Mẹ đi chợ sớm, chọn mua mỡ phần từ con lợn béo nhất. Cả tảng thịt mỡ nằm ngoan lành trong làn, khiêm nhường bên cạnh đám rau củ sắc mầu, hối hả theo mẹ từ chợ về nhà.  Nhưng đó lại là thứ khiến con hào hứng. Mẹ bảo, miếng mỡ phải săn như thạch, sờ vừa dẻo, vừa mềm, không hề có cảm giác nhớt tay thế mới ngon. Mỡ được rửa cho sạch bụi bặm,  rồi thái miếng mỏng, cho vào chiếc chảo đang nóng ruột nằm chờ trên bếp lửa. Ban đầu mỡ còn dính trên mặt chảo nóng, đũa đảo đến đâu tiếng xèo xèo reo vui theo tới đó.  Rồi dần dần từng lớp nước mỡ bắt đầu ứa ra, loang loáng phủ bóng nhẫy mặt chảo. Những đoạn mỡ còn sót mẩu bì lợn,  sẽ là thủ phạm của những tiếng nổ đôm đốp, bắn cả nước mỡ ra ngoài. Chẳng may bị nước mỡ nóng bắn vào tay vào mặt thì rát phải biết. Nhưng rát mấy thì rát, con chẳng hề sợ. Mắt còn đang mải hong hóng nhìn vào lòng chảo, miệng thèm thuồng nuốt nước bọt. Con mong đến lúc miếng tóp mỡ vàng giòn được vớt ra, và tan dần trong miệng. Nhưng rán mỡ không thể vội, lửa không thể để to vì sẽ khiến mỡ có mùi khét, xào nấu không còn ngon nữa.



Con kiên nhẫn nhìn mỡ nóng tan chảy trên chảo, cảm nhận mùi  thơm  ngầy ngậy bắt đầu tỏa ra, làm ấm sực căn bếp ám đầy khói và bồ hóng. Nước bọt nuốt ừng ực. Cái mùi thơm của chảo mỡ no đủ, quyến rũ đến thế kia mà. Nhưng miếng mỡ vẫn còn trắng lắm, chưa thành tóp được. Mẹ lừ mắt. Phải đợi đến chừng lưng chảo đã sóng sánh nước mỡ nóng, các miếng mỡ đã chuyển hết sang mầu ngà vàng, săn lại thì việc rán mỡ mới coi như hoàn tất. Nước mỡ chắt vào âu sành, to hơn bát tô, đợi nguội rồi mới đậy nắp cất vào chạn. Tóp vỡ thì vớt ra đĩa cho ráo. Trong lúc ấy thì miến ngâm đã kịp mềm, mộc nhĩ nấm hương đã nở bung như những cánh hoa trong nước. Su hào, cà rốt đã gọt vỏ, nằm đợi sẵn trên thớt. Mẹ thoăn thoắt vớt miến, rồi cắt chúng từng đoạn nhỏ. Xong miến, chuyển sang thái các loại rau củ. Tay mẹ thao tác nhanh tới mức chỉ nhìn thôi mà con cũng thấy hoa cả mắt. Chưa kịp nhìn thấy sống dao nhấc lên đã nghe tiếng lưỡi dao chạm thớt lách cách. Chỉ trong vài phút, cả củ su hào to tướng đã biến thành đám vụn nhỏ mầu trắng ngà ngà xanh, hạt nào hạt nấy đều tăm tắm và nhỉnh hơn hạt gạo. Giải quyết xong củ su hào, mẹ chuyển sang cà rốt. Dao thớt tiếp tục lách cách lách cách nghe thật vui tai. Chỉ loáng một cái,  nồi nguyên liệu của mẹ bây giờ đã có mầu trắng đục miến dong, trắng xanh của su hào và mầu đỏ của cà rốt. Nhưng vẫn chưa đủ. Thêm vài phút nữa, để mộc nhĩ và nấm hương được góp mặt, thêm sắc nâu đen cho nồi nguyên liệu. Mẹ còn thích cả hành tây nữa, cho món ăn dậy mùi hơn. Mẹ vừa thái hành tây vừa xuýt xoa vì  cay mắt. Con chầu chực tranh phần đập trứng. Hành tây xắn nhỏ vừa đổ vào, con đã dốc ào bát trứng đã đánh sẵn. Hơi hành tây không còn bay lên làm cay mắt hai mẹ con được nữa.

Bát tóp mỡ giờ đã kịp nguội. Con đã tắc lẻm được vài miếng giòn rụm. Tóp mỡ ngon thế này, chỉ cần trộn với cơm nguội, chan thêm ít nước mắm, thì  có mà năm bát cơm con cũng ăn hết sạch. Nhưng hôm nay thì con phải kiềm chế để đón ăn một món thật đặc biệt.

Mẹ băm vụn tóp mỡ, trộn đều với nồi nguyên liệu đã đợi sẵn. Tất cả giờ đã quyện vào nhau, sánh dẻo, no đủ. Nhưng vẫn cần thêm chút muối cho đậm đà. Việc chuẩn bị nhân bánh đã xong. Tệp bánh đa nem đã sốt sắng chầu chực bên cạnh đây rồi. Một thìa nhân đầy, dàn dài giữa vỏ bánh hình tròn, to bằng cái đĩa. Bánh đa nem chỉ chờ đủ nhân là hai bên mép bánh, rồi diềm  phía trên, phía dưới bảo nhau gói ghém lại cẩn thận, sao cho thành miếng thuôn dài, vừa ăn. Chảo mỡ chờ cũng lâu rồi, giờ tiếp tục ngồi lên bếp lửa, hâm nóng lại. Lúc bề mặt mỡ bắt đầu lăn tăn gợn sóng, là lúc mẹ giục con thả nem vào chảo. Mỡ reo lên hào hứng đón người bạn mới. Lửa phải  rút bớt để không làm cho nem bị cháy. Cứ từ tốn thôi, để tận hưởng thật chậm, thật sâu cái mùi no đủ của mộc nhĩ nấm hương, của trứng, của tóp mỡ, hành tây. Để nhìn miếng nem quyện vàng mầu của trứng, lấm tấm sắc đỏ của cà rốt đang reo vui hớn hở, chờ lúc chín vừa độ nằm ra đĩa chờ người thưởng thức.

Mùi thơm của chảo nem rán không chịu nằm yên trong căn bếp ám khói và đầy bồ hóng. Mùi thơm giống như đứa trẻ, tung tăng chạy ra ngoài sân, chơi trốn tìm trong vườn, trốn cả sang nhà hàng xóm. Nhà hàng xóm đang co ro trong khăn áo tránh rét, cũng phải vươn người qua hàng rào, nắc nỏm: “Bên ấy rán nem thơm thế. Lạnh thế này, có miếng nem nóng bỏng mồm thì phải biết.”
Mẹ biết bụng dạ con đã cồn cào lên cả rồi. Chờ mãi mới được miếng nem vàng giòn, thơm ứa nước miếng, mà còn phải đợi đến tận lúc mâm bát xếp lên mới được thưởng thức thì quả là cực hình với con. Mẹ nháy mắt, gắp cho con miếng nem vừa rời chảo. “Nếm cho mẹ xem đã được chưa nhé. Nhưng phải thổi và ăn từ từ thôi kẻo nóng.”

Cảm giác được ăn miếng nem đầu tiên sao mà sung sướng. Con cắn ngay miếng rõ to, chẳng kịp nghe lời cảnh báo của mẹ. Y như rằng, lưỡi con dựng lên vì nóng. Miệng con xuýt xoa. Nóng thì mặc nóng. Con hối hả nhai, nuốt. Trời ơi, sao mà ngon. Cũng chỉ là các loại rau củ trứng miến trộn vào với nhau. Thậm chí thịt trộn để làm nem chỉ là tóp mỡ. Mẹ bảo, giá có ít thịt nạc vai băm nhuyễn trộn vào thì còn ngon nữa. Nhưng con thấy như thế này đã quá tuyệt hảo rồi, chẳng món gì có thể ngon hơn được nữa.

Nem nóng phải ăn vào tiết trời lạnh mới đúng kiểu. Nhưng không phải là cái lạnh cắt da cắt thịt, miếng nem vừa gắp ra đã nguội lạnh, mỡ vừa chắt vào âu đã đông đặc lại, tay cầm đôi đũa mà thấy lập cập. Cái lạnh chỉ chừng tê tê da thịt, không khiến cái chân chỉ chực rúc vào chăn ấm, cái mắt díp lại, quyển sách không buồn mở ra. Cái lạnh đủ để cỏ cây bật mầm, trổ nụ. Như thế thì nem gắp ra đĩa vẫn còn nóng. Miệng nhai miếng nem mới cảm nhận hết cái dai giòn của mộc nhĩ, vị ngọt hòa quyện rất tinh tế của su hào, cà rốt, hành tây, và đương nhiên vị ngậy của trứng, thịt. Trong bữa tiệc của mùi vị, miến trở thành ông anh cả không thể thiếu làm nhiệm vụ kết nối các anh chị em nguyên liệu khác. Ông anh âm thầm nền cho các em tha hồ khoe hương khoe sắc. Nhưng thử không có ông anh miến mà xem, miếng nem sẽ vô cùng rời rạc, ăn vào thấy bứ trong miệng. Miếng nem không còn ra đúng vị của nó nữa, mà trở thành một thức ăn đểnh đoảng, vô duyên hết sức.

Mặc dù cả nồi nguyên liệu gần đầy ứ, con vẫn lo sợ chừng ấy không đủ. Con ăn đã tới 4 – 5 miếng nem và chưa thấy nó có dấu hiệu gì ở trong dạ dày của mình. Con có thể ăn hết cả đĩa nem tú hụ mà không thấy no. Nhìn cơn háu ăn của con, mẹ chỉ cười xòa. Mẹ thừa biết tính con. Cái đứa dẫu đã  ních đầy bụng mà vẫn còn đói con mắt. Nhìn cái miệng nhồm nhoàm, bóng mỡ của con, mắt mẹ ánh lên niềm vui.

Con láu cá, bày trò  để có thêm nhiều nem hơn nữa, như thế mới thỏa cơn thèm thuồng của con. Con bớt nhân ở mỗi cái nem. Thành thử ban đầu, cây nem còn tròn trịa, đầy đặn. Càng về sau cây nem con gói càng gày gò. Như thế rán vừa nhanh, con lại vừa có nhiều nem để ăn. Con ăn không hết bữa này thì bữa sau ăn tiếp. Con ăn nem cả tuần, cả tháng không chán.

Mẹ nấu ăn khéo, món nào cũng ngon, dù tiền trong túi chẳng bao giờ dư dả. Nhưng mẹ luôn nghĩ ra những món ăn cho riêng nhà mình. Thực đơn của mẹ lúc nào cũng phong phú. Từ quả bí ngô ngoài mảnh vườn hẹp mẹ cũng nấu được nồi chè bí ngô sánh vàng, thơm dẻo. Từ ít ngô răng ngựa rắn câng mẹ cũng bung với vôi, tra thêm nắm gạo là thành món ăn thật ngon. Nhưng con vẫn mê nhất là món nem. Con gọi đó là món mùa xuân của mẹ. Vì mầu sắc tươi vui của nó, vì hương vị quyến rũ của nó. Vì cảm giác sum vầy, ấm cúng mà nó thúc giục, gọi mời. Ăn nem không thể thiếu nước chấm ngon và đĩa rau sống non mơn mởn nữa. Chừng ấy đã đủ thành một bữa tiệc linh đình rồi. Bát đũa  lanh canh, cả nhà hồ hởi gắp gắp, chấm chấm.

Ngày đi học xa nhà, cứ chiều đến, ngồi bên chiếc bếp dầu khét mù, đặt trước cửa phòng trọ chật chội như chuồng chim, nấu bữa cơm cuối ngày đểnh đoảng với rau luộc, trứng luộc, con lại thổn thức nhớ mẹ, nhớ nhà. Nhớ mùi cơm sôi, nhớ mùi hành mỡ phi thơm lừng, nhớ mùi nước mắm tỏi nồng nàn. Nhưng thèm thuồng nhất nhất vẫn là mùi nem mẹ làm. Thậm chí, có lần thoáng ngửi thấy mùi nem cất lên phảng phất mơ hồ tỏa ra từ quán xá dọc phố là con lại thấy lòng rưng rưng muốn ứa nước mắt. Thầm ước, giá như lúc này, mình không bơ vơ trên phố, mà ngồi trong căn bếp ám khói và đen kịt bồ hóng  của mẹ. Con thèm cảm giác quây quần đầm ấm trong gian bếp chật chội. Với con, gian bếp ấy là chốn yên bình và thân thương nhất.

Bởi ở đó, con có mẹ…
Nguồn Văn nghệ Tết Bính Thân số 5-6-7/2016

Exit mobile version