1.
Câu thơ, có lúc bài thơ – ngắn thôi 4 câu, đến với tôi trong giấc ngủ. Lúc đó tôi hình như thức, hình như rất tỉnh. Tôi đọc. Tôi sửa. Và tôi lẩm nhẩm đọc để nhớ. Thế rồi sáng tỉnh dậy chẳng nhớ gì. Chỉ có hai chữ hình như – hình như đêm qua mình làm thơ, hình như là… Không, không tài nào nhớ lại được
Lần sau mình phải dậy lấy giấy bút ghi lại mới được. Tôi tự nhắc mình như vậy
Lần sau, nhiều lần sau cứ như thế lặp lại. Rõ ràng có cảm giác tỉnh mà chẳng bao giờ dậy. Rõ ràng có cảm giác làm thơ mà chẳng bao giờ ngồi dậy chép lại.
dò dẫm tôi đi tìm con chữ
xếp lối men vào ý thơ
nắm phải tay mình vỡ giấc mộng
nhặt đụng mảnh lời hư vô
Đấy là Lời sớm mai của tôi, lời tiếc nuối của tôi khi tỉnh giấc
Chỉ có thức hẳn, thức vì không ngủ được, thức và làm thơ trong đêm khuya, trong yên tĩnh. Lúc chỉ một mình với đêm, ý thơ thường đến. Lúc chỉ mình nói với mình ý thơ thường đến. Nảy được ý thơ, viết được thành thơ hoặc khoan khoái hoặc mệt đầu.
2.
Bình thường thôi câu thơ, bài thơ viết mỗi ngày – cái bình thường khó mà dễ, dễ mà khó. Bây giờ ai cũng có thể là ca sĩ, sáng tác nhạc rồi tự hát để luôn cả thể là nhạc sĩ, ai cũng có thể bước nhảy hoàn vũ,… ai viết ra xuôi xuôi, rồi có tiền in tập cũng là nhà thơ… Nhà thơ ở khắp nơi. Trước chỉ gọi chung các nhà thơ và gọi riêng các nhà thơ quân đội…Vậy theo thời kinh tế thị trường cũng phải có nhà thơ của các ngành kinh tế, ngạch lãnh đạo…nữa chứ. Cũng là phải thôi, cũng là tất nhiên thôi. Bạn nhờ viết lời tựa cho cuốn thơ của một quan chức làm thơ. Quan vừa nhỏ ấy mà. Viết gì đây? Nhận lời, đọc xong đành chịu. Xin lỗi vậy.
3.
Người làm thơ nói đến đền thơ. Đền lúc nào chẳng mở cửa. Người đến lễ hay đến vãn cảnh tự do, tùy tâm. Linh ứng cũng tùy người, tùy tâm cảnh. Giời cho không cầu cũng được. Giời đày cầu xin cũng chẳng thoát. Làm thơ là giời cho hay giời đày – chẳng biết nữa. Đi ra ngõ, người ta chỉ trỏ – nhà thơ đấy. Sĩ diện không? Có thơ in báo, có tập thơ mới in chẳng thể tặng ai quanh mình. Mọi người còn phải buôn bán, còn phải lo toan cơm áo, gạo tiền. Bắt họ nghe thơ thì mình đúng là dở hơi, thơ đúng là thơ thẩn. Chờ lúc nào gặp người làm thơ, gặp nhà thơ mới khoe, mới tặng được. Nhớ rồi!
người làm thơ lại tự đọc thơ mình
người làm thơ đọc thơ nhau hay dở
và những người làm thơ cũng chẳng buồn đọc thơ nữa
dẫm vết chân mình ta dẫm chân nhau
In ít thôi – dăm ba trăm cuốn. Có bán được thơ đâu. Mang mươi cuốn gửi các nhà sách lại bị ban ơn – thơ khó bán lắm, bày cho có mặt sách thôi, lâu lâu quay lại nhà thơ nhé. Xin cảm ơn.
4.
– Sắp ra đời tập thơ mới à? Làm một buổi giới thiệu thơ đi. Bạn công tác ở Hội nhà văn nói vậy.
– Tốn kém lắm. Không đủ lực đâu.
– Hội trường của hội mình rồi. Bạn bè giúp, không lo đâu. Bạn thật nhiệt tình và thiện chí. Mình hiểu vậy.
– Mình nói vui vậy thôi. Không giới thiệu được đâu. Này nhé: + Phải có tài – tài làm thơ và tài tổ chức. Thơ thì bình thường thôi, chẳng có gì nổi bật, bứt phá để là một hiện tượng mới. Tổ chức thì mình kém lắm, chẳng biết phải lo những gì, ở đâu. + Phải có tiền. Làm thật sang thì căng. Làm bình thường thì không muốn. Để được gì – mất gì? Để ai nhớ – ai quên? + Vả lại, mình nhiều tuổi rồi. Khi đã ngoài 60, nhất là với một người đàn bà có nên tham vọng rùm beng không? Cái gì có được đã có rồi. Cái gì không thể đến đã không đến + Nói riêng nhé,người làm sao của chiêm bao làm vậy. Số mình đen lắm. + Riêng một chút nữa nhé! Sau bao sự đời ập đến, mình ngấm ngáp tình người. Khen ư? Chê ư? Với mình nghĩa là gì nhỉ? …
5.
Lãng đãng thế thôi. Dành cho thơ tự nhiên thôi. Tôi yêu thơ như vốn quen yêu mình/ như mỗi sớm chiều soi gương ngắm vuốt. Cuộc sống nhất là với người đàn bà Việt Nam còn bao việc phải lo. Khó khăn hàng ngày, khó khăn có thể đến căng thẳng hơn, không thể lường được. Giữa bao diễn biến thời cuộc, giữa bao cảnh đời cơ cực… và ở ngay giữa căn nhà của mình đây, thơ chỉ là của mình, giải tỏa ý nghĩ cho mình. Con trai, con gái có bao việc phải lo. Thời giá tăng. Bao loại phí tăng, kể nhiều đến phí học đường, rồi điện, nước, xăng dầu… các loại phí sinh hoạt hàng ngày. Các cháu lo học ở trường, học thêm môn này, thứ nọ. Còn chỗ nào dành cho thơ đây?
Những tứ thơ quanh quẩn, dẫu có là thơ thế sự cũng góp gì cho cả đến người thân của mình đâu. Thơ của mình lại không kiếm ra tiền và chỉ có tiêu tiền.
Tôi tư duy là tôi tồn tại. Thế mà, kể cả ý nghĩ nhiều khi cũng không viết ra được, không được viết ra. Tôi hành động là tôi tồn tại. Thế đấy, chỉ tư duy không hành động phỏng có ích gì? Chỉ hành động trên máy tính với những dòng thở than hay giãi bày hay ca ngợi…cũng phỏng có ích gì?