Thưa quý vị
Chuyên mục TRUYỆN HAY hôm nay, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu tác phẩm của một nhà văn nữ, theo lựa chọn ngẫu nhiên – nhà văn Miêng.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:
Truyện ngắn của Miêng thường mang một không khí buồn, những nhân vật của nhà văn cũng kiệm lời, hoàn cảnh và không gian truyện gợi lên điều đó một cách rõ ràng. Sự im lặng dường như bao trùm lên tất cả, những con người phủ mình trong một nỗi buồn sâu kín nào đó, họ ít nói, và càng không nói ra nỗi buồn của mình, họ cứ như cái bóng trong chính cuộc sống của mình.
Truyện “Bóng chân”, hai nhân vật chính không hề gặp nhau, không nói chuyện với nhau bao giờ mặc dù họ thuê chung một căn phòng. Tuy nhiên lại có cảm giác họ rất gần gũi nhau, rất hiểu nhau. Một tuần cô gái ở trong căn phòng ấy, tuần sau là chàng trai. Họ cứ như thế trong một thời gian, không gặp nhau nhưng dường như họ luôn có đối thoại với người kia. Miêng có tài trong cách miêu tả tâm lí nhân vật, mỗi hành động dù nhỏ thôi nhưng nhất định phải gợi lên được một điều gì đó. Những sự thay đổi nhỏ trong căn phòng như một bó hoa hồng được để lại sau tuần ở của chàng trai, hay sự sắp xếp lại căn phòng đôi chút của hai người. Họ luôn tưởng tượng về người kia, trong một khung cảnh của vùng đồi núi thơ mộng này, chàng trai đã tưởng tượng đến cô gái có một đôi chân đẹp tuyệt vời, đôi chân ấy bước trên cỏ, qua những ngọn đồi, và hai người ngồi lại với nhau ở một nơi đẹp nhất. Nhà văn Miêng không miêu tả nhiều, dường như bà chỉ gợi ra câu chuyện, và nó tiếp nối ra sao là tùy vào người đọc.
Miêng là một nhà văn sống định cư tại Pháp, tham gia nhiều hội nhóm văn chương, trong đó có nhóm Ăn mày Văn chương. Năm đó, tôi – nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã có duyên được trò chuyện cùng chị qua email. Chị tin tưởng gửi về cho tôi để xuất bản một tập truyện ngắn lấy tên là BÓNG CHÂN. Nhưng tôi đã không thực hiện được ý định xuất bản tập truyện ngắn đó, do một số trục trặc về phía công ty xuất bản của tôi.
Nhiều năm rồi không liên lạc với chị, không có tin tức gì.
Miêng à, giờ em đọc truyện của chị, nếu chị nghe được bản truyện này, nghĩa là chị em mình còn hữu duyên.
Mời quý vị nghe truyện ngắn BÓNG CHÂN của nhà văn Miêng, qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
Miêng
BÓNG CHÂN
Nhà xoay lưng vào bìa núi. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo bên sườn như cắt mái đá xám làm đôi. Ruộng hoa cải dầu vàng tươi bao quanh nhà và trong sân, nào mẫu đơn, mận đào rực hoa bên cạnh hàng rào xanh mượt như tấm thảm Ba Tư đầy màu sắc.
Cô gái như tìm gặp căn nhà trong mơ, đảo mắt chiêm ngưỡng chung quanh một lần nữa trước khi đưa tay nhấn nút chuông nằm ẩn dưới vòm che sứ trắng. Cô hồi hộp vu vơ mặc dù không phải lần đầu tiên đi thuê nhà xứ lạ. Tiếng chim líu lo trên cây bên đường nghe vui tai và xa xa đâu đó, một con cú cất giọng đùng đục như thể cằn nhằn ngủ suốt mùa đông chưa đẫy giấc. Cô hân hoan ngửa mặt lên đón nắng và khép hờ mi, mỉm cười vô tư với buổi sáng xuân bình an thơm mùi hạnh phúc…
– Bonjour, mademoiselle. (Chào cô).
Cô gái giật mình, chào người đàn ông đứng tuổi đang nhoẻn cười và qua lớp kính, ánh mắt thẳng thắn dìu dịu của ông làm cô yên bụng. Màu da sậm với mái tóc muối tiêu bồng bềnh ôm khuôn mặt xương xương khắc khổ. Có cái gì nơi ông gợi lòng tin cậy dễ gần. Cô nói ý định mình, ông tự giới thiệu là quản gia và đưa cô vào nhà trên lối đi nở vô số uất kim hương và iris…
– Cô là người Việt Nam?
Ông quản gia bất chợt hỏi. Rồi không chờ câu trả lời, trỏ tay vào ngực:
– Vợ tôi cũng người Việt. Còn tôi là Chà và.
Thấy vẻ ngỡ ngàng của cô gái, ông cười vui vẻ tiếp:
– Tức là người Ấn Độ, xưa hay bán vải ở Sàigon. Cô còn trẻ quá, chắc không biết.
Bỗng nhớ đến câu hát “Chà và ma ní tí te, Cái bụng chè è con mắt ốc bươu” sao mà khác xa với người trước mặt, cô gật gật đầu nhìn ông, hồn nhiên nở nụ cười thân mật. Bốn bực thềm men đỏ dẫn vào căn phòng khách rộng rãi bày biện kiểu xưa. Cô thầm nhủ nếu có Thu Hà ở đây, chị sẽ nói mình nghe bộ sa lông này, chiếc bàn ăn và tủ sách cao nghệu sát tường kia thuộc thời Louis thứ mấy. Nhưng chắc vẫn không ghê gớm bằng hai tủ cẩm thạch chị đặt mua từ bên Tàu. Lại còn những bức tranh và vô số đồ xưa! Ồ, một ngày nào mình sẽ cố thuyết phục Thu Hà cùng lên đây để chị ngắm nhìn và đánh giá. Cái gì chớ đồ cổ là chị mê, mình quê mùa nên ngược lại…
– Trên lầu, mời cô…
Ông đưa tay về phía chiếc cầu thang gỗ bóng nhẵn đã bắt đầu hơi lõm. Bước rất khẽ nhưng cũng nghe tiếng gót giày vang dội khắp nhà, cô chợt e ngại mình khuấy động một cái gì đang yên tĩnh lắm…
Cô gái. Tuần thứ nhất.
Nhận phòng sáng chúa nhật, buổi chiều cô dạo phố. Thành phố nhỏ miền núi trông thân mật dễ thương, nhà lên xuống theo triền dốc và hầu hết là cửa hàng mùa này thưa khách. Khác với các vùng biển hay đồng bằng miền Nam, ở đây các bà không tụm năm tụm ba hoặc ngồi trước hè nói vọng qua bên kia với hàng xóm, con nít không chơi banh ngoài đường và các ông già không đánh boules trên những khu đất trống. Cô tha thẩn suốt buổi chiều nhìn ngắm mọi điều. Một thành phố sống nhờ vào du khách không bao giờ thấy ai là lạ mặt. Cô thầm nghĩ ở trên xứ người mà mình không cảm thấy là ngoại quốc như năm kia về quê hương… Ra khỏi khu phố nhỏ, hai bên đường mọc đầy hoa dại, những loại hoa miền núi chẳng bao giờ biết mùi cửa kiếng. Ánh vàng rực mặt trời buổi chiều hãy còn lưu luyến rong chơi và vài con chim chiều xa xa trên bầu trời trong vắt. Trong lòng thung lũng, hai chiếc deltaplanes đỏ nổi bật giữa màu rừng, đang chao lượn. Cô nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới chân như tiếng trẻ con đùa nghịch nghiến răng và tiếng lá rì rào trong gió to nhỏ tự tình. Cô hít thật sâu bầu không khí trong lành như để chuẩn bị sức lực cho ngày mai bắt đầu làm việc.
Căn nhà chìm trong yên tĩnh hoàn toàn khi cô về sau bữa ăn tối. Chỉ phòng của ông quản gia còn sáng, và âm thanh của đài truyền hình yếu ớt vọng ra. Cô lên cầu thang rất khẽ…
Người đàn ông. Tuần thứ nhất.
Theo lời ông quản gia thì cô ấy có cái đẹp khoẻ mạnh và vui vẻ tự nhiên. Sáng nào cô cũng chạy bộ lên đồi sau nhà rồi về tắm xong là đi mãi tối mịt mới về. Cả tuần qua ông thấy cô mỗi sáng nhưng chỉ có dịp trò chuyện vài lần trước khi cô trở lại Paris.
Tôi vào phòng buổi chiều hôm đó, lười biếng ườn người lên giường với chăn gối của cô. Hơi hướm đàn bà hãy còn phảng phất ngập ngừng khiến lòng tôi ngây ngất nao nao. Tôi cố tưởng tượng hình dáng cô nằm: nghiêng, hai chân hơi co lên ôm chiếc gối vào lòng hay thẳng, duỗi dài chân và hai tay đặt hờ lên ngực? Và mắt cô nhìn đâu, phía cửa sổ trước nhà với xa xa ngọn núi mờ trong mây hay phía cửa sổ bên hông với đỉnh rừng phong đang mùa đơm lá?
Sáng hôm sau nắng mai trườn lên người đánh thức tôi với giọng ấm áp nhẹ nhàng. Bỡ ngỡ trong căn phòng này hầu như xa lạ, tôi đảo mắt nhìn quanh. Chiếc mũ đàn bà móc trên tường nhìn đăm đăm như muốn kể niềm vui suốt tuần đã theo cô tới đâu và bảo vệ mái tóc làn da cô thế nào. Tôi mỉm cười với nó, làm quen. Những cộng lát sơn trắng tranh cãi gì đó với những cộng lát màu xanh biển, phải nhờ giải lụa màu trời làm trọng tài đứng giữa. Giải lụa nhu mì, vừa hoà giải những cộng lát đa đoan vừa nháy mắt mỉm cười với tôi trong nắng sớm…
Cô gái. Tuần thứ hai.
Cô trở lại vùng núi chiều chúa nhật tuần thứ ba của tháng. Trên bàn hãy còn vài tờ báo địa phương và quyển “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Trên bệ sưởi, hai bức tượng nhỏ kiểu Hy Lạp đầu người mình thú mà ông quản gia bảo là của người thuê phòng xen kẽ với cô. Quái, nhà này, ngay cả người thuê cũng có “gu” cổ điển!
Cô sắp các thứ ấy vào một góc vì không sính những hình thể bất thường dù là nghệ thuật. Đối với cô người đẹp là người cân đối, không phải một khuôn mặt nhỏ xíu nằm chót vót trên chiếc cổ dài ngoẵng kiểu Modigliani. Cô cũng rút cái đèn đọc sách ở giường dẹp đi. Kiểu cái đầu người méo mó màu đen để ánh sáng toát ra từ miệng và hai hốc mắt làm cô ghê người. Và khi tháo tấm khăn giường với bao gối có hình cá sấu há miệng thật lớn, gớm ghiếc, cô nhún vai mỉm cười…
Cô lại tới sân golf. Tuần này phải nhắm địa thế để làm ít nhất hai cái hồ nhân tạo cho parcours. Parcours ba cây số hai là quá dài, với đường núi lên xuống gập ghềnh chóng mệt. Cô dự định sẽ bắt đầu parcours từ tee – phát bóng thứ hai, chỗ tee thứ nhất sẽ sửa lại thành nơi practice (luyện tập). Như vậy hợp lý hơn, banh sẽ văng ngược lên chỗ dốc và phải phá mấy bụi rậm cho banh không mất. Tiếp theo phải tính farway – cách xa cần bao nhiêu đất lấp những chỗ lồi lõm đầy sỏi khiến bước đi khập khiễng khó chịu. Golf là môn thể thao thư giãn, sau khi đi một vòng parcours người ta phải thấy thoải mái, khỏe ra. Ngoài ra phải đào thêm một bunker và chữa lại cái đã có, vừa nhỏ vừa dốc quá.
Và cô bước đi dưới nắng, giấy bút trên tay, vừa chỉ trỏ cho hai đồng nghiệp đi bên cạnh.
Người đàn ông. Tuần thứ hai.
Tôi không phật lòng khi thấy đồ đạc mình bị gom vào một xó, bơ vơ dưới đất. Vậy mà khi bày ra, tôi chỉ hy vọng chút nghệ thuật sẽ làm vui lòng cô gái thuê nhà. Tôi cũng lịch sự không dẹp bức tượng Đức Mẹ bày trên bệ sưởi. Người có niềm tin vào thánh thần, theo tôi, vẫn là người đạo đức. Tôi nhìn quanh phòng: bình hoa hồng đỏ sẫm vẫn còn tươi trên bàn, đôi giày đi núi màu da bò nằm cạnh chân giường, sọt rác đầy giấy nháp… Có cảm giác như người ăn vụng, tôi hôn mấy đoá hoa và nghĩ đến đôi môi son trẻ của cô. Tôi ôm đôi giày vào lòng như vuốt ve đôi chân xinh đẹp của cô. Và tôi cầm những tờ giấy kéo từ sọt rác đầy hình, mỗi tờ vẽ một mẩu đất với nhiều ghi chú. Tôi ôm chúng vào lòng như ôm lấy nghị lực và sức sống của cô… Bỗng dưng tôi ao ước được gặp. Tôi thèm được nhìn thấy cô mặc dù trong thâm tâm, chẳng biết để làm gì. Chưa bao giờ tôi thoải mái khi đối diện với đàn bà. Thực ra tôi chẳng thích trò chuyện với ai cả. Thường gửi gấm nỗi lòng mình cho mây chiều hờ hững chẳng biết về đâu. Thường tâm sự với sương mù vây quanh đỉnh núi mỗi sáng nắng chưa về hay mỗi chiều nắng đi vội vã. Và xa xa, những mây những sương với hình thù kỳ ảo chập chùng sẽ che giấu nỗi niềm tôi rồi mang đến mở ra cho người cùng ngôn ngữ – thứ ngôn ngữ mà đối với cô hẳn là xa lạ.Và tôi đâm ra thèm muốn thứ tiếng cô dùng…
Buổi chiều, tôi ngồi hằng giờ nhìn mông lung qua cửa sổ. Ráng chiều ửng hồng bìa mây và xa xa, đỉnh núi nhô lên một thân cây nhỏ trơ trọi, cô đơn. Tôi như thân cây kia, lúc nào cũng xa cách mọi người. Nhưng nếu nó trốn chạy, vượt lên cao rồi buồn rầu ngạo nghễ nhìn xuống nhân gian có bao sinh linh đang sống chết – thì tôi, con người tầm thường vượt được tới đâu và nhìn xuống cái gì, ngoài sự cô đơn vừa cao khiết vừa quằn quại của mình? Bởi tôi sống mà một nửa đã chết rồi, niềm vui nỗi buồn chẳng ảnh hưởng gì tới nữa. Mọi thứ tình cảm đều mơ hồ không thật. Vậy mà tôi lại mong gặp người con gái thuê phòng, dù chẳng biết để làm gì! Chắc tại ý nghĩ ra vào cùng một cửa, nằm cùng trên một giường – còn sự đụng chạm nào gần gũi thân mật hơn thế nữa?
Cô gái. Tuần thứ ba.
Vừa bước vào phòng, cô ngạc nhiên thú vị khi thấy bình hoa hồng tươi thắm trên bàn (mà sáng hôm sau được cám ơn, ông quản gia tỏ vẻ bối rối nói không phải của mình). Đống đồ “nghệ thuật” vẫn nằm lặng lẽ ở góc phòng và có thêm truyền hình cùng đầu máy vidéo với cuốn phim “Cái Trống” theo tiểu thuyết của Gunter Grass. Vở “Con mèo cái trên mái tôn cháy bỏng” của Tennessee Williams nằm ngơ ngáo trên mặt bàn đêm. Máy nghe nhạc của cô được đặt cẩn thận trên chiếc tủ nhỏ cạnh giường.
Cô lại tới sân golf. Tuần này phải nhắm địa thế gần cổng ra vào để nới rộng căn phòng vừa cho thuê dụng cụ, vừa thu tiền. Căn phòng hiện tại nhỏ như cái hộp chỉ vừa đủ chỗ cho một cái bàn con với khoảng chục bộ đồ golf. Ngộ nhỡ trời mưa thình lình thì khách nấp vào đâu? Khách khát nước phải tìm chỗ nào? Khách cần điện thoại? Và cần phải có một máy cho thuê banh…
Cô dạo một vòng xuống Saint Martin, ngôi làng e ấp nằm lọt trong thung lũng đẹp nên thơ. Đường vòng khu phố râm bóng mát, nhà cửa khang trang và các loại hoa muôn màu nằm ngoan ngoãn như con nhà lành trong vườn rào thấp. Con đường phố chính hẹp dốc theo triền núi, giữa lòng đường có rãnh, nước suối chảy xuống trong veo mát rượi. Nhà hai bên thường là cửa hàng cho du khách, trông kín đáo, trang nhã và thân tình. Nhưng suốt làng chỉ có một bảng quảng cáo sân golf!
Người đàn ông. Tuần thứ ba.
Tôi sung sướng săm soi mẫu giấy nhỏ trong tay, tim tưởng muốn nứt ra. Cô viết cho tôi! Nét chữ mềm mại mà mạnh mẽ, cá tính. Chỉ mấy chữ thôi, gọn quá, mà tôi như thấy cả một rừng văn học. Văn chương là nơi tôi ẩn mình tìm lãng quên, an tịnh. Mỗi tác phẩm, tôi tìm kiếm hình ảnh một nhân vật có cái gì chung với mình rồi chuyện trò bắt đầu bằng tâm sự mà họ đã bày ra trên giấy. Nhưng chẳng bao giờ ai tỏ ra lưu tâm tới sự ân cần đầy thiện cảm của tôi. Ngay cả trong sách, con người cũng lạnh lùng cách biệt. Và như một cái bóng, tôi theo dõi họ âm thầm mà dai dẵng.
Nhưng bây giờ đã có người lưu ý sự hiện diện của tôi! Tôi sung sướng đến hổn hển và choáng ngợp niềm hạnh phúc. Ấp mảnh giấy nhỏ lên môi, cảm giác như chạm vào môi cô – trinh nữ. Tôi nhắm mắt tưởng tượng giờ này cô đang làm gì, ở một nơi chưa bao giờ chân tôi đặt đến? Những chữ viết cho tôi có làm cô bối rối – hay biết đâu, biết đâu cô cũng chẳng còn nhớ gì đến mẩu giấy con con này nữa? Cùng lúc tôi thấy giận dỗi và ghen tị vu vơ. Tôi muốn biết cô đang làm gì nơi ấy?
Lại lôi trong giỏ rác, những tờ giấy vẽ căn nhà nhỏ cạnh cổng ra vào, mấy ngọn đồi lên xuống với nhiều chú thích chuyên môn tôi không hiểu hết. Cùng với những tờ tuần trước, tôi cất chúng cẩn trọng như những lá thư mênh mang kỷ niệm. Một ngày nào có dịp, tôi sẽ trải dài chúng ra, từng tờ cho cô xem, gợi cô nhớ lại những ngày đầu thuê chung phòng với một người khác phái, xa lạ. Và chúng tôi sẽ kể lể những gì đã nghĩ về nhau trong thời gian thuê cùng căn phòng như chơi trò cút bắt.
Tôi nâng chiếc gạt đầy tàn thuốc gần như thành kính, và run rẩy vụng dại nhặt một mẫu có dấu môi son màu hồng nhạt, châm lửa. Tôi hít khói thuốc như hít hơi thở đầy sinh lực của cô. Rồi tôi ho, sặc sụa, bị cô trừng phạt. Mím chặt môi trên đầu thuốc, tôi cắn, răng môi xé nát đầu lọc nhỏ tội nghiệp, như môi ai…
Tôi mở tủ áo, váy ngắn váy dài làm tôi băn khoăn tội lỗi. Ông quản gia nói ngay cả đầm, ít ai có cặp giò đẹp như cô. Tôi đặt chiếc váy ngắn với chiếc áo cánh mỏng lên giường. Rồi nằm bên cạnh. Và chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Tôi kể cô nghe những gì đã làm trong ngày, chẳng nhiều nhặn gì, bởi tôi cũng giấu nhẹm những bài thơ vụng về dù rút tận cùng xương tủy của lòng chân thật. Và tôi chờ đợi nghe kể những việc cô làm, hẳn là lý thú…
Chúng tôi hẹn nhau trên ngọn đồi thấp sau nhà. Tôi mang theo giá vẽ, nhẩn nha ngồi nhìn mây bông gòn đùa nghịch đuổi bắt nhau trong gió chiều, chờ cô đến. Không gian yên ắng đến nỗi nhịp tim tôi dồn dập quá ồn ào. Gió vi vu nhè nhẹ và cây lá xạc xào hỏi tôi đang làm gì ở đây, đơn chiếc. Tôi vội vàng phơi trải lòng mình với thiên nhiên, bảo rằng tôi chờ đợi như chưa từng chờ đợi, tôi nôn nao như chưa từng nôn nao. Và tôi pha màu, một màu hồng rực rỡ để tô lên đôi má xuân thì, một màu đen huyền nhiệm để tô lên mái tóc trẻ trung và một màu xanh biêng biếc như bầu trời cho chiếc áo mỏng lộ hai cánh tay trần…
Chợt hoa lá reo vui như đón mời bước chân ai đang đến, hơi ngập ngừng rồi dừng lại. Tôi hối hả quay nhìn trên lối đi: cô bước nhún nhẩy bất an như con sóc nhỏ, tay kéo cao váy tránh những bụi gai rừng… Bỗng tất cả lặng im, hoa tái nhợt cúi đầu như muốn xỉu và lá đỏ mặt, không ba hoa nữa. Và tôi nhìn… và tôi nhìn… trời ơi, đôi chân cô…
Cô gái. Tuần thứ tư.
Cô nhìn bức tranh nằm ơ hờ trên tường, ngọn núi xa xa với một thân cây trơ trọi, cô đơn. Và trên tường kia là bức tranh có bình hoa hồng nhung sẫm, tách trà bên cạnh, bốc hơi. Màu sơn còn mới. Biết rồi, anh chàng vẽ ngọn núi trước nhà chứ gì! Cô lắc đầu mỉm cười, không thích tranh tĩnh vật, và phong cảnh thì không thể vẽ cái gì tươi tắn hơn sao? Màu sắc gì mà u ám!
Cô muốn viết vài dòng nói về hai bức tranh, nhưng suốt tuần bận quá, cô còn khối việc phải làm và buổi tối về nhà quá trễ, mệt nhoài tắm xong là ngủ vùi rồi sáng hôm sau lại bắt đầu một ngày mới linh tinh bận bịu. Cô làm việc cật lực, tối đa ba tuần nữa phải xong. Chưa chi mà cô đã được đề nghị cho một dự án khác. Đôi chân dài bước nhanh trên đường sự nghiệp…
Người đàn ông. Tuần thứ tư.
Tôi hơi buồn khi thấy trên bàn, mấy CD nhạc vẫn chưa bóc giấy. Cầm mẩu giấy nhỏ cô viết cho mình trên tay, tôi mang cảm giác kẻ thất bại. Giỏ rác đầy giấy nháp, tràn lan ra ngoài. Tôi gom hết lại, nhìn ngắm từng tờ và cẩn trọng vuốt thẳng từng nếp, xếp cất như nhặt nhạnh linh hồn đau đớn của mình. Căn phòng hơi bừa bộn, vài món đồ dùng vương vãi và trong phòng tắm hãy còn mấy món riêng tư… Tôi thu dọn, âu yếm như người chồng giúp vợ trong nhiều bận bịu hằng ngày.
Gần chín giờ tối cô mới về nhà. Tôi biết là khoảng năm ba phút sau cô sẽ tắm… Tôi hồi hộp nhìn vào lỗ khóa, cô đang trần truồng dưới vòi sen, mờ ảo qua lớp kiếng và ánh sáng đèn màu hồng. Cô ngửa mặt lên, nước chảy dạt dào lên tóc cô, nước chảy dạt dào lên bóng của mái tóc cô ép sát da đầu… Nước tràn lan lên mặt cô sáng trưng, nước tràn lan lên bóng khuôn mặt cô nhạt nhòa bồng bềnh trong nước… Nước xối xả xuống tấm thân cô nõn nà màu sữa đặc, nước xối xả lên bóng thân hình cô đu đưa như liễu… Đôi gò ngực thanh tân cao vút núm vú nhỏ màu hồng, từng luồng nước lăn tăn vội vã đuổi bắt nhau như tranh giành độc quyền ve vuốt. Và nước chảy xuống, chảy xuống khu rừng nhỏ rộn rã niềm hoan lạc. Và nước chảy xuống, chảy xuống len lách vào khe rạch như người đi săn tìm kiếm con mồi. Và nước như thác tuôn ào ạt, ào ạt, xuống đôi chân, trời ơi, trời ơi, xuống đôi chân mỗi lúc mỗi cong queo, khẳng khiu, xấu xí đến nao lòng!
Tôi nín thở, nhìn. Tôi nghẹn ngào, nhìn. Tôi sung sướng, nhìn. Tôi thấy ngộp thở. Có cái gì cắt ngang cổ họng, đau điếng. Tôi nuốt nước bọt ở đâu dâng trào như suối ngàn mùa lũ lụt. Tôi cắn môi đến bật máu rồi nuốt ực những giọt tanh tanh mằn mặn hòa cùng nước mắt… Tôi thương cô quá đỗi. Tôi mãn nguyện quá đỗi. Và tôi ung dung mở cửa bước vào phòng tắm, ôm chầm tấm thân cô tràn trề sinh lực. Nước trên cao đổ xuống hai chúng tôi da thịt chạm vào da thịt, mềm mại, gợi cảm. Mắt hai đứa nuốt chửng nhau, môi hai đứa cắn xé nhau, tranh giành với nước từng ly từng phân thân xác. Tôi lơi vòng tay để nhìn xuống vùng núi đồi ngạo nghễ, vùng đồng bằng như những đụn cát mịn màng và bãi cỏ non e ấp thẹn thùng. Tôi quấn đôi chân mình vào đôi chân tàn tật của cô, hoàn toàn hả dạ… Tôi kêu lên sung sướng và giật mình vì chính tiếng mình kêu, bước ra khỏi phòng tắm người ướt đẫm vì mồ hôi trong cơn bàng hoàng tỉnh giấc…
Lòng chùng xuống, tôi trằn trọc thâu đêm. Thật lâu, rồi tôi rũ rượi khập khiễng bước vào giấc ngủ đầy mộng mị. Đang đêm, chợt thức giấc vì tiếng mèo gào tìm đực. Tiếng gào nghe dữ dội, bức thiết và buồn như ai khóc. Tiếng gào như xuyên thủng núi rừng, xuyên suốt trăng miền núi vằng vặc trên cao. Tiếng gào như kêu cứu, như van xin, như cùng đường, như gây hấn, như đe dọa… Con mèo cái bên ngoài và người đàn ông bên trong cùng một nỗi niềm. Chỉ khác là người đàn ông gào thét âm ỉ trong lòng và trong phòng. Còn con mèo cái thì gào lên thành lời, giữa trời không giấu diếm. Tôi muốn bước ra xua đuổi như xua đuổi lòng mình, nhưng chân tay bỗng nhiên bủn rủn. Một luồng điện chạy qua làm tôi tê liệt rồi chạy ngược về thiêu đốt hực hở. Toàn thân tôi run rẩy, quờ quạng trong đêm. Chị Hằng lấp ló nhìn trộm từ cửa sổ, rồi bỗng trêu ngươi rực rỡ lách người vào, khoan thai mà trần tục, tươi thắm đĩ thõa trườn lên người tôi, trườn lên, trườn lên… Tôi bật dậy như lò xo rồi lại nằm vật xuống. Mắt chị sáng trưng, nồng nàn ham muốn, như thể gần gũi tôi chị sẽ được hoá thân. Một phần thân thể tôi đau đớn, nhức nhối, hoảng loạn… Tôi tự cào cấu lên tay, lên ngực. Tôi vò đầu, giựt từng chùm tóc. Tôi úp mặt xuống gối, trăn trở. Rồi tôi ghì chặt gối vào lòng, chặt hơn, chặt hơn nữa. Và lăn lộn như con thú bị thương. Tôi lên cơn sốt. Lên cơn đồng thiếp. Kêu rên. Tôi bập bẹ những lời không đầu không đuôi. Hổn hển đứt hơi. Cuống quýt vụng về… Tôi giúp mình qua cơn đau đớn… Phải giúp mình qua cơn đau đớn… Tôi và cô gái… Tôi và chị Hằng… Cô gái và chị Hằng… Tôi với cô gái và chị Hằng… Ba chúng tôi quấn vào nhau như những sớ dừa bện sợi. Ba chúng tôi siết vào nhau như những lọn tóc dài thắt bím. Ba chúng tôi vật vã, rên siết, quay cuồng… Và tôi rú lên như con thú hoang, như con mèo cái…
…Tôi đưa bàn tay nhớp nhúa lên ôm mặt, xấu hổ, tủi nhục, lặng lẽ khóc như bao lần…
Cô gái. Tuần thứ năm.
Cô hơi khựng nhìn đóa hồng nhung nằm trên gối. Bình hoa, đĩa nhạc hay hộp kẹo chỉ khiến cô mỉm cười vu vơ, biết là có người quan tâm tới mình nhưng chỉ là cảm giác hời hợt thoáng qua. Nhưng đóa hồng nằm đây, nó biểu hiện một cái gì khác hơn là sự chỉ quan tâm tới một người không hề quen biết. Cảm giác đó làm cô hơi ngẩn ngơ, vừa thắc mắc thú vị vừa thấy bâng khuâng nhè nhẹ.
Cầm đóa hoa, phản ứng là đưa lên mũi, không, đưa lên môi, một sự động chạm khe khẽ khiến cô bối rối. Bỗng dưng cô thở dài. Có thể như bạn bè thường nói là cô hơi lạnh nhạt, nhiều tham vọng, chỉ biết lưu tâm đến công việc và thành công. Chưa hề để tâm tới người đàn ông nào nếu không nói là sự tán tỉnh làm cô khó chịu. Có người còn nói cô bị chứng lãnh cảm hoặc con tim ngoài nhiệm vụ hô hấp chẳng dùng được việc gì. Nhưng bây giờ, cầm đóa hồng của một người xa lạ, bỗng dưng lòng cô hơi chùng xuống, rộn ràng.
Đóa hoa vẫn trong tay, cô bước tới cửa sổ nhìn mông lung ra ngoài như thể bất chợt sẽ nhận ra người ấy. Suy nghĩ đó khiến cô nhìn sững một người đàn ông đảo mắt nhìn căn nhà rồi dừng lại nơi cửa sổ có người con gái đang áp đóa hồng lên môi. Bốn mắt gặp nhau. Một cái nhìn tích tắc khiến cô lao xuống thang lầu, chạy băng ra đường dáo dác kiếm tìm. Nhưng trong bóng chiều, người đàn ông không để dấu tích gì trên con đường làng…
Cô trở về phòng, cẩn trọng đặt đóa hồng lên bàn rồi thay tấm trải giường. Bỗng cô giật bắn người khi rời chiếc gối: chiếc xi-líp nhỏ màu hồng mà tuần trước đó vội vàng bận bịu, cô đã bỏ đâu đó trong phòng tắm… Cô nhìn sững. Có phải của mình không? Đúng là của mình! Có phải mình bỏ quên trên giường không? Không! Một cảm giác ghê tởm làm cô lợm giọng. Cô tức tối như bị sỉ nhục. Thế là suốt cả tuần, người đàn ông kia đã ôm ấp một phần thân thể của mình! Chỉ người bịnh hoạn mới có thể làm điều đó. Chỉ là một thằng đàn ông không ra gì, ngu xuẩn, bẩn thỉu, vô lại… Cô nghẹn và uất, không biết tìm từ ngữ nào nữa. Cô vẫn nhìn sững, bàng hoàng đến nỗi e không phải đồ dùng của mình, như thể sợ phải nhặt nó lên. Cô chợt rùng mình nhìn quanh, cảm tưởng có người đang ở bên cạnh, đang theo dõi từng cử động. Vô thức, cô quàng hai tay trước ngực và bấu chặt vai, mắt vẫn dán vào chiếc xi-líp vô tội màu hồng…
Cô hậm hực, khinh bỉ, điện thoại tâm sự với bạn rất lâu xong xuống phố, thành phố đã lên đèn. Và cô lang thang tìm kiếm, bất mãn vì thấy như người đàn ông nào cũng mang dáng dấp của người đã nhìn cô trên cửa sổ. Cô không hiểu nếu gặp, mình sẽ phản ứng ra sao, sẽ nói cái gì, sẽ có tình cảm như thế nào. Nhưng cô muốn gặp, cứ gặp rồi hẵng tính. Đi suốt dãy phố vắng vẻ, vào hết các tiệm ăn, quán cà phê, nhìn từng người. Chợt trong quán cà phê cuối phố, một người đàn ông đang đứng ở quầy có cái nhìn làm cô giật mình. Chỉ một cái nhìn rất nhanh, rồi người ấy bỏ đi, phía cửa sau. Cô vội bước theo nhưng không kịp nữa. Cô có cảm tưởng hắn biết và tránh mặt mình. Cô uể oải ăn tối, uể oải ra về và cuối cùng, uể oải vất chiếc xi-líp hồng vào giỏ, uể oải thay ra trải giường…
Nhìn lên hai bức tranh buồn thiu cô đơn, cô nhớ tới lời bạn nói khi chiều và suy nghĩ. Ờ, Quyên có lý phần nào (dù có kèm theo tiếng cười chọc phá) khi bảo nếu hắn bịnh hoạn thì chắc đã vẽ theo bức tranh “Nguồn gốc nhân loại” của Gustave Courbet rồi! Đây chỉ là người kín đáo, cô độc, buồn và thiếu dạn dĩ tự tin. Bất chợt cô thở dài. Một thứ tình cảm là lạ khó định nghĩa nhen lên làm cô xốn xang – lần thứ nhất trong đời.
Nhìn qua cửa sổ, vầng trăng khuyết treo lửng lơ trên bầu trời đêm trong vắt sậm màu như ngả tím, đỉnh cây thông nổi lồ lộ màu đen, song cửa sổ khắc hình một người đang đọc sách… mọi cái đều mang hình ảnh nghiêm trang và thanh tịnh làm cô chột dạ. Cô vùng dậy xới tung đống sách đặt bên lò sưởi: toàn về cuộc đời ẩn cư của tu sĩ, về những người cô độc và những kẻ tài hoa nhưng bất hạnh…
Thở dài, cô nhìn lại lòng mình, một cảm giác êm đềm gần như lòng trắc ẩn dấy lên làm cô khó ngủ… Sáng thứ sáu, cô điện thoại về sở ở Paris, nói chuyện rất lâu.
Người đàn ông. Tuần thứ năm.
Tôi chờ cô trên đồi. Vẫn nắng chiều vùng núi êm ả vắng người và mây thì lang thang vô định. Tôi ngồi bên gốc cây thông già tróc vỏ sần sùi như mụt ghẻ, như linh hồn tôi trầy trụa. Những trái thông khô nằm nghiêng ngả hớ hênh rải rác trên bờ đường đầy sỏi, bất trắc như con tim tôi yếu đuối. Tôi muốn gom góp các trái thông khô, nhóm lửa. Ngọn lửa thông sẽ thiêu đốt những gì đang chất chứa trong tôi, khói thông sẽ mang đến cô lời tạ tội chân thành. Và tro thông sẽ làm chất keo dán hai tôi gần lại. Ô, lẽ ra, lẽ ra tôi phải cẩn trọng hơn. Lẽ ra tôi không được bỏ quên một phần đời mình bên gối…
Tôi vẫn chờ, lòng như muôn ngàn tổ kiến. Một tiếng chim kêu cũng làm tôi rùng mình và một chiếc lá rơi cũng làm tôi thấy hụt. Gió nhè nhẹ đùa nghịch từng nhóm tóc trên đầu bốc lửa, tôi dáo dác nôn nao. Từng giọt rồi từng giọt lệ âm thầm chảy ngược vào tim. Từng tiếng rồi từng tiếng nấc rưng rức ngập hồn. Tôi chắp hai tay thành khẩn nguyện cầu. Lời nguyện cầu thổn thức quặt què…
Chẳng biết bao lâu, tôi không còn khái niệm gì về thời gian nữa, cuối cùng thì cô đến, như hào quang từ trời hiện xuống. Tôi chói vì nước mắt long lanh trước cô rực rỡ. Nghẹn vì muôn nghìn tiếng tranh nhau muốn trào ra cùng lúc. Đau đớn khó thở vì không gian như chỉ quanh quẩn bên cô. Muốn chạy đến ôm đôi chân khẳng khiu, cong queo xấu xí đến nao lòng của cô, nhưng hai chân tôi có gì vướng víu, bận bịu gỡ không ra khỏi đất. Loay hoay cuống quýt. Còn cô, lạnh lùng dửng dưng, sải dài từng bước về hướng đâu đâu. Tôi muốn kêu lên, muốn khóc to cho cô nghe, nhưng cái gì chận ngay ở cổ… Tôi chới với đưa tay về phía cô… Chẳng thèm đoái hoài, cô cứ sải dài bước chân, rồi từ đỉnh núi này sải bước tới đỉnh núi kia nhẹ nhàng khoan thai như đi dạo, cô hơi chồm người về phía trước nhổ thân cây nhỏ trơ trọi cô đơn… Tôi kêu lên như chính linh hồn mình bật gốc. Đá ở bìa núi vỡ ra ào ào đổ xuống tung bụi mịt mù… Đất trời như trải qua cơn cuồng nộ, sấm sét, tiếng cây cối, tiếng đá đổ ầm ầm vang rền nghe đến rợn người…
Ông quản gia quýnh quáng mang nhầm dép. Vùng núi chẳng ai gọi cửa giờ này, và nếu là cảnh sát… nhưng việc gì mà cảnh sát tới tìm? Ông chạy xuống thang lầu, bật đèn khắp nơi rồi vừa lật bật mở cửa vừa lên tiếng bảo chờ một chút. Khi cánh cổng mở ra, ông hốt hoảng như gặp ma: cũng nơi này, vào một buổi sáng cách đây mấy tuần, ông đã đón tiếp một cô gái tươi cười hồn nhiên rất thánh thiện. Giờ thì cũng cô gái ấy nhưng trong đêm, sắc mặt khẩn trương, hổn hển:
– Cho tôi lên. Tôi muốn gặp người thuê cùng phòng.
Ông quản gia lúng túng khép cổng:
– Không được đâu cô… ông ấy ngủ rồi!
– Mặc kệ, tôi sẽ xin lỗi.
– Không! không được…
Xô mạnh ông quản gia qua một bên, cô vụt chạy lên lầu. Ông quản gia già đáng thương chạy theo, hốt hoảng, rụng rời… Cô mở cửa phòng như một cơn lốc, bật đèn:
– Đâu? Người nào thuê phòng này?
Nhìn chăn nệm như có người nằm, cô sờ thấy còn hơi ấm. Cô bước nhanh tới phòng tắm bật đèn, hoàn toàn trống vắng. Ông quản gia bối rối tránh ánh mắt giận dữ của cô, im lặng. Cô bước qua phòng bên cạnh:
– Và phòng này là một bà nhân viên kế toán thuê? Và phòng này là cô tiếp viên hàng không thuê? (Cô gào lên như hụt hơi) Ông nói dối! Mà tại sao ông nói dối? Ông trả lời đi chứ? Tôi không về Paris, tôi ở khách sạn góc đường kia để nhìn: ba ngày nay không một bóng người nào ra vô ngoài ông thôi!
Cô hổn hển vì tuyệt vọng, vì căm tức. Mặt cô đỏ gay, mắt long lanh như người lên cơn sốt, hai tay bấu chặt cầu thang. Té ra người đàn ông này đã ôm ấp chiếc xi-líp của mình! Cô đã đem lòng tin cậy một người tưởng như đồng hương. Nhưng giờ thì cô nhìn, thấy đôi mắt như con thú bị thương kia đang hăm hở lật từng trang sách Kamasutra. Cô ngồi bệt xuống thang lầu như người bị ngất. Một cảm giác kỳ lạ làm cô nghẹn. Nước mắt bỗng trào ra. Cô không biết mình đang ghê tởm hay thương hại người đàn ông này, hay thương hại chính thân mình. Ông quản gia bỡ ngỡ lấm lét nhìn cô, mắt ươn ướt… Ông ngần ngại bước tới đưa tay ra, môi run run như muốn nói cái gì. Nhưng cô vùng đứng lên, không, không thể để cho người ta thấy mình yếu đuối. Cô chạy vào phòng quơ nhanh áo quần hãy còn treo trong tủ và một số vật dụng cá nhân, nhét vội vào xách. Cô lao xuống cầu thang như mũi tên. Ông quản gia buồn rầu gọi với theo, tuyệt vọng… Ông chạy theo sau như con chó lạc đường, luống cuống, vụng về… Cô gái xẹt như tia chớp, xuống nhà, ra cửa, ra vườn, ra khỏi cổng. Không một tiếng cửa nào đóng sầm lại: không phải cô tức giận, mà cô trốn chạy, như thể ở thêm một giây phút nào ông cũng có thể làm hại đời mình…
*
Ông quản gia bước ngược lộ trình, từ cổng lên lầu. Trông ông thiểu não như vừa đánh mất cái gì ghê gớm lắm. Ông thở nặng nề. Trong phút chốc, ông già sụm hẳn đi. Ông vào căn phòng tối om, bật đèn. Ánh đèn vàng vọt cho thấy một người đàn ông ngồi ở bàn, quay lưng lại. Ông quản gia nói như rên:
– Cô ấy…
Một bàn tay đưa ra ngăn ông nói tiếp. Ông bước tới sau lưng ghế, im lặng. Người đàn ông quay mặt nhìn phía cửa sổ. Hiểu ý, ông quản gia đẩy chiếc ghế bành – không, đó là chiếc xe lăn – về phía ấy và vén màn. Từ cao nhìn xuống làm ông đau lòng: mái tóc rậm đen mượt hơi quắn, đỉnh mũi cao, thẳng… E dè một lát rồi ông nói như xưng tội:
– Con nghe hết cổ nói không? Cổ tưởng ba có ý gì mờ ám, cổ sợ. (Thở ra) Thôi, con đừng buồn…
Con trai ông không trả lời. Ông nhìn qua vai, nhìn xa xuống chút nữa, hai ống quần cột lại đong đưa, đong đưa… và nhớ ngày con trai vừa lên tám, một hôm đã chạy băng qua đường gọi Tí ơi, hàng về, hàng về, ba tao lột vải ra nhiều lắm, qua lượm hình… Hình mấy cô đầm tươi cười trong cây vải bỗng nhăn mặt khi con trai ông chạy trở về vẫn kích động réo Tí ơi, quên không nhìn trước nhìn sau như ông dặn. Một chiếc xe thắng gấp. Một tiếng rú, nhiều tiếng rú nổi lên. Ông chạy ra điên dại ôm con, một thằng con lên tám không còn hai chân nữa… Và ông cũng đã gọi thất thanh, mẹ nó đã gọi thất thanh, nó như chết rồi, không trả lời…
Người cha chép miệng ngập ngừng:
– Chẳng mấy thuở gặp người cùng quê…
Người con trai vẫn im lặng.
– May là tuần rồi cổ nhờ ba đem hình đi rửa, ít nhứt mình cũng còn kỷ niệm …
Nhưng con ông bỗng bẳn gắt chua chát ngắt lời:
- Không! Mấy tấm hình đó không thật, không thật!
Dưới đường, phố đêm miền núi vắng teo. Ở góc ngã ba con đường nhỏ, ánh đèn yếu ớt rọi lên phần dưới đôi chân dài di động vội vàng. Người con trai xốn xang nhìn theo đôi chân càng lúc càng nhạt nhoà xa – một đôi chân khẳng khiu, cong queo, xấu xí đến nao lòng đang khua gót nhỏ trên đường phố vắng…