Chuyên mục TRUYỆN NGẮN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn “biên niên phố 198x” của tác giả Nguyễn Anh Vũ.
Nguyễn Anh Vũ sinh sống và làm việc tại Hà Nội
Đôi lời của nhà văn Võ Thị Xuân Hà:
“Tôi thực không biết nên gọi Nguyễn Anh Vũ là nhà văn hay nhà thơ, nhà viết kịch sân khấu hay họa sĩ, thậm chí Vũ còn là đạo diễn bối cảnh phông màn kịch nghệ sân khấu. Nhiều năm Nguyễn Anh Vũ tham gia Sân thơ Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam ở Văn Miếu Quốc Tử Giám với tư cách là đạo diễn, MC và trực tiếp trình diễn thơ của mình.
Nguyễn Anh Vũ viết truyện chưa nhiều. Nhưng truyện nào được in cũng gây ấn tượng, cũng khiến người đọc giữ mãi hương vị bảng lảng đâu đó của những khối thời gian không gian ký ức, những thứ hương vị đậm mùi nguyên sơ thanh tao.
Mời quý vị nghe truyện ngắn “Biên niên phố 198x”của tác giả Nguyễn Anh Vũ qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
Truyện ngắn của NGUYỄN ANH VŨ
Hà Nội mấy hôm gió buốt thấu xương. Buổi sớm những năm 198x là một màu xám bạc. Quầng trời mây xám lan xuống phố, xám chập chùng mái ngói. Xám lòa nhòa những mảng tường rêu. Xám trĩu những vai áo bạc đạp xe đi làm. Trên ghi đông lọc xọc treo toòng teng cặp lồng xám cũ, bên trong chỉ cơm hạt cứng hạt nhã gạo đỏ trộn tấm, bắp cải luộc và nước mắm phân phối. Đạp xe đến đầu phố là cặp lồng cơm đã lạnh như trời.
Thứ năm, lũ trẻ cấp một được nghỉ học. Nó cuộn tròn mình trong cái chăn bông cũ, ngái ngủ nhìn phố qua ô cửa kính cũ mờ. Vậy mà sáng sớm bà nội bảo, hôm nay thực phẩm về thể nào cũng có miếng bì to, bà làm nem chạo thính, thằng Quân đi kiếm nắm lá sung với lộc vừng. Nghe đã nhỏ dãi ra rồi. Thế là nó nhảy tàu điện lên Hồ, chân Tháp Bút có cây sung, ngay gần đấy là cây lộc vừng nhiều gốc sà ra mặt nước và hái về một mớ mà cả phố ăn nem bảy ngày không hết còn đĩa nem chạo của bà thì bằng bàn tay. Bà là gái phố cổ khéo tay, hàng ngày ngồi thêu hàng xuất khẩu Liên Xô và làm món gì thì một nhúm cũng phải đủ và đúng vị. Bì tẩy sạch luộc xong ngâm nước lạnh, trắng và trong veo. Bà lạng mỏng miếng bì làm ba lớp. Hai lớp ngoài thái sợi mỏng như sợi miến, lớp trong dính mỡ thì thái rối hạt lựu hạt lạc. Gạo nếp rang vàng ruộm tận ruột rồi ủ vào gói giấy báo cho giòn đều. Thằng bé hóng nhất đoạn này vì thỉnh thoảng chảo rang nổ đánh pép, một vài em thóc bung trắng thành hạt bỏng, cho cháu cho cháu, cả buổi cũng được hai chục hạt. Bà thừa biết nó thích nên chẳng nhặt thóc trước bao giờ. Bà giã thính bằng cái cối nhỡ. Nhà đói meo đói mốc mà có hẳn ba chiếc cối sành cối đá, cối to giã cua, cối bé tí giã tỏi, cối nhỡ hay giã lạc giã thính thì phải. Thính giã tay ngon vô cùng, đa phần mịn mướt làm tơi bông từng sợi bì, làm những hạt mỡ thái dối ngậy lên như tan chảy trong miệng và thính hạt thì lật giật nhai rất thơm giòn và vui tai. Đĩa nem lên xong, lá chanh mới là kỳ diệu, lau khô, tuốt gân và thái dài mỏng như tóc, rắc lên đĩa nem như một đám sương mờ. Đĩa nem chạo thời bao cấp như một kiệt tác kỳ công. Bà vừa tra thêm muối vào nồi thịt kho nâu ruộm nước hàng vừa than thế này thì quá mặn quá mặn nhưng thế mới để ăn được mấy ngày, vừa độ thì mới ngon biết chưa mấy đứa? Cháu mời bà nội cháu mời bà ngoại xơi cơm, con mời bố mẹ xơi cơm, anh mời em xơi cơm! Bố bảo ăn đi, bà ngoại rót cho bố chén rượu loàng loảng thuốc Bắc ra thì đĩa nem đã gần như tan hội.
Hồi ấy nó có niềm tự hào là có cả bà nội và bà ngoại ở chung nhà. Hai bà lo cơm nước chăm sóc anh em bọn nó cho bố mẹ yên tâm đi làm. Nó không bao giờ quên được những chiều ngắm hai bà ngồi bên cửa sổ nắng chải tóc, vấn tóc cho nhau. Đẹp lắm!… Thật ra bà nội không phải bà nội thật mà là em út của bà nội thật. Bà nội thật mất rất sớm, ông nội bỏ Pháp theo kháng chiến. Bà nội lúc ấy cũng chỉ mười sáu mười bảy, thương đàn cháu lêu hêu mang hết về nuôi. Rồi các ông bà họ hàng trong nhà khác cũng theo kháng chiến, con cái lại đến tay bà hết, nghe nói lúc đông nhất bà nuôi hơn hai mươi người. Bà cứ ở vậy thôi, không lấy chồng. Và người ở với bà lâu nhất là bố. Từ bé hai anh em nó vẫn nghĩ bà là bà nội, gọi bà là bà nội. Ngày giỗ bà nội thật, bà nội làm cơm cúng rồi chỉ lên bàn thờ, bà nội thật của các cháu kia kìa, vái lạy bà nội đi.
Người dạy bọn nó gọi bà nội là bà nội như vậy, lại là bà ngoại. Bà ngoại là con gái đầu lòng trong nhà dòng dõi ở Thái Bình, cụ tổ từ quan về mở trường mấy đời dạy học. Bà thuộc rất nhiều thơ hay, vốn hiểu về lịch sử và văn hóa rất dày. Bà kể một chuyện lịch sử thì luôn kèm nhiều “nhưng sách này thì lại nói… cụ nọ lại kể rằng…” hấp dẫn và đa chiều vô cùng. Bà hát chèo tuyệt hay và say chèo điếu đổ, hồi con gái tí nữa thì bỏ nhà theo gánh chèo. Bà kể mình thích vào vai Châu Long trong Lưu Bình – Dương Lễ. Đấy, vấn tóc trần, áo cánh phin nõn trắng, quần lĩnh đen nhánh như cô Duyên “Bao giờ cho đến tháng Mười” ấy. Nó lên cấp hai thì bà ngoại mất. Không nhớ lớp bảy hay lớp tám học Kiều của Nguyễn Du, cô giáo bảo ai thuộc mấy câu Kiều nào không? Nó thấy hình như mình thuộc, đứng dậy đọc liền mấy trang. “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…” tự nhiên nước mắt cứ chảy ra, lã chã. Cả lớp lẫn cô giáo cũng rưng rưng theo. Chắc xúc động bởi Kiều chứ đâu biết lòng nó đang nhớ bà ngoại, nhớ vô cùng. Bà đã ru nó lớn lên bằng Kiều, bằng những điệu chèo, bằng những pho sử lồng lộng đa màu đến thế. Thương lắm! Cuộc đời một người con gái đẹp lại nhiều mộng lớn, truân chuyên vô cùng. Khi bà ngoại đang thì con gái thì khởi nghĩa Thái Bình những năm ba mươi, ông Trần Đệ rủ bà đi làm cách mạng, thế là đi. Hai người không biết có tình ý gì với nhau không mà cùng lấy bí danh hoạt động là Giang – Hồ. Đi làm cách mạng mà chàng Giang, nàng Hồ, nghe quá ư phiêu lưu và lãng mạn. Nhưng đời không đẹp mãi như mơ. Sao đó, hai người không đến được với nhau. Bà gá nghĩa với ông ngoại và sinh ra mẹ và dì nó. Rồi ông ngoại lại bỏ đi theo một người đàn bà khác. Rồi nháo nhào cải cách. Nhà vào diện có của nhiều ruộng, trói cột tất, đấu tố mấy ngày đêm trời đất mịt mờ. Hết roi vọt nhà tù Pháp lại đến đòn thù làng quê xóm mạc. Từ đấy bà vấn tóc bằng khăn trắng, như là khăn tang, không biết là để tang cho một cuộc vợ chồng hay cho ai, hay cho điều gì?
Nhiều chuyện xưa của bà ngoại là do ông Trần Đệ kể. Về sau bố mẹ nó vẫn đưa cả gia đình đến nhà ông ở phố Trần Hưng Đạo chơi. Bố mẹ vẫn gọi ông là ba, ông thì gọi bố mẹ nó là các con. Ngày cuối tuần, bố mẹ cho nó theo tới thăm ông. Ông bày bộ ấm chén ra hiên ngôi biệt thự cổ, pha ấm trà to đặt cạnh đĩa mứt hạt sen và kể chuyện. Rồi thể nào một lúc cũng có dăm ba ông văn nghệ sĩ đến chơi. Nghị quyết 5 đổi mới mở cửa về văn hóa tư tưởng văn học nghệ thuật của ông được lòng anh em nghệ sĩ lắm. Hà Nội bấy giờ rôm rốp những câu thoại kịch Lưu Quang Vũ, rồm rộp những tác phẩm văn học mới và râm ri những bài thơ chất vấn… được nói được nói rồi, nói sao cho hay!
Bà ngoại xúc cơm nóng vào liễn sứ, cuốn mấy lần giấy báo cũ rồi ủ kín vào giữa cái chăn bông, phần cho mẹ đi trực ở bệnh viện về muộn. Nó trải chiếu soạn mâm đỡ bà một tay thì tự nhiên cả phố ồ lên: mất điện. Bà ngoại dò dẫm châm cái đèn dầu tọa đăng, căn phòng lại bừng sáng. Bà nội nấu bao giờ cũng đủ vị và đủ ngon tới. Bát canh múc ra bà mới rắc hành và thì là rồi chan thêm muôi canh nóng lên trên cho chín tái, cứ gọi là ngào ngạt. Một phần vì đói ngấu và nồi canh dưa nấu tóp mỡ cà chua đang sùng sục kêu gọi dạ dày đòi quyền bình đẳng, mâm cơm chỉ có thêm bát nước mắm hạt tiêu tỏi ớt và đĩa rau sống to, vậy mà tuyệt ngon. Nó và được ba bốn bát đầy. Bà ngoại ngó xuống máy nước công cộng thấy đã vãn người giặt giũ xách nước liền mang chậu quần áo với cái chiếu xuống giặt. Phố mất điện, cắt cả đèn đường, lũ thiêu thân bơ vơ bèn rúc vào những căn phòng ấm ánh đèn dầu. Từ cửa sổ nhìn xuống thấy bà lui cui giặt giũ một mình, gió hun hút mà bà mặc mỗi cái áo len mỏng. Nó mang cái khăn quàng xuống. Bà bảo tay bà đang xà phòng, quàng cho bà. Nó vụng về quàng, bất ngờ bà cắn nhẹ vào tay nó một cái rồi cười thành tiếng. Nhăn mặt, nó cũng cười theo. Nó đứng bên máy nước công cộng tòng tõng nước khuya, nhìn bà giặt và nhìn xung quanh. Trên kia, bầu trời xám đậm mơ huyền. Và quầng sáng rất nhẹ, mờ mờ một mảnh trăng non. Cây cột điện sắt đen xì vẹo nghiêng. Những cây bàng khô chỉ còn vài ba chiếc lá đỏ thỉnh thoảng lại rụng tộp xuống vỉa hè tiếng lá rơi đêm. Và thoảng rất mờ xa mùi một chùm hoa sữa nở muộn. Hương đêm Hà Nội huyền diệu.
Chiều hưng hửng. Thỉnh thoảng mây co lại để hở ra cho nắng lọt vài quầng vẽ lóng lánh lên mái nâu tường phố. Chéo bên kia ngã ba là nhà Hộ sinh B. Phố quá yên. Thảng lúc lại vang lên tiếng trẻ con khóc, tiếng bà chửa la thét rặn đẻ, tiếng cô đỡ hét hò động viên hướng dẫn. Á, ra rồi, sướng nhé, con trai, ôi con cu to vật, cân xem nào, hai cân tám nhá, nào khóc đi con! Bữa chiều nay, một vài mâm cơm nhà nào đó sẽ được cải thiện thêm món giàu đạm và ngon miệng, nhau bà đẻ xào rau răm. Mây trôi, kéo những vệt nắng lướt trên mặt phố. Lấp loáng hư hư thực thực. Nó ngồi ngẫn ra nhìn nắng.
Bà nội sai việc, thằng Quân lấy cái xô con xuống máy xách mấy xô nước lên cho bà nấu cơm. Máy nước công cộng cũng ở ngay ngã ba chéo bên kia đường. Ấy là nơi rất vui. Các ông các chú nói chuyện trên biên giới, nói chuyện Liên Xô. Các bà các cô thì chửi các mụ mậu dịch viên ở mấy cửa hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt chuyên ăn bớt ăn xén tuồn hàng ngon ra chợ, rằng dạo này cửa hàng rau xanh chỉ bán vào thứ tư và mỗi tuần mỗi nhà chỉ được mua năm cân rau muống già đanh như rau lợn, cả nhà và đám gà ăn cả tuần. Nó chả hiểu chuyện gì, chỉ nhe răng hóng chuyện cười a dua. Cô Ngọc hỏi cô Vân về anh chồng mới cưới kỹ sư vật lý cơ bản, hắn thế nào, tướng đẹp trai thư sinh mà cao ráo như vậy thì chắc phải biết, mà mũi lại to nữa chứ, chị em thân tình mới hỏi. Ha hả cười. Cô Vân đỏ lựng cả mặt, thì bọn em cũng mới ấy mà, mà anh ấy nhà em còn đang làm luận án phó tiến sỹ vật lý, bận lắm, có chịu ấy mấy đâu mà… mà ấy… mà ấy cũng to thật ấy, dã man. Lại cười rú lên. Cô là cô phải tranh thủ nhanh lên ấy, chứ cứ như nhà tôi, cưới xong mắt trước mắt sau, anh ấy đã phải lên biên giới, nào đã kịp có lấy một mụn con, cô Ngọc quay đi giấu mắt.
Với nó, tất cả con gái tên Trang đều xinh đẹp hết. Nhất là Minh Trang. Kia kìa, răng khểnh nhé, mắt đen láy như hạt nhãn nhé, áo trắng cổ lá sen vai bồng nhé, còn hai bím tóc có nơ hồng nho nhỏ lúc nào cũng lúc lắc lúc lắc nữa. Minh Trang rất gầy và xanh mai mái. Minh Trang cũng mang hai cái xô nhỏ ra xách nước cho cô Thảo nấu cơm. Hôm nay thứ Năm chắc ấy cũng nghỉ à? Ừ tớ nghỉ ở nhà dán hộp mứt cho mẹ Thảo. Minh Trang đi học vi ô lông với tớ đi. Ứ, tớ thích vẽ hơn, tớ đang học lớp vẽ chủ nhật ở Hàng Buồm í. Thế à, cho tớ đi học mí đi. Thật ra nó thương Minh Trang, rất thương, thấy cứ bé bỏng mong manh ấy. Nhà Minh Trang là cái chòi dựng tạm tựa vào tum thang trên sân thượng, nấp sau mấy dãy chuồng gà chuồng lợn, sau những phấp phới dây phơi quần áo chung của cả số nhà. Cô Thảo làm thủ thư ở Thư viện Quốc gia trên phố Tràng Thi. Bố của Minh Trang là nhà khảo cổ, hồi trước tìm được ối trống đồng, chuông voi, giáp thạp tận trên sát biên giới í. Tiếc ơi là tiếc, tan nát hết rồi. Bố tớ giấu tất cả vào trong hang. Bọn bành trướng nó sang nó biết. Chúng bắn súng vào, bố tớ bắn súng ra, không chịu đầu hàng. Rồi chúng nó cú quá, chúng nó đánh rất nhiều mìn và bộc phá sập hang. Bố tớ cũng vùi xác cùng những trống đồng, chuông voi, giáp, thạp ấy luôn. Minh Trang kể vậy. Nhà giờ chỉ còn hai mẹ con thôi.
Ơ hay, từ lúc nào cái máy nước công cộng đúc gang đầy hoa văn có từ thời Pháp này trở thành tụ điểm vui chơi giải trí của phố nhỉ? Một buổi cô Vân dắt chồng xuống máy nước giới thiệu, dạ đây là anh Kha chồng em, nghiên cứu sinh luận án phó tiến sĩ vật lý cơ bản, đề tài: Vận chuyển cơ học dung dịch lỏng trọng lượng một nghìn ki lô gam trên mét khối bằng hai vật thể hình trụ có đáy, tức là xách nước bằng thùng ấy ạ. Chị em phố ngẩn ra tí rồi ré lên cười, rồi cười tợn hơn khi nhìn cơ thể nhõn cái quần đùi trắng của chú Kha. Thôi tắm luôn đi anh Kha và háy mắt nhau và ào ào nước dội đến ướt thồng nỗng cái quần đùi trắng. Chả hiểu sao, hứng cả buổi mới được xô nước mà các cô các chị lại hoang phí thế. Nhưng hình như phố lại có những trận cười khó quên. Phố. Những vạt nước vung lên trong nắng.
Thỉnh thoảng nó lại sốt, sốt “xanh đỏ tím vàng”, nghĩa là sốt rất cao ba chín, bốn mươi độ hoa mày chóng mặt nhóa nhòa hôn mê ấy. Cơn mê nào cũng nhóa nhòa màu sắc xanh đỏ tím vàng, và thường đó là hậu quả của những trận bêu nắng bêu mưa. Mấy anh mới lớn chạy dọc phố vừa chạy vừa hét, trèo sấu trèo sấu, câu lươn câu lươn… là y rằng chỉ hai phút đã có một đám đồ đệ lít nhít chạy theo. Đồ đệ lít nhít hung hăng nhất là nó, luôn xung phong vác sào vác giỏ trong mọi cuộc. Bà ngoại cấm nhưng cấm đằng trời, nó nằm nhà ngứa ngáy nóng ruột khó tả, chỉ vài phút là tót đi rồi. Bà ngoại gọi với theo, thằng giời đánh, sốt xanh đỏ tím vàng mãi không sợ à? Cháu chả sợ và mất hút. Muộn không thấy cháu về là bà vừa đi vừa gọi khắp mấy dãy phố, Quân ơi Quân ời… Gọi rát hầu bỏng họng nhưng đừng hòng bà tìm thấy đâu. Chiều muộn, thằng cháu giời đánh nhếch nhác vã vượi như đánh trận ở đâu về, rón rén cười cười đặt chiến lợi phẩm gì đó ở cửa, hôm thì lộp bộp thả trong bụng áo ra một mớ sấu, hôm thì con lươn bằng ngón tay út, hôm thì nửa con cá quả. Bà ngoại ném tất xuống sân, tao không thèm, lũ hư hỏng! Bà nội lại lui cui ra nhặt vào, ăn thì chẳng có, phí của giời! Bố nó bắt nằm sấp, lôi cái roi tre cật dài gần một mét vót dẻo nuột ra. Cái roi vàng óng đã lên nước nhẵn thín, chuôi được quấn sợi săm xe đạp vụt cho chắc tay, tiếng vù vù vun vút nghe rất rùng rợn. Vừa vung lên sắp vút xuống thì nó giơ tay than, bà ơi cháu sốt, sắp xanh đỏ tím vàng. Đâu nào đâu nào, thế là bà ngoại lại rối rít hết lên, vò khăn lau người đắp trán. Thế là thoát trận đòn chắc chắn sẽ nát bét đôi mông. Nhưng cứ thế, dưới phố lao nhao hét, đi câu đi câu, hay gì đó là nó lại rực hết cả người. Bà ngoại lừ mắt, lại nhóng lên chuẩn bị biến đấy, quay đi quay lại là nó đã tàng hình. Và thể nào chiều muộn về nó cũng lại sốt, sốt “xanh đỏ tím vàng”.
Bố đóng quân trong sân bay Bạch Mai cứ cuối tuần là được về nhà. Nhưng thỉnh thoảng sớm giữa tuần, bố có công tác bên sân bay Gia Lâm lại ghé về qua, chạy lên gác, thơm vội mẹ và hai đứa bọn nó đang lơ mơ ngủ, rồi đi, chỉ thế thôi. Nay chiều thứ sáu, bố về, mang theo cân thịt lợn, túi cà chua và bó rau tăng gia ở ven đường băng sân bay. Nhà vui lắm. Bố cũng đã đỡ buồn vì nó sau năm năm học tập không thể chơi vi ô lông được. Năm năm trước, bố đã phải tằn tiện dành dụm bóp mồm bóp miệng rất lâu mới có thể sắm cho cây đàn, mà chủ nhật vừa rồi, bố đạp xe đưa nó đi tập đàn, thầy bảo, nó không có năng khiếu âm nhạc đâu, cho học phí tiền. Toi cơm! Bố thở dài đánh thượt cái, đạp xe chở nó về. Cây đàn treo lên tường. Sau này mỗi lần nó nhìn lại rùng mình nhớ những ngày tháng kinh hoàng tập cầm vĩ day dây đến toét mấy đầu ngón tay.
Nó khe khẽ xin bố cho đi học vẽ. Được, bố gật ngay. Gì chứ cứ liên quan đến nghệ thuật là ông chiều hết. Cả nhà sợ nó sẽ hư. Bố vẫn tin vào phương pháp giáo dục phương Tây, nhăm nhăm dùng cái đẹp mong cứu rỗi nhân loại. Rồi bố đóng cho nó cái hộp đựng màu bột mười hai ngăn bằng gỗ tận dụng từ thùng hàng quân dụng Liên Xô. Chú Thành họa sĩ vẽ mẫu ở nhà máy dệt 8 tháng 3 mang cho ít màu bột và keo da trâu khắm rinh rình rình. Bà nội đo cái bảng gỗ may cho cái túi. Thế là nó tiếp tục gia nhập đời sống văn hóa nghệ thuật quý tộc Thủ đô. Ô mà lạ! Nó không ham trèo sấu câu lươn như trước nữa. Gia nhập đời sống văn hóa nghệ thuật Thủ đô rất thú vị mà. Bố bảo học mấy môn ấy khó, gay cấn căng thẳng hơn leo cây sấu nhiều, nhưng sẽ rất thích. Hạnh phúc không phải là đích đến mà là ở hành trình đi con ạ. Hiểu không? Nó gật đầu hiểu ngay! Bé tí thì hiểu theo nghĩa đen chứ gì nữa. Hành trình đi học mấy môn văn hóa nghệ thuật ấy trải dài trên những đường phố đầy những thứ mà một thằng ngứa cẳng như nó phải khám phá. Nhất trí, nhất định, nhất quyết!
Thế là nó tung tăng khoác túi đầy những họa phẩm mới tinh, theo Minh Trang sáng chủ nhật hàng tuần lên phố Hàng Buồm học vẽ. Mỗi buổi đi học vẽ ấy là một cuộc phiêu lưu. Từ phố nhà ra Quán Thánh, Hàng Đậu, Hàng Giấy lên đến Đồng Xuân, Bắc Qua, ngõ Gạch rồi Hàng Buồm sực nức mùi chim quay và bao nhiêu khám phá với ăm ắp âm thanh hương vị sắc màu nữa. Tuần này rạp Bắc Đô đang chiếu phim hiện thực phê phán Chí Phèo Thị Nở và phim màu Quạ trắng điện ảnh Xô Viết. Ông Thiết cần câu Hàng Giấy kính xệ đầu mũi giãi thẻ vỉa hè ngồi uốn mài móc câu bán. Nhà cụ Hồng Hàng Đường đang phơi khế chuẩn bị làm mứt khế xào gừng và khế khô bột cam thảo bán tết. Nhưng thích nhất là chợ Bắc Qua nối chợ Đồng Xuân sang tận bến ven sông Hồng. Đoạn ráp giữa hai chợ là một dãy những hàng bán cây cảnh cá cảnh chim thú cảnh ồn ào náo nhiệt vàng lam cam chàm tím. Hai đứa dí sắt mũi vào cái bể cá vàng thần tiên bảy màu và dãy lọ om cá chọi. Mua cá đi hai cháu. Dạ bọn cháu chưa có tiền. Chưa có tiền thì ngắm ké tí rồi bươn đi cho bà còn bán hàng nhá. Dạ, rồi lượn. Rồi rầm rập rầm rập mấy ông chân tay giả vác dao bầu đuổi nhau, gọi mẹ cha nhau ra cho ăn rất nhiều những thứ bẩn và bậy. Nó và Minh Trang nép vào giữa mấy cái sọt măng khô mộc nhĩ nấm hương, ngực thình thịch nhìn những quần ga mũ cối vung dao chọc lợn với côn nhị khúc đầu bịt thép. Roạt một cái, con dao bầu xả bay một góc túi bảng vẽ, hộp bột màu vỡ tan, cuộc ẩu đả mù mịt màu sắc. Nó đứng cứng đơ mồm há hốc, tí nữa thôi thì lưỡi dao đã xả vào bả vai nó rồi. Đám chân tay giả rầm rập chạy đi rồi rầm rập chạy lại. Loang loáng loảng xoảng đấm đá túi bụi. Ông đòn gánh bị ông dao bầu và ông nhị khúc đạp ngã xô theo cả Minh Trang vật xuống. Vừng lạc đậu xanh đậu đen bột nghệ bột ớt tung tóe mịt mùng sặc sụa. Côn nhị khúc vung lên, ông đòn gánh lăn sang né, hướng côn bổ thẳng xuống đầu Minh Trang. Nó hét lên, tưởng Minh Trang xong rồi, thì cái côn đã vắt vào cây nạng gỗ ở đâu thò vào. Mẹ cha chúng mày, đánh nhau hết bảy lăm lại biên giới chưa đủ hay sao giờ còn kéo nhau về Hà Nội mà đánh tiếp, hả. À ra chú Nam. Tuần trước vô tình gặp ở đây, chú cho nó con cá chọi nói là bỏ mối thừa. Chú ấy cũng thương binh, cụt chân vì mìn năm bảy chín, giờ chú nuôi cá cảnh trên làng Yên Phụ, chú ấy kể vậy. Trần Thiếu Lam là làm thiếu chân, cái tên về sau khi thân quá rồi nó hay gọi đùa trêu chú ấy thành quen, chứ lúc đó đã biết là ai đâu. Nhà Trần Thiếu Lam ở cuối khu làng cổ Nghi Tàm, sát mép nước hồ Tây, nuôi rất nhiều cá chọi cá cảnh và thường đạp xe đưa lên chợ Đồng Xuân đổ buôn. Đấy, khu làng cổ ấy đấy, thế giới cổ tích sâm cầm ở đấy đấy! Chú Nam xốc Minh Trang dậy, phủi quần áo dính đầy màu vẽ và ớt bột nghệ bột, bảo, về đi hai đứa. Còn chưa hết hoảng, hai đứa về vội. Đằng sau, hình như là những cái ôm nhau.
Không biết có chuyện gì mà bố mẹ nó mấy ngày không nói chuyện với nhau. Mẹ có vẻ giận lắm. Cần nói việc gì thì nó làm chim bồ câu đưa thư, làm điện thoại truyền thanh đứng thu phát giữa hai cái giường cách nhau một bước chân. Tự nhiên nó hỏi, mẹ, ngày xưa mẹ lấy bố vì yêu à? Mẹ nó bảo yêu đếch gì. Thế mẹ lấy bố vì bố đẹp giai hay bố có xe đạp hay bố học giỏi? Hồi ấy bố mày trên răng dưới dái chẳng có đếch gì, giờ cũng thế. Thế mẹ lấy bố vì răng hay vì cái đó ạ? Bố nó ngứa miệng quay sang bảo răng tao xấu như này mà! Thế là thằng bé ngẩn người nhìn cả nhà đang cười rũ cười rượi. Bà nội bà ngoại im im nghe chuyện cả tối cũng xòe hết. Bà nội sặc nước nhai trầu lên mũi như chảy máu cam. Bà ngoại ra cái mặt nghiêm nghị, trẻ con nó trong như nước giếng thơi mà chúng mày ăn nói ba ba thuồng luồng như vậy nó lại nghĩ con mẹ nó lấy thằng bố nó vì cái đấy, rồi nhịn không nổi bà ha hả cười. Nó cũng cười, cười ngu, ờ nhở, có khi đàn bà lấy đàn ông chủ yếu vì cái đó cũng nên.
Thỉnh thoảng cả phố náo loạn hết cả, hôm nay “đổ thùng”! Hôm nay, ấy là sẽ có một đoàn công nhân vệ sinh đến từng nhà bẩy tung từng cái nắp hố xí hai ngăn, múc kĩu kịt những thùng đầy phân sánh. Những cặp thùng đầy phân sánh móc lên những đôi quang gánh ra đổ lên một cái xe tải mà thùng xe như cái bể. Cái xe bể sở mênh mông tròng trành phong vị Hà Nội những năm ‘80 ấy sẽ dừng trước cửa từng nhà cho thỏa nhớ mong. Những anh chị gánh phân cũng dặt dìu đôi chân, để lại giọt giọt vấn vương cho từng ngôi nhà ngõ ngách. Nhà nào cũng có kỷ niệm với ngày “đổ thùng”. Như tầng dưới có cô con gái là cô Tần, cô hơi ngẫn ngẫn hay ngồi cạy móng chân đưa lên mũi ngửi. Chậm chồng mãi rồi cũng tuyển hẳn được anh bộ đội miền núi phục viên chịu cưới. Đến khổ, ngày nhà trai mang trầu cau mấy trăm cây số xuống ăn hỏi lại dính đúng ngày “đổ thùng”. Xe tròng trành sóng sánh sáng sớm đã chặn cửa, anh lái thì biến mẹ nó đi đâu không biết. Nhà trai nhà gái đứng nói chuyện bằng giọng bịt mũi “chưa ông chưa bà nhi nhường pệt hông, chay che quá ả nhà nhôn hết cả nhảo nhơm nhang” (thưa ông thưa bà đi đường mệt không, say xe quá cả nhà nôn hết cả chảo cơm rang). Mãi hồi lâu hết giao đãi rất tiếc nhà trai đành về. Bà mẹ cô ngẫn ấy nước mắt ngắn dài tụt quần trước cửa vỗ phạch phạch chửi vắt nóc nhà mấy “thằng ngô con đĩ” đổ thùng. Cô ngẫn bảo mẹ vào đi, anh lái xe thùng muốn cưới thì chả cho, lấy ông kia cứt cũng chẳng có mà ăn ấy, rồi lại vào móc khóe móng chân đưa lên mũi ngửi, nước mắt cũng ngắn dài. Chắc anh lái xe thùng ức, bố trí anh em đặc cách đổ thùng đúng ngày đẹp nhà nàng. Bà mẹ bảo tổ sư con phò, thì đấy ăn đi! Anh lái xe thùng tự đâu xuất hiện hát, qua núi qua sông qua đồng lúa chín ta nghe xao xuyến tiếng gọi thiết tha, con chào mẹ…
Phố nó vui cực! Hình như vì có quá nhiều hộ gia đình nên người ta đục thông một lỗ thủng ở khoảng sân giữa hai số nhà để dùng chung nhà tắm, nhà xí. Chuyển một nửa diện tích phụ ấy thành bếp núc, chuồng gà chuồng lợn và chỗ cho những gia đình ở xa về Hà Nội. Vậy nên tình trạng ách tắc giao thông ở cửa nhà xí tự nhiên tăng gấp bốn lần. Nhưng thật sự thì tai nạn lại xảy ra ở bên trong. Thỉnh thoảng lại thấy bà nào ấy ré lên chửi ai cắt thủng giấy báo chùi vẫn găm đinh trong đó. Mãi sau mọi người mới điều tra ra thủ phạm là ông Tĩnh. Kiểu như theo thói quen dọn dẹp tư tưởng của biên tập viên, ông cắt sạch hình ảnh các lãnh tụ điển hình tiên tiến trên báo. Mà báo chí còn đăng gì nữa khác đâu.
Mùa đổi gió, côn trùng từ ngoài bãi Giữa ùa vào phố. Cào cào châu chấu muồm muỗm… béo mầm béo múp. Cứ đứng dưới chân mấy cái cột đèn sắt đen xì, chao tráng men mặt xanh mặt trắng, bóng 45 oát một lát thì có mà đầy. Lũ trẻ chúng nó xúm xít nướng trong cái lò than ống bơ sữa bò thơm lừng cả phố. Bà nội dặn bắt được cà cuống thì mang cho bà ngâm nước mắm. Nó bắt được hai con định chạy về nhà thì thấy bà ngoại. Bà ngoại bảo về đi, bà sang nhà ông Tĩnh chia buồn, ông ấy vừa nhận giấy báo tử của chú Tình. Chú Tình chồng cô Ngọc ấy. Thương thế, bà cho cháu theo với. Ừ thì đi… Ông Tĩnh ra mở cửa, mời bà vào nhà xơi nước ạ. Hai bà cháu bước vào căn phòng lặng ngắt, tù mù cái chao đèn điện yếu và những con thiêu thân con ngài bay vòng vòng chấp chới, mùi nhang mậu dịch cay cay. Trên nóc tủ là ảnh chú Tình đang nhoẻn cười. Cô Ngọc đầu đội khăn tang đang sửa lại lọ hoa bên cạnh bát hương, quay ra cúi đầu chào rồi rót nước mời. Chỉ có tiếng chén sứ lách cách chạm nhẹ. Bà ngoại khỏa đi im lặng, giờ chú Tình nằm ở đâu hả Ngọc. Dạ nhà con nằm chung với các anh ấy trên nghĩa trang Vị Xuyên bà ạ, đông lắm. Thế ông có định sau này đón chú ấy về đây không? Chắc là không bà ạ, để nó nằm với anh em cho vui. Giờ nó mới thấy gương mặt ông Tĩnh và cô Ngọc có gì ấy rất giống nhau. Hình như chỉ đỏ mắt vậy thôi, không khóc. Hình như đã khóc đến cạn kiệt. Nó nhìn cô Ngọc, thương thế chứ. Nó dúi vào tay cô Ngọc, cô ơi cháu cho cô hai con cà cuống, còn sống ạ, cô giữ chặt lấy khéo nó bay đi mất. Cô Ngọc ôm ghì lấy nó, không bay đâu không bay đâu. Có giọt nước ấm nóng nhỏ xuống khóe mắt nó. Nó cũng ôm lấy cô mà buông hai con cà cuống ra từ lúc nào. Nó chẳng biết gì, nước mắt nó đã chảy xuống nước mắt của những người đã trải qua những đau đớn ấy. Hai con cà cuống bay lên liệng vòng cùng với mấy con thiêu thân con ngài. Nghe kể, linh hồn của những người đã khuất thường hóa thân thành những con ngài trở về thăm người thân. Chú Tình là con ngài nào ấy nhỉ.
Dạo này hình như biên giới căng lắm. Rất nhiều những chú những anh nó biết đều nhập ngũ cả. Thầy dạy vi ô lông, thầy dạy vẽ rồi thầy thể dục đều lên đường. Đại ca phố trèo sấu đánh khăng của nó cũng đã đủ tuổi xung phong nhập ngũ. Lễ ra quân ở vườn hoa Hàng Đậu, xe tải chở quân xếp thành hàng dài hướng về phía cầu Long Biên. Lũ trẻ ra tiễn các thầy đồng ca hát. Ngày mai thầy lên đường đi làm anh bộ đội, tạm biệt mái trường xinh để lên miền biên giới… Các thầy đi mạnh khỏe rồi về dạy chúng em học tiếp nhé. Ơ kìa, hình như chú Kha kỹ sư vật lý cơ bản, chồng cô Vân cũng nhập ngũ. Đoàn xe đi khuất về phía Long Biên và những động viên đưa tiễn cũng đã xong. Một cơn cuồng phong, mưa dữ dội, bọn nó núp lại đứng nhìn những bàn ghế phông bạt cờ quạt ngổn ngang trong bão.
Sau này, nghe hát “Hà Nội mùa thu”, nó cứ nghĩ ông Trịnh viết “Bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời” là dành riêng cho nó. Là dành riêng cho thằng bé đứng ngẩn ngơ trong ánh chiều vàng, vàng ruộm cả trời cả đất cả mặt sóng hồ Tây ấy. Nó nhìn bầy sâm cầm bay là là lên từ đám sen tàn cũng đang mùa vàng ruộm. Sâm cầm lượn qua vầng mặt trời vạnh tròn đỏ chín. Khoảnh khắc đầu tiên trong đời nó thấy cái đẹp thật sự. Cái đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên khác hẳn viên bi đẹp con quay đẹp như mọi khi. Nó như không nắm bắt được và có thêm nhiều ảo ảnh như trong những cơn sốt xanh đỏ tím vàng. Sâm cầm lại liệng xuống, biến mất trong sen tàn. Mặt trời cũng xuống thấp, gửi lại những khóm nắng rạng rỡ cuối cùng, sen hồ Tây lại rực lên lấp lánh những tán lá khô vàng ruỗng. Giá như giờ có Minh Trang ở bên cạnh nhỉ. Hình như dạo này má Minh Trang bắt đầu hồng.
Hình như nó đang lớn lên, cái đẹp đang cựa quậy trong nó. Nó lang thang Hà Nội, thấy sông Hồng trôi như lụa mượt, cầu Long Biên nhịp nhịp lượn võng lưng rồng, bãi Giữa là con ngựa ngủ trưa với đám bờm lau trắng phất phơ trong nắng. Nó muốn ngập mình xuống giữa đám bờm ấy. Nó thấy hai bầu vú của mẹ cũng tuyệt vời. Sớm chủ nhật nó leo lên gác xép, cái gác xép được bố tự tay làm ở phần trên đỉnh của cầu thang căn nhà cổ, ấy là tổ chim câu của bố và mẹ. Nắng chấp chới lùa xiêu qua đám rèm mỏng màu cam may từ vải dù và mẹ đã thêu lên đó thêm những chùm hoa trắng li ti. Nắng bồng bềnh trên ngực mẹ để trần, mẹ như những thánh nữ trong tranh Phục Hưng in trên tạp chí Sputnik của Liên Xô vậy. Xung quanh là mấy chồng đĩa nhựa và sách bố mang ở Liên Xô về. Tiếng cello khe khẽ từ chiếc đài đĩa đang kể vấp một câu chuyện gì mà mẹ như cười trong mơ. Chắc hôm qua cuối tuần, bố về và rất ngoan nên mẹ vui. Nó để mẹ ngủ tiếp, sẽ sàng tụt xuống. Bố đâu đó về xách theo một làn bánh cuốn và hai cây giò bảo hai bà, con còn ít tiền riêng, mua hết về cho nhà ăn một trận thỏa thích, mai đổi tiền rồi, một đồng chỉ còn là một hào thôi. Mấy ngày hôm đó hình như chỉ có mình nó và con em thấy ngon miệng, còn hai bà với bố mẹ nó trệu trạo nhai. Nhai giò hay nhai rơm thế. Lặng im. Buổi chiều, nó ra đầu Quán Thánh chơi, thấy một bác đèo cái bao tải bị kẹt bánh xe đạp vào đường ray xe điện đúng lúc mấy toa tàu đang đi tới. Không hiểu luống cuống thế nào mà bác ấy bị giắt một chân vào bánh xe đạp. Chuông tàu điện giật leng keng liên hồi như ma làm, bác ấy để cả chục cái bánh xe sắt thay nhau nghiền. Cả phố tá hỏa nháo nhác. Nhiều tiếng hét lên vì thấy máu me lòng ruột be bét. Nó vừa sợ vừa tò mò cũng chúi đầu vào đám đông. Ơ còn sống, bác ta nhe răng cười. Chân giả, tàu điện nó chỉ chẹt lên bao lòng lợn, cái bánh xe đạp có cái chân giả bị giắt vào thôi. Lại còn cười, ai đó mắng, mất cái chân giả, cả một bao tải lòng, lại còn cái bánh xe đạp nữa, xếp hàng mấy tháng mới mua đủ đám vành lốp nan hoa ấy? Nhưng mà bị máu me ám ảnh, nó nôn thốc nôn tháo và về lại lên một cơn sốt xanh đỏ tím vàng hoa cà hoa cải.
Đêm mùa hè, điện mất, Hà Nội oi ả như cái lò than. Bà nội bà ngoại mỗi bà một cái quạt nan đang nằm quạt cho một đứa ngủ, khi cả nhà thiu thiu thì có tiếng gõ cửa nhẹ. Bà ngoại quát khẽ, ai? Dạ con, bà mở cửa cho con với! Con là ai, tôi chưa nghe ra giọng? Con là Kha, chồng của Vân đây ạ! Vào nhanh, tiên sư nhà anh chứ, anh đào ngũ đấy à? Bà thương con với, con nhớ nhà con quá, trốn về thăm vợ một đêm, sớm mai con trở lên đơn vị ngay, giờ khó quá, con mà về nhà thì lão tổ trưởng cách mỗi cái vách gỗ mỏng biết ngay, bà giúp chúng con với. Thôi được rồi. Hai bà nhìn nhau. Bà ngoại đưa chậu nước với cái khăn mặt cho chú Kha, rửa mặt lau người đi cho đỡ mệt, rồi bà leo lên gác xép. Bà nội đi đâu một loáng đã thấy về, sau lưng là cô Vân. Cô Vân quỳ sụp xuống rưng rưng, con đội ơn hai bà. Ơn huệ gì, tôi rải cái chiếu mới trên gác rồi đấy, hai đứa tranh thủ đi không lại sáng đến đít. Chú Kha đưa cô Vân leo lên cái tổ chim câu của bố mẹ, còn nó buồn ngủ quá, thiếp đi lúc nào. Sáng dậy, nó cũng quên luôn chuyện đấy. Bẵng đi, không nhớ bao lâu. Cô Vân lại sang nhà gặp bà, bà ơi, con có mang ba tháng rồi, bà bảo con phải làm sao bây giờ. Cứ giữ lấy mà đẻ con ạ. Nhưng con biết ăn làm sao nói làm sao, còn bố mẹ chồng, còn cơ quan tổ chức đoàn thể, không lẽ nói là anh ấy đào ngũ về… Sốt ruột, đạp qua mà sống. Nhưng con không thể vì cái thai này mà để cả chồng con, bố mẹ chồng con bị kỷ luật Đảng, bị phê bình trước tổ dân phố thì nhục không ngóc đầu. Thế thì tùy nhà chị, bà ngoại gắt, thở dài.
Sau đó ít lâu, có giấy báo tử của chú Kha. Cô Vân hóa điên, cứ trần truồng rồ dại đi trên phố. Những đêm trăng xám lạnh, cô đi dọc phố mà hát, bập bõm: Trên trời chừ có đám mây xanh… Ôi là phụ tình phàng… Chừ là duyên là chi lắm bấy… Chừ cái dạ em trông chàng… Mà không thấy ông chàng đâu… Hỡi ông chàng là chàng ơi… Chi mà tệ, tệ lắm chàng… Răng mà bạc, bạc rứa chàng… Tiếng hát trong đêm hoang vắng cứ văng vẳng khi gần khi xa mà có gai cào dao cứa bên trong.
Còn lũ trẻ thì đi theo trêu: bà Vân rồ bà Vân dại ê ê Xúy Vân giả dại. Nào cô ấy có giả đâu. Cô ấy điên thật, cứ hát và cười thôi. Nó can lũ trẻ không được thì cáu, chửi mấy đứa um ti. Rồi huỳnh huỵch đánh nhau, đánh nhau to ấy. Nó về, người bê bết máu me bùn đất, lẳng lặng nằm sấp ra sàn gỗ chờ trận roi của bà ngoại. Bà hỏi sao? Nó kể. Bà hỏi ở đâu? Nó nói. Bà lặng lẽ với cái chăn chiên rồi chạy đi. Bà quấn cho cái chăn, đưa cô Vân về tắm rửa. Vừa kỳ cọ cho cô Vân vừa chửi, tiên sư thằng bán tơ, tiên sư đời, tiên sư bom đạn.
Cô Tần ngẫn dưới nhà sắp cưới. Ô lại lấy cái chú bộ đội phục viên không có cứt mà ăn chứ không phải chú lái xe thùng. Cả phố tầng tầng lớp lớp bàn ra tán vào. Mấy cô giặt quần áo ngoài máy nước công cộng môi cong ba via dép nhựa gia công hợp tác xã cứ úi dồi nhá úi dồi nhá. Nghe cứ như các cô ấy ngồi dưới gầm giường nhà cô ngẫn ấy. Đủ chuyện. Cô ngẫn đặt pẹt cái chậu quần áo xuống cho nước tóe lên chặn những cái môi ba via dép nhựa gia công lại, các chị không phải đồn phải đoán rồi chuyện lại chả ra gì, em lại thấy thích ông ấy hợp lắm hợp lắm này nhá ông ấy nhá… Thế à thế cơ à, những cái môi lại loe ra chúm lại dập dờn câu chuyện tình yêu hôn nhân và hạnh phúc gia đình từ bàn ra chuyển sang tán vào. Mà rút cục mày lấy anh ấy vì cái gì, yêu chưa yêu chưa. Ôi chưa cưới có thai rồi á? Ừ kệ, đừng như bà Vân, cứ để mà đẻ, không nuôi tao nuôi…
Chuyện phố cứ thế cứ thế.
Bà nội mất. Rồi bà ngoại mất. Sau đám ma hai bà lâu lâu, nó mãi không hết nhớ. Ôi trời là lâu lắm rồi không gặp Minh Trang, nó liền chạy sang nhà. Leo lên đến nơi thì thấy khóa cửa. Trên cửa có dán tờ giấy ghi mấy chữ đã bắt đầu bạc màu mực tím: Chắc Quân sẽ đọc được tờ giấy này thôi. Mẹ mình phải chuyển công tác vào Nam. Gấp quá, không kịp sang chia tay bạn. Chúc bạn chăm ngoan học giỏi và ngày càng vẽ đẹp nhé! Vào đến trong đó mình sẽ viết thư ra. À mà, Quân ở số nhà mấy ấy nhỉ? Ký tên Minh Trang. Nó như rơi vào hố thẳm, cứ chạy đi, chạy đi, không biết đi đâu.
Nó đã chạy và lạc giữa trùng trùng lau trắng. Bờm ngựa bung mây. Xung quanh ngùn ngụt gió. Lá lau cứa ngàn vết vào da. Chỉ thấy lau. Và bên trên là một khoảng loang loang xanh xám và vàng nhạt. Nó đứng im nhìn trời. Màu sắc hồn nhiên óng lên như những cơn sốt trẻ dại xanh đỏ tím vàng tươi tắn u mê và chóng mặt. Nắng. Mưa. Gió lạnh đầu mùa. Cái roi tre cật vàng. Những buổi chiều đi lạc khác. Bà ngoại gọi vi vu trong gió Quân ơi Quân ời về ăn cơm. Cái bảng vẽ. Mắt đen răng khểnh áo trắng vai bồng cổ lá sen, Minh Trang không còn ở đây nữa. Mùi mở liễn cơm ủ trong chăn bông. Đàn sâm cầm bay ngang vũng mặt trời. Đoàn tàu chạy chẹt lên tiếng dương cầm. Bánh xe tàu điện nghiến phọt bao lòng lợn nghiền lẫn vào cánh tay cẳng chân người. Bài hát của cô Vân rồ nữa…
Hà Nội mấy hôm nay gió buốt thấu xương. Buổi sớm những năm 198x là một màu xám bạc. Phố đầy gió. Nó về, nhìn những lưng người lầm lũi đạp xe trở những câu chuyện phố. Nào đã kịp hiểu được chuyện gì đâu.
Trại viết VNQĐ, Phú Yên, tháng 5/2020
N.A.V