Buổi sớm một ngày đầu tháng chạp, tiết trời se lạnh báo hiệu thời khắc sắp tàn đông. Người bạn ở xa điện gọi, hẹn chắc với tôi nếu có dịp về Gò Công – Tiền Giang sẽ cùng đi biển chơi.

Tôi cười thầm bởi lần trước anh bạn đã than phiền rằng biển Tân Thành nước đục, môi trường và cảnh quan khó thu hút khách. Vậy mà các ngày thứ bảy, chủ nhật, khách xa vẫn tìm đến với vùng biển còn đậm chất quê, chẳng chút phô trương hiện đại như biển Vũng Tàu, Long Hải. Người ta bảo đó là sức hút mộc mạc “không đụng hàng”, có lẽ cũng đúng phần nào chăng? Biển luôn là thế mạnh bất biến của Gò Công, nếu khéo khai thác đúng mạch, đúng tầm. Tuy hiện giờ có chựng lại vì nhiều lý do, nhưng… Tôi chợt thấy nôn nao, mình phải đi!

Về Tân Thành, đường qua huyện Gò Công Đông thì khỏi phải chê. Mười lăm cây số láng nhựa phẳng phiu, xe cứ bon bon khỏe re. Nhưng tôi lại thích đi ngả khác xa hơn, từ thị xã đến Tân Tây 6 km, thêm chừng 9 km nữa là tới xã Vàm Láng. Đường tốt, không bao lâu đã đến. Tôi ra khu chợ cận kề luồng lạch ra vô vàm để xem cảnh ghe tàu neo đậu bán mua cá tươi, cá khô… ồn ào tấp nập. Một nét sinh hoạt đặc trưng, mùi nắng gió, mùi cá biển hăng hăng, thân thiện. Cảng cá được nâng cấp, sửa sang lại thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đánh bắt của ngư dân. Nhớ lại cuối năm 2006, cảng ảnh hưởng cơn bão Durian làm đổ nát. Cùng chung thiệt hại, Vàm Láng bị chìm hơn hai mươi tàu cá, 3 người mất tích. Vượt qua đau thương, mất mát, mọi người lại vững tay, chắc lái. Hỏi một anh công tác tại cảng cá, anh cười nhỏ nhẹ: “Sản lượng đánh bắt tôm cá hàng năm không dưới hai mươi ngàn tấn. Đó là số liệu thống kê tương đối thôi, thật ra còn cao hơn nhiều…”. Tôi rẽ vào ấp Lăng, đứng nhìn nơi thờ cốt cá ông, gọi là lăng ông Nam Hải. Gợi chuyện các bác lớn tuổi ngồi uống cà phê gần đó để nghe kể lại sự tích lăng thờ. Lăng kiến trúc kiểu đình làng xưa Nam bộ, xây dựng mới vào năm 1922 và đã qua nhiều lần tu bổ. Những lắng đọng man mác hồi tưởng cuộc sống ngư dân xa xưa, những bậc tiền nhân có công khai phá, gìn giữ tập tục, nét văn hóa dân tộc cho đến ngày nay. Tương truyền vào cuối thế kỷ XIX, người ta vớt được phần thân giữa cá ông trôi tấp phía Đồng Hòa, bên kia sông Soài Rạp. Đưa về Kiểng Phước để cho rã rồi thỉnh cốt xương về lăng thờ và coi đó là vinh hạnh cho cả vùng Vàm Láng. Sau đó, bên Phước Hòa (Bà Rịa) cử người đến xin thỉnh cốt về thờ chung với phần cốt đầu và đuôi cho đủ bộ, nhưng các chức sắc phụng tự lăng không đồng ý vì sợ mất lộc. Hàng năm vào ngày 9 tháng 3 âm lịch đều tồ chức lễ hội nghinh ông rất long trọng. Nghi thức rước thỉnh sắc thần, cúng an vị, nhạc lễ theo đúng bài bản từ xưa không hề thay đổi. Một lão ngư dân tuổi ngoài tám mươi góp lời: “Tui theo nghề trên dưới sáu chục năm mà năm nào cũng theo ghe nghinh ông, chừng ông “vọi” mới về. Ăn Tết rồi tới ngày chú em ghé đây chơi xem cho biết, vui lắm. Chiều mùng tám cúng thủy lục, tối cúng vong linh thiên vị, có giụt giàn thí lớn, bánh trái đủ thứ. Tụi nhỏ khoái chen nhau lúc giựt giàn để kiếm chút phẩm vật lấy phước, lấy hên…”. Mỗi người một câu, nhớ đâu nói đó, tôi càng nghe càng thấy tình cảm, khát vọng cuộc sống yên bình, phồn vinh ẩn chứa đậm nét trong tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng ngành nghề. “Rạng sáng mùng mười, ghe tàu có tới mấy chục chiếc trang hoàng cờ xí rực rỡ, chiêng trống vang trời tiến thẳng ra biển. Chờ chừng nào ông “vọi” hoặc thấy cá lớn làm giống như ông “vọi” mới cúng bái, thả vật tế các thần xuống biển rồi lui ghe về. Heo quay, cá thịt ê hề bày biện đãi đằng ăn uống chẳng những trong lăng mà hầu như nhà nào cũng cúng, cũng đãi khách. Nhớ mùng chin tháng ba xuống chơi, đừng ngại lạ quen, dân vùng biển mà!”. Tôi nhận ra rằng sự nhiệt tình, cởi mở và mến khách vẫn cò là bình thường ở những nông dân, ngư dân đặc sệt chất lao động, cả đời mang hơi thở biển, cần cù và bình dị…

Ngược đường quay lại chừng hai cây số, tôi rẽ trái để vào đường đê ngăn mặn.Con đê bước đầu hình thành hoàn toàn bằng sức lao động thủ công đào đắp, chịu đựng sình lầy nhớp nhúa của không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tháng trời. Giờ đây, sau những lần gia cố, đầm nện bằng cơ giới, nền đê được trải đá dăm, không còn sụt lún. Chợt nghĩ vẩn vơ rằng tầng đất dưới cùng bao giờ cũng là tầng đất thấm đẫm mồ hôi nhiều nhất. Tôi nhớ lại hơn 20 năm trước, một công trường đào đắp lớn ngày đêm, mặc con sóng vỗ ì ầm, nắng cháy gió sương khắc nghiệt. Khi ấy, nổi bật trong ban chỉ huy công trường có chú Lê Thành Tâm (tức đ/c Ba Chòi- sau là trưởng phòng thủy lợi huyện Gò Công Đông) thường xuyên bám trụ, ăn ngủ tại chỗ để đôn đốc tiến độ. Tính chú khá nóng, bàn bạc thống nhất việc gì rồi thì dù khó mấy cũng quyết làm cho bằng được. Thời gian chú về công tác ở thủy lợi huyện, tôi ở đội thi công nên có dịp gặp chú. Mới biết và kính nể chú hơn, một con người gan góc, quyết đoán trong chiến đấu và xây dựng. Thời chống Mỹ, trong một đợt càn mạnh của địch, chú cùng một cán bộ cấp huyện lánh xuống hầm bí mật. Địch biết, gọi hàng nhất định không ra. Chúng ném lựu đạn tung hầm, chú Ba bị thương nặng gục bên xác đồng chí mình. Giặc bắt, dọa dẫm, mua chuộc không được nên đày chú ra Côn Đảo cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới về. Chuyện kể về chú thì rất nhiều, nhưng trên hết là niền tự hào đất biển quê ta đã sản sinh ra những người con ưu tú, dám hy sinh cho sự thống nhất đất nước hôm nay. Về hưu, thời gian sau chú Ba hợp đồng giữ rừng phòng hộ trên một diện tích nhỏ thuộc tuyến đê Vàm Láng – Tân Thành. Mấy lần xuống thăm chú, tôi càng quí mến tính bộc trực, giản dị của chú. Tuổi cao, thương tật nên chú không uống rượu, nhưng vẫn bày mồi mỡ gà, cua, sò ốc… cho “tụi bây lai rai nói chuyện chơi!”. Mái tranh nhỏ lọt thỏm giữa mênh mông rừng đước xanh tăm tắp, dừa nước ken dày đặc. Chú bảo: “Nhà riêng chú cũng đủ tiện nghi, nhưng sống ở đây thấy gần gũi, ấm lòng hơn. Biết sao không? mình gốc nông dân mà, bẩn chật hổng chịu nổi!”. Cao hứng, chú rút từ bên vách ra một ống tre có nắp, lấy ra mấy bài thơ do chú làm lúc còn trong bưng, rồi đọc cho chúng tôi nghe từng lời, từng lời về một thời gian khó. Chú đã mất mấy năm nay, nhưng lúc nào tôi cũng không quên hình ảnh người lãnh đạo cũ với nét mặt cương nghị, chân tình…

Tuyến đê dài hơn mười cây số, hai bên cây rừng trồng vươn cao che khuất sóng biển rạt rào. Bờ kè được xây khá kiên cố nối liền nhau đoạn xung yếu chắn sóng. Chỉ ở khúc gập, thường gọi là đoạn “cùi chỏ” mấy chục năm nay gia cố bằng cừ tram, đá hộc, bê-tông; nhưng với triều cường chỉ là tạm thời chống chọi thôi. Nhớ lúc còn ở đội công trình thủy lợi, hàng năm vào mùa chướng là chúng tôi lại ăn dầm nằm dề nơi đây ngày đêm để đóng cừ, vác đá, giăng kẽm… chặn cơn sóng dữ bằng hết sức mình. Đoạn này sóng mạnh khiến cây trồng nhiều đợt vẫn trốc gốc, xói mòn liên tục. Những gốc bập dừa nước, thân cây bị sóng đưa lên tận mép bờ kè, đủ biết cơn cuồng nộ của biển ghê gớm thế nào. Chợt nhớ những ghi chép về cơn bão năm Thìn khủng khiếp hồi đâu thế kỷ 20 và câu ca dao buồn thảm “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc/ Gió nào độc bằng gió Gò Công/ Thổi ngọn đông phong cho lạc vợ xa chồng/ Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”. Tới khu du lịch vắng người, một số hàng quán của công ty đã tạm dỡ để chỉnh trang, xây bờ kè mới. Đường bãi biển Hàng Dương giải tỏa khá thông thoáng, những vật liệu, phế thải còn vương đầy. Tình cờ gặp anh bạn, cán bộ thủy lợi cũ đang công tác ở đây, nghe tôi hỏi về tuyến đê, anh hơi ngập ngừng:

– Đoạn trở xuống Vàm Láng bị áp lực triều cường nhiều thì lâu nay đã làm xong bờ kè hơn ba ngàn thước. Mấy năm rồi chịu đựng khá tốt…

Nhắc tới vấn đề khai thác du lịch, anh nói:

– Theo tôi biết thì sắp tới trên sẽ cho san lấp bờ biển, đoạn giải tỏa, sau đó qui hoạch trồng cây dương tạo cảnh quan thiên nhiên. Chuyện tiếp theo thuộc ngành du lịch. Nhưng theo tôi thì làm theo kiểu “nhà giàu”, kiểu hiện đại thì tầm cỡ mình làm sao sánh nổi Vũng Tàu, Nha Trang… Cứ khai thác thiên nhiên, tuy quê mùa, dân dã mà ăn chắc mặc bền!

Cũng là một ý kiến, một quan điểm đáng chú ý đấy chứ! Lại nhắc đến Cồn Ngang đã được tỉnh khảo sát, quyết định phê duyệt chi tiết quy hoạch Khu du lịch sinh thái, với nhiều chức năng. Đề án có tính kinh tế này nếu thành hiện thực, chắc chắn sẽ mở ra nhiều triển vọng, lợi ích liên quan cho người dân. Ngồi ở bậc thềm kè trông ra biển, bất giác tôi nhớ lại chuyến ra thăm Cồn Ngang hồi năm kia với các anh chị báo Ấp Bắc (Tiền Giang). Cùng đi có các anh ở Bộ chỉ huy Biên phòng và phương tiện ra cồn là của Hải đội 2. Trên bản đồ, từ Tân Thành ra đó chỉ khoảng 5 hải lý, nhưng thực tế đi mất gần 2 giờ đồng hồ. Mênh mông trời nước, sóng biển nhấp nhô, anh chiến sĩ lái tàu dạn dày kinh nghiệm chăm chú quan sát để tránh lạch cạn, kềm chế tốc độ, nương theo sóng ngầm khiến ai cũng than phục. Từng luồng cá di chuyển gần như sát mạn tàu, chốc chốc lại đồng loạt phóng mình lên rồi rơi xuống làn nước trong tiếng hò reo tò mò, thú vị. Đã nhìn thấy một phần Cồn Ngang, diện tích đang trong giai đoạn bồi đắp nên khó xác định, người ta ước tính trên 150 hécta, phần hình thành và ổn định khoảng 50 hécta. Chân cồn giờ vươn xa nên tàu đậu tít bên ngoài, mọi người xuống ghe nhỏ mới vào bãi được. Bãi cát đen mịn màng, ốc sống nằm phơi đầy. Lội qua bờ rau muống biển trổ bông tím là tới cơ quan biên phòng quản lý cồn. Phòng làm việc, phòng ngủ, bếp ăn rất tươm tất, khang trang. Điều kiện sống, sinh hoạt của các anh giữa bốn bề biển nước như vậy là quá tốt. Chỉ có điều cồn không có mạch nước ngọt nên phải chuyển từ đất liền ra. Lân la ra bếp, tôi trò chuyện cùng một chiến sĩ đang bằm con đẻn- một loại rắn biển- cho nhuyễn làm món xào sả ớt. Anh chỉ tay vào rổ cá đối trắng tươi to gần bằng cổ tay mới bắt, miệng cười tươi:

– Chút nữa bọn tôi nấu canh chua, chiên xù cá đãi cơm các anh chị. Cá quanh đây nhiều lắm, ăn riết ngán. Hồi hôm tôi bắt được mớ đẻn, xào sả ớt là nhứt xứ!

Hỏi chuyện trồng cây trên đất cồn, anh mau mắn:

– Có trồng chuối, nhưng coi bộ hơi còi còi, sả thì tạm được. Dừa thì đang trồng thử xem, nó mà chịu đất này thì ngon lành lắm. Cây dương, cây đước sống tốt, anh nhìn phía kia thấy đó, bọn tôi quyết tâm phủ xanh Cồn Ngang này mà…

Giao lưu, tìm hiểu tới trưa, chúng tôi cùng các anh quây quần ăn bữa cơm rất đậm đà tình quân dân, không chút cầu kỳ, khách sáo. Lúc về, mỗi người còn được tặng mấy ký lô ốc viết làm quà, món quà thay lời tình cảm. Tàu lướt sóng xa xa, chúng tôi còn ngoái lại nhìn Cồn Ngang, một phần đất nước mến yêu ngày đêm được các anh bộ đội Biên phòng chăm lo, gìn giữ. Một anh phóng viên cảm xúc:

– Có đi thực tế thế này mới cảm nhận và quí trọng hơn từng mảnh đất quê hương cùng những người dám chấp nhận gian khổ ở nơi đầu sóng ngọn gió, biển trời Tổ quốc…

… Giáp hai ấp Cầu Muống và Cây Bàng, đường đê được láng nhựa, phía ngoài đê từng thửa ruộng dưa đang được mọi người chuẩn bị xuống giống từ nay cho đến Tết. Đất cát thích hợp trồng mãng cầu dai, dưa hấu, nhãn, chuối… khách lạ chỉ nhìn cây trái trong vườn, ruộng là biết ngay. Ngoài dưa hấu Pháo Đài thì dưa hấu Tân Thành cũng ngon không kém, có lẽ cùng thủy thổ, khí hậu chăng? Những người đi xa lâu, sau chừng năm, bảy năm trở lại đây chắc khó nhận ra cảnh vật. Nhà trệt, nhà lầu san sát, trước sân chăm chút hoa kiểng làm đẹp. Không ai không nhìn nhận rằng tất cả những cái có được là từ con nghêu, con tôm, phong trào nuôi nghêu, nuội tôm và các dịch vụ liên quan. Từ đó, Ban quản lý cồn Ông Mão được thành lập, xây dựng cơ sở hướng ra biển cho anh em thuận tiện trong việc trực gác. Trước kia, sự quản lý nghêu không chặt chẽ lắm, tình trạng trộm cắp, móc ngặc nhau vẫn xảy ra. Nhưng mấy năm gần đây, từ khi anh Nguyễn Văn Ron (thường gọi Năm Ron, quê xã Đồng Sơn- huyện Gò Công Tây- Tiền Giang) về nhận công tác tại đây thì các tệ nạn được hạn chế thấp nhất và đang dần xóa bỏ. Là một sĩ quan biên phòng tại địa phương nhiều năm, sau phục viên anh định cư tại đây và phụ trách xã đội xã Tân Thành trong thời gian khá lâu. Quen thuộc bà con trong vùng cùng am hiểu từng bờ bãi, đất đai như lòng bàn tay và nhận thấy sự lơi lỏng trong quản lý, anh suy nghĩ từng bước tháo gỡ. Khi nghêu đúng lứa cân đong cho cơ sở tiêu thụ, anh lên kế hoạch báo về trên và chủ trương không bắt nghêu ban đêm để tránh thất thoát. Thuê nhân công bắt nghêu có sự chọn lọc, phổ biến qui định và phát phiếu kiểm tra từng người đề tránh tình trạng trà trộn, hỗn độn, mất trật tự như trước kia. Nghêu bắt đổ vào ghe đậu cố định, không cân mà thỏa thuận tính toán bằng “gùi” (túi tròn bằng nhựa dày, chứa khoảng 20 ký nghêu). Hỏi về những khó khăn, anh Năm Ron cho biết:

– Đa số người chơn chất làm ăn thì họ rất chịu cách quản lý này, tuy nhiên một số người vẫn quan niệm nghêu của Nhà nước nên tìm mọi cách để xà xẻo, tư lợi. Hiện nay giá nghêu cao, cân tại chỗ không lúc nào dưới hai chục ngàn một ký, dễ phát sinh lòng tham. Nhưng tôi không đồng tình với quan niệm sai trái đó, ai nói gì thì mói…

Trầm ngâm một lúc, anh nói tiếp:

– Tôi có ý định xin ý kiến trên mua đồng phục cho anh em bắt nghêu, làm thẻ tên cho có vẻ… chính thức hơn. Bởi vào cao điểm thu hoạch, số nhân công hơn trăm người chứ không ít. Có điều, chuyện làm nghêu mới đây gặp khó khăn, đang phục hồi nên chuyện này chưa xúc tiến được!

Thấp người, ăn nói rổn rảng, thẳng thắn đầy chất lính, người tiếp xúc anh chỉ một lần cũng có sự tin cậy. Anh kể cho nghe những kinh nghiệm trong việc quản lý như: thả nghêu tùy thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên, phân ranh thu hoạch từng lô, phân công chịu trách nhiệm cụ thể cho mỗi nhân viên ban quản lý, minh bạch thu chi…

Ra về, một ông cụ đang chặt quày chuối bên đường nhìn tôi nói một câu:

– Năm Ron nó làm khá lắm, giữ được an ninh trật tự ở cồn nghêu tới mấy trăm héc ta mà còn làm lợi cho Nhà nước tiền tỷ đó nghen! Bà con nghèo đi cào nghêu thuê cũng sống được…

Quản lý của công mà có cái tài, cái tâm, ngoài làm lợi mặt kinh tế còn thêm sự tín nhiệm của mọi người, tôi tin Ban quản lý cồn Ông Mão sẽ ngày càng xứng đáng hơn…

Trở ra ấp Cầu Muống, tôi ghé nhà nhạc sĩ Hoàng Phương, ra mộ anh thắp nén nhang. Ngôi mộ trong vườn nhà ấm cúng, vong linh anh trong những đêm êm ắng chắc nghe thỏa thê tiếng sóng biển rì rào. Dòng nhạc anh gắn liền với biển, rung động cùng biển, yêu biển bằng cả tâm hồn đến thế là cùng. Ngôi nhà ọp ẹp ngày xưa giờ được những người yêu mến anh tài trợ cất lại rất đẹp, đây cũng là sự an ủi cho gia đình người nghệ sĩ cả đời lang bạt, không màng vật chất phù hoa. Tôi nhớ những lần anh từ Sài Gòn về ghé tôi chơi “tay đôi” và nhất là dịp tôi cùng nhà thơ Võ Tấn Cường ở Hội Văn nghệ luộc nghêu, lai rai tâm sự tại nhà anh. Kỷ niệm còn đó, người thì vĩnh viễn xa rồi, chỉ còn lưu dấu trong tâm tưởng. Tiếp chuyện tôi, vợ nhạc sĩ Hoàng Phương cho biết dự định cho hai con trai học nghề nào đó để chúng có tương lai tốt. Chị có vẻ buồn khi nhắc nhỏ những ngày anh còn sống, bạn bè thường xuyên lui tới đàn hát rộn ràng. Giờ thỉnh thoảng chỉ có nhạc sĩ Hà Phương, Vinh Sủ, Tuấn Khanh… từ xa xuống thăm, ngắm biển, thắp nén nhang tưởng nhớ người đồng nghiệp đã về cõi vĩnh hằng. Nghe văng vẳng từ nhà bên phát một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Phương, giọng ca Bảo Yến thắm thiết “…Trùng khơi con sóng thì thầm… Từng đêm như lời mẹ ru…”. Quê hương Gò Công, biển Tân Thành mặn mòi, chắt lọc niềm tin cho người, cho đời hướng đến cuộc sống ngày mai ngọt lành, sung túc…

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version