NGUYỄN VĂN DÂN
(nguyên phó viện trưởng viện thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam)

1. Địa chính trị biển đảo – một vấn đề nóng bỏng hôm nay

Chúng ta biết là biển và đại dương (gọi chung là biển) chiếm 71% diện tích bề mặt trái đất. Nó chứa đựng biết bao tiềm năng mà cho đến nay con người mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ. Người ta ước tính rằng khả năng của biển trong việc cung cấp thức ăn cho con người là lớn gấp 1.000 lần so với khối lượng thức ăn được lấy từ đất canh tác của cả thế giới; mức độ cung cấp thuỷ sản hằng năm của đại dương ít nhất cũng có thể nuôi được 30 tỷ người. Đó là chưa kể tiềm năng phát triển ngành công nghiệp dầu khí của đáy biển là vô cùng lớn. 
Trên thực tế, những thành phố sầm uất trên thế giới thường là những thành phố ven biển hoặc có đường thủy thông ra biển. Người ta thống kê rằng 2/3 số thành phố có số dân từ 3 triệu trở lên là các thành phố biển. Trên thế giới cũng có tới 2/3 số dân sống bằng nghề biển. Biển đã trở thành một trong những nguồn lợi chủ chốt của loài người, mặc dù hiện tại con ngời mới chỉ khai thác tài nguyên chủ yếu ở các vùng biển nông, còn khu vực lớn là khu vực biển sâu thì vẫn nằm ngoài tầm với của con người.
Mặc dù biển có một tiềm năng kinh tế lớn như vậy, nhưng không phải là nó đã được phát huy giá trị ngay từ đầu. Chỉ đến thời đại ngày nay, khi nhu cầu về nguồn lực cho phát triển tăng lên, khi tài nguyên trên đất liền bắt đầu suy giảm và không đáp ứng, và khi con người đã có được những kỹ thuật tiên tiến làm tăng khả năng làm chủ biển khơi, thì biển mới bắt đầu được khai thác một cách ồ ạt.
Ngoài ra, có một điều đặc biệt có ý nghĩa về mặt địa chính trị là trong khi đất liền của trái đất đã được phân định chủ quyền, thì phần lớn biển và đại dương vẫn là khu vực “sân chung” của cả loài người. Chính vì nó là khu vực “sân chung”, cho nên trên thực tế ở nhiều nơi, biển lại là khu vực vô chủ và nhiều khi trở thành đối tượng tranh chấp. Thêm vào đó, việc đi lại trên biển cũng không bị ngăn cản bởi các biên giới quốc gia; ai có tiềm lực giao thông lớn trên biển thì sẽ tận dụng được lợi thế này để mở rộng ảnh hưởng ra khắp hành tinh. Vì thế, tất cả các nước ven biển và có đường thông ra biển đều coi biển là mối quan tâm hàng đầu cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Từ đó, xu hướng địa chính trị biển đảo đã trở thành một trong những xu hướng chủ chốt trong chính sách phát triển quốc gia của các nước trên thế giới.
*
Xu hướng địa chính trị biển đảo là xu hướng đề cao vai trò sức mạnh biển của các quốc gia biển và các quốc đảo. Nó cũng cho thấy biển có một vị trí quan trọng như thế nào dưới mắt của các nhà địa chiến lược. Xu hướng này có nguồn gốc trong lý thuyết về sức mạnh biển của thiếu tướng hải quân Hoa Kỳ Alfred Thayer Mahan (1840-1914) và lý thuyết miền đất trái tim của nhà địa lý học vĩ đại người Anh Huân tước Halford John Mackinder (1860-1947).
Thế nhưng, nói cho công bằng thì xu hướng đề cao sức mạnh biển đã có mầm mống từ thời xa xưa. Ngay từ thế kỷ thứ V trước CN, chính khách đồng thời là vị tướng Hy Lạp cổ đại Themistocles đã tuyên bố: “Ai chỉ huy được trên biển, người đó chỉ huy được khắp nơi”. (Trích theo François Caron, “De la maîtrise de la mer” [“Về sự làm chủ trên biển”], “Stratégique”, Số 89-90, 2007, tr. 103-149; đoạn trích ở tr. 105). Và sức mạnh biển đã giúp quân Hy Lạp giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Troia huyền thoại. Sức mạnh biển cũng giúp Hy Lạp bành trướng sự ảnh hưởng của mình ra toàn khu vực Địa Trung Hải. Đến thế kỷ XVI, Huân tước Walter Raleigh, sủng thần của Nữ hoàng Anh Elisabeth I, đã nói rằng: “Ai sai khiến được thương mại trên biển, người đó sai khiến được tài sản của thế giới, và từ đó sai khiến được chính bản thân thế giới”. (Trích theo François Caron, bài đã dẫn, tr. 106).
Đến thế kỷ XVI-XVII, Vua Pháp Henri IV tuyên bố: “…để đạt được uy thế, nước Pháp cần phải mạnh và có thế lực trên biển, như nó vẫn từng mạnh, đáng sợ và được tôn trọng trên đất liền”; còn hiệp sĩ de Razilly, người gợi ý cho Tể tướng Richelieu, đã không bỏ lỡ dịp nhắc lại rằng: “Ai sai khiến được trên biển sẽ có được một quyền năng lớn trên đất liền”. Thế là từ năm 1624, Richelieu đã quyết định biến nước Pháp thành một cường quốc biển thực sự, có khả năng tranh chấp với người láng giềng đầy tham vọng của mình là nước Anh. Theo quan điểm của ông, cường quốc biển không hề chỉ giới hạn ở khả năng duy nhất là tạo ra những hạm đội mạnh trên biển, bởi vì ông hiểu rằng: “việc tạo cho mình sức mạnh trên biển (…) tức là có khả năng cho phép tất cả các nước trên thế giới được phép ra vào trên biển”. Đây là một quan điểm địa chính trị và địa kinh tế rất hiện đại, mặc dù chưa hoàn bị, nhưng có thể coi là khúc dạo đầu cho công cuộc toàn cầu hoá mà chúng ta đang biết đến ngày nay. Cái ý chí được Richelieu quảng cáo đó bắt nguồn từ niềm tin cho rằng quyền lợi là động lực thực sự của mọi chính sách. Ông đã hiểu rằng khả năng quân sự không đủ để tạo ra sức mạnh biển; sức mạnh này còn phải được dựa trước hết trên thương mại và thuộc địa. Đáng tiếc là những mưu toan tạo ra một “nước Pháp mới” và những công ty thương mại lớn của nhà nước như thế đã bị chết yểu. (François Caron, bài đã dẫn, tr. 107).
Bộ trưởng tài chính Pháp Jean-Baptiste Colbert dưới thời vua Louis XIV, người chia sẻ quan điểm của Richelieu, đã nắm lại ngọn cờ của ông. Trong khi Richelieu thất bại vì không biết huy động dân chúng, thì toàn bộ chính sách của Colbert là nhằm thuyết phục người Pháp rằng “một nền hải quân không phù hợp với một sự phát triển song song nền thương mại biển và nghề đánh bắt cá, không có các chi nhánh thương mại và các đồn quân sự ở nơi cách xa bờ biển của tổ quốc để làm chỗ dựa, nói một cách ngắn gọn là không có các thuộc địa, thì đó chỉ là một nền hải quân xa xỉ, sớm muộn cũng sẽ bị tiêu vong”. Như vậy, theo tinh thần của Colbert, có ba cột trụ gắn kết chặt chẽ với nhau để làm thành sức mạnh biển là hải quân, thương mại và thuộc địa, và đó cũng là ba cột trụ để làm thành cấp độ cuối cùng là sự làm chủ trên biển. (François Caron, bài đã dẫn, tr. 107-108). Đến năm 1668, Colbert trở thành bộ trưởng hải quân Pháp.
Đây là quan điểm hợp lý, vì nó quan tâm đến cả phương diện quân sự lẫn kinh tế của sức mạnh biển. Và đây là phương châm mà hai nước Anh và Pháp đã thực hiện trong một thời gian dài trong sự cạnh tranh nhau một cách quyết liệt. Mở rộng ra cả khu vực châu Âu, có tác giả đã nhận định: “Không phải là phóng đại khi nói rằng trong giai đoạn mà sự thăng tiến của châu Âu đã lấn át các châu lục khác, để cuối cùng đạt được điểm đỉnh của nó với việc thống nhất thế giới trong một sự cân bằng sức mạnh như hiện nay, thì chính cái sức mạnh biển là chìa khoá của toàn bộ quá trình diễn biến này.” (Herbert Rosinski, “L’évolution da la puissance maritime” [“Sự phát triển của sức mạnh biển”], “Stratégique”, Số 89-90, 2007, tr. 17-52; đoạn trích ở tr. 17. [Đây là một bản thảo cũ được lưu giữ trong giấy tờ của Rosinski tại Học viện Chiến tranh Hải quân (Newport). Jean Pages dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp.]). 
Đến thời hiện đại, Alfred Thayer Mahan có lẽ là nhà địa chiến lược đầu tiên, và mối quan tâm trước hết của ông lại dành cho sức mạnh biển, khi ông cho rằng sức mạnh biển chính là cái làm cho một quốc gia trở thành một cường quốc hùng mạnh. Tuy nhiên, không giống như truyền thống tư tưởng của hai nước Anh – Pháp chủ trương phát triển cân bằng quân sự lẫn thương mại và khai thác nguồn lực để tạo ra sức mạnh biển, thì Mahan lại chủ trương tập trung phát triển hải quân. Vì ông cho rằng hải quân hùng mạnh sẽ là nhân tố đảm bảo cho thương mại biển phát triển và giúp cho một quốc gia có được sức mạnh biển và sự làm chủ trên biển.
Tuy nhiên về quan điểm này cũng có ý kiến ngược lại. Đó là ý kiến của François Caron khi ông cho rằng sự thành công trong việc chiếm đoạt thuộc địa và phát triển thương mại của nước Anh đã giúp cho nó có được một lực lượng hải quân hùng mạnh. Caron còn dẫn nhiều ý kiến tương tự khác nữa của nước Pháp, trong đó có cả ý kiến của nhà văn Voltaire. (François Caron, bài đã dẫn). Nhưng chúng tôi cho rằng không nên nhìn nhận vấn đề một cách cứng nhắc. Thương mại biển và hải quân có thể bổ sung cho nhau, không thể nói cái nào quyết định cái nào.
Còn Mackinder, mặc dù ông coi miền đất trái tim là miền đất có vị trí chiến lược trung tâm trong nền chính trị thế giới, nhưng ông lại coi khu vực vành đai bên ngoài là khu vực có ý nghĩa gần tương đương với miền đất trái tim, đó là vùng “đại dương trung phần” [“Midland Ocean’’], bao gồm nửa phía Đông của Canađa, Hoa Kỳ, lòng chảo Bắc Đại Tây Dương cùng bốn vùng biển phụ cận của nó là Địa Trung Hải, Biển Baltic, Biển Bắc và Biển Caribê, đồng thời bao gồm cả nước Anh và Pháp. (Đây là một sự mô tả đáng chú ý mang tính tiên đoán về sự ra đời trong tương lai của khối liên minh NATO sáu năm sau khi Mackinder công bố quan điểm này năm 1943.)
Dựa trên lý thuyết về sức mạnh biển của Alfred Mahan, cộng với sự đánh giá của Mackinder về vành đai ngoài, có thể gọi là “vành đai biển đảo”, các nhà địa chính trị bắt đầu quan tâm đến giá trị và vai trò của biển đảo. Và ngày nay, những tranh chấp về biển đảo, kể từ vụ xung đột về quần đảo Malvinas (người Anh gọi là quần đảo Falkland) giữa Arhentina với Anh năm 1982, đến các vụ tranh chấp về quần đảo Kuril (người Nhật gọi là quần đảo Chishima) giữa Nga và Nhật, và về các quần đảo trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, cho thấy vai trò và ý nghĩa chiến lược của các quần đảo là rất quan trọng trong địa chính trị quốc gia và quốc tế. Nó cho thấy quốc gia biển nào không quan tâm sớm đến hệ thống quần đảo ở ngoài khơi quốc gia mình thì sẽ phải đương đầu với những bất lợi về mặt chiến lược phát triển và bảo vệ tổ quốc. Đối với Việt Nam, đây là một vấn đề thời sự có tính cấp thiết.
Vào cuối thập kỷ 1980, nhà lý luận địa chính trị người Pháp Yves Lacoste đã nhận xét rằng trong thế giới biển đã diễn ra bốn sự thay đổi địa chính trị to lớn tác động đến chiến lược phát triển của các quốc gia và đến môi trường quan hệ quốc tế. Đó là:
1. Sự thay đổi đầu tiên là việc các quốc gia sáp nhập các vùng biển rộng lớn: Trong khi cách đây hằng trăm, hằng nghìn năm, người ta chỉ tranh nhau chiếm giữ các vùng đất nổi, thì ngày nay mỗi quốc gia lại cố gắng mở rộng tối đa chủ quyền của mình ra các vùng biển và đại dương. Có nơi, người ta còn mở rộng vùng yêu sách ra xa ngoài biển cách bờ hàng nghìn kilômét như ở Bắc Băng Dương.
2. Sự thay đổi thứ hai là sự gia tăng số lượng các quốc đảo nhỏ, nhiều quốc đảo chỉ rộng vài cây số vuông với số dân vài trăm hoặc thậm chí chỉ vài chục nghìn người.
3. Sự thay đổi thứ ba mang tính chất địa chiến lược: Sự xuất hiện tàu ngầm nguyên tử trong kho vũ khí răn đe của các siêu cường quân sự. Đây là sự đáp trả lại kỹ thuật giám sát chính xác bằng vệ tinh của Liên Xô và Mỹ. Từ nay, lòng biển sâu trở thành một môi trường địa chiến lược lý tưởng để che giấu lực lượng mà đất liền không có được.
4. Sự phát triển của hải quân Liên Xô đang có khả năng cạnh tranh với hải quân Mỹ trong một số lĩnh vực. (Yvơ Lacôxtơ, “Những vấn đề địa chính trị. Hồi giáo, biển, châu Phi” [Vũ Tự Lập dịch từ bản in tiếng Pháp năm 1988, Vũ Gia Khánh hiệu đính], Nxb. KHXH, Hà Nội, 1991, tr. 119-121. [Khi Lacoste [Lacôxtơ] viết công trình này, Liên Xô chưa sụp đổ]).
Đây là những sự thay đổi ở cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên đến nay, với thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đang qua đi, tình hình thế giới mới đang tạo ra những sự thay đổi lớn lao khác nữa. Chúng tôi cho rằng có lẽ cần phải kể đến hai sự thay đổi căn bản nữa, đó là:
1. Một số nước mới nổi đang ra sức gia tăng lực lượng hải quân của mình, trong đó đặc biệt phải kể đến Ấn Độ và Trung Quốc. Ở đây, Ấn Độ muốn phát triển lực lượng hải quân để bảo vệ đất nước chống lại những nguy cơ xâm nhập từ phía biển và để kiểm soát các tuyến đường giao thông qua Ấn Độ Dương. Còn Trung Quốc thì muốn phát triển lực lượng hải quân trước mắt là để bành trướng chủ quyền trên các vùng biển ở phía Đông và Nam Trung Quốc, sau đó là mở rộng khả năng kiểm soát hàng hải quốc tế và hậu thuẫn cho các chiến dịch tìm kiếm lợi ích ở các khu vực khác như châu Phi, châu Mỹ… 
2. Sự mâu thuẫn và tranh chấp ngày càng gia tăng trên các vùng biển đảo. Chúng ta có thể kể ra đây một số mâu thuẫn và tranh chấp chủ yếu như sau:
• Mâu thuẫn và tranh chấp về đường biên giới trên biển giữa các quốc gia biển.
• Mâu thuẫn giữa các quốc đảo với các quốc gia sử dụng biển về giao thông hàng hải qua các vùng quần đảo và qua các eo biển quốc tế.
• Mâu thuẫn giữa các quốc gia ven biển với các quốc gia có tàu đánh cá liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.
• Mâu thuẫn giữa các quốc gia ven biển với các quóc gia sử dụng biển trong vấn đề giao thông hàng hải có liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế.
• Mâu thuẫn giữa các quốc gia ven biển với các quốc gia sử dụng biển về vấn đề ô nhiễm biển.
• Và đặc biệt là tranh chấp giữa các quốc gia biển về lãnh thổ biển đảo, trong đó nổi lên hai điểm nóng hiện nay là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông Việt Nam.
Ngoài những mâu thuẫn truyền thống về biên giới trên biển và những tranh chấp về lãnh thổ trên biển, chúng ta phải chú ý tới những tranh chấp nảy sinh do có sự ban hành Công ước của LHQ về Luật biển UNCLOS, đặc biệt là những điều khoản quy định về địa vị pháp lý của một quốc gia quần đảo, về đường biển quốc tế đi qua một quốc gia quần đảo, về vùng đặc quyền kinh tế và về thềm lục địa.
Các quốc gia biển ở gần nhau khi mở rộng vùng đặc quyền kinh tế rất dễ có sự tranh chấp về ranh giới của vùng đặc quyền. UNCLOS cho phép các quốc gia biển đơn phương mở rộng vùng đặc quyền kinh tế tới 200 hải lý lính từ đường cơ sở. Việc xác định vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng thềm lục địa cũng đều lấy đường cơ sở làm mốc để đo bề rộng của các vùng. Chính vì vậy mà “đường cơ sở có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng”. Việc vạch đường cơ sở không theo đúng với quy định của UNCLOS sẽ kéo theo một loạt tranh chấp trên các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ việc Trung Quốc ra tuyên bố về hệ thống “đường cơ sở thẳng” của mình ngày 15-5-1996 đã gây phản ứng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia lân cận và ở các quốc gia sử dụng biển. 
Điều đặc biệt cần lưu ý là UNCLOS đã phân biệt rất rõ khái niệm “đường cơ sở thông thường” với “đường cơ sở thẳng”. Theo UNCLOS, chỉ có hai trường hợp được phép áp dụng đường cơ sở thẳng: 1. Ở những nơi bờ biển có những khúc gãy ăn sâu vào đất liền; 2. Ở những nơi có dãy đảo trực thuộc bao quanh ngay sát bờ biển. Ngoài hai trường hợp này ra, đường cơ sở phải được vạch theo phương thức thông thường, được gọi là đường cơ sở thông thường, là đường được vẽ theo mực nước thuỷ triều thấp nhất chạy dọc theo bờ biển. (Xem U.S. Department of State [Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ], “Straight Baselines Claim: China” [“Yêu sách về đường cơ sở thẳng”], “Limits in the Seas”, Số 117, 9/7/1996). Trong khi đó bờ biển của Trung Quốc rất hiếm có đoạn nào nằm trong hai trường hợp nói trên. Vậy mà Trung Quốc vẫn đơn phương vạch các đoạn đường cơ sở thẳng của mình dựa vào các điểm cơ sở được đặt trên các hòn đảo nhỏ và những gò đồi mực nước thấp (“gò đồi mực nước thấp” là những gò đá chỉ lộ ra khi nước thuỷ triều xuống thấp, còn khi thuỷ triều dâng cao thì chúng bị chìm trong nước) nằm rải rác và thưa thớt ngoài khơi, trong đó có điểm cách bờ biển khá xa.
Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn vạch đường cơ sở cho cả quần đảo Hoàng Sa, là quần đảo đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền và hiện đang bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ. Việc vạch đường cơ sở thẳng của Trung Quốc như vậy đã mở rộng đáng kể vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và vì thế nó cũng thu hẹp đáng kể vùng biển quốc tế nằm bao quanh bờ biển Trung Quốc, ảnh hưởng đến các quyền là quyền lợi của nhiều quốc gia sử dụng biển, nhất là các cường quốc kinh tế biển, gây phản ứng quyết liệt ở những nước này, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Có một điều thật mỉa mai là ngày Trung Quốc đưa ra tuyên bố về đường cơ sở thẳng cũng chính là ngày Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS (chậm hơn Việt Nam những hai năm). Đây là một minh chứng cho sách lược “nói cứ nói nhưng làm cứ làm” của Trung Quốc.
Hay như những quy định của UNCLOS về địa vị pháp lý của quốc gia quần đảo mà trong đó có quy định về tỷ lệ tối đa giữa nước và đất liền là 9/1 cũng đã gây phản ứng ở một số quốc đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Bởi vì nếu một quốc gia được công nhận là quốc gia quần đảo thì sẽ có được những quyền lợi rất đáng kể: Nó sẽ có chủ quyền đối với vùng nước quần đảo với tư cách là vùng nội thuỷ; nó được phép vạch đường cơ sở thẳng nối các hòn đảo trực thuộc bao quanh mép ngoài của quần đảo. Như thế, cộng thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, các quốc gia quần đảo nhỏ bé ở châu Á Thái Bình Dương sẽ trở nên giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Nhưng cái tỷ lệ 9/1 kia không phải là điều dễ đáp ứng. Có nghĩa là một khi cái tỷ lệ 9/1 bị vượt quá thì đường cơ sở thẳng của một quốc gia quần đảo sẽ bị gián đoạn, và các vùng nước quần đảo của nó sẽ bị gián cách và sẽ bị xen kẽ bởi các vùng đặc quyền kinh tế hoặc hải phận quốc tế. Đấy là điều làm cho một số quốc gia ở Nam Thái Bình Dương tỏ ra không hài lòng và chậm trễ trong việc phê chuẩn UNCLOS. Trái lại, các cường quốc kinh tế biển cũng không thích điều khoản này. Bởi lẽ nếu các vùng nước quần đảo càng được mở rộng thì có nghĩa là hải phận quốc tế càng bị thu hẹp
Nhưng, mặc dù có những phản ứng thế này hay thế khác, nhìn chung Công ước của LHQ về Luật biển 1982 đã được hoan nghênh và được nhìn nhận như một thành công của LHQ. Con số 158 nước và Cộng đồng châu Âu phê chuẩn UNCLOS, tính đến tháng 7 năm 2010, là một con số có đủ sức thuyết phục về vấn đề này. (Theo Wikipedia.org, mục từ “UNCLOS”). Công ước này cũng đã dành trọn một phần và một loạt phụ lục để quy định về việc giải quyết tranh chấp trên biển. Trong tương lai, nếu tất cả các nước phê chuẩn Công ước với một thiện chí thực sự thì khả năng xung đột sẽ có cơ hội giảm đi rất nhiều. Rõ ràng, Công ước đang là một cơ hội và cũng là một thách thức cho các quốc gia trên thế giới. Chấp nhận Công ước có nghĩa là phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của nó, phải điều chỉnh lại luật pháp trong nước và điều chỉnh các quyền lợi quốc gia cho phù hợp với Công ước.
Vấn đề ô nhiễm và an ninh trên biển cũng đã được Công ước bàn tới. Và cùng với nó là một loạt các công ước khác được ban hành. Có thể nói Công ước UNCLOS đã cho chúng ta thấy rằng đã đến lúc không thể coi biển là một khu vực bỏ hoang, vô chủ. Nó phải được phân định riêng chung rõ ràng, và các nước phải có trách nhiệm đối với các khu vực biển riêng của mỗi nước cũng như đối với khu vực chung của cộng đồng quốc tế. Ở đây, quyền tự do hàng hải và hàng không qua vùng biển là một quyền cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia sử dụng biển, đặc biệt là các cường quốc. Cho nên chúng ta không có gì ngạc nhiên khi thấy Hoa Kỳ tuyên bố từ lâu rằng “Chính sách phòng thủ của Hoa Kỳ cho những năm cuối thập kỷ 1990 và xa hơn nữa sẽ phải phụ thuộc nghiêm trọng vào quyền tự do truyền thống về hàng hải và hàng không qua các đại dương của thế giới…” (J. Ashley Roach và Robert W. Smith, “The Future of U.S. Ocean Policy” [“Tương lai của chính sách đại dương Hoa Kỳ”], trong cùng tác giả, “United States Responses to Excessive Maritime Claims” (2nd Edition), Martinus Nijhoff Publishers, The Hague / Boston / London, 1996, tr. 501-510.)
Rõ ràng, những cuộc tranh chấp trên biển cho thấy các quốc gia ven biển hiện nay đang rất quan tâm đến sức mạnh biển và đều có tham vọng mở rộng lợi ích trên biển. Đồng thời chúng cũng cho thấy sự tranh chấp sẽ có tác động không chỉ đến các bên tranh chấp, mà, không giống với các cuộc tranh chấp trên đất liền, sự tranh chấp trên biển còn liên quan trực tiếp đến các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là đến các cường quốc. Ví dụ như Mỹ sẽ không bao giờ quan tâm và can thiệp vào cuộc tranh chấp biên giới đất liền giữa Trung Quốc với Nga hay giữa Trung Quốc với Ấn Độ, nhưng Mỹ sẵn sàng hành động nếu cuộc tranh chấp trên Biển Đông làm ảnh hưởng đến giao thông hàng hải của nó ở đây. Vì thế, gần đây, trước những yêu sách vượt quá giới hạn của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ đã có những tuyên bố cứng rắn và có những hoạt động của hải quân trên vùng biển này. Tại Hội nghị Diễn đàn Anh ninh thường niên của ASEAN [ARF] tại Hà Nội ngày 23-7-2010, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã phát đi ba thông điệp của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Đông: 
1. Hoa Kỳ coi cuộc tranh chấp chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông là có liên quan đến lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
2. Hoa Kỳ cho rằng các cuộc tranh chấp cần và có thể giải quyết bằng thương lượng hoà bình, song phương và đa phương, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bất kỳ giải pháp nào cũng phải tính đến lợi ích của các bên liên quan, không bên nào được độc chiếm Biển Đông. Hoa Kỳ cũng phản đối các bên sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
3. Hoa Kỳ yêu cầu phải đảm bảo lưu thông hàng hải, cả dân sự lẫn quân sự, trên hải phận quốc tế tại khu vực Biển Đông. Bất kỳ tranh chấp nào cũng không được ngăn cản quyền tự do hàng hải của các quốc gia. (Phân tích của PGS.TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược Bộ Công an. Phương Loan ghi trong bài “Không ai được mặc cả lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông”, Tuanvietnam.net, ngày 11-8-2010.)
Theo PGS.TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Chiến lược Bộ Công an, đây là những tuyên bố phù hợp với luật pháp quốc tế và chúng đã được đông đảo các nước hoan nghênh, nước duy nhất phản đối là Trung Quốc. Trung Quốc phản đối việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, họ coi đó là công việc nội bộ của Trung Quốc có liên quan đến các bên và chỉ đồng ý đàm phán song phương với mỗi nước có liên quan. Ta có thể thấy rõ đây là mưu đồ “chia để trị” của Trung Quốc, dùng lợi thế quân sự để áp đặt giải pháp đối với mỗi bên có liên quan.
Trên tinh thần của quan điểm nói trên, Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông [viết tắt theo tiếng Anh là COC], cao hơn một bước so với Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông [DOC] đã ký giữa ASEAN với Trung Quốc năm 2002. Đồng thời với những lời tuyên bố cứng rắn của Mỹ là việc diễn ra các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Hàn Quốc tại Biển Hoàng Hải vào giữa tháng 8-2010. Và vào đầu tháng 8-2010, Hoa Kỳ đã đưa tàu sân bay nguyên tử USS George Washington vào vùng biển quốc tế gần thành phố cảng Đà Nẵng của Việt Nam và đưa tàu khu trục vào tận trong cảng Đà Nẵng để giao lưu với hải quân Việt Nam, như là một việc nhắc nhở đến sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực.
Có thể nói, địa chính trị biển đảo rất dễ trở thành một vấn đề quốc tế. Đó là do nó xuất phát từ đặc trưng của việc quản lý cái “sân chung” là biển cả và đại dương bao la này. Do đó, bất cứ một quốc gia biển nào muốn xây dựng một chính sách địa chính trị biển đảo đúng đắn thì đều phải tôn trọng UNCLOS, phải kết hợp luật pháp trong nước với luật pháp quốc tế để đảm bảo cho vấn đề biển đảo vừa đáp ứng lợi ích trong nước vừa thoả mãn lợi ích quốc tế của chính đất nước mình và của các quốc gia khác. Tranh chấp trên biển phải được giải quyết ở cấp quốc tế, nhất là khi cuộc tranh chấp có sự tham gia từ ba bên trở lên. Đặc biệt, những cuộc tranh chấp nằm trên những tuyến đường hàng hải quốc tế thì càng phải được quốc tế hoá để giải quyết. Đó chính là giải pháp dành cho các cuộc tranh chấp trên Biển Đông hiện nay. Mặt khác, trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, nhiều vấn đề trên biển đòi hỏi phải được giải quyết ở cấp quốc tế và cấp toàn cầu. Cho nên, bất cứ một quốc gia nào phát triển địa chính trị biển đảo vì lợi ích cá nhân thì sẽ đi ngược lại với cộng đồng quốc tế và sớm muộn sẽ gây phản ứng và xung đột quốc tế. Hơn bất cứ một xu hướng nào khác, xu hướng địa chính trị biển đảo là một xu hướng thể hiện yêu cầu về mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng một cách rõ ràng và nghiêm ngặt nhất.

2. Quan điểm nhìn nhận vai trò địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia của Việt Nam

Trong lịch sử phát triển của Việt Nam, việc dựa vào địa thế, địa hình của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn được ông cha ta quan tâm, chú ý. Những chuyện lập kinh đô, dời đô nhằm tạo thế phát triển cho đất nước, việc lập phòng tuyến bảo vệ Tổ quốc, đều có tính đến các yếu tố thiên thời địa lợi. Nhiều tướng lĩnh đã có những công trình đúc kết kinh nghiệm về cách dụng binh, ví như Trần Quốc Tuấn với “Binh thư yếu lược”, có thể được coi là một trong những nhà địa chiến lược cổ điển quan trọng của Việt Nam. Với việc kinh thành – Thăng Long cũng như Huế – luôn được thiết kế xoay mặt về hướng Nam, chúng ta có thể thấy tư tưởng địa chính trị cổ điển của Việt Nam là hướng đất nước trông ra biển. Truyền thống đó đã giúp cho các triều đại phát triển đất nước trải dài xuống phía Nam và hội nhập với khu vực Đông Nam Á. Có lẽ, với lịch sử hàng nghìn năm bị đế quốc phương Bắc đô hộ, việc Việt Nam chủ trương phát triển hướng xuống phía Nam và ra biển là một việc làm hợp lý. Có thể nói, trong lịch sử, ông cha ta đã biết khai thác các lợi thế địa chính trị để phát triển đất nước. Đây chính là tiền đề cho tư duy địa chính trị hiện đại của nước ta sau này.
Nhận thức được tầm quan trọng của địa chính trị, Đảng và Nhà nước ta luôn coi đó là một trong những động lực cho công cuộc phát triển. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công cuộc phát triển các vùng biên giới và hải đảo, coi đó là một phần của đại chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đến năm 2001, trong “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010”, Đại hội IX của Đảng đã đặt ra các định hướng phát triển, trong đó có khu vực nông thôn trung du, miền núi, khu vực biển và hải đảo. Đối với những khu vực này, Đảng khẳng định phải “Bảo vệ và phát triển vốn rừng. (…) Có chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, cửa khẩu.” Đối với “Khu vực biển và hải đảo”, “Chiến lược” chỉ rõ: phải “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh nuôi, trồng, khai thác, chế biến hải sản; thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; (…) tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển.” (Đảng CSVN, “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010”, trong: Đảng CSVN, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX”, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2001, tr. 181-182). 
Đến Đại hội X năm 2006, trong Báo cáo chính trị, Đảng ta lại nhắc lại nhiệm vụ “Phát triển kinh tế biển” là “Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.” (Đảng CSVN, “Báo cáo chính trị của BCHTƯ Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng”, trong: Đảng CSVN, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X”, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2006, tr. 93.)
Tuy nhiên đây chưa phải là những lý thuyết địa chính trị thực sự, mà chỉ là những định hướng mang tính chất địa chiến lược ở tầm vĩ mô. Trên cơ sở của “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010” do Đại hội IX đề ra, ngày 1-3-2006, trước khi diễn ra Đại hội X, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010 và năm 2020”, mà theo tác giả Phạm Thanh Thôi, “đây là chương trình quốc gia đầu tiên có tác động mạnh mẽ nhất đến sự phát triển kinh tế và tài nguyên, môi trường vùng ven bờ biển nước ta.” (Phạm Thanh Thôi, “Từ ‘Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020’ – Nhận diện những thách thức về văn hoá”, http://www.anthdep.edu.vn.mht/)
Tiếp tục tư tưởng này, đến ngày 9 tháng 2 năm 2007, Hội nghị trung ương lần thứ 4 khoá X của Đảng đã ra nghị quyết quan trọng đầu tiên về chiến lược biển, đó là Nghị quyết 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Trong nghị quyết này, Đảng ta đã nhận thức rất đúng rằng “Thế kỷ XXI được thế giới xem là ‘Thế kỷ của đại dương’. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển.” Đặc biệt có một điều đáng ghi nhận là, trong khi cho đến tận năm 2005, các nhà làm từ điển của nước ta vẫn không công nhận “địa chính trị” là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học, mà họ coi nó là một chủ thuyết chính trị phản động, thì trong nghị quyết về chiến lược biển, Đảng đã sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa tích cực: “Khu vực Biển Đông, trong đó vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh rõ vị trí, vai trò đó.” (Đảng CSVN, “Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khoá X Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong: Đảng CSVN, “Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung Ương khoá X” (lưu hành nội bộ), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2007, tr. 70.) Cũng theo nghị quyết, đây là một chiến lược biển toàn diện đầu tiên do yêu cầu của tình hình mới của đất nước là “phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia đối với biển đảo và vùng trời của tổ quốc, (…) nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” (Đảng CSVN, “Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khoá X…”, bài đã dẫn, tr. 71.) Trong Nghị quyết này, với quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh” (Đảng CSVN, “Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khoá X…”, bài đã dẫn, tr. 76), Đảng đã đưa ra những định hướng chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện thành công chiến lược quan trọng này.
Chúng tôi cho rằng đây là một chuyển biến quan trọng trong nhận thức về biển, phù hợp với quan điểm về biển hiện nay trên thế giới. Đặc biệt, với vị trí là một nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, thành viên của tổ chức APEC, nước ta đang có cơ hội để tham gia vào trung tâm phát triển lớn nhất của thế giới, phù hợp với tiên đoán của bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Hay cách đây hơn một thế kỷ: “Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại [tức thế kỷ XIX, thời của Hay – NVD], Thái Bình Dương là biển của tương lai”. (Trích theo Trần Đình Thiên, “Chiến lược biển và tầm nhìn mới về CNH, HĐH”, trên:http://www.vietnamdirectoryb2b.com/event/vme/Chienluocbien. pdf).
Tuy nhiên, chúng tôi có nhận xét rằng tinh thần của Nghị quyết về Chiến lược biển vẫn thiên về địa kinh tế hơn mà chưa nhấn mạnh thoả đáng đến vai trò quan trọng về địa chính trị của biển. Chúng tôi cho rằng cần nhấn mạnh hơn nữa những vị trí địa chiến lược của Việt Nam trên Biển Đông trong hệ thống giao thông đường biển và đường không quốc tế, cũng như cần chỉ rõ hơn nữa việc phải xây dựng lực lượng bảo vệ biển ra sao, cần có những giải pháp cụ thể như thế nào để giữ gìn những vùng lãnh thổ của Tổ quốc trên Biển Đông.
Mặt khác, chúng tôi cũng cho rằng trong tình hình nước ta vẫn là một nước kém phát triển và với tình trạng tranh chấp Biển Đông vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm như hiện nay, thì mục tiêu và những nhiệm vụ của chiến lược đặt ra là cực kỳ khó khăn và phứp tạp, đúng như tác giả Trần Đình Thiên đã nói: đó là những “đại vấn đề hoàn toàn không dễ giải quyết”. (Trần Đình Thiên, bài đã dẫn ). Vậy, liệu trong thời gian mười năm nữa chúng ta có thể đạt được mục tiêu là “trở thành quốc gia mạnh về biển” được không? Hơn nữa, thế nào là một “quốc gia mạnh về biển?” Về điều này, Nghị quyết 09-NQ/TW chưa chỉ rõ được. Khái niệm “quốc gia mạnh về biển” phải được hiểu theo nhiều góc độ: kinh tế, chính trị, quân sự, môi trường…; nó cũng không chỉ mang ý nghĩa nội tại mà còn phải được hiểu trong mối quan hệ so sánh với các quốc gia khác. Quả thực, đây là mục tiêu không dễ thực hiện.
Dù sao, việc Đảng ta ra nghị quyết về chiến lược biển đã là một tiến bộ rất lớn trong nhận thức về biển. Trên cơ sở này các nhà khoa học sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu để vạch ra các chiến lược và chính sách cụ thể, chỉ ra các nhiệm vụ địa chiến lược và địa chính trị liên quan đến biển để đảm bảo cho đất nước thực hiện được hai mục tiêu chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là những cơ sở lý luận để chúng ta phát triển lĩnh vực nghiên cứu địa chính trị, đặc biệt là địa chính trị biển đảo.

Về vấn đề tranh chấp Biển Đông, chúng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần phải khôn khéo kết hợp ngoại giao song phương với đàm phán đa phương trên cơ sở vận dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Với phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước”, chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương pháp hoà bình, tận dụng sự ủng hộ của quốc tế nhưng không gây bè phái, chia rẽ giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta quan niệm Biển Đông không phải là cái ao của riêng một nước nào, mà nó vừa có phần của mỗi nước vừa có phần chung của quốc tế. Do đó việc giải quyết tranh chấp phải luôn tính đến cả lợi ích quốc gia lẫn lợi ích quốc tế. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích quốc gia mà không quan tâm đến lợi ích của quốc tế thì chúng ta sẽ gây xung đột và bị cô lập; nhưng nếu từ bỏ lợi ích quốc gia thì sẽ có tội với lịch sử, với cha ông. Việc phân định riêng chung cần phải được tiến hành dựa trên bằng chứng lịch sử của quốc gia và luật pháp quốc tế. Theo tinh thần đó, nếu chỉ đàm phán song phương thì sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề. Tuy nhiên đàm phán đa phương không phải là “quốc tế hoá hoàn toàn” vấn đề Biển Đông, không phải là xoá bỏ chủ quyền thực sự của quốc gia để “công hữu” Biển Đông. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận đàm phán đa phương khi chủ quyền quốc gia của chúng ta được tôn trọng trong khuôn khổ của lợi ích quốc tế được đảm bảo. Và tất cả những công việc đó phải được tiến hành một cách công khai cho toàn thế giới biết để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia sử dụng biển. Thậm chí, với vị trí của một nước nhỏ, chúng ta cần khôn khéo thuyết phục để đưa vấn đề tranh chấp ra toà án quốc tế để giải quyết. Đó chính là giải pháp bền vững nhất cho các cuộc tranh chấp Biển Đông hiện nay.

Về vị thế địa chính trị biển đảo, chúng tôi cho rằng, là nước có hơn 3.444 km đường bờ biển, xấp xỉ bằng 3/4 chiều dài biên giới trên bộ, cùng với hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, giờ đây, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần quan tâm đặc biệt đến vị thế địa chính trị biển đảo của quốc gia để có chiến lược phát triển phù hợp, tiến tới trở thành một quốc gia có nền kinh tế biển lớn mạnh. Hơn nữa, biển của Việt Nam không phải là biển kín, mà nó là nơi gặp gỡ của các con đường hàng hải thông ra Thái Bình Dương để giao thương với thế giới. Điều đó có nghĩa Việt Nam xứng đáng được coi là quốc gia biển. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh biên giới trên bộ, Việt Nam cần đặt mối an ninh biên giới biển vào trọng tâm chú ý. Muốn thế, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần chú ý phát triển lực lượng hải quân theo hướng chính quy và hiện đại. Đồng thời cần chú ý phát triển ngành công nghiệp biển nhằm thực hiện mục tiêu lâu dài đưa Việt Nam trở thành một cường quốc biển. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chỉ có trở thành cường quốc biển thì chúng ta mới có điều kiện đảm bảo cho an ninh biển. Một quốc gia với số dân gần một trăm triệu người, với diện tích thềm lục địa trên 1 triệu km2 – gần gấp ba lần diện tích đất liền, thì khả năng trở thành cường quốc biển không phải là hoàn toàn huyễn tưởng. Đó là điều mà nhiều quốc gia nội địa vô cùng mơ ước mà không được. Bởi lẽ, một trong những tương lai của loài người là ở biển cả và đại dương. Cho nên, nước nào tiếp giáp với biển thì nước đó sẽ có cơ hội để được chia sẻ những triển vọng phát triển mới. Đó cũng là ý nghĩa địa chiến lược và địa kinh tế của đất nước ta.

T/c “Văn học nước ngoài”, số 7-2011

H.1: Ranh giới lãnh hải và vùng biển theo UNCLOS.
H.2: Tình hình phê chuẩn UNCLOS: 1. Mầu xanh đậm là những nước đã phê chuẩn; 2. Mầu xanh nhạt là những nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn; 3. Mầu ghi xám là những nước chưa phê chuẩn.

New layer…
Exit mobile version