(Nhà văn Jorge Luis Borges)
Giả dụ thế giới đã kết thúc và người ta cảm thấy có bổn phận phải dành cho nó một buổi tối tán dương, các tỉnh hội văn học, theo tập tục, sẽ mời những diễn giả lẫy lừng để kỉ niệm các niềm vinh quang địa phương đang dần dà chìm vào quên lãng, thì không ai thích hợp hơn Borges, để gợi lại, trước một cử tọa chăm chú, cái thế giới đã biến mất, cái bề mặt đa dạng 512 triệu cây số vuông được bao phủ bởi 70% nước, dồi dào các thứ muối khoáng, mà con người – nhà diễn giả đầy sức thuyết phục hẳn sẽ nhắc nhở – thường gọi chung chung là biển, hoặc trong một số trường hợp, để thêm phần hùng hồn, gọi là đại dương.
Những tác phẩm của Borges – liệt kê không mệt mỏi những vật thể biến thiên và vô số hình thái thực tại – là một danh mục da diết về thế giới, một nỗ lực làm chủ cái tính đa bội thoáng qua của cuộc sống khi bó khít nó trong tính chính xác súc tích của một từ mục bách khoa toàn thư. Thế nhưng, cái thế giới trong những trang viết của Borges – thoát khỏi những kiểu hí lộng về lời lẽ vốn tưởng rằng người ta có thể thu tóm thế giới trong tay – luôn luôn ở nơi khác, ở ngoài trang giấy, bởi vì mọi thực tại, lúc nào cũng vậy, luôn luôn ở ngoài phòng hội nghị, nơi chúng đang được minh họa và tưởng niệm.
Lời lẽ của Borges nêu lên cảm thức hoài niệm về cái cuộc sống mà chính các lời lẽ ấy ươm ấp; trong cuộc vùng dậy trữ tình chống lại người ông – viên đại tá Francisco Borges, được tôn vinh trong kí ức gia đình và trong lịch sử Argentina – lời lẽ lên yên ngựa rời xa, không thể tiếp cận câu thơ mong tiếm đoạt những nỗi niềm thầm kín của ông, trong lúc thơ ca về con hổ, qua những vần điệu và hình tượng hoa mĩ, chỉ có thể họa ra một con hổ giấy mà chưa đạt tới con hổ kia, cái con vật lách vào ngôi rừng đằng sau mỗi câu thơ.
Borges ước muốn những tác phẩm của mình được coi là chuyến thuyền Noê đầy ắp sự sống giành lại từ cuộc hủy diệt, được sắp xếp ngay ngắn như các cặp thú vật được cử chọn để đại diện và kế thừa tính đa dạng của thiên nhiên. Nhà diễn giải và nạn nhân của nỗi thiếu vắng hiện đại, trái lại, đành nhẫn nhục tự đồng hóa mình với tấm bản đồ của cái đế chế được kể lại trong một câu chuyện ngụ ngôn của ông, trung thành mô phỏng lại đất đai và tham dự vào đó với tính chính xác, ấy thế mà, tấm bản đồ cuối cùng lại tả tơi trước gió. Những vị pháp sư, trong một truyện kể – những kẻ muốn tổ chức một quốc hội toàn thế gian, đại diện cho toàn thể mọi người và toàn thể thực tại – nhận ra cái quốc hội toàn thế gian duy nhất này chính là cái thế giới trong dòng chảy không thể dự kiến của sự vật phù du, chẳng một đại biểu nào hoặc một biểu tượng nào, trong cái tính cách đặc dị của nó, có thể được thay thế mà không mất đi thực chất.
Borges là một nhà thơ lớn về nỗi u uẩn của trang giấy, ý thức về cái tính cằn cỗi gắn liền với sự tự cao tự đại về lời lẽ; ông không là nhà văn của sự giả dối và của sự tùy tạo vốn chẳng lạ gì với những người làm văn học ở Ý mà phổ biến lời lẽ của ông qua một lòng sùng bái trật đường rày. Borges – dù trong một tiểu luận về thơ ca cổ đại Scandinavi đã động lòng trắc ẩn với những tính cách đi trên dây tinh vi về lời lẽ, vốn cũng được ông nuông chiều trong một số trang viết tầm tầm ngoằn ngoèo và khúc khuỷu – biết cái tính thuần phác cơ bản của thơ ca, vốn vượt trên cái cá nhân, để đồng nhất vào thực tại của bất kì người nào: trang viết của ông tráng lệ khi ông – trong lúc thu nén thực chất của một truyện kể hoặc của một cuộc đời vào ít hàng viết – chững lại trước tia sáng của một buổi chiều, trước tiếng rơi chầm chậm và rạt rào của một cơn mưa, trước sự mơ màng thiếp vào giấc ngủ, trước cái bóng mềm mại sâu thẳm của căn nhà ấu thơ, trước sự can trường, trước lòng chung thủy, trước cái tươi mát của nước, mà trong một câu chuyện tuyệt vời, làm xanh thắm suy tưởng Averroè.
Tất nhiên, Borges – nhà nghệ sĩ cách tân muốn lặng lẽ thích nghi với cái nếp bảo lưu của truyền thống gia đình mình và của nền văn minh Châu u cổ – trước hết, nhận ra trong chính mình cái tình cảnh lưu vong của cá thể trước thiên anh hùng ca phải làm quen với nhịp độ cuộc sinh tồn, cái tính cách nước đôi hiện đại vốn ngăn trở việc bắt rễ trong tính toàn vẹn của cuộc sống và buộc nhà văn đương đại phải lâm vào sự xa lạ và vào sự cải trang. Ông biết, các tác phẩm của ông không phải là cuộc sống, thế nhưng, vừa khi một bản địa bạ của ông được lồng vào chính cuộc sống, thì nó trở nên cực tiểu và bất ổn, như xảy ra trong thư viện Babele chứa cái danh mục thích hợp – nhưng cũng đăng kí vô số danh mục giả – đã được đánh dấu, dù một cách nhầm lẫn, theo một nghịch lí toán học về cái tập hợp, mà giữa các thành phần của nó, có cái tập hợp lại bao gồm cái tập hợp đầu. Mỗi truyện kể của Borges, như cái xứ Tlön tưởng tượng của ông, là một từ mục – để thỏa đáp nhưng cũng để phụ bạc – thêm vào bộ bách khoa toàn thư britannica, dấm dúi dần dần những giả cách vào thực tại, để thực tại lại trượt vào phi thực tại.
Ý thức về bản chất đam mê trang giấy của mình, Borges đôi lúc nỗ lực quá tải cái tạng sống xanh xao của ông với sự hưng phấn, thậm chí, với một kiểu ngưỡng mộ đầy kích động đối với tính bạo liệt và tính ác nghiệt. Cuộc hạn hán tâm linh dường như sấy khô nhựa sống khát khao tính dục trong ông, chuyển cường độ cảm xúc của ông vào tính trừu tượng kí ức và trao cho trang viết của ông một sự xa cách khổ hạnh về tính dục. Thăng hoa mãnh liệt đến mức tiêu thụ mọi năng lượng; toàn bộ tình yêu làm chất đốt cho cuộc hướng nội tình cảm và tư duy trong cái văn khố đắm say và cặn kẽ về người yêu dấu. Người tình hồi hộp kê khai trong tâm trí danh mục những nét kiêu sa của nàng Beatriz; hoặc chơi vơi tán dương, sau cái chết, những buổi kỉ niệm, mà mình không còn sức để yêu cụ thể và yêu kề cạnh. Borges là nhà thơ của thứ tình yêu kiềm nén và nín lặng, không biết đến tính thân xác và chỉ có khả năng biến hình chuyển thể. Các nghị định thư u hoài và tẩn mẩn của con tim ông hiểu nỗi khổ ải của tình ái, cũng như hiểu niềm đắm say dịu dàng và lòng hoài nghi chua chát của một kẻ mơ mộng từ xa, và không để ý đến tính toàn diện của tình yêu.
Ác cảm của ông đối với sự sinh nở không chỉ là một thái độ phản bác của một nhà huyền học trước cái cuộc bội nhân vô ích của các hiện tượng bề ngoài cá biệt huyễn ảo, mà còn là cái hội chứng vô sinh sẵn sàng rập bẫy các tác phẩm của ông. Ông nói, các vị thần của ông không trao cho ông tính biểu cảm, vốn tạo ra đời sống, mà chỉ trao cho ông tính ám dụ, điều mà ông đề cập lướt qua. Thơ ca của ông nêu lên nỗi u uẩn của sự nhấn nhá thoáng qua này: “niềm thần khải sắp đến nhưng không đến”, chuyến ngóng chờ thất vọng về một nỗi niềm thầm kín tiêu tán trong cái tích tắc trước lúc nói ra. Borges là nhà thơ của cái khoảnh khắc chưa duỗi ra thành độ dài thời gian, của cái tính khả thi không được thực hiện; một số truyện kể của ông hình như là những phác thảo nháng lửa của một câu chuyện còn đó để mà viết ra.
Trong cái tiềm năng chưa được thỏa vọng này, ông hiện thân cho số phận của văn chương, không còn được giao phó để truyền đạt giá trị và kể lại những câu chuyện hội nhập với ý nghĩa của chúng. Ông đi vòng qua cuộc khủng hoảng này trong lúc giả cách điểm những quyển sách không hiện hữu, công khai cải trang sự sáng-tạo-ghi-chép-thư-mục hoặc sự sáng-tạo-chú-giải-bác-học của mình, để mà giấu đi – qua một phương cách rõ ràng là thao túng nỗi hoang mang – sự thiếu vắng sự thật. Tính hiện đại của ông là ở đây, chứ không phải ở sự khoa trương về một hành trang đồ sộ phức tạp, được sùng mộ thái quá, và trên thực tế, không hẳn thâm sâu như thế.
Nhà thơ lớn về tình cảnh tạm thời của con người, Borges là một độc giả tạp thực nhưng không phải là một nhà văn phồn dưỡng; sự uyên bác của ông là trăm ngàn yếu tố được tích lũy hơn là đồng hóa, là cái danh mục mô phỏng của một nhà văn thuộc địa (Cesare Acutis nhận xét), sở dụng cái truyền thống gốc đến mức ngoa dụ. Nghệ thuật kín đáo và quy rút của ông, vốn tin cậy cái bên lề và cái trầm lặng, dường như dễ dàng nhưng cực kỳ nguy hiểm khi bắt chước – Carmelo Samonà lưu ý. Như những kiểu bắt chước Kafka, những kiểu bắt chước Borges cũng kết thúc thảm hại: khi sao chép những công thức hình học đơn giản trong những tình tiết mê cung của ông, khi sao chép sự kích gợi trên bề mặt trong những lời bình luận ngụy tác của ông, khi đánh mất cái tính hai chiều đau đớn và mỉa mai trong thơ văn ông, vốn cho thấy sự nhớn nhác của trí năng trong cái cốt truyện cơ bản của thế giới. Quả thực, đôi lúc Borges – ở một số trang viết lặp lại và một số câu nói đùa lập dị phẳng lì trong những cuộc phỏng vấn vốn diễn ra rất nhiều lần – dường như là một trong những kẻ đạo văn ông.
Borges sống bằng lãi suất của chính mình và có lúc thành công trên thị trường; tác giả của một số trang tuyệt vời và nhiều trang lặp lại mệt nhọc, ông biết, sự bội tăng này, bên cạnh yêu cầu của chữ nghĩa, trong nhiều trường hợp, còn là một sự lạm tạo hoặc một sự che đậy cái tính cách vô sinh thầm kín, cái nỗi nhọc phải cam chịu tính khuôn sáo. Sầu muộn và mỉa mai, ông ý thức rằng, như đã phát biểu trong một bài tựa gần đây, bây giờ người ta thẩm định và tiếp nhận điều ông viết, không trên cơ sở cái giá trị của nó, mà trên cơ sở cái ý tưởng, đã được kết cấu trước và đã được củng cố, về những điều người ta đã biết về ông.
Những gì ông viết không trực thuộc ông nữa, mà trực thuộc người kia, cũng là một Borges. Và cái ông Borges này – đỏm đáng và say mê đối thoại với những nhà văn lớn trong quá khứ – không là một người trong số họ, ông ta không mang tầm vóc và sự vĩ đại của họ. Ông ta là một tiếng vọng, là cái bóng của họ, một nhà biên chú và luận giải về nền thơ ca thiên tài, như những nhà bình giảng trung cổ đã từng là những nhà chú thích, những nhà diễn giải và những nhà biên soạn các sách thánh. Ông ta là một người trong chúng ta, biết là mình đang rời xa sự vĩ đại đó, biết là mình không đại diện cho nó. Nhưng ông ta biết, cái vĩ đại là ở sự thể chúng ta không sở hữu cái vĩ đại, và hết sức da diết, ông ta nêu lên sự thiếu vắng, sự rời xa, và cảm thức hoài niệm này. Có thể Borges coi danh tiếng của ông là một sự phỉnh phờ; chính ông đã nói – và có lẽ đã tiến hành chuyện này – ông muốn viết để bác bỏ và đè bẹp Borges: hẳn đây là một lời nói đùa, một bí ẩn văn chương, nhưng lời nói đùa này – như nhiều bí ẩn khác của ông – thậm chí, kín đáo che giấu một sự thật, một phương thức để mà thực sự thành thật trong lúc giả cách nói đùa là mình thành thật.
Không chỉ những gì ông viết, mà cả những gì ông đang trải nghiệm, bây giờ trực thuộc về người kia, về Borges. “Có những điều xảy ra cho người kia, cho Borges”, ông viết trong một câu chuyện ngụ ngôn, mà có lẽ, là những trang tuyệt vời và thi vị nhất chưa từng được viết về quan hệ giữa cuộc sống và cái viết. Chữ nghĩa hấp thụ cuộc sống, biến những yêu thích nho nhỏ và những thú vị thường nhật thành những lời ngoa dụ phô trương và kiêu kì: “Tôi thích đồng hồ cát, bản đồ, những con tem thế kỷ 18, hương vị cà-phê và văn xuôi Stevenson; người kia chia sẻ các sở thích này, nhưng qua một phương thức tự cao tự đại, biến chúng thành những thuộc tính của một diễn viên.”
Cuộc sống buộc phải nhượng hoàn toàn cho cái viết, phải nhượng, trước hết, cho cái cuộc hãy-cứ-sống-đi không thể xác định và không thể tả xiết, vốn cấu thành cái tính sâu kín vô danh và thản nhiên của cuộc sinh tồn của chúng ta: dạo chơi đây đó, ngắm các mái vòm của một hành lang hè phố, đắm mình vào sắc màu một buổi tối, thiếp vào giấc ngủ. Cái cuộc sống thản nhiên và không thể thấu đạt này – vốn tồn tại trong một dòng sông sự vật hơn là tồn tại trong tình cảm và trong ý nghĩ – không nhận ra nó trong những lời lẽ của chính nó hoặc trong những quyển sách của chính nó, mà đúng hơn, nhận ra nó trong những quyển sách được kẻ khác viết hoặc trong một hợp âm rải của một cây đàn ghi-ta. Viết không cứu rỗi cuộc sống, ngay cả khi nó dành những khoảnh khắc sống còn nào đó của nó cho chữ nghĩa, bởi vì cuộc sống không thể nhận ra và không thể tìm gặp cái sự thật trực tiếp, bất khả biểu đạt, và thoáng qua của chính nó, trong chữ nghĩa.
Borges là một bậc thầy khi khơi mở cái tính quyến rũ ngoại lạ này của cuộc sống trong mỗi diễn đạt, cái khoảng cách giữa nhà văn và lời lẽ của họ. Ông tự tìm ra mình trong những quyển sách hơn là tìm ra mình trong người khác hoặc trong một hợp âm của cây đàn ghi-ta, bởi vì âm nhạc của các chữ nghĩa ấy hoặc của những hợp âm ấy chính là sự nhấn nhá trên niềm thần khải không sinh thành, là tiếng vọng hoặc hình ảnh về điều gì đó mà ông cảm được trong ông và không bao giờ có khả năng nói ra, trong lúc các quyển sách của ông là những diễn đạt đã hoàn tất và xác định – cho nên không đủ – về tư tưởng và nguyện vọng của ông và chúng đã trực thuộc quá khứ. Mỗi quyển sách, mà chúng ta đọc hoặc tìm lại để đọc, là hiện tại; mỗi quyển sách, mà chúng ta đã viết, là một cơ duyên qua một cung cách nào đó để lỡ, và chúng ta cảm thấy nó không ngang tầm với sự thật của chúng ta vào lúc đó và xa lạ với sự thật của chúng ta bây giờ.
Niềm thần khải lớn nhất chính là điều giúp chúng ta phát hiện ra phương cách chúng ta tồn tại bên ngoài, trong thực tại ngoại giới, trong thứ nước chiếu sáng hình ảnh chúng ta hoặc trong cái ánh mắt thu nhận và bao bọc cái hình bóng ấy, trong kí ức và tình cảm của người khác, những người đã gìn giữ và cứu rỗi hình ảnh chúng ta trong tim họ. Chúng ta hiện hữu trong ai thương yêu chúng ta và để chúng ta cư ngụ trong ý nghĩ của họ. Cái chết thực của chúng ta, đối với Borges, không xảy ra cùng với cuộc tàn lụi của cơ thể: quy trình này, như bài thơ Limiti nêu lên, không ngừng tiêu hao chúng ta trong từng khoảnh khắc. Nó diễn ra mỗi khi chúng ta, một cách không ý thức, lật một quyển sách lần cuối và vĩnh viễn không bao giờ đụng đến nó nữa hoặc rong ruổi trên một con đường và không bao giờ quay lại. Cái chết thực, như câu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời Testimone kể lại, xảy ra khi ánh mắt cuối cùng – từng nhìn thấy khuôn mặt chúng ta – khép lại; khi ý nghĩ cuối cùng của ai đó còn nhớ đến chúng ta tắt ngấm; khi những vết tích mà chúng ta để lại thế gian bị xóa nhòa: người Sác-xông cuối cùng, trong Testimone, chết trong lúc kéo theo vào cõi hư không những hình ảnh nghi lễ pagan cuối cùng, những thần tượng, những kẻ bị hiến tế ngã xuống của một thời đại đã biến mất.
Đối với Borges, mỗi người – như Dante trong dụ ngôn Inferno, I, 32 – cảm thấy mình đã nhận được và đánh mất một sự vật vô tận và không thể lấy lại. Đây là trực giác về cái bản sắc của chính mình, về cái tính hư trống vô định và không ngôi làm nên chúng ta. Trong Shakespeare chẳng có ai, chỉ có sự lành lạnh, chỉ có sự phù hoa hư ảo và vô danh, vốn cho phép ông là nhiều người, đảm nhiệm và làm chứng nhân cho cái thần thái của Ceasar, của Macbeth, của Giulietta; và Shakespeare, theo Borges, là mẫu thức của một người ngang tầm Thượng đế, là nhiều người trong một người. Như lời bạt cho Borges và tôi đề cập, chân dung tự họa của một người được chồng sắp, đan kết, đồng nhất với phong cảnh thế gian; những đường nét tạo ra vẻ đặc trưng của người ấy cũng vạch ra hình bóng những triều đại và những địa phương, hình bóng những bờ vịnh và những con ngựa, hình bóng sự đa bội hằng hà sa số của thế gian.
Borges muốn là nhà thơ của cái toàn thể, của những điều xảy ra được chấp nhận trọn vẹn bên trên cái thiện và cái ác. Nhân danh cuộc phê chuẩn sự-vật-như-chúng-là, Borges – người sở hữu tường tận cái tính trọng đại sử thi và sự cứng rắn của một người điền chủ bảo thủ dính kết với tính sở hữu và vô cảm trước những tình cảnh khốn cùng của con người – có lẽ do khuynh hướng tự gây tổn thương của một kẻ phản động, một cách nổi tiếng và đáng buồn, đã tỏ lòng qui lụy sự bạo hành và sự bất công, xúc phạm chính mình để mà xúc phạm cái chủ nghĩa tuân thủ cấp tiến. Thế giới của ông là sự lặp đi lặp lại không thay đổi cái thiên sử thi điền địa, phản ánh nỗi ám ảnh vòng vòng vốn thống lĩnh trí tưởng tượng của ông. Có lẽ ông không nhìn thấy Aleph, niềm thần khải đồng thời về cái toàn thể; tài tình và mỉa mai, ông ý thức về sự phân hóa giữa cái tôi-sống và cái tôi-viết, thế là Borges sáng tạo ra câu chuyện của một Borges, táo tợn và kiêu kì hơn, có lẽ đã nhìn thấy Aleph hoặc, như Roberto Paoli viết, có những lí do tin cậy để bảo rằng mình đã nhìn thấy.
Về cái tính cách toàn thể này, người ta chỉ còn một ít phần mảnh biệt lập, cuộc hiện diện trơ trụi của một số sự kiện. Borges thu rút cuộc sống vào cái tính thản nhiên của những sự kiện vốn tuân theo một quy luật vật lý khắc nghiệt hoặc tuân theo sự ngẫu nhiên, cả hai đều được khấu trừ khỏi cuộc phán xét đạo đức. Trong vũ trụ của Borges, tồn tại những mã ứng xử, nhưng không tồn tại tội lỗi cũng như không tồn tại hệ quả của tội lỗi, vốn là một tính cách tâm lý, cái vết khâu trong tim con người, đối tượng cho sự khảo sát của lương tâm. Trên những đường nứt về nhân cách này, Borges uốn dựng một tôn ti trật tự khách quan như giải tường thành Vallo của hoàng đế Adriano hoặc chiếc cầu của Kipling, một định luật qua đó cái cá thể tự đồng nhất với số phận của chính nó. Bởi vậy, ông coi nhẹ tính nội quan của tiểu thuyết tâm lý và yêu thích các pho truyện sắt đá Bắc u, trong đó cái cốt lõi – những trận đánh, những cuộc rửa hận, cái chết – xuất lộ trên cơ sở thuần sự kiện: sóng biển vỡ tan trên bờ đá hoặc tiếng quang quác của một con mòng biển.
Những sự kiện này tự vạch ra trước cặp mắt hầu như tắt lịm của nhà thơ, người biết rằng ngay cả mình cũng chỉ là một trong những sự kiện ấy, biệt lập với thế gian như một vật thể bị bỏ rơi trên bãi biển. Hai năm trước, ở Venice, ông khẩn thiết yêu cầu chúng tôi miêu tả sắc màu và hình thể của những tòa nhà trên nước, thế mà khi câu chuyện quay sang một tác phẩm của ông, ông bối rối rút lời. Ông biết, mình không có quyền tự vinh danh lời lẽ của mình: khi tôi cảm tạ ông về những dòng viết đầu trong Aleph – những dòng viết vốn giúp mỗi người chúng ta hiểu được điều gì sẽ thực sự mất đi cùng với cái chết của một người thân yêu – thì ông ngại ngùng; có lẽ ông bàng hoàng tự hỏi, làm thế nào, trong cái tính cách không thể dự kiến và trên-cá-nhân của ân sủng thơ ca, sự thật này, lời lẽ này, lại là phần số của ông, mà giờ đây đã trở thành phần số của thế gian, trực thuộc một người khác chứ không còn trực thuộc ông nữa.
Về các tác phẩm của ông, hẳn ông đã nghĩ như Asterione – vị thần Nhân ngư trong câu chuyện của ông – nghĩ về mặt trời và các vì sao: có lẽ chính ta đã tạo dựng ra chúng, thế mà ta không nhớ. Nay Borges tròn 80 tuổi. Chúng ta vĩnh viễn học được từ ông, rằng thời gian, như ông viết, là một dòng sông cuốn chúng ta đi, nhưng chính chúng ta lại là dòng sông ấy. Có lẽ, ngay cả về cái sự thật này, chúng ta cũng không biết cách để nó cứu giúp chúng ta. Cuộc sống, Borges nói, trao cho mỗi người tất cả mọi sự, thế mà hầu như tất cả mọi người đều lơ là.

(Tác giả: C. Magris; Vũ Ngọc Thăng dịch)

Theo Talawas