Bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus và mười hai đệ tử
Nhận được tin có một người được sùng kính gọi là Đấng Cứu Thế (Đấng Christ) của dân tộc Do Thái cùng mười hai đệ tử đang trên đường đến thành phố Jerusalem nhân dịp sắp đến ngày Lễ Vượt Qua (ngày Thượng Đế giáng cái chết lên tất cả những đứa con trai đầu lòng khi đi qua cửa nhà của dân Ai Cập nhưng lướt qua nhà của dân Do Thái, nên gọi là Vượt Qua), những nhà thượng tế Do Thái giáo cao cấp liền mở một cuộc họp khẩn cấp để đối phó. Tại sao bọn thượng tế (high priest) không tin nhận Chúa Jesus là Đấng Thừa Sai (Messenger, tiếng Do Thái gọi là Messiah) của Thượng Đế gửi xuống cứu rỗi thế gian, từ đó chúng sẽ gây nên cái chết của Jesus. Điều này cũng có cái lý do của nó. Là sự ghen tị đạo hạnh và quyền năng của Đấng Christ đã đành, mà còn có liên quan đến vấn đề vật chất tiền bạc quan hệ thiết yếu và trực tiếp đến quyền lợi của họ. Chúa Jesus đã từng có lần phẫn nộ phá bỏ những hình thức buôn bán, trao đổi, cho vay và vay nợ diễn ra ồn ào náo nhiệt như một cái chợ dơ bẩn ngay trong đền thờ Chúa Trời mà ngài kính trọng gọi là Cha Ở Trên Trời. Bọn thượng tế Do Thái căm hận lắm, vẫn thường tìm cách triệt hạ Chúa Jesus. Lợi dụng chức vụ tối cao của hàng giáo phẩm Do Thái giáo (Judaiism), nhiều thượng tế đã dần trở nên thoái hóa sa đọa, mù quáng vì tiền bạc kiếm dễ dàng. Để có thể bóc lột của cải người Do Thái một cách hợp pháp, hội đồng thượng tế đã đặt ra quy định giáo dân Do Thái chỉ có thể đóng tiền thuế cho chính quyền La Mã bằng một loại tiền tệ duy nhất, mà muốn đổi thứ tiền chính thức đó, chỉ có mỗi chỗ duy nhất là trong đền thờ Thượng Đế, nơi mần việc của hàng giáo phẩm. Khi đến đổi tiền, người dân còn phải è cổ ra trả một loại lệ phí “phụ trội” gọi là tiền “phục vụ”, số phụ trội này dĩ nhiên chạy vào túi những nhà thượng tế rất khả kính. Jesus đã chỉ trích nặng nề hành động phi đạo đức và phi tôn giáo này. Chúng đã tìm ra một cái cớ mà chắc chắn dẫn đến cái án tử hình cho Jesus ngay sau buổi họp quan trọng tại nhà một thượng tế kiêm chánh thẩm tối cao của dân Do Thái tên Caiaphas. Nhưng để biết rằng chúng sẽ bắt đúng người cần bắt, hội đồng thượng tế phải mua chuộc cho bằng được một hay nhiều người thân cận với Jesus. Con người định mệnh đó cũng đang lò dò tìm đến với chúng. Thật đau xót, người này lại đúng là một trong mười hai đệ tử thân tín nhất của Chúa Jesus, cái tên Judas của ông ta rồi đây sẽ được đồng nghĩa với sự phản bội và tham lam cho đến ngàn đời sau. Để mắng một tên phản trắc và tham lam người Tây phương chỉ cần phun vào mặt kẻ ti tiện đó mỗi một tiếng: “Đồ Judas” là đã đầy đủ mọi ý nghĩa xấu xa. Trong lúc Chúa Jesus và những người đồng đạo khác còn ở ngoài thành Jerusalem, thì bằng một cách riêng nào đó, Judas đã tìm đến chỗ hội họp và đã xác nhận ông ta sẽ là người chỉ điểm, nếu bọn thượng tế trả cho một cái giá nào đó thích đáng. Bọn thượng tế sau một vài phút giây xì xào thảo luận, và với bản tính keo kiệt cố hữu của người Do Thái, đã đồng ý, trời hỡi, trả cho Judas 30 quan tiền bằng bạc, chứ chưa được là tiền vàng nữa. Judas chóa mắt trước một số tiền khá lớn mà cuộc đời tu hành thanh tịnh của mình chưa bao giờ có được, đã đồng ý. Judas cho biết, khi bọn thượng tế trông thấy hắn ôm hôn người nào trước nhất, thì người đó chính là Jesus. Càng đi gần đến thành Jerusalem, Jesus biết khoảnh khắc hiện hữu của ngài trên cõi thế gian đã càng thu ngắn lại. Ông sẽ dự bữa ăn cuối cùng, gọi là bữa ăn Vượt Qua (Passover Supper) với mười hai đệ tử, dặn dò họ đôi điều, rồi ngài sẽ ra đi. Jesus bảo với hai đệ tử của mình đi trước vào thành Jerusalem, đi theo một người đàn ông đang vác một cái bình nước, cho đến khi nào ông ta dẫn họ đến người chủ nhân một căn nhà rộng, mà ở đó người chủ nhân nghe tiếng Jesus sắp đến, sẽ niềm nở mời hai người môn đệ này lên tầng lầu lớn bày trí một chiếc bàn dài và đầy đủ thức ăn uống cho bữa ăn tối. Khi Jesus và mười hai đệ tử đã an vị, ngài bất ngờ lấy một thau nước và một cái khăn sạch quỳ xuống rửa chân cho từng đệ tử một, bắt đầu với người đại đệ tử Peter (tức thánh Pierre, hay Pi-e trong Kinh Thánh Việt Nam). Thánh Peter thường được người đời biết đến như là vị thần giữ cửa thiên đàng, mọi chúng sinh vãng thác lên trời đều phải trình diện ngài trước nhất, để được mở cửa cho vào. Dĩ nhiên ngài Peter tái mặt giãy nãy lên từ chối, nhưng Jesus đã giải thích cho các môn đệ ý nghĩa của hành động đó như là sự thể hiện lòng tận tụy, chăm nom và kính trọng đối với tín hữu và là đức tính khiêm cung của người hành đạo, ngay cả khi được người đời cung kính gọi mình là Thầy hay Chúa. Đấng Christ bẻ một miếng bánh mì trao cho Judas từ tốn bảo: “Hãy làm việc mà người muốn làm”. Judas im lìm không nói gì, chỉ lặng lẽ đứng dậy bỏ đi. Bữa ăn cuối cùng chỉ còn lại có Jesus và mười một môn đệ, ngài đã phân phát bánh mì và rượu nho cho từng người một: “Này là thân thể của ta (bánh mì) trao tặng cho để các người ghi nhớ về ta. Đây là máu của ta (rượu nho đỏ) đổ ra vì các người và vì nhân loại để rửa sạch mọi tội lỗi của thế gian”. Thủ tục nhận bánh thánh và rượu thánh từ đó đã được lưu truyền mãi cho đến tận ngày nay, như là một dấu ấn, một lời hứa cứu rỗi có giá trị vĩnh cửu của Thượng Đế, tức Đức Chúa Trời. Cũng trong bữa tiệc buồn cuối cùng này, Jesus đã tiên đoán rằng Peter, đại đệ tử của ngài rồi đây trước khi gà gáy sáng trong đêm cuối cùng cuộc đời ngài, sẽ ba lần không dám nhận là đệ tử của ngài. Peter quả quyết nói dù cho có chết, ngài sẽ chết bên cạnh Chúa, và sẽ không bao giờ chối Chúa. Jesus chỉ gục gặc đầu không nói gì. Đoàn lữ hành tiếp tục tiến vào khu vực có ngọn núi Mount Olives, dưới chân núi là khu vườn Gethseman nằm về phía Đông thành Jerusalem (Garden of Gethseman, tiếng Do Thái có nghĩa là Vườn Ép Dầu, vì trái ô liu trong khu vực này được đem về đây để làm dầu ăn). Khu vườn linh thiêng này là nơi mà Chúa Jesus vào quỳ xuống bên một tảng đá trầm mặc cầu nguyện Đức Chúa Trời, trước khi vào thành phố Jerusalem. Nghi thức quỳ cầu nguyện đã trở thành khuôn mẫu cho tín đồ đến lễ nguyện trong nhà thờ về sau. Cuộc hành trình dài lê thê nhiều ngày đã làm các đệ tử rất mệt mỏi, nên các ngài đã ngã nằm xuống bãi cỏ êm mịn trong vườn thiếp đi. Nhưng Jesus đã bảo Peter, James và John, ba người đánh cá ở biển Galilée, đồng hương của ngài cùng đi theo đến chỗ cầu nguyện. Nhưng chẳng mấy chốc, cả ba người đệ tử này cũng gục đầu xuống ngáy pho pho mất rồi. Jesus lại phải đánh thức các ngài dậy và buồn rầu hỏi: “Các người không thể thức với ta được một giờ đồng hồ sao?”. Ba người đệ tử chỉ ư ử cựa mình, rồi lăn ra… ngủ tiếp. Jesus đành phải cầu nguyện một mình vậy. Ngài không còn được bao nhiêu thời khắc nữa, vì chính tại khu vườn đẹp đẽ thánh thiện này, Judas sẽ cùng với hàng trăm người Do Thái hùng hổ kéo vào vây bắt ngài. Trong đêm tối, nhiều ánh lửa chiếu sáng một góc khu vườn, tiếng la ó làm cho mười một đệ tử cùng choàng dậy. Peter vội vàng chạy đến bảo vệ người Thầy của mình. Judas từ giữa những bó đuốc hiện ra tiến tới ôm lấy Jesus tạo một động tác thân ái giả tạo và gượng gạo. Đó là dấu hiệu báo cho bọn thượng tế Caiaphas biết người hắn ôm hôn chính là Jesus, người xứ Nazareth. Bọn dân quân Do Thái ào đến vây lấy Jesus, nhưng đụng phải Peter. Peter vung gươm, một nhát kiếm lóe lên cắt đứt một vành tai của một người hầu. Nhưng Jesus đã tiến lên sờ tai nạn nhân, thật mầu nhiệm, vết thương lành ngay tức khắc. Rồi Đấng Christ ung dung đi theo đoàn người Do Thái về ngôi nhà nguy nga của thượng tế Caiaphas để gọi là bị xét xử theo luật Do Thái. Thật một trời một vực, khi so sánh giữa Đức Christ với người gọi là thượng tế cao nhất của dân Do Thái lúc đó. Một con người thánh thiện ăn mặc đơn sơ, tài sản không có gì hết, ngoài trái tim chan chứa tình thương yêu dành cho hết thảy nhân loại ở thế gian và tấm lòng cứu rỗi mọi chúng sinh. Một người sang giàu tột bực, chắc là bằng những phương cách gian xảo mờ ám, với trái tim chất chứa đầy hận thù và đố kỵ, nhân danh một niềm tin để giết người. Trong số mười một môn đồ, chỉ có ngài Peter gan dạ nhất, mà đã cố bám theo đám đông đến tận tòa lâu đài của thượng tế Caiaphas, để xem bọn chúng định làm gì người Thầy của mình. Bọn dân quân Do Thái ngồi nghĩ bên đống lửa giữa một cái sân trống, Peter lấy vạt áo phủ mặt ngồi trà trộn trong đó để nghe ngóng. Nhưng một người nữ tỳ đã nhận ra, dường như anh chàng mà đã vung gươm thẻo đứt vành tai của người hầu, nên nàng tiến đến hỏi cho ra lẽ. Peter quên khuấy đi mất là ngài đã hứa với Jesus, rằng ngài thà chết còn hơn chối Chúa, nên đã tái mặt chối phăng. Một người hầu nam nhận ra giọng nói miền Galilée của Peter, quả quyết ngài là một kẻ gian tế. Lần thứ hai, thánh Peter lắc đầu quầy quậy, ai hỏng phải tui à nha. Một người khác xác nhận đúng là đã thấy Peter đứng gần Jesus người xứ Nazareth, làm Peter phải nấc lên kinh hoàng:”Tôi không biết người đó”. Có tiếng gà gáy sáng báo hiệu buổi rạng đông. Lời Chúa báo trước đã được xác định. Thánh Peter bàng hoàng sực tỉnh. Con người trần thế với những yếu đuối thiên bẩm của mình lắm lúc đã không vượt qua nỗi hay chế ngự được sự sợ hãi trước nguy biến và cái chết. Thánh Peter ràn rụa nước mắt vì xấu hổ và hối hận, ngài che mặt lảng tránh đi khỏi ánh lửa. Nhưng chính ngài và các đồng đạo sau khi Chúa thăng thiên, đã dũng cảm lên đường rao giảng tin lành và đức tin và chấp nhận những cái chết thảm khốc nhất từ hình phạt của chính quyền La Mã và những dân tộc không tin nhận Chúa. Giờ đây chỉ còn mỗi Chúa Jesus đứng uy nghi đối diện với hội đồng thượng tế. Viện dẫn lời Jesus thịnh nộ thốt lên khi ngài dẹp bỏ cái chợ người trong đền thờ Thượng Đế, rằng ngài sẽ phá hủy nó và sẽ xây lại một cái đền thờ khác thánh thiện trong vòng ba ngày, chúng kết án ngài là người lộng ngôn và báng bổ thánh thần (blasphemy) để đồng thanh xử ngài tội chết theo luật Do Thái. Nhưng trong thời điểm đó, đất nước Do Thái đã thuộc quyền thống trị của người La Mã, nên chuẩn án tử hình hay không, sẽ do vị Thống Đốc Jerusalem là Pontius Pilate quyết định. Chúa Jesus bị một nhóm đông người Do Thái rùng rùng kéo đi đến công thự chính quyền. Tin tức Jesus người xứ Nazareth đã bị án tử và đang được giải đến dinh Thống Đốc làm dân Do Thái trong thành cực xôn xao, mọi người ùa ra đường đi theo la ó om sòm đòi giết chết Đấng Christ. Dĩ nhiên trong đám đông cuồng nộ và mù quáng này cũng có nhiều con chiên lặng lẽ và đau đớn theo cùng, để chứng kiến giây phút cuối cùng của Đấng Cứu Thế. Thật đau đớn, trong đoàn người này có cả bà Maria, mẹ của Jesus, thánh John, môn đệ thân cận của ngài, thánh nữ Magdalene, hay Madeleine, cô gái bị quỷ ám đã được Chúa Jesus cứu thoát và trở thành một tín đồ thuần thành của ngài. Giấu mặt trong một xó tối nào đó trong đền thờ, Judas quặn thắt ruột gan khi nghe tiếng bọn dân Do Thái kêu gào đòi giết chết người Thầy của mình ngoài đường phố. Ông ta trừng trừng nhìn ba mươi đồng bạc đã tanh nồng mùi máu, trong lòng dậy lên một nỗi hối hận đến vô tận và tự nguyền rủa mình đã bị quỷ ám, đã bán linh hồn cho quỷ và bán Thầy cho quỷ, chỉ với ba mươi đồng. Judas quăng những đồng tiền rơi vung vãi xuống đất, lảo đảo bỏ chạy ra ngoài. Một thời gian sau, có người tìm thấy cái xác của Judas đánh đòng đưa dưới một cái xà nhà. Judas đã tự tử chết để trang trải tội ác mà ông ta đã làm. Pilate là một viên Thống Đốc La Mã, nhưng lý trí và lương tâm của ông ta còn vượt cao hơn bọn thượng tế Do Thái hàng chục lần, khi lần đầu tiên nhìn thấy người tử tội, trong thâm tâm ông đã xác quyết, Jesus chẳng có tội gì cả. Đôi mắt dịu dàng và hiền từ nhìn ông, toác lên một vẻ thiêng liêng phi phàm và đôi mắt ấy phải là của một bậc vĩ nhân, chứ không phải của một tội nhân. Nhưng Pilate cũng hỏi dò Jesus, rằng ngài có phải là Vua của dân Do Thái không, điều mà bọn thượng tế ton hót với ông ta. Một câu hỏi rất khó trả lời, và có thể phạm vào tội chết, vì chính quyền La Mã rất e sợ những cuộc nổi dậy của dân bị trị. Đấng Christ đã uy nghi trả lời: “Phải, ta đã được sinh ra cho công việc ấy và ta đến với thế gian này để làm chứng cho sự thật. Vương quốc của ta không thuộc về cõi trần thế này”. Pilate nhanh chóng đi đến kết luận. Jesus người xứ Nazareth hoàn toàn vô tội. Bọn Caiaphas lại nì nằn đòi phải xử lại. Pilate chợt nhớ vua xứ Judae và Galilée là Herod đang có mặt ở Jerusalem, ông ta đủ khôn ngoan để “bán cái” tội giết người vô tội cho gã bạo chúa Herod, nên cho mời ông này tới thẩm định. Nhưng cho dù có bạo ngược tới mức nào, Herod cũng không kém khôn ngoan bán… cái trách nhiệm ngược lại cho Pilate, rằng ông ta chẳng thấy Chúa Jesus có tội gì hết. Pilate năm lần bảy lượt xác nhận Jesus vô tội và muốn ra lệnh thả ngài đi, nhưng bọn Caiaphas đã sách động đám dân đứng ngoài pháp đình la ó đòi xử tử cho bằng được. Đám dân ngu ngốc, không biết Jesus đang tranh đấu cho quyền lợi của họ. Jesus mà chết rồi, thì cứ mà tiếp tục è cổ ra đóng tiền cho bọn thượng tế sư hổ mang đấy nhé. Nhưng Pilate vẫn còn một con đường để cứu Jesus. Nhân Lễ Vượt Qua, người Do Thái có tục lệ tha chết cho một tử tội. Pilate đứng trên tầng lầu cao hỏi vọng xuống đám đông, rằng họ muốn tha tên cướp giết người Barabas hay Jesus. Bọn Caiaphas và bọn tùy tùng sách động dân chúng kêu to xin tha cho Barabas. Bất lực, Pilate giận dữ nhúng tay vào thau nước nói: “Đồ giống dân giết chúa của chúng, ta giao Jesus cho chúng bây, ta rửa tay và ta vô tội”. Vì câu nói của Pilate mà đến ngàn đời sau dân Do Thái mang cái vết chàm trên mặt là dân tộc giết Chúa của họ. Số phận của Jesus đã được định đoạt. Theo luật La Mã, những tội tử đều sẽ bị đánh roi trước khi đem hành hình trên thập giá. Thời đó, lính cai ngục La Mã thường dùng loại roi tết bằng da có gắn những chùm sắt nhọn để đánh đau hơn và xé toát thịt da nhiều hơn. Chúng cổi áo Chúa Jesus, từng đứa một quất lên tấm lưng trần còm cõi của người đạo hạnh, đứa này mệt thì nghỉ cho đứa khác nhào vô đánh, đánh xoay vòng và đánh không thương tiếc. Đánh cho đến khi Jesus ngã gục xuống ngất xỉu, máu chảy tràn trề trên sàn đá, thịt da bầy nhầy. Chúng xốc ngài đứng lên đội lên đầu ngài một chiếc mũ bện bằng một loại dây gai và mặc chiếc áo tử tội màu tím. Vì khi Chúa sắp sửa bị hành hình mặc áo tím, nên chúng ta thấy màu tím là màu tối linh thiêng của Kitô giáo. Cách đây vài năm, chúng ta còn nhớ chuyện vài chục người Hoa Kỳ theo đạo Thiên Chúa giáo mặc áo tím nằm chết trong một căn nhà ngoại ô sang trọng, tất cả đều uống thuốc độc chết, vì người dìu dắt trưởng nhóm cho rằng đã đến lúc tận thế, tốt hơn hết là nên thăng thiên lên thiên đàng sớm, phương tiện lên đó sẽ do mấy chiếc dĩa… bay đang chờ đón linh hồn của họ ngoài không gian. Bọn lính La Mã dong Chúa Jesus đi giữa đường phố, ngài oằn lưng dưới sức nặng của cây thập giá bằng gỗ sồi mà ngài phải mang vác nó đến tận nơi và nó sẽ ôm ấp xác thân của ngài trên đó. Bị đánh đập quá nặng nề, kiệt lực, Jesus đã ngã xuống nhiều lần. Bọn lính vực ngài dậy vác tiếp. Lần cuối cùng, Jesus nằm im lìm luôn không trỗi dậy nỗi nữa. Bọn lính nhìn quanh quất tìm. À, đây rồi, một gã tráng niên lưng dài vai rộng trông rất khỏe mạnh. Hỏi ra mới biết người đó tên là Simon mới đến Jerusalem từ đảo Cyrene tuốt tận bên Phi châu lận. Vậy thì tốt quá chứ hả. Cứ tóm cổ tên Phi châu này vác thập giá giùm cho người tử tội. Simon đành phải è cổ ra gồng gánh một đoạn đường cho Jesus. Nhưng dù sao thì anh cũng phải hãnh diện vì Chúa và tên tuổi anh đã được lưu lại trong Kinh Thánh. Địa điểm hành hình sẽ là trên ngọn đồi Golgotha, mà ở đó người ta còn dựng thêm hai thập giá nữa để đóng đinh hai tử tội khác. Ngày nay người ta không biết đích xác ngọn đồi Golgotha nằm ở đâu, nhưng nghĩ rằng nó có thể là một trong những ngọn đồi ở ngoài thành Jerusalem. Thể thức đóng đinh như sau. Chiếc thập giá được để nằm trên mặt đất, bọn lính đặt Chúa Jesus nằm lên trên chiều dọc của chiếc thập tự, giang hai tay ngài lên theo chiều ngang của thanh gỗ. Bọn hành hình dùng hai chiếc đinh thật dài đóng chặt hai cánh tay Jesus vào gỗ. Theo hình vẽ và các tượng Chúa thông dụng hiện nay chúng ta thấy hai cây đinh đóng vào hai lòng bàn tay. Nhưng thực sự thì chỗ lòng bàn tay không có ngấn xương giữ toàn sức nặng thân thể lại mà khỏi rơi trở xuống đất, nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phải đóng đinh ở chỗ tiếp giáp giữa bàn tay và cổ tay. Ngoài ra nhiều hình vẽ còn cho thấy bọn lính đã buộc thêm dây thừng vào thanh ngang để giữ hai cánh tay lại. Phía dưới, bọn lính chập hai chân tử tội tréo vào nhau và đóng một cây đinh thật dài xuyên qua hai ống quyển cùng một lúc ghim chặt vào gỗ. Xong xuôi hết, bọn lính hì hục kéo cây thập giá dựng đứng lên bằng một sợi dây thừng lớn cột ổ đầu thập giá cho nó trợt vào cái hố sâu đã đào sẵn, rồi nện đất cho chặt để cây thánh giá đứng vững. Với sự hành hình quá đỗi dã man này mà chỉ có đế quốc La Mã mới nghĩ ra được, tội nhân sẽ oằn oại trong một cái chết từ từ, dưới ánh nắng nóng như lửa nung của mặt trời ban trưa. Đức Mẹ Maria đã đau đớn đến như thế nào khi chứng kiến cái chết thảm khốc của con mình. Ôi, nước mắt của người mẹ tuôn chảy dường như có vị mặn của máu. Chúa Jesus lờ đờ mở mắt nhìn mẹ mình, ngài còn thấy thánh John, thánh nữ Madeleine và Salome. Jesus thì thào: “Mẹ, hãy xem John như con của mẹ. John, hãy chăm sóc mẹ ta như mẹ của bạn”. Những người thân của Đấng Christ đã gục đầu thổn thức nhìn ngài thở những hơi thở cuối cùng. Ba tiếng đồng hồ trôi qua dài dằng dặc như ba thế kỷ. Bỗng nhiên bầu trời kéo mây đen đặc, ánh mặt trời bị che khuất đã trở thành màu tối đục, báo hiệu giây phút ra đi của Đấng Cứu Thế. Jesus ngước mặt lên trời kêu lên: “Hỡi Đức Cha, tôi xin giao phó linh hồn vào tay Người”. Jesus thở hắt hơi cuối cùng và ngoẹo đầu gục xuống. Nhiều chuỗi sấm nổ rền vang ì ầm trên cõi thinh không, mặt đất rúng động như trong cơn tận thế, những núi đá bị nứt toác ra. Tiếng kêu khóc của những người tín đồ dậy lên một khoảng trời âm u. Đấng Cứu Thế đã ra đi. Thi thể của ngài đầy máu và xám lạnh trong ánh trời chiều đã sắp tắt dưới dãi cát ở chân trời. Đấng Cứu Thế đã bị chính dân tộc ngài hành hình vào ngày Thứ Sáu của tuần. Người Tây Phương đã chọn ngày Thứ Sáu của tuần lễ đầu hay tuần lễ thứ nhì trong tháng Tư của năm để kỷ niệm ngày Chúa lên thập giá, và gọi là Ngày Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday). Nhưng tại sao ngày Chúa mất lại gọi là Tốt Lành. Chúng ta nhớ, trước khi lên thập giá, Jesus đã hứa với các môn đồ là dù có chết, trong vòng ba ngày ngài sẽ sống lại để làm xong công việc thế gian của mình. Đó là nhân danh Đức Chúa Trời, ngài ban quyền năng Thánh Linh cho mười một tông đồ, để tiếp nối bước chân của ngài đi rao giảng niềm tin và gieo rắc tình thương trên khắp cõi nhân gian. Đó há chẳng phải là ngày Thứ Sáu Tốt Lành mà dù có chết, có thăng thiên ra đi vĩnh viễn, Đấng Christ cũng đã để lại cho nhân loại một di sản tối thiêng liêng, trong đó người trần thế sẽ yêu thương nhau, cùng một niềm tin, cùng chung sống hòa bình dưới sự bảo vệ nhiệm mầu của Đức Chúa Trời : Sáng danh Chúa ở trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Phạm Phong Dinh biên khảo
|