“Vua” ma tuý khét tiếng Mexico, Joaquin Guzman, biệt danh “El Chapo” – gã lùn, “bố già” của những đường hầm tinh vi dùng để buôn lậu và tẩu thoát, đã vượt ngục thành công lần thứ hai. Các hoạt động của đế chế ma tuý Sinaloa do Guzman cầm đầu đã làm suy yếu cam kết của Tổng thống Enrique Pena Nieto nhằm kiềm chế hoạt động của các băng đảng bạo lực tại Mexico.
Cuộc sống đầu đời và buôn lậu ma tuý
Joaquin Guzman được cho là sinh ngày 4.4.1957 trong một gia đình nghèo khó ở bang Sinaloa bên bờ Thái Bình Dương, vùng đất được xem là cái nôi của hoạt động buôn bán thuốc phiện và cần sa tại Mexico. Y bắt đầu công việc kiếm sống bằng nghề bán cam, trước khi người chú dẫn dắt vào con đường buôn ma tuý. Trong những năm 1970 – 1980, Guzman bắt đầu buôn lậu ma tuý qua biên giới Mexico – Mỹ. Ở những năm đầu đời này, Guzman đã khét tiếng là tàn nhẫn. Y được mô tả là một kẻ không ngại ngần xuống tay sát hại những người giao ma tuý chậm trễ. Sau nhiều năm chinh chiến, y trở thành nhân vật có “số má” trong đế chế ma tuý Sinaloa. Guzman sống sót trong một vụ ám sát năm 1993, chạy sang Guatemala, nhưng bị cảnh sát bắt và bị kết án 20 năm tù giam.
Lần vượt ngục đầu tiên
Năm 2011, Guzman đã hối lộ cai ngục và lực lượng an ninh để ngồi trong thùng đựng đồ giặt ra khỏi nhà tù được canh phòng cẩn mật Puente Grande. Sau khi vượt ngục, Guzman tiếp tục điều hành hoạt động của băng đảng El Chapo trong bóng tối. Mexico, Mỹ và Interpol phát lệnh truy nã Guzman.Chính phủ Mỹ treo thưởng 5 triệu USD, còn Mexico treo giải 2 triệu USD cho ai cung cấp thông tin bắt giữ “gã lùn” Guzman. Mặc dù bị truy nã gắt gao, nhưng Guzman vẫn ung dung kết hôn với người đẹp 18 tuổi Emma Coronel, hoa hậu cuộc thi sắc đẹp Cà phê và Ổi, sau những màn tỏ tình xa hoa và rùm beng. Trong suốt 13 năm sống chui lủi, nơi ẩn náu của y dường như vẫn là một bí mật được dân địa phương giữ kín.
Bị bắt và lần vượt ngục thứ hai
Ngày 22.2.2014, sau khi nghe trộm thông tin, Thuỷ quân lục chiến Mexico đã bắt được Guzman vài ngày sau khi hắn trốn thoát qua một cánh cửa bí mật bên dưới bồn tắm dẫn tới mạng lưới đường hầm. Guzman nổi tiếng với việc sử dụng các đường hầm để ẩn náu và vận chuyển ma tuý. Hơn 1 năm sau, trùm buôn lậu ma túy nguy hiểm nhất thế giới lại trốn khỏi nhà tù được canh gác cẩn mật bậc nhất ở nước này. Y đã lách qua lỗ hổng rộng 45x45cm ở sàn nhà tắm và dùng thang dài khoảng 1m để leo xuống đường hầm. Đường hầm rộng 65cm, cao 1,5m có ánh sáng và có hệ thống thông gió, dẫn tới một bãi xây dựng bị bỏ không. Một chiếc xe máy cải tiến cũng được tìm thấy trong hầm ngầm bí mật. Các chuyên gia an ninh cho rằng, để xây dựng đường hầm này phải mất hàng năm và tốn khoảng 50 triệu USD. Một lần nữa, các nhà chức trách lại giăng lưới săn lùng vua ma tuý.
Kẻ đầu độc đường phố Chicago
Ông Art Bilek, một thám tử Chicago về hưu, người đã có 60 năm trong ngành thực thi pháp luật cho biết, có tới 80% ma tuý bất hợp pháp ở thành phố lớn thứ 3 Mỹ có nguồn gốc từ đế chế ma tuý Sinaloa của Guzman: “Guzman là lý do khiến bọn trẻ đánh chửi nhau, thậm chí bắn nhau ngay trên phố”. Hầu hết các vụ bạo lực súng ống ở Chicago đều có thể truy được xuất phát từ nguồn ma tuý của Sinaloa. Những kẻ trung thành với Sinaloa ở Chicago – do hai anh em sinh đôi lập dị đứng đầu – đã giúp đế chế ma tuý này thu được hàng tỉ USD bằng cách bơm hàng tấn heroin, methamphetamine, cocaine và cần sa vào thành phố”.
Jack Riley, người đứng đầu văn phòng thi hành luật phòng chống ma tuý Chicago trong nhiều năm cho biết, Guzman “có khả năng thâm nhập vào các mối quan hệ đối tác, kinh doanh, với gần 150.000 thành viên băng đảng đường phố, những kẻ kiếm sống bằng việc buôn bán heroin, cocaine và methamphetamine trên phố”. 38% tội phạm bị bắt ở Chicago năm 2013 dương tính với ma tuý – theo Văn phòng Chính sách kiểm soát Ma tuý quốc gia của Nhà Trắng.
Vì sao Mexico không dẫn độ Guzman?
Tháng 2.2014, khi Guzman bị bắt sau 13 năm lẩn trốn, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo El Paso của Cục phòng chống ma tuý Mỹ (DEA) – Phil Jordan – nói, đó là một chiến công lớn, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa nếu Mexico dẫn độ tội phạm sang Mỹ. “Nếu hắn ta không bị dẫn độ, chẳng mấy chốc hắn sẽ lại trốn thoát, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi” – ông Jordan nói. Chính vì vậy mà quan chức đã có 30 năm làm việc cho DEA không sốc trước thông tin Guzman vượt ngục thành công lần 2. Giống như nhiều nhà quan sát, Jordan cho rằng, Guzman được sự tiếp tay để vượt ngục, giống như lần đầu tiên. Không những thế, theo chuyên gia này, toàn bộ vụ bắt giữ Guzman chỉ là một “trò hề”, nhằm tạo ấn tượng rằng, Mexico đã có bước tiến trong cuộc chiến chống các băng đảng ma tuý. “Câu chuyện bắt được Guzman năm 2014 hoàn toàn là vô nghĩa. Họ không bắt y trừ khi họ đã đạt được thoả thuận không dẫn độ y sang Mỹ. Dẫn độ ư? Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra” – Jordan nhận định.
Không thiếu các giả thuyết vì sao Guzman không bị dẫn độ sang Mỹ. Một số nhà phân tích nói rằng, Tổng thống Mexico – Enrique Pena Nieto, trái với người tiền nhiệm của ông, muốn hạn chế sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến chống ma tuý của Mexico, và cảm thấy việc Mỹ cố gắng bắt và bỏ tù tên tội phạm hàng đầu Mexico sẽ là một đòn giáng mạnh vào cái tôi và chủ quyền của nước này. Hồi đầu năm nay, Mỹ chính thức gửi yêu cầu về việc dẫn độ Guzman. Nhưng trước cả khi nhận được văn bản này, cựu Tổng chưởng lý Mexico – Murillo Karam – thản nhiên tuyên bố, Mỹ có thể có được Guzman trong 300 hay 400 năm nữa!
Theo Vân Anh – Lao động cuối tuần số 30, ngày 24/07/2015 (dịch từ CNN, BI)