Lấp lánh, xám xịt, lờ lững trước mặt, mũi và cả trên đầu. Cứ mở cửa ra là thấy, phơi mình trong ánh nắng xuyên qua từ trăm ngàn khe hở. Cảm giác như một lũ côn trùng ùa vào mũi, miệng. Cổ họng rát khô sau một cơn ngủ dài. Thèm một cốc nước lọc. Với ca trên mặt tủ, những ngón tay vệt những đường cong như những con giun trườn tới. Nuốt ừng ực cả nước, cả bụi. Ho khan một tiếng nhưng cổ họng vẫn không thoát khỏi cảm giác sặc sụa. Rũ chiếc áo sơmi đút trong vali đã sờn li khóa dưới gậm giường. Xỏ vội đôi giày đen trong hộc tủ, lại tiếp tục lao vào bụi.

Ra trường hai năm, lật đật với đủ thứ chẳng thể gọi được là công việc, nhờ có người bạn từ thuở nhỏ của bố làm to trên thành phố về chơi, biết tôi tốt nghiệp ngành mà trong cơ quan ông cũng đang cần vậy là ông nhận lời giúp. Bố mẹ bán mảnh vườn trước nhà, thêm mấy lứa lợn xuất chuồng mẹ để dành tiền gói trong bọc vải giắt trên kẽ ngói, vừa đủ để tôi trở thành nhân viên văn phòng. Công việc chính của tôi là cả ngày căng mắt với màn hình vi tính để soạn thảo giấy tờ. Tưởng như sạch sẽ, nhưng không phải. Trong căn phòng vài mét vuông, máy lạnh chạy vo vo là một đống công văn xếp ngổn ngang. Mấy chiếc tủ gỗ cũ kê sát tường cũng để lưu trữ công văn sặc mùi ẩm mốc. Ở đó, đám mọt lổm ngổm trên cánh, đu ra bàn, túa dưới sàn nhà. Chúng bò cả lên áo, lên tóc tôi. Tôi lấy chổi khua chúng ra khỏi phòng, dùng thuốc xịt. Một mớ đen ngòm trộn với bụi nằm trong thùng rác. Lũ mọt ám ảnh đến nỗi, trong giấc mơ, tôi thấy chúng bò từ thùng rác lên mặt, lên khắp người, nhung nhúc. Những chiếc cánh nhỏ xíu lờn lợt trên những sợi lông tay, lông chân. Chúng ghì lấy tôi, thi nhau cắn, dùi tôi như những tập giấy cũ, để lại những lỗ li ti trên khắp da thịt.

Lũ mọt ám ảnh như kí ức tuổi thơ khi tôi chứng kiến những lần bố quấn tóc mẹ vào cột nhà tới tối mịt. Tôi ôm mặt ngồi trong góc bếp nhìn những sợi tóc của mẹ rụng rời bện chặt vào cây cột bóng nhẫy. Dúm dó trong chiếc áo sơmi màu cỏ úa, tôi tới trường với quyển vở lem nhem vết than bùn. Than đã bện vào cuộc đời tôi, chúng lấp lánh, đen nhức nhối thành khối và đỏ rát. Tôi học. Học chỉ để rời xa cái làng quê với những vết thương tuổi thơ như dao cứa.

Tôi ở lại thành phố, không còn lăn lóc với những công việc không tên và được gọi là nhân viên nhà nước. Bố gọi điện lên nghe giọng tự hào lắm. Tôi lặng yên mặc cho bố mẹ tưởng tượng về cuộc sống của thằng con trai học hành giỏi giang.
*
*    *
Sáng ra đường, một màu xám ngoét của khói, rác, của… hơi người. Đường tắc nghẹt. Cả đoàn người dít lại với nhau. Không ai chịu tắt máy. Nghĩa là chỉ chờ hơn nhau có một tích tắc thôi để nhoi, để vượt lên phía trước dù biết chắc cũng chẳng thể đến được nơi đúng giờ. Tôi, một thằng con trai tỉnh lẻ trong đầu luôn mặc định mình phải vượt lên trước. Dù là vượt bụi. Ừ, thắng được một thứ cũng vui. Đời mà.

Thành phố không thể gọi là sôi động nhưng cũng chẳng thể được coi là bình yên. Đâu đâu cũng đầy tiếng ồn và bụi ám. Từ ô cửa nhìn ra, mọi thứ một màu xám ngoét. Tôi lấp ngày nghỉ, tránh ồn ào, bụi bặm trong quán cà phê nép mình bên gốc cây phượng già tán lá biến sắc vì bụi. Ở đó có cô chủ quán, một người đã chững tuổi, trầm tính, thích nghe nhạc rock với cô gái phục vụ bị di chứng chất độc da cam.  Khuôn mặt cô già hơn so với cái thân hình nhỏ bé, đôi chân khèo và ngắn. Mỗi lần cô di chuyển, cả người như nảy lên theo từng bước đi. Dáng đi ấy làm tôi nghĩ tới hình ảnh con chim sâu.


minh hoa bui doi lap lanh
Minh họa: Nguyễn Trần Cường

Giữa những tàng bụi vương trên mặt bàn, những âm thanh va đập vào cửa kính, những con người lặng im với điện thoại, thuốc lá trong tay, tôi lại nhớ về cái làng quê xa lắc, về Huyên. Cơn mưa bất chợt ào tới khi chúng tôi nhặt mảnh vỏ thông. Tôi cởi chiếc áo trắng của mình ra để che cái bao đựng lưng lửng vỏ. Huyên nhường chiếc nón trên đầu em cho tôi. Chiếc nón trong cơn mưa có lẽ là kỉ niệm tuổi thơ đẹp nhất của tôi. Mẹ tôi không hay đội nón, bà đội khăn che kín mặt, chỉ hở trọn hai con mắt hõm sâu và luôn ngầu đỏ. Mẹ không hay nói chuyện với ai, kể cả tôi, ngoài khi có việc cần sai bảo. Huyên khác xa với hình ảnh mẹ. Tuổi thơ tôi chỉ dịu lại khi nghĩ về em, về những lần chúng tôi kéo lê chiếc bao vào khắp đồi thông nhặt nhạnh những mảnh vỏ về hun bếp qua mùa mưa dầm gió bấc. Những lần Huyên kể cho tôi nghe một vài câu chuyện ma mà em được nghe từ bà. Chúng tôi bên nhau, thân tới mức tưởng mỗi người là nước uống của nhau. Tôi đã định gắn bó với cái mảnh đất nghèo, không đi đâu hết nếu thứ tôi phải đánh đổi là Huyên. Nhưng em đã làm tim tôi nhức buốt khi quyết định lấy chồng sau đêm chúng tôi trốn trong căn gác xép tối và ẩm vì thiếu ánh mặt trời. Dịu ngọt. Đớn đau. Em bảo. Anh học thế rồi cả đời cũng nghèo. Em thì chẳng thể chịu khổ được. Tha lỗi cho em.

Tôi chỉ được cứu thoát bằng sự cố giữ sĩ diện của bố tôi, một ông công chức thất thế với thời cuộc về hưu non. Trước khi hạ quyết tâm đưa thằng con trai duy nhất vào làm trong cơ quan nhà nước, ông tuyên bố: Tiền ấy là tiền tôi cho anh vay, mỗi tháng anh phải gửi về nhà ba triệu.
*
*    *
Đêm kéo đến trong vài phút. Bản nhạc vang lên chầm chậm, khác với trăm thứ âm thanh đang thi nhau hét lên phía ngoài cửa kính. Bụi không bay vào, bám rịt. Những giọt nước hắt lên ấy làm mọi thứ trở nên nhòa khoẹt, nham nhở.
Cào tay lên mái tóc khô cứng, thấy bụi bay lất phất. Dưới nền nhà, thay bằng thảm là bụi. Bụi lợt lờ, lấp lánh giữa những tia nắng hắt vào từ khe cửa gỗ ọp ẹp. Mắt hoa đi. Không phải vì đói. Ngày nghỉ nhích từng giờ mệt mỏi. Tôi bật tung cánh cửa sổ phía sau cố tìm chút không khí len lỏi qua khe hở của dãy nhà trọ với một bức tường gạch đỏ đã phủ màu rêu mốc thếch.

Phòng bên cũng có người ở lì. Gã mới chuyển đến vào chiều qua. Bấm chừng hơn tôi vài tuổi. Cả mấy căn phòng trọ chỉ có một lối đi chung. Hôm tôi gặp kẻ lạ ở lối đi, gã có vẻ rất vội, phớt lờ. Chẳng ai vội đến nỗi không chào nhau được lấy một tiếng. Tôi lẩm bẩm dắt chiếc xe máy vào phòng. Từ hôm ấy, tôi không gặp gã nữa.

Cả đêm tôi ngồi cau mày tính chuyện kiếm việc làm thêm để có đủ tiền gửi về nhà. Bật máy vi tính gõ dòng địa chỉ tìm kiếm việc làm trong thành phố. Nhiều vô kể. Nhưng việc làm nào nghe chừng cũng có vẻ bụi bặm, mà tôi thì ghét bụi. Tắt máy. Chấp nhận với cuộc sống hiện tại của mình một cách đầy khiên cưỡng.

Tiếng xe máy rè rè trên lối đi. Phòng bên bật sáng. Ánh sáng hắt sang cả căn phòng tối đen của tôi. Tôi nằm im nghe những bước di chuyển chậm rãi từ phía bên kia. Tiếng xối nước ào ào. Tiếng thì thầm. Hình như có một người nữa trong căn phòng ấy. Tiếng thẽ thọt yếu ớt, rơi ra từ một trái tim đang run rẩy. Giọng gã khá hơn. Trầm và ấm. Tôi không thể làm cho lũ mọt ngừng kéo gỗ trên mái ngói để nghe những gì họ nói với nhau. Tiếng bước chân gõ đều đều qua cửa nhà. Ánh đèn vụt tắt, chỉ còn tiếng lũ mọt cọt kẹt trêu ngươi. Trong sự cô đơn, dù chỉ là một tiếng người trong gió cũng làm ta bình thản lại. Tôi nhắm mắt cố ru mình vào giấc ngủ.
*
*    *
Một nam thanh niên giết chết một người đàn bà đang bỏ trốn. Đặc điểm nhận dạng: Mụn thịt trên đuôi lông mày trái.
Tôi nhấp cốc nước cố nén tiếng thở dài và tắt máy tính. Lúc nào cũng thấy đâu đó hay quanh mình xảy ra án mạng. Đôi mắt đen sậm ẩn dưới đôi lông mày sâu róm. Gương mặt vuông chữ điền… Tất cả đều lẫn với những gương mặt tử tế, lành hiền quanh đây. Chỉ có chiếc mụn thịt nằm trên đuôi lông mày phải là một sự bất ổn. Nó khác thường và biến khuôn mặt của kẻ sát nhân kia lập dị. Tất cả con người đều giống nhau phần lớn, nhưng lại khác ở những điều rất nhỏ!

Vụ án xảy ra trong thành phố được báo chí truyền đi, nhanh và rắc rối như mạng nhện. Khi một tên giết người trong thành phố chưa bị bắt thì hắn có thể lẩn quất đâu đây. Ai biết hắn sẽ gây ra tội ác nào tiếp theo. Tôi chong mắt nhìn đám mọt đu mình giữa không trung rồi rơi nhanh vào một xó xỉnh nào đó gặm nhấm và kẽo kẹt.
*
*    *
“Anh uống gì?”
Giọng chim sâu bé nhỏ rơi khe khẽ.
“Một cà phê đen, như mọi khi.”

Tôi ngẩng mặt khỏi màn hình vi tính vì sự va chạm nhẹ vào đầu cô phục vụ. Sự di chuyển của cô cứ làm tôi không thôi nghĩ tới hình ảnh một con chim sâu nhảy nhót. Một chấm tròn be bé, với sắc màu là chiếc áo hoa đỏ và cái quần đen cô mặc. Lần đầu tôi không khỏi ngạc nhiên khi quán lại thuê một cô phục vụ tật nguyền. Nhưng dần dần, tôi nhận ra cô cũng nhanh nhảu và rất được việc. Khi cô mang cà phê đến, tôi không quên chào bằng một nụ cười. Cô bé cũng chào lại tôi bằng cái gật đầu có vẻ hơi bẽn lẽn.

Bàn phía bên gần cửa sổ, một người đàn ông đội chiếc mũ lưỡi trai, che khuất nửa khuôn mặt. Cô đến, giọng nhẹ như một tiếng kêu rơi ra từ lồng ngực của một con chim sâu:
“Xin lỗi, anh dùng gì?”
“Một cốc nước lọc trước đã.”

Khi cô đi khỏi tôi thấy gương mặt anh ta ngẩng lên, đôi mắt dõi theo bước chân của chim sâu bé nhỏ. Ngoài sự tò mò và thương hại thì một gã đàn ông nhìn vào một phụ nữ không xinh đẹp để làm gì?

Không gian yên tĩnh trong vài phút chợt xáo trộn bởi những tiếng bàn cãi của đám thanh niên. Người bảo bà ta bị chết do ngã từ tầng ba xuống vì có một thằng đàn ông đẩy phía sau, sau khi đã cưỡng bức bà. Đứa gân cổ lên bảo bà ta bị đập vào đầu bằng cả một chậu cảnh, bê bết máu… Có người chen vào, có khi bà ta chết vì bị gã tình nhân làm hại sau khi đã no xôi chán chè.

Anh ta uống một hơi hết cốc nước lọc rồi không chờ gọi thêm cà phê, đặt tờ năm mươi nghìn kẹp dưới cốc đứng dậy.
Vụ án đã qua mấy tháng, vẫn chưa tìm được hung thủ. Giờ giết người, cướp của chật ních trên mặt báo. Chưa bao giờ thấy tính mạng con người mỏng manh thế. Sống qua từng ngày có lẽ cũng đã là một hạnh phúc rồi.

Tôi gặp người đàn ông trong quán chim sâu ngay cổng nhà. Thì ra đó là người mới chuyển tới xóm trọ. Vậy mà tôi không nhận ra. Lần này tôi lại chủ động chào hắn.
“Anh mới tới ạ?”
“Ừ.”
“Có anh tới thì vui. Chứ cả ngày đi làm về rồi lại nhốt mình trong bốn bức tường thấy buồn.”
“Ừ.”
Gã đã tra xong chìa vào ổ khóa và mất hút sau cánh cửa đóng sập lại.

Đời bụi quá. Muốn tìm một người bạn để tâm sự giữa cái thành phố này cũng khó. Tôi nằm vật ra giường nhìn lũ mọt đu mình trên không, xoáy tít rồi rơi vào một xó xỉnh nào đó, thấy bực mình mà chẳng thể làm gì.

Đang thiu thiu thì bỗng nghe tiếng thở rất gấp từ phía phòng bên. Tiếng thở hắt ra, rất mạnh. Mỗi lúc một mau hơn. Tôi chạy sang đập mạnh vào cửa. Chốt phía trong rồi!

“Này, anh có sao không?”
“…”
“Này anh!”
Tôi đập mạnh hơn.
Cánh cửa ọp ẹp bung ra. Kẻ lạ nằm trên giường. Máu! Máu từ cổ tay hắn chảy thành dòng xuống đất.

“Ra ngoài.”
“Tại sao…?”
Vừa nói tôi vừa kéo chiếc áo vắt lên ghế để buộc vào nơi máu đang không ngừng chảy. Hắn đẩy tôi ra. Giọng yếu dần:
“Để tôi được chết bình yên.”
“Tôi sẽ gọi xe cấp cứu.”
“Đừng.”

Gã ngã sấp xuống đất. Nằm nghiêng. Nốt mụn thịt ở đuôi lông mày phải. Tay tôi run run nhìn kĩ khuôn mặt đã tái mét. Những đường nét quen quen. Là hắn! Tôi lờ mờ nhận ra đặc điểm nhận dạng của kẻ đang bị phát lệnh truy nã mà báo chí đưa mấy ngày hôm nay. Tôi sẽ phải báo công an. Chỉ một cuộc điện thoại công an sẽ tới đây ngay lập tức. Và tôi trở thành người có công vì giúp họ bắt được nghi phạm. Nhưng gã đang sắp chết. Gã không muốn tới bệnh viện. Gã muốn thoát tội. Cứ để gã chết coi như một sự đền tội? Tôi buông tay mình ra. Chân tôi bị giữ lại bởi bàn tay gân guốc, nhơm nhớp máu. Hắn dúi vào tay tôi một mảnh giấy gấp tư nhỏ nhắn, trong một chiếc phong bì màu xanh thẫm. Giọng đứt quãng.

“Đưa… cho… chim sâu.”
Tôi run run cầm mảnh giấy còn vệt máu rợn đỏ thấm cả sang tay mình. Tôi rút điện thoại chưa kịp nhấn thì “bực”. Vũng máu tóa ra một khoảng nhớp nháp và tanh nồng. Thân người gã như bị một dòng điện chạy qua giật giật mấy cái rồi tuyệt nhiên không cựa quậy.

Chiếc điện thoại tuột khỏi tay. Tôi lặng người. Tôi đang đứng để chứng kiến một linh hồn đang bay lên hay để canh xác một kẻ giết người có lệnh truy nã và trốn tội bằng cách rạch mạch máu trong một phòng trọ ẩm mốc, hôi hám?
Tôi được mời tới để hỏi về những gì liên quan tới gã trong những giây phút cuối cùng. Tôi khai với cảnh sát toàn bộ những gì tôi nói với gã trong mấy ngày nhưng lại tuyệt nhiên không đả động đến bức thư trong chiếc phong bì màu xanh thẫm còn vấy máu.
*
*    *
Sau cái chết của gã, tôi chuyển nhà trọ. Tất nhiên tôi vẫn mang theo lá thư trong chiếc phong bì màu xanh thẫm có những vệt máu đã sậm màu. Gã có mối quan hệ gì với cô gái bé nhỏ tật nguyền ấy?

Tôi ghé quán chim sâu nhưng tuyệt nhiên không thấy em. Chị chủ quán lặng nhìn tôi rất lâu rồi bảo chim sâu đã về quê từ mấy hôm trước. Tôi hỏi em về có lâu không, và bao giờ lên.

Tôi nắm chiếc phong bì trong tay vẫn còn cảm thấy mùi tanh nồng của máu. Đầy âu lo và sợ sệt. Nó ám ảnh tôi về cái chết tức tưởi của gã. Nếu tôi không xuất hiện chắc gã sẽ nằm im cho tới khi dòng máu trong cơ thể trào dần ra, từng chút, từng chút rồi cạn kiệt. Gã đã phải chết thêm một lần đau đớn bằng cái cắn lưỡi cuối cùng. Nhưng dù sao đó cũng là cái giá mà gã phải trả cho tội ác của mình. Còn chim sâu? Con người nhỏ bé, tiều tụy ấy còn có thể gây tội gì cho ai được.

Tôi nhìn những con mọt bị mắc trong những chiếc mạng nhện trong góc tủ. Ở bất cứ xó xỉnh nào tồn tại những con côn trùng thì cũng sẽ tồn tại lưới để giăng mắc chúng.
*
*    *
Nắng giữa trưa gắt gỏng. Vừa đẩy cửa tôi đã nhìn thấy chim sâu đứng bên cửa sổ. Cô đứng bằng mũi giày, tay bám vào thành. Đôi mắt bị hút vào những đám bụi và dòng người xe phía bên ngoài, không còn để ý đến sự xuất hiện của vị khách quen thuộc. Những ngón tay bé nhỏ và trắng như những ngó sen vừa nhú đang dần đỏ ửng lên. Mái tóc đen cứng và rối bị túm lại thành một nhúm bằng thun màu đỏ như đuôi chim.

Tôi ngồi vào bàn, cố ý làm đổ chiếc cốc. Tiếng thủy tinh vỡ vụn trên nền gạch. Chim sâu giật mình quay lại. Giương đôi mắt tròn xoe ẩn dưới hàng lông mi quá dài nhưng lại không cong, quá đen nhưng lại không long lanh. Chậm rãi tiến lại chỗ tôi. Em cúi nhặt những mảnh thủy tinh trên nền gạch bằng sự tỉ mẩn và nhẫn nại. Những ngón tay non bật máu nhưng tôi không nghe được một tiếng rên, dù là nhỏ nhất từ lồng ngực bé nhỏ.

“Anh uống gì?”
“Không. Anh muốn gặp em.”
Thoáng chút bẽn lẽn.
“Mấy hôm em nghỉ à?
“Vâng.”
“Có người nhờ anh chuyển thư cho em đây.”
Hàng mi lay động.
“Thư của em. Em đã chờ… Nhưng sao…?”

Tôi rút chiếc phong bì màu xanh thẫm đưa cho em. Tay run run. Em bóc thư luôn trước mặt tôi bằng một niềm vui, luống cuống mà không để ý tới những vệt màu đen sậm.

Tôi thấy gương mặt bé nhỏ của em tươi dần. Đôi môi bị những đốm đồi mồi làm biến sắc mấp máy. Hình như là một nụ cười. Em ngước mắt:
“Anh quen anh Tâm?”
Tôi gật đầu. Thì ra hắn tên là Tâm.
Cô bé nắm tay tôi.

“Trước giờ anh Tâm vẫn viết thư đều đặn cho em. Anh thường gửi qua một chị gần nhà. Nhưng mấy tháng nay em không nhận được thư của anh ấy nữa. Thì ra anh Tâm gửi cho anh. Anh gặp anh ấy rồi ạ?”
Tôi gật đầu. Cố xua đuổi cái hình ảnh gã nằm trên vũng máu.

“Anh ta là gì của em?”
“Anh ấy là một người bạn xa của anh trai em. Chúng em biết nhau từ khi anh trai em qua đời vì tai nạn giao thông. Bố em cũng mất sau đó một năm. Mẹ em già yếu lắm. Nhà chỉ còn mình em. Mà em thì… Anh ấy cũng là một người tàn tật giống em. Anh ấy nói hiểu và muốn chia sẻ với em. Anh bảo người tật nguyền không phải người bỏ đi. Người tàn tật cũng có thể làm việc như người bình thường. Anh còn bảo em không bao giờ được nghĩ mình là người tàn tật… Những bức thư của anh ấy luôn gửi đều đặn hàng tháng vào tuần cuối cùng.”

Gương mặt cô bé hồng ửng.
“Hôm trước em cũng đi gặp một anh bạn của anh ấy. Chúng em nói chuyện một chút trong phòng rồi anh ấy đưa thư của anh Tâm cho em.”

Thì ra hắn muốn gặp chim sâu lần cuối.
Tôi nhớ tới những ngày tôi có Huyên. Những ngày ấy tôi cũng tràn đầy mơ mộng và hoài bão, nhìn cái gì cũng đẹp, cũng đáng yêu, muốn sống. Như trong đôi mắt của chim sâu bây giờ.

“Anh ấy có khỏe không anh?”
“Ừ… khỏe.”
Tôi cố nhấp từng giọt cà phê đắng nghét cổ họng. Bụi vẫn cuốn mịt mù phía ngoài cửa kính.

*    *
Vụ án giết người trong thành phố đã được công an điều tra làm rõ. Sau nhiều năm phục vụ tình nhân là một người đàn bà lớn tuổi, nhiều tiền, gã phi công trẻ muốn cắt đứt liên hệ nhưng bà ta không đồng ý. Họ giằng co và bà ta bị ngã từ trên tầng ba xuống. Dấu vân tay trên cánh tay bà ta được xác nhận là của gã tình nhân trẻ tên Tâm…

Cuối tuần của tháng sau đó, tôi lại mang đến cho chim sâu một lá thư đựng trong phong bì màu xanh thẫm, tất nhiên bên ngoài phong bì không có những vệt sậm đen. Tôi nhìn thấy đôi môi nhỏ nhắn mấp máy. Gương mặt cô ửng hồng cạnh những bông hoa vừa hé nở.

Trong lá thư ấy, tôi viết rằng tôi là Tâm. Nhưng không bị tật nguyền. Và tôi đang ở trong thành phố này.

D.G.L – Văn nghệ Quân đội
Exit mobile version