Nhà báo Mai Nhung

“Ngôn ngữ trong thơ Chân, ý nghĩ trong thơ Chân luôn thuần Việt. Nó sắc bén, tỉ mỉ, rất gợi, rất tình, phảng phất những thắc thỏm, âu lo” là chia sẻ của nhà báo Mai Nhung gửi đến Dân Việt khi nói về tập thơ “Bóng của ý nghĩ” của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân.

Một chiều Hà Nội gần ba mươi năm trước, trong con ngõ lầy lội ẩm ướt mưa, ngược về phía tôi là cô ấy, còn trẻ lắm, đạp xe lộc cộc vượt qua những ổ gà một cách vất vả để vào cái xóm trọ thuở hàn vi của tôi trong khu Giảng Võ. Thấy tôi, mắt cô long lanh, mừng rỡ bảo: “Em đến chơi với chị đây”. Chỉ có vậy, nhưng hình ảnh ấy cứ thương thương, và ám ảnh tôi mãi. Một cô gái đang tuổi thanh xuân và đẹp, đã có thơ xuất hiện trên các báo, sao chiều cuối tuần, thay vì đi chơi với bạn trai thì lại lủi thủi lội bùn đến đây? Hẳn cô ấy đang cô đơn lắm?

Nhưng không, hành trình mà cô ấy – nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đi suốt gần ba mươi năm qua, không thấy lúc nào uỷ mị: Chân viết báo, làm phim tài liệu, viết tản văn đều đặn… Và làm thơ. Dù cuộc sống có lúc chênh vênh, như ở lá thư Chân viết cho tôi mười năm trước gửi từ châu Âu, khi cô gặp một chuyện thật buồn:” Và chị ơi, em lại đau lòng rồi chị ạ…”,  thì tôi vẫn nghĩ, chính Thơ là người bạn đồng hành, cùng Chân vượt qua hết thảy, để sống mạnh mẽ, có những thành công theo tôi là rất đáng ngưỡng mộ như bây giờ…

Tác giả tập thơ (bìa phải) và nhà báo Mai Nhung chụp trong lần gặp gần nhất, năm 2019. (Ảnh: NVCC)

Hôm qua, Nguyễn Bảo Chân vừa gửi tặng tôi tập thơ thứ tư của mình, sau ba tập: “Dòng sông cháy” Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; “Chân trần qua vệt rét”, “Những chiếc gai trong mơ” và bây giờ là “Bóng của ý nghĩ” – tập thơ gồm 35 bài song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). Một tập thơ, một giọng thơ thật độc đáo, sang trọng, khác biệt!

Tôi được đọc nhiều bài trong tập này lúc nó còn là bản thảo. Khi nhận sách, tôi đọc lại một lần nữa để kiểm chứng cảm nhận của mình. Và vẫn như những lần đọc trước, lòng tôi rưng rưng vì bài nào cũng chạm đến tầng sâu của cảm xúc. Không gian trong tập thơ thật rộng, từ Hội An, Hà Nội, Hải Phòng đến Berlin, Copenhagen, hay Paris… nhưng ngôn ngữ trong thơ Chân, ý nghĩ trong thơ Chân luôn thuần Việt. Nó sắc bén, tỉ mỉ, rất gợi, rất tình, phảng phất những thắc thỏm, âu lo:

“Mưa rưng rức men buồn/ ngóng một mùi hương vắng/ nỗi trời dấm dứt mây/ dỗ dành hoa sao được” (Bão Rớt).

“Bóng của ý nghĩ” – tập thơ gồm 35 bài song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) được tác giả đề tặng cho nhà báo Mai Nhung. (Ảnh: NVCC)

Tôi nghĩ, Nguyễn Bảo Chân làm thơ không chỉ để nói ra những gì cô chiêm nghiệm, giải tỏa những buồn vui hay kín đáo luận bàn về thế sự, mà bằng cả sự kính cẩn khiêm cung bước vào “ngôi đền thơ” của cô, lao động cật lực để có những ý nghĩ long lanh in bóng xuống cuộc đời, an ủi và nâng đỡ những phận người.

Ta hãy đọc những nhận xét về tập thơ này của GS. Harry Aveling, một học giả người Úc, người thầy và là người bạn lớn của tác giả, để xem Chân đã luôn vươn lên, tự vượt qua chính mình như thế nào: “Và như thế, cô gái dần nên một phụ nữ trưởng thành. Sinh ra trong khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lớn lên trong tình yêu, nhưng thường vắng mẹ cha.

Làm thơ, một định mệnh không tránh khỏi. Yêu. Được yêu. Cô đơn. Những cuộc viễn du nhân danh thơ ca. Những người bạn thủy chung. Âm nhạc. Hình ảnh những dòng sông hùng vĩ đắp bồi cho cỗi cằn khô hạn và rồi bao mầm xanh bé nhỏ vươn lên. Hy vọng. Luôn hy vọng.

Bìa tập thơ “Bóng của ý nghĩ”. (Ảnh: NVCC)

Đây là thơ của một Nguyễn Bảo Chân đằm chín. Nó đẹp và mạnh mẽ. Đọc để hiểu vì sao thơ Nguyễn Bảo Chân chạm tới những cảm xúc sâu sắc nhất. Marguerite Duras đã viết về những “bóng ý nghĩ” này trong một bài phỏng vấn năm 1980, rằng: “Văn chương nữ giới là sự diễn dịch có hệ thống… được chuyển ngữ từ đêm đen và bóng tối. Phụ nữ đã ở trong bóng tối hàng thế kỷ… Và khi phụ nữ cầm bút, họ chuyển ngữ bóng tối đó… Đó là một cách giao tiếp mới”.

Đó là thơ của sự trở về: “Những câu thơ kiêu hãnh/ trở về căn phòng nhớ/ Bước khua vang/ từng góc quên/ Những câu thơ đối thoại/ với tiếng vọng của mình”. Nhưng trong một ý nghĩa khác, không có sự trở về nào cả. Quá trình phát triển là con đường không đoán định phía trước. Hy vọng ở đó. Luôn luôn ở đó.”

Nguồn: danviet.vn

Exit mobile version