Đứng về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn, nhập nhòa giữa thực và mộng, giữa tỉnh và mê. “Máu cuồng và hồn điên”, phải chăng là một tố chất nghệ sĩ? Điên là cách thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào trong một thế giới huyễn ảo của tâm hồn…

Khán phòng buổi tọa đàm khoa học đầu tiên về thơ Bùi Giáng (kể từ sau năm 1975 đến nay) do Trường ĐH KHXH&NV TP HCM cùng gia tộc họ Bùi ở Vĩnh Trinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tổ chức vào sáng 14-9 tại Trường ĐH KHXH&NV TP nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Trung niên thi sĩ (1998-2013) đầy ắp cử tọa. Tất cả đều ngồi cho đến phút cuối, nhiều người tới từ phương xa, mang đến nhiều trao đổi mang tính khơi mở những bí ẩn về Bùi Giáng.

Bùi Giáng là một nhà thơ tài năng kỳ lạ, nhà nghiên cứu triết học sâu sắc, nhà phê bình văn học uyên thâm và là một dịch giả tài hoa. Gần nửa thế kỷ sống và viết, ông đã xuất bản 25 tập thơ, 26 công trình nghiên cứu triết học, phê bình văn học, 16 tiểu phẩm; di cảo thơ của ông còn được cất giữ trong gia tài của những người yêu thơ.

“Bùi Giáng đem phong cách du mục vào thơ ca, một phong cách tràn đầy tự do, ngang tàng, táo bạo, bất chấp, phụng dâng, tận hiến, tung hê, cuồng ngạo. Mọi thứ trong thơ Bùi Giáng đều khác thường, lưu lãng, biến chuyển, đều trôi, bay, cuộn sóng, bão giông, quay cuồng, xô đẩy, ầm ào, lên đường, tách bến, ra khơi… Thơ Bùi Giáng là lời tụng ca trần thế, tụng ca cuộc sống. Trước cõi đời và mặt đất, thơ ông dâng lễ mừng, dâng lời tạ ơn. Với ông, đời là hội. Ông gọi trần gian là lễ hội. Ông gọi thi sĩ xưa nay là những người trẩy hội trần gian…” – nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đánh giá.

GS Huỳnh Như Phương cho rằng: “Cái độc đáo của Bùi Giáng ở chỗ thơ và người Bùi Giáng là sự kết hợp giữa thiên nhiên nguyên sơ, hoang dã và nhịp đời phố thị; gắn liền với kết hợp quê – phố đó là một kết hợp khác trong sự nghiệp của Bùi Giáng: kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, Đông phương và Tây phương; một đối cực khác được kết hợp trong tác phẩm và con người Bùi Giáng là sách vở, nhà trường trang nghiêm với cuộc đời nắng gió, bụi bặm, xô bồ. Đó cũng là kết hợp giữa quy cách và phá cách”.

“Đứng về mặt tâm lý sáng tạo và chức năng biểu hiện của văn bản, tác phẩm Bùi Giáng là sự pha trộn, nhập nhòa giữa thực và mộng, giữa tỉnh và mê. “Máu cuồng và hồn điên”, phải chăng là một tố chất nghệ sĩ? Điên là cách thoát khỏi thế giới thực tại để đi vào trong một thế giới huyễn ảo của tâm hồn. Nói cách khác, điên là lìa xa thế giới của người, ẩn sâu vào thế giới của mình, không còn bị gò bó, vướng bận…” – GS Huỳnh Như Phương nhận xét thêm.

Cũng theo GS Huỳnh Như Phương, lao động nghệ thuật của Bùi Giáng là sự kết hợp giữa nghĩ, viết và chơi. Có lẽ ông không phải là “phu chữ”, như cách nói của Lê Đạt, mà là “người nghịch chữ”. Ngôn ngữ Bùi Giáng là sự kết hợp giữa tục và thanh, trong tục có thanh, trong thanh có tục… Tuy nhiên, Bùi Giáng hiếm khi gắn cái sự nghịch ngợm đó khi phác vẽ hình tượng những người nữ yêu mến của ông. Tình yêu của ông với những người nữ ngoài đời hay trong tưởng tượng, từ cô mọi nhỏ đến những bậc nữ lưu danh giá như Phùng Khánh, Kim Cương, Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot… đều là tình yêu thánh hóa, tình yêu trong ý niệm theo kiểu Platon…

Có mặt tại hội thảo khoa học, nàng thơ của Bùi Giáng một thời – NSND Kim Cương – cùng ban tổ chức trao tặng những phần học bổng ý nghĩa, trong đó có một phần học bổng của riêng nghệ sĩ, dành tặng các học viên và nghiên cứu sinh có công trình về thơ Bùi Giáng.

Bùi Giáng đã không chỉ “trở lại” trong khán phòng hội thảo như một lời tiên tri ông từng viết trước khi mất mà thật sự luôn ở trong tâm trí của làng văn học Việt, như một thứ “của lạ”, “của hiếm”.

Nguồn: NVTPHCM

Exit mobile version