Hư cấu thế nào khi viết về đề tài lịch sử là vấn đề được hầu hết đại biểu quan tâm và thảo luận tại Hội thảo “Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử” diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn ngày 7/9.

Nếu nói rằng đây là vấn đề chủ đạo của cuộc Hội thảo diễn ra trọn một ngày có lẽ cũng không ngoa. Bởi ngay từ bản đề dẫn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dung lượng nói về hư cấu khi viết về lịch sử cũng chiếm phần lớn để khơi gợi các đại biểu đưa vấn đề ra thảo luận. Và căn cứ vào các tham luận được chuẩn bị trước thì đây cũng là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm mổ xẻ.

Ở một góc khác, trong một công văn Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương gửi Hội Nhà văn VN cũng tỏ ra quan ngại: “Trong mấy năm gần đây, nhiều văn nghệ sĩ đã quan tâm đến đề tài lịch sử với cách tiếp cận và thể hiện khác nhau, đặc biệt là biên độ hư cấu. Nhiều văn nghệ sĩ và công chúng băn khoăn trước những câu hỏi: Đâu là hư cấu, đâu là giải thiêng?, Đâu là lịch sử, đâu là nghệ thuật?. Thậm chí không ít công chúng bức xúc khi thấy qua một số tác phẩm văn học nghệ thuật các vị anh hùng lịch sử đã được cả dân tộc tôn vinh bị xuyên tạc, bôi nhọ…”.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Khi dẫn đoạn trích trong công văn này, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã cụ thể hóa hơn: “Những vấn đề mà Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật đưa ra là mối quan hệ giữa văn học viết về lịch sử và lịch sử, trong đó có giới hạn hư cấu, tức biên độ hư cấu đến mức nào, tức là liều lượng”. Hoàng Quốc Hải cho rằng: “Nếu như nhận thức của nhà văn về lịch sử đúng đắn và khoa học thì trong các tác phẩm viết về lịch sử của họ không thể phản lịch sử, phản khoa học”. Và điều này theo Hoàng Quốc Hải phụ thuộc vào nền giáo dục. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có một nền giáo dục bình thường, tuổi học sinh sinh viên mọi người được học tập lịch sử một cách bình thường, việc giảng dạy lịch sử được minh bạch và khoa học, tất chúng ta sẽ đào tạo được những lớp người có tri thức lịch sử đúng đắn”. Như rất nhiều ý kiến khác, ông Hải cũng cho rằng, các nhà văn chỉ nên coi lịch sử như những thông tin để tham chiếu. “Đôi khi nhà văn không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào nó, bởi nhà văn là người giải mã lịch sử chứ không là kẻ nô lệ của lịch sử. Do đó, biên độ hư cấu của nhà văn là không giới hạn”. Quan điểm “biên độ hư cấu của nhà văn là không giới hạn” của Hoàng Quốc Hải đã châm ngòi âm ỉ trong Hội thảo.

Cho đến buổi chiều, một số ý kiến của các nhà văn như Dương Duy Ngữ, Nguyễn Xuân Hưng, Lưu Văn Khuê, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân đã bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm này và nêu ra một số vấn đề như: văn hóa hư cấu; liều lượng hư cấu “ba hư bảy thực” hay “ba thực bảy hư”?; không được hư cấu tùy tiện mà phải trên cơ sở hiện tại, căn cứ vào không gian, thời gian, ở từng thời điểm cụ thể… Cũng về vấn đề này, nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả truyện ngắn “Dị hương” từng gây khá nhiều tranh cãi cho rằng, nên hư cấu như thế nào để đạt tới sự thực. “Ví dụ viết về chiến tranh chống Mỹ, có bao nhiêu nhà văn thì sẽ có bấy nhiêu cuộc chiến tranh, 100 nhà tạc tượng Trần Hưng Đạo thì sẽ ra 100 ông Trần Hưng Đạo; nhưng sẽ có một cuốn về chiến tranh chống Mỹ hay nhất, vĩ đại nhất, có một ông Trần Hưng Đạo đẹp nhất, long lanh nhất, gần với Trần Hưng Đạo nhất”, Sương Nguyệt Minh nói.

Nhà văn Hoàng Minh Tường.

Đậm nét nhất trong những nhà văn không đồng tình với quan điểm “nhà văn có quyền hư cấu thoải mái” là Hoàng Minh Tường. Trong tham luận của ông Tường có một phần được đặt tên “Tiểu thuyết lịch sử không thể là hư cấu lịch sử”. Hoàng Minh Tường nói: “Nhà văn viết về lịch sử có quyền hư cấu, tưởng tượng, thậm chí sáng tạo thêm các nhân vật, sự kiện để làm sáng tỏ lịch sử, soi rọi lịch sử nhưng không thể bóp méo hay bịa tạc lịch sử một cách phi logic theo ngẫu hứng của riêng mình”.

Bên cạnh đó, Hoàng Minh Tường cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc tại sao các tác giả viết về lịch sử của ta hư cấu nhưng không thuyết phục, không nhận được sự cộng hưởng bằng cách kể ra một số dẫn chứng để thấy rằng việc hư cấu khi viết về lịch sử của các tác giả Việt Nam kém xa các tác giả nước ngoài: “Người đọc dù khó tính bao nhiêu vẫn tin và cảm phục khi Garcia Marquez viết về người đàn bà đã sinh ra một đứa con có đuôi lợn, đứa con cuối cùng của dòng họ Buendia trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn; người đọc cũng rất hứng thú và hồi hộp theo dõi những trang viết của Mukarami khi ông mô tả về tầng lớp sinh viên Nhật Bản những năm 1960 đã mô tả cô gái có màng trinh dày đến mức nhiều người đàn ông không phá thủng nổi, cho đến khi bị phá thủng thì lập tức cô trở thành một người khác và phải đi nằm viện…”.

Bên cạnh đó, nếu nghe kỹ phần phát biểu của nhà văn Hoàng Quốc Hải ở phần tham luận buổi sáng thì có thể thấy, bên cạnh việc nêu quan điểm “biên độ hư cấu của nhà văn là không giới hạn”, tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử nối tiếng “Bão táp triều Trần” (gồm 6 tập: “Bão táp cung đình”, “Thăng Long nổi giận”, “Huyền Trân công chúa”; “Vương triều sụp đổ”; “Đuổi quân Mông – Thoát” và “Huyết chiến Bạch Đằng) còn nói: “Tuy nhiên, sự hư cấu trong các tác phẩm văn học kể cả tác phẩm đương đại và các tác phẩm viết về lịch sử đều phải đạt đến giá trị chân thực của cuộc sống chứ không cho phép sự tùy tiện, áp đặt…”. Sau ý kiến của một số đại biểu, một lần nữa Hoàng Quốc Hải đứng lên khẳng định lại quan điểm của mình: Nhà văn có thể tưởng tượng đến vô hạn nhưng phải hư cấu đến chân thực, không lệ thuộc vào chính sử. Để minh họa cho điều đó ông cũng kể thêm, cuốn “Huyền Trân công chúa” cả bốn trăm trang đã được ông viết chỉ từ một đoạn trong sách sử và vẫn được bạn đọc chấp nhận.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với quan điểm cho rằng, hư cấu là đặc quyền của nhà văn, ông phân các tác phẩm viết về đề tài lịch sử ra làm 3 loại: loại hư cấu hoàn toàn (như Nhà thờ Đức Bà Paris của V.Hugo hay Hòm đựng người của Nguyễn Triệu Luật); loại viết về những nhân vật lịch sử có thật (như phần lớn những tiểu thuyết lịch sử của ta); và loại pha trộn giữa cái hư và cái thực (như Quo Vadis của Seenkevitch, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác). Điểm quan trọng theo Nguyễn Xuân Khánh là: Yếu tố hư cấu ở loại một và loại ba thì khỏi phải bàn, nhưng ở loại hai, tưởng ít vai trò hư cấu nhưng không phải vậy. Tác giả “Hồ Quý Ly” dẫn chứng bằng trường hợp của chính nhà văn Hoàng Quốc Hải khi tác phẩm của ông được xếp vào loại này nhưng khi viết bộ tiểu thuyết về nhà Trần ông đã phải đi nhiều nơi, sưu tầm rất nhiều tư liệu, rồi phải dùng trí tưởng tượng của mình, các tri thức về sử học, dân tộc học, các phong tục… để tạo dựng nên cốt truyện. Như vậy, yếu tố hư cấu là không thể thiếu.

Nhà văn Lưu Sơn Minh, đại diện duy nhất cho những người trẻ viết về lịch sử có mặt tại Hội thảo, khi nói về hư cấu và quyền hư cấu đã dùng cụm từ “quyền hư cấu hay quyền vu vạ” để nói về hiện tượng bôi đen, hạ thấp một số nhân vật lịch sử. Lưu Sơn Minh nói, đôi khi lịch sử đã bị “hư cấu”, và văn học lại góp phần để “hư cấu” thêm một lần nữa khiến cho hình tượng nhiều nhân vật bị méo mó, dị dạng thậm chí ngược lại hoàn toàn với những phẩm chất của họ. Có thể kể ra một số nhân vật lịch sử như Nguyễn Bặc, Đinh Điền hay Lê Văn Thịnh vốn là những người tài giỏi, tâm huyết nhưng đã bị lịch sử biến thành những kẻ bán nước khiến cho suốt một thời gian dài mấy trăm năm hình ảnh của họ trở nên méo mó, và cho đến nay vẫn còn rất nhiều người hậu thế hiểu sai, dù đã có những hội thảo để minh oan nhưng chỉ như những giọt nước ngọt giữa biển nước đã bị nhiễm mặn, vì thế hình ảnh của họ vẫn chẳng khá hơn chút nào. “Cho đến nay, Nguyễn Bặc, Đinh Điền hay Lê Văn Thịnh vẫn chưa có được một con đường mang tên để ghi lại công trạng của họ với dân với nước… Sự khiên cưỡng và những ấn tượng bị ám thị đã in hằn dấu vết trong lòng người”, Lưu Sơn Minh thẳng thắn và quyết liệt. Từ những hiện tượng “mắt thấy tai nghe ấy”, Lưu Sơn Minh đi đến một kết luận khá “sốc”: Việc một số nhân vật lịch sử bị các tác giả dùng “quyền hư cấu” làm cho “bất thành nhân dạng” là chuyện… quá bình thường.

Trong phần tổng kết Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh nói đại ý, sáng tạo văn học về đề tài lịch sử là làm sống lại giá trị con người, làm sống lại kinh nghiệm sống của cả một dân tộc kiên định con đường độc lập – tự chủ; về vấn đề hư cấu, ông Thỉnh nhấn mạnh, “hay nhưng phải đúng, không thể hy sinh cái đúng vì cái hay, không thể hi sinh chân lý, không thể bóp méo, xuyên tạc, bôi đen, hạ bệ”… Như vậy, có thể thấy các ý kiến trong Hội thảo tập trung và thống nhất cao. Sẽ thật là nguy hiểm nếu bịa tạc lịch sử, thêm bớt lịch sử, bóp méo lịch sử. Như Garcia Marquez đã viết trong “Mùa thu của vị trưởng lão”: Sự bịa đặt của ngày hôm nay, đến một lúc nào đó sẽ là sự thật trong tương lai.

Nguồn: eVan