Thành nhà Hồ (nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là một thành đá vững chãi, uy nghi không những giữ vai trò là Quốc đô của nhà nước Đại Ngu, triều Hồ hơn 600 năm về trước, mà còn là một trong những công trình quân sự độc đáo ở khu vực Đông Nam Á.

Xây thành trong 3 tháng

Thành được xây dựng trên diện tích gần 70 ha ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, có chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Hoàng thành xây dựng trên bình đồ gần vuông, hai mặt đông – tây dài 883,5 m, hai mặt nam – bắc dài 870,5 m, với diện tích khoảng 769.086 m2.
Thành nhà Hồ có 4 cửa: đông, tây, nam, bắc. Trong nội thành có điện Hoàng Nguyên (nơi thiết triều), cung Nhân Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái Miếu, cung Phù Cực…
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Sửu (1397), mùa xuân, tháng giêng, (Hồ Quý Ly) sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất”. Làm thế nào để trong vòng 3 tháng, nhà Hồ có thể xây xong thành vẫn là điều kỳ bí với hậu thế. Lý giải về kỳ tích ấy, TS Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho rằng: “Xây thành trong một thời gian nhanh kỷ lục ấy cho thấy tính cấp bách trong việc chuẩn bị kháng giặc Bắc của nhà Hồ. Nhưng đặc biệt hơn cả chính là tài năng tổ chức của Hồ Quý Ly đã đạt tới độ khoa học, đại diện cho phương thức tổ chức của chính quyền quân chủ tân Nho giáo ở các nước phương đông lúc bấy giờ mà với xã hội quân chủ Phật giáo thời Trần trước đây không làm nổi”.

Truyền thuyết nàng Bình Khương.

Ở gần cửa đông thành nhà Hồ, hiện vẫn còn ngôi miếu cổ thờ nàng Bình Khương nổi tiếng linh thiêng. Trong miếu còn lưu thờ một tảng đá với những vết lõm tương truyền là dấu vết vầng trán và đôi bàn tay của nàng Bình Khương. Truyền thuyết kể rằng, nàng Bình Khương là vợ của Cống Sinh (Trần Công Sỹ), quan đốc công trông coi việc xây đoạn tường thành phía đông. Tuy nhiên, do nền móng yếu, đoạn thành gần cửa đông cứ xây xong được vài đêm lại sụp đổ. Biết chuyện, Hồ Quý Ly rất tức giận và cho rằng Cống Sinh có ý làm phản nên ra lệnh chôn sống Cống Sinh dưới chân thành để thị uy quân sĩ.
Trước cái chết oan khuất của chồng, nàng Bình Khương tìm đến công trường xây thành kêu oan, rồi nàng đập đầu vào tảng đá xây thành cho đến chết. Tảng đá nàng Bình Khương đập đầu in rõ hình vầng trán và hai bàn tay của nàng như nỗi oan ức nghìn thu của chàng Cống Sinh truyền lại đến hôm nay. Cảm thương cho số phận bi thương của nàng Bình Khương, người dân quanh vùng thường tìm đến chân thành, nơi có tảng đá năm xưa nàng đập đầu tự vẫn để chiêm bái. Vào thời Nguyễn, viên lý hào làng Đông Môn (ngoài cổng phía đông thành nhà Hồ) đã cho thợ đục phiến đá ấy đem chôn xuống đất. Kỳ lạ thay, chỉ thời gian ngắn sau, người thợ đục phiến đá và viên lý hào bị ốm rồi chết, khiến dậy lên lời đồn về sự linh thiêng của tảng đá.
Biết chuyện, tri phủ Quảng Hóa (gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy ngày nay) là Đoàn Thước đã cho lính đào tìm phiến đá, khắc lên dòng chữ “Trần triều Cống Sinh – Bình Khương nương, phu nhân tri thạch” (tạm dịch: Tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần) lắp đúng vào chỗ cũ. Người dân địa phương sau đó đã lập miếu thờ nàng Bình Khương ngay chân thành nhà Hồ, cạnh nơi chồng bà bị chôn sống, bên trong thờ phiến đá mà tương truyền nàng đã đập đầu kêu oan cho chồng…

Đôi rồng đá cụt đầu

Ở khu vực trung tâm của Hoàng thành hiện có một đôi rồng đá khá lớn, với nhiều câu chuyện dân gian phủ bóng lên nó. Đôi rồng có chiều dài 3,8 m, được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh nguyên khối, thân thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, có vảy phủ kín thân. Đáng ngạc nhiên là cả 2 tượng rồng đá này đều đã bị chặt mất đầu, để lại cho hậu thế những câu chuyện truyền miệng ly kỳ. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều khả năng đôi rồng đá đã bị giặc Minh làm mất đầu. Tương truyền khi bị Lê Lợi vây hãm trong thành nhà Hồ, bí bách, quân lính nhà Minh đã đập vỡ đôi đầu rồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng những kẻ đi tìm đồ cổ đã đập phá để tìm châu báu được cho là “yểm” trong đầu rồng.
Trong dân gian vẫn lưu truyền chuyện kể, sau khi thành nhà Hồ thất thủ, năm nào làng Tây Giai (phía cổng tây thành nhà Hồ) cũng xảy ra hỏa hoạn. Có ông thầy giỏi địa lý đi qua nói rằng làng bị cháy là do đôi rồng đá trong Hoàng thành quay đầu vào làng gây họa. Vì vậy, dân làng Tây Giai đã chặt đầu đôi rồng rồi chôn lấp trong thành. Mãi đến năm 1938, khi người Pháp cho làm con đường chạy qua thành, mới làm phát lộ đôi rồng đá này.
Theo Ngọc Minh – Báo Thanh Niên online

Exit mobile version