Từ Alexandre Dumas ở Port-Marly, Chateaubriand ở Vallée-aux-Loups, Racine ở Madeleine – Chevreuse, hay Perrault ở Breteuil đều ẩn chứa những bí mật thú vị… Di sản và văn sỹ nổi tiếng vẫn luôn luôn là một cặp bài trùng. Các tòa lâu đài này đều nằm trong vùng ngoại ô Paris, cách trung tâm thủ đô chỉ vài chục kilomet.

Lâu đài của Dumas

“Ở ngay tại chỗ này này, anh hãy họa cho tôi một khu công viên theo kiểu Anh và ở phần trung tâm, tôi muốn có một tòa lâu đài theo phong cách Phục Hưng, đối diện là một biệt thự theo lối Gothique có dòng nước bao quanh… có những con suối chảy róc rách đêm ngày, và anh sẽ tạo cả cho tôi những dòng thác nữa nhé!”. Ở tuổi bốn mươi hai, khi mà Alexandre Dumas cuối cùng đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của mình nhờ thành công vang dội của tuyệt tác Ba người lính ngự lâm thì ông vẫn còn tiếp tục xây dựng một tuyệt tác nữa của mình: một tòa lâu đài huyền thoại. Một tòa lâu đài trong đời thực, chứ không phải chỉ được miêu tả trên giấy qua những trang tiểu thuyết. Một tuyệt tác được ra đời, thuần khiết từ một trí tưởng tượng hết sức phong phú, một dự án gần như quá sức người, rõ ràng minh bạch, là hình ảnh của người đã sáng tạo ra nó: điên điên khùng khùng, nồng hậu và gần như hoang tưởng!

Dumas, khi ấy vẫn còn ở Saint Germain-en-Laye, đã tậu được một khu đất không xa nhà ông, trên một sườn đồi quay ra sông Seine, và chế ngự khắp vùng, rộng hai hec-ta, bao gồm những cánh đồng và rừng cây để cho xây tại đó một dinh thự cho riêng mình. Rồi ông thuê một kiến trúc sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Hippolyte Durand thiết kế bản vẽ và xây dựng công trình.

Hai năm sau, Dumas là ông chủ hạnh phúc của tòa lâu đài ấy, một tòa lâu đài ra đời từ chính những ước mơ của ông, được gọi là Lâu đài Monte-Cristo, bởi tất cả những gì hiện diện ở đó đều được rút ra từ chính những hình mẫu trong tác phẩm của ông. Tòa nhà chính, một tuyệt tác duyên dáng mang phong cách Phục Hưng, là một lâu đài xinh xắn có bốn mặt tiền đều được trạm trổ điêu khắc. Ta tìm thấy ở đó những họa tiết thời phong kiến, những tiên đồng, những nhạc cụ khác nhau và những con vật kỳ lạ cổ quái. Phía trên mỗi ô cửa sổ tầng trệt, Dumas cho đặt một bức chân dung của một nhạc soạn kịch, để cho khách mời, ngay khi bước lên các bậc cầu thang dẫn vào cửa chính, đã có cảm tưởng như đang được đón chào một cách trọng thể. Trên các lớp trán tường, được gắn hàng loạt các loại vũ khí của tổ tiên tác giả cũng như câu khẩu hiệu của chính ông: “Tôi yêu những ai yêu tôi”. Tâm điểm thu hút khách là gian phòng khách kỳ diệu được trang trí theo phong cách người Maure, nằm trên tầng hai, nơi mà Dumas, với tính hiếu khách huyền thoại của mình thường kết bạn và giao hữu với tất cả các tầng lớp, từ quý tộc cao sang đến những người dân tầm thường trong xã hội, đã từng cùng lúc đón tiếp hàng trăm khách mời. Và trong những buổi đón tiếp đông đúc như thế, ông chủ nhà không hề nề hà mà sẵn sàng xắn tay áo vào bếp, tự tay chế biến các món ăn và nấu nướng như một đầu bếp thực thụ. Trong khu vườn theo kiểu Anh, ở giữa những hòn non bộ và đất đá lổn nhổn là những hang động nhân tạo, những dòng suối con sông, những khu rừng đồi cây nho nhỏ, tất các sinh vật sống động cùng nhau đùa dỡn : một con kền kền có tên là Jugurtha, một con chó săn pointer lẫn trong bầy đàn của loài lông mao, hai con vẹt sống trong cái vòng quay nhào lộn của chúng, ba con khỉ và một đàn vịt, những con gà, con công và lũ mèo thì đông không đếm xuể…

Dumas, người đã cho xây tòa lâu đài tuyệt diệu này với hy vọng được làm việc trong cảnh thái điền viên, thì bất ngờ bị buộc phải nánh mình trong khu phụ được gọi là “lâu đài If”, một ngôi nhà được xây dụng theo lối tân-gothique, nằm giữa một hồ nước, nơi mà ta có thể đọc được tên những tác phẩm và những nhân vật huyền thoại của chủ nhân tòa lâu đài ấy.

Điều đáng buồn là ngay cả những cuốn tiểu thuyết hay nhất, thú vị và ly kỳ nhất thì cũng vẫn có đoạn kết và Dumas, do cứ tiêu sài một cách phóng khoáng tài sản của mình để thết đãi bạn hữu, đã buộc phải bán “tuyệt tác trong đời thực” của mình. Bị các chủ nợ đeo đuổi, ông thậm chí còn phải đi biệt xứ một thời gian ở Bỉ. Năm tháng qua đi, cả khu điền trang bắt đầu xuống cấp và thậm chí thiếu chút nữa thì đã bị ủi bỏ vào năm 1969 do sự bùng phát của bất động sản. Nhờ các thành phố Port-Marly, Marly-le-Roi và Le Pecq cùng với sự trợ giúp của Hội Những người bạn của Alexandre Dumas, họ đã cùng nhau đóng góp tiền để tái tạo lại giấc mơ miền đồng quê này, và khách thăm quan lại có thể thong thả thả bộ trên những con đường mà cha đẻ của Ba người lính ngự lâm đã từng đi.


Monte-Cristo

Lâu đài của Chateaubriand

Bên cạnh câu chuyện gần như huyễn hoặc của Alexandre Duma, thì tòa lâu đài nhỏ nhắn an bình Vallée-aux-Loups của Chateaubriand, nằm trong tỉnh Hauts-de-Seine, hình như có vẻ kém phần ly kỳ hơn, tòa lâu đài mini này (mà ta cũng có thể gọi là một dinh thự quý tộc) mà vào năm 1807, khi Chateaubriand tậu được thì chỉ là một ngôi nhà giản dị của người làm vườn, tác giả của tuyệt phẩm René đến đó sinh sống cùng phu nhân và bắt đầu viết những cuốn Hồi ký của mình. Chateaubriand khi ấy vừa xuất bản một bài báo đả kích Napoléon và buộc phải nánh khỏi thủ đô. Và bằng số tiền thu được từ cuốn Atala nổi tiếng ông đã tậu một điền trang, nơi mà ông đã từng khẳng định : “…khi ở đây thì cũng giống hệt như khi ở trong tòa lâu đài Combourg thuộc xứ sở Bretagne trong thời thơ trẻ của tôi”. Nhà văn nổi tiếng này đã kết thúc cuộc đời nhà văn, nhà chính trị, nhà du lịch và nhà thực vật học của mình tại nơi mà ông thường gọi là “vùng tiểu – hoang mạc” này. Ông đã tự tay sửa sang nó theo thị hiếu của chính mình. Ông viết: “Tôi vui đến không thể dứt ra được! Không phải là phu nhân De Sévigné, nhưng với đôi ủng cao, tôi đi trồng cây trong bùn, đi qua đi lại cả trăm lần trên các lối đi dạo, xem đi và xem lại cả ngàn lần những góc nhỏ, ẩn mình trong bất kỳ chỗ nào có các búi cây, tôi sẽ đại diện cho một thứ mà nó sẽ là khu công viên của chính tôi trong tương lai, mà tương lai ấy mà, sẽ chẳng bao giờ thiếu”. Khu trang viên rộng chừng 14 ha, được ông – một trong những cha đẻ của dòng văn học lãng mạn Pháp – trồng bạt ngàn những cây hoa vành khăn và cèdre Liban hoặc những cây phong Hy Lạp… Khu biệt thự nhỏ của công viên được nhà văn dùng làm nơi làm việc nhưng cũng là thư viện của ông. Tại đây, ông trưng bày những món lưu niệm sau mỗi chuyến đi, ví như một chai chứa nước của xứ Jourrdain, treo cạnh một bình nhỏ khác chứa nước của dòng sông Nil. Những viên đá nhỏ lượm được từ đống đổ nát của thành Athène nằm cạnh những mảnh cẩm thạch vụn từ những bức tượng trang trí vỡ, lượm được từ thành cổ Alhambra… Nơi đây hiện giờ đón tiếp rất nhiều khách thăm viếng mỗi ngày.

Lâu đài của Racine

Mồ côi từ nhỏ, Racine được nuôi dưỡng tại tu viện Port-Royal, nhưng nhà thơ tương lai thường hay lui tới tòa lâu đài cổ Chevreuse, nằm trong thung lũng thuộc vùng ngoại ô Paris. Nơi đây còn có một tên gọi khác là pháo đài Madeleine, một tòa lâu đài được xây dựng từ thời Trung cổ. Qua nhiều đời các lãnh chúa, tới thế kỷ XVII được “người chú” của Racine điều hành, và Racine thường kiếm cớ để dời khỏi tu viện để đến đây mơ mộng và tìm cảm hứng giữa những dòng suối, con thác, những khu rừng thưa và các cánh đồng cỏ mênh mông. Ông thường đi dọc những con đường mà ngay nay được đặt tên là “Con đường Racine”. Sau này, đích thân nhà thơ đã xem xét tỉ mỉ những sửa đổi của tòa tháp canh và một phần cảnh trí của tòa lâu đài. Đây là chốn dừng chân yêu thích của khách tham quan thích tìm hiểu về lâu đài cổ và những gì liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Racine.

Lâu đài của Charles Perrault

Nếu bạn thích những tòa lâu đài cổ và những nhân vật cổ tích của Perault, bạn sẽ không bỏ lỡ lâu đài Breteuil. Nằm cách trung tâm Paris chừng ba chục kilomet. Tại đây, vào thế kỷ thứ XVII, là một người bạn thân hữu của chủ nhân tòa lâu đài thời bấy giờ là Louis de Breteuil, nhà văn thường đến đây để viết và soạn thảo các tác phẩm. Chính tại đây mà ông cho ra đời và dàn dựng các tuyệt tác của mình như: Cô bé quàng khăn đỏ, Chú bé tí hon, Người đẹp ngủ trong rừng, hay còn cả Chú mèo đi hia… Ngày nay, nếu có dịp viếng thăm tòa lâu đài, vào những ngày nhất định trong năm, khách tham quan được xem những vở kịch tái tạo lại những câu chuyện cổ tích đầy thú vị này trên sân khấu thực. Còn bình thường khách tha hồ thích thú trước những bức tượng lớn y như người thật được trưng bày trong từng gian phòng dành cho mỗi vở.

Paris 04 tháng chín năm 2012

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Exit mobile version