luận văn học của nữ nhà văn người Ý Christine de Pizan chống lại tư tưởng và lối viết truyền thống của đàn ông về phụ nữ, vào thế kỉ XV (Christine de Pizan được xem là người phụ nữ đầu tiên đem giới tính của mình vào trong ngòi bút). Tuy vậy, phải đến thế kỉ thứ XVIII, sau khi Đại cách mạng tư sản Pháp bùng nổ, chủ nghĩa nữ quyền mới thực sự hình thành. Và vào thế kỉ XIX, thuật ngữ feminist/ feminism (nữ quyền) lần đầu tiên xuất hiện, ở Pháp, Hà Lan rồi đến Anh, Mĩ… thay thế dần thuật ngữ woman’s rights (quyền của phụ nữ) vốn phổ biến hơn trước đó.
Ở Việt Nam, tinh thần nữ quyền lên ngôi và dần trở thành một khuynh hướng văn học nổi bật kể từ sau 1986, đặc biệt là từ đầu thế kỉ XXI. Đây cũng là một xu thế tất yếu của thời đại khi phụ nữ trở thành “chủ thể ngôn từ, chủ thể trải nghiệm, chủ thể tư duy, chủ thể thẩm mỹ” (Lưu Tư Khiêm) và tư tưởng nam quyền cùng nền văn hoá duy dương vật (phallocentric culture) trở thành những “đại tự sự” cần được xét lại với những phán quyết mới. Ở Việt Nam, văn học nữ quyền không phát triển thành một chủ lưu trong dòng chảy chung của văn học hiện đại như ở Pháp, Mĩ (những nơi phong trào bình đẳng giới diễn ra mạnh mẽ). Tuy vậy, với nhu cầu “nhận thức lại”, hướng đến giải phóng phụ nữ trên nhiều phương diện, nhiều cây bút nữ Việt Nam đã phần nào khẳng định quyền của phụ nữ thông qua văn chương.
Ý thức nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam hiện đại bắt đầu được thể hiện mạnh mẽ sau Đổi mới, với truyện ngắn của Y Ban (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Người đàn bà có ma lực), Võ Thị Hảo (Hành trang người đàn bà Âu Lạc, Người sót lại của rừng cười), Nguyễn Thị Thu Huệ (Hoàng hôn màu cỏ úa, Người đàn bà ám khói), Dạ Ngân (Con chó và vụ li hôn)… Song phải đến đầu thế kỉ XXI, cùng với sự trỗi dậy của các cây bút nữ, văn học nữ và bộ phận văn học mang tinh thần nữ quyền (ở cả thơ và văn xuôi) mới thật sự trở thành một dòng văn học có chỗ đứng riêng. Ở thể loại tiểu thuyết, khuynh hướng văn học nữ quyền gắn với tác phẩm của Y Ban (Xuân Từ Chiều, Trò chơi hủy diệt cảm xúc), Dạ Ngân (Gia đình bé mọn), Đoàn Lê (Tiền định), Lý Lan (Tiểu thuyết đàn bà), Thuận (Phố Tàu, Paris 11 tháng 8), Đoàn Minh Phượng (Mưa ở kiếp sau), Võ Thị Xuân Hà (Trong nước giá lạnh) và đậm nhạt ở tác phẩm của một số tác giả khác như Thùy Dương, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Linda Lê…
Ý thức về giá trị nữ giới trong tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI thể hiện trước hết ở việc phủ nhận những giá trị chính diện của chế độ phụ quyền, gắn với khái niệm “dương vật trung tâm” (J. Lacan); hướng đến nhận diện và giải mã những phương diện mang đặc trưng nữ giới hiển lộ hay bị che giấu trong tác phẩm. “Nhân danh tính đàn bà” các nhà văn nữ không chỉ chất vấn, lên tiếng về nỗi đau thân phận mà còn công phá vào những “vùng cấm kị” để khẳng định tiếng nói, khẳng định quyền của phụ nữ, trong đó có những quyền năng từ giới tính. Trong Xuân Từ Chiều, Y Ban đã không ngần ngại chất vấn: “Sao không? Mọi cảm xúc của con người đều đang được nhân loại hoàn thiện cơ mà. Tại sao cái cảm xúc này lại luôn bị che giấu”. Các nhân vật nữ của chị cũng luôn tự khám phá thân thể để đi đến tận cùng những cảm xúc đàn bà. Người đàn bà trong tiểu thuyết của Võ Thị Xuân Hà lại cười nhạo sự thánh thiện của con người (nhất là của đàn ông) bằng việc chủ động khỏa thân, nằm phơi dưới cơn mưa, đồng loã với đất trời trêu ngươi bản lĩnh chuyên chính (Trong nước giá lạnh)… Văn học nữ quyền trở thành những diễn ngôn mới về tính dục nữ. Và sự chủ động của nữ giới trong tình dục trở thành phương diện thể hiện rõ nhất sự tự do bản ngã (tiểu thuyết của Y Ban, Thuận, Dạ Ngân, Lý Lan…). Lúc này giới tính là tiền đề và cũng là kết quả của những câu chuyện về phụ nữ. Những tiền đề – kết quả, những câu chuyện về thân phận đàn bà có thể giống hoặc khác nhau, song tiếng nói nữ quyền trong tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI đã buộc người ta phải lắng nghe và nhìn phụ nữ không phải là “cái khác vắng mặt” (Lacan).
Có nhiều tiêu chí, nhiều cách phân chia tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI thành các khuynh hướng (dù luôn tồn tại tính chất tương đối và cả sự chồng chéo trong các cách phân chia): theo đề tài; theo cảm hứng sáng tác của nhà văn; từ phương diện hình thức; dựa vào tư duy thể loại và những bút pháp tương ứng… Sự phân chia thành các khuynh hướng như trên cũng chưa đủ để nhận diện toàn bộ tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI, song từ sự tương đồng trong các khuynh hướng tư tưởng mĩ học hậu hiện đại với các khuynh hướng tiểu thuyết ấy, có thể cảm nhận rõ rệt hơn về cảm quan hậu hiện đại ở một bộ phận văn học Việt Nam.
Nguồn: vannghequandoi.com.vn