Văn Thành Lê: Mình mở hộp thư thì thấy có email của chị Bùi Đế Yên, một cây viết trẻ ở BR-VT, có tựa Chân dung bạn bè. Nội dung email chỉ vẻn vẹn “Đọc thử xem có đăng lên facebook được không nha!”. Trước giờ mình chẳng đăng gì lên facebook cả, facebook là nơi “chọc ngoáy” lung tung chơi thôi, vậy nên xin phép chị đăng lên trang YuMe vậy. Quả thật, chị đọc hết tập truyện đã là vui, đằng này chị còn viết về mình nữa, bất ngờ lắm. Chị đặt cái tựa là biếm hoạ về mình, mà đọc toàn thấy khen. Có chỗ cảm giác chị khen một cách… thăng hoa, hơi ngại. Mình đăng lên đây, như công khai một… kỷ niệm. Cảm ơn chị nhé, Bùi Đế Yên!

P/s: Đọc đoạn nhận xét của chị về văn mình ở đoạn cuối xong, không hiểu sao mình lại lo sợ, có cảm giác… ế vợ.


BỨC BIẾM HỌA VỀ VĂN THÀNH LÊ

Tôi biết Văn Thành Lê tình cờ như hầu hết những sự quen biết của tôi. Đọc báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thấy giải nhì cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ hiện đại được trao cho tác giả Văn Thành Lê với truyện ngắn “Con gái tuổi Dần”. Con gái tuổi Dần! Tâm trạng tôi lúc ấy hơi hơi khó tả. Tò mò, ghen tị, thích thú, bực bội. Có thể dùng từ của giới trẻ ngày nay là “choáng”. Choáng vì… tôi là con gái tuổi Dần. Không ai hiểu về sự khác biệt của con gái tuổi Dần hơn con gái tuổi Dần. Những sóng gió bất hạnh khởi nguồn từ những thành kiến từ đời kiếp nào đổ lên đầu họ đã mài giũa họ thành những người phụ nữ đặc biệt. Chủ quan của tôi thì đó chính là lý do khiến cho họ có nhiều người hâm mộ, theo đuổi, cũng như không ít kẻ xoi mói, ganh ghét. Để rồi những huyền thoại tệ hại về con gái tuổi Dần cứ nhiều theo thời gian. Đúng như con vật mà họ cầm tinh…

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như có tác phẩm “Con gái tuổi Dần” rất hay, nhưng tác phẩm “Con gái tuổi Dần” đoạt giải cao, tức được thừa nhận thì… rất hiếm, hiếm như con gái tuổi Dần vừa thành đạt vừa hạnh phúc vậy. Ấy thế mà “Con gái tuổi Dần” lại đoạt giải nhì, một giải giá trị (tiền) cao. Ngồi vào mạng, tôi gõ ngay chữ “con gái tuổi dần – Văn Thành Lê” vào google, và tôi choáng thêm một lần nữa, tác giả là con trai, ở ngay Bà Rịa – Vũng Tàu. Điên thật!

Tôi đọc ngấu nghiến truyện ngắn đó. Hơi thất vọng! Truyện ngắn không hề sâu sắc, độc đáo như tôi hình dung. Nó không diễn tả được những điều khác biệt của con gái tuổi Dần. Tuy nhiên, sự tò mò trong tôi không vì thế mà mất đi, bởi vì tác giả không những ở ngay Bà Rịa – Vũng Tàu, mà còn rất trẻ.

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh thành, như tôi vẫn nửa đùa nửa thật nói: “Không có tài năng văn học”. Văn học đây là nói chung cả văn lẫn thơ, chứ riêng văn xuôi thì còn tệ hơn nữa. Mấy năm trước nhà văn Hoàng Đình Quang có lần đã than rằng: Văn xuôi Vũng Tàu chỉ trông vào Bùi Đế Yên, vì lũ văn sĩ ở đây chúng rủ nhau đi làm thơ cả. Nhưng Bùi Đế Yên đá gà đá vịt được một thời gian rồi bỏ của chạy lấy người, chả văn mà cũng chả thơ, với lý do “Văn thơ ở Việt Nam làm người ta vui được chứ không sống được. Sang đấy mà không giàu nổi. Thôi! Sống trước viết sau”. Lẽ đương nhiên khi không làm được thì phải kiếm người để đổ trách nhiệm. Văn Thành Lê là người thích hợp nhất để làm thần Atlas trong giới văn nghệ tỉnh, nên việc Bùi Đế Yên truy lùng tăm tích của Văn Thành Lê nhất quyết chẳng vì ưu ái gì cậu ta cả! May quá, đợt ấy nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người nổi tiếng quan hệ rộng, lại đang ở Vũng Tàu, và một cú phone của ông cho người phụ trách trang Văn hóa – văn nghệ báo Phụ nữ TP.HCM khi đó là nhà thơ Lê Minh Quốc thì dân văn (g) thơ Vũng Tàu có ngay số điện thoại và địa chỉ của Văn Thành Lê. Sau đó một thời gian, Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa – Vũng Tàu có thêm cây viết trẻ, giúp cán cân U55 bình quân của Hội lệch ngay sang 50.

Sau này tôi đã đọc những truyện ngắn khác của Văn Thành Lê. Dù vẫn còn ganh tị một chút thì vẫn phải thừa nhận: chúng xuất sắc hơn “Con gái tuổi Dần” rất nhiều. Tôi đồ rằng “Con gái tuổi Dần” được giải cao ngoài sự ưu ái của Ban giám khảo cho cái cụm thành ngữ này thì còn do cái sự hiểu biết, khôn ngoan thái quá của Văn Thành Lê. Nói nhỏ, chả mấy người biết rằng trong các cuộc thi: Những tác phẩm có yếu tố tích cực thường hay đoạt giải cao. Riêng điều này Văn Thành Lê đã làm cho tôi sợ rồi.

Cùng tỉnh, cùng sở thích văn chương, nhưng người đầu tỉnh, người cuối tỉnh, lại mỗi người một nghề nên thời gian đó tôi và Văn Thành Lê không có điều kiện thân với nhau. Văn Thành Lê dạy chính, dạy thêm, nên dĩ nhiên luôn bận. Sau này tôi mới có dịp tiếp xúc với Văn Thành Lê nhiều hơn. Có thể nói không ngoa thế này: Bạn rất khó có thể không quý mến cũng như không ganh tị với Văn Thành Lê. Đầy lý trí, không lập dị, không cực đoan, Văn Thành Lê biết nấu ăn, biết sửa đồ điện, biết nói chuyện và biết hát karaoke, quá khôn ngoan và hiểu biết. Ở cái tuổi 25, 26, là nhà văn, có thơ đoạt giải cao, là nhà giáo môn tự nhiên, có khả năng kiếm tiền lo cho gia đình, Văn Thành Lê xứng đáng là người hoàn hảo (nếu như có người hoàn hảo). Tôi đã từng nói với một người bạn trai rằng: Anh ấy là người hoàn hảo, nhưng tôi đã không giải thích với anh rằng anh hoàn hảo trong mắt tôi bởi vì tôi yêu anh. Tình yêu đã làm cho tình nhân trở nên hoàn hảo, nhưng Văn Thành Lê dĩ nhiên không phải người yêu của tôi, hơn thế nữa lại là người cùng nghề, mà như người ta thường nói “hai người cùng nghề khó bề thích nhau”. Nói vậy để biết: để được nhìn nhận như thế thì dĩ nhiên Văn Thành Lê phải xứng đáng như thế hoặc hơn thế nữa ấy chứ. Không tin cứ chơi với Văn Thành Lê hoặc hỏi những người chơi chung với Văn Thành Lê xem.

Văn Thành Lê tặng tôi cuốn “Biết tới khi nào mưa thôi rơi” với câu nói mà người ngoài nghề nghe không thể hiểu được: “Công ty Hà Thế lo hết, em ăn bản quyền thôi”, như thế có nghĩa là muốn tặng ai sách thì tác giả phải bỏ tiền túi ra mua lại theo đúng giá bìa. Điều đó làm tôi xúc động, vì với những người viết nghèo chúng tôi thì nó thể hiện sự quý mến vô cùng. “Biết tới khi nào mưa thôi rơi” gồm 14 truyện ngắn. Hầu hết là truyện hơi dài. Có những truyện tôi đã đọc rồi. Chúng đều được đăng ở những tạp chí khó tính nên chẳng cần nhận xét bình luận gì thêm. Ấn tượng đối với tôi là những truyện mới đọc lần đầu. Tôi nghi ngờ là những truyện ngắn đó có thể sẽ chẳng được đăng ở đâu. Không hẳn vì nó quá dài với khuôn khổ một tờ báo mà do chúng ẩn chứa trong đó sự dữ dội, khắc nghiệt và nổi loạn.

“Biết tới khi nào mưa thôi rơi” mở đầu với truyện ngắn “Sẽ trôi về đâu”. Những cậu sinh viên mỏi mệt “vì đeo cái gông truyền thống gia đình… chưa bao giờ được sống cho mình”… “Nhất cử nhất động là do bố mẹ lập trình” nên học được môn nào thi xong là trả hết cho thầy môn đó. Ra khỏi phòng thi là không nhớ gì nữa, để rồi sau 4 năm, với gần trăm kỳ thi học phần, ra trường cảm thấy mình “ngu dần đều”, kém năm thứ hai và càng kém năm thứ nhất. Dù rời trường với tấm bằng giỏi mà thầy cô ban phát cho để “lấy le” với đời và cạnh tranh với các trường khác khi đi xin việc, nhưng ở cái thời buổi “thừa thầy thiếu thợ”, “thừa người thiếu việc” này, họ cũng chẳng biết tương lai mình sẽ trôi về đâu.

Một thực trạng xã hội đáng báo động. Nó cũng giống thực trạng nước ta là cường quốc về thạc sĩ tiến sĩ nhưng lại không có mấy dự án công trình nghiên cứu thiết thực và đáng giá. Rất nhiều cử nhân chẳng bao giờ sử dụng đến kiến thức học ở trong trường. Cán bộ công nhân viên chức nào cũng có một vài cái bằng dắt lưng nhưng lại chẳng có mấy phần tri thức để có thể sống tử tế ở đời. Tất cả là do tâm lý sính bằng cấp. “Nó dốt, nó nghèo hơn, nó còn học được đại học, cao học. Mình không nghèo, không dở hơn, không lẽ thua nó”. Bố mẹ dạy con cái như thế. Bạn bè khuyên mình vậy. Mình tự nhủ lòng như vậy. Thế là nháo nhào lên. Trường lớp thì mở ra như nấm. Nhà nhà đi học. Người người đi học. Mới nghe ra thì tốt quá. “Phi trí bất hưng” mà.

Có ai đặt câu hỏi tại sao cái sự học phát triển như vậy mà trình độ dân trí vẫn thấp, vẫn nghèo hèn, khổ nhục, dốt nát như vậy không? Giáo dục là cội rễ của mọi vấn đề. Gốc rễ mà mục nát thì cái cây có xanh tốt được mãi không? Văn Thành Lê học ngành sư phạm, dạy học trong trường, dạy thêm ngoài giờ. Tóm lại là ăn ngủ trong môi trường ấy, hít thở cái không khí ấy, thì những điều tốt xấu của cái nghề đã từng được coi là “cao quý nhất trong các nghề cao quý” ấy, Văn Thành Lê đều nắm trong tay. Vì vậy không có gì là lạ, khi mà hầu hết những truyện ngắn của Văn Thành Lê đều viết về đề tài cuộc sống đương đại, trong đó chủ đạo là đời sống của sinh viên, giáo viên sư phạm. Đọc hết tập truyện của Văn Thành Lê, có cảm giác bao nhiêu chuyện bi hài trong trường học, ở vùng quê nghèo, nơi xóm trọ với rất nhiều những thân phận, những cảnh đời đều được Văn Thành Lê quét mắt qua và tóm lấy hết. Văn Thành Lê lưu giữ chúng trong kho vốn sống đầy ắp, rồi ngay sau đó chắt lọc, cắt gọt và đưa vào tác phẩm. Những truyện ngắn mang hơi thở thời đại ấy đoạt giải cao trong các cuộc thi là điều đương nhiên.

Một cây viết trẻ mà tôi rất ngưỡng mộ, là Phạm Thanh Thúy, có nói thế này: Ước gì được như Văn Thành Lê, một năm phải đi sửa mũi cả ngàn lần vì được khen nhiều quá. Tôi chẳng muốn Văn Thành Lê nổ mũi nữa nên quyết cho Văn Thành Lê cay mũi chơi. Nói thế nào nhỉ? Rất nhiều truyện ngắn của Văn Thành Lê đọc cứ thấy ghê ghê thế nào ấy. Làm sao ở tuổi hai mấy mà lại có thể rành đời đến thế, mà lại rành những cái xấu xa, gớm ghiếc mới kinh. Những nhân vật của Văn Thành Lê cũng vậy, dù phong phú, sắc nét, nhưng phần lớn là phản diện, đê tiện, thô lậu quá. Những cảnh đời trong truyện của Văn Thành Lê thực tế, sống động, nhưng trần trụi và dữ dằn quá. Những lập luận, lý lẽ trong văn của Văn Thành Lê độc đáo, sâu sắc, nhưng cay nghiệt quá. Những câu văn của Văn Thành Lê khỏe mạnh, nhưng cụt và cộc quá. Tóm lại, nếu cứ đọc văn rồi suy ra tác giả thì quả thực chả dám chơi với Văn Thành Lê. Với tôi, truyện của Văn Thành Lê như những tấm hình người mẫu khỏa thân. Biết là họ đẹp họ mới dám chụp khỏa thân, nhưng tôi lại quen với vẻ đẹp của lụa là thanh nhã rồi, nên nếu có ngắm các em ấy tôi cũng chỉ mắt nhắm mắt mở thôi. Tuy nhiên, tin tôi đi, ối người khác nhìn say mê không rứt ra được đấy.

Bùi Đế Yên

Nguồn: Yume.vn