Nhóm đi bộ buổi sáng quanh hồ Văn của chúng tôi thường có năm người: Một cựu chiến binh, một sỹ quan an ninh về hưu, một kiến trúc sư, một kỹ sư ngành giao thông vận tải và tôi. Ba, bốn vòng hồ, ba bốn mươi phút trở nên ngắn ngủi và hào hứng bởi mỗi ngày chúng tôi đều góp với nhau một hay vài câu chuyện từ ta sang tây, từ cổ chí kim…
Sáng nay, vừa gặp mặt nhau, ông Thăng cựu chiến binh đã mở đầu câu chuyện góp bằng một câu hỏi: Hôm qua có ông nào xem được hình ảnh cuộc biểu tình của người dân Phnôm Pênh phản đối những luận điệu xuyên tạc lịch sử bôi nhọ tình hữu nghị VN-CPC của một nghị sĩ quốc hội CPC.
Người nói có, người nói không, riêng ông kỹ sư, như mọi lần, vẫn góp đôi lời bình luận về sự kiện ấy. Đợi cho ông kỹ sư ngừng bày tỏ chính kiến của riêng mình, ông Thăng tiếp tục bằng một giọng chùng hẳn: Tớ nhận ra một người quen ba mươi năm trước trong đoàn biểu tình. Cô ấy là một trong số những người cầm biểu ngữ đi đầu…
– Phải là bà ấy chứ. Anh cũng gần bẩy mươi rồi còn gì.
Giọng ông Thăng bùi ngùi:
– Ừ, cô ấy cũng đã ngoài 60…
– Chắc bác và cô ấy có kỉ niệm gì đó đặc biệt lắm phải không? – Tôi hỏi thêm.
Ông Thăng:
– Có. Những kỷ niệm mà sau này mỗi khi nghĩ về đất nước chùa tháp, hình ảnh của Mary lại hiện lên khi rõ nét, khi chập chờn thật khó có lời nào diễn tả nổi…
Tất cả chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau nghe ông Thăng kể chuyện về người phụ nữ Campuchia có cái tên Mary ấy. Câu chuyện khiến mọi người đều xúc động và tôi nghĩ không thể không viết lại…
…Đầu tháng 1 năm 1979, trung đoàn của Thăng đang đánh nhau với bọn Khơ Me Đỏ ở tuyến phòng thủ Svayriêng thì có lệnh rút một số đơn vị về hỗ trợ lực lượng vũ trang của mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia giữ gìn an ninh trật tự ở thủ đô Phnôm Pênh vừa được giải phóng. Bên bạn bố trí bảy anh em cùng tiểu đội với Thăng ở một ngôi nhà hoang gần ngoại ô. Đó là một ngôi nhà vườn kiến trúc theo kiểu biệt thự hai tầng nằm giữa khu vườn nhỏ um tùm cỏ dại. Trên mái nhà một giàn hoa giấy mọc tự do lâu năm đã phủ gần kín. Bẩy anh em phải lao động cật lực cả tuần hình hài của ngôi biệt thự mới dần hiện ra. Nhìn cách kiến trúc và một số vật dụng bài trí còn lại trong ngôi nhà và mảnh vườn, Thăng đoán chủ nhân của nó là một trí thức đã từng có những năm tháng sống ở Pháp hoặc một nước phương Tây nào đó. Hồi ở trường đại học, Thăng học ngoại ngữ tiếng Pháp và có tìm hiểu về văn hoá và kiến trúc Pháp…
Đơn vị của Thăng ở ngôi nhà này chừng nửa tháng thì có một chuyện khiến mọi người phải quan tâm. Ấy là sự xuất hiện của một phụ nữ bí hiểm. Người phụ nữ thường thấp thoáng bên một gốc cây bên kia đường đăm đắm nhìn về ngôi nhà mà đơn vị Thăng đang ở. Có lần chị ta theo chân khách bộ hành đi ngang qua cổng ngôi nhà rồi giả vờ dừng lại sửa quai dép, nhưng đôi mắt thì nhìn như dán vào từng ngơ ngách trong khu vườn.
Có thể người phụ nữ ấy không nhìn rõ một ai trong nhà nhưng anh em trong đơn vị của Thăng thì đã được phân công theo dõi chị ta khá chặt. Vì thế, dẫu người phụ nữ ấy có choàng tấm khăn che quá nửa gương mặt thì Thăng và anh em vẫn nhận thấy đó là một người đẹp. Dáng cao dong dỏng cao, thon thả, đôi mắt to, sáng ẩn dưới làn mi dài trên gương mặt thanh tú là nhận xét chung của anh em trong đơn vị về người phụ nữ bí ẩn này. Một người phụ nữ đẹp lân la theo dõi đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam hẳn phải nằm trong một âm mưu nào đó… Trước đó, khi được bố trí vào ở ngôi nhà này, cấp trên đã phổ biến rằng: Thành phố đã được giải phóng nhưng tàn quân của bọn Pôl Pốt vẫn còn trà trộn trong dân. Một số đơn vị của quân tình nguyện Việt Nam là mục tiêu tấn công của bọn chúng bất cứ lúc nào…
Rồi chỉ mười ngày từ khi người phụ nữ bí ẩn xuất hiện thì ngôi nhà mà đơn vị của Thăng đang ở đã bất ngờ bị tấn công. Tối hôm ấy một kẻ đi đường đã ném lựu đạn qua mái vào sân sau của ngôi nhà. Đang là mùa khô nóng nực. Như mọi tối, anh em quây quần bên ấm trà bàn công việc dưới mái hiên phía sau. Quả lựu đạn bị vướng giàn hoa giấy trên mái phát nổ trước khi rơi xuống đất. Tiểu đội trưởng ngồi ngoài cùng bị mảnh lựu đạn găm vào đầu vào tay, vết thương khá nặng. Thăng ngồi kế bên cũng bị một mảnh lựu đạn găm trên vai. Tiểu đội trưởng và Thăng được đưa ngay đến bệnh xá của bạn điều trị… Lấy được mảnh lựu đạn trên vai và băng bó xong, Thăng vẫn phải ở lại bệnh xá theo dõi vết thương kết hợp với việc trông coi tiểu đội trưởng luôn.
Kíp mổ cho tiểu đội trưởng làm việc đến gần nửa đêm mới xong. Hai người, một người đàn ông đã có tuổi và một phụ nữ trẻ trong bộ blu trắng rời phòng mổ trước. Họ vừa đi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Ngồi ở ghế của phòng chờ ngoài hành lang, Thăng nghe được những điều họ vừa trao đổi và hiểu rằng ca mổ đã thành công nhưng bệnh nhân cần phải tiếp thêm máu. Thăng đoán hai người là bác sỹ phụ trách ca mổ này nên mạnh dạn đứng lên hỏi họ bằng tiếng Pháp:
– Thưa các bác sỹ, bệnh xá đã có đủ máu dự trữ để tiếp cho bệnh nhân chưa ạ?
Người đàn ông nhìn Thăng vẻ ngạc nhiên, lát sau ông trả lời:
– Có rồi. Nhưng số máu dự trữ của chúng tôi còn rất ít…
Thăng quả quyết:
– Tôi và anh em trong đơn vị có thể tiếp máu cho anh ấy.
Người đàn ông:
– Cũng phải đợi đến ngày mai mời các ông đến đây để chúng tôi tiến hành kiểm tra xem ai có nhóm máu tương thích mới được…
Đến lúc ấy người phụ nữ đi cùng mới lên tiếng:
– Việc này xin giáo sư để tôi đảm nhiệm.
Vị giáo sư:
– Ồ, tất nhiên. Từ bây giờ tôi sẽ bàn giao bệnh nhân cho cô.
Rồi vị giáo sư quay sang nói với Thăng:
– Đây là bác sỹ Mary, người vừa phụ mổ cho tôi. Ông có thể trao đổi thêm với cô ấy công việc ngày mai.
Nói rồi vị giáo sư bỏ đi với dáng điệu mệt mỏi. Chỉ còn lại hai người, Thăng mới chú ý đến Mary, nữ bác sỹ đứng trước mặt mình. Hoá ra đó là người phụ nữ bí ẩn đã từng thấp thoáng trước ngôi nhà mà đơn vị anh đang ở. Thăng lo lắng và tỏ ra suy nghĩ theo chiều hướng xấu về chị ta. Anh trở nên lúng túng và không biết phải nói gì vào lúc này. Mary lên tiếng trước:
– Đơn vị ông còn mấy người?
– Điều này thì… xin lỗi bác sỹ, tôi không thể trả lời được – Thăng đáp.
Mary thoáng nhíu mày. Nhưng rồi cô ta trở lên mạnh dạn hơn:
– Ý tôi chỉ muốn biết liệu đơn vị ông có đủ máu tiếp cho bệnh nhân không thôi.
– Vậy bao nhiêu thì đủ, thưa bác sỹ? Thăng hỏi lại.
– Ít nhất là ba người có cùng nhóm máu với anh ấy – Mary trả lời ngay.
– Sáng mai tôi về đơn vị xin ý kiến cấp trên rồi sẽ báo lại với bác sỹ – Thăng lúng túng.
– Để các ông khỏi mất công đi lại, ngày mai tôi và một y tá sẽ đến nơi các ông ở, thử máu từng người – Mary đề xuất.
– Tuyệt đối không được – Thăng đáp vẻ kiên quyết.
– Vì sao? – Mary thoáng buồn.
– Vì nơi đó đang là doanh trại quân đội… Thăng giải thích rồi nhìn như vào mắt Mary theo dõi phản ứng.
Bất giác có những giọt nước mắt lăn trên gương mặt của Mary. Lát sau sau cô mới thốt lên lời:
– Thực ra nơi các ông đang đóng quân là ngôi nhà cũ của gia đình tôi. Đã mấy lần tôi đến đó định xin các ông vào để đắp lại nấm mộ của chồng và hy vọng được gặp lại đứa con gái bé bỏng. Mẹ con tôi bị lạc nhau đã 4 năm rồi…
Thăng cảm thấy ân hận và bối rối vì đã có những xét đoán sai về người phụ nữ đang đứng trước mặt mình. Lát sau anh mạnh dạn bày tỏ mong muốn được nghe Mary kể lại câu chuyện về người chồng và đứa con gái của chị…
*
… Đêm ấy trăng cũng úa như đêm nay… Mary nhìn lên bầu trời đêm, đôi mắt thăm thẳm buồn. Khá lâu chị mới tiếp tục được câu chuyện trong nghẹn ngào và thỉnh thoảng đứt đoạn trong tiếng nấc – Gia đình tôi vừa ăn cơm tối xong. Đứa con gái bẩy tuổi của chúng tôi lên trong phòng riêng của nó ở trên lầu. Vợ chồng tôi ra hiên sau uống nước và nói chuyện thời cuộc. Chỉ vài giờ trước đó, trong tâm thế của những trí thức thủ đô, vợ chồng tôi theo chân những người trong phố ra đổ ra đường đón những người vừa đánh bại đội quân của thủ tướng Lon Non. Nhưng đáp lại những lời tung hô, cờ hoa và những cái vẫy tay của dân chúng là mệnh lệnh phát ra từ của một gã chỉ huy đám lính áo đen: Ngày mai tất cả bọn dân thành thị các người, không trừ một ai phải thu xếp về nông thôn cải tạo lao động… Chồng tôi là một người cứng rắn. Anh tỏ ra hoài nghi về việc thực thi mệnh lệnh ấy. Anh cho rằng, dù là chế độ nào thì nhà cầm quyền cũng cần phải có dân và cần được chăm sóc sức khoẻ. Cuối cùng anh động viên tôi:
– Vợ chồng mình là những bác sỹ được đào tạo bài bản từ châu Âu, chắc chắn họ vẫn sẽ cần đến…
Chồng tôi nói chưa dứt câu thì có những tiếng kim khí chát chúa và tiếng gào thét từ ngoài cổng ầm ĩ. Chúng tôi chạy ra. Lát sau một toán lính mà chúng tôi vừa chào đón ban trưa hùng hổ tiến vào. Gã đi đầu cầm cây súng dài. Số còn lại trong tay đứa nào cũng lăm lăm một thứ hung khí như dao, búa và cả xẻng cuốc. Gã cầm súng lướt quanh ngôi nhà và nhìn như xoáy vào mặt tôi rồi nói:
– Chà, nhà đẹp, người đẹp… Vậy thì bọn người quen ăn bám này phải cút khỏi thành phố càng sớm càng đỡ tức mắt…
Chồng tôi đáp lại với vẻ tự tin:
– Chúng tôi là những bác sỹ từng đi du học ở Pháp về. Hiện chúng tôi đang làm việc ở bệnh viện lớn của thành phố. Chắc chắn cấp trên của các anh sẽ cần đến…
Tên cầm súng cướp lời của chồng tôi:
– Chỉ huy tối cao của chúng tao đã tuyên bố : Chế độ mới này không cần bệnh viện, không cần trường học, không cần báo chí, không cần xe cộ, không cần chợ búa… Và vì thế cũng không cần lũ chúng mày…
Chồng tôi vẫn tỏ ra cứng cỏi:
– Tôi phản đối. Sáng mai tôi sẽ tìm gặp chỉ huy của các anh. Tôi sẽ…
Chồng tôi nói chưa dứt câu, gã chỉ huy đã quay báng súng thúc luôn vào ngực anh và ra lệnh như hét:
– Các chiến hữu, hãy thi hành mệnh lệnh của chỉ huy tối cao: Hành quyết kẻ chống đối.
Tên chỉ huy vừa dứt lời lập tức gã đứng bên hắn giơ búa giáng xuống đầu chồng tôi. Anh nằm vật ra hiên. Cặp kính trắng văng ra khỏi mắt anh. Đôi môi anh mấp máy không thành tiếng. Một gã khác xoay cái cuốc trong tay bổ vào đầu anh thêm mấy nhát nữa… Máu và óc của anh vọt ra . Anh nằm bất động, đôi mắt vẫn mở trừng trừng…
Sự biến xảy ra nhanh đến nỗi tôi không thể tin vào mắt mình, cũng không thể hiểu những kẻ đang đứng trước mình là người hay là quái vật… Tôi chưa kịp thốt lên lời nào thì bất ngờ bé Sa May, con gái chúng tôi từ cầu thang lao xuống ôm lấy xác bố vừa lay vừa nói:
– Bố ơi bố làm sao thế này.
Lập tức tên cầm súng túm lưng áo nó nhấc bổng lên ném ra gốc cây dừa rồi nói gằn từng tiếng:
– Chúng tao tiếp tục đi nhà khác. Chừng một giờ nữa sẽ quay lại. Nếu hai mẹ con mày chưa rời khỏi đây thì mỗi đứa cũng phải ăn mấy nhát cuốc như thằng kia…
Nói xong hắn khoát tay cho đồng bọn bỏ đi. Sa May lồm cồm bò đến bên tôi. Gương mặt nó thất thần và biến dạng. Nó lắp bắp:
– Mẹ khóc to thế… Bọn họ nghe thấy sẽ quay lại đấy…
Vừa nói nước mắt nó vừa lã chã rơi xuống gương mặt đã trắng bệch của bố… Đến lượt tôi phải động viên nó:
– Bọn chúng chưa quay lại đâu. Mẹ con mình lo đào một cái hố cho bố nằm đã…
Tôi dùng con dao gọt hoa quả khoét xuống đám đất rắn nơi góc vườn. Mười ngón tay của tôi phải cào, phải bốc từng vốc đất để đưa lên. Bé Sa May cũng làm theo tôi như một cái máy… Khi đám đất đã thành hình huyệt mộ thì hai bàn tay của mẹ con tôi đều phổng rộp và rách tướp. Bé Sa May giơ hai bàn tay bê bết máu và đất kêu đau. Tôi định chạy vào trong nhà lấy cuộn băng quấn tay cho cháu thì có tiếng những tiếng súng rộ lên. Sau tiếng súng là tiếng thét đau đớn của ai đó. Tôi hiểu rằng lại có thêm một người chung số phận với chồng tôi… Tôi bỏ ý định đi lấy băng mà vội vã ôm xác chồng đặt vào huyệt mộ đang đào dở. Con bé nhoài người ôm chặt lấy bố, thút thít:
– Mẹ ơi, bố vẫn đang nhìn con…
Tôi lặng lẽ vuốt mắt cho chồng và nói với con:
– Sắp sáng rồi. Bọn nó sắp quay lại… Tạm để bố nằm ở đây rồi hôm nào mẹ con mình sẽ về thăm…
Lấp đất xong, mẹ con tôi chỉ còn kịp đào một khóm hoa hồng trồng lên cuối nấm mộ trước khi rời khỏi ngôi nhà.
Hai mẹ con tôi ra đường rồi mà không biết phải đi đâu. Đúng lúc ấy có mấy người cùng phố đến gần. Cũng như mẹ con tôi họ vừa bị bọn lính áo đen đánh đập và đuổi ra khỏi nhà. Mẹ con tôi lặng lẽ đi theo họ. Qua mỗi con phố, những người phải di tản về nông thôn như chúng tôi mỗi lúc một đông thêm. Cho đến khi trời sáng thì chúng tôi đã thành một đoàn người dài dằng dặc dưới sự áp tải của lũ lính áo đen hung hãn. Trong tay đứa nào cũng lăm lăm một khẩu súng dài, trước ngực và sau lưng chúng là những băng đạn vắt kín…
Đoàn người chúng tôi ra khỏi thành phố thì mặt trời lên cao. Đang là mùa khô. Nắng như đổ lửa xuống con đường không một bóng cây. Nóng như thiêu như đốt. Con gái tôi kêu đau tay, mỏi chân và đói. Đứa bé trai chừng mười tuổi đi trước chúng tôi cũng luôn mồm kêu khát. Người bố xin với tên lính áp tải được rời khỏi hàng xuống con kênh bên đường lấy nước cho con uống. Lập tức người bố bị tên lính giáng một báng súng vào ngực kèm thêm lời huấn thị:
– Từ nay, lũ thành thị chúng mày, từ bé đến lớn sẽ phải nếm mùi gian khổ. Chúng mày phải về nông thôn lao động làm ra của cải để tái lập chế độ mới mà thủ lĩnh tối cao Pôl Pốt đang thai nghén. Đứa nào dám kêu ca nữa, lập tức bị đập chết…
Nghe tên lính nói, đôi chân con gái tôi tự nhiên run lên. Nó cố lê bước thêm một đoạn nữa thì ngã vật xuống đường. Tôi vội bế xốc con lên tay tiếp tục bước theo đoàn người. Nhưng sức vóc của tôi cũng chỉ gồng mình thêm được vài phút. Nhìn thấy tôi ôm con bước đi lảo đảo, một tên lính áo đen từ phía sau hùng hổ chạy đến quát:
– Nếu không muốn bị đập chết thì vứt ngay đứa bé sang bên đường đi cho kịp mọi người.
Tôi van xin hắn được tiếp tục ôm con bé. Nhưng tên lính áo đen ấy đã lôi nó ra khỏi vòng tay tôi ném ra bờ cỏ ven đường rồi gầm lên: Cứ để nó lại đây. Lát nữa sẽ có xe đến nhặt…
Tôi vừa nhoài ra khỏi đoàn người toan đến với con bé thì phía trước một loạt đạn vang lên. Tôi khựng lại. Lát sau định thần, tôi mới biết mình vẫn còn sống. Người chết là đứa trẻ dám rời đoàn người chạy xuống kênh vục nước uống. Tên lính áo đen vừa thúc báng súng vào ngực người bố đã kết liễu đứa con của anh ta bằng loạt đạn thay cho lời quát mắng. Máu thằng bé loang đỏ mặt kênh, trước mắt của mọi người… Con gái tôi cũng nhìn thấy. Nó như bừng tỉnh, như hoá thân thành một người khác. Nó nhìn tôi trừng trừng và nói với vẻ cứng cỏi:
– Mẹ vào hàng đi. Rồi lát nữa con sẽ được nhặt lên xe mà…
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì tên lính đã rê họng súng về phía con bé và hét :
– Có muốn con bé bị ăn đạn như thằng nhóc kia không?
Tôi chắp tay lạy tên lính và luôn mồm lảm nhảm:
– Xin ông đừng bắn. Nó mới bảy tuổi … Nó chưa biết gì… Đừng bắn… Tôi sẽ đi… sẽ đi…
Rồi tôi đi như một cái máy, đi như một kẻ mộng du. Đợi đến lúc tên lính áp tải chạy lên phía trên quát mắng ai đó tôi mới dám ngoái lại phía đứa con tội nghiệp. Hình như nó cũng cố nhỏm dậy để nhìn tôi. Đôi mắt nó sáng lên một cách lạ lùng. Nhưng rồi đôi mắt ấy nhoè dần và tắt lịm trong đám bụi đất mù mịt. Tôi cắn môi đến tứa máu để khỏi bật ra tiếng khóc. Suốt bốn năm qua ánh mắt của Sa May vẫn không nguôi thiêu đốt trái tim tôi, thôi thúc tôi phải tìm lại cháu…
*
Trưa hôm sau, Thăng trở lại bệnh xá truyền đạt ý kiến của cấp trên: Mời bác sỹ Mary về lại ngôi nhà của chị và đơn vị của Thăng sẽ chuyển sang ngôi nhà hoang khác gần đó. Mary gọi cô y tá đi cùng mình. Khi Mary về đến nhà thì anh em trong đơn vị của Thăng cũng đã gói gém xong đồ đạc. Họ đứng thành hàng ngang trước hiên chờ lệnh lên đường. Mary gật đầu chào họ rồi bước ra góc vườn, nơi có nấm mộ của chồng chị. Mấm mộ đã được anh em chúng tôi xếp thêm đất mới. Trên mộ còn sót lại mấy nhánh hồng xác xơ, mềm oặt. Một cái chồi non mập mạp, đỏ tía vừa nhú lên từ gốc của khóm hồng mới được dọn cỏ. Mary ngồi thụp xuống bên nấm mộ lặng phắc như bức tượng. Gương mặt của chị đầm đìa nước mắt. Khá lâu chị trở vào nhà nói với Thăng:
– Các ông cho tôi mượn cái xẻng.
Thăng cầm cái xẻng công binh ra và nói với Mary:
– Chúng tôi phát cỏ dọn vườn từ tuần trước. Còn số đất mới trên mộ, sáng nay anh em mới xếp thêm lên. Không biết ý chị thế nào?
– Cám ơn các ông – Mary nói với vẻ xúc động -Tôi muốn trồng thêm một khóm hồng nữa trên mộ anh ấy thay cháu Sa May… Đêm hôm ấy, cháu cứ băn khoăn với ý nghĩ định trồng cho bố một khóm hồng của riêng nó mà không kịp…
Nói rồi Mary đào một khóm hồng còn sót lại trong vườn trồng lên mộ, bên cạnh khóm hồng vừa nẩy chồi. Cô y tá giúp Mary việc tưới nước và cắm que đỡ cho cây đứng lên. Xong việc, Mary đi vào trong nhà. Cô y tá và Thăng lặng lẽ bước theo. Mary bước chầm chậm lên cầu thang, dừng lại ở một căn phòng và nghẹn ngào:
– Đây là phòng riêng của con gái tôi. Căn phòng vẫn còn nguyên như trước…
– Chúng tôi ở mấy phòng dưới tầng trệt cũng đủ – Thăng nhỏ nhẹ – Tất cả các phòng ở tầng trên này chúng tôi cố gắng bảo quản và giữ gìn đợi chủ về để bàn giao…
Mary nhìn Thăng bằng đôi mắt thiện cảm xen lẫn biết ơn. Lát sau chị tiếp:
– Xin các ông cứ tiếp tục ở lại đây trông nom giúp tôi. Khi nào tìm được con gái, tôi sẽ về. Còn bây giờ chúng tôi sẽ xuống test máu của các ông như đã đề nghị từ tối hôm qua…
*
Từ sau hôm ấy không chỉ Mary mà anh em cả đơn vị của Thăng đều quan tâm đến việc tìm kiếm bé Sa May con gái của chị. Họ gạn lọc từng mẩu thông tin về một bé gái bảy tuổi lạc mẹ từ bốn năm trước ở hầu khắp các trại tập trung trên đất Campuchia . Cho đến một hôm, qua mấy chiến sỹ từ Kampông Chnăng mới được điều về Phnom Pênh, anh em trong đơn vị của Thăng biết tin mấy đứa trẻ trong đó có một bé gái tên là Sa May, chừng mười một tuổi đang được một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở đó nuôi. Lập tức Mary xin với bệnh xá trưởng đi Kampong Chnăng. Cấp trên cũng cử Thăng đi cùng Mary với vai trò là người phiên dịch. Chuyến đi khá thuận lợi và Mary đã được người chỉ huy quân tình nguyện ở đây cho đón bé Sa May.
Trên đường trở về, thỉnh thoảng Mary và đứa trẻ nói chuyện với nhau bằng tiếng Campuchia nên Thăng không hiểu gì. Điều mà Thăng băn khoăn là con bé tỏ ra hờ hững với sự chăm sóc ân cần của mẹ. Còn gương mặt của Mary hầu như vẫn chưa xoá nổi nỗi u buồn ngày qua. Thăng nghĩ, có lẽ sau những cú sốc tinh thần khủng khiếp và chuỗi ngày sống trong trại tập trung như địa ngục của bọn Pôl Pốt cháu bé đã bị mắc chứng trầm cảm. Lấy lý do bé Sa May cần phải điều trị bệnh nên mẹ con Mary vẫn ở lại bệnh xá mặc dù đơn vị của Thăng đã dọn đến căn nhà hoang gần đó ở. Mary nhận lại chùm chìa khoá nhà. Chị đến thợ khoá đánh thêm một chùm nữa đưa lại cho Thăng. Chị muốn nhờ đơn vị Thăng giúp đỡ việc trông coi ngôi nhà và tiếp tục chăm sóc mấy luống rau tăng gia của đơn vị anh. Thường thì những chiều chủ nhật không phải trực Mary mới dẫn con về nhà. Hai mẹ con họ lau chùi đồ đạc, tưới cây rồi trởlại bệnh xá ăn nghỉ. Trong khoảng thời gian thăm nhà ngắn ngủi ấy, lần nào mẹ con họ cũng sang thăm đơn vị Thăng. Hôm nào có Thăng ở nhà phiên dịch, mẹ con chị ở lại lâu trò chuyện với mọi người. Những hôm Thăng đi vắng, mẹ con họ chỉ nói lời cảm ơn và chúc sức khoẻ bằng tiếng Việt mới học được rồi xin phép về luôn…
Nhưng rồi có dạo, bẵng đi cả tháng không thấy mẹ con Mary về thăm nhà. Anh em trong đơn vị Thăng đoán già đoán non và cảm thấy lo lắng. Tiểu đội trưởng và Thăng quyết định đến nơi Mary làm việc. Ông bác sỹ già đã mổ cho Tiểu đội trưởng đêm trước cho biết Mary đang đi dập dịch ở một số tỉnh. Ông cũng tỏ ư băn khoăn: Lẽ ra đợt đi công tác đột xuất này là của nam giới nhưng không hiểu sao Mary vẫn gửi cháu Sa May ở lại với cô y tá rồi xin đi bằng được…
Cho đến một buổi chiều chủ nhật. Thăng và mấy anh em trong đơn vị đang làm đất chuẩn bị trồng lứa rau mới thì Mary về. Theo chân chị, ngoài bé Sa May còn hai bé gái nữa sàn sàn tuổi nhau. Để ba đứa trẻ chơi với nhau, Mary đến bên Thăng nói nhỏ: Em có chuyện riêng muốn nói với anh… Từ sau chuyến đi Campong Chnăng về Mary đã thay đổi cách xưng hô với Thăng.
Thì ra mấy tháng qua, ngoài việc đi các tỉnh dập dịch, Mary vẫn tiếp tục cuộc hành trình tìm lại con gái của mình. Cô bé Sa May mà chị và Thăng đón ở Campong Chnăng về không phải con gái của chị. Cả hai bé gái cũng có tên là Sa May kia, dẫu không do chị sinh ra nhưng chị đã phải lặn lội đến tất cả các trại tập trung trong cả nước mới đón được. Cả ba đứa trẻ ấy đều có cảnh ngộ giống nhau: Bố bị bọn lính áo đen đập chết bằng lưỡi cuốc và bị lạc mẹ trên đường… Những năm tháng sống trong sợ hãi, sống trong đoạ đầy các cháu gần như không còn nhớ nổi nơi mình sinh ra, không còn khái niệm về một thời đã có mái ấm gia đình…
Mary xin lỗi Thăng vì đã không cho anh biết sự thật về bé Sa May thứ nhất. Chị cũng bày tỏ ý nguyện nhờ Thăng giúp đỡ khi chị đưa ba đứa trẻ về ở hẳn trong ngôi nhà…
Một lần nữa chuyện của Mary lại khiến Thăng bất ngờ và quá đỗi cảm động. Anh động viên chị:
– Chúng ta sẽ tiếp tục tìm Sa May. Anh tin rằng bé Sa May của em cũng đang được một người mẹ như em hay một đơn vị quân tình nguyện nào đó nuôi nấng…
Thăng chưa nói dứt câu, nước mắt của Mary đã lăn dài trên má. Chị nghẹn ngào:
– Em cũng tin như thế. Và em sẽ tìm bằng được cháu cho đến khi nào sức cùng lực kiệt mới thôi…
Mary tiếp tục nhiều chuyến đi tìm con nữa trên khắp đất nước chùa tháp. Nhưng khi trở về hoặc là Mary có thêm một bé Sa May mới hoặc là tay không.
Một buổi chiều, Mary đến gặp Thăng báo tin về một bé gái cũng có tên là Sa May, cũng bị lưu lạc lạc từ năm 1975, hiện đang được nuôi dưỡng trong một ngôi chùa vắng gần biên giới Thái Lan. Lần này Mary có vẻ vui hơn. Chị khoe:
– Em có linh cảm lần này sẽ tìm được cháu. Vì người báo tin cả quyết rằng: Bé gái này xinh lắm…
Thăng ngắt lời Mary:
– Và người báo tin còn nói bé gái ấy giống em đúng không?
Mary thoáng đỏ mặt. Chị hiểu ý Thăng. Nhưng ngay sau đó gương mặt chị trở lại nét u buồn thường ngày. Giọng chị bỗng chùng xuống:
– Người báo tin còn được nghe chính bé kể lại chuyện cái đêm bố của bé bị bọn lính áo đen đập chết bằng búa và cuốc trước hiên nhà…
Thăng động viên Mary:
– Nhiều sự trùng hợp như vậy, anh tin rằng chuyến đi này em sẽ tìm được cháu. Ước gì anh lại được phép đi cùng em như lần trước…
Mary nhìn đi xa xăm rồi đột nhiên hỏi Thăng:
– Mấy hôm nay em thấy nhiều đơn vị quân tình nguyện Việt Nam lần lượt rút về nước. Em sợ khi trở lại không còn gặp được các anh nữa…
Mary đã linh cảm đúng. Đơn vị của Thăng cũng đã có lệnh rút về nước ngay trong đêm ấy. Nhưng vì lý do bí mật quân sự nên anh không thể nói với Mary. Thăng phải lảng sang chuyện học tiếng Việt của các bé Sa May mà Mary nhờ anh dạy theo kiểu truyền khẩu suốt mấy tháng qua. Trước khi chia tay, Mary nói với Thăng:
– Lần này đi biên giới đón được cháu Sa May về, em sẽ cho cháu theo học tiếng Việt thật bài bản. Em ước khi lớn lên con em sẽ được học tại một trường nào đó ở Việt Nam… Khi ấy nó sẽ đến tìm anh…
Nói rồi Mary buông tay Thăng bước đi trong ráng chiều vàng rực. Cho đến khi Mary hút dần phía cuối con đường Thăng bỗng mường tượng ra rằng chị tựa như một pho tượng Phật mà anh đã gặp ở một ngôi chùa nào đó trên đất Campuchia này.
*
Chép xong câu chuyện của ông Thăng, tôi chợt nghĩ: Có thể người phụ nữ trẻ cầm biểu ngữ trên đường phố Phnôm Pênh mà ông Thăng nhầm tưởng là Mary chính là đứa con gái tội nghiệp mà người nữ bác sỹ ấy bao năm lặn lội đi tìm chăng?
Nguồn Văn nghệ Tết Bính Thân số 5-6-7/2016