Việc thơ không bán được sẽ tạo ra sự thiếu bình đẳng của thị trường văn học, không kích thích sáng tạo cho người cầm bút. Và dần dần trở thành một thói quen mới mặc định cho thơ chỉ có biếu tặng… khiến thơ ngày càng mất giá, mất vị thế trong văn học…

Nỗi niềm của thơ khó bán được

Đây là thực tế chung của thơ hiện nay chứ không riêng chỉ có thơ của người viết trẻ. Các nhà thơ, kể cả những tác giả đã quen tên biết mặt trong làng văn khi muốn in một tập thơ phần lớn cũng phải bỏ tiền túi ra in và mang sách đi tặng.

Vì thế, để gỡ gạc phần nào cho đỡ tủi thân tiền túi bỏ ra in thơ, các nhà thơ thường đăng báo trước để lấy nhuận bút sau đó gom lại để in thơ. Khi thơ được in rồi thì loay hoay đem tặng là chính, chỉ một phần rất nhỏ bán được.


Buổi tọa đàm thơ tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX

Chia sẻ tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tiết lộ thời xưa thơ của ông được in đến 25.000 bản, và cho đến hiện nay khi in thơ ông vẫn được các nhà xuất bản ưu ái chưa phải bỏ tiền túi. Nhưng sang năm tới, nhà thơ của “Màu hoa đỏ” dự định in một tập thơ mới và ông đã nghĩ đến chuyện phải bỏ tiền túi khoảng 20 triệu để in. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu không ngần ngại nói rằng, người làm thơ càng ngày càng khó khăn nhưng thơ mỗi ngày người đọc ít hơn.

Không có lượng thơ xuất bản cao cũng như được ưu ái không phải bỏ tiền túi ra in thơ như nhà thơ thuộc thế hệ “đi trước” Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn thành thật chia sẻ:  Không biết phát hành thơ như thế nào để hiệu quả, vì đã in 2 cuốn sách nhưng rất chật vật để phát hành mặc dù đã đăng thông tin cả trên báo và FB. Xin được nói thêm là FB của Hồ Huy Sơn có khá đông người theo dõi, trong đó không ít người làm văn chương. Bên cạnh đó, FB của tác giả còn có tên phụ được ghi trong ngoặc là “doanh nhân mê thơ”, để lý giải việc ngoài yêu thơ, làm thơ và bán thơ thì Hồ Huy Sơn còn bán một số mặt khác. Thế nhưng dường như kể từ khi phát hành 2 cuốn sách, đến nay số sách này Hồ Huy Sơn vẫn chưa bán hết và chưa thể thu hồi được số tiền đã bỏ ra để in thơ và đương nhiên không đắt hàng bằng những gì “doanh nhân mê thơ” buôn bán như mật ông, tinh bột nghệ…

TS Nguyễn Thụy Anh dẫn dắt buổi tọa đàm đã đưa ra một dẫn chứng từ nhận xét của GS. Phạm Vĩnh Cư; đó là người làm thơ nhiều và người đọc thơ rất ít, dường như người làm thơ thích thể hiện mình hơn là đọc người  khác.

Một trong những lý do khiến thơ không phát hành được trên thị trường được một số đại biểu viết văn trẻ cho rằng đó là do mảng văn học nhà trường, trong đó có giáo viên, học sinh chỉ đọc và học những tác giả trong sách giáo khoa là chính còn hầu như không quan tâm đến các tác giả mới, tác giả đương đại.

Việc thơ không bán được sẽ tạo ra sự thiếu bình đẳng của thị trường văn học, không kích thích sáng tạo cho người cầm bút. Và dần dần trở thành một thói quen mới mặc định cho thơ chỉ có biếu tặng… khiến thơ ngày càng mất giá, mất vị thế trong văn học…

Tiết lộ bí quyết bán được thơ

Nhà thơ trẻ Lương Đình Khoa là người làm truyền thông khá chuyên nghiệp đã tiết lộ bí quyết bán được thơ của chính bản thân tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc.

Khi in tập thơ đầu, có lẽ Lương Đình Khoa cũng như nhiều tác giả trẻ khác còn thiếu kinh nghiệm nhưng lại tràn ngập những háo hức nên đã tự bỏ tiền túi ra in. Và khi in rồi thì việc thu hồi lại vốn rất chật vật. Vì thế, Lương Đình Khoa thậm chí đã nghĩ đến chuyện không tiếp tục in thơ nữa. Anh lặng lẽ mang thơ của mình đến với độc giả bằng hình thức khác, đó là chuyển thơ thành âm thanh, hoặc chỉ có chữ với nhạc đệm và hình ảnh minh họa và đưa lên mạng phục vụ miễn phí độc giả.

Với cách làm này, nhà thơ trẻ Lương Đình Khoa cho rằng thơ sẽ dễ dàng đến với công chúng hơn. Và hiệu ứng là đến tập thứ thứ hai cũng như thứ ba của Lương Đình Khoa đã có đơn vị làm sách đồng ý xuất bản và trả nhuận bút cho tác giả.

Lương Đình Khoa cũng dẫn chứng cách làm của nhà thơ Phong Việt trước đó, sau khi sáng tác xong, Nguyễn Phong Việt đưa tác phẩm lên facebook rồi sau đó in sách. Có lẽ độc giả của thơ khác với văn xuôi và các lĩnh vực khác ở chỗ, khi một tác giả mới, họ chưa hề nghe tên, biết mặt thì độc giả sẽ không mạo hiểm để bỏ phí thời gian cũng như tiền bạc để đọc sách. Ngược lại, nếu họ đã từng được nghe, được biết đến tác phẩm, giọng điệu… của tác giả mới nào đó, thì dù thơ đã đọc rồi, họ vẫn sẵn sàng mua.

Có rất nhiều cách để đem thơ đến gần hơn với công chúng, thay vì  việc các nhà thơ cứ âm thầm ngồi ở nhà sáng tác rồi hi vọng và chờ đợi một may mắn khi tác phẩm được ai đó làm thay công việc xuất bản. Mỗi người có một thế mạnh riêng và hãy biết tận dụng thế mạnh đó để cùng đồng hành trong việc phát hành thơ, nói như cây bút trẻ Lương Đình Khoa thì mỗi người cầm bút hãy là một nhà truyền thông. Chẳng hạn trình diễn thơ cũng là một cách để thơ đến gần với công chúng hơn, vì vậy cần có thêm nhiều buổi trình diễn thơ và các tác giả nên tận dụng những hoạt động văn chương này để giới thiệu thơ.

Hà Anh – Tổ Quốc