Cả nước có hơn 700 tờ báo và tạp chí. Hàng năm có cả ngàn sinh viên tốt nghiệp các khoa báo chí và khoa học nhân văn vào đời. Tìm một việc làm để kiếm sống đã khó. Để có một cái tên được biết đến, khi phía trước đã có mấy vạn nhà báo có thẻ và không cần thẻ đang hoạt động thì còn thiên nan,vạn nan hơn nhiều.
Bình Nguyên Trang đã vượt qua những thách thức đó để trở thành một bút danh được khá nhiều người biết, và hơn thế, được tìm đọc. Trên cánh đồng bao la, đa sắc, đa mầu, đa cấp của báo chí chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… cây bút trẻ này trong khi phải lao động cật lực để hoàn thành những công việc được tòa soạn phân công (Bình Nguyên Trang đã từng làm việc ở các tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam- Hoa học trò, báo Tiền phong và bây giờ là Báo Công an Nhân dân), và các báo đặt hàng để kiếm sống, vẫn chọn được cho mình một khoảng trời riêng để dành sức tìm tòi, chăm chút, khám phá… “Sông của nhiều bờ” là một phần trong khoảng trời riêng đó.
Về cơ bản, báo chí là nơi sản xuất những món hàng tươi sống. Chỉ muộn vài ba hôm là “rau héo, hoa tàn, quả dập”. Vậy mà vẫn có những luống đất gieo trồng những hoa lá còn tươi mãi trong một khoảng thời gian. Có được điều này là bởi, tác giả đã kể những câu chuyện về cả một đời người. Đó là những văn nghệ sĩ ở nhiều lớp tuổi, nhiều ngành nghệ thuật mà nhà báo có dịp gặp gỡ, trò chuyện như Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, GS âm nhạc Trần Văn Khê, họa sĩ Lưu Công Nhân, NSND Trần Tiến, NSND Thế Anh, người phụ nữ quên đời riêng mải miết với ca trù Bạch Vân, ba thành viên nghệ sĩ trong một gia đình: nhạc sĩ Trần Tiến, hai cha con ca sĩ Trần Hiếu- Trần Thu Hà, mẹ con nghệ sĩ Kim Thư- nhà văn Vũ Hoàng Hoa, vợ chồng đạo diễn Vương Đức- nghệ sĩ Ngọc Bích, các nhạc sĩ Hồng Đăng, Phú Quang, Đặng Hữu Phúc, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, các nhà văn nhà thơ Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Khắc Phục, Ma Văn Kháng, Tuyết Nga, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Anh Thái, Mai Linh, Trần Hòa Bình, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa… Hơn 50 cuộc đời, qua ngòi bút báo chí tốc họa, chứ chưa phải là chân dung đầy đặn, nhưng cũng đủ cho người đọc tiếp cận với một lớp người tài năng, nhiều người đa tài có đường đời biến động trong những năm đất nước còn chiến tranh, mỗi người một cảnh ngộ, hạnh phúc và bất hạnh vô lường, nhưng đã góp những gì tinh anh nhất của đời mình để tạo nên một thời đại văn học nghệ thuật với rất nhiều thành tựu.
Với một con người, nói chi đến đời những người tài hoa và tài năng, thật khó có một bức chân dung hoàn chỉnh. Ở cuốn sách này, bằng những lát chụp cắt lớp được thực hiện với sự nghiêm túc và trân trọng, tinh nhạy mà chân thành, cảm phục mà không bị quá lời vì choáng ngợp… ghép cạnh nhau, Bình Nguyên Trang đã dệt được một bức tranh tổng thể khá đầy đặn về hoạt đông văn học nghệ thuật cả nước trong khoảng một thập kỷ vừa qua- thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 nhiều biến động.
Mấy năm về trước, trên thế giới mạng, có mấy bạn trẻ đã lập ra cả một trang diễn đàn chuyên giới thiêu thơ văn của tác giả trẻ Bình Nguyên Trang. Bạn trẻ có nickname Lantuvien.ttt viết: Tôi cá rằng bạn đọc say mê thơ Hoa học trò đều biết đến cái tên quen thuộc Bình Nguyên Trang- nhà thơ của Tháng ba. Thật kỳ lạ, bên cạnh những bài thơ về tháng ba mượt mà, về bông hoa gạo ám ảnh suốt tuổi thơ của chị,về cái phố huyện buồn da diết… thì truyện ngắn của Bình Nguyên Trang lại mang phong cách khác hẳn, hơi chút đả kích, xót xa. Bình Nguyên Trang viết từ rất sớm, năm 18 tuổi đã xuất bản tập thơ đầu tiên, giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi dành cho các cây bút trẻ của báo Hoa Học Trò, Mực Tím… và năm 20 tuổi đã giành ngôi vị quán quân trong cuộc thi sáng tác văn học Tác phẩm Tuổi xanh do báo Tiền phong tổ chức ở thể loại truyện ngắn. Thơ của Bình Nguyên Trang có trong sổ tay rất nhiều học trò một thời. Đến nay Bình Nguyên Trang đã là tác giả của 3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Chọn nghề báo để lập nghiệp, nghĩa là đã sẵn sàng trong guồng quay khổng lồ của thế giới truyền thông lúc nào cũng chực nghiền nát những đam mê thủa ban đầu vì những áp lực đặc thù của nghề. Nhưng tình yêu văn chương của tác giả trẻ này vẫn được chăm chút với một ý thức và bản lĩnh rõ ràng. Điều này thể hiện trên mỗi trang viết của Bình Nguyên Trang, ở chỗ, những bài báo lắm khi phải viết vội vàng vì đòi hỏi của thời gian, nhưng vẫn có sức lôi cuốn trong hành văn, sự nồng ấm trong tình cảm, sự tinh tế trong nhận xét, và cả ánh sáng của tri thức… để khám phá đời sống vốn phức tạp của nhiều nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác nhau.
Rất có thể việc tiếp cận, trao đổi, giới thiệu cuộc đời không đơn giản của những người tài năng, ngoài đích đến trực tiếp là những bài báo, sẽ còn là bước chuẩn bị hành trang vốn sống, vốn tri thức sâu rộng và sự trải nghiệm của Bình Nguyên Trang cho những tác phẩm văn học trong tương lai.
Chúng ta tin là như thế. Như câu thơ Bình Nguyên Trang viết thủa nào.
Tôi níu giữ ngày xưa để nương tựa tâm hồn
Để giữa phố phường không thấy mình lạc lối
Để mỗi sớm trong ngực mình nghe con chim hót gọi
Bài hát đượm nồng như miếng trầu say…
Ngô Thảo
Nguồn: Tổ quốc