Nhiều năm qua dường như ít thấy được công tác quản lý nhà nước về văn học của Bộ VHTT&DL. Trong nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ, lĩnh vực văn học cũng không được đặt ra như đối với các lĩnh vực nghệ thuật. vấn đề này cần được cải thiện .

Có liên quan đến văn học tại Bộ VHTT&DL, có thể kể đến Khoa viết văn – báo chí – Trường ĐH Văn hoá Hà Nội. Còn Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật thì tập trung vào quản lý về tác quyền đối với văn học nghệ thuật cùng một số vấn đề khác liên quan. Có “dính líu” một chút với lĩnh vực văn học thì chỉ còn một đơn vị khác là Cục Văn hoá cơ sở (VHCS).

Cục VHCS là cơ quan của Bộ VHTT&DL, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về văn hóa quần chúng, tuyên truyền cổ động và quảng cáo; được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn phát triển sự nghiệp văn hóa cơ sở theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Trong các nhiệm vụ và quyền hạn của Cục VHCS, phần liên quan đến lĩnh vực văn học được xác định: Giúp Bộ trưởng quản lý hoạt động sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học theo quy định của pháp luật; Tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động thi sáng tác văn học. Nếu nhìn ra đời sống văn học sôi động, đa dạng với đội ngũ sáng tác đông đảo hiện nay, có thể thấy nhiệm vụ đó rất nặng nề. Nhưng trong bộ máy của Cục VHCS thì chỉ có một cơ quan ở cấp phòng là Phòng văn học có hoạt động liên quan đến những vấn đề này.

Nhìn ra các cơ quan khác trực thuộc Bộ, tham gia quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực nghệ thuật, có thể thấy các lĩnh vực này đều được coi trọng ở những tầm mức nhất định. Đó là các cơ quan: Cục nghệ thuật biểu diễn, Cục mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm quản lý các lĩnh vực sân khấu, ca múa nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Lại có riêng Cục điện ảnh dành riêng cho ngành nghệ thuật này. Thực tế hoạt động văn hoá nghệ thuật những năm qua ở nước ta cho thấy sự tham gia liên tục của các cơ quan chuyên trách đó, và cao hơn là Bộ VHTT&DL trong việc chỉ đạo, phối hợp. Đó là việc tổ chức các liên hoan, hội diễn, triển lãm, soạn thảo các văn bản luật, các nghị định, thông tư… nhằm điều chỉnh các hoạt động diễn ra trong các ngành nghệ thuật. Các hoạt động đó khi triển khai, hầu hết đều có sự phối hợp giữa các cục với các hội nghề nghiệp như Hội điện ảnh Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội mỹ thuật Việt Nam, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam… Và trong các hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động có tính chất hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức trên cũng thường có sự kết nối, thông tin qua lại nhằm hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ về nhiều mặt: Thông tin, hoạt động, chính sách, điều kiện vật chất… Chất lượng sáng tạo nghệ thuật, đương nhiên, không chỉ được quyết định bởi sự liên thông này mà còn do nhiều yếu tố khác. Nhưng có sự kết nối, có sự chú ý của ngành VHTT&DL với các ngành nghệ thuật, cũng đã góp phần tạo ra những thuận lợi nhất định cho các nghệ sĩ.

Nhưng riêng trong lĩnh vực văn học và sự phát triển của đời sống văn học nước nhà những năm qua, lại dễ thấy sự mờ nhạt của ngành VHTT&DL ở với vai trò quản lý nhà nước. Nếu so sánh, cũng ít thấy dấu ấn của sự phối hợp, liên kết giữa ngành VHTT&DL với Hội nhà văn Việt Nam như với các hội nghề nghiệp vừa kể trên. Hàng năm hoạt động liên quan đến văn học của ngành VHTT&DL hầu như chỉ có các cuộc thi thơ phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan… do Cục VHCS phát động. Các hoạt động mang tính chất văn hoá quần chúng, văn nghệ cơ sở này hầu như không có tác động, ảnh hưởng gì đối với đời sống văn học nước nhà. Và cũng là quá nhỏ, quá mỏng so với nhiệm vụ quản lý về văn học mà Cục VHCS phải đảm nhiệm. Thực tế, nhìn lại chức năng nói chung của Cục VHCS là tham gia quản lý nhà nước về văn hóa quần chúng, tuyên truyền cổ động và quảng cáo, chỉ đạo hướng dẫn phát triển sự nghiệp văn hóa cơ sở, dễ thấy mục tiêu chính của cục là tập trung vào các hoạt động có tính chất đại trà, là phong trào của toàn dân. Còn các Cục như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh vả triển lãm thì tập trung vào quản lý các lĩnh vực chuyên môn với tính chất chuyên sâu và chuyên nghiệp cao hơn. Có thể thấy, Bộ VHTT&DL chưa có một cơ quan chuyên trách để tham gia công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học. Việc xây dựng một cơ quan như vậy là cần thiết!

Cũng như vai trò quản lý và sự tham gia của các cục trực thuộc Bộ VHTT&DL vào đời sống nghệ thuật, cơ quan này có thể có giúp Bộ tác động tích cực hơn đối với đời sống văn học bằng sự phối hợp thường xuyên với Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam và Hội văn học nghệ thuật các địa phương trong các hoạt động sáng tạo, phẩm bình, nghiên cứu, dịch thuật văn học. Đồng thời, có thể cùng các tổ chức hội trên triển khai các cuộc thi sáng tác chuyên nghiệp, các hội nghị, hội thảo về các thể loại, tác giả, tác phẩm, các vấn đề của văn chương đang đặt ra trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ tham gia soạn thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các chính sách, đề án của nhà nước, của ngành VHTT&DL liên quan đến lĩnh vực văn học. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan của Hội nhà văn triển khai các hoạt động giao lưu, quảng bá giữa văn học trong và ngoài nước… Ngoài ra cũng có thể giúp Bộ quan tâm hơn đến công tác đào tạo tại Khoa viết văn – báo chí Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, hiện là nơi duy nhất của Bộ có giảng dạy, bồi dưỡng về nghiệp vụ sáng tác, nghiên cứu văn học. Tất nhiên, không phải bất cứ hoạt động văn học nào đang diễn ra trên đất nước cũng đòi hỏi phải có sự quán xuyến, tham gia của ngành VHTT&DL. Nhưng nếu ngành VHTT&DL chú ý, quan tâm hơn, coi văn học như một lĩnh vực cần đầu tư, hỗ trợ – cũng như các ngành nghệ thuật khác mà Bộ VHTT&DL đang đầu tư – thì hoạt động văn chương sẽ thực sự có thêm những điều kiện cần thiết.

Tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào đời sống văn học, củng cố thêm cho các nguồn lực của văn học, cũng như đã và đang tham gia vào đời sống nghệ thuật của đất nước, đó là việc mà ngành VHTT&DL cần lưu ý và sớm khởi động. Được góp thêm những nguồn lực chính đáng, tất nhiên, cũng không thể xuất hiện ngay những tác phẩm hay, tác phẩm đồ sộ, xứng tầm như nhiều tác giả và công chúng mong đợi lâu nay. Nhưng chắc chắn nó sẽ tác động có hiệu quả đối với các hoạt động nghề nghiệp trong văn giới và có tác dụng khích lệ tốt hơn các tác giả trên hành trình đơn độc của mình.


Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Exit mobile version