TRẦN NHẬT THU

Nguyễn Thị Thu Huệ là một gương mặt khá tiêu biểu của văn xuôi nữ Việt Nam đương đại ở thể loại truyện ngắn. Dù chưa thực sự rõ nét, nhưng trong truyện ngắn của nhà văn này, người đọc vẫn có thể nhận thấy hai kiểu nhân vật cơ bản mang màu sắc hiện sinh: kiểu nhân vật cô đơn và kiểu nhân vật tranh đấu, nổi loạn. Ở kiểu nhân vật thứ nhất, nhà văn lý giải nỗi cô đơn như một căn bệnh cố hữu của con người, của phận người. Ở kiểu nhân vật thứ hai, chị khẳng định ý thức tranh đấu mạnh mẽ cho một cuộc tồn sinh đích thực. Sắc thái hiện sinh được nhấn mạnh khi nhà văn bàn luận về tính chất mơ hồ, ảo vọng trong cuộc hành trình tự khẳng định mình của các nhân vật. Có thể nhận thấy, chủ đề hiện sinh đã được Nguyễn Thị Thu Huệ thể nghiệm theo lối quen mà vẫn lạ, và gợi nhiều suy ngẫm cho độc giả.

Trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn, Nguyễn Thị Thu Huệ chưa từng nhận mình là nhà hiện sinh chủ nghĩa, và cũng chưa từng bàn sâu vấn đề này. Tuy thế, truyện ngắn của chị cũng như những tâm sự ngoài đời dường như lại đậm đà sắc thái hiện sinh. Chị từng phát biểu: “Tôi luôn thấy những niềm vui, sự hạnh phúc của con người không dài lâu. Đã hiếm lại còn ngắn và mong manh bởi những biến cố, bất trắc rình rập, chờ đón ngoài cửa, chờ thời cơ đổ ập xuống đầu con người. Cuộc sống là vô giá và kỳ diệu vô cùng. Nhưng để có một cuộc sống với những hạnh phúc con con, giản dị thật khó nếu con người không mỗi ngày ném những que diêm vào ngọn lửa hạnh phúc để nó luôn cháy mãi”; “Thực ra tôi luôn cảm thấy cuộc sống này đầy những rủi ro bất ngờ. Bao giờ tôi cũng có cảm giác đôi khi là buồn, đôi khi là thất vọng và cũng lo lắng cho tương lai bởi không có chỗ dựa nào khác”. Không biết cái tâm trạng ấy có “vận” vào văn không mà văn chương của Nguyễn Thị Thu Huệ cứ chênh chao như người làm xiếc đi trên sợi dây thép mỏng manh. Bao nhiêu gương mặt hiện lên là bấy nhiêu tâm trạng, bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu những nỗi niềm khó gọi thành tên. Trong tầng tầng xúc cảm đó, Nguyễn Thị Thu Huệ đặc biệt quan tâm đến thứ cảm giác mang tên gọi “cô đơn”. Tác phẩm của chị viết nhiều về những nhân vật mang nặng mặc cảm cô đơn như mang trên vai cây thập ác, những nhân vật dám chống lại, thậm chí giẫm đạp lên mọi giới hạn để khẳng định sự tồn tại của bản thể, những nhân vật cả một đời chỉ “đuổi hình bắt bóng”, chạy theo những ảo vọng không ngờ…

Kiểu nhân vật cô đơn

Cô đơn là căn bệnh trầm kha của con người trong hoàn cảnh xã hội hiện đại ngày càng đi vào trạng thái nhiễu loạn, phân mảnh. Sẽ rất khó để trả lời câu hỏi tại sao con người cô đơn, vì lẽ, với Nguyễn Thị Thu Huệ, “Con người. Ngày càng đông như kiến nhưng chẳng ai giống ai. Mỗi người buồn một kiểu, vui một lối. Tại cái gì, tại ai mà bao thế hệ đều nhiễm một cái buồn thâm căn cố đế?” (Dĩ vãng).

Nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ cô đơn vì nhiều nguyên cớ. Có những người cô đơn vì không được thấu hiểu. Trong Tân cảng, người phụ nữ gạt nước mắt đi tìm cảng mới cho mình vì lẽ chồng chị – người đàn ông thành đạt – đã bao đêm “không nghe tiếng thở dài tức ngực của người đàn bà chưa đến bốn mươi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ đang dần dần cần sự yêu chiều, ve vuốt. Anh không kịp nhìn thấy chị đợi anh bằng chiếc váy satanh bóng mới mua mát lịm như miếng thạch… Và anh cũng chẳng kịp biết đến một lọ hoa to chị cắm góc phòng đang dịu dàng tỏa hương… Tất cả. Tất cả đầy đủ và hoàn thiện… Chỉ đợi có anh”. Trong Nước mắt đàn ông, người đàn ông trung niên có đầy đủ của cải, vật chất nhưng vẫn tuyệt đối cô độc bởi “con cái không ai theo nghề và hiểu cậu… Người yêu cậu thì đi lấy chồng… Ai cũng nhìn thấy cậu sung sướng. Còn bản thân, cậu thấy cô độc”.

Cái sự không hiểu, không chạm đến được tâm hồn nhau dẫn đến những hệ lụy buồn. Trong Cú mèo và rượu hoa, vì người chồng trót đã hiến mình toàn tâm toàn ý cho khoa học, nên “căn nhà hai trăm mét bốn bề gió thổi” mới trở thành cái lồng giam hãm tuổi thanh xuân, mới khiến cho người phụ nữ “hóa dại”. Việc thủy chung thờ sống một người chồng vô tâm vô tình khiến cái nhan sắc mặn mà đáng thương kia phải “lao từ trên lan can lầu hai xuống sân, chết ngay, hai mắt mở trừng trừng không làm sao mà kéo cho nhắm lại”.

Có những khi, người ta phải chịu cô đơn như một sự trả giá xứng đáng cho những lỗi lầm mình đã mắc phải. Trong Giai nhân, Sao đã từng ngẩng cao đầu thách đố bao nhiêu người đàn ông, đã từng giẫm đạp lên rất nhiều những mối tình, trong đó có cả những tấm chân tình. Cô sống theo cách của riêng mình, “sáng lấp lánh giữa những người xung quanh”. Sợi dây liên lạc nối Sao với thế giới còn lại chính là “cái điện thoại đổ chuông suốt ngày đến toát mồ hôi”. Cái điện thoại ấy chính là một biểu tượng: “Cô chợt nhận ra ngày hôm nay cái điện thoại im phăng phắc như thể bị đứt dây hoặc là không tồn tại. Mới hôm qua. Dài đằng đẵng những năm trước đó, nó liên tục kêu réo như một con dê bị đói triền miên… Một tia hy vọng hé lên. Hay là điện thoại hỏng?…”. Bởi khi điện thoại ngưng tiếng, Sao cũng gần như bị cô lập với thế giới người. Lần đầu tiên, ngôi sao lấp lánh kiêu kỳ ấy phải run rẩy cầu xin số phận: “Ai nhỉ? Ai đến với tôi lúc này nhỉ? Tiếng gõ cửa lạ quá. Hình như chưa có bao giờ. Trời ơi… Tôi thề. Tôi thề tôi sẽ yêu người gõ cửa này. Sẽ lấy người đó làm chồng. Tôi cô đơn quá rồi…”.

Trớ trêu nhất là những khi, sau bao nhiêu bon chen, giành giật, được mất, lại đắng đót nhận ra rằng hóa ra mình vẫn hoàn toàn trắng tay. Trong Hậu thiên đường, cái khoảng không gian huyền diệu đầy ánh hào quang ngỡ như trước mắt, nhưng hóa ra ngay sau lưng nó lại là ảo vọng, và hơn thế nữa, là vực sâu không cùng: “Tôi nằm ngả ra giường. Đắng ngắt. Thế nào nhỉ? Bốn mươi tuổi. Tôi đã có gì cho mình. Tiền tài vớ vẩn, chỉ đủ ăn và giữ một cuộc sống đạm bạc. Một vài cái váy để đi dạ hội và các cuộc hò hẹn. Công việc diễn ra đều đều. Và nỗi nghi ngờ đàn ông ngày càng tăng… Bỗng dưng. Tôi thấy sập xuống người mình một nỗi trống trải hoang vắng khủng khiếp”.

Có những lúc, người ta giam mình trong bầu khí quyển đơn côi để chờ đợi một cái gì mà chính họ cũng không hiểu rõ. Rất nhiều nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ hô hấp trong cái chờ đợi đớn đau đó: “Dù rằng đến phút ấy, tôi vẫn chưa được gì trọn vẹn của cuộc đời. Luôn luôn cô đơn, khát khao một cái gì cụ thể nên chẳng bao giờ có” (Cát đợi); “cứ đợi một cái gì mà chính mình không biết” (Giai nhân).

Và nhiều khi, cô đơn trở thành thuộc tính người, như thể định mệnh đã an bài: trót sinh ra làm người tất phải nếm trải cảm giác cô đơn. “Sao tôi bỗng cô đơn và sợ cuộc sống thế này?” (Minu xinh đẹp); “Em cảm thấy mình đơn độc quá” (Ám ảnh)…

Nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ được cấu trúc không toàn vẹn mà chỉ là những mảnh số phận dạt vào nhau, bấu víu lẫn nhau. Nhà văn không chủ ý tạo hình những hạnh phúc toàn vẹn nguyên hình nguyên khối, chỉ chú ý đến những sự lắp ghép có phần khập khiễng giữa những mảnh – vỡ – người: một cô gái điên trong mắt tất cả mọi người lại là cô gái toàn vẹn trong mắt người đàn ông nghễnh ngãng, mờ mắt bị vợ bỏ; một người đàn ông giàu có về tâm hồn lại phải chung sống với người vợ vô tâm, vô tình, hoàn toàn không hiểu chồng; một người đàn bà cần người chồng thực thụ hơn là cần danh tiếng hư ảo lại phải sống với người chồng ở bên mình mà không hiểu mình muốn gì; một người vợ “thèm bão tố” bên một người chồng đã “kinh hãi chiến tranh và những gì ồn ào”…

Kiểu nhân vật tranh đấu và nổi loạn

Các nhà hiện sinh dùng tác phẩm của mình để tuyên ngôn cho một lối sống tích cực, một lối sống theo kiểu “cháy hết mình”, bởi cuộc sống này quá nhiều những điều bất trắc rình rập, cuộc sống này không dài và đầy ánh hào quang như người ta hằng tưởng. Nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng vương chút màu sắc hiện sinh này khi luôn trăn trở, tự vấn để tìm được cách sống ý nghĩa. Họ có những phản ứng tích cực theo hướng xác quyết sự hiện hữu của mình. Hình ảnh “tân cảng” trong truyện ngắn cùng tên trở thành biểu tượng cho những miền đất mới mà con người khao khát kiếm tìm. Không phải ngẫu nhiên mà người mẹ đã phân biệt một cách rành rẽ hai vùng đất, cũng chính là hai khoảng không gian sáng và tối: “Mẹ nói khi cả hai cùng nhìn về phía Tân cảng: ‘Con thấy cuộc sống ở đó không? Suốt ngày đêm tàu ra vào tấp nập. Đấy là bến cho các con tàu đến rồi đi’. Quay sang phía khác. Lờ mờ trong bóng tối bên kia sông là làng xóm, âm thầm tĩnh lặng. Mẹ lại bảo: ‘Đấy là các gia đình tối đến quây quần, loanh quanh rồi ngủ, mai dậy sớm đi làm’… Nó hỏi: ‘Tân cảng là gì ạ?’. ‘Là cảng mới. Bao giờ cũng cần bến mới cho những con tàu’”. Vùng đất yên bình nhưng lặng lẽ không đủ để lấp đầy trái tim khao khát yêu đương của người vợ trẻ, vì vậy, dẫu xước máu tận đáy lòng, chị vẫn đành phải ra đi để tìm một cảng mới cho riêng mình. Đây cũng chính là tâm sự của cô gái trong  Người xưa: “Cô bé tuổi mười lăm – hôm nay hai mươi sáu – luôn muốn một cái gì như gió bão chứ không đủ sức chịu đựng và chờ đợi sự thấm lâu của mưa ngâu”. Có những con người không bao giờ có thể chịu đựng nổi dù chỉ một phút giây tẻ nhạt, họ muốn và cần sống hết mình. Với họ, những tín điều, luật lệ, quan niệm của người đời không bao giờ có thể là rào cản. Bởi khi cần, họ có thể sẵn sàng bung tỏa: “Đời là cái cóc khô gì? Danh dự là cái cóc khô gì? Anh giữ mọi thứ để làm gì? Chết đi, anh cũng một nắm đất như ai. Sống như anh cả đời không biết đến điếu thuốc ngon, một buổi chiều yên ả, một bãi biển để nghỉ thì sống làm gì?… Phải làm sao cho sướng chứ. Còn vài năm ta phải sống cho ta” (Minu xinh đẹp). Nếu không hiểu được điều này, thật khó để lý giải vì sao người vợ xinh đẹp của ông Xung trong Dĩ vãng lại không thể cùng ông thưởng thức vẻ đẹp của vườn hồng trong những đêm trăng thật là trăng mà cứ mãi “lồng lộn đau khổ như bị ai lấy cắp cái gì”. Người phụ nữ ấy “tiếc đời, tiếc tuổi trẻ đã qua, tiếc những năm tháng không có chồng bên cạnh”. Thứ tình yêu đong đầy nhưng sâu lắng của ông Xung không đủ sức mạnh để giữ chân người phụ nữ “suốt đời đam mê cái gì đó chính cô ấy không hiểu”, người phụ nữ “khao khát một cuộc sống mà tình yêu phải là ngọn lửa thiêu đốt”, cho dù có thể vì thế mà “đau đớn, bị quật ngã”. Ông Xung thèm được sống bình yên, còn nàng lại ở một cực khác – “bình yên quá, đâm thèm bão tố”.

Tuy nhiên, nhiều nhân vật nữ của Nguyễn Thị Thu Huệ có lối phản ứng khá cực đoan với vấn đề gia đình. Trong khi tranh đấu đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho mình, họ mặc nhiên xem việc làm vợ, làm mẹ không phải là thiên tính, thiên chức mà ngược lại, là gánh nặng, là sự cản trở. Trong Một nửa cuộc đời, Lan van nài Thắng – người tình của cô: “Em sợ cuộc sống buồn tẻ. Nó giết chết tuổi trẻ và những ham muốn. Cuộc sống tuyệt vời thế này vậy mà hàng ngày em cứ lọ mọ như một mụ già xẩm sờ xó bếp. Cơm nước, con cái và ngu si dần đi… Chúng mình hãy rũ bỏ tất cả. Đến với nhau đi anh. Sắp già và chết đến nơi rồi”. Đây cũng là tâm trạng của My trong Thiếu phụ chưa chồng: “Buổi sáng làm việc nhà. Chiều cơm nước gà qué, tưới ruộng rau, ăn và ngủ. Cuộc sống cứ thế trôi đi, ảm đạm và buồn tẻ… Đời người là cả một cái vòng khổ ải. Tất cả, tất cả đều quay cuồng suốt từ khi sinh ra đến lúc chết đi để kiếm miếng ăn như thể bị đói từ kiếp trước”; “Chị có biết hàng đêm, ở cái xứ chó ăn đá gà ăn sỏi ấy, nếu không thuê băng Hồng Kông bộ về xem thì toàn lang thang một mình, ngửa mặt, ngắm trăng sao. Tai thay bằng nghe những lời yêu đương thì toàn nghe tiếng chó sủa trăng không? Ai nghĩ đến tôi? Chẳng lẽ cái đời tôi chỉ cần có ăn với ngủ là xong thôi à? Sẩm tối là nhà nào biết nhà ấy, cứ thanh bình mà sống nếu như ngày hôm ấy không bị sổng con gà hay mất con chó. Rồi đẻ. Đẻ một lũ mặt mũi ngờ nghệch như ở trong hang, trong hốc”. Những suy nghĩ của My ít nhiều cũng chính là một cách thức phản ứng, một sự vùng vẫy để tự giải thoát mình – cho dù cực đoan. Trong Giai nhân, cách suy nghĩ này một lần nữa xuất hiện ở Sao khi cô tuyên bố với người yêu về quyết định phá bỏ đứa con trong bụng mình: “Tôi không muốn giết tuổi trẻ của mình bằng con đường tự biến mình thành con ở. Tôi còn quá trẻ để ngồi ôm con cửa sổ ngóng chồng đi làm về mỗi sáng, mỗi chiều. Tôi còn phải học, phải phấn đấu để có một cái tên trong cuộc đời này. Thành bà nọ bà kia mới khó, chứ thành vú em khó gì”…

Hành trình kiếm tìm và ảo vọng cuối con đường

Triết học hiện sinh và theo sau đó là văn học hiện sinh tôn vinh con người ở hành trình kiếm tìm và thể hiện bản ngã vất vả, nhọc nhằn của nó. Nhưng cũng cần phải biết cái ý nghĩa đau đớn rằng cuối cuộc hành trình ấy rất có thể chỉ là hư vô, là câu hỏi không bao giờ tìm được lời giải đáp. Trong thế giới truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, dường như có những cuộc hành trình như thế.

Ở Nước mắt đàn ông, chứng kiến nỗi cô đơn và tuyệt vọng tột cùng của cậu, đứa cháu tự hỏi: “Không biết đến lúc nào hay là chẳng bao giờ sẽ có một cánh buồm đỏ trên mặt hồ đầy sóng kia? Cánh buồm của tôi”. Cánh buồm đỏ của niềm tin và hy vọng có lẽ sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Bởi đôi khi, cuộc hành trình kiếm tìm và thể nghiệm kia chỉ là ảo vọng, là “khắc dấu mạn thuyền”.  (“Đánh dấu mạn thuyền? Là có người đi trên thuyền giữa dòng rơi cái gươm xuống nước, liền đánh dấu vào mạn thuyền. Lên bờ, cứ chỗ đánh dấu mà tìm gươm, chả bao giờ thấy”). Đôi khi, nó là sự tan nát ngay trong giờ phút tưởng như là thăng hoa nhất, như ý thơ của Hainơ: “Có khi mò được ngọc châu dưới đáy biển. E giữa vời tan nát biết đâu”. Và cũng rất nhiều khi, hành trình ấy kết thúc bằng sự tuyệt vọng bởi “tôi như một kẻ khùng điên, ngày ngày chạy ra dòng suối của đời mình kiếm tìm một hạt ngọc trôi qua để vồ chụp. Chẳng thấy ngọc đâu, chỉ toàn cá chết” (Người đi tìm giấc mơ). Hay thậm chí, đó chỉ là sự nhầm lẫn, như người vợ của ông Xung trong Dĩ vãng: “Chẳng qua, cô ấy cứ lấy cái đau khổ mới lấp lên cái đau khổ cũ và gọi đấy là hạnh phúc”. Thế mới hay, hóa ra, số phận chỉ chực chờ để chơi khăm con người, để láo lường con người trong cái vòng luẩn quẩn của nó. Con người khổ sở, con người lặn ngụp, nhưng cũng chính từ trong cái ảo vọng miên viễn đó mà ý nghĩa của cuộc hành trình hiện sinh càng tỏa sáng.

Nhưng, cho dù như thế thì vẫn “không ai chịu sống qua kinh nghiệm của người đi trước. Lại cứ thích bằng kinh nghiệm của chính mình. Thích tự mình rút ra điều phải làm. Có khi phải ân hận và trả giá suốt cuộc đời…” (Còn lại một vầng trăng)

T.N.T