Không có chữ “ngần ngại” trong tôi trong việc làm thơ. Vì chắc chắn ở đó, tôi phải “bóc vỏ” mình, phải hát lời của chính trái tim mình. Nhà thơ không được quyền vay mượn cảm xúc.


“Có lúc cảm thấy bất lực”

-Đến với Những bông hoa đang thiền (NXB Hội nhà văn 2012), người đọc gặp một Bình Nguyên Trang rất khác. “Rất thật lòng tôi muốn ruồng bỏ tôi/ Ruồng bỏ những vui buồn như trái táo/ Im lặng đợi Xanh trong góc một khu vườn” (Ghi ở một góc đường). Tự chị thấy mình (phải) khác từ khi nào?

+Tôi cho rằng phải viết khác đi là câu hỏi lớn của rất nhiều người cầm bút, khi họ còn muốn đi lâu dài với văn chương và có “tham vọng” được bạn đọc nhớ tới. Tôi làm thơ từ rất sớm, và viết rất nhiều, gần như là bản năng, xúc động về điều gì thì viết về điều đó, và được bạn đọc tuổi học trò yêu mến. Sau này trưởng thành hơn, đọc lại các trang viết của mình, tôi vẫn yêu chúng vì những cảm xúc đẹp, trong sáng mà chỉ tuổi trẻ mới có, nhưng ở rất nhiều bài thơ là sự dàn trải, đơn giản về mặt ngôn từ. Một bài thơ hay cần hai yếu tố cảm xúc và ngôn ngữ. Cần hơn nữa là tâm thế nhìn đời sống của nhà thơ. Tôi đã đi qua giai đoạn viết ào ào như vậy, giai đoạn mà như nhiều người vẫn nói, năng khiếu được bộc lộ, nhưng để đi lâu dài hơn với văn chương thì cần rất nhiều thứ khác nữa. Đó là sự trải nghiệm đời sống, sự “lớn lên của tâm hồn” và một ý thức thực sự rõ ràng về việc viết. Tôi mất nhiều thời gian loay hoay, tự đặt nhiều câu hỏi và tự trả lời, viết rồi bỏ, rồi tự chán mình, vì có lúc cảm thấy bất lực vì mình viết không khác những gì đã có.

Trong chặng đường gần 20 năm nặng lòng với thơ, chị đã qua những dấu mốc nào mà chị nghĩ rằng nó thực sự quan trọng với mình?

+Tôi in tập thơ đầu tiên năm tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và bước vào cổng trường đại học. “Lối về” là dấu mốc của những trang viết thời học trò, với những cảm nhận về gia đình, về mẹ, về quê hương và bạn bè, trường lớp- thế giới quan của một cô học trò làm thơ. Tập thơ thứ 2 “Chỉ em và chiếc bình pha lê biết” tôi xuất bản năm mình vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu lăn lộn với công việc, cuộc đời. Nó đã là những suy ngẫm rất khác, của một người trẻ với những buồn vui đời sống mà mình phải đối mặt, với không ít tổn thương và sóng gió, để nhận biết những giá trị thật cần phải mang theo làm hành trang cho hành trình dài của mình. Và tập thơ thứ 3 “Những bông hoa đang Thiền” vừa xuất bản, sau gần 10 năm, chính là “nỗ lực” (vâng, có thể nói là như vậy) tự trả lời cho điều mà tôi trăn trở rất lâu, phải sống khác và viết khác, như là sự không ngừng vận động để tìm thấy chính mình qua mỗi trang viết.

-Tâm thế sống của chị lúc này?

+Thẳng thắn với chính mình trên từng trang viết, và biết im lặng khi cần thiết.

-Có những bạn đọc yêu mến Bình Nguyên Trang từ thuở Hoa học trò, Tác phẩm tuổi xanh, đã săn tìm thơ Bình Nguyên Trang những năm sau này. Nhưng rồi chúng thật sự thưa thớt. Có người đã lo rằng – giống như một số tác giả trẻ khác, sau khi đã nổi danh, họ cũng từ bỏ luôn văn chương. Việc chị gắn bó với văn chương bền bỉ và lặng lẽ chừng ấy năm, có thể ví như thế nào được nhỉ?

+Thú thật là tôi đã nhiều lần toan “từ biệt” thơ ca. Không phải tôi không còn yêu thơ ca nữa, mà tôi có cảm giác tuyệt vọng trên con đường mình đang đi. Tôi viết nhiều, rồi bỏ đấy, không cả muốn in ấn nơi này nơi kia, càng không muốn in thành sách. Vì tôi luôn cảm thấy “không tìm ra mình” trong việc viết. Có thể nghề làm báo cho tôi sự tỉnh táo, khi mỗi ngày tôi nhìn thấy có biết bao người cầm bút liên tục in ấn xuất hiện, dù cho cái sau họ đưa ra không hề khác cái trước. Và thơ ca, với sức “mê hoặc chết người” của nó, đã “hủy hoại” bao người, đã khiến cho bao người ảo tưởng về hào quang mà nó mang lại. Tôi đã nghĩ, nếu ít nhất là mình không cảm thấy mình mới hơn hôm qua, hãy ngừng viết, hãy ngừng xuất hiện.

Nhưng việc viết đúng là một sự “mê hoặc chết người” thật, tôi không thể dừng lại. Tôi vẫn viết. Chỉ có điều, những gì viết ra tôi chỉ gửi cho một số bạn bè thân thiết đọc, tuyệt nhiên không nghĩ đến việc phải đăng báo hay in sách. Đó là lý do mà trong một thời gian dài bạn đọc ít thấy thơ tôi. Ngay cả nhiều bạn viết cũng tin rằng tôi thực sự đã “bỏ cuộc chơi” rồi.


Càng đi càng thấy mình “mất hút”

-Khi chia sẻ về thơ, chị có nói về sự vô tăm tích: “Gần 20 năm cầm bút tôi ngộ ra rằng con đường đến với thơ ca chính là con đường gần với sự vô tăm tích nhất. Đó là con đường mà một khi ta đã chọn để đi là đã sẵn sàng để trở thành vô tăm tích trong đời sống”. Người làm thơ đốt lên những đốm lửa của mình, cất lên tiếng nói của mình, lẽ nào nó lại là một thứ “vô tăm tích” hay sao?

+Đây là một sự trải nghiệm về tâm trạng của tôi thì đúng hơn. Làm thơ, luôn luôn là việc khó. Nó thậm chí là việc khó nhất.( Không phải như nhiều người nghĩ rằng nó dễ, nên thơ dở mới tràn lan trong đời sống của chúng ta như vậy). Chạm đến nàng Thơ thực sự, không dễ, cho dù nàng rất hào phóng ban cho chúng ta sự ảo tưởng về nàng, rằng chỉ cần ngồi lãng đãng mơ màng một chút là nàng đến thôi. Tôi cảm thấy rằng viết ra được một bài thơ, thậm chí một câu thơ hay, để bạn đọc nhớ tới, nhắc tới, khó hơn việc chinh phục một đỉnh núi. Trên con đường đến xứ sở của thi ca, chắc hẳn nhiều người cầm bút đã từng ở trong tâm trạng như tôi, là càng đi càng thấy mình “mất hút”. Luật chơi “vô tăm tích” của thi ca, trong cảm nhận của tôi là như vậy. Cho dù người cầm bút nào cũng có khát vọng “đốt lên đốm lửa của mình”, “cất lên tiếng nói của mình” như chị nói. Nhưng để có thể tạo ra “một tiếng vọng” trong đời sống, để được ai đó “thả con thuyền sang với tôi” lại là chuyện của may mắn, của tài năng và rất nhiều yếu tố khác nữa.

Tôi thực sự đã nghĩ ngợi về việc làm thơ như vậy, nhưng thực tế thì việc viết luôn chứa ẩn nhiều mâu thuẫn. Cho dù mình hiểu được con đường đến với thơ ca là con đường “vô tăm tích”, có thể mình chẳng để lại “vết dấu” gì, nhưng mình không thể không đi. Và dường như cái đẹp của cuộc đời, điểm tựa cho mọi hy vọng của con người lại nằm ở chỗ, chúng ta đã không ngừng tìm kiếm các giá trị, ngay cả trong Tuyệt vọng.

Chị viết nhiều về mẹ, về làng quê của mình. Xin hỏi: mẹ chị nói gì sau khi đọc những bài thơ ấy?

+Mẹ tôi là một phụ nữ không học cao hiểu rộng. Khi tôi còn nhỏ, bà không khuyến khích tôi làm thơ vì sợ tôi không hạnh phúc. Nhưng trong thẳm sâu, bà có tình yêu cho thơ ca và con cái. Bà không cần biết con đường tôi đi là “vô tăm tích” hay không, mà lúc nào cũng tự hào về tôi, và thường khóc khi đọc những bài thơ tôi viết về bà, về làng quê của tôi, về hoa gạo đỏ…


Thơ “khó” hoàn toàn không nằm ở sự cố tình làm rối rắm

-Những bài thơ tạo được những khoảng trống giữa các con chữ là những bài thơ hay. Người đọc bắt gặp được nhiều khoảng trống ấy trong các bài thơ của Bình Nguyên Trang. Xin hỏi, là người làm thơ, chị nghĩ gì về xu hướng “thơ khó”, thơ đánh đố ở một số tác giả trẻ ?

+ Cái này đúng là “khó” đây. Như trên tôi đã nói về cảm nhận của tôi, rằng làm thơ là việc khó trên đời. Nhưng theo tôi, cái “khó” của thơ nằm ở sự “chưng cất”, nghĩa là nó phải được người viết, bằng tài năng, lao động, trải nghiệm đời sống và khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình sao cho nó trở thành một thứ mật, đủ sức hấp dẫn mê hoặc trái tim người đọc. Thơ “khó” hoàn toàn không nằm ở sự cố tình làm rối rắm, đánh đố, tung hỏa mù với độc giả. Tôi không phải tín đồ của thơ tắc tị, dù tôi đồng ý là thơ hay cũng cần phải được “giải mã”.

-Điều quan tâm nhất của chị khi viết ra các bài thơ là gì?

+ Là phải mang lại một rung cảm đẹp nào đó cho người đọc.

-Chị có ngần ngại khi “lột vỏ” mình một cách “không thương tiếc” bằng thơ?

+Tôi tin rằng người viết văn xuôi dùng lý trí nhiều hơn, còn người làm thơ thì phải viết bằng trái tim. Vì chỉ có trái tim mới ngân rung các cung bậc của cảm xúc. Nếu bạn làm thơ mà không dùng đến trái tim, thì cảm xúc của bạn là giả. Vậy nên cái dở nhất của nhà thơ (cười), là phải sống Thật với mình. Cái đau thật và cái đau giả, cái buồn thật và cái buồn giả, dù che đậy thế nào, nhà thơ cũng không thể giấu được độc giả, Vì độc giả của thơ là độc giả tinh túy, độc giả số ít. Cho nên, không có chữ “ngần ngại” trong tôi trong việc làm thơ. Vì chắc chắn ở đó, tôi phải “bóc vỏ” mình, phải hát lời của chính trái tim mình. Nhà thơ không được quyền vay mượn cảm xúc.

-Có người lo ngại rằng cuộc sống gia đình sẽ khiến những người phụ nữ không thiết tha với thơ nữa. Điều ấy có đúng với chị không?

+Cái này cũng là một câu hỏi khó chị dành cho tôi. Tôi thực sự không biết con đường phía trước của mình sẽ như thế nào. Tôi cứ đi với tâm thế của người trên đường thôi. Cuộc sống là một viên ru-bic nhiều mặt, dẫu là cuộc sống một mình hay cuộc sống gia đình. Chúng ta phải xoay xở với đủ các chiều kích và sắc màu của nó. Phải trải nghiệm mọi buồn vui mà những lựa chọn của chính chúng ta mang lại. Tôi đã mất rất nhiều thời gian cho việc tự vấn mình, xung quanh việc làm thơ, và nhận ra mình chưa khi nào ở ngoài “từ trường” của nó cả. Và tôi vẫn làm tất cả các nghĩa vụ khác trong đời sống của một người phụ nữ bình thường. Tôi chỉ biết tin rằng, nếu mình mang theo một niềm hân hoan trên đường đi, có thể đến một ngày nào đó, những bông hoa trong im lặng, sẽ nở.

Tạm biệt chị, và tôi sẽ không dành một lời chúc nào, bởi tôi tin, những bông hoa trong lặng im, sẽ tiếp tục nở. Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Phong Điệp thực hiện

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.