Di Li

Những món ăn nổi tiếng của Bồ Đào Nha chủ yếu cũng lại là hải sản. Chuyến đi này của tôi, vì thế có thể được đặt tên là “tour hải sản”. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Maroc chung một nguồn đánh bắt từ Đại Tây Dương.

Tôm cá ngoài sân nhà ta thì ta xài. Dường như dân cư ở ba quốc gia này chỉ việc khom lưng mà vợt cua cá đặt lên mâm. Khắp thành phố, ngõ ngách nào cũng lấp lánh màu xanh của biển cả.

Minh họa của Choai

 

Những dân tộc không có nổi một đường bờ biển như Séc, Áo, Hungary, Slovakia, Iraq, Congo, Zambia, Boswana và cả Lào thì hẳn phải giận lắm ông Trời mà ngồi đó ghen tị. Quốc gia không có biển cũng hiếm.

Những cư dân đầu tiên của Trái đất luôn phải bám lấy nước mà sống. Và tổ tiên của người Bồ Đào Nha bây giờ, mà các nhà khảo cổ học tin rằng họ vượt biển vào bán đảo từ Bắc Phi, đã vô cùng khôn ngoan khi chọn một vùng đất nhỏ bé mà phân nửa chu vi đã là đường bờ biển.

Đến Lisbon và Madrid là phải ăn hải sản. Từ quảng trường Comercio đi dọc bãi biển có bạt ngàn nhà hàng với các lan can bằng sắt tuyệt đẹp và chúng tôi chọn một thực đơn có nhiều hải sản. Một trong những hải sản nổi tiếng nhất Bồ Đào Nha là món cá tuyết, tuy nhiên tôi thấy nó nhạt nhẽo và không thú vị bằng salad bạch tuộc.

Vùng biển Đại Tây Dương cũng nhiều bạch tuộc. Chúng tươi rói và thơm ngon khi có mặt trên đĩa. Chẳng viễn khách nào từ chối nổi một đĩa bạch tuộc hấp dẫn nhường ấy. Khác với bạch tuộc Pulpo a la Gallega ở Madrid chỉ có dầu ô liu, ớt bột và muối hạt, salad bạch tuộc Bồ Đào Nha còn được trộn dấm, hành tây, mùi tây, tỏi và thêm ít quả chua từa tựa quả móc mật.

Này nhá, nếu bạn được ngồi trên một chiếc lan can đu mình ra Đại Tây Dương xanh thẳm với những con thuyền neo đậu đàng xa mà thưởng thức salad bạch tuộc béo ngậy, thơm lừng, món ăn nằm trong danh mục 7 ẩm thực không thể bỏ qua khi đến Lisbon, thì bạn sẽ chẳng bao giờ còn muốn chê bai thành phố của những nhà hàng hải giỏi nhất thế giới này (rất nhiều người vốn chê Lisbon là tẻ nhạt và vô vị), và bạn sẽ thấy đời chỉ sướng đến thế là cùng.

Ngoài salad bạch tuộc thì tôi cũng gọi thêm một suất pho mát Cabra Raiano, loại pho mát đặc trưng của Bồ Đào Nha làm từ sữa dê. Người phục vụ mang ra một cái khuôn pho mát hình tròn như cái bát, vỏ ngoài rất cứng, tuy cũng bằng pho mát nhưng đó là phần bỏ đi, khi ăn chỉ dùng thìa múc pho mát lỏng bên trong. Cabra Raiano chẳng ngon lành gì nhưng nó được bán ở khắp mọi nơi.

Ở vài tụ điểm ca nhạc trong phố cổ Lisbon, người ta trưng ba thứ phổ biến nhất là đồ trang sức có mặt gốm hình cá tuyết, bia và pho mát Cabra Raiano. Những cục pho mát trước khi ăn sẽ phải cắt phần vỏ trên như gọt gáo dừa rồi mới hâm nóng lên. Pho mát là thứ gây nghiện với người Châu Âu, nhưng quả thực rất khó chịu với dân Á châu, mà trong số vài trăm loại thì có lẽ tôi chỉ thích nghi nhất với pho mát Cheddar.

Bữa ăn của tôi hết hơn 20 Euro, mà thực chất đó chưa đủ bữa, mới chỉ khai vị với salad và pho mát, nhưng ở xứ sở của những “người khổng lồ” thì khai vị cho kẻ tí hon như tôi đã đủ no ú đi rồi. Trong khi đó những người bạn đồng hành của tôi gọi ê hề tôm cua cá, cứ như thể chưa bao giờ được ăn hải sản.

Là cũng muốn biết hải sản Đại Tây Dương nó khác với hải sản Đồ Sơn, Sầm Sơn ra sao, họ bảo thế. Thôi thì đừng có đòi chấm muối tiêu hay mắm ớt vắt quất, ở đây chỉ có hải sản trộn nước sốt pho mát thôi. Với món cá tuyết được coi là quốc thực của người Bồ, tôi không ưng lắm.

Thấy bên cạnh ăn cá tuyết bỏ lò với pho mát, bơ, dầu ô liu và hành tây, tôi nếm thử rồi khinh khỉnh nhún vai sau khi so sánh với bạch tuộc. Có thể chúng tôi đã chọn chưa đúng món vì cá tuyết có hàng trăm cách chế biến khác nhau.

Bồ Đào Nha còn có hẳn một câu lạc bộ “Bạn của cá tuyết”. Và thậm chí truyền thông còn đưa tin rằng đội tuyển Bồ Đào Nha vô địch Châu Âu vì trong thực đơn hàng ngày của các tuyển thủ xứ Bồ lúc nào cũng có cá tuyết. Thậm chí đầu bếp của đội bóng còn tải… 300 kg cá tuyết sang Pháp để cầu thủ tẩm bổ. Chàng nào cũng tâm sự với báo giới rằng ăn cá tuyết cả ngày không biết chán.

Cá tuyết vì thế được coi là người bạn vĩ đại của Bồ Đào Nha và người ta có thể tìm thấy những đồ trang trí hình cá tuyết tại bất kỳ quầy lưu niệm nào ở khu Baixa. Dẫu sao thì Bồ Đào Nha cũng không phải là một dân tộc nấu ăn ngon. Các món ăn của họ chưa bao giờ được chui vào những bảng xếp hạng top đầu của thế giới.

Nhưng với đồ tươi sống ngon lành làm vậy thì chỉ cần hấp lên mà chấm muối ớt cũng đủ ngon lắm rồi. Hình như lâu đời cũng có nhiều người nói với họ như tôi vậy nên các đầu bếp Bồ Đào Nha tưởng thật, món tôm biển của họ được hấp lên một cách lười biếng rồi nhét vô tủ lạnh cho tiện, lát sau bưng ra cho khách.

Tôm hấp của Bồ Đào Nha vì thế độc nhất vô nhị, ăn lạnh ngăn ngắt lại chẳng có nước chấm. Rượu vang nào cho lại. Không biết mấy ngài chủ kho vang trắng ở Chile nhìn món ăn này có lẩm bẩm rằng phí rượu hay không. Hải sản ở Châu Âu có tiếng là khan hiếm và đắt đỏ.

Thậm chí ở những vùng lạnh lẽo băng tuyết như nước Nga thì còn không có hải sản mà ăn. Nhiều quốc gia quanh năm phải ăn hải sản đông lạnh nhập từ những vùng ven Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Vì thế đến Bồ Đào Nha rõ đúng tủ hải sản, bởi chỉ cần với 15 Euro bạn cũng có thể ăn được một suất tôm hùm.

Đúng vậy, tôm hùm, tôi quên mất chưa nói rằng, cái món quý giá đắt đỏ ấy, mà ngay cả khi bạn ăn một nồi cháo tôm hùm ở Nha Trang cũng mất tới vài triệu thì ở Bồ Đào Nha, sẽ chẳng còn là món xa xỉ gì. Của nhà trồng được ấy mà, chắc hàng ngày họ chỉ phải đi ra bờ biển mà vớt tôm lên thôi.

Lao động cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài