Bùi Việt Thắng- 1.Nguyễn Văn Thọ viết cả thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhưng trong tâm cảm của riêng tôi thì, cây bút này trụ vững, chứng tỏ sức bền của ngòi bút nhờ vào truyện ngắn nhiều hơn cả.
Đọc truyện ngắn Việt Nam đương đại cũng được nhiều, dĩ nhiên chưa phải đã quán xuyến được hết, nhưng khi Hương mỹ nhân (NXB Thanh niên, 2016) xuất hiện, trong sự quan tâm nghề nghiệp, có thể nhớ Nguyễn Văn Thọ cùng với các tác giả khác mà tôi riêng yêu thích – Thái Bá Lợi, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Trần Thùy Mai, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ và Võ Thị Xuân Hà. Có thể ý kiến của tôi giống hoặc không giống với số đông độc giả. Nhưng mỗi người có một “tạng” viết và đọc rất khác nhau. Đành lòng vậy cầm lòng vậy! Đọc Hương mỹ nhân thấy “mùi chữ” Nguyễn Văn Thọ rất đặc trưng. Có thể chưa coi đây là một tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ (chỉ là “Tuyển truyện ngắn điển hình 1996-2005”). Nhưng là những gì tiêu biểu nhất cho sự viết của nhà văn trong thể loại được gọi là “nhỏ” này.
Nói riêng thích vì sự trải nghiệm sống và quan trọng hơn là trải nghiệm văn hóa của một cây bút thực hành đúng phương châm của một người làm “nghề chữ’: Đi – đọc – viết. Đi không tính về không gian (dẫu cho có hơn mười năm làm người lính thực thụ ở chiến trường ác liệt, lại có ngót hai chục năm bươn chải ở xứ người, trước là tồn tại sau là sống). Đi theo nghĩa là “đi trong không gian và thời gian văn hóa”. Đọc thì tôi dám chắc chưa thể bằng một số người khác. Nhưng không thể nói là ít. Còn viết thì cặm cụi như một “lão nông tri điền” trên cánh đồng chữ nghĩa. Và quan trọng, theo tôi là “lặn” rất sâu vào cuộc đời của chúng sinh. Đọc Nguyễn Văn Thọ cứ thấy chất chứa một nỗi niềm đau đáu, canh cánh về kiếp người trong bể trầm luân. Có cái cảm giác mỗi câu chuyện được nhà văn kể ra đều “chạm” được vào cõi người ta.
2.
Đọc văn của bất kì cây bút nào, tôi thường có thói quen đầu tiên chú ý đến nhiệt hứng viết. Có vẻ như hơi công thức, trường ốc, mà theo cách nói của Nguyễn Huy Thiệp là dân “trường phiệt”!? Thôi thì thế nào cũng được. Miễn là nói trúng. Một nhiệt hứng lúc nào cũng ngùn ngụt hào hùng, yêu thương và bi phẫn. Tôi gọi đó là kiểu nhiệt hứng “bi – hùng”. Độc giả xin cứ đọc lại, đọc thật kĩ Lá bùa, Vàng xưa, Mùi thuốc súng, Vô danh trận mạc, Tấm chăn màu huyết dụ, Lời hứa của chiến tranh,… sẽ thấy. Tôi gọi kiểu nhiệt hứng này là “đại khí văn chương”, nó đối lập với cái gọi là “tiểu khí văn chương”. Không trắng phớ, bới móc, cạnh khóe, ám chỉ, hạ nhục, khiêu khích, vùi dập, sổ toẹt,… Không nỉ non, mị dân, màu mè, vờ vĩnh, vuốt ve, tâng bốc, vào hùa, nhân danh,… Không ra oai, dạy dỗ, chỉ bảo, lên giọng giáo huấn,… Nguyễn Văn Thọ, tôi nghĩ, là ngòi bút đi đến tận cùng cảm xúc, sự việc. Mỗi truyện viết xong như thể là cạn kiệt sức lực. Để rồi sau đó quật lên viết tiếp vẫn với phong độ lúc nào cũng như một hỏa diệm sơn, chỉ chực phun trào, bốc hỏa. Cái nhiệt hứng, như tôi vừa nói ở trên, quy định cái “giọng điệu” đặc trưng Nguyễn Văn Thọ. Một giọng quyết liệt, gay gắt, sắc nhọn nhưng không lạnh lùng, tàn nhẫn. Một giọng chân thành nhưng không ngu ngơ và đơn giản. Một giọng chia sẻ nhưng không lâm li, rã rời, yếu đuối. Một giọng hồn nhiên nhưng không tự nhiên, nhi nhiên, bạo liệt. Một giọng “đa thanh” nhưng không gây cảm giác rối ren hay trùng lặp. Mỗi truyện giọng không hề “dẫm lên dấu chân người đi trước” theo lối đi trong rừng hoang dã của một người ưa phiêu lưu, mạo hiểm. Đọc Sẫm violete thấy như đang nghe một bản nhạc trữ tình. Đọc Lỡ chuyến lại có cái cảm giác như cùng Lỡ bước sang ngang với Nguyễn Bính. Đọc Mùi thuốc súng tưởng như nghe tiếng thở dài được kìm nén của một người anh hùng trong chiến trận nhưng quặn thắt lòng khi phải ứng xử rối như canh hẹ trong thời bình,…
3.
Nhiều nhà văn (kể cả nhà phê bình) đều công nhận vai trò của “tình huống truyện” trong kỹ thuật truyện ngắn. Nếu lôi cuốn được độc giả, thiết nghĩ, mỗi truyện được viết ra đều dựa trên, đứng vững trên, phát tỏa trên một tình huống độc đáo, điển hình, thậm chí “xưa nay chưa từng có”. Nhà văn Nguyên Ngọc có lí khi cho rằng tìm ra tình huống hay tức là biết cách “điểm huyệt đời sống”. Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ đọc hấp dẫn, tôi nghĩ, trước tiên nhờ vào những thình huống hay (Mùi thuốc súng, Vàng xưa, Lỡ chuyến, Hương mỹ nhân, Lá bùa,…). Mùi thuốc súng chẳng hạn. Người lính trở về sau chiến tranh có thêm một đứa con do vợ mình đẻ ra. Nhưng không phải là con ruột. Mà là em ruột (bố chồng quan hệ với nàng dâu). Vậy là em trai. Đêm ngủ nằm giữa hai đứa trẻ (một là con ruột, một là em ruột). Còn gì trớ trêu hơn trò đùa của tạo hóa trong trường hợp này! Khi về thì bố đã chết (tủi nhục quá, uống thuốc sâu mà chết). Bởi vì dằng dặc hơn mười năm trời ai ai cũng tin là người lính đã chết trận. Lại là liệt sỹ. Bởi vì người bố sợ mất giống nòi của họ mạc. Bởi vì vô số những lí do có thể nói thành lời và không thể nói thành lời. Nếu biện minh cho chuyện này thì chỉ có thể nói “đời là thế”. Tất nhiên trong số 24 truyện trong tập không phải truyện nào cũng chứa đựng tình huống có một không hai như thế. Đấy là cao độ tình huống. Một cao độ khác là Vàng xưa. Đó là tiếng gọi nơi hoang dã. Đó là tiếng gọi của vàng. Nhưng vàng thì bao giờ chả là…vàng xưa. Đồng đội chia lửa, chia máu trong chiến trận nay chĩa súng vào nhau, sẵn sàng tước đoạt mạng sống của nhau vì…vàng. Cái ác liệu có thể đè bẹp cái thiện?
Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ hấp dẫn còn nhờ vào các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết hay đôi khi ngang hàng một hình tượng thành công. Sẫm violete, theo tôi, là một ví dụ nữa. Một chiều ba mươi tết mưa giăng giăng khắp Hà Nội. Và rét. Và gió. Thế mà “Nhà văn, người lính già vẫn kiên nhẫn đi thêm đoạn nữa ven cánh đồng hoa. Bất chợt trước ngã ba, ông sáng mắt lên khi thấy một cô gái đèo sau xe honda một bó hoa tím với những nụ hoa cực lớn”. Cái nhà văn cần tìm đây rồi. Nhỏ bé thôi nhưng ý nghĩa vô cùng lớn. Cô bạn gái bé nhỏ của ông chỉ cầu mong tìm được một bó hoa violet để đặt trong phòng khách. Vì một lẽ đơn giản – ngày trước bố cô thích loài hoa này. Nay ông đã đi xa nhưng như tâm niệm của người bố với người mẹ thì “Chẳng ai trong anh và em muốn xa cách”. Vậy là đêm giao thừa năm ấy, trong phòng khách của hai mẹ con cô gái “Có bó hoa violet im lặng đứng. Bó hoa còn vẹn nguyên cả mùi hương của đất đồng, vẹn nguyên những hạt mưa đọng trên những đọt hoa tím sẫm cắm trong bình ấm áp giữa ngôi nhà người đàn bà Hà Nội, cựa mình cũng đồng loạt nở tung ra, tạo thành một vùng sẫm tím không gian phòng”. Chi tiết này đôi khi ít người đọc để ý. Có thể vì nó “nhỏ” và “thoảng qua”. Nhưng với tôi thì nó tràn bờ xúc cảm. Nó dựng lên tính cách nhân vật, khắc sâu chủ đề. Và đặc biệt có dư ba. Hơn thế là một ám ảnh nghệ thuật.
Còn có thể nói thêm về tính chất tiểu thuyết hóa truyện ngắn, về lối kể chuyện có hấp lực nhờ vào rất nhiều những cái bất ngờ và ngẫu nhiên, những kết thúc mà nhiều người viết non tay phải ghen tị, ý thức chăm chút câu văn, vv và vv…
4.
Nhưng liệu có thể “chê” Nguyễn Văn Thọ đôi điều? Ai cũng biết ông say kể chuyện. Có cảm giác mỗi khi viết cứ như người lên đồng. Đã đành! Nhưng đôi khi “say” quá nên ít tiết chế sự viết. Chẳng hạn, Vàng xưa có thể cô đúc hơn theo phép “tỉnh lược”, không cần kéo dài đến 35 trang như hiện hữu văn bản. Trong một truyện ngắn không thể kể hết tất cả, cho thật cặn kẽ, chi li. Nếu quả thực một truyện ngắn “ôm” không nổi thì có thể viết thành một truyện vừa hoặc tiểu thuyết ngắn. Và nữa, riêng tôi thấy Nguyễn Văn Thọ chỉ thực sự phát huy sở trường trong cảm hứng đương đại, nghĩa là viết về cái hôm nay, cái chưa hoàn tất. Những “cái” về lịch sử (như Thất huyền cầm, Miếu Ông Bổi, Nuốt sách, Nàng Dạ Minh Phương) không khéo dễ rơi vào sở đoản.
Nguồn Văn nghệ