Buổi nói chuyện của Phó Giáo sư, Tiến sĩ La Khắc Hòa với chủ đề “Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn xuôi Việt Nam” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.
Tại buổi nói chuyện, nhà nghiên cứu, phê bình La Khắc Hòa đưa ra những luận điểm để chứng minh Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên một bước ngoặt văn chương sau 1975. Theo La Khắc Hòa, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và văn chương trước 1975 có hai mô hình không gian hoàn toàn khác biệt: Văn học trước 1975 lấy không gian “nhà binh” làm ngôn ngữ chính yếu; trong khi đó sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là không gian sinh hoạt thường nhật.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và PGS.TS La Khắc Hòa.
Ông khẳng định không gian nhà binh như một loại hình ngôn ngữ trong văn học trước 1975. Trong 30 năm văn học giai đoạn 1945 – 1975, “mặt trận” là từ chủ chốt được sử dụng để mô hình hóa không gian. Trong không gian “mặt trận” và thời gian “chiến dịch”, mọi người đều chung một danh xưng “chiến sĩ”.
Tuy nhiên, không gian nhà binh không còn âm vang trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Ông sử dụng không gian sinh hoạt như một loại hình ngôn ngữ trong các sáng tác của mình. Để dễ hình dung, PGS.TS La Khắc Hòa lấy đoạn hội thoại trong Tướng về hưu làm minh chứng: “Cha tôi cho mỗi người trong nhà bốn mét vải lính. Ông Cơ và cô Lài cũng thế. Tôi cười: ‘Cha bình quân!’. Cha tôi bảo: ‘Đấy là lẽ sống’. Vợ tôi bảo: ‘Cả nhà đồng phục thì thành doanh trại’. Mọi người cười ồ”.
Theo Tiến sĩ La Khắc Hòa, những chữ như “vải lính”, “đồng phục”, “doanh trại”, “mọi người cười ồ” có sự xung đột giữa ngôn ngữ nhà binh và ngôn ngữ dân sự, ngôn ngữ sinh hoạt thường nhật. Ở đây, ngôn ngữ nhà binh vang lên giữa những tiếng nói xô bồ, mất hết quyền uy, trở thành quá khứ. PGS.TS La Khắc Hòa khẳng định sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là cuộc chia tay nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát, không chút lưu luyến với ngôn ngữ nhà binh.
Trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, thời gian là ngày được chia thành ba buổi. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp không chiến đấu ngoài “mặt trận” mà sinh hoạt chủ yếu ở trong “nhà”. Mọi hoạt động không kéo dài thành “chiến dịch”, mà gói gọn trong “ngày”, theo “buổi”. Có thể nói, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đã mô hình hoá không gian sinh hoạt, biến nó thành một cấu trúc biểu nghĩa, làm nên bước ngoặt của ngôn ngữ nghệ thuật trong văn học Việt Nam sau 1975.
PGS.TS La Khắc Hòa cũng cho rằng không gian nhà binh trong văn học trước 1975 và không gian sinh hoạt thường nhật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là hai “loại”, mà còn thuộc hai “hệ” khác nhau: loại trước thuộc hệ hình huyền thoại, loại sau thuộc hệ hình truyện kể.
Đồng tình với PGS.TS La Khắc Hòa, nhà văn Đặng Thân cũng cho rằng sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một bước ngoặt cho văn chương Việt. Theo ông, Việt Nam có ba tác giả tạo ra bước ngoặt, đó là Nguyễn Du với khả năng tu từ, là Hồ Xuân Hương với tính biểu tượng, biểu chỉ và Nguyễn Huy Thiệp với ý và tứ. Chính ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra tính độc đáo mà không phải ai cũng bắt chước được.
Có mặt tại buổi trò chuyện, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra khiêm tốn. Ông nói mình không dám đứng sau các bậc tiền bối như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, nhưng khẳng định mình có một sự nghiệp văn học. “Tôi chỉ biết cuộc đời tôi có một sự nghiệp văn học. Tôi đã đi tìm hiểu, đọc các nhà văn Việt Nam, cũng như quyết tâm phải có một văn nghiệp. 30 năm viết không phải dễ dàng. Giờ đây, tôi bằng lòng với những gì mình viết ra. Việc có là bước ngoặt hay không quá xa vời, tôi chỉ tâm niệm hãy sống một cuộc đời bình thường như mọi người”.
Theo Y Nguyên – Vnexpress.net