CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Có thể tôi quá thiên vị Vịnh khi mô tả anh thế này: cao dong dỏng, ngăm đen (thứ nước da con trai xứ Huế), đôi mắt thẳm buồn. Tệ nữa là anh còn có chiếc Vespa Sprink sáng bóng phóng trên đường, đủ để đám con gái phải ngoái theo. Còn điều này nữa: có lẽ nhiều cô mơ ước cái gia sản kếch xù của anh vì gia đình anh nổi tiếng ở xứ này với nghề kim hoàn. Vậy mà tôi lại quen anh trong hội nghị Chiến sĩ thi đua của tỉnh. Trên bục Vịnh kể lại những thành tích của mình một cách khiêm tốn và anh luôn thêm vào câu: vì tôi có điều kiện. Tôi ngồi dưới mà muốn tranh luận ngay với Vịnh: Không, nhiều kẻ có “điều kiện” như anh đã tìm đường để “đi” cả rồi thôi.

Giờ giải lao tôi tìm gặp và làm quen với Vịnh. Tôi đặt lại vấn đề trên với anh, định sẽ viết một bài báo cáo ca ngợi phẩm chất người thanh niên trong chế độ mới. Nhưng Vịnh trả lời tôi một câu gọn lỏn làm tôi bất ngờ.

– Hạ giữ tôi đó anh à.

– Sao cơ?

Vịnh châm thuốc rồi ngồi trầm ngâm. Lát  sau anh ghi địa chỉ hẹn tôi tới nhà.

Tối đó tôi tìm tới nhà Vịnh, một biệt thự xinh xắn nằm bên đường Chi Lăng. Hai chúng tôi ngồi nhấm nháp cà phê trong vườn. Gió sông Hương đưa lên mát rượi. Và người con gái có cái tên Hạ thành hình trong trí tưởng tượng của tôi qua lời kể của Vịnh.

*

Sau giải phóng, để có chỗ dựa trong chế độ mới, mạ tôi quyết định cho tôi thi bằng được vào đại học. Lý lịch là gia đình tư sản, cha là công chức chế độ cũ, nên phải nhờ ông anh họ ở tỉnh uỷ, tôi mới được vào học Cao đẳng Sư Phạm. Tôi hờ hững học, hờ hững cầm tấm bằng tốt nghiệp, hờ hững về trường và hờ hững với lũ trò. Oái oăm thay, trường tôi dạy có mỗi tôi là trai trẻ nên lãnh ngay chức Tổng phụ trách Đội. Nhiều lần tôi cũng nghĩ tới chuyện ra đi. Anh tính, họ nhà tôi ba đời nghề kim hoàn có tiếng từ thời Pháp, tôi thiếu chi tiền để đi. Mấy thằng bạn viết thư về kể sướng, tôi thấy hấp dẫn quá. Nhiều tiền mà tối ngày bó gối một xó, không có thú vui chi để xáng tiền vô thì… (Vịnh cười). Nhưng tôi vấp phải lực cản là bà già. Mạ tôi không muốn rời quê cha đất tổ.

Nghiễm nhiên tôi trở thành niềm hy vọng của nhà trường và được tín nhiệm trao cho đủ mọi công việc mà tôi từ chối không nổi.

Cũng phải nói cho anh hiểu điều này: đám thanh niên thành thị như tôi, sau giải phóng, nhìn nhận chế độ mới với đôi mắt dò xét (tất nhiên những kẻ thù nghịch thì không kể). Đối với người Bắc mới vào chúng tôi hơi thất vọng. Xin anh đừng giận. Có lẽ vì gian khổ nhiều nên các anh quen với nếp sống giản dị đến cẩu thả. Buổi sáng không kịp ủi quần áo vì lý do chi đó là tôi nghỉ dạy liền. Vậy mà mấy chị ngoài Bắc mới vào dạy ở trường tôi, áo quần xốc xếch vẫn lên bục giảng, coi chướng quá. Đại khái cũng chỉ những chi tiết lặt vặt vậy thôi, cũng khiến tôi có cái nhìn ác cảm với người miền Bắc.

Lần đó, tôi được phân công dẫn đội viên đi dự trại hè Cháu ngoan Bác Hồ của huyện. Ngồi trong lều trại tôi hờ hững nhìn ra khu đồi. Nắng sao mà dữ dằn. Gió thổi khô không khốc. Quanh tôi, các lều trại rực rỡ cờ hoa, những chiếc khăn đỏ phất phới. Tiếng loa oang oang mời “các ca sĩ tí hon” lên trình bày tiết mục của chi đội mình. Cậu bé liên đội trưởng chạy tới.

– Thưa thầy, chi đội mình có chụp ảnh  kỷ niệm không ạ?

– Khỏi cần! Chụp làm chi.

– Thầy coi chi đội trường Nam Ngọc chụp kìa. Cô đứng bên ngoài mặc áo dài xanh, hôm qua bắt tụi em đi cúp lại tóc đó.

Tôi quay sang nhìn. Đúng là cô ta. Hóa ra cô ta là giáo viên trường Nam Ngọc mà tôi cứ tưởng là cán bộ huyện đoàn. Xì! Vậy mà lên mặt. Đám thầy trò chúng tôi hôm qua vừa chân ướt chân ráo lên tới nơi trình diện, đăng ký số quân, cô ta ghi sổ xong ngẩng lên nói:

– Đề nghị anh cho mấy em trai đi cúp lại tóc.

Tiếng Bắc! Được lắm. Tôi nóng gáy:

– Chị cẩn thận quá. Ở đây thì tìm đâu ra hiệu cúp tóc.

Anh cán bộ huyện đoàn nghe được đến gần bảo:

– Cô cho anh ấy mượn cây kéo.

Tôi hậm hực dẫn tụi nhỏ ra một góc, trong lòng lặp đi lặp lại ý nghĩ:  Việt cộng đó, Việt cộng mà.

Bây giờ cô ta đứng đó, với chiếc áo dài màu xanh da trời. Anh thợ ảnh đưa máy lên:

– Cười nghe! Cười thiệt đẹp nào!

Bất giác tôi thót tim. Có thể từ giây phút nhìn thấy nụ cười của cô gái ấy mà tôi phần nào bớt đi thói kiêu căng của mình. Mà cũng có thể vì cuộc đời rất lạ (phải không anh), có khi chỉ một điều vô cùng nhỏ nhoi cũng đủ sức kéo ta từ thái cực này sang thái cực nọ.

Nói vậy chứ phải một thời gian dài sau, khi Hạ đi rồi, vì cô gái ấy là Hạ, tôi mới nghiệm ra điều này.

Sau lần đó tôi và Hạ gặp nhau luôn vì đều là Tổng phụ trách Đội. Thú vị nữa là hai chúng tôi đều được chọn vào đội Ca khúc chính trị của Ban giáo dục. Chúng tôi thành cặp song ca ăn ý. (Anh thấy đó, tự dưng tôi hăm hở với công việc vô cùng. Chắc ngoài đó các anh không bao giờ hướng tới  một cái gì mà không có ý tưởng cao đẹp. Còn tôi thì…).

(Vịnh nheo mắt nhìn đốm thuốc).

Hạ đẹp, càng đẹp hơn khi dưới ánh đèn sân khấu, trong tà áo dài trắng, cô giới thiệu chương trình biểu diễn:

“Kính thưa quí vị khán giả! Hôm nay nhóm ca khúc Hương Giang của chúng tôi…”.

Mỗi khi nhớ tới giọng nói ấy, một giọng nói Hà Nội đầy truyền cảm, tôi chỉ muốn làm những điều tốt lành.

*

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì mẹ Vịnh đi bán hàng về. Vịnh lật đật chạy ra đỡ làn cho mẹ.

Tôi đứng dậy chào:

– Thưa bác!

– Dạ, chào anh.

Vịnh giới thiệu:

– Anh nhà báo con mới quen.

Vịnh bật quạt, lấy nước mát cho mẹ. Hai mẹ con tíu tít bên nhau. Ý chừng thấy tôi có vẻ thắc mắc vì sự vắng mặt của người cha, bà mẹ nói ngay, không hề rào trước đón sau:

– Ổng đi rồi. Bây giờ còn bị kẹt ở đảo Ma Lai. Thiệt tui cũng không ngờ. Sống với nhau gần đất xa trời rồi, cuối cùng lại giở chứng.

– Mạ!

Vịnh ngăn lại, nhưng người mẹ vẫn tiếp tục:

– Ổng nói sang bên đó tài năng của ổng mới không bị bỏ phí.  Ổng sẽ lập hãng kim hoàn, sau này có tiền sẽ gửi về xây dựng Tổ Quốc. Ổng yêu Tổ quốc bằng cách đó. Tui kêu trời, hỏi ông có điên không đó, ông muốn bỏ mạ con tui đi kiếm vợ bé thì cứ nói thẳng chứ Tổ quốc chi ông. Vậy mà ổng đi thiệt. Giờ tui chỉ còn thằng ni, còn lo vợ cho nó là yên ổn. Mà không chừng mi theo ba mi bỏ mụ già ni ở nhà a Vịnh.

– Mạ! -Vịnh nhỏ giọng van vỉ – Tội Hạ mà mạ.

Bất chợt người mẹ im bặt và thở dài:

– Ờ, con Hạ…

Tôi chen vào:

– Cô Hạ đó có về chơi nhà ta?

– Nó về luôn ấy chứ. Tui thương nó lắm anh. Nó về nhà tui cứ ríu ra ríu rít, “Bác ơi, để con làm cá cho. Bác mua mớ cá này mấy?”. “Bác ơi, có phải con gái Huế về nhà chồng phải kho nồi cá bống thệ để thử tài không?”. Tui bảo: “Đúng đó, mà hồi xưa thôi”. Thế là nó đòi tui dạy nó  kho cá.

– Mạ uống nước cho mát mạ – Vịnh nhắc.

– Ờ, để đó. Có lần tui bảo thằng ni: “Con Hạ đó mà làm dâu nhà ai, nhà đó có phước. Nó mà là dâu con nhà mình, mạ cho nó trâm vòng đeo vô, rồi ăn uống bồi dưỡng cho mập là không kém chi bà Nam Phương(*). Cha tổ thằng con bạc phước, nó cười cười cãi tui: “Con gái Bắc làm dâu mạ đâu được”. Thiệt cái thằng…

Tôi mắc công chuyện nên đành hẹn Vịnh tối mai sẽ tới nghe anh kể tiếp về cô Hạ. Vịnh có vẻ buồn, anh đứng đốt thuốc mãi sau cánh cổng sắt thân nghiêm của gia tộc.Tôi đi xa một đoạn, quay lại vẫn thấy đốm thuốc lập lòe giữa cõi đêm u tịch xứ cố đô. Trời bỗng oi nồng đến khó chịu. Có lẽ sắp mưa lớn.

Y như rằng hôm sau xứ Huế mưa như thác đổ, mù trời mù đất đến tối vẫn chưa dứt. Nhớ lời hẹn, vả lại ngồi một mình nhìn mưa ngao ngán quá, tôi khoác áo mưa, lội nước tới nhà Vịnh. Ngó sang Đập Đá thấy mênh mông là nước. Năm nay Huế lụt sớm. Nghe nói hầu như trận lụt nào xứ sở này cũng phải hiến cho thuỷ thần ít nhất một mạng người. Năm ngoái đâu như có hai vợ chồng nhà thuyền chài bị nước cuốn xuống tận Bao Vinh.

Vịnh không có nhà. Người mẹ có vẻ lo lắng bồn chồn. Bà đưa cho tôi một cuốn sổ và một mảnh giấy trên đó anh viết vội vài dòng:

Trường tôi bị ngập. Xin lỗi anh vì đã thất hẹn. Tiện thể anh đọc  cuốn nhật ký của Hạ tôi gửi kèm đây. Đó là bảo vật cô ấy để lại cho tôi. Xin hẹn anh dịp khác”.

Trần Phan Vịnh

*

Tôi cẩn trọng lật từng trang cuốn sổ. Nét chữ đẹp rắn rỏi. Một cô gái đầy bản lĩnh.

“Ngày… Bố đã hy sinh ở vùng đất này nên mình xung phong vào dạy mấy năm. Khi đi mẹ tìm đến cho tiền. Mẹ khóc. Thật tội nghiệp. Một người đàn bà đẹp không thể chung thuỷ với người đã chết. Mẹ nói đúng. Nhưng mình tủi thân quá.

Mẹ bảo mình giống bố, đã định làm gì là không ai gàn được”

“Không hiểu mình có đẹp không nhỉ?. Mình thấy hoang mang về mặt này. Hôm lên tàu có cả Duy đi tiễn. Anh ấy khóc. Trời ơi kỳ quặc. Mình đã chết đâu cơ chứ. Duy đẹp. Một vẻ đẹp sân khấu. Và lãng mạn. Có thể tưởng tượng một viễn cảnh như sau nếu mình lấy anh ấy:

1- Mình sẽ làm chồng.

2- Duy sẽ ngoại tình. “

“Ngày… Mình nhận chủ nhiệm một lớp có hai phần ba học sinh cha đi lính nguỵ bị chết. Giọng Hà Nội lúc đầu làm cả lớp im phắc.

Mọi sự đều ngỡ ngàng. Người Huế thật dễ thương. Chỉ tiếc là cuộc chiến tranh hơn hai chục năm đã dựng lên bức tường vô hình ngăn cách người Nam và người Bắc. Mình cố gắng xé bức rào giữa mình với mọi người, kể cả đám trò nhỏ xa lạ kia”

“Ngày… Đại hội Đoàn trường. Mình trúng bí thư. Thôi thì cố gắng vậy”

“Ngày…Thao giảng. Cả hội trường đứng lên vỗ tay khi trống hết giờ nổi lên. Mình đã dạy một giờ hết sức thành công. Có thế chứ – một bàn thắng danh dự cho thủ đô Hà Nội”

“Nhận thư Duy báo tin anh sắp lấy vợ. Chúc mừng anh đã thoát khỏi một ảo ảnh. Mình ngắm mình trong gương và tự hỏi: chẳng phải là mi đã bỏ anh ấy trước sao? Vậy còn buồn nỗi gì?”

“Ngày… Các anh chàng lại tiếp tục lui tới y như ngoài Hà Nội. Tùng viết thư cho mình. Tùng đang đóng quân ở Phan Rang. Trước đây khi cùng học mình rất quý người bạn trai này, có lúc thấy yêu nữa. Đó là một người đàn ông thực thụ”

“Ngày… mình được lệnh đến huyện Đoàn nhận công tác: chuẩn bị cho Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn huyện. Nhiệm vụ của mình là ngồi ở phòng khách tiếp nhận các đoàn ở các trường về. Ghi danh sách, kiểm tra tư cách đại biểu, bố trí chỗ ăn ở.

Một sự kiện làm mình chú ý: Trưởng đoàn trường Thuỷ Xuân, một anh chàng người Huế “xịn”, đẹp mã, đầy kiêu ngạo đã “hùng hổ” với mình: “Ở đây kiếm đâu hiệu cúp tóc”. A, mình nhận ra rồi. Anh ta đã đi thao giảng giáo viên giỏi ở cụm mình. Trong sổ dự giờ, ở mục nhận xét mình có ghi: Giờ khá. Nội dung giảng dạy đủ năm bước. Thuyết phục học sinh bằng năng lực biểu diễn hơn là tình cảm”

“Ngày… không ngờ Vịnh, cái anh chàng ở trại hè hồi nọ lại được chọn vào đội Ca khúc chính trị cùng mình. Vịnh biết đàn ghi ta, có giọng hát ấm, Mình cũng í ới được. Mọi người phân mình cả vai giới thiệu chương trình biểu diễn với lí do: đẹp (?) và nói… hay.

Có lẽ cánh mũi mình mất bình thường.

(Cuốn sổ bỏ trống nhiều trang, qua nhiều thời gian. Sau đó lại được tiếp tục).

“Ngày… từ lâu mình biết anh ấy yêu mình. Anh ấy yêu nhưng không nói. Còn mình? Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời… Trời ơi, mình hiểu là mình yêu anh ấy vô cùng, yêu hơn tất cả những mối tình mơ mộng từ trước tới nay cộng lại. Trước anh ấy mình trở nên bé nhỏ. Mẹ anh có vẻ quý mình. Bà dịu dàng và cương quyết, kiêu kỳ và thân thiện. Nhưng mình sợ nếp sống cũ kỹ phong kiến của một dòng họ quý phái. Sợ một dãy dài những bàn thờ cao thấp bí hiểm thâm nghiêm của gia đình anh. Sợ cả những ông, những bà, những cô, những bác mà anh gọi là: ôn, mệ, mụ, o…  Ôi, rắc rối làm sao”

“Ngày… Vịnh nói: Vì Hạ mà tôi ở lại đó, mình cho là anh ấy nói quá. Nhưng nhìn mắt anh không thấy sự đùa cợt. Lạ.

Anh nói mẹ anh giục lấy vợ, nhưng… Anh bỏ dở câu nói và im lặng…  Mình cảm thấy khó thở”

“Ngày… Anh đã đưa mình đi chơi khắp xứ Huế. Anh giới thiệu ngọn ngành từng kỳ tích. Giọng nói sao mà dễ thương. Mình đỡ nhớ Hà Nội.

Mấy hôm nay gia đình anh có sự cố: ba anh vượt biên. Thế mà chả thấy anh ấy buồn. Người trong này thật lạ. Có thể cuộc chiến tranh kéo dài đã làm chai cứng tất cả.

Mấy đứa bạn trêu mình: Lấy tay ấy thì “ngon lành” quá. Chỉ việc đến trường làm bí thư và về nhà làm nũng chồng.

Ôi sợ ghê. Không muốn lấy chồng nữa”

“Ngày… Mình tắm xong và cứ thế đứng trước gương. Da thịt này… Bộ ngực… rồi cặp đùi…

Anh nói có lẽ anh yêu mình ngay từ lần đầu tiên thấy mình chụp ảnh ở trại hè, nhưng… Lại nhưng. Và lại im lặng. Ôi mình muốn khóc vì đã yêu và được yêu lại. Mình đã ôm siết anh trong vòng tay này, đã run lên trong lòng anh, và đã quên ngay cái câu “nhưng” đầy tai ác của anh”

“Ngày… Sắp hết thời hạn biệt phái miền Nam rồi. Nếu trở lại Hà Nội, mình sẽ được về dạy một trường ở nội thành.

Mình đã chờ đợi anh nói: “Anh muốn lấy em làm vợ”. Nhưng đã một năm trôi qua rồi, mình chờ muốn hoá đá”

“Ngày… thôi thế là hết! Danh dự bị tổn thương. Mình đã hiểu vì sao anh ấy cứ hay nói “nhưng”.

Hôm nay mình có việc cần tìm anh ấy. Ở trường anh người ta nói hôm nay nhà anh có kị(*). Mình đạp xe tới. Đến ngõ, chưa kịp bấm chuông thì bỗng nghe rõ một tiếng nói từ trong sân:

– Thật tức cười. Dân ngoài đó con gái thì bổ củi, con trai thì đi chợ.

Tiếng cười rộ lên. Có anh trong đám đó.

– Vậy mà thằng Vịnh yêu một cô Hà Nội đó.

– À, cô ấy khác – Vịnh nói bằng cái giọng không mấy cương quyết. (Hay là mình tưởng tượng).

– Nghe nói gái Hà Nội dân chủ, bình đẳng, hay bắt nạt chồng lại nói năng bốp chát. Thằng Vịnh nhà mình chịu chơi, sức mấy lại rước về một cô “bộ đội” để mà suốt ngày hầu em. Ờ, nhưng nó thế mà khôn, yêu cho vui, cho biết mùi gái Hà Nội chớ phải không Vịnh. Hí… hí… Muốn làm dâu họ nhà này đâu có dễ. Con Nga nó chờ mi chán cô bồ Hà Nội là nó nhảy vô đó Vịnh à.

Không! mình muốn hét lên. Vịnh ơi, em đã hiểu rồi. Một bức tường vô hình không cách gì phá nổi giữa em và anh. Mình lao đi. Không cần biết Vịnh đang gọi hớt hải đằng sau. Hạ ơi. Hạ.

“Ngày… Mình quyết định sẽ ra Hà Nội. Mọi thủ tục đã làm xong. Mình nhớ một câu chuyện đọc hồi cấp ba về một đôi trai gái yêu tự do hơn cả tình yêu. Lòng đầy kiêu hãnh họ thà ngã gục hơn là để tình yêu khuất phục.

Nhưng câu chuyện đó thì có liên quan gì đến mình cơ chứ.

Mình biết chiến tranh đã để lại nhiều hậu quả, kể cả việc dựng lên bức tường đáng sợ kia. Cần phải có thời gian và lòng kiên nhẫn mới xóa được tất cả. Nhưng mình không còn đủ nghị lực nữa.

Con gái Bắc Kỳ không thể làm dâu xứ Huế. Vịnh ơi, anh đâu có lỗi. Nhưng chúng ta làm sao phá được cái hàng rào tai ác ấy hở anh? Biết bao phiền toái lặt vặt xảy ra hàng ngày sẽ làm em tủi thân và sẽ làm anh mau chán em. Biết đâu anh chẳng buột miệng: Không chúng tôi khác cơ. Chẳng thà thế này mà hơn. Hãy quên em đi.

“Ngày… Mình tìm gặp mẹ anh ở chợ. Hai bác cháu đỏ hoe mắt. “Bác ơi, tha lỗi cho con”. “Con không thương mạ, không thương nó sao?”. “Con yêu anh ấy suốt đời. Nhưng số chúng con không lấy được nhau. Con đi để giải thoát cho anh ấy”.

Khách hàng ngơ ngác nhìn.

“Ngày… Vé đã mua rồi. Đã chia tay với học trò và bạn bè. Nước mắt.

Nhưng bỗng dưng mình có ý nghĩ: nếu ngày mai anh tìm mình ở ga – ừ, dẫu tìm là để tát cho mình một cái thật đau – biết đâu mình sẽ ở lại?

Trời mưa rền rĩ cả ngày. Đến mùa lụt rồi. Không hiểu năm nay nước có tiến công ngôi trường bé nhỏ này không? Ngày mai là xa rồi Huế ơi. Anh có biết là em đã đau đớn như thế nào khi quyết định ra đi?

Mình bỗng nhớ một bài thơ không hiểu của ai:

Buồn đau là biển cả

Vui sướng là ngọc châu

Khi mò được ngọc châu dưới biển

E giữa vời tan nát biết đâu…(*)_

Ơ kìa, nước! Thôi chết, trường ngập rồi. Tạm biệt nhé sổ thân yêu ơi”

*

– Vậy là anh để cho Hạ ra Hà Nội?

– Không, tôi đâu có chịu mất Hạ dễ thế. Mà cô ấy cũng không đi đâu cả – Vịnh thở dài – Cô ấy vẫn ở lại đây, ở lại mãi mãi.

– Sao?

Cả đêm tôi không thể nhắm mắt. Từ khi Hạ quyết định trở lại Hà Nội, tôi giận vô cùng. Lòng tự trọng của cô ấy còn lớn hơn tình yêu. Nhưng còn tôi? Tôi đã làm được gì để giữ Hạ ở lại? Tôi tự xỉ vả mình suốt đêm, chỉ mong trời mau sáng. Mà sao trời mưa quá. Suốt đêm gõ rào rào trên mái nhà. Sáng sau mạ tôi gọi: “Vịnh ơi, ra ga đi con, đi tìm con Hạ về đây”.

Tôi đi như gã điên trên sân ga đầy nước. Mưa như quất vào mặt. Hạ ơi, tim tôi gào lên. Tôi tìm khắp nơi nhưng không thấy cô ấy đâu cả. Hành khách đã lên tàu. Tôi hốt hoảng nhòm mặt từng cô gái. Hay cô ấy đã đi chuyến trước? Tôi ngó lên đoàn tàu đang từ từ rời khỏi sân ga. Đến lúc anh nhân viên nhà ga vỗ mạnh vào vai tôi mới sực tỉnh.

– Điếc à?

Tôi lắp bắp hỏi:

– Anh có thấy một cô gái người nhỏ nhắn, trắng, tay xách va li màu nâu?

Anh ta phá lên cười:

– Trời ơi, một ngày có bao nhiêu là khách. Vả lại trời mưa thế này…

Tôi lê ra khỏi sân ga. Không, không thể thế này được. Phải chăng là số phận đang đùa cợt. Không, mi sẽ thua thôi số phận tai ác ơi. Tôi chợt mỉm cười. Có gì đâu, tôi sẽ ra Hà Nội tìm Hạ. Tôi sẽ chịu đựng tất cả, kể cả những điều tồi tệ nhất miễn sao giành lại được cô ấy.

Bức tường ngăn cách! Không phải ngẫu nhiên mà Hạ cứ hay nhắc tới cái bức tường vô hình ấy. Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, vậy mà chúng ta cứ tự dựng lên những rào chắn để làm khổ nhau.

Bấy giờ tôi mới nhận ra nước sông đã dâng rất cao. Lụt lớn rồi. Ờ, biết đâu Hạ lại chẳng đang lo chống lụt ở trường. Tôi thật lú lẫn. Trường cô ấy nằm sát sông, nước thế này là trường đó ngập hết. Tôi biết tính Hạ.

Tôi vứt xe đạp vào nhà. Thuê đò qua cồn Hến, qua cầu sang Vĩ Dạ rồi đi thẳng đường quốc lộ về phía biển. Phải thuê đò mới vào được trường Hạ. Trời ơi tôi mừng suýt khóc khi thấy cô ấy. Cô đang lóp ngóp trong thư viện cùng mọi người để kê dọn các thứ lên cao.

– Hạ! – Tôi thét lạc giọng.

– Ối anh Vịnh! Nhanh vào đỡ chúng em với.

Tôi muốn ôm chặt lấy cô như sợ cô sẽ bay mất trước mắt tôi. Nhưng nước mênh mông ngăn cách. Chúng tôi hét gọi nhau.

– Anh đi tìm em ở ga. Tưởng em đi rồi, muốn chết.

– Thế nếu em đi thật rồi thì sao?

– Thì anh sẽ sắm một cái roi thật dài đem ra Hà Nội.

Cô cười lắc lắc đầu buồn bã:

– Anh Vịnh ơi em tệ quá phải không?

– Chính anh mới là kẻ đáng để em trừng phạt.

Trước mắt tôi là đám cưới tưng bừng – Hạ của tôi e ấp trong tà áo dài. Chúng tôi sẽ cùng nhau quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên. Rồi những ngày hạnh phúc…

(Vịnh bỗng nghẹn giọng. Anh dừng kể, ngón tay lập cập rút điếu thuốc đưa lên môi. Không gian im lặng đến dễ sợ. Lát sau câu chuyện được tiếp tục…)

Anh còn nhớ câu thơ Hạ ghi ở cuối sổ? Ờ tại sao lại cứ thích những kiểu thơ ấy cơ chứ. Sau này tôi thường suy ngẫm về cuộc đời con người. Có người sinh ra là để hưởng thụ. Lại có người sinh ra để đứng phía trước, nơi sóng cao gió cả. Hạ của tôi đẹp thế, thiếu gì nơi sung sướng nhàn hạ suốt đời cho cô ấy. Vậy mà cô cứ chọn cho mình một con đường khúc khuỷu.

Giá như hôm đó Hạ cứ ra ga, mặc kệ lụt bão ở trường. Giá như hôm đó Hạ đứng ở chỗ khác hay theo chân mọi người ra ngoài để nghỉ. Hoặc giá như tôi và Hạ không có chuyện giận nhau trước đó… Trăm ngàn giả thuyết quay cuồng trong đầu tôi. Nhưng là tôi nói vậy thôi chứ với Hạ thì không thể có chuyện giá như ấy được.

Ngày hôm đó tôi vừa nắm được hạnh phúc trong tay thì hạnh phúc lại bỏ tôi ra đi vĩnh viễn. Tiền định nghiệt ngã đã đổ ụp lên đầu chúng tôi, ngay trước mắt tôi mà tôi đành bó tay bất lực.

Công việc gần xong, mọi người đã bợt bạc rã rời. Hạ nói mấy người nghỉ trước để cô kê nốt mấy hộp đồ dùng dạy học cuối cùng rồi sẽ nghỉ. Lúc đó tôi đang bơi ra ngoài để đóng giúp mấy cánh cửa phòng học bị bật ra, sợ để vậy nước sẽ cuốn trôi bàn ghế.

Cái nghèo đáng phải lên án anh ạ. Đáng lên án hơn nữa là sự vô trách nhiệm. Ngôi trường lâu ngày không được tu bổ. Mái nhà không chịu được gió bão đã sụp xuống.

Tôi bế tấm thân bê bết máu của cô ấy trên tay chạy loạng choạng tới bệnh viện. Nhưng không kịp nữa.

Khỏi phải nói chắc anh cũng hiểu được tôi đã phải khó khăn thế nào để sống được trong những ngày sau đó.

Bây giờ cô ấy nằm ở gò đất sau trường. Tôi đã xin về dạy ở trường Hạ. Ngày ngày tôi vẫn chuyện trò với cô. (Vịnh cười buồn). Anh thấy đấy, chúng tôi đâu có xa nhau.

*

Hơn mười năm tôi mới lại có dịp ghé thăm Huế. Mà xe cũng chỉ dừng được vài tiếng. Đang ngó nghiêng ghé mấy quầy hàng thì có tiếng gọi:

– Kìa anh, có phải anh là…

Tôi nheo mắt.

– À… Ờ …

– Anh không nhận ra tôi?

Để xem nào. A đúng rồi. Nhưng trễ nải. Những nếp nhăn đuôi mắt.

– Vịnh phải không?

– Dạ. Thế là anh vẫn chưa quên.

– Vợ con gì chưa?

– Dạ rồi.

– Huế hay Hà Nội?

– Dạ, Bắc di cư. Bác sĩ, ngày trước đã cấp cứu cho Hạ.

– Ái chà. Còn đi dạy chứ?

– Dạ… không ạ

Tôi ớ ra. Tiện mồm thì hỏi cho vui chứ ai ngờ…

– Thế chán nhà nước rồi hả?

Vịnh lắc đầu:

– Đâu có, anh. Anh còn nhớ về Hạ không, Hạ thường nhắc tới một bức tường vô hình… Anh còn nhớ chứ?

– Này, mình rất vội – Tôi nhìn đồng hồ rồi kéo Vịnh vào một quán giải khát.

– Nhớ. Nhưng kể vắn tắt xem  nào.

– Tôi đấu tranh vạch mặt tay hiệu trưởng tham ô của công rồi tham gia đường dây buôn trầm. Kể ra buôn gì thì mặc họ, nhưng đằng nằy bỏ bê trường sở để lớp học dột nát, bàn ghế xiêu vẹo. Hồi xưa Hạ đã bị… Sau họ có tu sửa, xây dựng thêm. Nhưng từ đó tới giờ mười mấy năm rồi còn gì anh. Ông Phó ban giáo dục xuống gặp tôi gợi ý để tôi thôi vụ đó. Tôi ức quá. Nhưng không may cho tôi, cuộc đấu tranh chưa thành công, lão hiệu trưởng đang tìm mọi cách để đẩy tôi đi, thì xảy ra một chuyện đáng tiếc: Đợt tôi đưa học sinh đi lao động công ích, sơ ý đã để một cậu bé trốn xuống sông bơi, bị chuột rút chết đuối. Ai ngờ lại là cháu ruột ông chủ tịch huyện.

Tôi bị kỷ luật. Ông hiệu trưởng lập hội đồng kỷ luật với một bản luận tội dài dặc: Gia đình tư sản nguỵ – Lén lút hành nghề vàng bạc trong khi nhà nước cấm (những năm trước) – Cha vượt biên – Gia đình vợ là thành phần phản động chống phá cách mạng phải chạy vào Nam năm 54 – Tụ tập giáo viên miền Nam (những giáo viên miền Bắc là theo đuôi) gây bè cánh vu cáo lãnh đạo nhằm hạ uy tín, thực chất là phá hoại cách mạng -bằng chứng rõ rệt nhất là cố tình hãm hại con cháu cán bộ.

Ở hội đồng kỷ luật, có người lên tiếng phản đối: Anh Vịnh đã từng là Chiến sĩ thi đua của tỉnh, là một trong những người có công xây dựng nhà trường v.v và v.v….

Ông ta khoát tay, ồ, động cơ thấp hèn thôi, chẳng qua mê một cô giáo Hà Nội xinh xắn nên mới…

Tôi không thể không thét lên:

– Tôi cấm các ông động đến cô ấy!

Thế đấy anh ạ. Tôi đã đi các cửa kêu kiện. Nhưng chưa đâu vào đâu cả. Mạ tôi bữa nay đau liên miên. Hạ đã từng nói: Phải có thời gian và lòng kiên trì… Nhưng… tôi cảm thấy kiệt sức rồi…

Tôi chia tay Vịnh mà lòng day dứt. Liệu tôi có thể giúp được gì cho anh? Cuộc đấu tranh này, cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái thiện và cái ác, không chỉ đơn giản để cứu những số phận đơn lẻ, mà còn là cứu vớt niềm tin của cả một lớp người.

Dòng sông Hương trôi êm đềm xanh thẳm, dịu dàng như một tà áo dài, ai biết trong lòng nó những gì bí ẩn?

(*) Nam Phương Hoàng hậu, vợ Bảo Đại

(*) Kị: Giỗ

(*) Thơ Pêtôpi