“Tàu lớn, tàu nhỏ lăng xăng/Ghe đò các chợ giăng giăng nẻo đường”.Không ai biết đích xác chợ nổi hình thành từ bao giờ. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức năm 1820, viết một khu chợ ở tỉnh Vĩnh Long bây giờ: “Chợ Long Hồ ở phía Đông trấn thự cách một dặm, hai mặt trông xuống sông, chợ này lập từ năm Nhâm Tý Túc Tông thứ 8 (1732) phố xá nối liền, bách hóa tụ tập dăng dài năm dặm, thuyền, ghe suốt bến”. Như thế, chợ đã lan xuống sông. Một tài liệu tiếng Pháp năm 1899, lưu ở Bảo tàng Cần Thơ, chép về chợ Cái Răng, tạm dịch: “Nhiều nhà bè hai bên rạch Cái Răng và Cần Thơ. Tất cả những ngôi nhà đó làm trên những mảng bè, là của các nhà buôn”.
Những đặc trưng
Cho đến nay, chợ nổi vẫn giữ những nét đặc trưng như thủa ra đời: hoàn toàn tự phát, không ai ra quyết định thành lập và cũng không có tổ chức nào quản lý. Thuyền lớn của thương hồ cắm sào, thuyền nhỏ quây vào, các dịch vụ nảy nở mà thành chợ.
Chủ yếu mua bán sỉ, nhiều nhất trái cây đến rau củ, cá mắm, hàng thủ công, Tết thêm hoa kiểng, không có lúa gạo. Theo con nước nên mua bán không kỳ kèo dài dòng, đứng trên thuyền ngã giá nên không hợp đồng giấy tờ, tiền trao cháo múc, không thiếu chịu, không trả lại, vài tiếng đồng hồ sang mạn thuyền hàng chục tấn như chơi, xong là nhổ sào thuyền ai nấy đi. Thuyền bán gì thì cắm cây sào treo thứ đó lên, gọi là “bẹo” cho người ở xa nhìn thấy, nhưng nếu treo tấm lá lợp nhà là bán thuyền.
Hàng hóa thì “bẹo”, dịch vụ thì rao. “Ai chè đậu đen, nước dừa đường cát hôn…”. “Ai ăn bánh bò hôn….”. Tiếng rao lảnh lót của các cô gái buổi hừng đông làm cho chợ nổi có sự rộn rã đặc biệt. Thương hồ nhiều người nghiền tiếng rao ấy mà về già vẫn không dứt được nếp sống bồng bềnh. Cái tiếng “hôn…” rất Nam bộ sông nước ấy, nhà văn Sơn Nam lý giải: “Lối rao hàng, bánh bò không…lần lần hiểu ra: bánh bò hông, bánh bò hôn…mở đầu cho một điệu hò đặc biệt ở Cần Thơ giọng hò bánh bò”. Nhưng bây giờ, những câu hò mời mọc ăn uống, dịch vụ ở chợ nổi cũng đã thưa vắng vì có nhà hàng nổi và có cả điện thoại di động báo trước.
Chợ nổi thường họp nơi có nhiều nhánh sông, cạnh đô thị, miệt vườn. Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ hình thành trên con sông giao thương của chành lúa gạo lừng danh xứ Nam Kỳ với mấy chục nhánh sông vào miệt vườn Phong Điền nổi tiếng: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”. Chợ nổi Cái Răng bây giờ vẫn sầm uất vì nằm giữa nội ô thành phố Cần Thơ. Còn chợ nổi Ngã Bảy ở tỉnh Hậu Giang, nơi giao nhau của 7 nhánh sông đào năm 1915, vào cuối thế kỷ trước là chợ nổi lớn bậc nhất ĐBSCL. Năm 1992, bộ phim về môi trường sinh thái để có hình ảnh bao quát chợ nổi Ngã Bảy, đơn vị làm phim phải thuê máy bay lên cao. Chợ hồi đó có trên nghìn chiếc ghe, tàu còn dịp Tết tăng gấp nhiều lần, đậu kín ngã bảy còn lấn vào các nhánh sông cả cây số, tổng diện tích 500-700 ha. Năm 2001, để thông thoáng đường thủy, chính quyền địa phương dời chợ đi xa 3 cây số thì chợ trở nên lèo tèo, các tour du lịch đến chợ cũng bỏ. Sau đó, muốn về chỗ cũ lại không xong cho đến nay.
Linh hồn chợ nổi
Một chợ nổi có nghìn ghe, tàu buôn bán thì còn hơn chừng đó thuyền nhỏ qua lại như thoi và san sát nhà bè sát bờ. Hồi giữa tháng 8/2015, một nhóm phóng viên nước ngoài có cô Trương Xuân (Zhang Chun) của trang Đối Thoại Trung Hoa (Chinachialoque-Trung Quốc), cô Shwe Zin của The Irrawaddy (Myanmar), anh Navin Singh Khadka của Thế giới vụ BBC (BBC World Service) đến chợ nổi Cái Răng, đều thích thú. Họ ngạc nhiên trước cảnh tàu thuyền đông ken, có chiếc lao vun vút mà không hề đụng nhau. Đặc biệt, con người ở chợ nổi hoạt bát, cởi mở hơn chợ trên bờ. Anh Kongpob Areerat của tờ Prachatai (Thái Lan) cho biết, Thái Lan cũng có chợ nổi nhưng không sống động như ở Việt Nam.
Đa số trên mỗi chiếc thuyền có một gia đình sinh sống. Cuộc sống thương hồ xưa thơ mộng: “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/Xuống biển, lên nguồn gạo chợ, nước sông”. Còn nay, Trần Long Vi, 22 tuổi, phụ trách nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang hoạt động kêu gọi bảo vệ chợ nổi, nhìn thấy: “Tắm giặt, rửa tay chân, rửa rau cải, thịt cá trước khi nấu ăn, rửa chén bát…phải dùng nước sông. Nhà này đi vệ sinh thì nhà bên cạnh đã múc nước lên dùng. Họ là những nhân vật tạo nên chợ nổi đầy tự hào ở đồng bằng đang sinh hoạt như thế”.
Chợ nổi bây giờ đã có những câu chuyện cụ thể chẳng thơ mộng chút nào. Đôi vợ chồng trẻ mượn tiền mua chiếc xuồng, ra chợ nổi bán giải khát. Một hôm qua sông coi phim, có chiếc thuyền bên cạnh vợ chồng cãi nhau, đưa chân vịt lên trúng xuồng, làm xuồng chìm mất. Vợ chồng trẻ về, mượn cái thuyền hư đậu bên bờ, cất chòi ở. Rồi về quê ăn đám giỗ, khoe mất xuồng nhưng cũng đã có nhà nổi để ở, anh em bạn bè nghe vậy mừng quá, dắt nhau đi coi. Đến nơi thì “trời ơi, nhà của tui đâu rồi?”, chủ cái thuyền hư đã bán phế liệu và quăng chòi lá của vợ chồng trẻ lên bờ.
Nhóm sinh viên bồng bềnh cùng chợ nổi mấy tháng, thấy ra, người dân với “văn hóa nổi” là linh hồn của chợ nổi, nếu không có họ, không có chợ nổi.?Một khi chợ nổi “tự nhiên” mất đi sẽ không phục dựng lại được, chỉ còn sự tiếc nuối mà thôi. Sự mất mát ấy không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn mất đi nét “văn hóa nổi” đặc trưng, lúc đó ĐBSCL còn gì hấp dẫn du khách? Cho nên, theo nhóm sinh viên, để giữ chợ nổi thì trước hết phải lo cho con người ở chợ nổi, mọi hoạt động bảo tồn mà chính quyền các địa phương đang quan tâm, phải đặt con người ở chợ nổi vào vị trí trung tâm.
Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Khương Duy
Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), mơ ước làm được chiếc thuyền khang trang biểu diễn đờn ca tài tử ở chợ nổi. Bảo tồn chợ nổi dường như cần từng việc cụ thể tương tự, để “văn hóa nổi” của chợ tự điều chỉnh đẹp lên với văn minh. Cuộc sống của những con người là linh hồn ở chợ nổi cũng chỉ giản dị cần sự bình yên, đủ ăn đủ mặc và có thứ nghệ thuật đặc sắc như đờn ca tài tử ngọt ngào bồng bềnh nổi cùng con nước lớn ròng, mà chẳng trôi đi đâu.
Theo Sáu Nghệ – Tiền Phong