@: Và tất cả họ đều được triết học Marx-Lenin tôi luyện…
Vladimir Linkov: Tất nhiên, việc giảng dạy mang tính chất giáo điều. Và đó là một thiếu sót. Đã tồn tại những khái niệm đặc thù về chân lý. Khi nhà khoa học viết một bài báo, trước hết người ta kiểm tra chân lý, xem nó phù hợp hay không phù hợp với hệ tư tưởng quốc gia.
Hiện nay không ai kiểm tra chân lý. Người ta chỉ nói: hay hoặc không hay. Sự phê bình không khiến ai quan tâm. Chính xác hơn, phê bình khoa học nói chung không tồn tại. Có thể viết về bất cứ điều gì. Và nếu xuất hiện sự phê bình thì nó được coi như một cách trả thù cá nhân. Ở đây tôi đang nói về các nhà nghiên cứu văn học. Với các nhà sử học thì hơi khác.
@: Nhưng dù sao điều gì hiện nay đang diễn ra với văn học, nghiên cứu văn học?
Vladimir Linkov: Nhà nước cho rằng cả văn học lẫn nghiên cứu văn học đều không cần thiết. Không cần cả văn hoá nói chung với tư cách một bộ môn giảng dạy. Trước đây có cụm từ: con người có văn hoá. Hiện nay quả là không tồn tại một khái niệm như vậy. Xét về mặt này, nhà nước không quan tâm tới văn hoá. Nhà nước chỉ ủng hộ các viện bảo tàng (hoặc một cái gì đấy đại loại), hoặc là coi văn hoá như một sự giải trí. Nhìn chung, chính quyền không hiểu giá trị của văn hoá, văn học nhằm để củng cố chính nhà nước đó.
Nhà sử học hiện đại Anh Geoffrey Hosking trong cuốn “Nước Nga: dân tộc và đế chế” viết rằng văn học Nga thế kỷ XIX đã làm được nhiều cho sự phát triển ý thức dân tộc hơn là nhà nước và nhà thờ. Quả đúng như vậy. Hiện nay nhà nước chúng ta đang tìm kiếm yếu tố đoàn kết trong nước. Mà đó chính là tiếng Nga và văn học.
@: Nhưng đó là tuyên ngôn chung. Trên thực tế, nó được vận dụng như thế nào?
Vladimir Linkov: Văn học Nga không bị cạnh tranh ở nước Nga. Hiện nay người ta muốn biến Chính thống giáo thành tư tưởng đoàn kết dân tộc. Nhưng Chính thống giáo không thể đoàn kết tất cả mọi người: nó không được giảng dạy trong các trường phổ thông, ví dụ ở Bashkirya. Nó bị những người Hồi giáo phản đối. Còn văn học Nga thì không bị ai phản đối cả. Ở tất cả các vùng, miền của nước Nga, không có gì sánh vai với nó. Và chính vì vậy, các em học sinh phổ thông sẽ tiếp nhận văn học. Đó chính là tư tưởng dân tộc. Có thể thực hiện sự thống nhất đất nước trong văn học Nga. Với sự giúp đỡ của nó một tâm thức thống nhất, một quan niệm chung về sự vật sẽ được hình thành. Cái được gọi là tinh thần. Tinh thần đó sống trong văn học và ngôn ngữ. Một người Ba Lan nói với tôi rằng nếu nước Nga không thực hiện một chính sách áp đặt như vậy đối với Ba Lan thì văn hoá Nga có thể chinh phục người Ba Lan. Hoặc là: khi Korolenko cần nói ông là ai, người Ukraina hay người Nga, thì văn học Nga đã quyết định tất cả cho ông. Thế nhưng nhà nước không hiểu điều đó. Trong nhà trường phổ thông, Chính thống giáo sẽ bị coi như một sự áp đặt, còn văn học thì không. Người ta sẽ đối xử với nó một cách bình thường.
@: Ông có thể nói gì về các em học sinh tốt nghiệp trường phổ thông hiện nay và đang vào học khoa báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva?
Vladimir Linkov: Thứ nhất, các em không có khái niệm gì về lịch sử (hoặc là rất kém). Trước đây vấn đề này cũng không phải là hoàn hảo, nhưng học sinh tốt nghiệp phổ thông hồi đó nắm được các thời điểm, giai đoạn, nhân vật lịch sử nhiều hơn.
Thứ hai, các em diễn đạt rất kém, vì không được dạy điều đó. Trước đây có thi vấn đáp, bây giờ chuyển sang thi viết hết. Nghĩa là nhà trường không giải quyết hai nhiệm vụ chính: không dạy nói và hiểu những gì các em đã đọc.
Lev Tolstoy có một khái niệm: sự mọi rợ văn hoá. Ông nói: giáo dục là gì? Là đồng hoá tất cả những gì nhân loại đã làm trong quá khứ. Còn hiện nay nhà trường đề ra mục tiêu khác. Đó là làm thế nào bộc lộ ý kiến riêng của mình một cách thật độc đáo. Sinh viên thường hỏi tôi: có thể phát biểu ý kiến của mình không?
Bản thân cách đặt câu hỏi như vậy là không chính xác. Nó xuất phát từ chủ nghĩa hiện đại. Trước cuối thế kỷ XIX (khi xuất hiện chủ nghĩa hiện đại), trong văn học không có điều đó. Nhà văn không đề ra nhiệm vụ viết một cách độc đáo. Không Pushkin, không Lermontov …Họ giải quyết các vấn đề của mình. Và càng đi sâu vào những vấn đề đó, chúng càng trở nên độc đáo và đặc sắc. Họ cần tìm thấy chân lý, và càng miệt mài bao nhiêu, chân lý càng đặc sắc bấy nhiêu. Sự độc đáo giống như một sản phẩm phụ. Nó xuất hiện khi con người không nghĩ về nó. Cả Lev Tolstoy lẫn Dostoyevsky đều không nghĩ về sự độc đáo. Nó tự đến.
@:Thế ai là người đầu tiên trong số các nhà văn Nga làm điều đó?
Vladimir Linkov: Tôi không biết cụ thể. Nhưng đó là các nhà văn hiện đại chủ nghĩa. Mỗi người tự đề xuất một khuynh hướng mới trong văn học Nga. Mà thực chất họ chẳng làm nên trò trống gì. Tôi muốn nói tới Merezhkovsky, Gippius, Bryusov, Balmont, Belyi… Tolstoy nói rằng giá trị của con người là một phân số: trong đó tử số – là cái anh ta vốn có, còn mẫu số – là những gì anh ta nghĩ về bản thân mình. Nghĩa là mẫu số càng lớn thì giá trị của con người càng nhỏ.
Nếu chúng ta đánh giá các nhà văn hiện đại chủ nghĩa như vậy (tử số là những gì họ làm được, còn mẫu số là những gì họ tuyên bố và tuyên ngôn), thì giá trị của họ sẽ tiệm cận số không. Tất nhiên, trong số họ có những người tài năng, có đóng góp riêng của mình. Nhưng nhìn chúng họ chỉ tạo ra những tư liệu để viết các luận án hay công trình nghiên cứu khoa học. Sẽ không có ai đọc họ. Họ không nói gì mới về con người.
Nhưng điều đó đã nhiễm vào văn hoá. Mỗi người đều muốn trở nên độc đáo.
@: Ông cho rằng hiện nay trong nhà trường người ta dạy văn kém hơn trước đây?
Vladimir Linkov: Tôi cho rằng trước đây các em định hướng tốt hơn. Người ta nói với các em rằng ở Pushkin, Lermontov có chân lý mà các em cần phải hiểu. Đã có định hướng vào sự nhận thức đó. Và nó đúng. Còn bây giờ người ta nói rằng văn học cho phép những cách lý giải khác nhau, mỗi người hiểu theo cách của mình. Và tất cả đua nhau nói một cái gì đấy của mình (mà không tìm hiểu cái “của người”).
Các em học sinh phổ thông hiện nay rất ít đọc. Bạn hỏi họ (ngoài chương trình): các em biết những “nhà văn nông thôn” nào? Họ không biết cả Belov, Rasputin lẫn Astafyev…Họ không bao giờ nghe nói về Hemingway. Còn về văn học cổ điển Nga và nước ngoài thì họ hiểu biết mơ hồ hơn nhiều so với các học sinh cùng lứa ngày xưa.
Tất nhiên, điều đó được lý giải bởi hứng thú văn học nói chung đã bị đánh mất. Chúng ta từng là một đất nước lấy văn học làm trung tâm. Văn học là một chiến trường chính. Ở đấy dù sao đã diễn ra một cái gì đấy. Chính quyền đôi khi tham gia vào một cuộc đối thoại nào đó, có thể tranh luận một cách nhẹ nhàng. Và cuộc đấu tranh văn học đã diễn ra…
@: Vậy thì theo ông, cần phải làm gì để khắc phục tình hình giảng dạy văn học?
Vladimir Linkov: Thứ nhất, cần phục hồi số lượng giờ dạy văn ở trường phổ thông (cứ mỗi năm nó lại bị giảm đi một ít). Thứ hai, tổ chức thi môn tập làm văn cả ở phổ thông lẫn đại học. Để học sinh học viết và bộc lộ những suy nghĩ của mình. Hơn nữa, khi con người biết rằng anh ta phải làm bài văn, anh ta sẽ đọc một cách thực sự. Thêm nữa: cần dạy đọc. Bình luận, giải thích những từ khó hiểu. Giải thích những sự việc đơn giản. Dù sao, trọng tâm lao động của một nhà ngữ văn là bình giảng. Ở nước ta người ta không dạy điều đó. Vì vậy, tôi hoàn toàn không lấy làm lạ về việc học sinh chúng ta rơi vào vị trí giữa 33 và 38 trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (kể cả kỹ năng hiểu những gì đã đọc).
Tôi biết hiện nay một số thầy giáo bắt học sinh đếm động từ trong tác phẩm …như một cái mốt. Họ cho rằng đấy mới là khoa học chân chính. Nhưng điều đó không giúp ích gì cho việc tìm hiểu thực chất của tác phẩm. Bởi sau này sinh viên không hiểu cả những điều đơn giản. Ví dụ, tôi hỏi các em: ý nghĩa tên gọi của tiểu thuyết “Khói”? Họ đã đọc, nhưng không thể giải thích. Họ không bao giờ được dạy điều đó. Họ trả lời tôi: Litvinov ngồi trên tàu hoả, nhìn thấy những làn khói và nói rằng cả cuộc đời là khói. Tôi nói: đúng. Nhưng khói chính là một ẩn dụ. “Khói” nghĩa là gì? Các em không thể trả lời một cách giản dị: cuộc sống trôi qua không để lại dấu vết, như một làn khói.
@: Sinh viên của ông có đọc các tác phẩm văn học không?
Vladimir Linkov: Có, chúng tôi bắt họ đọc. Nếu không, chúng tôi cho điểm 2
@: Những người đã từng học khoa ngữ văn hay báo chí nhớ lại khối lượng những tác phẩm văn học Nga và văn học nước ngoài mà họ phải đọc như một cơn ác mộng. Ông có cho rằng cần giảm bớt danh mục các tác phẩm bắt buộc trong trường phổ thông và đại học không? Bởi vì các em không thể đọc hết tất cả.
Vladimir Linkov: Tất nhiên, tôi cũng nghĩ như vậy. Thế nhưng hiện nay người ta không những không giảm mà còn tăng lên. Ở phổ thông người ta thêm “Chiếc áo khoác” của Gogol, và còn gì đó nữa. Đối với sinh viên thì theo chương trình của Bộ Giáo dục, trong số các tác phẩm của Dostoyevsky, các em bắt buộc phải đọc: “Những người nghèo”, “Nhật ký viết dưới hầm”,”Gã khờ”, “Tội ác và trừng phạt”, “Đầu xanh tuổi trẻ”, “Anh em nhà Karamazov”. Để đọc Goncharov, cần ba tuần. Cộng thêm Ostrovsky, Chernyshevsky, Nekrasov. Rồi thơ của Tyuchev và Fet…
@: Ông nói rằng cả ở trường phổ thông cũng cần giảm bớt danh mục các tác phẩm văn học bắt buộc…
Vladimir Linkov: Tất nhiên! Nhưng các tác phẩm còn lại thì cần phải đọc nghiêm chỉnh. Đọc và giải thích. Bởi công việc chính của người thầy giáo là bình giảng. Để học sinh hiểu tất cả các từ và có thể kể lại. Các em phải hiểu được một bài thơ như thế nào. Hiện nay các em không biết và không làm được điều đó. Công việc của một thầy giáo dạy văn rất thú vị và đơn giản. Sẽ thật tuyệt vời nếu thầy giáo yêu cầu các em đọc các công trình nghiên cứu văn học. Nhưng với điều kiện họ đã đọc các tác phẩm.
Có một bộ môn khoa học gọi là “Hermeneutics” bàn về sự giải thích và sự hiểu. Đó là điểm xuất phát của khoa học nhân văn hiện đại. Nhà triết học Đức Dilthey có nói về sự khác nhau giữa khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Theo ông, khoa học tự nhiên khám phá ra các tính quy luật, còn cơ sở của khoa học nhân văn là sự hiểu biết, hiểu biết từ ngữ và những gì người ta đã sáng tạo ra. Ở nước Nga, người ta không nhìn thấy vấn đề này. Họ nghĩ rằng cứ đọc và hiểu tuốt. Sự thực không phải thế. Cần phải dạy sự hiểu. Tolstoy coi phẩm chất chính của con người là khả năng hiểu. Hiểu được một từ khác, một quan điểm khác. Lúc ấy sẽ hình thành sự khoan dung. Hermeneutics có mặt khắp mọi nơi. Nó là cơ sở của khoa học nhân văn.
Còn ở nước ta người ta muốn hình dung các khoa học nhân văn theo mô hình khoa học tự nhiên và chính xác: với các thuật ngữ, với sự phức tạp hoá. Gadamer (nhà lý luận của Hermeneutics) nói rằng ngành nghiên cứu nghệ thuật nói chung và nghiên cứu văn học nói riêng, cần phải hiểu biết được giới hạn: chúng không bao giờ có thể vượt quá những điều chúng lý giải. Không bao giờ! Thực chất là ở chỗ đó. Còn ở ta, các nhà nghiên cứu văn học nghĩ rằng họ phát hiện ra một điều gì đấy mà chính Tolstoy và Dostoyevsky cũng không biết.
@:Vậy nhà nghiên cứu văn học Bakhtin nghĩ gì về điều đó?
Vladimir Linkov: Bản thân Bakhtin sau này đánh giá không cao cuốn sách của mình về Dostoyevsky. Nói chung, ông không coi mình là nhà nghiên cứu văn học, ông nói: tôi là nhà triết hoc. Đây là điều hoàn toàn khác.
Ở nước ta người ta muốn đủ thứ. Và đồng thờì người ta không hiểu nhà văn, không biết nhà văn nói gì.
Trần Hậu
(Theo “Tạp chí Nga”)