Cầm Kỳ Official1,09 N người đăng kýSố liệu phân tíchChỉnh sửa video

Kỷ niệm ngày 30 tháng 4, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu về ông Nguyễn Văn Bảy anh hùng LLVTNDVN, phi công lái máy bay MIG-17!

Sau đây là tâm sự của nhà thơ-nhạc sĩ Hồ Hữu Việt, người đã sáng tác và phổ nhạc bài thơ BÔNG SEN ĐỒNG THÁP để tặng anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

BÔNG SEN ĐỒNG THÁP

Sắp đến ngày 30/4, Ngày toàn thắng, Ngày thống nhất đất nước, càng nhớ tới công lao của những anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân. Tôi có người bạn quý là Nguyễn Chánh có cơ duyên gặp gỡ những người anh hùng và gia đình của họ, lại có tài viết lại những câu chuyện thật xúc động, sâu nặng lòng biết ơn về những anh hùng, những liệt sĩ. Sắp đến ngày lễ lớn của dân tộc, tôi sẽ đăng lên các ca khúc tôi đã viết và hoàn thành sản xuất, dựa theo cảm xúc khi đọc các bài đăng của Nguyễn Chánh. Ca khúc đầu tiên tôi đăng lên hôm nay là về người anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, người đã lái MIC-17 có tốc độ bay chậm, trang bị vũ khí thô sơ pháo 37mm và 23mm, không có rada, người đã được Bác Hồ gắn tặng 7 huy hiệu do bắn hạ 7 máy bay tiêm kích tối tân F-8E và F-105 hiện đại của Mỹ được trang bị đầy đủ rada và tên lửa. Thành tích bắn hạ máy bay Mỹ có thể còn nhiều hơn nếu như Bác Hồ không lệnh cho BTL PKKQ không cho ông Bảy bay nữa để làm nhân chứng sống về người con anh hùng của miền Nam yêu thương, về công lao bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước của những con em miền Nam. Sau thống nhất, người anh hùng trở lại với quê hương Đồng Tháp, vẫn là người nông dân chân chất nuôi heo, thả cá, trồng rau, được bà con nông dân yêu quý, được cả các cựu phi công Mỹ nể phục. Ông đã góp công sức không nhỏ để hàn gắn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Mỹ và Việt Nam.

Thật tiếc nuối khi vợ chồng tôi, vợ chồng Đỗ Vũ, vợ chồng Nguyễn Hải Thanh cùng nhạc sĩ phối khí Tophoi Vu bay vào Sài Gòn để bạn Nguyễn Chánh đưa đến thăm chú Tư Cang, người anh hùng tình báo và tặng chú ca khúc tôi sáng tác về chú, chúng tôi đã hẹn hò với chú Nguyễn Văn Bảy dịp tới sẽ cùng chú Tư Cang, chú Bảy cụng ly chúc mừng nhân dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 năm đó, thì trước dịp gặp mặt, chú Bảy đột ngột gặp bạo bệnh và vĩnh viễn ra đi. Nhận được tin, ngay trong đêm tôi đã hoàn thành ca khúc này viết tặng gia đình chú Bảy, còn nhạc sĩ và ca sĩ đã rất tâm huyết hoàn thành sản xuất ca khúc, ghi đĩa ngay trong vài ngày sau, kịp gửi bạn Nguyễn Chánh trao cho gia đình chú Bảy đúng vào ngày đưa chú về với mảnh đất quê hương Đồng Tháp, cho chú nghe ca khúc hát về chú, về Bông sen Đồng Tháp ngát hương trong lòng dân tộc.

Mời các bạn lắng nghe ca khúc về anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy qua giọng hát của ca sĩ Huy Quyết.

BÔNG SEN ĐỒNG THÁP

Như bông sen Tháp Mười thơm ngát

Người lính không quân ghi tạc sử xanh

Những chiến công một thời lừng danh

MIC đơn sơ hạ tiêm kích tối tân.

Sau chiến tranh lại thành nông dân

Nuôi cá trồng khoai chân đất đầu trần

Rượu đế bình dân nụ cười sảng khoái

Chòm râu ung dung đẹp mãi trong lòng dân…

Ơi anh hùng Nguyễn Văn Bảy không quân

Cựu thù xưa thành bạn đến thăm

Ngả mũ nghiêng mình trước nhân cách Việt Nam

Như bông sen Đồng Tháp ngát hương

Nhà thơ- nhạc sĩ Hồ Hữu Việt

Sau đây, xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Chánh về người anh hùng phi công đặc biệt này.

NGƯỜI ANH HÙNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG!

Tên ông là: Nguyễn Văn Bảy – anh hùng LLVTNDVN, phi công lái máy bay MIG-17!

Ông Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936 tại Đồng Tháp. Năm ông 17 tuổi, ông theo du kích rồi tập kết ra miền Bắc năm 1954.

 Nghe về ông, đọc về ông và được mọi người kể về ông không ít lần? Có viết về ông nữa thì cũng bằng thừa, vì ông là một anh hùng quá nổi tiếng một thời của đất nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước? Nhưng quả thực, tôi rất xúc động khi hôm nay chúng tôi được gặp ông ở quê nhà Lai Vung (Đồng Tháp) và được nghe ông kể về những trận đánh quần nhau trên không có một không hai với lũ F-4 Faltom, được nghe ông kể chuyện học 7 ngày xong 7 lớp bổ túc mà cười muốn đứt ruột? “Tao là thằng nông dân thất học, thế rồi cũng liều mạng leo lên máy bay MIG-17 để đánh nhau với lũ F-4 Faltom và F-105 thần sấm để rồi vít cổ tới 7 cái xuống đất mà không một lần bị tụi nó bắn rơi mình?!”. Phẩm chất chất phác, chân thật, dễ mến của con người nông dân Nam Bộ ấy thế mà một thời làm các phi công Mỹ phải khiếp sợ khi đụng độ với ông trên bầu trời miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước! Ông là lứa phi công đầu tiên lái tiêm kích của không quân nhân dân Việt Nam , được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 1/1967 cùng với Trần Hanh và Lâm Văn Lích do chính chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký. Câu chuyện của ông thật sự là một huyền thoại, tan giặc rồi thì ông lui về cuộc sống đời thường làm nông dân sau khi nghỉ hưu năm 1990 với cấp bậc đại tá. Ông bảo, ông học lái MIG-17 ở Trung Quốc, có sang Liên Xô một năm. Khi tôi giới thiệu với ông là tôi học ở Liên Xô, ông nói với tôi mấy câu chào hỏi bằng tiếng Nga rồi bất ngờ hỏi tôi: tao đố mày câu này nhé, ông nói tiếng Nga có phần ngọng nhưng cũng đủ để tôi hiểu và phá lên cười: papa liubit supa, mama liubit khuy stoit?!!! Thế đấy, ông là một con người rất hóm hỉnh, thích kể chuyện tiếu lâm. Ông nói với tôi hôm nay: tao tự nhận thấy mình đánh giặc cũng giỏi, lao động làm nông cũng giỏi và uống rượu thì rất giỏi!

Ông kể với tôi, hôm ấy là tháng 5/1967, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng máy bay ra miền Bắc rất ác liệt. Cuộc chiến trên không giữa ta và địch không cân sức. Đã có rất nhiều phi công của chúng ta đã hy sinh. Ngày hôm trước, phi công Mẫn (cũng gốc Nam Bộ tập kết) đã hy sinh khi chiếc máy bay MIG-17 của anh bị địch bắn rơi. Ông Bảy lúc bấy giờ là phi công có thành tích tốt nhất, đã được phong anh hùng, bắn rơi được 7 chiếc máy bay Mỹ trên chiếc máy bay MIG-17 cà tàng. Ông đã đăng ký trực chiến ngày hôm đó. Nhưng không biết vì lý do gì, ông không được lệnh xuất kích? Sau đó hỏi ra thì được biết, Bác Hồ đã lệnh không cho ông đánh nữa! Bác bảo, chú Bảy đánh thế là được rồi. Chú bắn rơi được 7 chiếc, chưa có ai bắn được nhiều như thế! Giờ phải giữ mạng sống cho chú ấy để sau này giải phóng miền Nam, chú ấy chở Bác vào Nam và cũng để chú ấy kể cho đồng bào miền Nam nghe về chiến công của người con Nam Bộ trên miền Bắc! Thế là sau đấy, ông Bảy không được bay chiến đấu nữa. Ông Bảy nói với tôi: tao có thể đánh được vài trận nữa, bắn rơi thêm vài chiếc nữa nhưng cũng có thể tao cũng bị tụi nó bắn rơi rồi hy sinh, giờ này không còn ngồi đây để kể chuyện với tụi bay? Ngày ấy, mỗi trung đoàn không quân gồm 34 chiếc máy bay MIG-17. Con số 34 là tượng trưng cho 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944! Mỗi một trung đoàn, luôn luôn được bổ sung đủ số lượng 34 chiếc máy bay. Binh chủng không quân là binh chủng mới, Bác thường xuyên xuống thăm và khích lệ, nhờ đó mà ông Bảy được gặp Bác rất nhiều lần và Bác yêu quý các phi công anh hùng. Ông Bảy kể, mỗi lần Bác xuống thăm trung đoàn, Bác hỏi thăm từng phi công và hỏi đã bắn rơi được mấy chiếc máy bay Mỹ rồi? Bác đã đề nghị trung đoàn làm huy hiệu của Bác và trao tặng cho mỗi phi công khi họ bắn rơi được máy bay Mỹ và như thế, trên ngực áo đeo bao nhiêu chiếc huy hiệu Bác thì tương ứng với số máy bay mà mình bắn rơi. Vâng, tôi đã đếm được trên ngực áo của ông Bảy có 7 cái huy hiệu Bác như thế!

Ngày Bác mất 2/9/1969, ông cũng được đứng cạnh linh cữu của Bác và hôm trong lễ truy điệu Bác ở quảng trường Ba Đình, ông cũng là phi công được giao trọng trách bay qua quảng trường Ba Đình để đưa tiễn Bác! Ông bảo, ông học được ở Bác rất nhiều và ông cũng sống được đến giờ là nhờ ở Bác để giờ kể cho đồng bào miền Nam nghe những chiến công của mình. Nhấp một ngụm rượu, ông nói: tao là nông dân, ít học. Viết báo cáo không biết viết, cứ viết như đang nói, chả có đặt dấu chấm, dấu phảy gì hết? Khi nào thấy mỏi tay quá thì dừng lại đặt dấu chấm?! Thế đấy, cốt cách của ông là như vậy, nên năm 1990, khi ông 55 tuổi, ông nhất quyết xin nghỉ hưu để nhường vai trò quản lý cho lớp trẻ chứ không tham chức tước mà ngồi mãi ở đó! Vì thế, ông luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người trong đơn vị và Bộ quốc phòng. Ông là lão nông Nam Bộ chính gốc, giờ ở cái tuổi 82, nhưng ông cực kỳ khoẻ mạnh và minh mẫn, ngày ngày vẫn làm công việc của nhà nông thăm viếng ruộng vườn và ao cá, sống thanh tao với chén rượu quê do ông tự nấu, không màng danh vọng, tiền bạc và cực kỳ hiếu khách. Ông tiếp rượu tôi và uống hết mình. Ông bảo tôi: đời tao có duyên với số 7 nghen, ba chìm, bảy nổi!? Bác Hồ có duyên với số 9, nghe đây: Bác sinh năm 1890, sinh ngày 19/5, khai sinh ra nước VNDCCH ngày 2/9, Bác mất ngày 2/9/1969! Còn tao, thì: tên là Bảy, năm 17 tuổi đi bộ đội, học bổ túc 7 ngày xong 7 lớp, lái máy bay MIG-17, bắn rơi 7 máy bay Mỹ sau khi bắn 7 lần, được phong tặng danh hiệu anh hùng năm 1967, đẻ thằng con trai đầu năm 1967 và năm 2017 đáp máy bay qua Huê Kỳ giao lưu phi công Việt-Mỹ ở San Diego! Hôm nay, tôi bổ sung cho ông thêm một sự kiện: ăn nhậu với thằng Chánh tháng 11/2017! Ông cười thật hiền và bảo: mày còn phải về đây nhậu dài dài với tao chứ, Chánh? Vâng, tôi sẽ còn dài dài về nhậu với ông trong ngôi nhà đơn sơ ấy với lòng kính trọng một người anh hùng giữa thời bình!