Khoảng mười giờ đêm, có tiếng kêu thất thanh, tiếng đập phá, quát tháo từ trong nhà vợ chồng Đảo-Sợi vọng ra. Hàng xóm đã quá quen với cảnh ấy, họa hằn lắm mới có người than thở: Cái anh chàng Đảo càng ngày càng đổ đốn, cứ rượu say là về nhà đánh vợ, đánh con. Khổ cho cô Sợi đẹp người, ngoan nết…


Không gian bỗng lặng ngắt… Rồi, cánh cửa nhà bật mở. Một bóng đàn ông vọt ra. Đảo! Hắn hổn hển băng qua sân, xô cửa căn nhà bên cạnh:
– Dậy mau! Ra mau!…Ra mà xem con dâu ông bà kìa…đáng đời nó. Ra mà xem kìa!

Trong lúc ông bà Điều hô hoán mọi người, thì từ nhà Đảo, dưới ánh sáng mờ mờ, nhợt nhạt của cái đèn ngủ, hai đứa bé hoảng loạn, vừa kêu khóc, vừa ôm lấy mẹ nó đang nằm bất tỉnh trên vũng máu.

*

Làng Sình vốn là một làng thuộc vùng đất cổ. Dân ở đây từ xưa có tục lệ ăn trầu. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhỡ lúc vắng miếng trầu, nhạt mồm nhạt miệng lắm. Khách đến chơi nhà, mời ăn trầu. Đám hỏi, đám cưới, mời ăn trầu…Nhiều cụ bà ăn trầu cả đời, răng đen nhánh hạt na, môi quết trầu cắn chỉ, đến già vẫn giữ được cái duyên xưa.  Các bà vừa quệt vôi, têm trầu vừa chuyện trò rỉ rả. Chuyện mùa màng thất bát, chuyện mẹ chồng, nàng dâu…Biết bao nhiêu chuyện như thế đã diễn ra quanh “Ông” bình vôi hoen vàng, xù xì vôi bám, cóc cách không biết từ đời nảo đời nào.

Hồi ấy, Sợi là cô bé tóc dài và mắt rất sáng. Đôi mắt như biết nói, nhưng có khi chợt thoáng chút buồn, cái buồn xa xăm không giấu nổi lại ở trên gương mặt cô bé mười lăm, mười sáu tuổi. Học hết lớp 9, ở nhà với mẹ gần nửa năm, Sợi định sẽ đi làm công nhân nhà máy may ở trên thị xã.

Hùng, người cùng làng, anh hơn Sợi vài tuổi, dạo trước, đi làm ở nhà máy ấy, thấy nói lương khá lắm. Hai người quen nhau rồi thân nhau dễ đến gần hai năm. Có độ cứ tối tối Hùng nhắn tin về, Sợi nhắn tin đi. Cái điện thoại di động thật là tiện lợi, không có nó, biết gửi tâm sự vào đâu. Nhiều khi chỉ là mấy chuyện vu vơ, thế mà anh ấy cũng nhắn tin. Buồn cười thật. Ừ, kể cũng lạ, hôm nào anh ấy bận, không nhắn tin về là y như ruột gan Sợi cứ nóng như có lửa đốt. Lớn rồi. Lớn thật rồi…Nhiều lúc soi gương, cô thấy như đang gặp một người con gái khác. Đến cả đôi mắt, đôi mắt đen lay láy…bây giờ cũng khác. Đôi mắt đang háo hức nhìn ra cuộc đời muôn vàn thử thách, nhưng cũng có biết bao nhiêu điều hấp dẫn đến mê say. Những lúc nhớ Hùng, cô muốn hoá thành cánh chim để bay ngay đến đó. Một cánh chim thật rộng, thật mềm và thật khoẻ…Ôi, nỗi nhớ của một cô bé vừa mới lớn!…

*

Dòng họ Mạc ở làng Sình là một dòng họ đa đinh và khá nổi tiếng. Tính đến đời ông Điều đã là đời thứ tám. Từ nhỏ, ông Điều đã biết theo cha đi đền, đi phủ. Tiếng đàn cung văn của cha làm cho cậu bé Điều say đến lâng lâng. Và rồi cứ thế anh Điều lớn lên trong những âm điệu bổng trầm, dìu dặt, lúc mau, lúc khoan bay ra từ đôi bàn tay kì diệu của người cha.

Nhưng thật không may, năm Điều 28 tuổi thì cha anh qua đời. Sau đó ít lâu, anh để lại vợ và ba đứa con ở quê, đeo khăn gói , cầm đàn ra đi theo cơ cánh và theo bước chân của cha ngày trước.

Có chuyện rất lạ, anh nghĩ mãi không ra, đó là “ông” bình vôi cổ được bọc trong một tấm vải đỏ mà cha mang về đến bây giờ vẫn còn là bí mật. Ông cụ chỉ cho mở khi nào anh Điều đã đủ năm mươi tuổi và cả  đến đời sau cũng thế.

*

Bữa ấy, vào trung tuần tháng sáu ta, trời thì đang nóng bức, nóng đến nỗi cua cá cũng muốn ngoi cả lên bờ. Sợi đi làm về đến cổng thì thấy mấy cái xe máy rất đẹp dựng ở sân. Hôm nay có việc gì thế nhỉ? Cô chưa kịp vào nhà thì mẹ bước ra, kéo tay, nói nhỏ:

– Nhà ông bà Điều có cơi trầu sang hỏi xin con cho anh Đảo đấy.

– Ối! Sao bố mẹ không bảo con trước?

– Thì nào mẹ có biết gì đâu.

– Con…con không đồng ý đâu.

– Thôi nào…con vào đây. – Mẹ kéo cô vào buồng rất lâu, để mặc cho mọi người ở nhà ngoài trò chuyện.

*

Người cùng một làng, nhưng Đảo đi làm ăn ở xa, ít khi Sợi được gặp. Cứ như lời dân làng khen thì anh chàng Đảo còn trẻ nhưng đã là triệu phú. Quả thật, đây cũng là một thanh niên nổi tiếng. Từ ngày ông Điều tự nhiên đổ bệnh, bị liệt một chân thì Đảo đã nổi lên như một trụ cột quan trọng của cả gia đình. Nhưng anh không thích học theo cái nghề đàn hát của cha. Có lẽ anh chính là một sự pha trộn giữa hai dòng máu đàn hát và phiêu lưu, mạo hiểm. Nhưng cái thú mạo hiểm bao giờ cũng nổi trội hơn, hấp dẫn hơn.

Đảo cao to. Cái dáng giống cha như đúc. Nhưng làn da ngăm ngăm, đôi mắt một mí thì lại giống bên ngoại không lẫn vào đâu được. Đảo thường tâm sự với bạn bè rằng anh chỉ có hai điều mong ước: Một là kiếm thật nhiều tiền, hai là lấy được cô Sợi xinh đẹp nhất làng Sình làm vợ.

Thế rồi, rốt cuộc cô bé Sợi cũng phải nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Sợi khóc mấy đêm liền. Điện thoại di động nóng ran vì quá nhiều tin nhắn hay vì phải chịu quá nhiều nước mắt.

Thế rồi…Đám cưới Đảo-Sợi đã diễn ra đúng từng chi tiết như kịch bản đã định trước. Vết quầng thâm trên đôi mắt Sợi do nhiều đêm mất ngủ đã được một lớp phấn hồng nhè nhẹ phủ lên.

Tiếng nhạc ù tai, tiếng chúc mừng tíu tít cùng với hoa tươi, rượu nồng, khiến người ta hưng phấn trong cái không khí ồn ào náo nhiệt của một đám cưới hạng nhất ở cái làng Sình thời đổi mới.

Đám cưới con trai vui thế, chỉ tiếc một nỗi ông Điều không thể nào rời khỏi cái giường được. Hình ảnh cái bình vôi cổ với những bí mật đáng sợ bỗng nhiên lại hiện lên trong đầu ông. Nó gợi nhớ câu chuyện xảy ra vào năm ông 44 tuổi. Hồi ấy một phần vì tò mò, một phần do giữa lúc khó khăn, túng bấn, nên ông Điều nghĩ đến chuyện thử liều mở xem trong “ông” bình cổ ấy có chứa đựng bí mật gì.

Một đêm tối trời, cả nhà đã ngủ hết, ông Điều bê “ông” bình cổ bọc trong tấm vải đỏ vào buồng. Hồi hộp, cẩn thận mở  sau khi đã thắp hương, xin ông bà cha mẹ tha thứ, ông Điều nhẹ nhàng mở tấm vải ra. Một “ông” bình vôi bằng đất nung, kiểu dáng ngày xưa, tuy cũ mà trông vẫn như quen thuộc. Cái quai to, cái màu da nâu xám hơi thâm đen, chẳng khác mấy so với một vài “ông” bình vôi cổ mà ông từng nhìn thấy ở đâu đó. Xưa nay “ông” bình vôi cũ thì có ai lạ gì.

Bê cái bình lên, lắc lắc, lặng lắm, hình như có cái gì lạo xạo thì phải, ông Điều nghiêng về phía đèn, đổ ra. Ồ, tưởng gì…toàn những đồng xu cổ. Rất nhiều. Dễ chừng vài trăm đồng chứ chả ít. Đấy là những thứ cũ kĩ ngày xưa. Chẳng có gì bí mật, chẳng có gì đáng giá!

Mấy ngày lân la dò hỏi, hình như tiền cổ cũng có giá trị đấy, nếu là cổ đích thực, ông Điều hy vọng lắm. Thế rồi ông quyết định liều lấy ra 20 đồng xu. Số còn lại, cho hết vào bình như cũ. Hôm sau, ông đã đem những đồng tiền cổ đi hỏi để bán.

Bây giờ “ông” bình vôi ấy không còn được để trên nóc tủ thờ, tuy nó vẫn được bọc trong cái tấm vải đỏ như trước. Vị trí của nó là ở dưới gầm cái tủ vẫn kê ở trong buồng. Và cũng từ bây giờ, mọi người trong nhà đều gọi cái bình là “Ông vôi” (Giống như các cụ ngày xưa vẫn thường gọi thế). Thế là “Ông vôi” đã xuất hiện sau nhiều năm im lìm không lên tiếng. Không biết nguồn gốc “Ông vôi” ở đâu nhỉ. Có lẽ là của một người bạn nào đó đã tặng cho cụ nhà mình chăng? Nhưng ai lại đi tặng bạn một cái bình vôi bao giờ. Làm sao phải giấu những đồng tiền cũ kỹ, xám xanh, xám ngoét… À, hình như đã có lần ông Điều nghe cha mình kể về một ngôi chùa thiêng lắm…Không lẽ đây là đồ của nhà chùa hay sao? Ông Điều thoáng chút ngờ ngợ…

Sau cái việc khám phá bí mật về “Ông vôi” khoảng chưa đầy tháng rưỡi bỗng ông Điều ốm nặng, không đi làm nghề được nữa. Số tiền bán được từ những đồng xu cổ khá lớn, nhưng cũng không đủ trang trải thuốc men, khám chữa cho ông. Và rồi thật đau lòng, bệnh viện phải trả ông về với một bên chân không thể nào tự co duỗi được nữa.

Thế là suốt từ ấy, ông Điều không bước ra khỏi giường. Còn cái bình vôi cổ thì cũng không ai ngó tới nữa, nó vẫn nằm y nguyên ở trong buồng như thể ngủ quên.

*

Về làm vợ anh Đảo, làm dâu ông bà Điều, Sợi như con cá được thả sang ao lớn. Bẩy tám năm sau chị đã có một trai, một gái, cách nhau ba tuổi. Đứa nào trông cũng thật kháu khỉnh, đáng yêu.

Nhà vẫn giữ nghề nông, nhưng bây giờ chỉ có Sợi là chủ yếu. Cấy sáu bẩy sào, đất chiêm trũng khó làm ăn, vất vả đấy mà thu hoạch chẳng đáng là bao. Rồi còn lợn gà, ao cá, còn  công việc giỗ chạp cưới xin trong họ, trong làng, đôi bên nội ngoại. Tất tật một mình Sợi lo toan, tính toán.

Đảo thường đi biền biệt. Bạn bè dẫn về toàn những người hàng xứ, tay xăm trổ rồng phượng, đầu húi trọc, cổ anh nào cũng đeo dây bạc kếch xù, nặng xề xệ đến tận ngực. Có lần Đảo dẫn một người về ở nhà cả chục ngày. Cơm bưng nước rót. Nhưng cứ nom thấy mặt hắn là Sợi nhủn cả người. Cái mặt lầm lì, con mắt lươn lúc bình thường lờ đờ như mắt cá chết, thế mà thoắt cái đã xanh lét, tinh ranh như mắt rắn hổ mang. Cứ xem thái độ Đảo cung kính cũng đủ biết hắn là loại người nào. Sợi im thin thít, chẳng bao giờ dám tò mò hỏi chồng một câu về người đàn ông ấy.

Rất nhiều lần Đảo về, vứt cho Sợi nào tiền, nào nhẫn, dây chuyền, bảo cất đi cẩn thận, khi cần cứ tiêu. Có mấy lần, đêm khuya, Sợi có ý hỏi thăm công việc của anh. Nhưng lần nào cũng bị Đảo mắng cho một trận. Lâu lâu rồi cũng quen đi, mặc dù trong lòng cô cứ lớn dần một nỗi lo mơ hồ về Đảo.

Tiền bán lợn, bán cá, tiền chồng đem về, Sợi đều gửi vào tiết kiệm. Những khoản chi tiêu hàng ngày cô tự ghi chép, theo dõi và tính toán căn cơ. Thời buổi bây giờ làm ra một đồng cũng khó khăn. Có người bỏ cả trăm triệu nuôi lợn, thả cá mà cũng năm được, năm thua. Cái ngữ đầu tư cò con như cô thì ăn nhằm gì. Cô biết thế, nên cứ có được khoản nào là lại đem lên ngân hàng. Thôi cứ tạm như vậy đã chứ biết để vào đâu bây giờ. Tính cả những lần Đảo đem về thì giờ đây cô đã giữ một vốn khá lớn trong tay. Gần chục sổ tiết kiệm lớn nhỏ, Sợi cẩn thận cất kỹ trong tủ của mình. Nghe nói vàng dễ mua, cô tính rồi sau không cần để tiền mặt, nhỡ mất giá thì thiệt, để vàng ăn chắc hơn.

Làm dâu đã được ngần ấy năm, chăm sóc, hầu hạ bố mẹ chồng như thế mà đã vừa ý ông bà đâu. Ông ốm đau khó tính đã đành, đằng này bà tuy già nhưng vẫn còn mạnh khoẻ, chỉ phải cái tính nết, chẳng biết đằng nào mà chiều. Cả những người hàng xóm, bạn bè thân nhất cũng nhiều khi phải lắc đầu: “Thôi, mày cứ nhịn đi cho qua chuyện”. Vâng. Thì con có dám nói gì đâu, nhưng mà…

Ấy là Sợi cũng cứ tự mình nhẫn nhịn. Lắm lúc cùng một việc xảy ra nhưng mẹ chồng nghĩ một đằng, con dâu nghĩ một nẻo. Cuối cùng cô con dâu đúng mấy có khi vẫn bị một trận “mát mẻ”, phải lặng im như thóc trong bồ.

Bà thích ăn trầu, Sợi mua cau ngon, vỏ ngon. Bà thích đi chùa, đi chơi…cô cũng chiều bà cho bằng đủ. Nhưng đúng như câu ca ngày xưa: “Mẹ chồng đi đâu, nàng dâu theo đấy!”, chẳng bao giờ bà nói được một câu nhẹ nhàng về con dâu. Đi đâu cũng kể hành, kể tỏi, toàn những chuyện chả hiểu bà nghĩ ra bao giờ mà lắm thế. Nhiều lần Sợi phải tự đi thanh minh. Làm cái việc bất đắc dĩ ấy khó quá. Nhưng nếu không nói lại có đầu có đuôi thì sao mọi người hiểu cho mình được. Ngay cả chuyện cô với anh Hùng. Cái chuyện từ ngày xưa, bây giờ cũ quá đi rồi, ai lại còn bới ra nữa. Thế mà bà mẹ chồng cứ xưng xưng, y như là đã bắt được quả tang “anh chị giai trên, gái dưới”.

Sợi ức quá. Đêm, cô ôm con khóc. Cái cơ khổ ở đời sao lắm lúc cứ nhằm đầu mình mà trút xuống. Thời đại bây giờ mà vẫn còn để ý, chấp nhặt những điều vụn vặt, đâu đâu…Tự kiểm lại, Sợi thấy mình chẳng hề có lỗi. Chuyện nàng dâu mẹ chồng…chẳng lẽ thời này cũng thế ư. Ở hoàn cảnh nào phải chịu hoàn cảnh ấy, vậy thôi!

Có lần Đảo về nhà mặt mày, người ngợm xơ xác. Hắn lao vào rượu, lấy rượu giải khuây. Chẳng có bạn bè ở gần, hắn uống một mình, uống ở quán nhà Luật hói. Tối lâu hắn mò về. Sáng hôm sau tỉnh rượu, hắn bắt Sợi đi rút hết tiền đưa cho hắn. Cầm cả đống sổ đi rút tiền về, Sợi thấy sót ruột quá, nhưng chồng đang lúc làm ăn, đành phải chịu, biết làm sao bây giờ.
Rồi mấy lần tiếp theo cũng vậy. Sợi tiết kiệm được đồng nào, Đảo bòn hết đồng ấy. Những lúc như thế, chỉ cần vợ nói một câu là hắn đánh liền. Mà thực ra hắn cũng đã mấy lần đánh vợ con không thương xót.
Sợi gầy rộc đi. Càng ngày cô càng ít nói, khác hẳn với cô bé Sợi độ nào. Cô trách số phận mình phải rơi vào hoàn cảnh éo le. Rồi cô lại tự an ủi, thôi, mình đành nhắm mắt làm ngơ, không thể nào can ngăn anh ấy được!

Rồi Đảo còn lấy cả sổ đỏ của ông bà đem đi cầm để vay tạm trăm triệu. Sau lần ấy, tiền mất hút, sổ đỏ cũng chưa lấy lại được. Liều quá là liều.

Biết con trai làm ăn ngày một kém, ông Điều gọi con dâu tìm “Ông vôi” bê đến để ông xem.

Xem xong, ông chậm rãi bảo Sợi:

– “Ông bình” này là của chùa đấy. Thiêng lắm! Đừng có mà đụng vào. Phải năm mươi tuổi, nhớ chưa.

Ý ông muốn nói về câu chuyện ngày xưa. Sợi chăm chú nghe rồi vâng dạ, cô biết chuyện về cái bình cổ ấy. Cô cũng đã xem những đồng tiền cổ  rồi. Mấy lần Đảo ở nhà, Sợi thấy anh đổ tiền ra, nhìn nhìn một lúc rồi lại đổ vào. Chẳng biết cái bình cổ có thiêng thật không, nhưng cứ nhìn những chuyện ông bị ốm liệt chân, chuyện nhà lục đục, làm ăn ngày một khó khăn, thì thật buồn não ruột. Hình như có cái gì đó cứ đeo bám, đè nặng lên số phận những con người ở trong ngôi nhà này. Đầu óc Sợi mung lung, nghĩ mãi mà không hiểu…

*

Thế mà có lần Đảo tự ý lấy những đồng tiền xu cổ đem đi bán. Cái lúc cơn bĩ, vận đen người ta dễ nghĩ đến chuyện làm liều. Trời chưa sáng, Sợi đã dậy nấu cơm, cho lợn ăn và quét dọn sân thềm. Bỗng cô thấy Đảo ôm vật gì từ nhà ông bà lên nhà mình. Linh tính như có điều lạ. Sợi chạy vào xem. Thì ra anh ấy đang đổ những đồng xu ra, chắc phải mấy chục đồng chứ chả ít. Thảo nào, cả buổi tối qua, anh cứ trằn trọc mãi không thôi.

Cô vội vàng ngăn lại:

– Đừng! Đừng, anh. Thầy cũng vì lấy tiền này tiêu mà bị ốm đấy thôi. Anh không nhớ à?

– Mày im đi. Mặc tao! Mà này, tao cấm không được bép xép gì đấy. Tao mà nghe thấy, liệu hồn! – Đảo gạt phắt vợ ra. Hắn đem cái bình để vào chân giường ở trong buồng vợ – Nhớ đấy, nghe chưa!

Sợi đứng chết trân giữa nhà.

Đảo không ăn sáng. Cứ thế, hắn cầm túi rồi nổ xe, đi thẳng.

Trời ơi. Không biết rồi sẽ thế nào đây. Cái đường làm ăn của Đảo dĩ nhiên là Sợi không biết. Ừ, thì cũng có lúc được, lúc thua. Lần này chắc mất nhiều lắm. Cô đoán già đoán non. Lúc nào nghĩ đến chồng là lại phập phồng như ngồi trên đống lửa.

Mỗi lần Đảo về, Sợi đều đề để ý nét mặt anh. Có lần cười đùa từ ngoài cổng; có lần hớn hở, bảnh bao…Sống với nhau từng ấy năm, có hai mặt con, Sợi chẳng lạ gì tính nết chồng. Thường ngày ở nhà, anh ít nói, nhưng khi đã nói ra thì dễ làm cho vợ phải giật mình: Sống ở cái thời bạc mặt này nó phải thế. Tao không ăn của chúng nó thì chúng nó ăn của tao. Đ…mẹ, chẳng có con chó nào chê cứt cả! – Sợi nghe mà thấy rợn cả người.

*

Lần này Đảo đi đúng nửa năm.

Chồng vừa đi khỏi, Sợi đã quyết định đổ nốt số tiền xu ở “Ông” bình vôi đem đi đổi thành vàng. Cô suy tính rất nhiều đêm. Làm thế này là quá liều, cô biết lắm. Nhưng ông bà già yếu, con còn nhỏ, nếu không giữ một ít tiền trong nhà thì khi cần đến biết trông vào đâu. Chả nhẽ cứ đứng nhìn chồng đem đi hết…  Chỉ có cách đó thôi, không còn cách nào khác. Cô định sau khi đổi thành vàng rồi lại cho hết cả vào bình, khi cần lấy ra tiêu cho tiện. Để cái đồng xu cổ thì làm gì. Anh ấy cũng đã lấy rồi cơ mà. Mình bắt chước, có lẽ chẳng sao đâu.

Nghĩ thế rồi làm thế.

Sợi lần mò tìm ra con đường đổi tiền cổ thật là vất vả. Phải dạm đi dạm lại, nói lên nói xuống kẻo mình bị hớ, rồi cô mới quyết định đổi.

Số vàng đem về quả làm cho cô bất ngờ. Thì ra những đồng tiền cổ han rỉ, cũ kĩ lại có thể đổi ra thành những chiếc nhẫn vàng lóng lánh đầy quyến rũ.

Cho hết cả số vàng vào trong bình ư. Không. Tiền vẫn là tiền đấy thôi, phải cất đi để phòng cơ nhỡ, cô nghĩ thế. Trong bình chỉ còn mấy đồng xu. Sợi cho vào đó một ít mẩu sắt vụn. Cái bình thì vẫn nặng. Có lẽ chả ai biết. Nhưng ngộ Đảo về thì sao nhỉ. Nói thật với anh ấy? Vợ chồng với nhau làm gì phải giấu. Mà cũng chẳng làm sao giấu được, anh ấy tinh lắm, thế nào cũng nhòm vào cái bình cho mà xem. Không được! Có lẽ không ổn. Anh ấy nóng tính lắm… Cô tìm tấm vải, bọc “Ông” bình vôi lại rồi cất kỹ vào trong buồng, nhưng vẫn cứ thấp tha thấp thỏm.

*

– Vợ thằng Đảo đâu? Mẹ nó đâu. Xuống đây tao bảo.

Tiếng ông cụ từ nhà dưới vọng lên. Sợi chạy ngay xuống.

– Chị mang “Ông bình” ra đây cho tôi xem !

Chỉ cần nghe thế Sợi hiểu ngay. Cô hốt hoảng, vừa đi vừa nghĩ cách để ông cụ không mở cái bình ra. Từ trước tới nay mọi người vẫn không dám đụng chạm tới cái bình ấy. Chắc ông cụ cũng không biết là bị mất tiền đâu. Cô thấy hơi vững dạ, nhưng vẫn còn run.

Khi “Ông bình” được đem đến, ông cụ xoay người, sờ sờ, nâng niu. Sợi run quá, người cô giống như một cái săm xe đạp căng phồng, lúc nào cũng muốn nổ tung. Ông Điều lần cởi cái nút buộc tấm vải, loay hoay một lúc lâu cái nút ấy mới tuột ra. Tim Sợi thót lại. Ông cụ bỗng thở dài, rồi chầm chậm, rất chậm, thắt lại cái nút vải phía trên đỉnh, chỗ có cái quai. Sợi đưa tay lên ngực, cô giữ chặt cái áo mỏng, và giữ chặt cả da thịt mình, không cho nó vỡ tung ra. Rồi cô để cho tự nó từ từ…từ từ xẹp lại…Thở hắt ra, tội nghiệp, Sợi bê cái bình đi mà như chạy. Hai chân cô nhẹ bẫng. Sợi thấy mình đang chạy trên con đường ma quỷ.

*

Đảo trở về nhà bơ phờ, mệt mỏi. Lại những ngày lầm lì, say xỉn, cáu gắt vô lối. Bữa ấy, Sợi vừa đi làm về đến đầu sân đã nghe tiếng quát tháo ầm ĩ, tiếng trẻ con kêu khóc. Cô vứt đôi quang gánh và chạy ngay vào nhà. Vừa nhìn thấy vợ là Đảo đã lao đến. Hắn đấm đá liên hồi khiến Sợi không kịp phản ứng. Vài giây trôi qua, cô trấn tĩnh lại và lao đến ôm con gái chạy xuống nhà ông bà. Phía sau, một tiếng “choang”, hình như có vật gì bị ném ra vườn.

Rồi Đảo lấy xe, phóng đi, chắc là đang vội. Mấy ngôi nhà yên lặng đứng nhìn nhau. Bà Điều ngó ra cửa nhìn xem thằng quý tử đã đi chưa, xong lại quay vào, coi như chuyện thường ngày, cơm bữa.

Cái tiếng vỡ sau cùng ấy mà Sợi nghe được mách bảo cô như có điềm gì chẳng lành. Chờ Đảo đi rồi, cô chạy ra vườn. Ối. Đúng như linh tính, chiếc bình vôi cổ, vật linh nhất mà cả nhà phải gìn giữ đã bị vỡ ra làm nhiều mảnh. Rất nhanh, Sợi hiểu ra tất cả. Thế là hết. Mọi bí mật của cô đã bị tiêu tan, mọi linh thiêng, tôn thờ đều đã bị đập vỡ. Chắc rồi anh ấy sẽ không để yên đâu. Chắc rồi ông cụ sẽ suốt ngày chửi mắng. Sao lại dám quật vỡ cái bình cổ ấy cơ chứ. May mà số vàng Sợi đã kịp đem giấu đi. Cô cứ nghĩ là Đảo sẽ không tìm thấy cái bình ấy. Đâu dè…

Cô lẳng lặng nhặt những mảnh vỡ và lẳng lặng với những tính toán của riêng mình. Từ lâu Sợi đã tìm cách thích nghi, tìm cách để đối phó với những gì trong cái gia đình cổ hủ, pha tạp giữa lòng tham với sự gian giảo đố kị thật là đáng sợ.

Dùng xi măng để gắn lại cái bình. Lần này Sợi biến nó thành cái bình vôi thực sự. Cô thả hết số nhẫn vàng vào bình, thả vôi và cuối cùng, đổ nước.

Chiếc bình cổ lại được trả về chỗ cũ. Nhưng bây giờ nó là một cái bình có vôi, thông thường như bao cái bình vôi khác ở cái làng Sình này.

Sau lần ấy, gia đình ngày càng lục đục. Hình như có âm khí đè nặng trong đầu Sợi, không lúc nào yên.

Bà mẹ chồng thì suốt ngày mắng nhiếc rằng cô con dâu đoảng vị đã làm hỏng cả cơ đồ của thằng con trai bà; Rằng, từ khi có nó về, bao nhiêu tiền của đều bị nó vơ vét hết, nó đem về nhà nó, nó có biết thương cái nhà này đâu…

Ngày trước là chuyện giai gái, bây giờ là chuyện tiền nong. Không có cái khổ nào giống cái khổ nào. Sợi ngày một gầy đi về những chuyện như thế. Cô bé Sợi một thời là niềm ước ao của rất nhiều thanh niên trai tráng, thế mà giờ đây mắt quầng, má sạm, đã có nhiều sợi tóc rụng đi vì những đêm mất ngủ. Trên thế gian này từng có lắm chuyện mẹ chồng nàng dâu, nhưng kiểu giống như Sợi thì chỉ có ở làng Sình, chả còn ở đâu giống thế.

Khoảng nửa tháng sau cái vụ bình cổ bị vỡ, Đảo mò về đòi vợ đưa tiền, đưa cả sổ đỏ của vợ chồng để đem đi thế chấp làm ăn.
Buổi tối ấy đúng là một buổi tối định mệnh. Hai vợ chồng hục hặc với nhau. Không ngờ “cái xảy nảy cái ung”… Ôi thôi, chẳng thể ai cứu vãn nổi, điều đau đớn nhất đã xảy ra. Cái bình vôi cổ đã được hàn gắn lại, nhưng  gia đình Đảo-Sợi thì bất ngờ tan vỡ, mãi mãi không bao giờ có thể hàn gắn lại được.
*

Nhà Đảo ồn ào, đông chật người. Cái xe con có dấu chữ thập đỏ đỗ giữa sân. Trong nhà vọng ra tiếng trẻ con kêu gào đòi mẹ. Sợi đã chết trên bàn mổ từ lúc 9 giờ sáng. Gia đình đưa đi quá muộn, vết thương quá nặng, đời người quá ngắn!

Người ta đặt Sợi trên chiếc giường quen thuộc ở trong buồng. Cô nằm im như người đang ngủ. Mái tóc dài và mượt loà xoà trên chiếu. Từ miệng Sợi, một dòng máu ứa ra.

Mọi người đang còn ngơ ngẩn, thì thầm, bỗng nghe:  Choang. Ối! Cái gì thế!

– Bà Điều… làm… vỡ “Ông Vôi” rồi!

Thì ra trong lúc bối rối, bà mẹ chồng khư khư ôm cái bình vôi để đem xuống dưới nhà cất giữ, nhưng chẳng hiểu lúng túng làm sao lại để tuột tay. Bà nhìn xuống chân, vôi bắn ra tung toé, lênh loang…

– Ối, vàng, vàng! – Có ai đó kêu lên.

Trong ánh điện lờ mờ của cái buồng ngủ pha trộn với chút ánh sáng ảm đạm cuối chiều từ bên ngoài hắt vào, cộng với bóng người loang loáng, những chiếc nhẫn lăn ra, chảy ra theo vôi. Dễ chừng có đến gần miệng “Ông” bình vôi toàn những nhẫn vàng, lấp lánh…lấp lánh!

Nguồn Văn nghệ số 9/2016