Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Vi Thủy.

Gồm các truyện ngắn sau:

Biển

Gió ngược

Người đàn bà hát

Tấm liễn gia tộc

Trăng treo đầu núi

Nhà văn Lê Vi Thủy, sinh năm 1984, hiện đang làm giáo viên dạy mĩ thuật tiểu học tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Là hội viên Hội VHNT Gia Lai, hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đã có nhiều tác phẩm in trên các tạp chí chuyên ngành trong cả nước.

Năm 2011, truyện ngắn “Sau cái nhếch mép” của Thủy được bình chọn Top 10 truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ Trẻ, từng đoạt giải 3 Thơ Bút mới-báo Tuổi Trẻ năm 2009.

Nhà văn Lê Vi Thủy chia sẻ: “Tôi yêu văn chương bằng tâm hồn và tình yêu cuộc sống, nơi tôi được sẻ chia và thấu hiểu, được làm quen với những người bạn trên mọi miền đất nước qua chiếc cầu nối của văn chương. Đối với tôi mỗi người bạn là một món quà tinh thần mà cuộc sống ban tặng. Điều đó đã làm cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn và tôi tin những người yêu văn chương là những người luôn tạo ra điều kỳ diệu trong cuộc sống.”

+ Tác phẩm đã xuất bản:

Mắt vỡ không còn bóng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Bảng lảng sương đêm (Truyện ngắn, NXB Quân đội Nhân dân, 2015)

Ngày hạt mầm tỏa hương (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020)

Rừng gió (Truyện ngắn, NXB Văn học, 2021)

Trăng treo đầu núi (Truyện ngắn, NXB Hồng Đức, 2023)

Nhà văn Tống Phước Bảo nhận xét:

“Quả thật, từ thơ đến văn xuôi, Lê Vi Thủy càng ngày càng mặn mà, đậm đà, và đầy quyến dụ độc giả bằng chính sự tinh tế pha lẫn chất ảo diệu của riêng mình. Đọc Lê Vi Thủy như đi vào một thế gian nào đó rất riêng của cô, mà đôi khi chính chúng ta cũng tìm thấy cho mình một thế gian riêng để nương náu vào đó. Một thế gian đôi khi chẳng đúng sai, chẳng phân định phần số, chỉ biết ở thế gian đó tự bản thân chúng ta sống cuộc đời rực rỡ theo ý mình.”

Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

“Lê Vi Thủy dựng những câu chuyện như cách vẽ ra những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa. Có gì đó ám ảnh, không phải chỉ là những khắc họa hình thù trên mặt đất này, mà còn là hình bóng của thế gian nhiều chiều, đa sắc, âm vọng, ma mị. Đọc văn Thủy có cảm giác tác giả này từng trải trên từng con chữ, rồi lùi ra xa,  mặc kệ độc giả với những hình dung bằng sự trải nghiệm của họ. Hãy đọc Thủy, để có thêm một không gian riêng mình”.

BIỂN

                                                            Truyện ngắn Lê Vi Thủy

Với Hiên, biển như cuốn nhật ký lưu giữ mọi ký ức buồn vui rong ruổi của tuổi thơ. Mỗi khi cô đơn, muộn phiền hay có niềm vui nào cần chia sẻ, Hiên đều trở về với biển, để được biển vỗ về, ôm ấp vào lòng.

Tin Hiên lấy chồng khiến ai cũng ngơ ngác ngạc nhiên, bởi con bé mới mười sáu tuổi. Cái tuổi vô tư hồn nhiên, cái tuổi cũng chưa đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Vậy mà lấy chồng!

Ngày Hiên lấy chồng, bạn bè không nói ra nhưng ai cũng cảm thấy thương Hiên. Một con nhóc đi bên cạnh chú rể nhìn không khác gì ông của Hiên. Một số người thì nói Hiên may mắn khi cưới được người đàn ông giàu có và biết chiều chuộng, tuy ông ấy già nhưng có cơ ngơi đầy đủ, chỉ việc ngồi đợi ổng chết rồi hưởng gia tài, không phải mó tay làm việc gì đâu mà cũng có khối tài sản kếch xù. Hiên không biết mình có may mắn hay bất hạnh khi mới mười sáu tuổi đã bước lên xe hoa về nhà chồng. Hiên thấy tủi thân, khi nhìn những đứa bạn đồng lứa vẫn còn đang mải chơi những trò chơi con nít, vẫn vô tư ăn ngủ, hồn nhiên với cuộc đời này.

Chồng Hiên là người đàn ông đã ngoài năm mươi tuổi, vợ chết, một mình nuôi con khôn lớn. Ông bảo với Hiên là đàn bà bây giờ tinh quái lắm, chẳng có ai yêu thương ông thật lòng cả, chỉ lợi dụng kiếm chác từ ông là phần nhiều. Ông đã mất tiền, mất lòng tin quá nhiều vào phụ nữ rồi. Nên giờ ông muốn cưới một người vợ ngây thơ, trong sáng như tờ giấy trắng giống như Hiên và quan trọng hơn phải còn trinh nguyên. Hiên nghe ông nói mà không khỏi rùng mình, gai ốc nổi khắp người.

Cơn bão số ba ập đến bất ngờ và đi lệch hướng không theo như dự đoán của đài khí tượng thủy văn. Nhiều con tàu bị bão đánh mất tích, trong đó có con thuyền của ba Hiên. Sau ba ngày bão cuồng thì trời cũng ráo mưa và quang mây trở lại. Những con thuyền trốn bão lần lượt trở về. Con thuyền của ba vẫn được thông báo là mất tích. Cả nhà Hiên vẫn hy vọng là con tàu của ba đang trốn bão ở đâu đó chưa về kịp nhưng chuyến tàu của ba đã không bao giờ trở về nữa cùng một vài con thuyền khác, khi xác của từng thuyền viên trên tàu lần lượt được tìm thấy và đưa về. Riêng ba của Hiên vẫn chưa tìm thấy xác, gia đình Hiên vẫn hy vọng rằng ba còn sống. Mẹ và chị em Hiên ngày nào cũng ra ngóng biển. Nhưng hy vọng đó mỗi ngày một ít đi và hơn một năm rồi ba vẫn chưa về, mọi hy vọng như tàn lụi trong gia đình Hiên. Ba sẽ không bao giờ trở về nữa.

Ba Hiên hiền, một người đàn ông rắn rỏi chịu thương chịu khó. Từ nhỏ ba đã dạy Hiên nhiều điều về biển. Ba bảo nhìn sóng biển con sẽ hiểu biển đang nói gì với con, những đợt sóng nhẹ nhàng, những đợt sóng biển cong vòng, hay biển động nó sẽ như thế nào, Hiên đều thuộc lòng. Ba chỉ cho Hiên phân biệt từng loại cá, và những khi bắt được những con cá nhỏ ba đều thả lại về biển, ba bảo những con cá nhỏ vậy thịt cũng không ngon mà mình bắt vậy thì cá không sinh sôi nữa. “Nó còn phải lớn để được sống cuộc đời biển cả của nó con à!”. Hiên hỏi ba: “Vậy cá cũng nói chuyện và cũng hiểu được cuộc đời hả ba?”. Ba bảo” “Mọi sự vật trong cuộc sống này đều có linh hồn và cuộc sống của nó, cá cũng như người, nó có gia đình của nó đấy con à!”. “Thế thì mình bắt cá lớn cũng bắt gia đình cá đi mà ba”. “Ừ thì, nó lớn thì nó cũng biết được cuộc sống là gì rồi, với lại cá là thực phẩm của con người, nếu ta không bắt nó thì ta không có cái ăn con ạ!”. Hiên phụng phịu trước câu trả lời của ba, vẻ như không thuyết phục nhưng cũng từ đó Hiên không bắt những con cá con hay ốc con nữa, để nó về với mẹ. Hiên nghĩ mình đi đâu thì mẹ cũng lo kinh khủng lên ấy chứ.

Mười sáu tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới của Hiên vậy mà giờ đã làm vợ người ta. Ngôi nhà to lớn, xa hoa, lạ lẫm khác xa với ngôi nhà bốn phía lúc nào cũng thông thốc gió của Hiên.

Chồng Hiên – ông Bách là người gia trưởng, ông nói một thì người khác không được nói hai. Ông ghét sự bề bộn và bụi bặm cho nên nhà của ông mọi thứ cứ tăm tắp theo thứ tự của nó và đều bóng loáng. Chính sự kỹ tính và khó chịu của ông mà ba cậu con trai của ông đều chưa lập gia đình. Con trai út của ông cũng đã hai mươi lăm tuổi, con trai cả ba lăm tuổi, con trai thứ của ông hai tám tuổi. Hiên chỉ nghe ông Bách kể vợ ông mất sau khi sinh đứa út vì bị băng huyết. Hồi đó vợ ông sinh ở trạm xá nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khi xảy ra sự việc thì mọi người không kịp chuyển bà lên bệnh viện lớn. Một mình ông nuôi ba con khôn lớn, ăn học đầy đủ. Ông Bách là chủ một doanh nghiệp lớn, có đến vài nghìn nhân công. Các con ông mỗi người chịu trách nhiệm một mảng kinh doanh.

Con trai cả của ông tên Bình, khó gần. Thường xuyên không ở nhà. Bình và ông Bách không hợp nhau, mỗi lần gặp đều cãi nhau, và hay nhắc đến tên một người phụ nữ.“Nếu mày cưới con đó thì cút ra khỏi nhà tao. Tao không cho mày một xu, thử mày sống được không”. Những lúc như thế Bình thường lầm lì, không nói câu nào và bỏ ra khỏi nhà. Con trai út của ông tên Nam thì ngược hẳn với anh cả của mình, Nam hay đùa và nói chuyện với Hiên, hay gọi Hiên là: “Mẹ bé nhỏ của anh”, trong lời nói có chút gì đó cợt nhả mà Hiên rất sợ khi phải tiếp xúc với Nam. Con thứ của ông tên là An có vẻ trầm tính nhất nhà, An thờ ơ mọi thứ, kể cả sự có mặt của Hiên. Chỉ có mỗi Bình lâu lâu nhắc tới tên phụ nữ còn lại An và Nam dường như chẳng màng đến chuyện vợ con ngoài công việc.

Bé Út bị ung thư, đó là cái tin mà có đánh chết Hiên cũng không tin là sự thật, khi mà ba của Hiên chỉ mới vừa ra đi cách đây không lâu. Hiên nhìn mẹ, người phụ nữ mới bốn mươi lăm mà đôi mắt đầy vết chân chim, đôi môi lúc nào cũng khô khốc vì gió biển. Lúc nào cũng sống một cách tằn tiện, tiết kiệm dành hết cho chị em Hiên, cái áo mới cũng không dám sắm, quanh năm chỉ mặc mỗi cái áo nâu sờn với chiếc nón tả tơi. Ngày nào vớt được nhiều sò, ốc thì còn bán được chút tiền, ngày nào ít thì chỉ đủ cho bốn miệng ăn trong nhà. Cu Hai và bé Út còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi khổ của mẹ. Hiên nhiều lần đòi mẹ cho nghỉ học, buôn bán phụ giúp mẹ nhưng mẹ không cho. Nhưng từ ngày biết bé Út bị ung thư thì Hiên cũng nghỉ học ở nhà để giúp mẹ kiếm tiền. Số tiền Hiên kiếm được khi đi mót hàu cũng chẳng đáng bao nhiêu. Thấy gia đình Hiên quá khổ, bà Tư Giàu xóm trên xuống thì thầm to nhỏ gì đó với mẹ, rồi sau mấy ngày có một người đàn ông luống tuổi ghé nhà và cho mẹ Hiên rất nhiều tiền. Khi ông đi vào nhà, đôi mắt ông dừng lại ở Hiên, đôi môi mỉm cười nhẹ ra vẻ hài lòng. Khi ông khách ra về, cũng là lúc Hiên được mẹ gọi lại nói chuyện. Nghe mẹ nói mà tay Hiên run lên, rồi bấu chặt những móng tay dài đâm sâu vào lòng bàn tay như muốn tứa máu.

Nước mắt của mẹ chảy dài trên khuôn mặt hốc hác của nhiều đêm không ngủ, mẹ luôn miệng xin lỗi Hiên, đôi bàn tay gầy guộc ôm lấy Hiên, đầy nước mắt. Hiên ôm mẹ vào lòng, vỗ về. Hiên biết đó là sự lựa chọn đúng đắn nhất lúc này cho mẹ và cho Út, Hiên không thể nghĩ cho riêng mình vào hoàn cảnh này.

Bé Út đang trong giai đoạn xạ trị, mái tóc dài đen nhánh rụng dần, chỉ còn vài cọng tóc lưa thưa mà Hiên không khỏi xót xa. Đôi mắt của mẹ thì ráo hoảnh. Mỗi ngày Hiên đều cầu nguyện cho ông trời đừng cướp thêm điều gì quý giá trong cuộc sống của Hiên nữa. Hiên muốn thấy Út cười chứ không phải là khuôn mặt đang trải qua đau đớn của những mũi thuốc kia. Hình ảnh bé Út giống trong ký ức Hiên về những con cá đang giãy chết, tấp thẳng vào bờ. Bờ biển trải dài trắng xóa những xác cá chết mà Hiên không thể nào quên được. Người dân mấy ngày đầu thì hăm hở ra lựa những con nào còn tươi vào ăn, con nào hơi ươn thì để làm mắm hoặc phơi khô để dành ăn dần. Chị em Hiên cũng hăm hở đi nhặt cá bán cho các thương lái, mẹ cứ tặc lưỡi bảo nhà mình ít người mà các con còn nhỏ nhặt được ít, chứ nhà đông người bán được khối tiền. Nhà Hiên cũng để dành một ít cá ăn dần. Nhưng số lượng cá chết ngày một lớn, người nhặt cũng không xuể, rồi mùi hôi thối của cá bị thối rữa, ngập cả vùng quê yên ả. Đến sau này, dân làng mới biết cá chết do chất độc thì những con cá kia cũng thành mắm, thành cá khô, thành các món ăn phục vụ gia đình mất rồi. Hình ảnh đó ám mãi Hiên. Bé Út bị ung thư gan, đang ở giai đoạn cuối. Hiên không hiểu tại sao Út lại bị ung thư trong khi nhà Út sống ở biển với không khí trong lành, không ô nhiễm. Mà không chỉ một mình bé Út, cũng có nhiều người trong vùng bị ung thư như Út.

Ông Bách đến như vị cứu tinh cho gia đình Hiên. Ông bảo bao nhiêu tiền cũng chi trả chỉ cần cứu được bé Út, và đó cũng chính là điều kiện để Hiên đồng ý cưới.

Đêm đầu tiên của Hiên, ông giống như con sói vồ vập và ngấu nghiến lấy Hiên, Hiên chỉ biết co người sợ hãi. Hai bàn tay Hiên bấu chặt vào tấm ga trải giường, giọt máu đỏ dính trên ga giường càng khiến cho ông hả hê. Cơ thể ông ngã vật bên cạnh Hiên cùng nụ cười thỏa mãn. Hiên co ro trong tấm chăn mỏng, những giọt nước mắt chực chảy. Mười sáu tuổi, Hiên chưa một lần biết yêu, chỉ biết tim mình hay đập mạnh mỗi khi gặp Khoa học cùng lớp với Hiên. Khoa quan tâm Hiên nhẹ nhàng và kín đáo nhưng cũng đủ để Hiên cảm nhận được Khoa rất thích Hiên. Hình ảnh Khoa đứng trong một góc khuất nhìn Hiên trong ngày đưa dâu cũng khiến Hiên xót xa cho mối tình chưa kịp chớm nở của mình.

Nhu cầu của ông Bách rất nhiều, chính vì vậy mà những lọ thuốc tăng sinh lực, thức ăn giúp cường dương luôn có trong thực đơn của ông. Mỗi ngày ông nghĩ ra một trò mới và bắt Hiên thực hiện cho thõa mãn thú vui của mình. Hiên thấy mình như món đồ chơi của ông không hơn không kém. Nhìn bên ngoài ông lịch sự, lịch lãm phù hợp với lứa tuổi của ông bao nhiêu thì ban đêm ông như con linh cẩu, sục sạo, lần mò với đôi mắt sáng quắc khiến cho Hiên khiếp sợ. Hiên chỉ biết phục tùng chiều theo ý ông. Ông để cho Hiên tiêu bao nhiêu tiền tùy thích, muốn đi đâu thì đi nhưng trong sự giám sát của người giúp việc. Hiên thấy mình giống như con chim bị nhốt trong một cái lồng, dù tự do đấy nhưng không tài nào thoát ra được.

Các con ông không quan tâm đến chuyện của ông. Họ đi ra vô như những chiếc bóng. Đôi lúc Nam xuất hiện say khướt, vuốt má, rồi ôm chầm lấy Hiên, Hiên chỉ biết đẩy Nam ra rồi chạy vào phòng đóng cửa lại trong sự sợ hãi. An luôn nhìn thấy những điều Nam làm nhưng dửng dưng. Khi mắt Hiên chạm ánh mắt của An thì An thường quay đi chỗ khác. Trong ba người con của ông thì An cho Hiên cảm giác an toàn nhất. An có đôi mắt đẹp, ươn ướt giống mắt của con gái, mà đúng hơn là giống đôi mắt của mẹ An mà một lần dọn phòng, Hiên vô tình nhìn thấy trong tấm ảnh đã ố vàng theo thời gian. Nhiều lần Hiên muốn bắt chuyện với An nhưng lại không dám.

Bé Út mất sau hai tháng nằm xạ trị tại bệnh viện. Khuôn mặt ngây thơ với nụ cười hồn nhiên của Út ngày nào giờ chỉ còn một khuôn mặt hốc hác, đau đớn vì xạ trị, da trở nên tái xanh, môi nhợt nhạt tím tái, đôi mắt nhắm nghiền không bao giờ mở ra nữa. Dù mẹ đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng mẹ vẫn không tin điều đó là sự thật. Tiếng khóc nấc của mẹ, của em khiến Hiên cháy lòng, chỉ trong vòng một năm mà gia đình Hiên đã mất đi hai người thân yêu nhất. Hiên ôm mẹ vào lòng, dù dặn lòng cố nén nước mắt, nhưng những giọt nước mắt cứ chực rơi xuống, cổ họng Hiên khàn đục. Vậy là đứa em gái bé bỏng của Hiên, ngày ngày vẫn quấn quýt bên Hiên đã không còn nữa, lòng Hiên quặn thắt.

Biển hôm nay dịu dàng như chưa bao giờ biết gào thét, biết cuồng nộ từng cơn sóng dữ. Vậy là ba không cô đơn nữa, bây giờ đã có Út bên cạnh ba rồi. Giờ mẹ chỉ còn mỗi cu Hai làm chỗ dựa tinh thần. Hiên đặt hết trọng trách cho cu Hai, còn Hiên tiếp tục cuộc sống mà không biết ngày mai của mình sẽ như thế nào.

Công việc của ông Bách thời gian gần đây không được suôn sẻ. Hiên chỉ nghe loáng thoáng ông nói chuyện điện thoại, giá cổ phiếu hạ khiến ông mất một số tiền lớn. Điều đó làm tính cách điềm đạm của ông trở nên nóng tính. Hiên bình thường đã im lặng nay còn im lặng hơn trong căn nhà này. Một căn nhà to lớn và lạnh lẽo, Hiên vốn dĩ chưa bao giờ là chủ nhân của nó.

Ba ngày liền ông Bách không về nhà, điện thoại gọi thì không liên lạc được. Hiên nằm co ro trong chiếc giường lớn, cảm giác cô đơn lạc lõng bủa vây Hiên. Tiếng cửa mở rồi đóng sầm lại, tiếng khóa phòng lách cách, và mùi rượu nồng nặc sộc lấy Hiên. Hiên còn đang mơ ngủ thì nguyên một thân hình ôm lấy Hiên, Hiên giật mình mở mắt thì thấy Bình, con trai cả của ông Bách – đang ôm lấy Hiên, mặc cho Hiên kháng cự, quẫy đạp. Bình ôm chặt lấy Hiên, đôi môi và bàn tay lần mò một cách tham lam khắp cơ thể Hiên. Miệng của Hiên bị chặn lại bởi bàn tay to lớn của Bình, Hiên không thể hét lên được. Những giọt nước mắt tủi nhục của Hiên rơi xuống, khi Bình đã thỏa mãn cơn thú tính của mình.

“Cô chỉ là một con điếm ba tôi mua về làm trò tiêu khiển, cô cũng đừng làm ra vẻ trinh tiết làm gì! Mà cô đẹp thật đấy, hơn cả trong tưởng tượng của tôi” – Nói rồi Bình cười khẩy, bỏ đi ra khỏi phòng.

Tiếng đóng cửa phòng khô khốc giống như tiếng dao của đao phủ rơi xuống. Hiên thấy người mình trở nên nhơ nhớp, nhầy nhụa, chỉ muốn lao đầu vào tường cho chết đi. Hiên chợt nghĩ đến khuôn mặt hốc hác của mẹ, nước mắt Hiên cứ tuôn ra không kiềm chế. Hiên muốn trốn chạy khỏi nơi này.

Hiên tìm cách trốn chạy, nhưng càng trốn, Bình lại tìm đến Hiên nhiều lần hơn. Bình cho người theo sát Hiên, mọi cử động của Hiên, Bình đều biết. Hiên thấy mình thật ngột ngạt mà không thể nói ra, muốn chết cũng chết không được, mà sống thì cứ như đã chết. Ban ngày là Bình, ban đêm là ông Bách. Ban đầu là chống cự, từ chối rồi từ từ Hiên học cách chấp nhận. Bởi Hiên biết chuyện này Hiên không thể nói ra với ai. Không ai có thể giúp Hiên thoát ra khỏi điều kinh khủng này. Ông Bách thì Hiên không thể nói ra, còn với mẹ, Hiên càng không thể nói. Cứ nuốt cay đắng vào lòng. Hiên cứ sống như một cái bóng vật vờ trong ngôi nhà rộng lớn. Nhiều khi Hiên ước không phải thức dậy vào mỗi buổi sáng thì tốt biết mấy. Mà điều kỳ lạ là càng ngày Hiên càng đẹp, dù không trang điểm, dù thờ ơ chăm sóc bản thân mình.

Hiên nghe tin ông Bách bị đột qụy do làm việc quá sức, trong khi đang ở quê làm giỗ cho ba. Biển vẫn hiền hòa bình yên đến lạ nhưng trong lòng Hiên mọi thứ rối bời. Hiên không dám nói cho mẹ biết chuyện mà nói dối trên nhà ông Bách có việc, rồi sắp xếp công việc để về sớm.

Khi Hiên về đến bệnh viện thì ông đã rơi vào tình trạng hôn mê. Hình ảnh người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng hơn so với tuổi trong trí nhớ của Hiên thay bằng hình ảnh ông lão đang nằm thở từng hơi khó nhọc trên giường bệnh. Chỉ có An bên cạnh ông lúc này. Người An gầy hẳn, chắc hẳn là An lo cho ông lắm. Trong ba người con, ông vẫn luôn tự hào về An nhất. An tốt nghiệp đại học loại giỏi, rồi anh giành học bổng toàn phần học lên thạc sĩ trong vòng hai năm tại Úc. Sự nghiệp An thành đạt nhưng An luôn chọn cách sống cô độc, ít tiếp xúc với mọi người. Khác xa với Bình hay Nam, thường xuyên bù khú bạn bè, tụ tập quán bar và các tụ điểm ăn chơi khác.

An nói về hiện trạng của ông Bách cho Hiên, bác sĩ bảo ông Bách có thể sẽ sống cuộc đời thực vật, tỉnh hay không còn nhờ vào nghị lực của ông. An nhờ Hiên chăm sóc ông và An lại tiếp tục quay về công việc của mình.       

Sau hơn sáu tháng nằm bệnh viện, ông Bách được đưa về nhà để tiện chăm sóc. Ông nằm như một cái xác biết thở. Bình và Nam ít khi ghé thăm ông nhưng An hầu như ngày nào cũng ở trong phòng nói chuyện với ông. Hiên nhìn An, cảm thấy lòng ấm áp lạ thường.

Hiên vẫn còn ám ảnh đôi mắt của ông Bách lúc đó. Đôi mắt mở to, trân trối nhìn Bình và Hiên đang nằm ân ái ngay bên cạnh giường bệnh của ông. Miệng ông ú ớ liên hồi rồi cơ thể ông co giật. Hiên sợ hãi, co người lại. Bình lay ông nhưng đôi mắt ông đã trắng dã. Khi xe cấp cứu tới nhà thì mọi việc đã muộn. Đó là lần duy nhất ông tỉnh lại sau thời gian dài hôn mê và cũng là lần cuối cùng ông tỉnh lại. Bác sĩ bảo ông bị sốc tâm lý sau thời gian hôn mê. Chỉ có Bình và Hiên biết lý do vì sao ông chết.

Đám tang của ông diễn ra lớn chưa từng thấy, khi người và hoa đem đến lễ viếng ngập trong nhà, tiếng người cười nói, tiếng nhạc đám hòa nhịp, tạo nên một cảnh tượng ồn ào. Hiên đứng lặng một góc, Hiên không được mặc áo tang bởi Hiên không có danh phận gì trong nhà này. Bình bảo Hiên mà mặc áo tang đứng đó khác nào làm trò cười cho thiên hạ, rồi còn Hiên và ba chưa làm giấy đăng ký kết hôn thì Hiên cũng chỉ là người dưng trong căn nhà này.

Hiên im lặng làm theo lời Bình. An và Nam thì không có ý kiến gì, mọi chuyện để Bình quyết.

Ba tháng mười ngày sau đám tang ông Bách. An qua Úc định cư. Hân – vợ của Bình, người mà ông Bách không đồng ý cho cưới, trở về. Hiên chưa từng nghe Bình có vợ nhưng giờ người phụ nữ ấy đang đứng ở trong nhà, ra dáng chủ nhân thật thụ. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều thay đổi theo ý của Hân. Cả Bình cũng không dám nói lời nào.

Sự có mặt của Hiên làm Hân khó chịu ra mặt nhưng Hân chưa có lý do gì để đuổi Hiên đi. Bản thân Hiên cũng muốn ra đi nhưng Hiên muốn ở lại đủ một năm tang ông Bách rồi Hiên sẽ đi, dù không có tình yêu nhưng Hiên vẫn nợ ông Bách một mối ân tình.

Có Hân bên cạnh nhưng Bình cũng không để yên cho Hiên. Dù Hiên van xin thế nào Bình cũng không nghe, đòi hỏi Hiên lúc nào Bình muốn.

Và cái bạt tai như trời giáng, cùng những từ ngữ thậm tệ Hân dành cho Hiên khi bắt tại trận Hiên và Bình đang ở với nhau.

Hân ném Hiên ra khỏi nhà với cái nhìn vừa hả hê vừa khinh bỉ. Bình khúm núm ở bên cạnh Hân, không dám nói một lời. Hiên nhìn Bình nhếch mép cười rồi quay lưng đi.

Hiên đi lang thang. Hiên thấy mình bế tắc như bị bao vây bởi bốn bức tường càng ngày càng thinh chặt vào Hiên.

Hiên nghĩ mình sẽ trở về với mẹ với cu Hai. Mẹ sẽ vui mừng đón Hiên về với mình, mẹ sẽ là người bao dung hơn tất thảy dù con cái có lỗi lầm gì. Nhưng liệu mẹ có thật sự vui hay từng đêm mẹ lại khóc thầm một mình, chôn chặt nỗi đau tận sâu trong lòng.

Hiên nghĩ đến Khoa, giờ Khoa đã là sinh viên đại học rồi, liệu Khoa còn nghĩ đến Hiên, một đứa con gái Khoa từng thích, giờ thì nhơ nhớp theo đúng nghĩa đen của nó.

Hiên nghĩ đến An. Có lẽ An giờ đây đang thực hiện ước mơ mình theo đuổi. Hiên nhớ ánh mắt của An ướt đẫm khi ôm Hiên vào lòng ngày ông Bách mất. Hiên muốn được ôm trong lồng ngực ấy mãi…

… Và Hiên đi mãi, đi mãi đến khi chân không chạm được cát dưới chân, chơi vơi. Hiên thả mình trôi theo biển. Hiên muốn mình về với ba, với Út, với biển.

Ánh nắng chói chang của mặt trời, thêm tiếng lao xao của ngư dân đánh cá bên ngoài làm Hiên tỉnh giấc. Hiên thấy mình nằm trên một con thuyền, Hiên còn chưa định hình mình đang ở đâu, thì có một tiếng nói cất lên:

“Cô tỉnh rồi à? Dại chi mà dại dữ, bao nhiêu người muốn sống không sống được, cô lại đi tìm cái chết. May mà tôi vớt cô kịp thời đó” ­- Anh ngư dân đen nhẻm, vừa nói tay vừa quấn lưới thoăn thoắt.

Tiếng sóng biển rì rào đánh vào mạn thuyền. Ánh nắng buổi trưa hắt xuống biển như một tấm gương phản chiếu long lanh một viên ngọc khổng lồ.

Ừ nhỉ, Hiên mới mười tám tuổi ba tháng hai mươi ngày. Cuộc đời này còn quá dài với Hiên, Hiên sẽ sống cho Hiên, sẽ sống cho ba, sẽ sống cho Út, sẽ sống cho mẹ, sẽ sống một cuộc đời như mới được sinh ra một lần nữa.