Quý vị thân mến

Cố nhà văn Nguyễn Phan Hách có ngày sinh phần cõi thế là 13 tháng 1 năm 1944.

Cầm Kỳ Official xin được thắp nén tâm nhang chuyển đến nơi Ông đang phiêu du, bằng chùm 3 truyện ngắn Vườn hoa cửa ô, Bức ảnh và Vườn mai.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

“Truyện ngắn Bức ảnh, là một đề tài không mới đối với thời kỳ được coi là thời “tự chuyển tâm thế” như ngày nay. Cái mới lại nằm chính trong tâm truyện. Tác giả phác họa lại vẻ đẹp trong sáng mà xưa kia người ta đã đánh mất, đã khoanh cái ô định kiến cho vẻ đẹp tự nhiên của con người – cũng chính là vẻ đẹp thiên nhiên giữa Trời Đất. Và giờ đây, khi con người đã phải trả giá cho những định kiến, vẻ đẹp được thoát tục trở lại nguyên sơ trong trẻo như ánh sáng huyền, như nghệ thuật vốn dĩ vẫn là vị nghệ thuật, vốn dĩ chính là vậy nên mới có thể vị nhân sinh”

Mời quý vị nghe truyện ngắn BỨC ẢNH của nhà văn Nguyễn Phan Hách qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Minh họa trong tấm hình thumbnail được lấy từ bản minh họa của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn trên báo điện tử Đại biểu Nhân dân.

Bức ảnh

Truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách

Ca nô khởi hành từ thị xã, ngược dòng xé sóng trắng xóa. Sông Lục trong vắt in hình dãy núi Huyền giăng giăng, cứ như dòng sông dìm cả dải núi trong lòng mình, sóng xao động làm núi lẫn trời tan nhòa.

Chiếc ca nô cũ rích kéo còi khàn khàn áp bến. Tôi lên bờ đi bộ vào thị trấn Phù Dung bên sông. Phố xá êm đềm. Nhà nào cũng có vườn bên trong. Cây xanh mướt, na, hồng, nhãn… chim rừng bay lạc về nhớn nhác. Cửa các nhà, bán đặc sản rừng: đõ ong, chùm phong lan dại…

Tôi vào quán, ngắm lồng chim núi treo trên cây, tiếng hót nhớ rừng thảng thốt…

Bữa ăn có thịt nhím, ninh với hạt dẻ. Tôi ngồi trầm ngâm nghe mơ hồ tiếng suối chảy róc rách sau nhà.

… “Ngày xửa ngày xưa” dòng sông Lục còn xanh trong hơn bây giờ, có một nhà báo trẻ mộng mơ, thường qua lại vùng này. Anh viết những bài văn miêu tả dòng sông trưa hè, những cô gái thị trấn Phù Dung ra tắm, đôi vai trần trắng lóa nhô lên trên làn nước xanh biếc…

Anh yêu trung du, đồi cỏ mênh mang, đường sỏi đỏ xập xòe bóng gà gô, cánh diều hâu từ bụi sim mua bay vút lên trời xanh.

Anh đã ở với trung du đêm trăng nghe chim đồi hót. Tiếng chim đan như mắt võng úp chụp cả một vùng. Đó là tiếng gọi tìm bạn tình. Cả dãy đồi hàng nghìn con chim hót. Con đực cất lên, con mái ở xa đáp lại. Lọc trong rừng âm thanh, chúng nghe đúng tiếng hót mà chúng phải lòng, định hướng phía đó, tiến lại gần nhau, kết đôi. Gặp nhau rồi thì thôi hót.Tiếng hót thành chiếc cầu, con đường. Thường thì con đực và con mái cứ phải cùng hót từ chập tối đến nửa đêm, chúng mới đến được với nhau. Quá nửa đêm, tiếng hót thưa vắng loạc choạc, đó là những con chim không tìm được bạn. Nó hót tiếp đến sáng, rồi chết gục trong một búi cỏ vì vỡ cổ họng.

… Có một buổi trưa, anh ra chụp ảnh dòng sông Lục. Quãng vắng, bờ cát lẩn vào cây dại um tùm. Một cô gái tắm sông đang bước lên bờ. Con gái miền núi hoang dại. Cởi quần áo vắt trên cành cây, để nguyên “trang phục thiên nhiên”, đi xuống dòng nước bơi lội, xong, lại thản nhiên “trang phục thiên nhiên” lên bờ.

Anh nhìn thấy cô gái sáng rực như vầng trăng, vừa đi vừa vuỗi những giọt nước còn đọng trên các lông tơ. Nắng sưởi khô tỏa hơi trên đôi vú còn nguyên phấn tuổi dậy thì. Đôi chân trắng muốt màu hoa sen.

Chàng trai vội nấp vào bụi rậm chụp ảnh. Cô gái không hề hay biết. Cô mặc quần áo, rồi lững thững ra về. Hình như trưa nào cô cũng ra sông. Con gái thị trấn Phù Dung, có khi bơi thi như đàn thiên nga ở đâu sà xuống.

Những chàng lái ca nô, thường đứng ngẩn ngơ nhìn, và sau đấy máy ca nô không làm sao nổ lại được để rời bến.

Gặp được một người con gái đẹp khỏa thân đâu phải dễ. Nghề nhiếp ảnh, thường ăn may trong khoảnh khắc trời cho. Chộp được đám mây hình thù kỳ lạ bay qua. Một giây sau, đám mây đã khác. Chộp được nụ cười trên gương mặt nhàu nhĩ của bà già. Một giây sau, bắt bà cười lại, thì nụ cười đã thành ngớ ngẩn. Có chàng phóng viên phương Tây chộp được cảnh đúng lúc con chim kền kền ăn xác chết sà xuống mổ em bé châu Phi đang hấp hối vì đói. Bức ảnh được giải nhất quốc tế.

Chàng trai chộp cảnh cô gái khỏa thân từ dưới sông đi lên, đã chụp được bức ảnh đẹp. Lúc đó ánh sáng thuận chiều, khoảnh khắc cô như hoa quỳnh nở trong đêm lồ lộ một thân hình tuyệt mỹ. Cánh tay trần giơ lên mà cứ gợi ý tưởng con chim trắng muốt sắp bay. Bờ vai gợi ảnh hình ánh trăng tan chảy. Và đôi vú là những mùa quả chín tròn đầy.

Chàng trai hiểu giá trị bức ảnh vô tình có được. Anh rửa nhiều bản, tặng bạn bè văn nghệ sĩ của mình.

… Vào những năm tháng ấy còn có nhiều quan niệm ấu trĩ về nghệ thuật. Báo chí không đăng thơ tình, hội họa thì tranh vẽ phải làm sao quần chúng dễ hiểu.

Bức ảnh “Cô gái sông Lục núi Huyền” của chàng trai bị phê phán là “văn hóa đồi trụy”. Người ta nhìn bức ảnh, choáng váng trước vẻ đẹp của nó, nhưng lập tức phải lên gân lên cốt “lập trường” kết tội. Tòa báo cho anh làm phóng viên, để đi viết bài chụp ảnh các cô gái tay súng tay cày, làm nên năm tấn một héc ta, đâu phải để đi chụp ảnh “con gái cởi truồng”.

Vào thời Đổi Mới hôm nay, ti vi suốt ngày chiếu cảnh hoa hậu thi áo tắm, thì không thể hiểu nổi chuyện bức ảnh khỏa thân xưa bị kết tội tày trời. Nhưng việc đó đã xảy ra, đã có thật.

… Thân hình con gái đẹp là tuyệt phẩm thượng đế sáng tạo ra, để làm chuẩn Cái Đẹp cho cuộc đời. Vầng trăng, ngôi sao, áng mây, vầng dương, đại ngàn, sông suối, núi đồi, cỏ hoa v.v… tất cả đều đẹp, nhưng chỉ là hạng hai so với cái đẹp của thân hình con gái. Người ta thi hoa hậu, truyền hình khắp thế giới để giúp loài người có cảm giác thẩm mỹ, nghệ thuật, nâng cao trình độ hiểu thế nào là Cái Đẹp.

Bức ảnh “Cô gái sông Lục núi Huyền” của chàng trai cũng có ý nghĩa tương tự như thế.

Anh là một nhà báo thường thường, chuyên viết các bài phóng sự cũng thường thường, nhưng được ân huệ trời cho, thành tác giả bức ảnh đỉnh cao nghệ thuật. Công của anh là có “khát vọng” ra nhìn các cô gái sông Lục tắm trưa, nhô vai trần sáng trắng. Lúc đầu ước mơ chỉ nho nhỏ thế thôi, nào ngờ gặp may. Công lao chính đương nhiên là thuộc về cô gái, thượng đế đã tạo nên thân hình cô như thế. Sau nữa là “công” của mặt trời, ánh sáng lúc đó không bị ngược, và công của bụi rậm để anh nấp. Công của chiếc máy ảnh là lúc đó vận hành tốt. Một giây. Chỉ một giây bấm tách. Qua giây đó cô gái không có ánh mắt, nụ cười và dáng đi như thế nữa.

Cơ quan tòa báo đang đấu đá nhau căng thẳng, tranh giành vị trí. Chàng trai bị đem ra kiểm điểm vì tội văn hóa đồi trụy. Thứ văn hóa rác rưởi đang có nguy cơ xâm nhập làm hư hỏng thanh niên, xói mòn đạo lý. Ngoài xã hội, cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều người tàng trữ, truyền bá tranh ảnh khiêu dâm, tạp chí playboy.

Đấu đá nhau bằng mồm, còn khó mới hạ được nhau. Tóm được một chứng cớ cụ thể thế này, chàng trai đo ván liền. Ranh giới ảnh “nuy nghệ thuật” với ảnh khiêu dâm là một sợi tóc. Không dễ phân biệt… Chàng trai bị tước thẻ phóng viên, treo bút, thu máy ảnh, chuyển sang phòng “sửa mo rát”.

Lẽ ra phải rời khỏi biên chế cơ quan, nhưng may có một phó thủ trưởng hiểu biết, cứu vớt ở lại. Vào những năm tháng ấy toàn bộ sự sống diễn ra trong biên chế cơ quan. Rời khỏi là ra vỉa hè bơm xe đạp. Chàng trai yên tâm ngày ngày soi kính lúp, sửa lỗi typô như nhổ lông tơ còn sót trên con gà đã mổ. Càng yên thân, chàng trai tự an ủi. Viết lách, hộc tiết mới được bài báo, sung sướng nỗi gì. Sửa mo rát, làm như cái máy, chẳng mệt óc.

Máy ảnh đã trả lại cơ quan, lâu dần rồi anh cũng quên cả cách điều khiển ống kính thò ra thụt vào mức độ nào cho đúng. Bức ảnh “Cô gái sông Lục núi Huyền” đem lại tai họa lớn, thành kỷ niệm đáng sợ, nên chẳng bao giờ anh nhắc đến nữa.

Chàng trai phóng viên ấy là cha tôi. Ông nghỉ hưu, và vừa mới mất năm ngoái. Tôi lớn lên, nối tiếp nghề báo, nhưng là báo hình. Suốt ngày chụp ảnh hoa hậu, người mẫu ăn mặc hở hang, cung cấp cho các tạp chí thời trang. Máy ảnh của tôi siêu hiện đại, chụp được cả chân con kiến, cả chiếc lông tơ trên người hoa hậu. Studio của tôi, suốt ngày người mẫu đến cởi quần áo để tôi tác nghiệp, chứ không phải trưa nắng ra bờ sông Lục rình mò con gái tắm “nhô vai trần sáng trắng”. Nhìn được tý vai, đã tưởng như nhìn thấy hằng nga hiển hiện.

Các bức ảnh của tôi, tạp chí đăng trang bìa, đem về vứt góc nhà, chất hàng đống, thỉnh thoảng dọn dẹp, bán cân. Một lần lục trong tủ xấp báo cũ ố vàng của cha tôi, thấy rơi ra bức ảnh “Cô gái sông Lục núi Huyền”. Tôi cầm lên xem bàng hoàng. Bức ảnh như tỏa hào quang. Chuẩn mực Cái Đẹp trên đời hiển hiện. Ý nghĩa cuộc đời hiển hiện. Hạnh phúc tột cùng của kiếp người hiển hiện…

Nước mắt tôi ràn rụa. Hai tay tôi giữ chặt bức ảnh mà chỉ sợ nó như là cánh bướm, cánh diều bay mất. Chồng tạp chí Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế trên bàn. Tôi đã lướt qua nhiều lần. Những bức ảnh của các châu lục được giải. Những bức ảnh ghi lại chân thực cuộc sống trên thế gian này. Những bức ảnh gợi cho người ta những tầng cảm xúc, suy tưởng, phong phú, cao siêu, đẹp đẽ mà hàng ngày bị khuất lấp trong cuộc sống bụi lầm.

Năm nào Hội đoàn Nhiếp ảnh Quốc tế cũng tổ chức thi một lần. Khắp thế giới, người ta gửi ảnh về. Ảnh chiến tranh. Chú bé mười tuổi giầy mũ nhà binh rộng rênh, súng cao hơn người. Ảnh đoàn nữ binh, quân phục hở vú, đôi vú nõn nà đối lập với súng đạn xù xì đeo quanh người. Nhiếp ảnh quả cũng lắm trò thể hiện. Ảnh thiên nhiên, đồng đất khô hạn, nứt toác, con bò cạp răng nọc độc, đang cắn bông hoa. Ảnh sa mạc mênh mông, con lạc đà thồ trĩu nặng đi về phía chân trời, như đường đời của kiếp người…

Phần lớn các ảnh chủ đề nỗi đau cuộc sống. Ít có ảnh chủ đề cái đẹp và hạnh phúc tột đỉnh của kiếp người. Thể hiện nó khó lắm. Nhưng bức ảnh “Cô gái sông Lục núi Huyền” có chủ đề đó. Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu tôi. Tại sao không gửi dự thi. Ban chấm giải ảnh quốc tế người ta không mù. Tôi nhìn ra, thì người ta cũng nhìn ra.

Tôi gửi bức ảnh đi. Một thời gian sau có hồi âm. Ảnh được giải cao. Tôi không ngạc nhiên lắm. Lúc nhận tin, tôi chỉ mỉm cười. Nhưng đến đêm, nhớ lại việc cha tôi đã phải rời nghề viết báo, vì nó, nước mắt tôi đầm đìa.

… “Cô gái sông Lục núi Huyền” này là ai. Ai là người mẫu. Cô ta phải biết điều đó, biết được giá trị của mình. Phải chia một nửa số tiền giải thưởng cho cô.

Cô ở đâu bây giờ? Làm sao tìm được. Chính cha tôi cũng không biết cô là ai. Cô chỉ xuất hiện trước ống kính cha tôi một giây, rồi mặc quần áo, đội nón, lững thững đi về thị trấn Phù Dung.

Thị trấn Phù Dung… Tất nhiên là cô đã già, nhưng thị trấn thì chạy đi đâu được.

Tôi cầm nửa khoản tiền giải thưởng và bức ảnh “Cô gái sông Lục núi Huyền” xuống canô. Tôi lại về sông Lục như cha tôi xưa hay đến đó. Tôi đi tìm Người mẫu của Nghệ thuật. Nghệ thuật không được quên ơn.

* * *

Ở chơi thị trấn Phù Dung vài hôm tôi tha thẩn khắp nơi. Những dải đồi xanh như chiếc gối êm cho thị trấn dựa lưng. Dòng suối róc rách bao quanh là chiếc khăn quàng thiếu nữ trắng tinh khôi trên vai phố xá. Hoa mua tím giập gẫy dưới bước chân dạo chơi của các cô gái sơn cước.

Tôi làm thân với một bà chủ quán nước chè. Bà chừng sáu mươi tuổi. “Cô gái sông Lục núi Huyền” xưa, chắc cùng trang lứa với bà, và biết đâu đã từng đi tắm sông với nhau. Tôi che phần khỏa thân phía dưới ảnh, chỉ để lộ gương mặt, cho bà xem, nhờ nhận dạng.

Bà thích thú vì có người gợi lại thời thiếu nữ của mình… Nhưng “con bé” này là ai nhỉ. Trong đám bạn vẫn ra sông tắm có đứa nào thế này đâu.

Thị trấn xưa hẹp tanh vanh, bọn con gái lãng mạn, hay tựa cửa, hoa phù dung tím nhạt rơi đầy vai. Phù dung đẹp, nhà nào cũng trồng ngoài cửa, các ông bố biết đâu loài hoa vừa nở đã tàn kia, rồi như ám vào đời con gái của mình.

Bà hàng nước loan truyền cho cả chục bà cùng trang lứa đến nhà. Các bà đang thiếu cơ hội tụ tập. Các bà giờ người là cô giáo về hưu, người tráng bánh đa mì gạo, người buôn giày dép, áo quần, hoa quả ngoài chợ, bận rộn lắm, và luôn tiếc ngẩn tiếc ngơ thời thiếu nữ của mình. Tin “tìm người mẫu”, trả tiền giải thưởng, càng làm các bà thích thú. Các bà xem ti vi thấy “bọn người mẫu” được trả nhiều tiền lắm. Chẳng làm ăn gì, chỉ mặc quần áo đi ra đi vào, mà khối tiền, đâu như tuổi trẻ xưa của các bà, cũng xinh đẹp đấy, mà đâm sấp giập ngửa mới có miếng ăn.

– Cái Gái! Cái Gái! – Các bà chỉ ảnh reo lên.

– Cái Gái môi hơi dày, đâu được thế này – Chính các bà lại phản biện.

– Cái Tý! Cái Tý… Đúng mắt cái Tý.

– Tớ đây… Tớ mà được như con bé này thì đã phúc bằng cái đình – Một bà tự từ chối, không dám nhận vinh dự.

– Quái… Đứa nào nhỉ… Không phải nhóm bơi thi chúng mình. Hay là ở tiểu khu khác.

– Khu khác cũng chả có đứa đếch nào đẹp thế này. Thị trấn xưa, một nhúm con gái, nhẵn mặt nhau.

Tôi nghiêm trang trình bày:

– Tôi rất kính trọng các bà. Xin đừng hiểu lầm, tôi mới dám nói. Nếu chỉ nhìn mặt, khó nhận ra… Thực ra đây là bức ảnh cả người, khỏa thân. Chính vẻ đẹp thân thể mới là yếu tố được giải. Các bà có cho phép đưa bức ảnh toàn thân ra không? Ảnh toàn thân, dễ nhận ra người mẫu.

– Đưa ra. Sách báo đầy ảnh hở hang. Còn bí mật nỗi gì – Các bà hồi xuân bộc lộ quan điểm.

Tôi đưa nguyên vẹn bức ảnh “Cô gái sông Lục núi Huyền” ra.

Các bà đang loi choi, lặng đi. Các bà vừa thấy một vẻ đẹp thánh thiện, thanh khiết, tinh khôi, phảng phất tuổi thiếu nữ non tơ của mình.

– Đẹp thật – Một bà thốt lên.

– Có lẽ là bà Vân ở tiểu khu Một, xưa có thân hình đẹp thế này. Để tôi gọi bà Vân đến

– Hãy khoan, có chắc không.

– Gương mặt thì tôi không dám chắc, vì hơn bốn mươi năm rồi, ai còn nhớ nữa.

– Nếu căn cứ vào thân hình, thì chả cứ bà Vân, mà chính thân hình tôi xưa cũng đẹp thế này – Bà Tý, người “từ chối” ban nãy, giờ lại tự nhận.

– Nói cho cùng thì chẳng riêng bà Tý bà Vân… Khối chị em mình ở đây xưa đều có cơ thể con gái như thế. Chẳng qua nghệ thuật nhiếp ảnh nó “phóng” ai lên thì người ấy được.

– Vậy xác định ai bây giờ.

– Có thể nói là không có ai. Nhưng cũng có thể nói là nhiều người – Một bà thủng thẳng nước đôi – Khỏa thân từ dưới sông lên thì khối, đứa nào mà chả có lần như vậy. Vùng này, vẫn nổi tiếng nhiều con gái đẹp. Ăn cái “nước” ở đây nó thế, các cụ vẫn bảo…

– Đẹp mà chẳng biết là mình đẹp. Chỉ có dòng sông nó biết… Để rồi tất cả qua đi uổng phí. Bây giờ thì thành một đống xồ xề.

Các bà cười ré lên.

– Sao lại chẳng ai biết. Các ông chồng nó biết.

– Lão chồng rượu say khật khưỡng nó còn biết cái gì. Cứ tưởng đương nhiên ai cũng thế.

Các bà lại cười khúc khích. Các bà chưa phải già lắm. Sáu mươi. Vẫn còn đầy sức sống. Chỉ tại cái thị trấn miền núi này nó liệt các bà vào loại “xếp xó”, các bà phải chịu, theo lề thói. Hôm nay xem bức ảnh khỏa thân “Cô gái sông Lục núi Huyền”, một cái gì tươi trẻ yêu đời bừng sáng trong lòng các bà. Bà nào cũng nghĩ vẩn vơ: có khi chính là mình đấy chứ ai…

Mấy ngày tôi ở thị trấn Phù Dung, các bà không tìm ra kết quả. Tôi nghĩ cũng không nhất thiết phải tìm ra chính xác. “Hội đồng” các bà ở thị trấn Phù Dung giờ sẽ không công nhận bất cứ ai, cá nhân nào, nếu không có ảnh chân dung hồi ấy, đem ra so sánh. Thị trấn ngày xưa chưa có hiệu ảnh, chả đứa con gái nào có ảnh chân dung. Còn bản thân “người mẫu” nếu đến đây thì chính mình cũng khó nhận ra mình. Bốn mươi năm xưa, ai còn hình dung được thuở ấy mình thế nào.

Thực ra thì tiền giải thưởng không phải là vấn đề, mà vinh dự cho con gái vùng sông Lục núi Huyền mới là quan trọng. Tôi quyết định trao tiền giải thưởng chung cho “Hội đồng” các bà thị trấn Phù Dung. Bà nào cũng được hưởng chút hương thơm, vì bà nào tuổi thiếu nữ xưa mà chẳng trưa hè ra sông Lục tắm, nhô đôi vai trần sáng trắng…