1.
Thừa Thiên Huế có 126km bờ biển, năm đầm phá nước lợ (đó là các đầm: Sam, Chuồn, Thủy Tú, Lăng Cô, và Cầu Hai) rộng 22.000ha liên hoàn, thông thương, và ba cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô. Hiện cảng nước sâu Chân Mây đã được xây dựng, tàu 50.000 – 70.000 tấn có thể vào ra thuận lợi.

Biển qua góc nhìn của tục ngữ, ca dao xứ Huế

“Tuổi thơ miền biển” – Ảnh: Đặng Văn Trân

Biển tạo nên một thế mạnh về kinh tế, cùng với vùng đồi núi và đồng bằng. Đồng thời, biển cũng có một vị thế quan trọng trong tâm thức của người bản địa. Điều này được thể hiện qua nhiều lĩnh vực. Bài viết nhỏ này chỉ xem xét về biển qua góc nhìn của tục ngữ và ca dao địa phương.

2.
Qua góc nhìn của tục ngữ, ca dao xứ Huế, biển là một sự vật thuộc tự nhiên có quan hệ mật thiết đến đời sống vật chất của con người. Đồng thời, biển được dùng làm một hình ảnh nhằm mô tả, tạo ý khi đề cập về các vấn đề của cuộc sống.

2.1. Biển là một sự vật thuộc tự nhiên có quan hệ mật thiết đến đời sống vật chất của con người

Tục ngữ, ca dao nhìn nhận biển là một sự vật thuộc tự nhiên có quan hệ mật thiết đến đời sống vật chất của con người, qua ba lĩnh vực: 1) là một nguồn lợi kinh tế, nơi cung cấp nhiều sản vật (hải sản) cho con người; 2) là đối tượng lao động, nơi con người vật lộn để giành lấy sản vật; và 3) là một sự vật đầy bất trắc của tự nhiên, nơi con người cần nắm hiểu để vận dụng (sinh hoạt, đi lại,…).

2.1.1. Biển là một nguồn lợi kinh tế, nơi cung cấp nhiều sản vật cho con người

Người ta thường nói “chim, thu, nhụ, đé”, bốn loài cá ngon ở biển khi sánh với “lươn, lệch, chình, hôn(1)”, bốn thứ được yêu thích của vùng đồng bằng, và “hươu, nai, chồn, thỏ”, bốn con thú cho thịt béo của vùng đồi núi. Có thể xem đây là ba bộ tứ nói về đặc sản tiêu biểu cho ba vùng đất đồi núi, đồng bằng và biển của Thừa Thiên Huế.

Tục ngữ, ca dao có một số câu/bài nêu sản vật biển trong thế so sánh với đất liền như vậy:

–        “Dưới nước cá cờ, trên bờ mỡ lợn”.
–        “Ai về nhắn với bạn nguồn:
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”.
–        “Mẹ già ham ăn cá thu,
Gả con về biển mù mù tăm tăm”.

Bên cạnh đó, có nhiều bài đánh giá cao sản vật từ biển khơi và phản ánh nhu cầu không thể thiếu chúng của con người:

–        “Thương em vì cá trích ve,
Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng”.
–        “Cá nục nấu với dưa hồng (2),
Đánh nhau một trận, xem chồng về ai”.
–        “Ba đồng một khứa cá buôi (3),
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già”.

Khi đề cập đến nguồn lợi kinh tế từ biển, tục ngữ ca dao chủ yếu nói đến một số sản vật cụ thể (một số loài cá), thu hoạch được từ điều kiện đánh bắt thủ công ngày trước, chúng được dẫn khi đối sánh với sản phẩm từ đất liền, hoặc trong bối cảnh được đặc biệt yêu thích. Tức tuy nói đến nguồn lợi nhưng chỉ có tính chất tượng trưng và chú ý yếu tố tinh thần của vấn đề.

2.1.2. Biển là đối tượng lao động, nơi con người vật lộn để giành lấy sản vật

Là đối tượng lao động, biển, nơi chứa tôm cá và nhiều hải sản khác, được tìm hiểu, nhận biết, hòng giúp ích cho quá trình đánh bắt. Việc nắm hiểu về biển, ở trường hợp này, đồng nghĩa với việc nắm bắt về tập tính, đặc điểm của các loài tôm cá:

–        “Khơi: thu, ngừ, nục; lộng: ve, đục, xòe” (4).
–        “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”.
–        “Ruốc đỏ, cá đen, nhìn quen mới thấy”.
–        “Trời sương mù, nhiều cá thu, cá bẹ”.
–        “Leng lao, lẹp nhảy, chuồn bay,
Ta mau nhanh lái, nhanh tay bắt về!”.

Cũng như rừng, biển có thể cưu mang những người khốn khổ; đó là cơ sở để những đôi lứa yêu nhau nhưng gặp phải nghịch cảnh, có chốn nương thân:

“Núi sơn lâm nuôi nhân đào tản,
Biển tây hồ trợ kẻ lâm nguy;
Thương nhau dắt lấy nhau đi,
Công ơn thầy nghĩa mẹ lo chi trả đền!”.

Tất nhiên, không phải biển hào phóng ban phát cho tất thảy như một ông tiên trong truyện cổ tích, mà con người phải vật lộn với nó để kiếm sống. Và như hai lời than thở dưới đây của người vợ có chồng đang quần quật với biển giữa đêm khuya, thì thật “cám cảnh”:

–        “Ơi đò ngang qua, đò ngang lại,
Có gặp chồng em qua lại biển này không?
Đêm khuya, trời phất ngọn gió đông,
Lạnh ơi hỡi lạnh, cám cảnh cho chồng nhiều đoạn khúc nôi!”.

–        “Chồng em đi kéo ngao ngoài biển,
Đêm khuya, trời phất phưởng ngọn gió đông;
Da thời lạnh ngắt như đồng,
Tay bồng con dại, cám cảnh cho chồng lắm thay!”.   

Người phụ nữ có thể không trực tiếp ra khơi cùng chồng, nhưng vai trò “hậu cần” thì luôn luôn gánh vác, lo toan:
Ba đồng một quả đậu xanh,
Một cân đường cát (5), đưa anh ra vời.

Và như đã nói, tuy việc lao động trên biển cả rất gian khổ, nhưng sự đền bù cũng tương xứng. Điều này khiến vị trí xã hội của ngư dân không kém nông dân. Sự lựa chọn dưới đây của hai cô gái đang kén chồng, cho thấy điều đó:

Khó mà xứ biển em theo,
Giàu mà xứ ruộng, vằng (6) treo nợ đòi!
Khó mà xứ ruộng em theo,
Giàu mà xứ biển, hết chèo hết ăn!

2.1.3. Biển là một sự vật đầy bất trắc của tự nhiên, nơi con người cần nắm hiểu để vận dụng (sinh hoạt, đi lại,…)

Tục ngữ có một số câu nhìn nhận về sự bất trắc khó lường của biển:
–                  “Biển cả sông giang muôn ngàn lắt léo”.
–                  “Đi thủy sợ phá Tam Giang, đi bộ sợ truông nhà Hồ(7)”.
–                  “Đi bộ thì khiếp Hải Vân,
Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi(8)”.

Bên cạnh việc lao động đánh bắt trên biển cả vừa nói, một bộ phận ngư dân sinh sống trên thuyền, mọi sinh hoạt gắn với biển, với phá (9). Họ quen với từng hơi thở của biển. Một số hiện tượng được chú ý:

–                  “Mây kéo lên nguồn, nước tuôn ta biển”.
–                  “Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa”.
–                  “To thuyền thì to sóng”(10).

Và hình thành một sự ứng phó đáng chú ý:
–                  “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn”.
–                  “Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo”.

2.2. Biển được dùng làm một hình ảnh nhằm mô tả, tạo ý khi đề cập về các vấn đề của cuộc sống

Dùng làm một hình ảnh để mô tả, tạo ý, biển hoặc biểu trưng về một sự rộng lớn khôn cùng, hoặc thành một biểu tượng chỉ xứ sở, môi trường sống, hoặc là một ẩn dụ chỉ người phụ nữ và một bộ phận cơ thể của họ. Khi biển được dùng làm một hình ảnh mô tả hay tạo ý, thường kết hợp với trời hay núi, rừng, tạo nên một cấu trúc kép: trời – biển, núi – biển,… Và việc sử dụng này chủ yếu được tìm thấy trong ca dao.

2.2.1. Biển là một hình ảnh biểu trưng về sự rộng lớn khôn cùng
Một số câu/bài tục ngữ, ca dao dưới đây, có hình ảnh biển biểu trưng cho sự rộng lớn khôn cùng:

–                  “Một con tép chết không thối biển”(11).
–                  “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”.
–                  “Ơn sinh thành như biển,
Nghĩa dưỡng dục tựa sông;
Em nguyền ở vậy không chồng,
Lo nuôi thầy mẹ, hết lòng làm con”.
–                  “Ngó hoài ra tận biển Đông,
Thấy mây thấy nước, sao không thấy chàng?”.

Do biểu trưng cho cái rộng lớn khôn cùng, nên hình ảnh biển trở thành sự thử thách phải vượt qua về không gian, khi hai người yêu nhau ở hai đầu tít tắp:

“Khi xưa em ở ngoài biển, anh ở chốn lâm trung,
Đến nay đôi ta hội ngộ tương phùng,
Trời kia đã định, mối tơ hồng phải xe”.

Và về những giá trị tinh thần của con người, như sự thuận thảo, thủy chung:

–                  “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
–                  “Đêm năm canh dĩa đèn khô cạn,
Trúc gầy mòn nhớ dạng cành mai;
Em thương ai thì nhớ nghĩa ai,
Chớ thấy non cao mà sấp mặt, thấy biển rộng sông dài mà xoay lưng!”.

Tính chất biểu trưng của biển còn được nhận ra qua lối kết hợp với “tình” để tạo nên tổ hợp “biển tình” rất sáng tạo, trong bài ca dao sau:

“Biển tình chìm nổi, bối rối tư lương,
Thiếp với chàng như lửa với hương;
Một mai tê(12) dù hương tàn lửa tắt, đạo nghĩa cương thường chớ quên”.

“Biển tình” cũng như “khối tình”(13), nhưng hàm nghĩa sâu rộng hơn. Tổ hợp này cũng cho thấy yếu tố “biển”, mặt biểu trưng về sự rộng lớn, mang tính khái quát cao.

2.2.2. Biển là một biểu tượng chỉ xứ sở, môi trường sống

Ca dao xứ Huế có các bài sau:
–                  “Ngó lên trên trời, trời cao trăm trượng,
Ngó xuống dưới biển, sóng lượn ba đào;
Mấy lâu ni lòng những ước ao,
Viếng thăm không đặng, gởi thơ vào đã thấu chưa?”(14).
–                  “Ngó lên trên rừng, non cao rú rậm,
Ngó xuống dưới biển, sóng dội ba đào;
Thiếp với chàng tình nghĩa kim giao,
Dù một trăm năm náu nương cũng đợi, dù bóng xế trăng cao cũng chờ”.
–                  “Ngó lên trên trời, sao băng tứ diện,
Ngó xuống dưới biển, chim liệng, cá đua;
Anh thề với em hết miếu, hết chùa,
Ai cho anh uống thuốc đeo bùa mà mê?”.       
–                  “Ngó lên trên trời, cặp cu răng(15) đá,
Ngó xuống dưới biển, cặp cá răng đua;
Anh về lập miếu thờ vua,
Xây lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha”.

“Trời” (hay “rừng”) và “biển” được mô tả ở cặp thất trong điều kiện, trạng thái bình thường, nhưng tình cảnh, tâm tư con người được thể hiện ở cặp lục bát, lại không giống nhau: câu đầu, hai người yêu nhau mong được gặp nhau; câu thứ hai, quyết lòng chung thủy; câu thứ ba, sự bội bạc; câu thứ tư, làm tròn đạo hiếu. Có thể nói, “trời” – “biển” làm thành một biểu tượng kép, chỉ xứ sở, chỗ dựa cho con người sinh sống. Xứ sở ấy “khách quan”, “vô tư” đối với hành động, tâm lí của con người.

Bên cạnh đó, cũng có hai bài này nữa:
–                  “Ngó lên tam sơn, nguồn cơn cảm động,
Ngó về tứ hải, biển rộng sông dài;
Ơi người tảo tần nuôi mẹ hôm mai,
Trong tâm ảo não, nhớ nhau hoài không quên”.
–                  “Ngó lên tam sơn, lòng sầu bát ngát,
Ngó xuống tứ hải, lệ ướt dầm khăn;
Anh xa em ra nghĩa lí làm răng(16),
Đêm năm canh nghe chuông rung phụng gáy, ngày sáu khắc
luống những buồn chăng hỡi buồn!”.

“Núi” – “biển” (“tam sơn” – “tứ hải”)(17) ở đây đã nhuốm màu tâm trạng của con người. Nói khác đi, có sự gắn bó giữa con người với xứ sở, môi trường mà họ sinh sống.

Và:
–                  “Ngó xuống biển Đông, con cá ngư ông thường ngày thường lội,
Ngó lên trên rừng, con hổ thường nằm;
Thiếp đó chàng đây đạo ngãi trăm năm,
Ví dù không có câu duyên nợ, cũng viếng thăm kẻo buồn”.
–                  “Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc,
Con cá ngư ông móng nước biển khơi;
Gặp nhau đây nhắn gởi một đôi lời,
Kẻo một mai tê con cá về sông vịnh, con chim nọ đổi dời non xanh”.

“Rừng/núi” – “biển” có chủ, đó là con hổ, chúa của các loài thú, con chim phượng hoàng (rừng, núi), chúa của các loài chim, và con cá ngư ông (biển), chúa của các loài thủy tộc. Sự ứng xử của con người trong bài ca dao sau tương ứng với các vai chủ này: cần “nhắn gởi một đôi lời” ngay, không thì có thể không còn cơ hội. Xứ sở trong trường hợp này vẻ như đã định vị, mang ý nghĩa gần với non sông, đất nước(18).

2.2.3. Biển là một ẩn dụ chỉ người phụ nữ và một bộ phận cơ thể của họ

Biển được dùng làm ẩn dụ chỉ người vợ (trong quan hệ với người chồng) ở bài ca dao:
“Động trời biển mới dậy theo,
Biển đâu dám động, dám leo trước trời”.

“Biển” dậy theo “trời”, chứ “biển” không dám dậy trước “trời”. Sở dĩ “biển” dậy là do “trời” động trước. Những điều vừa rút ra khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến một đức ông chồng có hành động hồ đồ, khiến người vợ của ông ta đã có phản ứng thiếu nhã nhặn. Như vậy, “trời” là ẩn dụ chỉ người chồng, “biển” là ẩn dụ chỉ người vợ(19).

Bên cạnh bài này, ca dao xứ Huế còn có bài:
“Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn,
Núi lâm sơn thường tháng thường cao;
Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ?”.
–                  “Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng,
Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò?
Sự tình thâm nhiễm, để anh so tháng ngày”.

“Biển” cạn đi từng ngày, còn “núi” lại cao thêm hàng tháng, thì “biển” và “núi” ở đây không phải là biển, là núi thường gặp trên mặt đất. Sự biến đổi “biển thành gò” này khiến “thuyền quyên” phải van “anh hào” tính liệu, còn “anh hào” thì tỏ vẻ nghi ngờ, bảo để “so tháng ngày” đã, càng cho thấy đây là chuyện “lỡ dĩ”, trót có mang khi chưa thành vợ chồng. “Biển”, “biển hồ”, “biển Tây Hồ” là ẩn dụ chỉ cái bụng (bình thường, bụng thấp lõm vào so với ngực, mông), “núi lâm sơn” là ẩn dụ chỉ cái vú: người đàn bà khi có thai thì vú căng ra, bụng cũng to dần lên(20).

3.

Xét trên đại thể, thì qua góc nhìn của tục ngữ, ca dao, biển xuất hiện hoặc với tư cách là đối tượng được đề cập chính yếu, ở đó, nó tỏ cho thấy tác dụng hết sức to lớn đối với con người, hoặc với vai trò là một hình ảnh để góp phần tạo dựng nên đối tượng được đề cập về những vấn đề của cuộc sống.

Góc nhìn đầu cho thấy biển có quan hệ mật thiết đến đời sống vật chất của con người. Biển là đối tượng lao động, nơi cung cấp các sản vật cần thiết, đồng thời cũng là phương tiện và môi trường sống của con người. Góc nhìn sau cho thấy biển hằn sâu vào tâm thức, trở thành một yếu tố mạnh thuộc đời sống tinh thần của con người. Ở đây, hình ảnh biển được dùng để mô tả hay tạo ý, nó hoặc biểu trưng về một sự rộng lớn khôn cùng, hoặc thành một biểu tượng chỉ xứ sở, hoặc là một ẩn dụ chỉ người phụ nữ và một bộ phận cơ thể của họ. Trong trường hợp này, hình ảnh biển thường kết hợp với “trời”, “nguồn”, “núi”, “rừng”,… làm nên các cấu trúc kép “trời – biển”, “rừng – biển”,… làm tăng mức tạo hình, biểu cảm.

Xem xét một đối tượng qua góc nhìn của tục ngữ, ca dao, văn học dân gian nói chung, tức nắm bắt sự nhìn nhận, đánh giá, và quan niệm của dân gian về đối tượng ấy. Việc làm này sẽ góp một tiếng nói có ý nghĩa, để có thể nắm bắt đầy đủ về nhiều khía cạnh của đối tượng cần tiếp cận.

T.N
(SH295/09-13)


——————
(1) Hôn: ba ba (một loại rùa ở nước ngọt, có mai dẹp phủ da, không vẩy).
(2) Cá nục tươi hấp chín, tách đầu và xương ra, lấy thịt đem tao (um sơ) rồi nấu với dưa hồng, ăn rất mát và ngon ngọt.
(3) Cá buôi: cá đối to, cho thịt ngon.
(4) Khơi: vùng biển xa bờ; lộng: vùng biển gần bờ. Vùng xa bờ thì có các loài cá thu, cá ngừ, cá nục; vùng gần bờ thì có các loài cá ve, cá đục, cá xòe.
(5) Đường cát: đường kính.
(6) Vằng: (cái) hái, dụng cụ để gặt lúa.
(7) Truông nhà Hồ: thuộc làng Hồ Xá, tỉnh Quảng Trị. Ngày trước, có thời là nơi bọn bất lương dùng làm sào huyệt để cướp giật khách bộ hành.
(8) Hang Dơi: ở phía bắc chân đèo Hải Vân, có nhiều dơi.
(9) Ước tính vùng đầm phá Thừa Thiên Huế, thời điểm 1975 – 1980 đã từng có tới hơn 10 vạn người thủy cư (sống trên mặt nước, lấy thuyền làm nhà).
(10) Nghĩa được thể hiện là nghĩa đen. Câu tục ngữ này còn có hai nghĩa khác: 1) Nghĩa khái quát: mỗi sự vật (khi phát huy tác dụng) đều tương xứng với những cái có quan hệ sở thuộc hay tất yếu với chúng; 2) Chức quyền, địa vị càng cao, thì những trở lực, gian nguy càng lớn (cần phải dàn xếp, vỗ yên mới dễ bề thăng tiến).
(11) Câu này cùng mô hình cấu trúc với các câu sau: “Một cây làm chẳng nên non”; Một con én không làm nổi mùa xuân”; “Một chạch chẳng đầy đầm”. Chúng cùng có chung nghĩa khái quát: một cá thể không làm nên cái mà nếu tập hợp những thứ cùng loại với nó (theo một mức độ nhất định) sẽ làm được.
(12) Một mai tê: một ngày kia.
(13) “Khối tình” được Tản Đà dùng làm thành một bộ phận để đặt tên cho ba tập thơ của mình: đó là “Khối tình con” (công bố vào các năm 1916, 1918, 1932).
(14) Mấy lâu ni: bấy lâu nay; gởi thơ: gửi thư; thấu: tới, đến.
(15) Răng: đang.
(16) Nghĩa lí làm răng: lí do vì sao; nguyên cớ như thế nào.
(17) Tam sơn, tứ hải: người xưa cho mặt đất gồm tám phần: núi ba, biển bốn, ruộng đất một (tam sơn tứ hải nhất phần điền). Có câu đố về trái đất như sau:
Một mẹ mà đẻ tám con:
Bốn con bạc bụng, ba con xanh đầu,
Dân gian chốn chốn đâu đâu,
Còn một con nữa chia nhau ăn cùng.
(18) Bài ca dao thứ hai “Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc…”, người viết có dịp phân tích kĩ trong: 1) Triều Nguyên, Tiếp cận ca dao bằng phương thức xâu chuỗi theo mô hình cấu trúc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999; tr 37-43; 2) Triều Nguyên, Thử tìm hiểu một bài ca dao xứ Huế, Tạp chí Sông Hương, số 4, 1994; tr 84-87.
(19) Một cơ sở để tạo (và suy) ẩn dụ này là câu cửa miệng “công ơn cha mẹ như trời biển” – theo cấu trúc câu nói và sự nhìn nhận thông thường, thì công cha được sánh với “trời”, công mẹ được sánh với “biển”; và hình thành một mối tương ứng: cha – trời, mẹ – biển. Mặt khác, cặp hình ảnh “trời – biển” có thể liên tưởng đến các đối tượng được ẩn dụ như “cha – con”, “thầy – trò”, “chủ – tớ”, “anh – em”,… nhưng xét theo quan niệm vừa nêu và khi thay vào bài ca dao thì không phù hợp bằng “chồng – vợ” (sự không phù hợp ấy được nhận rõ ở đối tượng thứ hai: “con”, “trò”, “tớ”,…).
(20) Có hai bài ca dao cùng nghĩa với bài ca dao này, như sau:
+                      “Ngó lên tam sơn, có ba hòn núi,
Ngó xuống tứ hải, có bốn chiếc tròng ngao;
Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
Sự tình thâm nhiễm, chàng liệu làm sao cho thiếp nhờ?”.
+                      “Sông Hương càng ngày càng rộng,
Núi Ngự càng ngày càng cao;
Thuyền quyên xin hỏi anh hào,
Sự tình đã rứa, chàng liệu làm sao cho thiếp nhờ?”
– “Em ơi, em chớ quá lo,
Hãy nán lòng đợi, để anh suy đo tháng ngày”.
Nguồn: tapchisonghuong.com.vn