1. Con người với khả năng biểu trưng hóa (symbolizing) có thể tiếp nhận hình ảnh trong thực tại không như cái máy sao chụp mà bằng các biểu tượng. Theo lí luận nhận thức, biểu tượng là hình thức cao nhất của trực quan sinh động. Biểu tượng xuất hiện trên cơ sở những hiểu biết về sự vật, do tri giác đem lại, là hình ảnh của sự vật được lưu giữ trong chủ thể nhận thức khi chúng không còn hiện diện nữa.

Nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari.
Nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari.
Biểu tượng theo Từ điển Tiếng Việt là dấu, là hình ảnh biểu hiện.1 Biểu tượng gần gũi với kí hiệu, ẩn dụ, phúng dụ… Nhưng nếu kí hiệu, ẩn dụ, phúng dụ tạo ra những mối liên hệ lâm thời, rời rạc, những quy ước đơn giản giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, có tác dụng biểu nghĩa thì biểu tượng tạo được sự đồng nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức.

Biểu tượng trong văn học là loại biểu tượng đa nghĩa và được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật. Theo C.G.Jung: Biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh ngay cả khi chúng là quen thuộc trong đời sống hàng ngày vẫn chứa đựng mối quan hệ liên can, cộng thêm vào đó cái ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ, chưa biết hay bị che dấu đối với chúng ta.2 Khi biểu tượng là một thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Hiểu theo nghĩa rộng, nhìn từ đặc trưng phản ánh hiện thực bằng hình tượng của văn học nghệ thuật, có thể xem tác phẩm văn học như là một biểu tượng, một chỉnh thể thẩm mỹ chứa nhiều thông điệp. Việc giải mã biểu tượng góp phần giúp chúng ta hiểu được những giá trị riêng biệt, độc đáo của tác phẩm. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có sức biểu hiện lớn.3 Nhìn ở góc độ này, biểu tượng trong tác phẩm văn học là một “nhân vật” đặc biệt, được hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là con vật, đồ vật, hình ảnh, hình tượng… gọi chung là các dạng thức biểu hiện ý nghĩa của tác phẩm văn học. Đó là một thủ pháp đặc biệt để tác giả thể hiện ý đồ sáng tạo. Đặt trong mối liên hệ với văn hoá hoá, văn học Nhật Bản và mỹ học của Kawabata Yasunary, chúng tôi bước đầu tiếp cận và giải mã ý nghĩa của các biểu tượng trong các tiểu thuyết của ông từ hai góc độ trên.


2. Giáo sư Mitsuyoshi Numano, trong cuộc du thuyết về văn học quê hương ông vừa qua ở Việt Nam, đã khẳng định một trong bốn đặc điểm của văn học Nhật Bản là tính trữ tình và cảm tính. Tính chất này biểu hiện trong hầu hết các tác phẩm văn học Phù Tang từ một bài thơ haiku nhỏ nhắn, xinh xắn đến tiểu truyết trường thiên Genji ở sự mờ hồ, ái muội, gợi nhiều hơn tả. Tác phẩm của Kawabata Yasunary cũng thể hiện rất rõ đặc điểm này.4 Và theo chúng tôi, việc Kawabata dùng biểu tượng trong hầu hết các sáng tác đã góp phần tạo nên chất dư ba giăng mắc, bàng bạc, giàu chất thơ cho những kiệt tác đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở hoa anh đào.

Trong trước tác Kawabata Yasunary để lại, so với Truyện trong lòng bàn tay, các tiểu luận mỹ học thì tiểu thuyết là phần có giá trị hơn cả. Năm 1968, Viện Hàn lâm văn học Thuỵ Điển hầu như chỉ có điều kiện đọc và trao giải cho ba tiểu thuyết là Xứ tuyết, Cố đô Ngàn cánh hạc[*]. Tuy vậy, bạn đọc Việt Nam yêu mến sáng tác của Kawabata Yasunary còn biết đến các tiểu thuyết khác rất nổi tiếng của ông đó như Người đẹp say ngủ, Tiếng rền của núi, Đẹp và buồn… Trong quá trình nghiên cứu sáng tác của Kawabata Yasunary, chúng tôi nhận thấy, hầu hết tên các tiểu thuyết của ông thường được đặt theo biểu tượng chính của tác phẩm. Vì vậy, ngay đầu đề đã giàu sức gợi. Tuy nhiên, có những tác phẩm, nhà văn đã sử dụng nhiều biểu tượng khác nhau, nhất là tiểu thuyết Ngàn cánh hạc. Trong các sáng tác của Kawabata, chiếc gương soi, chiếc đèn lồng, đôi chén Raku, chiếc cốc Shino, chiếc khăn có in hình ngàn cánh hạc, lửa, tuyết, thậm chí là cái bớt đen trên ngực nhân vật… cũng là những biểu tượng nghệ thuật gắn với ý đồ sáng tạo của ông. Ở bài viết này, chúng tôi chủ yếu tìm hiểu các biểu tượng gắn với tên tác phẩm trong các tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô, Tiếng rền của núi và xem đó là ý đồ nghệ thuật chủ đạo của tác giả.


3. Xứ tuyết (Yuki guni– 1935-1947) là tiểu thuyết mà Kawabata đã dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất để hoàn thành. Nói như Seidesticker, viết Xứ tuyết Kawabata đã chọn một đề tài thích hợp cho cuộc tao phùng giữa thơ haiku và tiểu thuyết có thể tựu thành để tìm về chốn sâu thẳm của thiên nhiên phương Bắc- xứ Niigata – nơi vẻ đẹp thuần phác của thiên nhiên và con người còn vẹn nguyên. Để miêu tả vẻ đẹp của vùng đất và con người nơi đây, Kawabata kể câu chuyện về những cuộc hành trình về xứ tuyết của nhân vật Shimamura.

Sống ở Tokyo, Shimamura có một cuộc sống sung túc bên cạnh người vợ xinh đẹp. Cuộc sống sôi động ở nơi phồn hoa đô hội nhiều khi khiến chàng cảm thấy ngột ngạt. Shimamura đã đáp tàu lên phương Bắc để tận hưởng vẻ đẹp trinh nguyên của con người và thiên nhiên nơi đây. Vẻ đẹp của xứ tuyết đã mời gọi chàng đến ba lần vào các mùa: xuân, thu, đông. Lần nào, chàng cũng choáng ngợp trước vẻ đẹp của cảnh tuyết dát bạc trên các sườn núi và tâm hồn thuần khiết của con người nơi đây. Từ điểm nhìn của Shimamura, Kawabata đã dành những trang viết đẹp nhất để ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người phương Bắc. Ẩn sau những trang viết ấy là niềm tự hào sâu sắc của ông về xứ Niigata tươi đẹp, nơi lưu giữ trong ông nhiều kỷ niệm. Vùng đất ấy được ông yêu mến gọi là xứ tuyết. Đó là vùng đất biên cương Nhật Bản, nơi gió lạnh từ Xibêri qua biển thổi vào. Một nơi mà trước đó bao thế hệ thiền sư đã gắn bó và hiện diện trong thơ ca. Đến lượt mình bằng tình yêu sâu kín, niềm tự hào sâu sắc, Kawabata lại làm cho nó sống dậy đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Chỉ ở nơi đây con người mới có thể thấy: Bầu trời trong veo như pha lê. Xa xa, trên các ngọn núi, tuyết trông như một lớp kem mềm mại được bao phủ một làn khói nhẹ.5 Và con người nơi đây đến giọng hát cũng được thấm đẫm những nguồn thần diệu, những sức mạnh huyền bí và những đức hạnh của thiên nhiên…làn da khiến ta nhớ tới cái nhẵn của một củ hành tươi bóc vỏ hoặc hơn thế nữa là của một củ huệ, nhưng với một chút ửng hồng…một hương thơm của sự sạch sẽ.6 Kawabata đã viết về con người và thiên nhiên nơi đây bằng sự mẫn cảm tinh tế của mình. Chính điều này đã tạo nên mỹ cảm cho thế giới thiên nhiên và con người xứ tuyết. Và nói như Standhal, nếu cái đẹp là lời mời gọi hạnh phúc thì Shimamura đã tìm được hạnh phúc đích thực nơi xứ tuyết tưởng như lạnh lẽo, vô hồn này.

Điều mời gọi Shimamura đến đây theo như lời chàng là: Quá tài tử và lông bông vì nhàn rỗi, đôi khi Shimamura cố tìm lại bản thân mình. Điều anh thích thú hồi ấy là đi một mình đến vùng núi. Một mình thôi.7Tôi đến vùng núi này là chỉ nhằm tìm lại nhu cầu trò chuyện với mọi người.8 Phải chăng cuộc sống ở Tokyo quá bận rộn khiến người ta không có thời gian trò chuyện trao đổi tâm tình? Shimamura vốn là một người say mê nghệ thuật vũ đạo phương Tây. Đôi lúc anh thấy cay đắng trước sự suy tàn của truyền thống. Anh không muốn xem các điệu múa Nhật Bản bị cách điệu giả hiệu. Shimamura tìm cách cứu rỗi ở nghệ thuật Balê. Thứ nghệ thuật theo anh là giấc mơ về một thế giới khác, thiên đường của sự hài hoà và sự hoàn hảo tột đỉnh, chiến thắng mỹ học thuần tuý. Rũ bỏ những hư vinh nơi hội chợ phù hoa, Shimamura về với xứ tuyết để khi bước qua ngưỡng cửa nhà trọ, thì núi non và làn không khí ngát hương thơm của cành non lá mới đã cuốn anh ngay đi. Anh lên sườn núi, cười như một gã điên và anh leo trèo mải miết.9 Nghệ thuật phương Đông thường thể hiện con người trong sự hoà quyện với thiên nhiên. Dường như sống với bà mẹ thiên nhiên, con người trở nên đẹp đẽ, trong sáng và thanh khiết hơn. Bởi thế, trong thơ ca phương Đông, nghìn năm sau, ta vẫn nghe tiếng nước chảy, tiếng suối reo, vẫn thấy hoa đào nở để muôn đời người yêu thơ có thể chiêm ngưỡng vẻ kỳ ảo của nhân diện đào hoa tương ánh hồng. (Đề đô thành Nam Trang – Thôi Hộ). Ở đây cũng vậy, hành trình của Shimamura về với xứ tuyết không còn là một chuyến đi có thực trong câu chuyện mà đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật hối thúc con người tìm về với cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn họ. Chỉ ở đó, con người mới cảm thấy: Yên tĩnh và thanh bình như vang lên một bài thánh ca.10 Cố tìm lại bản thân mình bằng cách tìm đến với thiên nhiên điều đó thật có ý nghĩa với một con người đã quen với nơi đô hội như chàng. Quá quen với cuộc sống ở nơi mà con người dễ đánh mất bản thân mình, chai sạn và trơ lì cảm xúc, về với xứ tuyết, chàng du khách lãng tử kia được đắm mình vào âm thanh tiếng đàn sasimen, thưởng thích kịch kabuki, xem lễ hội kymono và quan trọng hơn là:

Văn học truyền thống Nhật Bản thường mô tả các cuộc hành trình về với thiên nhiên như một biểu tượng của cuộc tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Tiêu biểu là nhà thơ thiền Matsuo Basho (1644-1694) với kiệt tác văn xuôi xen lẫn thơ haiku Oku no hosomichi.( Cách dịch Con đường sâu thẳm của Nhật Chiêu hay Con đường hẹp thiên lí của Hàn Thuỷ Giang đều sát nghĩa nguyên tác.) Con đường sâu thẳm chính là những trải nghiệm của Basho về sự vô thường và vĩnh hằng của đời sống. Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là hành trình về với cái đẹp của thiên nhiên, tìm về một nền văn hoá còn giữ nguyên vẹn sự thuần phác và dung dị nơi phương bắc xa xôi, để xa rời xã hội phồn hoa kinh kỳ. Và chủ đề ấy đã được Kawabata tiếp nối và thể hiện thành công qua Xứ tuyết. Rõ ràng, Kawabata đã tiếp tục con đường mà các bậc tiền nhân đã đi để viết tiếp những trang văn giàu chất thơ, thấm đẫm triết lí nhân sinh về cuộc đời.

Trong tác phẩm Hữu thể và thời gian, Martin Heidegger đã xem cuộc đời con người chỉ là một phác hoạ, muốn hoàn thiện mình, chúng ta phải biết vượt qua hoàn cảnh thực tại để kiếm tìm bản ngã của mình. Dưới ảnh hưởng của tư tưởng triết học này, văn học nghệ thuật hay miêu tả các cuộc hành trình như là sự trải nghiệm của nhân vật. Điều quan trọng là quá trình trải nghiệm chứ không phải là đích đến. Vì vậy, khái niệm trên đường luôn được nhấn mạnh. Văn học Pháp thế kỷ XX cũng xây dựng nhiều biểu tượng về các cuộc hành trình. Trên một ý nghĩa như vậy, ta cũng có thể xem Shimamura là một phác hoạ đang trong hành trình tìm kiếm bản thân mình. Qua hành trình trải nghiệm ấy, anh tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Sống là được hoà mình trong thiên nhiên, được chia sẻ tình cảm với mọi người, được hiểu biết truyền thống văn hoá dân tộc và quan trọng hơn là biết mình cần gì ở cuộc đời này.

Qua các cuộc hành trình của Shimamura, ta thấy xứ tuyết đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên tươi đẹp, miền thẳm sâu thanh sạch, nguyên sơ của tâm hồn. Chính vẻ đẹp thuần phác ấy đã cứu rỗi con người, giúp con tìm được sự bình yên giữa cuộc sống xô bồ, sặc mùi vụ lợi đầy cám dỗ của đời sống vật dục. Cùng với xứ tuyết, cuộc hành trình của nhân vật chính cũng đã trở thành biểu tượng cho cuộc kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời của con người. Nếu trong Xứ tuyết, Kawabata đã dựng lên hai biểu tượng sóng đôi thì ở Ngàn cánh hạc, tác giả lại tạo được những biểu tượng lồng trong biểu tượng gắn với đồ vật cụ thể nhưng lại vô cùng giàu sức gợi.

Như đã nói ở trên, Ngàn cánh hạc (Sembazuru-1951) là một trong những tác phẩm chứa nhiều biểu tượng nhất của Kawabata. Trong tác phẩm này, Kawabata đã mượn nghi lễ Trà đạo – biểu hiện cho lối sống, tính cách, tâm hồn người dân Phù Tang- như một cái cớ, một chiếc bình phong để kể câu chuyện tình yêu rất đời thường. Trên bình diện kết cấu tác phẩm, có hai tuyến câu chuyện đan cài vào nhau. Một mặt, Kawabata kể về những buổi uống trà và câu chuyện đời thường diễn ra quanh những tiệc trà. Theo nguyên tắc hoà, kính, thanh, tịch của nghi lễ Trà đạo, khi uống trà người ta thường trầm lặng để thưởng thức vị ngon và cảm nhận sự thư thái trong tâm hồn. Thế nhưng trong tác phẩm, tác giả đã để các nhân vật bàn tán những chuyện phàm tục trong những tiệc trà. Những câu chuyện tầm thường ấy đã phần nào làm lu mờ ý nghĩa thiêng liêng của Trà đạo.

Mặt khác, Ngàn cánh hạc còn là câu chuyện về những mối tình thanh cao xen lẫn phàm tục. Đó là thực sự là câu chuyện về những mối tình nối chuyến của các nhân vật. Ông Mitani yêu bà Ôta. Khi ông mất, con trai ông là Kikuji lại yêu người tình của cha. Sau khi bà Ôta qua đời, Fumicô- con gái của bà lại yêu Kikuji. Khi đó, chàng phần nào đã dành tình cảm cho Yukikô – người con gái đang học pha trà tại nhà người bạn của bố chàng. Cách kể câu chuyện tình lồng vào nhau ấy của Kawabata thật day dứt. Cuộc tình ngang trái giữa ông Mitani và bà Ôta luôn hiện diện trong ký ức của Kikuji ngay cả khi người bố đã qua đời. Lúc Kikuji và bà Ôta yêu nhau, cuộc tình quá vãng ấy luôn ám ảnh người trong cuộc. Sợi dây tình vướng víu ấy đã làm cho câu chuyện phức tạp hơn. Mối tình giữa Kikuji và Fumicô không bao giờ trọn vẹn. Tuy yêu cô nhưng Kikuji lại luôn nhớ về bà Ôta qua chiếc chén uống trà Shinô có in vết son môi của bà và trong chàng, hình ảnh Yukikô luôn hiện diện. Hai tuyến câu chuyện trên đã đan xen, giằng xé tạo nên sự hấp lực của tác phẩm. Bên cạnh việc để cho các nhân vật tự thể hiện mình, Kawabata đã sử dụng hình ảnh chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc và chiếc chén uống trà Shinô có vết son môi như những biểu tượng độc đáo để chở tải câu chuyện về trà đạo và tình yêu.

Chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc trong câu chuyện gắn liền với nhân vật Yukikô và là tâm điểm của tác phẩm. Kikuji gặp Yukikô lần đầu tiên trên đường đến dự tiệc trà, điều ấn tượng nhất đối với chàng là chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc trên vai cô gái. Chiếc khăn đó là tuy là vật dụng bình thường của Yukikô song nó lại gây sự chú ý đặc biệt của Kikuji. Chàng chỉ gặp Yukikô hai lần nhưng mỗi khi nghĩ đến nàng thì hình ảnh chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc cứ trở đi trở lại trong tâm trí chàng. Trong tác phẩm, hình ảnh chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc xuất hiện 13 lần ở những không gian và thời gian khác nhau. Nó xuất hiện ở thế đối sánh giữa phàm tục và thanh cao, giữa cái ti tiện, nhỏ nhen, ích kỉ với sự trong sáng, thánh thiện, thoát tục. Mỗi lần hình ảnh ấy xuất hiện, câu chuyện như tươi sáng  hơn. Chính vì vậy, lúc nào đối mặt với cái xấu, cái ác, cái ti tiện, nhỏ nhen, ích kỷ thì dưới mắt Kikuji lại hiện ra hình ảnh diệu kỳ ấy. Trước mắt chàng, cô gái nhà Inamura (tức Yukikô) trở lên đẹp lạ thường, nàng bỗng nổi bật bên trên những mẩu chuyện nhỏ nhen của những người đàn bà đứng tuổi đang vây quanh chàng.11 Có lúc, chàng tưởng như ngàn cánh hạc nhỏ và trắng tung tăng bay quấn quýt xung quanh người nàng.12 Ngay sau khi đã dành tình cảm cho Fumicô – một thứ tình yêu luôn chập chờn giữa thực ảo, giữa hình ảnh người tình quá cố và con gái bà ta thì Kikuji bao giờ cũng nuôi ảo tưởng là cô gái nhà Inamura đang đi dạo đâu đó dưới bóng hàng cây bên đường với chiếc khăn màu hồng có vẽ ngàn cánh hạc trong tay. Chàng có thể nhìn rõ ràng bầy hạc trắng và chiếc khăn đó.13Quả thực, hình ảnh cô gái với chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc trong tác phẩm đã cứu rỗi linh hồn Kikuji, nhất là khi chàng vướng vào mối tình oái oăm, trầm luân với bà Ôta – người tình của cha chàng, mẹ của người yêu mình. Kikuji đã yêu trong sự dằn vặt cho đến khi bà ta chết. Khi đó, không hiểu sao trong đôi mắt mệt mỏi của chàng bầy hạc trắng in trên chiếc khăn choàng của cô gái nhà Inamura bay ngang qua vầng trời chiều14 và từ đó hình ảnh kỳ diệu ấy không còn hiện diện trong chàng nữa. Như thế, chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc trong tác phẩm đã trở thành biểu tượng mang ý nghĩa đặc biệt. Trước thực tại luôn có sự giằng xé giữa cái phàm tục và thanh cao, nhân vật khó có thể thoát ra khỏi sự bủa vây của những cám dỗ đời thường thì cũng có những phút giây họ hướng thiện. Và chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc là biểu tượng để nhà văn thể hiện điều đó. Nếu như Kawabata chỉ sử dụng độc thoại nội tâm (một cách mà các nhà văn thường sử dụng) để thể hiện sự giằng xé, vùng vẫy của nhân vật trong nỗ lực thoát khỏi những điều tầm thường, vươn tới sự cao khiết thì tác phẩm khó tạo nên ấn tượng độc đáo. Ngoài ra, tác giả sẽ phải tốn rất nhiều “đất diễn” để thể hiện quá trình nhân vật đi tìm sự thanh thản, nhẹ nhõm trước những mệt mỏi và hệ lụy của đời thường. Từ đó, ta hiểu tại sao Kawabata dùng hình ảnh này để đặt tên cho tác phẩm của mình. Hình ảnh cánh hạc trắng đã từng xuất hiện trong thơ ca cổ Nhật Bản, gắn với đời sống tâm linh của người dân xứ sở hoa anh đào nói riêng, người phương Đông nói chung như là biểu tượng của sự cao khiết. Việc dùng hình ảnh này như một biểu tượng tạo nên chiều sâu trong sự biểu đạt của cuốn tiểu thuyết. Đặt trong thế đối lập với hình ảnh chiếc bớt xấu xí trên ngực trà sư vô đạo Kakikô, phải chăng chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc còn là biểu tượng cho hương trà thanh khiết đã bay đi chứ không chấp nhận sự phàm tục?

Bên cạnh hình ảnh chiếc khăn hồng có thêu ngàn cánh hạc, chiếc chén uống trà Shino­ với vết son môi cũng trở thành biểu tượng độc đáo. Trong tác phẩm, nó xuất hiện 11 lần, chủ yếu qua các đối thoại giữa Kikuji và Fumicô. Chiếc chén này ra đời từ một lò gốm nổi tiếng bởi bàn tay tài hoa của một nghệ nhân có thật trong lịch sử Nhật Bản. Nó có tuổi đời trên 300 năm và đã gắn với nhiều tiệc trà. Trong tác phẩm, chiếc chén đó là vật sở hữu của bà Ôta. Lúc còn sống, bà dùng nó uống trà hàng ngày, vành chén đã đỏ thẫm theo thời gian và bà cho đấy là do son môi của mình dính vào. Vết son môi trên chiếc chén không chỉ gắn với tình yêu cái đẹp của người Nhật (yêu cái cũ mòn, rêu phong) mà còn là dấu vết của thời gian, của tình yêu. Khi mẹ mất, Fumicô đem tặng nó cho Kikuji vì mỗi khi nàng nhìn nó thì hình ảnh người mẹ lại hiện diện. Điều đó khiến nàng không thể bình tâm yêu Kikuji. Khi có chiếc chén trong tay, chàng lại luôn hình dung về bà Ôta. Khi chàng nhìn vào tác phẩm tuyệt vời trước mắt (chiếc chén), chàng thấy một cách mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào khác cái tuyệt phẩm mà bà Ôta là hiện thân.15 Fumicô không thể chịu được điều đó và đỉnh điểm bi kịch của mối tình ngang trái ấy là việc cô quyết định đập vỡ chiếc chén Shinô trong trạng thái vô cùng phấn khích và xúc động. Chúng kiến việc đó, Kikuji suốt đêm không ngủ, chàng bước ra vườn và thấy: Chiếc chén Shinô bị đập vỡ nằm trên một phiến đá trước cái bể nước bằng đá. Chàng xếp bốn mảnh lớn thành hình cái chén. Miệng chén thiếu mất một miếng lớn bằng ngón tay.16 Kikuji đã bật khóc khi nhặt những mảnh vỡ đó. Rõ ràng, chàng rất muốn lưu giữ hình ảnh về bà Ôta trong khi lại đang yêu con gái của bà.

Như vậy, chiếc chén uống trà với vết son môi là một sáng tạo độc đáo của Y.Kawabata để chở tải câu chuyện khá éo le về tình yêu và nỗi ai hoài của ông về vẻ đẹp của Trà đạo. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại sử dụng nó như một biểu tượng, mà rõ ràng, để chuyển tải một bức thông điệp về Trà đạo thì không gì phù hợp hơn là một chiếc chén đã gắn với những tiệc trà có lịch sử trên 300 năm. Và để diễn tả những hoài niệm về một cuộc tình thì còn gì đẹp đẽ, gần gũi hơn là một vật dụng thường ngày còn lưu dấu vết của người xưa như chiếc chén Shinô. Chính vì thế, trong Ngàn cánh hạc, chén Shinô không chỉ là một đồ vật nữa mà còn là một thực thể sống động, một nhân chứng vô ngôn cho cuộc tình đầy bi kịch song vô cùng cao đẹp của những con người luôn khát khao được sống trong tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối.

Hai đồ vật chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc và chiếc chén Shinô với vết son môi đã góp phần thể hiện ý đồ nghệ thuật sâu sắc của Kawabata. Câu chuyện về Trà đạo và những mối tình ngang trái, giằng xé rất đời thường dường như ám ảnh hơn qua những biểu tượng trên. Chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc đã trở thành biểu tượng cho sự thanh cao, trinh bạch trong hồn người, cho hương trà thanh khiết, cho đẹp vĩnh hằng mà con người luôn hướng tới. Còn chiếc chén Shinô có vết son môi không chỉ là biểu tượng cho truyền thống Trà đạo thanh cao hàng trăm năm của người dân sứ sở Phù Tang mà còn là biểu tượng cho tình yêu luôn hiện hữu như là chỗ dựa tâm linh nâng đỡ con người trong cuộc đời. Vì thế, những biểu tượng độc đáo đó đã gắn với tên tuổi Kawabata và làm nên sức sống mãnh liệt của tiểu thuyết Ngàn cánh hạc. Ở Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc, các biểu tượng tuy độc đáo, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc song đều bắt nguồn từ những gì cụ thể: xứ tuyết, cuộc hành trình, chiếc chén, chiếc khăn… Tuy vậy, đến Cố đô, biểu tượng đã khác, nếu không để ý, ta sẽ nghĩ thành phố Kyoto trong tác phẩm chỉ là không gian nền cho nhân vật xuất hiện.

Cố đô (Kyoto-1961) là tiểu thuyết được Kawabata yêu mến và trân trọng hơn cả, ông đã lấy tên kinh đô cũ của Nhật Bản làm nhan đề cho tác phẩm. Cốt truyện của tiểu thuyết này xoay xung quanh số phận của hai chị em Chieko và Naeko. Họ là một cặp song sinh, Chieko bị cha mẹ bỏ rơi, cô được một thương gia giàu có nuôi nấng, dạy dỗ. Còn Naeko sống cùng bố mẹ và tuy mồ côi từ nhỏ, song cô đã tự rèn luyện để trở thành một sơn nữ khoẻ mạnh, yêu lao động. Tuy thế, theo Anders-Sterling bản thân thành phố Kyoto mới là “nhân vật” chủ đạo của tiểu thuyết này và theo chúng tôi, đó là một biểu tượng văn hoá được tác giả kín đáo tạo dựng.

Ở Nhật Bản, trước thời Nara (thế kỉ VIII), có hơn 60 kinh đô trên đất nước. Cuối thế kỉ thứ VIII, thiên hoàng Kanmu dời đô từ Nara về Heian (tức Kyoto ngày nay). Thời hiện đại, khi Tokyo trở thành thủ đô Nhật Bản. Kyoto là cố đô có nhiều đền thờ thần đạo, nhà chùa, các lễ hội cổ truyền, các ngành nghệ thuật, thủ công truyền thống. Câu chuyện trong Cố đô bắt đầu bằng lễ hội hoa anh đào mùa xuân. Chieko và một người bạn đến chùa Heian Dgingu để ngắm hoa anh đào nở. Kawabata đã say sưa viết về về hoa anh đào và những ngôi chùa. Chùa Heian Dgingu nổi danh với ngày lễ Kỷ nguyên của mình được coi là không cổ lắm. Người ta dựng ngôi chùa này vào năm 1895 để tưởng niệm thiên hoàng Kanmu, người hơn ngàn năm trước đã hạ chiếu thiên đô về nơi bây giờ là Kyoto. Cổng tam quan và chùa ngoài giống y như cổng Otemmon và cung Daigokuen ở Heian…Từ năm 1932 trở đi, ở chùa người ta bắt đầu tưởng nhớ cả Komay, vị thiên hoàng mà sau ông người ta lại dời đô từ Kyoto về Edo tức Tokyo ngày nay. Vườn chùa ở Heian Dgingu trở thành một trong những địa điểm ưa dùng để tổ chức hôn lễ. Cánh rừng nhỏ những cây anh đào đã tô điểm cho khu vườn có một vẻ riêng biệt. Không phải vô cớ mà giờ đây người ta nói: Cố đô có nhiều loài hoa, duy chỉ có hoa anh đào đủ thủ thỉ cùng ta đấy mới đích xuân sang.17 Người Nhật Bản có thói quen đi ngắm hoa anh đào ở các ngôi chùa cổ. Ở đây, Kawabata đã trân trọng nói đến nghi lễ truyền thống của dân tộc như một lời nhắc nhở người Nhật hãy luôn giữ lấy những gì đã là hồn cốt của dân tộc. Trong tác phẩm, Kawabata gọi Kyoto là thành phố Kimono. Tác giả đã kể chuyện Takichiro Xada – cha nuôi của Chieko – đã phải rời nhà đến ở ni viện chỉ là để nghĩ được những họa tiết cổ trên thắt lưng áo kimono. Ông tự nhủ: Hay ta cứ vẻ theo phong cách cổ điển… Trước mắt ông mẩu vải của những năm tháng đã qua lần lượt hiện lên nối tiếp nhau. Trong ký ức ông còn lưu giữ hoa văn, màu sắc bao nhiêu mặt hàng, trang phục. Lúc dạo chơi khắp các khu vườn danh tiếng ở Kyoto, khắp các vùng ngoại ô thành phố, ông thường ký hoạ, mong có dịp sử dụng đến khi cần khối màu cho hàng may kimono.18 Sau khi vẽ được hoạ tiết ưng ý, Takichiro lại chọn một xưởng dệt thủ công để thể hiện những mẫu hàng ấy. Không phải ngẫu nhiên Kawabata đã kể nhân vật của ông kì công như thế nào để lưu giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc trên hoạ tiết kimono, việc thành phố Kyoto một năm cho chạy tưởng niệm một lần chuyến tàu điện cổ – cái mà ông gọi là toa tàu tưởng niệm, hay việc nhân vật Xoxuke Otomo lo sợ bọn Mỹ chặt mất hàng cây long não dọc bờ sông… mà tất cả điều đó cùng vô vàn lễ hội tôn giáo khác được mô tả trong tác phẩm là để ông nói rằng người Kyoto (và cả ông) nữa đã “chiến đấu” như thế nào để lưu giữ nét đẹp xưa.

Trước cuộc xâm lăng của văn hoá Âu Mỹ, những việc làm ấy là vô cùng có ý nghĩa. Để rồi, ấn tượng đọng lại trong lòng người đọc về cố đô trong tác phẩm của Kawabata đó là một thành phố lớn với những cây cối đẹp đến sững sờ. Không sao tả được cái tuyệt mỹ nơi khu vườn bao quanh biệt thự hoàng gia bên cạnh chùa Xingakuin, cánh rừng thông bên hoàng cung, bao nhiêu vạt vườn mênh mang của những ngôi chùa cổ, mà ngay cây cối trên các phố xá cũng rất tươi tốt, chính chúng là điều trước nhất đập vào mắt du khách… Những cây liễu rủ ở Kiyamachi và trên bờ sông Takaxe, những đường trồng liễu dọc các phố Godgio và Horikaoa thật lạ thường. Đây là loài liễu rủ thực sự, những cành non mềm mại của chúng buông sát đất. Cả những cây thông đỏ mọc thành vòng bán nguyệt trên Bắc Sơn cũng khiến người ta thán phục.19 Đọc Cố đô, chúng ta không chỉ ngậm ngùi cho số phận hai chị em song sinh mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Kyoto.

Kawabata viết về kinh đô xưa trong làn sóng Mĩ hoá ồn ào sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai với khát vọng gìn giữ những nét đẹp cổ kính của dân tộc trong quá trình hiện đại hoá. Vì thế,  Cố đô đã trở thành biểu tượng cho kí ức dân tộc, cho những truyền thống đã trở thành bản sắc Phù Tang. Sau khi đọc tác phẩm, mỗi một người Nhật chắc  phải nghĩ đến việc phải cố giữ lấy một cái gì đó là vẻ đẹp cổ xưa của dân tộc. Vì vậy, đây là tác phẩm mang tính dân tộc đậm đà hơn cả trong  những kiệt tác của Kawabata. Với Cố đô, Kawabata đã tạo dựng được một biểu tượng ẩn, ôm trùm lên cả tác phẩm còn đến Tiếng rền của núi, tác giả lại tạo ra biểu tượng ảo, chỉ cảm nghe được từ tâm hồn những người đồng điệu.

Tiếng rền của núi (Yama no oto – 1952) là tiểu thuyết được đánh giá “khác chất” Kawabata hơn cả. Tác phẩm nhắc chúng ta nhớ đến lễ hội, tập tục kỳ lạ của người Nhật: cha mẹ già tự nguyện để con trai đưa vào núi và chết ở trong đó. Mượn ý nghĩa của tập tục cổ xưa, Kawabata đặt tên tác phẩm của mình là Tiếng rền của núi. Trong tiểu thuyết này, tác giả đã miêu tả tiếng rền của núi như một âm thanh vẫy gọi con người về với cõi chết, cõi bất tử. Qua tác phẩm, ông muốn nói rằng, cuộc đời thực chất là hành trình đi tìm những chân lý vĩnh cửu của đời sống. Ở tác phẩm này, nó được tượng trưng bằng hình ảnh quả núi, càng xa càng thấy rõ, càng đến gần thì nó choán ngợp tầm mắt ta. Cuộc đời sau khi đã bỏ lại sau lưng không hẳn là hết, cái chết không phải là nỗi sợ hãi mà là một phần của cuộc đời, nên nhân vật của ông đã đến với cái chết thật an nhiên, tự tại. Sau này, trong Rừng Na-uy, Haruki Murakami cũng viết về cái chết như vậy.

Trong tác phẩm, nhân vật Singo lắng nghe tiếng núi rền như một âm thanh của thần chết. Đây rõ ràng là tiếng núi, nó giống như tiếng gió xa, nhưng có thể ví với tiếng rền rĩ trầm vang từ sâu trong lòng đất vọng ra. Shingo cảm thấy như đó là tiếng rền từ trong chính bản thân mình.20 Có lúc Singo cảm thấy sợ vì biết đâu đó chẳng là dấu hiệu của thần chết sắp gọi ông. Ông đem điều lo lắng này nói với vợ và con dâu. Hôm qua, tôi mở cửa sổ cho mát thì nghe tiếng rền của núi sau nhà… Hai người đàn bà ngoảnh nhìn về phía núi.

– Núi rền được sao? Kikuco thốt lên – mà hình như có lần mẹ đã kể cho con nghe một câu chuyện như vậy? Hình như chị gái của mẹ trước khi chết cùng có nghe tiếng núi rền thì phải…

Singo choáng người như bị sét đánh. Ông không thể tha thứ cho mình vì đã quên chuyện đó. Làm sao ông chẳng nói ra khi nghe tiếng núi rền cơ chứ? Thật hết sức lạ lùng?21 Từ đó, âm thanh ám ảnh ấy cứ trở đi trở lại trong tâm trí ông. Không phải ngẫu nhiên mà Kawabata lại miêu tả tiếng núi như âm thanh của cõi chết, mà như đã nói ở trên, điều này gắn với quan niệm về cái chết riêng của người Nhật. Một câu chuyện cổ của người Nhật có kể rằng, vào mùa xuân, những người con trai thường cõng bố mẹ đã già của mình vào núi và để họ tự chết trong đó. Đấy không phải là sự bất hiếu mà chính cha mẹ họ vui vẻ tự nguyện được chết như vậy. Họ còn gọi đó là ngày hội. Dân tộc Nhật có một triết lý khác thường về cái chết, lúc nào cũng sẵn sàng Harakiri – mổ bụng để chết. Họ quan niệm rằng: Không có nghệ thuật nào hơn được cái chết và chết có nghĩa là sống. Các Thiền sư thường chọn cái chết trong sự hoà mình với thiên nhiên. Các nhà văn Nhật coi cái chết như một lời phát biểu cuối cùng. Một dân tộc yêu chuộng cái Đẹp và họ cùng sẵn sàng chết đẹp. Xả thân vì chủ – chết, hạnh phúc – chết, vinh quang – chết, đau buồn – chết. Trong một ý nghĩa như thế, tiếng rền của núi là biểu tượng âm thanh mời gọi con người đi vào cõi bất tử. Và nói như nhân vật Singo trong Tiếng rền của núi: Tốt nhất hãy từ bỏ cõi trần này khi mọi người yêu mến và kính trọng ta.22 Hay như Tagore, nhà thơ lỗi lạc của Ấn Độ cũng đã từng viết: Bởi tôi yêu cuộc sống này biết nhường nào nên tôi cũng yêu cái chết như vậy. Vì vậy, trở về nơi đã ra đi thì không có gì phải đau buồn cả.

Trong Tiếng rền của núi, nhân vật Singo kể rằng những người bạn của ông vì không chấp nhận tuổi già đã nhổ hết tóc bạc trên đầu và cuối cùng chết trong cảnh dở điên. Bằng cách miêu tả như thế, Kawabata muốn nói rằng nhân vật của ông đã đấu tranh tuyệt vọng như thế nào để níu giữ tuổi thanh xuân, cứu vãn cái đẹp. Và khi nghe thấy tiếng núi rền thì khát khao mãnh liệt của họ chỉ là muốn được ra đi trong sự quyến luyến của mọi người. Miêu tả con người đến với cái chết theo tiếng gọi của núi là sáng tạo độc đáo của Kawabata, thể hiện quan niệm của ông về cái đẹp: cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi cái đẹp còn nguyên vẹn. Và nói như Ngô Quý Giang: Chính sự cảm thụ tinh thế cái đẹp và khát vọng mãnh liệt tới cái đẹp, tới đỉnh cao của sự hoàn thiện ở Kawabata đã là nguyên nhân đưa đến cái chết đột ngột của ông, Kawabata không chịu chấp nhận tuổi già, ông đã chọn cái chết để giữ cho sự cảm thụ mỹ học và ý niệm về sự hoàn thiện của cuộc đời mình được nguyên vẹn23. Có phải âm thanh của núi như một biểu tượng của cõi chết đã vẫy gọi Kawabata Yasunary vào cõi vĩnh hằng để hậu thế mãi luyến tiếc con người sinh ra bởi vẻ đẹp Nhật Bản này?


4. Hầu hết những kiệt tác của Kawabata từ các tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, Người đẹp say ngủ, Cố đô, Tiếng rền của núi… đến Truyện trong lòng bàn tay, đều sử dụng biểu tượng như một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc gắn với văn hoá, thẩm mỹ của người Nhật Bản và quan niệm của Kawabata về cuộc sống. Tuy cùng sử dụng biểu tượng để biểu đạt các thông điệp, song điều đáng quý và đáng trân trọng là tác giả của những kiệt tác trên đã không lặp lại chính mình. Để biến Xứ tuyết thành biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên thuần phác, miền đất thanh sạch nguyên sơ, nơi con người tìm được sự thư thái trong tâm hồn sau những bề bộn của cuộc sống, Kawabata đã để cho nhân vật của mình hành trình về đây như một cuộc hành hương thực sự. Còn để ngợi ca vẻ đẹp của nghi lễ trà đạo và gửi gắm vào đấy nỗi ưu tư về sự dung tục, mai một của nghi lễ truyền thống dân tộc, trong Ngàn cánh hạc, Kawabata đã xây dựng các biểu tượng đối lập. Chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc đặt bên cạnh chiếc cốc Shinô có vết son môi tạo nên sự đối lập giữa tĩnh và động, cái này biểu tượng cho hương trà đã được vật chất hoá bay đi, cái kia là biểu tượng cho truyền thống văn hoá không dễ phai mờ. Hai đồ vật kia đặt bên cạnh chiếc bớt đên trên ngực trà sư tạo nên sự đối lập giữa thanh cao và phàm tục. Còn Cố đô là biểu tượng cho kí ức văn hoá của người Nhật lại được xây dựng gắn với số phận của hai chị em song sinh. Hai chị em ấy, có phải một như Kyoto còn bảo lưu được những nét truyền thống, còn một như Tokyo hiện đại? Cuối tác phẩm hai chị em đã gặp nhau hay chính nền văn hoá hai tầng của đất Phù Tang luôn có sự dung hoà? Tiếng rền của núi là biểu tượng âm thanh của cõi vô cùng vẫy gọi con người đến cái chết thì được xây dựng dựa trên tập tục cổ truyền của người Nhật: vào núi và chết ở trong đó. Các biểu tượng trong sáng tác của Kawabata Yasunary vừa bắt nguồn từ cái cụ thể như trong Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô, vừa  mờ ảo như trong Tiếng rền của núi. Sử dụng biểu tượng tuy không phải là sáng tạo riêng của Kawabata song điều độc đáo là từ những gì gần gũi, thân quen, qua bàn tay nhào nặn tài hoa của con người luôn tự nhận mình sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản này, chúng đã trở thành những biểu tượng gắn với những kiệt tác đã thành niềm tự hào của người dân xứ sở hoa anh đào về nền văn hoá đặc sắc của họ. Điều đặc biệt là những hình ảnh trong biểu tượng đó tuy luôn gần gũi thân quen nhưng qua bàn tay nhào nặn tài hoa của Kawabata, chúng trở thành thứ “vàng mười” tạo nên vẻ đẹp của những tác phẩm mang đến niềm tự hào cho người Nhật Bản. Chúng minh chứng cho quá trình lao động nghệ thuật hết mình và nỗ lực vượt lên giới hạn biểu đạt của ngôn từ để mở ra những chân trời liên tưởng mới lạ, đầy mơ hồ và huyễn hoặc của Kawabata.

Trong những năm gần đây, việc tiếp cận tác phẩm ở góc độ biểu tượng đã mở ra hướng tiếp cận mới trong việc khám phá các giá trị của văn học. Tham luận  này bước đầu  khám phá tác phẩm của Kawabata  ở góc độ biểu tượng. Văn học Nhật nói chung, sáng tác của Kawabata nói riêng mang tính biểu tượng cao và cần có sự nghiên cứu mang tính hệ thống. Hy vọng những người yêu mến văn học Nhật Bản sẽ tiếp tục mở cánh cửa còn ẩn chứa nhiều bí ẩn này.

Trần Tố Loan

____________________

Chú thích:

(1) Bùi Quang Tịnh, Bùi Thị Tuyết Khanh, Từ điển tiếngViệt, Nxb Thanh niên, tr 91.

(2) A.Gheerbrant, Jean Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Đình, Nguyễn Văn Vỹ (dịch), Nxb Đà Nẵng 1997, tr29.

(3) Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Chính trị Quốc gia 1999, tr 24.

(4) Mitsuyoshi Numano, Thế giới thơ và tiểu thuyết- Từ Truyện Genji đến Haruki Murakami, Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản, 9-2009, tr 8.

(5),(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13),(14),(15),(16),(20),(21),(22). Y.Kawabata, Tuyển tập, Ngô Quý Giang, Ngô Văn Phú, Vũ Đình Bình, Võ Đình Phòng, Trùng Dương (dịch), Nxb Hội Nhà văn 2001, tr 11,18, 149, 223, 244, 246,238, 282, 289, 516,517, 545, 565, 634, 640.

(17),(18),(19). Kawabata Yasunary, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây 2005, tr 584, 596, 612.

(23). Y.Kawabata, Tiếng rền của núi, Ngô Quý Giang (dịch), Nxb Thanh niên, 1990, tr8.

[*] Năm 1968, Giải Nobel Văn học đã định trao cho nhà văn Lão Xá (Trung Quốc), vì ông đã mất nên Viện Hàn lâm Văn học Thuỵ Điển đã trao giải cho Kawabata Yasunary.

(THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ KAWABATA YASUNARY NĂM 2010)

Nguồn: vanvn.net.