“Giữa Biển Đông / Con cá nhỏ ngược dòng / Tung tăng không biên giới” là một trong ba bài thơ đoạt giải nhì cuộc thi thơ haiku Việt – Nhật lần thứ 5.

Trần Duy Khương chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bài haiku dự thi - Ảnh: L.Điền
Trần Duy Khương chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bài haiku dự thi – Ảnh: L.Điền

Bài thơ haiku tiếng Việt của tác giả Trần Duy Khương (ở Bình Dương) vừa đoạt giải nhất cuộc thi thơ haiku Việt – Nhật lần thứ 5 do Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM phối hợp với Trường đại học KHXH&NV TP.HCM (khoa văn học và ngôn ngữ) cùng báo Văn Nghệ tổ chức từ năm 2014-2015.

Bài thơ như sau:

Mộ bên đường

Cơn mưa phùn ướt

Sân khấu dế non

Bài thơ trên nhận được lời bình của ban giám khảo: “Chú dế kia hát ca trong cơn mưa xuân mát mẻ. Vui hát giữa sinh và tử, giữa cỏ và mưa, giữa vô thường và vĩnh cửu, nó lấy ngôi mộ âm thầm làm sân khấu cho cuộc đời mình. Tứ thơ lạ, hình ảnh thơ tái hiện một thế giới lạ nhưng đang diễn ra quanh ta mà ta không để ý”.

Trong số ba bài haiku đoạt giải nhì, ban giám khảo đã dành nhiều lời bình cho bài thơ của Nguyễn Văn Xin (TP.HCM):

Giữa Biển Đông

Con cá nhỏ ngược dòng

Tung tăng không biên giới.

Theotrưởng ban giám khảo Đoàn Lê Giang, Biển Đông đang dậy sóng, nhưng “với cá, biển cả chẳng có ranh giới nào, nó tung tăng khắp các bến bờ, khắp các vùng nước”.

Cuộc thi thơ haiku Việt – Nhật tổ chức tại Việt Nam từ năm 2007 với hai hình thức haiku tiếng Nhật và tiếng Việt, duy trì hai năm một lần.

Lần thứ năm này chỉ có một hình thức thơ tiếng Việt, trong số hơn 700 bài dự thi, ban giám khảo chọn 12 bài vào chung khảo và trao một giải nhất, ba giải nhì, tám giải khuyến khích. Cuộc thi lần này nổi bật lên ba chủ đề chính: môi trường, thảm họa, sống – chết.

Theo Lam  Điền – Tuổi trẻ online

Exit mobile version