Lê Vũ Trường Giang

Hơn bảy mươi tuổi, tôi về Hà Nội xây dinh thự riêng bằng đá phiến tinh xảo ở ấp Thái Hà. Buổi sớm, ngồi thẫn thờ nhìn trời đất, nhìn mây bay qua gò Đống Đa, thấy đời người trôi qua như dòng sông chở nhiều cỏ dại. Trong đêm, tiếng gọi cha gọi mẹ vọng động cả khu dinh thự, lạnh toát như hơi thở rầu rĩ của đá phiến. Cha vẫn cưỡi ngựa hằng đêm chạy quanh phủ Thái Hà, phi nước đại vào cơn mơ lận đận của đứa con lỗi đạo. Mẹ không ngớt ầu ơ điệu hò li biệt. Tôi phái mười hai thị vệ canh giấc ngủ đêm nhưng vẫn không tài nào ngăn được cánh mai loang dày mộng mị của vị Phó vương Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải.

Căng mắt nhìn đêm, kí ức đeo mang từ bé, vốn nằm chờ góc nào đó thức dậy, mở cửa bước ra…
*
* *
Sau một tháng trời trôi dạt đất Bắc tìm mộ cha, tôi trở về nhà. Mẹ ngồi tựa hông cửa ngóng. Gặp tôi, nước mắt mẹ chảy dài. “Con tìm được mộ cha không? Tôi gật đầu rồi im lặng. Nước mắt mẹ lăn hai gò má. Nước mắt ấy rửa trôi băng hết cả tuổi thơ chớm rực của tôi. Trán rộng, mắt tinh anh, ấn đường sáng tỏ, tôi ăn hết chữ của đám thầy đồ trong vùng. Cha Đồng gõ đầu tôi bảo: “Tao mất ba năm mới học xong Tam tự kinh. Còn Tứ thư học đến giờ cũng chẳng hiểu nốt, chỉ biết viết đơn thư bộ phủ mà thôi. Mày thật lạ?”. Cha nhìn tôi hoài nghi. Tôi nhìn cha hững hờ. Cha nhìn mẹ dằn dỗi. Mẹ nhìn cha buồn đuối. Mẹ nhìn tôi ngập nước mắt trong. Năm tôi năm tuổi, tin khởi nghĩa Mỹ Lương đại bại, Chu Thần chết trong can qua lan khắp Bắc Hà. Huyện Nông Cống rối ren tơ vò. Mẹ khóc suốt một tuần thì bị cha Đồng lôi ra đánh. Tôi chỉ nghe cha chửi một câu: “Đồ đĩ giặc cỏ”.

Năm ấy, giữa cơn đông giá, mẹ con tôi dìu nhau đi tránh đòn roi ghen bỉ. Tôi hỏi mẹ: “Cha ruột con là ai ?”. Mẹ im lặng. Suốt những tháng dài, mẹ đi tìm cội mai trắng trồng khắp sườn hoang. Tôi không buồn hỏi mẹ nửa lời.

Cho đến giờ tôi vẫn nhớ hình dáng mẹ khi đứng trước cội mai chớm nở, mẹ bảo đây là đồi Quát Lệ. Đó là tên ghép của cha và mẹ. Rồi mẹ nhìn tôi: “Cha con là kẻ sĩ”. Tôi cãi lại: “Không phải cha là giặc cỏ như lời cha Đồng sao mẹ?”.

Mẹ khóc. Nước mắt mẹ không rửa trôi được ý nghĩ của tôi về cha. Mẹ khóc để nhớ lại hình ảnh mẹ trong vắt ngày xưa. Khi hai người nằm bên nhau dưới cội mai trong rừng vắng. Người con trai toát ra mùi thơm của mai, yêu mai, thân thể mai đổ mầm. Người con gái khe khẽ nép bên. Hai cặp mắt cùng nhìn lên bầu trời thấp, đầy mây trắng nặng trĩu. Một tiếng khướu bách thanh vang động núi rừng. Tiếng hót va vào vách núi, giội cô liêu. Nếu không có tiếng thở nhè nhẹ, phả ra mùi hương thơm trong ngần, ảo diệu của người con gái thì người con trai tưởng mình đang trôi trên dòng sông mây không ngừng cuộn chảy. Bất chợt, đôi mắt hai người chạm nhau nồng nàn. Hàng mi Mỹ Lệ lấm tấm bụi nước. Người con trai muốn đọc những ý nghĩ sâu kín trong đôi mắt đen, buồn thăm thẳm bèn nhặt một bông mai, đặt lên trán người con gái. Rồi bàn tay lồng vào nhau. Trườn người lên, áp đôi môi bỏng khát của mình lên đóa hồng đào dịu ngọt. Hơi thở người con gái truyền sang như làn khói ấm, xuân thì thức giấc những mầm sống từ lâu hóa thạch. Đôi uyên ương quấn lấy nhau, hổn hển cùng nước mây hoan ca giấc muộn.

Mây từ đâu ùa trắng cả cội mai già. Mây mang theo một cơn mưa ban đầu lộp bộp trên hoa lá. Người con trai phủ những nụ hôn lên tấm thân trắng ngần tinh khôi của người con gái. Những nụ hôn ướt mưa, những nụ hôn lẫn cả những cánh hoa phủ lên thân châu ngọc. Mưa nặng hạt trắng xóa đất trời. Gương mặt người con gái chan hòa mưa. Người con trai nghe hoa và mưa thầm thì. Cả đất trời như ngập lụt trong mưa hoa. Hơi thở gấp, quặn riết. Khung trời dát trắng cánh hoa bừng lên trong chớp lóe.
*
* *
Tôi được sinh ra từ mưa. Hay mưa mới chính là cha ruột của tôi chứ không phải cái người mẹ bảo tôi đi tìm. Mẹ thật ích kỉ. Mẹ giữ lấy tất cả yêu thương cho mình và dành lại sự hận thù, chia cắt cho tôi. Đã thế, tôi cũng phải giành lấy phần bí mật cho riêng mình, cất kĩ đi trong kiếp sống ngờ vực này. Bí mật chỉ riêng tôi có mà thôi. Như cuộc viếng thăm miếu Mai Thánh oai linh một thuở. Cái ngôi miếu tọa trong lùm cây rậm rạp giữa lưng chừng sườn núi hoang vu.

Mai Thánh là ai?

Mẹ biết hay chăng Mai Thánh là người nổi dậy chống vua, chết trận. Dân làng thương cảm, giấu quan quân đổi xác kẻ khác rồi mang Mai Thánh về đất làng chôn. Lạ thay, khi vác xác, Mai Thánh nhẹ như một tấm vải không. “Lần đầu tiên và duy nhất trong đời tao được ôm xác một người chết mà nhẹ đến như thế”, một cụ ông ngày ấy tham gia lấy xác Mai Thánh kể. Chính cụ một tay tắm rửa rồi mặc áo liệm cho Mai Thánh. Ngài bị chết trận nhưng máu thu hóa hư không, lành lặn như ở trên giường. Cả căn lều dựng tạm lúc ấy thơm lạ lùng, cứ như thể cái xác là một thứ trầm hương thượng hạng. “Hương thơm lan khắp thôn xóm, trùm lên cả núi cả rừng, theo gió theo mây gieo khắp bốn phương tám hướng. Người sành chơi hoa nói, chẳng phải hoa mai thì là giống gì được. Hôm nay, thỉnh thoảng tao vẫn còn ngửi thấy mùi thơm diệu kì đó nơi lòng bàn tay”. Nói rồi ông đưa bàn tay lấm đất đang dựng cột ra trước mặt. Tôi chau mặt nhưng vẫn ngửi được mùi hương phong nhã, kín đáo. Vừa nói ông vừa cắm cây phướn dài cột bên thân tùng cổ thụ. Tôi định hỏi mộ của Mai Thánh ở đâu nhưng ông già đã nhờ ở lại đàn viết sớ. Cả làng này những người biết chữ đã đi làm loạn, rơi đầu cả rồi. Tôi vâng lời.

Khi bóng tối trùm lên, đàn cúng đã tươm tất. Ai cũng khen chữ tôi đẹp, đẹp hơn hết thảy những kẻ biết chữ của làng này. Đêm ấy, cả làng ra miếu nghe ông thầy cúng, vời thỉnh dưới Hà thành lên bày lễ. Trong khói hương nghi ngút, ông thầy cúng khấn lạy liên hồi, nói những câu thần chú như chim hót. Được lúc, ông đốt sớ rồi trầm trầm đọc. Tiếng chuông lắc tay rung mỗi nhịp chân nhảy múa. Tiếng mõ lóc cóc gõ hồn tôi dậy gánh tang bồng. Nghe trong câu tế những tiếng ngậm hờn thiên cổ, sống không nói được, chết chôn vùi cát bụi. Mai Thánh cười đau trong can qua. Nỗi ngậm ngùi giờ đây lắng xuống từng tầng đất, rêu lá phủ lên, trôi sông trôi suối. Xen vào từng hồi mõ nghỉ, nghe từng tiếng quốc kêu rủ rỉ trong đêm. Tôi ngước nhìn màu sương lạnh lẽo phủ lên cây bạch mai độc nhất ngoài cửa miếu. Quanh đấy, lạ thay đầu cây ngọn cỏ nhuộm một màu đỏ bi ai.

Chừng giờ Tý, có tiếng vó ngựa phi nước đại trên đường làng. Mỗi lúc thanh âm lọc cọc càng gần. Đương lúc mọi người quỳ xuống lạy linh Mai Thánh, cụ già la lên: “Mai Thánh cưỡi ngựa về rồi! Mai Thánh cưỡi ngựa về rồi!” Tôi nhìn ra phía đường cái thấy lờ mờ bóng người vận áo trắng, tay cầm nhánh mai trắng, cưỡi con ngựa trắng.

Cha? Cha tôi đấy ư? Hay ai khác?

Tôi tự hỏi, lòng đầy ngờ vực. Từ nhỏ tôi đã không biết phải tin tưởng ai. Sự thật mang trong mình nhiều khuôn mặt chẳng giống nhau. Đi đến tận cùng chắc gì cái thật đã là thật. Bóng người – ngựa – mai chạy quanh làng đúng ba vòng. Bình minh ló dạng, người ta chỉ còn nghe tiếng lọc cọc vang lên xa vắng đâu đó trên con đường về xuôi. Mắt tôi ríu lại nhưng mũi đủ thính để ngửi được mùi hoa mai vấn víu trên lá cành suốt con đường về cố quận. Thật là mê tín. Mai Thánh kia chỉ là trò mê của đám dân nghèo khổ, ngu si nơi thâm sơn cổ hủ này.
*
* *
Tôi muốn kí ức phải dừng lại ở đây, chấm dứt, để tôi có thể yên ổn sống nốt những ngày tháng cuối đời già úa ở ấp Thái Hà. Như cơn lũ kí ức cuốn tới, đoạn này đoạn kia trộn lẫn vào nhau thật khó tách rời. Khó biết diễn biến cái gì trước cái gì sau. Đã vậy, không trốn được kí ức cũ tôi định bụng sẽ tái lập kí ức mới. Nhấp một ngụm trà đặc người lão bộc pha từ chập tối. Nhìn ra ngoài, trời tưởng tạnh từ chiều mà vẫn lắc rắc mưa. Thở dài. Mưa đây hay là mưa hôm nào xa kia…

Nước từ trên cao buông xuống nhầy nhụa. Mưa đẫm chiến lũy, vùi lấp những thân người dưới bùn đen. Tôi lao đi trong bóng đêm mù đặc. Phía sau, nghĩa binh Tán Thuật truy đuổi, kế “tuyệt lương bách thú” của tôi tan tành bọt sóng. Bóng tối cứ dài ra mãi. Tôi tóe máu bàn chân, nhắm mắt chạy thục mạng. Màu hoa trắng lung linh rớt trên mỗi dặm đường. Cánh hoa tanh. Hơi thở mệt nhọc dồn dập túa ra, mồ hôi hòa nước mưa, hòa máu, hòa cả cuộc đời trắng đen huyễn hoặc của Khải tôi.

Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Tới Kẻ Sặt, mới hay trời vừa ướm xuân. Nhà ai khói bếp thơm trắng ngọn tre. Cuối thôn, mai trắng nơi miếu cũ, đào diện áo đỏ cuối đường đê. Một toán lính tuần bồng gươm qua làng, nhận ra thượng quan. Tôi phát lệnh cho binh từ Hải Dương về tiếp cứu.

Cắt đặt xong đâu đấy tôi muốn ngủ một giấc ở Kẻ Sặt nhưng tiếng truy đuổi quân Tán Thuật vang vọng từ xa. Lính tuần cáng võng đưa Tôi về thành Hải Dương. Thành Hải Dương cao ráo, hào sâu, lính đông hàng nghìn. Mệt mỏi, tôi chìm vào cơn mê. Trong giấc chập chùng, tôi nghe tiếng người ngựa rất gần.

Đêm tìm cha ở núi Mai Thánh. Giờ Tý, cả làng phải thức dậy vì những tiếng ồn. Tôi nghe thấy tiếng trống thùm thùm, tiếng lọc cọc đều đặn như tiếng ngựa phi của Mai Thánh. Giờ đây lộn xộn như thể trăm Mai Thánh cùng cưỡi ngựa. Người làng nhìn qua khe cửa thấy một đoàn quân, người cưỡi ngựa, kẻ chạy bộ đương lục tục đi lên núi. Mai Thánh tuốt gươm đi đầu, vẻ hùng dũng xông pha. Con ngựa ngậm nhành mai, uy dũng và mãnh lực ngay trong cả tiếng hí. Đoàn quân kiếm giáo sáng quang chỉa lên bầu trời, như họ sắp đụng độ một trận chiến kinh hoàng. Họ mặc áo nâu, chân đi đất, di chuyển rất có đội hình. Rầm rập… rầm rập. Người ta nhìn vào đoàn người cụt đầu. Lọc cọc… lọc cọc, tiếng vó ngựa băng qua hàng cây đêm. Rồi tất cả biến mất trên con đường tịch liêu đêm lạnh. Tôi thở dài: “Cha ơi, cha đang làm gì thế?”.

Tối hôm sau, đoàn quân trở về. Người làng vẫn nghe tiếng quân đi trên đường. Mai Thánh đã mất đi thanh gươm sáng. Nhánh mai rụng hết hoa, tơi tả. Cả đoàn quân theo sau gươm giáo gãy vụn. Họ bước đi không đầu. Đoàn quân cụt đầu lay lắt xuyên bóng đêm. Tôi ngửa mặt nhìn trời, than: “Ôi, chỉ là đám giặc cỏ rách việc”. Hình bóng Mai Thánh đối với tôi giờ dở dang, thảm nát.

Thức dậy lúc nửa đêm, tôi hét lớn: “Tán Thuật, ta sẽ đốt sạch Bãi Sậy của ngươi!”

Nhưng càng đánh vào Bãi Sậy, quân tôi càng thua. Quân Pháp thấy thế Nam triều kém cỏi, phong đùa cho Tán Thuật là “vua Bãi Sậy”, tôi giận lắm quyết tâm phục thù.

Năm sau, tôi thành lập đội quân Tuần Cảnh võ bị đầy đủ, quân kỉ nghiêm minh. Bấy giờ, triều đình Đồng Khánh cũng phong cho tôi chức Kinh lược sứ, binh đông hàng vạn, cốt chỉ dùng để đi trị đám giặc cỏ dám chống lại triều đình, dám chống lại người Pháp.

Người Pháp gọi tôi là Phó vương, quyền lực nhất xứ Bắc Kỳ và mở tiệc chúc mừng Phó vương. Tôi oai phong giữa đám nghi vệ cờ lọng mời quan chức Pháp dùng rượu tây. Toàn quyền De Lanessan ca ngợi rằng binh lính dưới sự chỉ huy của tôi đã có những hành động nhiệt tình đến khó tin. Đây, một cái huyện trong tỉnh Hà Nội, trong mười lăm ngày, tôi đã chặt đầu 75 kì hào vì họ không muốn chỉ ra một đám giặc đi theo con đường nào sau khi qua những làng của họ. Đám quân nhân Pháp quốc cộng tác với tôi đã tôn vinh sự cống hiến quý báu của vị quan An Nam. Trung úy Pháp Fernand Bernard ca ngợi: “Phó vương đã chặt 1800 cái đầu trong ba tháng và thu được những tin tình báo quý báu để chộp được những tên phản loạn và tịch thu một số lượng lớn súng ống”. Đám quan chức Tây, ta ồ lên thán phục. Quả là công lao, tài trí của Phó vương Bắc Kỳ khó ai qua được. Mệnh lệnh ngài là mệnh lệnh sắt và máu. Thích thú tôi vuốt bộ râu vừa để chòm cho ra dáng dấp đại quan. Tôi nâng chén, tiếng đầu rơi đánh phịch vang lên trong đầu.

Thứ công danh tanh tưởi tôi mang có thanh khiết bằng những tháng ngày sống trên đồi Quát Lệ. Những ngày xưa dào dạt trải qua trước mắt. Là mặt trời ban mai rọi những tia nắng ấm xuống thung lũng trước nhà. Là bóng nắng vẽ những thảm tranh sâu kín lên thảm xanh. Tôi ngửa tay ra đón nắng. Nắng đậu trên bàn tay chai, vỡ vô hồn. Tôi chợt nhận ra mình lung linh là một thân người sống chầm chậm đi qua những con đường rậm lá hoang sơ của núi. Tôi thấy lạc lõng triền miên với cõi đời hư thực. Lòng tự ti nguồn cội đã giết chết nỗi cô đơn bao lâu ngự trị trong con người tôi. Tôi chán ghét những đêm chỉ có tôi và mẹ ngồi nhìn ngọn bạch lạp và hai cái bóng bất động trên vách thở dài. Tôi xuống đồi hái sim. Bỏ lại phía sau tiếng mẹ gọi văng vẳng, lo lắng.
*
* *
Bấy giờ cuối đông, tôi nhận lệnh về Huế. Trên đường về kinh, tôi ghé thăm mộ mẹ trên đồi Quát Lệ năm nào. Đoàn tùy tùng gươm giáo, cung kiếm gần nghìn người, lớp trong lớp ngoài bủa ra khắp núi, chốt trấn những nơi nguy hiểm, phòng thích khách ám sát. Lính lệ gánh võng đưa tôi lên tận núi, đường dốc, khó đi cứ năm trăm trượng lại thay người. Giữa đường, thấy đồi Quát Lệ xa xăm, xanh tái một màu, lòng tôi thấp thỏm.

Một luồng gió cuốn theo hàng ngàn cánh hoa trắng từ đâu bay tới, rơi lả tả trên đầu đám người đang lên núi, rơi lên bàn tay tôi, yên lặng. Lên đến nơi, khí lạnh xộc vào người, vẻ xa lạ, hắt hủi. Tôi đứng lặng một hồi lâu giữa mênh mông đồi núi rồi chầm chậm phén cỏ tranh ra mộ mẹ. Ngôi mộ nằm giữa sườn đồi, hướng quay về Bắc, như bao lâu mẹ vẫn ngồi đó, đợi người trong mộng đến đón về sum họp. Tôi sững sờ trước ngàn mai phủ trắng quả đồi, như trăm vạn đốm tuyết đậu trên than gầy. Cánh lụa là thướt tha bay bay trong gió. Không gian sực một mùi hương thanh nhã, u buồn. Mai trắng như tuyết, choáng hết cả tầm mắt. Màu mai trắng bẻ cong những tiếng động của gió trên đồi Quát Lệ, xóa nhòa vết thời gian đọng đâu đó trong cánh buồn, làm chậm những dòng suy nghĩ của đứa con lạc loài, đi hoang.

Từ ngày mẹ mất, nhà đổ nát không còn hình thù. Bậu cửa mẹ ngồi uống trà, ngắm hoa mối đùn lên thành đống. Quan quân phải quây lều, dựng trại qua đêm. Gió hờn, lạnh căm căm. Đêm ấy, tôi không tài nào chợp mắt. Hễ nhắm một hồi, mai trắng đông đặc trí não, tưởng rơi cả trên tóc, trên mặt như chiếu liệm. Hai người mặc áo trắng như mai nhìn tôi buồn. Cha mẹ đấy ư? Cha mẹ đấy ư?

Canh ba, có tiếng sét kinh thiên giáng xuống vùng tịch lặng. Có tiếng hồi đáp của rừng đứt đoạn, giòn và khô, như tiếng xương gãy trong từng mạch đất. Tôi nhảy bật xuống giường, sai người hầu mặc xống áo. Tôi lại lên thăm mộ mẹ và ngôi mộ gió của cha. Lẩn thẩn đi trong rừng còn ngập trong bóng đêm, tôi vấp phải một thân cây già đổ xuống xóa nhòa mọi vết tích hôm qua. Giữa nhập nhoạng, quan Kinh lược kịp nhận ra vết nứt chạy dài xuyên qua đồi Quát Lệ, xuyên qua mộ mẹ, cha. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi kịp nhận ra đồi mai trắng đã héo hon tự lúc nào. Những bông hoa hóa đen, chết rũ trên cành tựa nàng trinh nữ gục chết giữa đồi hoang. Linh hồn muôn triệu hoa mai chậm trôi ra ngoài. Linh hồn đen đặc bốc lên đồi Quát Lệ. Tôi bàng hoàng. Một khối đau đè nặng lên người. Tôi choáng váng phải dựa vào đám hộ vệ. Lần đầu tiên, người ta nghe kẻ mệnh danh có trái tim đá khóc. Nước mắt chảy hai hàng nóng hổi nhỏ xuống những cánh mai đen. Thế giới muôn triệu hoa trắng hoa đen, thế giới của lưỡi đen, thế giới của mặt trời đen, trải ra trước mặt… Tôi quỳ xuống lạy gập người trước đồi Quát Lệ. Sớm đó, quan quân được lệnh nhổ trại xuống núi.
*
* *
Còn nhớ đêm nào tôi lén ba quân vác dao đi ra rừng tìm mộ Mai Thánh. Trời đêm lạnh buốt, đông cứng những bạch mai riêng dựng góc mộ côi. Tôi đứng trước mộ nói: “Tôi chưa bao giờ thấy mặt cha. Tôi chỉ biết thơ người. Tôi thấy nấm mộ người. Tôi sẽ khác người. Tôi không phải là giặc cỏ”. Nói xong, Tôi vung dao. Bựt… Bựt… Gốc mai bên mộ Chu Thần bị chém phạt. Cánh bay tơi tả trong sương mù. Nhựa mai dính lên mặt. Tôi ngửi thấy mùi tanh. Tôi vứt dao bỏ chạy, chạy mãi cho ra khỏi nơi đáng lẽ tôi không nên biết, không nên đến này.

Bựt… bựt… phạt… cộc cộc… cộc cộc…

Tiếng chặt đầu rơi giống thân mai đổ ở Mỹ Hào. Tôi mắc ý nghĩ đó trong đầu, chén rượu bỗng nhầy nhụa. Phó vương ta không nói thì thôi, nói là làm, làm là được. Đời ta chỉ hận đám giặc cỏ làm ô uế thân ta, ta phải diệt sạch! Tôi tuyên thệ “Xóa sổ Bãi Sậy báo công xã tắc!”. Đám quan binh Pháp quốc đã cười hô hố: “Người Nam triều thật là biết hành động theo chiều sâu!”

Chợt bàng hoàng nhận ra ngoài mưa tôi cũng được sinh ra từ hoa mai trắng và tình yêu thương da diết xứ sở này.

Có thật là đêm đó tôi vác dao vào rừng tìm mộ Mai Thánh không? Hay cũng lại là kí ức dựng lên để tôi có thể quên đi nguồn gốc của mình. Tôi phải kể với mẹ bí mật cuối cùng này. Mẹ cũng đã kể tôi bí mật không nên tồn tại của một vị Phó vương uy phong lẫm liệt. Hoàng Cao Khải là con của Cao Bá Quát, kẻ làm loạn ở Mỹ Lương, không phải là con của Hoàng Văn Đồng, một viên thơ lại nhỏ bé ở Thanh Hóa. Sự thật đắng cay có cần chôn kín lòng đất không mẹ. Nhưng có thật vậy là đắng cay không?

Mẹ ơi, mấy năm về hưu, tóc con trắng bạc cánh mai rơi kín năm canh. Đêm nay vẫn dài ngun ngút. Những đoàn người áo trắng lượn lờ bay quanh phủ Thái Hà, không ngớt kêu tên con. Con biết đó là những nghĩa quân, kì hào, thủ lĩnh, có cả Tán Thuật ngoài ấy nữa mẹ ạ. Nhưng lúc này con chỉ nhớ mẹ, mẹ ơi che chở cho con, đón con về cùng, cho con ăn thứ cỏ đen vào tiết lập xuân có vị mặn như nước mắt năm nào trên đồi Quát Lệ. Con nghe tiếng mẹ gọi tên con quanh quất đâu đây.

Khải ơi, về nhà thôi.

L.V.T.G

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài