Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự được nhiều bạn đọc biết đến là người có duyên nợ với văn học Ba Lan. Nhưng đằng sau đó, ông còn là người sáng tác, viết bình luận và dịch rất nhiều truyện cười. Nhân kỷ niệm 25 năm cầm bút ông cho ra mắt độc giả hai cuốn sách và dành cho báo điện tử Tổ Quốc những chia sẻ chuyện văn, chuyện đời.

PV: Thưa nhà văn Lê Bá Thự, có rất nhiều nhà văn kỷ niệm 20, 25 năm thậm chí nhiều năm hơn thế về sự nghiệp cầm bút. Tuy nhiên thường là “người khác” – nhóm bạn bè, hay Hội Nhà văn, Nhà xuất bản làm cho, chứ rất ít người tự ý thức và tự làm sách cho mình như 2 cuốn sách khá dày dặn của nhà văn Lê Bá Thự. Vậy mục đích của nhà văn làm cuốn sách này là gì?

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Tôi tự làm cuốn sách này với mấy lí do. Thứ nhất, tôi muốn có một dấu ấn trong cuộc đời văn chương dịch và viết của mình, 25 năm, tôi muốn có một cuốn sách trang trọng, kĩ lưỡng và đẹp, có chất lượng để đánh dấu một đoạn đời 25 năm hoạt động dịch và viết của tôi.

Thứ hai, qua tác phẩm có tính dấu ấn này, tôi cũng muốn cho bạn bè của tôi, nhất là bạn bè văn chương có thể hiểu thêm về tôi. Bởi vì cho đến nay tôi có 26 đầu sách dịch, 3 đầu sách sáng tác. Có thể nhiều người đã đọc tác phẩm dịch hay thơ của tôi rồi, nhưng không phải ai cũng đọc hết những tác phẩm đó. Nên cuốn sách này là cuốn sách để tôi giới thiệu cho bạn bè biết về Lê Bá Thự đã dịch như thế nào, viết như thế nào, đã sáng tác như thế nào.

Khi đọc cuốn sách này, bạn bè của tôi, từ những người bạn văn chương, đến những người thân quen, hoặc chưa thân quen có thể hình dung một Lê Bá Thự dịch giả, nhà thơ, nhà văn như thế nào.

Cái thứ ba, trong cuốn sách này cũng có rất nhiều bài trả lời phỏng vấn, bài viết của tôi về dịch thuật, về lí luận dịch thuật. Tôi nghĩ những bài như thế này cũng rất có lợi cho các nhà văn, các bạn bè văn thơ của tôi, để họ có thể hiểu về dịch thuật. Và các bạn trẻ đọc được những bài về dịch thuật cũng có thể rút ra họ sẽ làm gì và làm như thế nào trong dịch thuật để trở thành một dịch giả đích thực.

Muốn thành một dịch giả, ta phải giỏi tiếng Việt, giỏi ngoại ngữ và có phông văn hoá rộng, phải am hiểu văn hoá ở đất nước mà chúng ta dịch, ví dụ như tôi am hiểu văn hoá Ba Lan, phải am hiểu phog tục tập quán, phương ngữ thổ ngữ Ba Lan thì mới có một tác phẩm dịch thành công được. Vì trong văn học miêu tả rất nhiều về cuộc sống đời thường, có rất nhiều phương ngữ, khẩu ngữ, nếu ta không am hiểu về điều đó thì không thể truyền tải thành công được. Cho nên tôi nghĩ cuốn sách này sẽ bổ ích cho các nhà văn và dịch giả, nhất là các dịch giả trẻ tuổi.

Dịch giả Lê Bá Thự (Ảnh: hanoimoi)

PV: Có thể nói hai cuốn sách này là cách giới thiệu một cách khách quan nhất về chân dung của Lê Bá Thự, chứ không áp đặt suy nghĩ dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự là người như thế nào cho độc giả, đây có đúng là ý định của ông không?

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Qua hai cuốn sách này, tôi muốn cho mọi người và các bạn của tôi biết rằng, Lê Bá Thự không chỉ dịch sách, viết sách mà còn có hồi kí, còn bình luận, lí luận, tham luận, làm thơ. Có thể từ trước đến nay nhiều người nhìn mặt tôi và cho rằng tôi là một người nghiêm túc, khó tính chứ không phải một người hay cười toe toét và thích tiếu lâm. Nhưng đọc những truyện cười của tôi mọi người sẽ thấy tôi không phải lúc nào cũng nghiêm túc, cũng đăm chiêu như vậy. Cái này cũng do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phát hiện. Có thể cái dí dỏm của tôi nó ngầm ở trong bụng chứ không thoát ra ngoài. Nói tóm lại là để cho mọi người thấy được một bức tranh toàn diện về Lê Bá Thự đến từng chân tơ kẽ tóc, từ những tác phẩm truyện dài một nghìn trang đến truyện cười có vài dòng, thơ, truyện cho người lớn đến truyện cho trẻ con.

PV: Trong 2 cuốn sách này có rất nhiều bài viết về nhà văn Lê Bá Thự, vậy xin hỏi nhà văn, trong quá trình tìm lại để tập hợp tất cả các bài phỏng vấn, ông có phát hiện bài nào có ý gây hấn, hoặc không có lợi với mình không? Và nếu có thì nhà văncó loại những bài đó ra không?

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Các bài viết viết về tôi, về dịch thuật, tác phẩm của tôi không có bài nào có ý gây hấn cả, không có vấn đề gì để gây tranh cãi cả. Cho nên tôi không phải bỏ bài nào.

Thậm chí rất nhiều bài viết viết cặn kẽ về gia đình, cuộc sống của tôi, tôi vẫn cứ để tự nhiên như thế. Nói tóm lại, những bài người ta viết về tôi, phỏng vấn tôi đều rất thân thiện, cảm tình với tôi. Chưa có bài nào để tôi phải phản biện lại những bài viết đó. Nếu có, thì tôi cũng sẽ đưa vào cuốn sách, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, mình có cái lí của mình, người ta cũng có cái lí của họ, những bài phản biện như vậy cũng nên đưa vào, để cho người ta thấy ý kiến của nhiều người về tôi, và dù như thế nào thì tôi cũng tôn trọng ý kiến của họ.

Hai cuốn sách đánh dấu chặng đường 25 năm dịch và viết của dịch giả Lê Bá Thự 


PV: Nhà văn
có hy vọng mọi người đọc cuốn sách này, nhất là bài viết, bài giới thiệu về những tác giả, tác phẩm và ông đã từng dịch, rồi được giải thưởng, họ có thể thấy hay và đi tìm đọc hay không?

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Đấy cũng là một trong những ý định của tôi. Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người khi đọc lời bình, lời giới thiệu trong này sẽ đi tìm đọc về cuốn sách đó.

PV: Vâng xin quay trở lại câu chuyện. Nhà văn đã mất thời gian khoảng một năm để hoàn thành hai cuốn sách này, và hai cuốn sách này cũng không hề rẻ. Vậy ông có nghĩ hai cuốn sách này về kinh tế sẽ là rất khó bán không?

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự: Như tôi đã nói, tôi làm cuốn sách này để đánh dấu chặng đường 25 năm dịch và viết. Thứ hai, để bạn bè hiểu về Lê Bá Thự dịch và viết như thế nào và qua tác phẩm này, các nhà văn nhà thơ bạn bè có thể rút ra điều gì bổ ích cho mình chăng. Đó là những mục đích chính của tôi, tôi in 2 tập sách này không nhằm vào lợi nhuận. Cho nên tôi xác định, 2 cuốn sách này mình bỏ tiền ra in, tặng cho bạn bè là chính, còn bán được cuốn nào hay cuốn đó, cũng để cho các bạn đọc có điều kiện mua và tiếp xúc với Lê Bá Thự thôi chứ không phải vì tiền. Về tài chính tôi có thể huy động tài trợ từ bạn bè hoặc từ các cơ sở khác.

– Cảm ơn những chia sẻ của ông, xin chúc ông tiếp tục hành trình văn chương thật dài lâu!

Hiền Nguyễn (Thực hiện) – Tổ Quốc

Exit mobile version