Mùa xuân là mùa đầu tiên có tháng đầu tiên, ngày đầu tiên của năm, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, là Thời Tinh khôi, Thời đầy sức sống… Có lẽ vì thế mà trong thơ, Bùi Giáng có nhắc nhiều đến Xuân, đến Nguyên rồi Nguyên Xuân và Sơ Nguyên…

Pháp tính viên dung vô nhị tướng

(Kệ 1 Hải Ấn – Nghĩa Tương)

Nhất Thanh đã có một chuyên đề nói rất hay như thế này: Có thể nói Nguyên Xuân là suối nguồn chảy mãi và nhuần thắm cả hơn 60 tác phẩm viết và dịch sau đó của Bùi Giáng. Và đặc biệt hơn nữa, nó cũng là chất liệu làm nên một “huyền thoại Bùi Giáng” – kẻ tự hủy toàn triệt để sống trọn vẹn với thi ca, với hương màu Nguyên Xuân chất ngất giữa cuộc bình sinh hãn hữu này.

Nhưng không chỉ có thế! Bùi Giáng nói đến Xuân, nói đến Nguyên rồi nói đến Nguyên Xuân cũng chỉ nói đến một cái Nguyên khác, rốt ráo hơn. Cái Nguyên đó liên đới đến toàn nhân loại trên trái đất này! Vì Bùi Giáng đã nhìn thấy rõ bi kịch thời đại, điều mà Cao Xuân Huy, “một trong hai nhà triết học duy nhất của Việt Nam” (Lời của Giáo sư Trần Văn Giàu) cũng nhìn thấy với một cái tên khác: cuộc khủng hoảng tư tưởng của triết học châu Âu hiện đại.

Bùi Giáng nói rất rõ về bi kịch thời đại như sau:

“Những người làm văn nghệ, hoặc không làm văn nghệ, nhưng có dở sống dở chết trong bi kịch thời đại. Khoa học giết người! Triết học giết người! Nhưng khoa học giết người, ta nhìn thấy rõ. Triết học giết người, ta không thấy rõ. Và ít ai hiểu rằng sở dĩ khoa học giết được nhiều người đến thế là chính bởi triết học khốn nạn đã dọn đường, chính triết học hư tà đã phạm tội trước tiên. Khoa học thơ ngây được phép không ngờ. Khoa học đã hồn nhiên gây bóng tối. Nhưng cái ghê tởm nhất là cái bóng tối từ ở giữa lòng triết học tỏa ra” (Bài tựa thứ hai: Martin Heidegger (Mác-tin Hây-đơ-gơ) và Tư tưởng hiện đại, Sài Gòn 1963).

Và Bùi Giáng đã nhìn thấy rõ nguyên nhân gây nên bi kịch thời đại – đó là Nhị Nguyên. Cao Xuân Huy cũng nhìn thấy rõ nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng tư tưởng của triết học châu Âu hiện đại – đó là phương thức Chủ biệt.

Ông nói: “Và những điên đảo thời đại binh đao này nguyên do là bởi chúng ta quen nhìn một viễn tưởng, lại cứ nằng nặc đòi dòm. Dòm hết cái đồ nọ, đến cái đồ kia, trong lúc cái đồ này chịu nằm trơ một cõi không kẻ “giao tình tại” vì lạc nẻo “chính khí đồng”. Ðó là biểu trưng cho sự gãy đổ, chia lìa giữa vật thể hiện hoạt và vĩnh tồn của tồn thể tồn lưu. Triết học Heidegger (Hây-đơ-gơ) là tất cả triết học hôm nay, hôm sau, hôm trước đã từ vạn đại chết héo bao phen. Nhưng: Biển dâu sực tỉnh giang hà/ Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh…” (Bài tựa thứ hai đã dẫn trên).

Ðến đây, Bùi Giáng đã xứng đáng là nhà Triết học!

Và vì không phải là nhà triết học nên mấy ai thấy được cái bi kịch thời đại và nguyên nhân gây ra nó – họ bị u mê. Bởi vậy, ông rất hoang mang, lo lắng. Bùi Giáng lúc nào cũng bị “chiêm bao náo động”, thấy “đêm dài bão giông”, thấy “ruộng hoang mang khóc”, “cá khe nước cõng lên đồng”… Và ông khóc thương cho nhân loại “không có hai con mắt” như ông, mà chỉ có “một con mắt” nên chưa nhìn ra được cái thảm họa của bi kịch thời đại. Hơn thế nữa, ông làm thơ đa ngôn, đa nghĩa, ông gào thét điên cuồng cả ngoài đời, nhảy cồ cộ ngoài đường và cả trong thơ văn. Ông cũng dịch triết học của Hây-đơ-gơ, người như ông nói “đã chín móng bấu lấy triết học, để gột rửa chúng khỏi những bùa ngải điêu linh”,…Ông đã làm tất cả, kể cả điên khùng tự hủy toàn triệt để thức tỉnh loài người.

Ðến đây, Bùi Giáng đã xứng đáng là nhà Ðạo Ðức!

Bùi Giáng còn đi xa hơn thế nữa, Ông và Cao Xuân Huy đã chỉ ra con đường giải thoát cho nhân loại khỏi bi kịch thời đại, đó là “Nhất Nguyên” như ông gọi, hay “Phương pháp Chủ Toàn” như Cao Xuân Huy gọi.

Ông nói rằng ông “chịu vô hạn cuồng si, điên loạn để thanh thản vô song hắt hiu điêu đứng, để mà suy tư độc đáo ở trong vòng cái Một duy nhất Của Chung (Nhất Nguyên đấy). Từ đó mà đi, các bạn không còn chỉ trích chúng tôi sao lại cố tâm cố ý đưa những hình ảnh thiên nhiên – và gọi chúng là những tượng số – về ở giữa triết học hoạt tồn – triết học tồn lưu tồn thể… Ðã là người Việt Nam, thì chẳng lẽ lại viết triết học bằng chữ? Phải viết bằng lời! Mà lời của biển dâu không phải là lời văn xuôi, phải là lời thơ “tái tân thanh” tái tạo. Văn xuôi cũng phải buộc là thơ. Và mở cửa cho thơ rúc vào nằm trong một vòm tròn trịa méo mó ôm nhau…”.

Thơ ông viết:

Hỏi tên rằng biển xanh dâu,

Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa.

Gọi tên là một hai ba,

Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Rõ ràng là con số cụ thể 1, 2, 3 đếm được, nhưng con số cụ thể đếm được ấy nằm trong “diệu tưởng”, trong “nghi tâm” thì lại là vô tận rồi, cứ như là trước con số 1, 2, 3 là Ðạo, cứ như là Lão Tử nói: Ðạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật ấy.

Thơ ông còn viết:

Người bước về trên năm ngón chân

Ta buồn đã có cánh tay nâng

Bàn tay người có đủ năm ngón

Người đứng xa, tôi tiến lại gần

Có lẽ bài “Người về” này là bài thơ đầu tiên gây cho tôi chú ý đến ông. Ông  đến với tôi bằng “năm ngón chân”, vẫy gọi tôi bằng “năm ngón tay” cụ thể của ông, ấy thế mà đọc lên, tôi cứ thấy là lạ, cứ diệu vợi, cứ như ma, có đấy mà không đấy, như Phật nói Sắc đấy mà Không đấy, cứ như là ông đã nói: Ở trong vòng cái Một duy nhất Của Chung. Và Bùi Giáng, Cao Xuân Huy, Lão Tử, Phật đều nói về cái Nhất Nguyên đấy, chỉ khác nhau về Tượng thôi như Kinh Dịch nói, còn giống hệt nhau về cấu trúc ở ngôn ngữ toán hiện đại.

Vâng, cần phải nhìn mọi vật như nó là, không có tự tính, không chia cắt, bị cả vũ trụ chi phối và chính nó cũng chi phối cả vũ trụ. Nếu có cách nhìn Nhất Nguyên hay phương pháp Chủ toàn như vậy, ta sẽ Vô Vi, ta sẽ chung sống hòa bình với mọi người, với thiên nhiên. Với cách nhìn đó, chúng ta đã có Giáo sư Hoàng Phương dùng Toán tập hợp mờ trên cơ sở lý thuyết phi bài trung để mô phỏng Kinh Dịch, có TS Vũ Huy Toàn xây dựng “Con đường mới của vật lý học” với những chỉnh sửa các công thức vĩ đại của Niu-tơn (Newton), Anh-xtanh (Einstein)…

Như vậy là toàn bộ cuộc đời, toàn bộ sự nghiệp thơ ca, triết học của  Bùi Giáng đã đi hết một con đường Tứ Diệu Ðế – toàn bộ con đường giải thoát đi tới giác ngộ của Ðức Phật. Ðúng như dân gian gọi ông! Thật là sáng suốt và công bằng.

Ấy thế mà bao nhiêu người chỉ nhìn thấy cái điên, cái gàn, cái rắm rối của ông, cho ông không phải là nhà thơ, nhà triết học. Có phải như vậy là do “Kiến sắc” mà không “minh Tâm”!

TRẦN NGUYÊN NGỌC

Nguồn: Vannghenhandancuoituan