BÍ ẨN VÀ TINH TẾ
(Nhân đọc tập truyện ngắn CÀNH PHONG HƯƠNG của Võ Thị Xuân Hà)
Tạ Duy Anh
Có thể nói, trong số 12 truyện ngắn in trong tập, không phải tất cả đều đáng đọc hai lần, nhưng chúng đều có khả năng gây ám ảnh để từ đó lôi cuốn người đọc vào cuộc phiêu lưu khám phá. Trước hết, dễ nhận thấy nhất, là chúng khiến bạn đọc hoài nghi chính bản thân mình? Lối viết này càng ngày càng chiếm ưu thế về số lượng trong sáng tác của Võ Thị Xuân Hà.
Bạn cứ thử đọc truyện ngắn Hương gai cầu trên đại lộ X. Loại truyện này không hợp với tạng người nóng ruột. Bởi nội dung câu chuyện chỉ chậm chạp hiện lên, bớt tù mù dần qua biến cố của thân phận nhân vật. Lối viết này không mới. Nhiều người thậm chí còn biến nó thành thứ thủ pháp nhàm chán. Nhưng dưới ngòi bút của Võ Thị Xuân Hà thì nó vẫn đủ sức dẫn dụ người đọc cả sau khi văn bản đã kết thúc: Cứ phải nghĩ tiếp về một điều gì đó được gợi lên từ tác phẩm. Cái quyết định hiệu quả ấy, chỉ có thể là tài năng của người viết?
Toàn bộ diễn biến của truyện y như một màn kịch câm. Mở đầu một phụ nữ mà không ai rõ thân phận, không rõ hình hài, không rõ tâm trạng ngồi trong ngôi nhà không có địa chỉ chờ điện thoại? Điện thoại của ai và về chuyện gì? Xung quanh chỉ có bóng tối và các tạp âm. Nhưng chịu khó chờ đợi và chắp nối, ta cũng rõ dần ra rằng, người phụ nữ nào đó đang chờ một người đàn ông nào đó gần như vô hình mà qua suy nghĩ của nhân vật, bạn đọc tạm bằng lòng với thông tin hắn là người chồng của chị ta. Sự xuất hiện của hắn ta gắn với việc chấm dứt một hợp đồng nào đó trước khi chị được tự do. Và chị đang chờ cái giây phút đó. Không ai đoán nổi người phụ nữ vui hay buồn. Mãi cho tới khi chị được thông báo, cái gã đàn ông nào đó vĩnh viễn không trở về ngôi nhà của y nữa, cũng chẳng có bất cứ sự hoảng hốt hay lo lắng nào, như đáng ra nó phải thế. Hoặc giả chị ta lạnh lùng đến ghê sợ, hoặc điều đó được che giấu đến mức không lộ ra? Lại vẫn chỉ là phỏng đoán.
Đoạn tiếp theo hé ra mối quan hệ giữa thiếu phụ và cái gã đàn ông nào đó mà chị ngồi chờ trong chính ngôi nhà của hắn, nhờ một hoàn cảnh trớ trêu và ngẫm kỹ thì thấy nó giống như hài kịch nhân sinh. Nhưng cũng chỉ có thế. Mọi việc dần sáng tỏ tiếp ở những đoạn sau, khi câu chuyện ngoặt sang một hướng khác. Hóa ra thiếu phụ và gã đàn ông ký bản hợp đồng làm vợ chồng trong một năm. Điều oái oăm lại ở chỗ, nếu người đàn bà, trong thời gian chung sống mà nảy sinh tình cảm yêu hắn, thì coi như vi phạm hợp đồng. Nghĩa là ngay từ đầu, mối quan hệ được xác định rõ ràng là thuần túy làm ăn. Một bên thủ vai người vợ và vì là vợ nên phải làm bổn phận trong cả chuyện chăn gối, còn một bên sẽ trả tiền sòng phẳng (có thưởng nếu thủ vai tốt), chỉ để lừa ông bố đang thoi thóp trên giường bệnh cái bản di chúc thừa kế khối tài sản khổng lồ. Người đàn bà cố làm tốt cam kết của mình và chị không chỉ thủ vai, mà còn nhập vai rất hoàn hảo, một cách tự nhiên, như người biết giữ lời hứa và cố xứng đáng với đồng tiền mình nhận được. Cuối cùng, các bên ký hợp đồng đều toại nguyện: Một bên có được khối tài sản thừa kế khổng lồ, một bên có những xấp tiền đô hậu hĩnh.
Nếu truyện dừng lại ở đó, nhường phần kết cho bạn đọc, cũng đã đủ là một ám ảnh. Hẳn bạn đọc sẽ hình dung và rùng mình khi hai con người ấy, hàng ngày trong vai vợ chồng, làm những việc vợ chồng nó khủng khiếp ra sao, cả về thẩm mỹ và đạo đức. Họ sẽ hình dung tiếp để thấy cái đáng sợ của thứ triết lý tiền-tình trong thời mọi giá trị đang tiến đến chỗ chẳng còn giá trị gì thực sự ngoài là vật chứng cho sự tan rữa đạo đức.
Thế nhưng, bi kịch nảy sinh, bất ngờ với cả chính những kẻ trong cuộc, và tất nhiên với bạn đọc: Mọi thứ có vẻ tàn bạo, thô thiển bề ngoài, lại đã ấp ủ trong tâm hồn hai kẻ “đốn mạt” những tình cảm thánh thiện. Họ yêu nhau, hoặc muốn yêu nhau, thứ tình yêu cũng đầy vẻ tàn bạo! Thứ tình yêu vĩnh viễn không được nói ra vì nó chẳng có vẻ gì là của con người. Thiếu phụ chán chường (hay chẳng có gì phải chán chường) bỏ lại tất cả, thứ mà vì thế chị chấp nhận bán mình, còn gã đàn ông thì không trở về do bị tai nạn trên đại lộ X (hay còn do nguyên nhân bí ẩn nào đó, vẫn còn có khoảng trống cho đủ sự phỏng đoán). Niềm cứu rỗi lớn nhất, người sẽ đến để tha thứ là đứa con chung của họ trước sau sẽ chào đời.
Truyện định nói điều gì? Có vô số giả thuyết và bạn đọc hãy tự đưa ra câu trả lời cho mình. Nhưng rõ ràng, Võ Thị Xuân Hà đã hoàn thành nhiệm vụ khi đưa bạn đọc vào tình thế phải đối thoại với chính mình, một cuộc đối thoại mang tính truy vấn khốc liệt?
Nhân vật của Võ Thị Xuân Hà thường bị đặt ở đúng tâm điểm của những biến cố dữ dội. Họ vừa là nạn nhân của bi kịch, nhưng đồng thời phần nào lại là kẻ tòng phạm. Ông già bán quán ăn ở Seoul, Cành phong hương, Ngọn lửa dịu dàng, Biển hoa vàng…ta đều thấy bóng dáng của motip này. Những nhân vật trong đó đều ở thế lưỡng phân, với vô số những hành động, lời nói khó giải mã và thường gây nên sự hoang mang về thẩm mỹ, luân lý. Họ đều từng đối mặt với những biến cố có thể làm tan nát bất cứ một tâm hồn nào đó, biến nó thành dị dạng, đẩy họ đến gần sát tội ác.. Ngọn lửa dịu dàng giống như một ngụ ngôn hiện đại về cách cảm hóa người khác. Như một ngọn lửa dịu dàng, tình yêu của cô con dâu (chứ không chỉ lòng tốt) “thiêu đốt” cái mầm ác cuối cùng trong gia đình nhà chồng mà cô cảm nhận như một cửa ải phải qua trong kiếp tu của mình, đã khiến làm nảy mầm thiện trên cái nền tâm hồn đầy định kiến của bà mẹ chồng. Nhưng thông điệp dịu dàng của truyện, chảy ngầm bên dưới là mỗi người phải nhọc nhằn tự tìm cho ra thứ mình cần để có thể sống được, với nhau và với cuộc đời. Bởi được sống, được yêu luôn là diễm phúc và để có nó chẳng hề dễ dàng gì. Trong một truyện khác, Ông già bán quán ăn ở Seoul, do ám ảnh về tội ác, nhân vật cứ phải tự nhủ mình: “Hãy quên đi, để sống”. Nhưng cuối cùng ông ấy không thể quên được tội ác, ngoại trừ một cách là chết đi. Tất cả chúng ta, nếu vào hoàn cảnh của ông già kia cũng chẳng khác được. Vậy thì phải làm gì? Bài học rút ra ở đây là gì? Những câu hỏi đặt vào khoảng không vô tận, luôn có thể tìm thấy trong bất cứ tác phẩm nào của Võ Thị Xuân Hà, đến mức có cảm giác đó là toàn bộ chủ ý nghệ thuật của chị?
Võ Thị Xuân Hà không ngại gây đột biến trong logic hành động nhân vật, tạo ra cái phi lý bề ngoài. Chẳng hạn những hành vi thể hiện tình yêu bằng bạo lực, bằng cưỡng bức tình dục. Nhưng nó vẫn không hoàn toàn là cưỡng dâm khi kẻ “gây án” không phải do ham muốn nhục dục, còn người bị hại thì hiểu rõ mình có phần chờ đợi điều đó? (Sao tâm hồn con người phức tạp đến vậy, đừng ai chủ quan áp đặt cách hiểu người khác theo định kiến của mình, nhất lại trong những không gian mà mình là kẻ ngoài cuộc?) Vì thế, dù bề ngoài của những hành động ấy giống như một sự làm nhục nhưng cuối cùng chẳng có sự trả thù hoặc hủy hoại nào cả, như đáng lẽ nó phải diễn ra. Sự tàn phá, hủy hoại sẽ làm chức phận của nó trong tâm hồn mỗi người đọc, với tư cách của công cụ gột rửa.
Không phải cứ gào thét lên mới là cách thể hiện nỗi đau. Sự chịu đựng, sự tha thứ, sự cam phận mà các nhân vật của Võ Thị Xuân Hà chấp nhận, không phải do họ hèn yếu hay đạo đức giả, mà bởi họ biết chính mình cũng cần được tha thứ. Những nhân vật của Võ Thị Xuân Hà luôn im lặng tự vấn mình rằng: liệu họ có thể biết chắc mình đã, sẽ không gây tội lỗi, làm tan nát cuộc đời người khác? Sự bí ẩn lớn nhất chính là ở cái thông điệp quan trọng này. Nhưng cuộc sống thì không cần phải có câu trả lời mới tiếp tục chảy về phía trước? Vấn đề rút lại chỉ là, chúng ta nhìn cuộc đời này bằng tâm thế nào? Võ Thị Xuân Hà đưa ra một đề xuất: Cần phải nhìn người khác, nhìn con người nói chung và (nếu/phải/định) phán xét ai đó thì hãy bằng tâm thế của người đầy rẫy tội lỗi (nếu chưa mắc thì có thể sắp mắc, không thể nào không mắc). Tất thảy chúng ta đều có tội, vì thế cần phải biết tha thứ cho nhau, cùng nhau tìm ra cách thức đi đến hạnh phúc, sống cho ra một con người. Cần phải cật vấn nghiêm khắc lương tâm mình trước khi nhặt lên viên đá bạo lực, hận thù và tội ác.
Nhưng thứ làm nên sự hấp dẫn trong các sáng tác của Võ Thị Xuân Hà, cũng là thứ bền bỉ nhất mà chị giữ được suốt hai chục năm qua, ấy là sự tinh tế. Chị luôn khiến người đọc ngạc nhiên về khả năng khám phá những ngóc ngách nhỏ nhất, bí mật nhất trong tâm hồn con người, chuyển tải chúng bằng thứ văn nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cực kỳ chính xác. Đôi khi chị làm ta phát sợ, cứ như chị biết tường tận chúng ta nghĩ gì, thèm khát gì, đang âm mưu điều gì đen tối, che giấu điều gì bất chính, mơ ước điều gì nhỏ tí xíu muốn cất sâu dưới đáy tâm hồn…
Đọc Võ Thị Xuân Hà thấy mọi thứ thật mong manh, thấy lo lắng cho những gì dễ vỡ, dễ biến mất, thấy không yên tâm với những gì vẫn bình thản diễn ra xung quanh mình. Nhưng chính khi ấy, khi bắt buộc phải suy nghĩ, phải đối mặt với mọi sự thật thay vì chạy trốn, là lúc ta thấy lóe lên ở đâu đó, có thể là trong sâu thẳm tâm hồn ta, những hy vọng.
Không phải người cầm bút nào cũng ý thức làm như vậy và làm được như vậy.
Hả Nội 8-8-2014
Sách do NXB Hội Nhà văn và Công ty Truyền thông Hà Thế xuất bản