Từ đảo Nam Yết đến đảo Sinh Tồn, tàu chúng tôi phải đi ngang qua khu vực có đảo Gạc-Ma, hòn đảo chìm hay còn gọi là bãi đá ngầm của chúng ta bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép ngày 14 tháng 3 năm 1988. Gạc- Ma cách đảo Sinh Tồn và đảo chìm Cô-Lin của chúng ta khoảng 12 hải lý. Nghĩa là chỉ một tầm đạn đại pháo. Bởi vậy, đảo Sinh Tồn và Cô-Lin được coi là hai đảo tiền tiêu, trực tiếp “đối mặt” với khu vực có quân Trung Quốc chiếm đóng.

Tuy lúc nào những người lính Hải quân ở hai hòn đảo ngự rất gần nhau này cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, nhưng không khí sống của họ không hề căng thẳng; trái lại họ luôn biết cách tạo nên một vẻ yên ả thanh bình. Bởi đảo chính là một phần đất đai máu thịt của tổ quốc. Chỉ có vẻ yên ả thanh bình mới phù hợp với khát vọng sống nơi họ, mới lưu giữ tâm hồn họ gắn bó bền lâu với biển đảo, cho dù quanh đây luồng không khí hiếu chiến vẫn từng ngày từng giờ từng phút thổi về phía những hòn đảo…

Bia ghi tên 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1088 (ảnh: Lê Hoài Nam)

Cái vẻ yên ả thanh bình được cảm nhận từ ngọn hải đăng cao vút, những cây quạt gió sản xuất ra điện như mơ màng trong cái nắng xế vàng chiều hoàng hôn; những cây bàng vuông đứng thành hàng lối như đội hình của người lính với những chùm hoa trắng duyên dáng. Ngoài bộ đội, Sinh Tồn có cả những hộ dân sinh sống. Chưa có nguồn nước ngọt tự nhiên, Công binh Hải quân phải xây những chiếc bể ngầm hứng nước mưa từ các mái nhà chảy xuống để ăn. Nước tắm là nước lợ múc lên từ những cái giếng khơi. Nước ăn thải ra được tận dụng để tưới cây xanh. Ngoài các cây bàng quả vuông trông như những chiếc đèn lồng trung thu treo lơ lửng trên thân cây, những cây tra, cây mù u, hoa muống biển là những loài cây mọc tự nhiên, những năm gần đây, người lính đảo đã cải tạo đất đá san hô rồi đưa được cả những cây trong đất liền ra trồng. Đó là những cây bàng mà ta thường thấy bên những lề đường, trong các sân trường học, công sở. Khi đưa ra đảo trồng chúng sinh sôi rất tốt tươi. Chỉ những khi có gió muối, lá bị quắt lại, nhưng những chùm quả thì vẫn sai lúc lỉu. Trước cửa trường tiểu học Sinh Tồn còn có những cây phượng vĩ đang bung ra những chùm hoa đầu mùa đỏ rực gợi ta nhớ da diết tuổi học trò. Trước cửa nhà chỉ huy từ toàn đảo đến những cụm chiến đấu còn có những cây hoa giấy hai màu, cây kim giao, thậm chí đã có cả những chậu địa lan khó tính khó nết, rất dễ dị ứng với thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Tính từ tết âm lịch đến nay đã hơn ba tháng mà quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Sinh Tồn nói riêng chưa có một hạt mưa nào. Một số người trong đoàn chúng tôi đã bị sức nóng khô của cát san hô làm đau mắt đỏ. Nhưng cây cối trên đảo vẫn được các chiến sĩ chăm chút để chúng giữ được mầu xanh cứng cáp, khỏe khoắn.

Ngọn hải đăng trên đảo Sinh Tồn (ảnh: Lê Hoài Nam)

Ven những con đường tuần tra có những hàng dừa đã bắt đầu cho những lứa quả đầu tiên. Đằng sau mỗi ngôi nhà – nhà lính cũng như nhà dân – đều thiết kế những vườn rau. Những khu vườn mà phải dùng đất bột từ đất liền chở ra trộn với cát san hô và phân chim, rồi cũng phải trồng thể nghiệm vài ba vụ, cho nhuần đất, rau mới sống và lớn lên được. Và để giữ cho gió muối khỏi gây hại, người ta phải xây tường bao quanh vườn trông như những cái bể nước.

Người sĩ quan cấp tá, một trong những cán bộ chủ chốt đảo Sinh Tồn, đi cùng chúng tôi đến ngôi chùa trên đảo. Ngôi chùa được thiết kế bằng chất liệu chủ yếu là gỗ, trạm trổ hoa văn mang một vẻ đẹp cổ kính. Bên trái sân chùa là tấm bia đá lớn ghi danh 64 chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc-Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988.

Sư Thích Minh Huy trụ trì tại chùa nói với chúng tôi rằng, những người lính này hy sinh khi trong tay họ hầu như chỉ có búa chim, xẻng, cuốc. Họ đang xây dựng công trình trên biển đảo thuộc chủ quyền tổ quốc thiêng liêng của mình thì những chiếc tàu Hải quân Trung Quốc đột ngột xuất hiện với hàng trăng tay súng tiểu liên từ trên boong tàu xả đạn xuống. Những tên lính vừa giết người vừa cười sằng sặc như say rượu. Còn những người lính công binh Hải quân Trung đoàn 83 của ta thì chết tức tưởi, thân xác hòa vào lòng biển khơi. Nhà chùa đã làm lễ cầu siêu cho họ. Mỗi khi các đoàn khách đến chùa xin ân phúc từ Đức Phật đều không quên thắp nén nhang khấn cho vong linh họ siêu thoát nơi Niết bàn. Trước khi chúng tôi rời chùa, sư Thích Minh Huy tặng chúng tôi một bài thơ được ông lồng trong khung kính một cách trang trọng. Bài thơ có tên Khúc ru tình biển cả, của tác giả Hiền Mặc Chất. Một nhà thơ chưa quen tên tuổi, nhưng sư Thích Minh Huy đã có lý khi chọn bài thơ này làm quà tặng cho khách, bởi trừ một số câu chưa thoát khỏi tính nghiệp dư thì lại có những câu xuất thần gây xúc động:

…Vượt qua bão tố, nhớ lời ru ngọt ngào

Nước mắt đừng rơi nữa, biển đã mặn lắm rồi

Tiếng chuông chùa phổ độ, ấm Trường Sa trùng khơi

Tĩnh tâm nơi bão tố, an cư bao lớp người…

Sư Thích Minh Huy thỉnh lên một hồi chuông. Người sĩ quan cấp tá đi cạnh hỏi tôi:

– Ra đảo nghe tiếng chuông chùa có gợi cho anh điều gì không?

– Tĩnh tâm nơi bão tố, như lời bài thơ sư vừa tặng! – tôi nói.

– Cảm giác của tôi cũng giống anh!

Người sĩ quan cấp tá vừa nói vừa chỉ tay về phía khơi xa, nơi có bãi đá Gạc-Ma mà ở đó có ba chiếc tàu màu trắng, trên boong cõng ba chiếc cần cẩu khổng lồ và ba chiếc tàu chiến màu xanh xám buông neo ba góc xung quang. Người sĩ quan cấp tá nói:

– Ba chiếc tàu trắng có trang bị cần cẩu họ đang dùng hút cát từ biển đổ vào đảo cho cao lên, có vẻ rất hối hả. Họ đang muốn xây thành hòn đảo nổi thật to như một pháo đài nuôi âm mưu lâu dài. Còn ba chiếc tàu màu xanh xám là tàu chiến có trang bị vũ khí để bảo vệ. Khi có sự cố là chúng sẽ tấn công.

– Vậy hàng ngày ba chiếc tàu chiến kia có hay lượn lờ đến đảo Sinh Tồn này quấy nhiễu gì không?- tôi hỏi.

– Thỉnh thoảng họ cũng mò đến và giở những trò rất chi là trẻ con – người sĩ quan cấp tá nói – Nước lớn mà họ xử sự trẻ con không thể tưởng tượng được, anh ạ. Họ chỉ chưa dám bắn thôi. Họ chưa bắn mà ta bắn họ trước thì tức khắc họ sẽ vu cho ta đủ thứ tội trạng. Chỉ cần họ bắn vào đảo một phát là chúng em đáp trả liền. Mà chúng em đã đáp trả thì đáp trả mạnh mẽ, cho họ kinh hồn bạt vía, buộc họ phải nhớ lại những bài học mà ngày xưa ông cha ta đã từng dạy cho quân Tống, quân Hán, quân Nguyên – Mông, quân Minh phải nhớ đời ấy! Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho, Tham mưu phó Bộ tư lệnh Quân chủng và Chuẩn đô đốc Phạm Thanh Hóa, Chính ủy Vùng 4 đi cùng đoàn nghe thấy người sĩ quan cấp tá nói thế, hai ông cũng mỉm cười thân ái như xác nhận với chúng tôi những lời ấy là hoàn toàn đúng đắn, không có gì gọi là ngoa ngôn cả.

Tác giả (bên phải) và chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn

Chiều tà, những mâm cơm đã được dọn ra dưới những vòm cây trước nhà chỉ huy. Nhìn những mâm cơm thì biết đời sống của lính đảo hôm nay đã được cải thiện rất nhiều so với thời tôi còn là sĩ quan Hải quân cách đây trên dưới ba mươi năm. Lính đảo Sinh Tồn nuôi được khá nhiều lợn. Họ thịt một con thết đoàn chúng tôi. Lợn nuôi bằng cơm thừa canh cặn của bộ đội, không có chất kích thích, tăng trọng, ăn rất thơm ngon, giống như thịt lợn ỉ ngày xưa. Hóa ra bữa thịt lợn ngon nhất trong những năm gần đây tôi được ăn lại ở chính hòn đảo đầu sóng ngọn gió này! Lại có cả bia Hà Nội, bia Sài Gòn nữa chứ!

Đêm giao lưu văn nghệ buổi tối diễn ra thật sôi nổi ngay trên bệ bia chủ quyền. Đoàn ca múa Hải Đăng – Khánh Hòa biểu diễn những tiết mục tràn ngập không khí biển đảo và tình yêu. Những tiết mục của lính và dân trên đảo tuy giọng ca điệu múa chưa thuần thục cho lắm, nhưng nó lại có cái hay của vẻ tự nhiên.

Nhất là lúc những bài hát của đoàn Hải Đăng có tiết tấu sôi động thì rất nhiều người lính đảo đã đứng dậy tự nguyện làm những diễn viên múa minh họa, rồi họ phô diễn những điệu nhẩy thật đẹp mắt. Nhìn họ thể hiện, tôi tự nhủ, cái thời khắc khổ của lính đảo đã qua. Họ đã bước vào thời hiện đại, với vũ khí trang bị và phong cách hiện đại. Không hiểu sao nhìn họ hát, họ múa, họ nhảy tôi rất vững tin ở họ. Khi cuộc liên hoan văn nghệ đã xong, tôi đã ghé tai hỏi ba người lính trẻ bằng chỉ một câu: “Giả sử ba chiếc tàu màu xanh xám từ đảo Gạc-Ma kia bất ngờ mò đến đây xả súng y như chúng đã làm với 64 chiến sĩ của ta năm 1988, các em sẽ ứng xử với chúng thế nào?”. Cả ba người lính đều trả lời: “Thì ở đây sẽ đủ sức đủ lực đáp trả lại chúng! Anh hãy tin như thế”.

Vâng, tôi trở về đất liền và mang theo một niềm tin giống như niềm tin của các em, những người lính áo yếm màu nước biển xiết bao đáng yêu của tôi.

Sinh Tồn ngày 3 tháng 5

Hà Nội ngày 12 tháng 5 năm 2014.

Nguồn: Vanvn.net