Từ một sinh viên, một bác sĩ đến luật sư về hưu, nhà báo hay nhà giáo… đều tìm thấy trong ‘Trò chuyện triết học’ của Bùi Văn Nam Sơn bài học thấm thía về cuộc đời. Tại buổi giao lưu nhân cuốn sách ra mắt, độc giả bày tỏ sự yêu quý tác phẩm của ông.
Buổi giao lưu, ký tặng sách của tác giả Bùi Văn Nam Sơn diễn ra ngày 28/6, thu hút hơn 100 độc giả tham dự. Gian phòng nhỏ ở tầng 1 của tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị ở TP HCM hóa chật chội khi mọi người chen cứng để được cùng trò chuyện cùng nhà nghiên cứu triết học nổi tiếng.
Tiến sĩ Huỳnh Như Phương.
Trước đây, khi cuốn sách triết học Hiện tượng học tinh thần của Hegel, với bản dịch Việt ngữ (và chú giải) của Bùi Văn Nam Sơn ra mắt tại Việt Nam, khắp các trang điểm sách đều trang trọng gọi đó là “sự kiện lớn” trong đời sống khoa học xã hội nước nhà. Giáo sư triết học Nguyễn Hữu Liêm gọi đây là “một biến cố văn học lớn của Việt Nam”.
Và lần này, với việc ra mắt một cuốn sách do chính ông viết, cũng với chủ đề triết học, Bùi Văn Nam Sơn cho thấy tấm lòng của một trí thức dấn thân, tự chọn cho mình một nhiệm vụ khó khăn là góp phần đưa đến cho công chúng những tri thức khoa học hàn lâm.
Không chỉ góp phần đưa triết học thế giới vào Việt Nam một cách có hệ thống, Bùi Văn Nam Sơn còn góp phần giúp độc giả tiếp cận dễ hơn với một loại khoa học vốn được xem là cao siêu này. Để làm việc đó, trong những năm 2010, 2011, 2012, ông viết các bài báo cho chuyên mục Trò chuyện triết học trên báo Sài Gòn Tiếp thị. Những điểm khó vá tinh tế của triết học được ông viết lại dễ hiểu hơn khiến bạn đọc gần xa đều nhiệt tình đón đọc chuyên mục do ông phụ trách như món ăn tinh thần không thể thiếu.
Tại buổi giao lưu, Tiến sĩ Huỳnh Như Phương cho biết, ông là một trong số những độc giả thường xuyên theo dõi bài viết của Bùi Văn Nam Sơn ở mục Trò chuyện triết học. Không chỉ đọc, tâm đắc, người thầu giáo này còn tỉ mẩn cắt lại từng bài báo để dành như một thứ quý giá để cất giữ.
Tiến sĩ Phương cho rằng, cách viết vể triết học của tác giả rất hay, lôi cuốn người ta phải đọc, phải suy ngẫm. để rồi thu hoạch từ đó nhiều bài học… “Tôi rất vui khi chuyên mục trên báo dù tạm ngưng NXB vẫn kịp thời ra sách, tập hợp các bài viết này, để có thêm nhiều bạn đọc hơn nữa đến với trang viết của Bùi Văn Nam Sơn”, ông Huỳnh Như Phương nói.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu.
Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn được nhận xét là người rất khiêm nhường khi tiếp xúc với những người trẻ vốn ít kinh nghiệm sống hoặc cả những người có tầm kiến thức hạn hẹp. Không hề tỏ ra xa cách, sôi nổi và nhiệt huyết khi nói về học thuật, ông luôn chọn những cách diễn đạt các vấn đề triết học một cách nhẹ nhàng, sáng rõ, giản dị và ít trừu tượng nhất. Nhiều độc giả của ông cho rằng, tác giả chỉ có thể làm được điều này khi tri thức của ông được chưng cất qua chiều sâu của trí tuệ.
Cùng chia sẻ với ý kiến này, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng, đọc những gì Bùi Văn Nam Sơn viết có thể thấy ông không xem mình cao hơn cộng đồng và người đọc cũng không thấy mình thấp hơn tác giả.
Chính điều này đã khiến rào cản giữa đôi bên được tháo bỏ, thay vào đó là một sự cởi mở khám phá khi triết học không còn là “ông kẹ” khiến người đọc chùn chân.
Còn với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, triết học là một môn học không khó nhưng để nói chuyện về triết học cho mọi người nghe, mọi người cùng hiểu thì không phải dễ. Bùi Văn Nam Sơn đã làm được điều ở vế thứ hai. Và khi triết học trở thành một cuộc trò chuyện, nó có thể tự nhiên đến với mọi người, có thể tìm thấy sự đồng cảm. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng lên tiếng mời Bùi Văn Nam Sơn đến nói chuyện tại câu lạc bộ cho những người mắc bệnh ung thư. Bởi theo ông, những kiến thức, kinh nghiệm sống, suy nghiệm, trải nghiệm, lý luận và nền tảng luân lý từ triết học mang lại cũng quý không khác những vị thuốc giúp đỡ những con người cận kề cái chết.
Một bác sĩ trẻ khác có mặt tại buổi gặp gỡ đã đứng lên cho biết, trước khi đọc các bài viết phổ cập kiến thức lĩnh vực triết học của Bùi Văn Nam Sơn, anh cảm thấy khá hoang mang với cuộc sống. “Đôi khi tôi khám, chữa bệnh cho người khác mà vẫn chưa hiểu hết vì sao mình làm công việc này, vì sao mình tồn tại. Khi đọc bài viết của ông tôi đã tìm ra được những câu trả lời”, bác sĩ nói. Anh này cũng cho rằng, Bùi Văn Nam Sơn nên dành chút thời gian có những buổi lên lớp dành cho các bác sĩ trẻ, nói chuyện về chủ đề triết học..
Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn miệt mài ký tặng sách.
Thật ra, đối tượng mà Bùi Văn Nam Sơn từng gặp gỡ, trò chuyện về chủ đề này khá đa dạng. Không chỉ có giới khoa học, nhà văn, nhà giáo, nhà báo… ngay cả những doanh nhân cũng gạn lọc nhiều điều thú vị từ các buổi trò chuyện với dịch giả này. Ông Giản Tư Trung, giám đốc tổ chức giáo dục Pace đã mời Bùi Văn Nam Sơn lên lớp triết học cho các doanh nhân của trường này. Cũng vì phải tiếp xúc và đối thoại với nhiều đối tượng đã làm vị dịch giả nảy sinh ý tưởng đưa kiến thức triết học thành những bài trò chuyện, những câu chuyện kể dễ hiểu.
Dịch giả này quan niệm, sức mạnh cơ bản của triết học là đi vào đời sống. Theo ông, thật ra điều này ở các nước phương Tây không còn mới mẻ, bởi từ lâu trên thế giới, triết học đã xuất hiện bàng bạc khắp nơi trong cuộc sống của con người, trong các lĩnh vực nghệ thuật. “Cuộc đời là nguyên liệu sống làm cho triết học xanh tươi, sinh động hơn…”, ông nói.
Không chỉ có khen ngợi, bày tỏ sự đồng cảm về trang viết và những công việc nghiên cứu của Bùi Văn Nam Sơn, nhiều độc giả đã tranh thủ đặt hàng ông phải có thêm Trò chuyện triết học tập 2, tập 3, tập 4,… có thêm những nghiên cứu học thuật, những đầu sách dịch tiếp tục cống hiến cho độc giả nguồn tri thức mới. Chính vì thế, Bùi Văn Nam Sơn tâm sự, con đường ông đi không khiến ông cảm thấy cô đơn nhưng đó quả thực là một con đường khó.
Nguồn: eVan