Động Hồ Công tọa lạc trên núi Vân Đài (xã Vĩnh Ninh- Vĩnh Lộc), là một trong những động đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây đã lưu lại những bút tích của nhiều vị danh sĩ Việt Nam, đặc biệt là của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm…

Động Hồ Công cách thành nhà Hồ (Thanh Hóa) khoảng 4,5 km về hướng đông nam, có chiều dài 45m, rộng 23m,  được tạo hóa hình thành kỳ công bởi những tấm đá xanh, vuông xếp chồng lên nhau thành nhiều hình dáng đem đến cho động một vẻ đẹp kỳ bí. Theo sách Đại Nam nhất thống chí mô tả về động: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng…”.  Chính vẻ đẹp này, đã khiến cho rất nhiều những danh sĩ thời xưa đã ghé đến đây để tham quan và tìm cảm hứng thi nhân.

Dòng chữ thể hiện lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp trước động của một vị thi sĩ vô danh

Động cũng gắn liền với một huyền thoại mà người xưa để lại. Tương truyền rằng có một vị thầy thuốc tên là Hồ Công Long có tài và luôn giúp người hoạn nạn. Ông có một quả bầu và tối đến ông thường chui vào đó để ngủ. Không ai biết rằng trong đó là cả một thế giới thần tiên. Phí Trường Phòng là người được ông đưa vào quả bầu để luyện học và sau này đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá đứng ngay ở cửa động đi vào.

 

Toàn cảnh động Hồ Công

Toàn cảnh động Hồ Công

Muốn đặt chân lên động, phải đi qua chùa Thông, ngôi chùa cổ tương truyền là nơi tu ẩn của công chúa Du Anh thời Lý, nên còn được gọi là chùa Du Anh. Hai bên chùa là Nhật hồ và Nguyệt hồ.

 

Cửa động nằm ở độ cao 40-50m so với đồng bằng

Cửa động nằm ở độ cao 40-50m so với đồng bằng

Từ chùa Du Anh men theo những bậc thang bằng đá do tạo hóa tạo thành từng bậc xếp tự nhiên dẫn lên động dài khoảng 1km. Trên đường đi lên động, sẽ được tận mắt thấy 4 chữ được khắc trên một tấm đá lớn, cao quá đầu người: “Thanh Kỳ Khả Ái” (được dịch là: màu xanh kỳ lạ đáng yêu), chứng tích về lòng ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của tạo hóa do một thi sĩ vô danh để lại.

Đặc biệt, đứng trước cửa động có thể thấy sông, núi, ruộng, đồng, làng mạc đan nhau như một bức tranh sơn thủy, nhìn thấy được núi Tiến Sĩ, hình một nhà nho áo mũ chỉnh tề đang ngồi suy tư đọc sách hướng về phía đông.

Nhiều vị vua, chúa, danh sĩ đã kỳ công khắc những bài thơ trên vách đá
Nhiều vị vua, chúa, danh sĩ đã kỳ công khắc những bài thơ trên vách đá

Nhiều vị vua, chúa, danh sĩ đã kỳ công khắc những bài thơ trên vách đá

Bên trong động, một không gian quang đãng mà mái nhà là một vung đá khổng lồ úp xuống. Nền động bằng phẳng, những thạch nhũ từ vách động, vòm động rủ xuống, mỗi khối, mỗi dáng vẻ khác nhau tạo thành vô vàn những bức tượng như được tạc từ bàn tay của một nghệ nhân tài hoa. Cùng với đó là ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào các ngách hang tạo nên một không gian vừa thực vừa hư.

 

Bút tích của thân phụ đại thi hào Nguyễn Du

Bút tích của thân phụ đại thi hào Nguyễn Du

Trong động còn có rất nhiều bài thơ, bia chữ Hán do các danh nhân, thi sĩ để lại. Năm 1463, nghe động Hồ Công nổi tiếng về vẻ đẹp của tạo hóa, vua Lê Thánh Tông đã du ngoạn đến đây và ông đã để lại trên vách của động những bài thơ viết bằng chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp của động như bài “Đề Hồ Công động”.

Sau vua Lê Thánh Tông rồi đến vua Lê Hiến Tông với bài “Ngự chế đề Hồ Công động”, vào những năm 1750-1754, Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du cũng đến đây và không ngớt lời ca ngợi bằng những bài thơ khắc trên vách đá. Ngay trên vòm cửa động, nét bút của Nguyễn Nghiễm bằng chữ Hán “Hồ Ngọc Động”; vách đá bên phải cửa động còn đề 4 chữ lớn “Sơn Bất Tại Cao”.

Gần 20 năm sau, chúa Trịnh Sâm đặt chân đến đây cũng không ngoài những cảm xúc của các vị vua trước. Ngoài các vị vua, chúa còn có các thi sĩ nổi tiếng như Trịnh Quốc Hiền với bài “Công động tự thuật chi nhất thủ”; Phùng Khắc Khoan với bài “Trùng tu Xuân Đài sơn Hồ Công Động Du Anh tự”; Ngô Thời Sĩ với bài “Viết về động Hồ Công”…

Trải qua hàng trăm năm, động Hồ Công vẫn giữ đẹp vẻ đẹp nguyên sơ như buổi ban đầu, cùng với đó là những bút tích lịch sử mà những vị Vua Chúa dừng chân để lại, càng tạo cho di tích cấp Quốc gia này thêm phần độc đáo có một không hai.

 

Bên trong có bàn cờ dành cho vua chúa, danh sĩ vừa đánh cờ vừa ngắm cảnh, vịnh thơ

Bên trong có bàn cờ dành cho vua chúa, danh sĩ vừa đánh cờ vừa ngắm cảnh, vịnh thơ

Nói về động Hồ Công, ông Đặng Tiến Dũng, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc cho biết: “Động Hồ Công là một trong những di tích nằm trong quần thể di tích thắng cảnh gồm động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong và chùa Du Anh. Nơi đây những năm kháng chiến là nơi sản xuất và chứa vũ khí, súng đạn, thuốc men…của bộ đội. Hằng năm có rất nhiều khách đến địa phương tham quan và du lịch. Nhân dân địa phương lấy ngày 9/1 âm lịch làm ngày tổ chức lễ hội tại quần thể di tích này. Đây cũng được xem là  một trong những lễ hội lớn nhất xứ Thanh”.

Nguồn: Dantri