1. Mở đầu Phê bình và Cảo luận, quyển sách được coi là tác phẩm mở đầu cho phê bình văn học Việt Nam hiện đại, Thiếu Sơn dẫn lời của một nhà phê bình phương Tây: Nhà phê bình là kẻ đọc giùm cho người khác (Le critique est celui qui lit pour les autres)(1). Như vậy, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý đã hình dung một cách chính xác vị thế cuả nhà phê bình: phê bình văn học là một hình thái của tiếp nhận văn học. Nhưng sự khác biệt giữa nhà phê bình với một người đọc thông thường chính là ở chỗ anh ta có khả năng “đọc giùm” cho người khác bằng kinh nghiệm thẩm mĩ tinh tế của mình. Như vậy, về thực chất, nhà phê bình đảm nhiệm chức năng của một loại “siêu độc giả”. Sau đó, phê bình chia thành hai nhánh rõ rệt, một: của Hoài Thanh, nghiêng về ấn tượng “cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người” và hai: phê bình khách quan của của Vũ Ngọc Phan với ba chữ W:What – Why – How( Ra sao? Tại sao? và Làm thế nào)(2).
Dĩ nhiên, từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay, quan niệm về phê bình văn học đã có quá nhiều thay đổi. Trên thế giới, nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng phê bình xuất hiện và bị thay thế. Trong nước, do ảnh hưởng của những thành tựu phê bình hiện đại, diện mạo và quan niệm phê bình văn học cũng có nhiều đổi thay. Sự biến đổi ấy trước hết gắn liền với sự phát triển của chính bản thân văn học, sau nữa, gắn liền với tương quan giữa văn học và đời sống. Nếu như các nhà phê bình văn học cổ chủ yếu tập trung khám phá thần cú, nhãn tự trong tác phẩm văn học nhằm thỏa mãn cảm giác “cũng sướng lắm sao” thì phê bình văn học hiện đại mở ra một viễn cảnh mới trên cơ sở tư duy mới về vai trò, vị thế, chức năng của phê bình. Đối tượng chủ yếu của phê bình văn học vẫn là tác phẩm văn học nhưng công việc chủ yếu của nhà phê bình văn học không chỉ dừng lại ở chỗ nêu lên cái hay cái đẹp của tác phẩm hoặc cố gắng xác lập mối tri âm giữa nhà văn và nhà phê bình mà hơn thế, nhà phê bình phải nhận ra sự vận động bên trong của đời sống văn học, từ đó đưa ra các phán đoán về các giá trị, lí giải một cách thuyết phục những hiện tượng văn học đang diễn ra trước mắt. Hoạt động phê bình văn học, vì thế, không phải là một hoạt động có tính thụ động mà trái lại, là hoạt động đầy tính sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã khẳng định rằng, những thành tựu về lí thuyết tiếp nhận là đóng góp quan trọng bậc nhất của lí luận văn học nửa cuối thế kỷ XX(3). Ảnh hưởng của lí thuyết tiếp nhận thể hiện rất rõ trong đời sống nghiên cứu và phê bình văn học, nó cho phép trên cùng một tác phẩm có những cách đọc khác nhau, những cách lí giải khác nhau. Sẽ không có một ai trở thành người “phán xử cuối cùng” các giá trị tiềm ẩn trong văn bản nghệ thuật khi mà dưới ánh sáng lí luận văn học hiện đại, người ta hiểu “tác phẩm văn học như một quá trình”(4). Tính sáng tạo trở thành một nguyên tắc cơ bản trong quá trình tiếp nhận các giá trị văn học. Điều đó được thể hiện rõ nhất trên ba phương diện: thứ nhất, nhà phê bình phải là người có mắt xanh phát hiện ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực, phát hiện ra những tài năng nghệ thuật mới; thứ hai, các kiến giải của anh ta phải mang tính phát hiện, nhìn thấy cái khách quan thông qua cái nhìn thấm đầy chủ kiến( thể hiện rõ nhất ở chiều sâu lí giải, sự nhạy bén trong quá trình tiếp cận cái mới, ý thức khẳng định giả thiết khoa học của mình…); thứ ba, biết nêu lên những đề xuất đích đáng để góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học. Bởi thế, khác với các bộ môn khác trong khoa nghiên cứu văn học, lãnh địa phê bình là nơi cho phép xuất hiện các phong cách cá nhân. Nói khác đi, một khi tạo nên phong cách, nhà phê bình cũng là một nhà văn với đúng nghĩa của nó. Mặc dù phê bình văn học chủ yếu hướng tới những hiện tượng văn học đương đại nhưng nó cũng có thể hướng về các giá trị đã được khẳng định trong quá khứ. Vấn đề là khi hướng về những giá trị của quá khứ, nhà phê bình phải nói lên được điều gì mới mẻ có ý nghĩa với đời sống văn học đương đại. Không phải ngẫu nhiên mà Belinski đã từng gọi phê bình văn học là “mĩ học vận động”, là “sự tự thức nhận của thời đại”. Vượt qua sự cảm thụ cảm tính, những kiến giải của nhà phê bình thường đại diện cho một khuynh hướng thẩm mĩ nhất định, những mối quan tâm của anh ta phải xuất phát từ nhu cầu của bản thân đời sống văn học và thực tiễn. Vì thế, thông qua việc phân tích, lí giải các hiện tượng văn học, nhà phê bình tham gia vào quá trình tạo dư luận xã hội nhằm góp phần điều chỉnh, định hướng cho sự phát triển của văn học.
2. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rất nhiều người lên tiếng về tình trạng “ngái ngủ”, “trì trệ” của phê bình. Những than phiền lo lắng trên đây không phải không có cơ sở. Nhưng nếu nhìn rộng ra, bức tranh phê bình văn học từ 1986 trở lại đây không chỉ có một màu buồn tẻ, thậm chí, trong lĩnh vực này có những thay đổi rất cơ bản. Nhiều phương pháp phê bình mới đã được giới thiệu và trên thực tế đã phát huy được hiệu quả như thi pháp học, phê bình mới, ký hiệu học, cấu trúc luận… Có thể nói, sự thay đổi lớn nhất trong tư duy phê bình là các nhà phê bình đã quan tâm nhiều hơn đến tính nghệ thuật của văn chương bên cạnh nội dung tư tưởng của tác phẩm. Tinh thần “nhận chân lại các giá trị văn học” cũng góp phần làm thay đổi bản chất của phê bình, khiến cho nhiều tác phẩm phê bình đã thoát khỏi lối mòn của khuynh hướng xã hội học dung tục. Song những chuyển động ấy chưa tạo ra sự thay đổi đồng bộ và trên thực tế, phê bình văn học vẫn chưa có sự thay đổi mang tính đột phá. Thậm chí, trong thời gian gần đây, hoạt động phê bình càng ngày càng diễn ra manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp. Thực trạng yếu kém của phê bình văn học có thể nhìn thấy qua những phương diện cơ bản sau:
– Sự thiếu chuẩn mực trong đánh giá các giá trị văn học: Đây là biểu hiện đầu tiên của tình trạng cảm tính trong phê bình. Nó khiến cho người đọc không tin vào ý kiến của các nhà phê bình và giới sáng tác không an tâm vì phê bình không giúp họ được gì trong việc nhận chân sâu sắc hơn các giá trị văn học. Điều đó dẫn tới thực tế : a– các nhà văn tự viết cho nhau mà không cần đến sự có mặt của các nhà phê bình, b– trước không ít bài phê bình nhạt nhẽo và hời hợt đang chiếm lĩnh trên các trang báo, độc giả, qua những bài phê bình ấy, chẳng biết thứ nào là hàng thật và thứ nào là hàng giả, hàng nhái. Như vậy, các nhà phê bình đã tự đánh mất vai trò “ngự sử” của mình. Cái thiếu nhất của phê bình hiện nay là chưa quan tâm thích đáng đến vai trò then chốt của lí tính, tức là các cơ sở khoa học trong việc đánh giá thẩm định các hiện tượng văn học. Nếu thiếu đi chiều sâu học thuật trong các bài phê bình, các luận điểm của nhà phê bình sẽ rơi vào tình trạng chông chênh, khó thuyết phục người đọc. Biết hướng về cái mới và bảo vệ cái mới là một phẩm chất cần thiết của một nhà phê bình vì chính Belinxki từng nhấn mạnh: Sứ mệnh của phê bình là “giết cái cũ (…) chuẩn bị cho nền nghệ thuật mới ra đời”(5). Biểu hiện thứ hai của tình trạng cảm tính là sự khen chê theo kiểu lăng xê quảng cáo. Đây là những bài viết thể hiện rất rõ : a – áp lực của tư duy “kinh tế thị trường” trong phê bình văn học; b– tâng bốc nhau theo kiểu cánh hẩu “mẹ hát con khen hay”. Trong trường hợp này, phê bình văn học không những không làm tròn nhiệm vụ định hướng thẩm mĩ, tạo dư luận mà còn làm nhiễu loạn chuẩn mực văn chương, khiến người đọc không phân biệt được đâu là những giá trị thật và đâu là những giá trị giả.
– Thiếu dũng khi, thiếu bản lĩnh và thiếu những phát hiện cá nhân về văn học: Ai cũng biết phê bình là một nghề vừa bạc bẽo vừa “nguy hiểm”. Sự bạc bẽo thể hiện ở thái độ coi thường vị thế của phê bình: đó là thứ “ăn theo nói leo”, là chốn dùng thân của những kẻ bất tài. Hơn nữa, đồng nhuận bút dành cho phê bình hết sức ít ỏi. Còn sự “nguy hiểm” thể hiện ở chỗ ý kiến của nhà phê bình rất dễ bị phản ứng và bị bắt bẻ, cắt xén và quy chụp. Vì thế, để an toàn, nhiều người đành nói theo kiểu nước đôi, vừa lòng cả người viết mà mình lại yên thân. Hậu quả của nó là người đọc phải chứng kiến những bài phê bình nhạt nhẽo, vô bổ. Phê bình cần nhiều hơn đến những phát hiện mang tính cá nhân miễn là những ý kiến ấy phải hướng tới mục đích vì văn học chứ không phải vì những mục đích phi văn học. Tiếc thay, những cây bút như thế lại quá ít ỏi.
– Tranh luận biến thành cãi vã: Hiện tượng này đã trở thành chuyện thường ngày của phê bình văn học nước ta. Rất ít cuộc tranh luận bàn thẳng đến vấn đề văn học mà thường nghiêng về ăn thua, cay cú, và người tham gia tranh luận tìm cách biến diễn đàn thành nơi biểu diễn các ngón sát phạt. Văn đàn vốn là chỗ thiêng liêng nay hóa thành bãi chiến trường khốc liệt. Cuộc tranh luận gần đây xung quanh bài viết Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp là một minh chứng nhỡn tiền. Văn hóa tranh luận đang bị vi phạm và nhiều tờ báo đăng tải các bài tranh luận ấy trở thành địa chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh” cho người đọc. Đó là chưa nói đến chuyện, trong nhiều cuộc tranh luận, quyền chỉ bảo người khác lắm khi chỉ nghiêng về một phía. Kể cũng kỳ lạ, có nhà phê bình chỉ thấy người khác sai còn mình luôn luôn đúng.
– Sự thưa vắng của đội ngũ phê bình: Khi mà vai trò của phê bình chưa được đánh giá chính xác và chưa được quan tâm đúng mức, khi mà “nghề” phê bình không đủ sống thì hiện tượng không chuyên tâm với nghề cũng là điều dễ hiểu. Mà không chuyên tâm thì sẽ rơi vào nghiệp dư (hiểu theo nghĩa viết cũng được mà không viết cũng chẳng chết ai, nghiêng về khen mà không dám chê vì sợ tự chuốc lấy phiền phức vào mình). Cứ thế, từ chỗ ngại va chạm dần chuyển sang ngại viết, từ chỗ chuyên tâm với văn học đến chỗ có hiếu hỉ, hay lễ kỷ niệm thì viết lấy lệ một bài “góp vui” là chuyện đã từng xảy ra với nhiều người. Rõ ràng, nguyên nhân tạo nên sự yếu kém của phê bình văn học cần nhìn thấy cả từ hai phía khách quan và chủ quan. Và nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì không chỉ riêng phê bình mà cả nền văn học nói chung sẽ khó lòng phát triển như ta hằng mong muốn.
3. Câu hỏi làm thế nào để phê bình văn học khởi sắc hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền văn học nước nhà là một câu hỏi bức xúc với nhiều người. Theo ý tôi, cần quan tâm đến những vấn đề sau:
– Không ngừng đổi mới và tiếp cận nhanh nhất với những thành tựu phê bình văn học của nhân loại. Thực chất, đây là vấn đề nâng cao tính chuyên nghiệp của phê bình(6). Một khi coi phê bình là một nghề thì nó ắt phải có đối tượng, có phương pháp nghiên cứu riêng. Nhà phê bình phải là người tinh thông nghề nghiệp, có khả năng khám phá các giá trị nghệ thuật thông qua năng lực cảm nhận tinh tế và năng lực vận dụng các tri thức khoa học để trình bày ý kiến của mình. “Sân chơi” phê bình văn học bình đẳng với tất cả mọi người, chấp nhận mọi ý kiến miễn là những ý kiến ấy phải có căn cứ khoa học. Một khi gia tăng tính học thuật của phê bình thì những tranh cãi phi khoa học và những ý kiến ngoài mục đích của văn chương sẽ không còn đất dụng võ. Hơn nữa, cần phải tránh sự chồng chéo giữa lí luận và phê bình. Mặc dù trên thực tế, giữa lí luận và phê bình văn học có mối quan hệ mật thiết nhưng chúng là hai bộ môn khác nhau, có đối tượng và phương pháp tiếp cận đối tượng khác nhau. Có thể nói, một trong những nguyên nhân làm cho phê bình không giải phóng được tiềm năng của nó chính là sự nhập nhằng giữa hai bộ môn này. Nâng cao tính khoa học trong nghiên cứu, phê bình văn học chính là chìa khóa quan trọng để các bộ môn của khoa học văn học vừa gắn bó nhau chặt chẽ vừa bảo đảm cho mỗi bộ môn làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.
– Tạo dựng không khí đối thoại và dân chủ trong lĩnh vực phê bình. Thời đại ngày nay là thời đại của tư duy đối thoại. Những cuộc tranh luận trong lĩnh vực phê bình vì thế phải coi là hiện tượng bình thường, cần có và nên có. Tuy nhiên, việc tranh luận phải mang tính học thuật và phải bảo đảm văn hóa tranh luận. Vấn đề cần quan tâm là không để những cuộc tranh luận văn học bị biến tướng chuyển thành những cuộc tranh luận ngoài văn học, và tiêu chuẩn cao nhất cần hướng tới là chân lí khoa học trong tranh luận. Hơn bao giờ hết, để có những cuộc tranh luận dân chủ và khoa học nhằm đưa phê bình văn học tiến lên một trình độ mới, nhà phê bình phải ý thức được một cách sâu sắc: Không tiếp thu những thành tựu của thế giới chúng ta sẽ rơi vào tình trạng tụt hậu nhưng nếu không gắn bó với dân tộc chúng ta sẽ rơi vào hư vô.
– Cần phải có những quyết sách cởi mở và thực tế hơn nữa nhằm thúc đẩy sự phát triển của phê bình. Điều này gắn với cơ chế quản lí nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà phê bình thực hiện tốt công việc cụ thể của mình. Cần phải có một bảo hiểm cần thiết cho nhà phê bình trong việc trình bày ý kiến cá nhân. Nếu không, lực lượng phê bình vốn đã mỏng sẽ ngày càng mỏng hơn. Sau những mệt mỏi, nhà phê bình thấy chán nản và họ sẽ yêu nghề bằng cách quay về nghiên cứu văn học quá khứ. Người viết bài viết này cũng từng có ý nghĩ như thế mỗi lần định viết phê bình hay muốn có một ý kiến nào đó về những hiện tượng nóng hổi đang diễn ra trong văn học Việt Nam đương đại.
Nguyễn Đăng Điệp
____________
(1) Thiếu Sơn: Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh– Tuyển tập( Lê Quang Hưng sưu tầm chỉnh lí), Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2000, tr.19.
(2) Xem Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, quyển ba, Nxb. Văn học- Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh. 1994, tr.8.
(3) Trần Đình Sử: Tiếp nhận- Bình diện mới của lí luận văn học, trong Lí luận và phê bình văn học, Nxb. Hội Nhà văn, H, 1996, tr.124.
(4) Trương Đăng Dung: Tác phẩm văn học như là một quá trình, Tạp chí Văn học số 12-1996.
(5) Dẫn theo Nhiều tác giả: Lí luận văn học (tập 1) – Nxb. Đại học sư phạm, H, 2002, tr.384.
(6) Tính chuyên nghiệp trong phê bình văn học là vấn đề mà chúng tôi đã có lần đề cập đến. Đó chính là việc gia tăng tính khoa học và chiều sâu lí giải trong các tác phẩm phê bình. Việc tăng cường tính chuyên nghiệp đòi hỏi người viết phê bình phải thạo nghề, khổ học và nhạy cảm. Nó, tất nhiên, khó llòng chấp nhận cách viết cảm tính và tùy hứng trong phê bình. Không phải ai có bằng cấp cũng đều là nhà phê bình chuyên nghiệp mà “sân chơi” phê bình bình đẳng với tất cả mọi người. Nhưng, dù muốn hay không, việc nâng cao tính chuyên nghiệp là một hướng đi đúng đắn để phê bình văn học được trở thành chính nó.
Nguồn: Phebinhvanhoc.com