Hồng Nhung
Cuộc sống và công việc của những chiến sĩ biên phòng nơi đầu sóng ngọn gió, nơi địa đầu đất nước, nơi biên giới xa xôi là nội dung chính được phản ánh trong cuốn sách “Biên cương trong màu nước” của tác giả Nguyễn Hội – NXB Quân đội Nhân dân, năm 2024.
Cuốn sách “Biên cương trong màu nước” của tác giả Nguyễn Hội là một tập hợp 25 bài viết chân thực và sâu sắc về công việc của người lính biên phòng và những câu chuyện xoay quanh cuộc sống nơi biên giới Việt Nam. Tác phẩm không chỉ là một bức tranh sinh động về đời sống, nghĩa vụ và những tình cảm gắn bó với đất nước mà còn là một lời tri ân sâu sắc đến những người lính chiến đấu và bảo vệ biên giới với sự hy sinh và nghị lực không ngừng.
Công việc của người lính biên phòng
“Biên cương trong màu nước” phản ánh nhiều hoạt động công việc của người lính nơi biên giới nước ngập mặn tỉnh Long An Việt Nam. Điển hình là các bài viết như “Miền đất hứa và cuộc giải cứu từ hai đầu đất nước”. Bài viết này đề cập đến những người Việt bị lừa vào làm công việc bất hợp pháp ở nước ngoài (Campuchia) và cuộc ngăn chặn, giải cứu kịp thời từ sự kết hợp giữa người lính Biên phòng Việt với quân đội Campuchia. Rồi những cột mốc sống biên cương và những câu chuyện về người lính gắn bó với biên giới. Những tác phẩm mô tả về người lính biên phòng trung thành với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, gắn bó với đất nước và những cột mốc biên giới mà họ phải canh gác.
Cuốn sách “Biên cương trong màu nước” của tác giả Nguyễn Hội – NXB Quân đội Nhân dân, năm 2024. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Bước vào đại dịch Covit-19, khi nhà nhà người người tăng cường chống dịch, công việc của người lính biên phòng cũng tăng cường và cảnh giác hơn trước. Họ nỗ lực không ngừng trong việc đối phó với dịch bệnh. Với họ, đây là những nỗ lực, là trách nhiệm để bảo vệ cả một cộng đồng dân tộc. Đồng thời, họ tham gia hỗ trợ cộng đồng khi cần. Họ sẵn sàng tăng cường chống dịch trong bài viết “Những người lính biển tăng cường chống dịch” – họ là những người lính biển gác chuyện gia đình, xung phong đi chống dịch, tăng cường chống dịch, học thêm kỹ thuật mới từ nơi đến tăng cường. Thậm chí, ngày cha mất, ngày giỗ đầu họ không thể về tham dự nhưng lập bàn thờ cha ngay nơi biên giới để hoài niệm. Có những chiến sĩ “vài lần” hoãn đám cưới với người thương vì nhiệm vụ nơi biên cương. Họ tăng cường, tìm cách ngăn chặn, giữ lại những đối tượng nhập cảnh Trung Quốc mang theo dịch Covid-19 vào Việt Nam.
Trong công việc của người lính Biên phòng có những nhiệm vụ tuần tra, canh gác hàng ngày. Họ cùng những Cột mốc sống – là những người dân sống bám trụ liền kề cột mốc gắn bó, cảnh giác, thông báo để hoàn thành nhiệm vụ, bắt những lô hàng buôn lậu, những con người nhập cảnh lậu… gây hại cho nước nhà. Họ vui mừng khi có những chiếc xe đạp – Xe đạp, tăng nhịp bước tuần tra. Phương tiện giúp công việc của họ dễ dàng, thuận tiện mà hiệu quả hơn.
Từ việc ngăn chặn các hoạt động buôn người và xuất khẩu lao động trái phép cho đến những chiến công chống dịch và các nhiệm vụ tuần tra canh gác, tác phẩm khắc họa một cách chân thực về sự phức tạp và đa dạng về công việc của người lính biên phòng.
Cuộc sống của người lính Biên phòng
Bên cạnh công việc của người lính biên phòng, mỗi bài viết trong “Biên cương trong màu nước” đều đề cập đến một khía cạnh khác nhau của cuộc sống biên giới, từ những chiến công lịch sử đến những câu chuyện cá nhân về tình cảm gia đình và sự đấu tranh của từng cá nhân trong đội ngũ biên phòng. Ví dụ như: Bài viết về Cây đào nở muộn, Cột mốc sống biên cương, Chiến sĩ cũ, Chống dịch trên tuyến đầu biên giới, Nghĩa tình người lính Biên Phòng, Ký ức Trung Đoàn, hay những hành trình trên những con đường gian nan như: Đỗ Quyên trên đỉnh Pha Luông hay vùng biên giới Một lần về đất U Minh… Tất cả đều cho thấy sự đa dạng và sâu sắc về người lính biên phòng được thể hiện qua những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, điều kiện sống, những thử thách mà lính biên phòng phải đối mặt tại khu vực biên giới, bao gồm cả những nỗ lực ngăn chặn các hoạt động buôn lậu và tội phạm của họ và tình cảm của người lính biên phòng dành cho nhau.
Với sự sắp xếp 25 bài viết theo thứ tự logic liên quan, tác giả đã mang đến cho độc giả một hành trình về những mảnh đời, những chặng đường gian khổ và những khoảnh khắc đầy cảm xúc và cả nghĩa tình quân dân của người lính biên phòng với người dân bản địa.
Tác giả Nguyễn Hội (Ảnh tác giả cung cấp)
Chúng ta thấy họ không chỉ là những chiến sĩ với vai trò bảo vệ an ninh quốc gia mà còn là những con người có tình cảm, những mảnh đời, những khát vọng riêng và sự kiên cường vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, qua những bài viết phản ánh thực tế, người sĩ quan biên phòng – nhà văn Nguyễn Hội đã lồng ghép những khía cạnh văn hóa, truyền thống và nghệ thuật vào những trang viết về đời sống của những người lính biên phòng cùng những người dân gắn bó với họ. Sự gắn bó tạo nên một bức tranh sinh động về tình yêu đất nước và sự hy sinh vô điều kiện của người lính Cụ Hồ, và nghĩa tình quân dân bền chặt.
Hai mươi năm bài viết về những con người, sự việc, địa điểm, cảm tình, gắn bó khác nhau. Nhưng khi chúng ta tập hợp lại, các bài viết đều theo một luồng ý chính về cuộc sống, công việc, và tình cảm của những người lính biên phòng Việt Nam. Vẫn luôn có những người lính ngày ngày đêm đêm nơi đầu sóng ngọn gió, nơi địa đầu Tổ quốc, nơi biên giới xa xôi tận tình làm việc, tận tình chiến đấu, tận tình hy sinh vì sự bình yên cuộc sống cho chúng ta đang hưởng ngày nay.
Nguồn: https://danviet.vn/
Hồng Nhung đăng bài